Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần 33 mùa thường niên năm B 17.11.2024 * Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lễ các Thánh Tử đạo tại Việt Nam
BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9
“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c.3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. – Ðáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25
“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Dothái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hylạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Dothái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Dothái hay Hylạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
Ðó là lời Chúa.
ALLELUIA: 1 Pr 4, 14
Alleluia, alleluia! – Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22
“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Ðó là lời Chúa
Dẫn Lễ Thiếu Nhi CN Lễ CTTĐVN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Dẫn vào Thánh lễ
Lòng vàng đá tổ tiên ta
Hy sinh đổ máu mình ra vì Thầy
Chúng ta con cháu các ngài
Dấn thân làm chứng dựng xây cuộc đời.
Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-26).
Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo hội: các giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh và giáo dân. Các ngài là những công dân hiền hòa và các Kitô hữu gương mẫu, sống trung thành với Thiên Chúa và yêu mến tổ quốc. Họ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày và cuối cùng chết vì Đức Kitô.
Dâng Thánh lễ hôm nay, mời các bạn thiếu nhi hiệp lời tôn vinh Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng của tổ tiên, là sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh. Mời cộng đoàn đứng.
Bài đọc 1 (2Mcb 7,1.20-23.27b-29)
Sách Ma-ca-bê quyển thứ hai tả lại cảnh bảy anh em bị bắt cùng với mẹ của mình. Đứng trước vua An-ti-ô-kô, cả bảy anh em đã anh dũng tuyên xưng đức tin và sẵn sàng chết cho niềm tin vào Thiên Chúa.
Bài đọc 2 (Rm 8,31b-39)
Trong mọi gian nan thử thách, dù sự chết hay sự sống, cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Đó là lời Thánh Phaolô nhắn nhủ các Kitô hữu trong thư gởi tín hữu Rôma.
Lời nguyện chung
Chủ tế: Thiếu nhi chúng con thân mến, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô. Hiệp với toàn thể Giáo hội, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
- “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Xin cho các vị mục tử trong Hội thánh/ biết trung thành phục vụ Chúa và hăng say loan báo Tin mừng cho muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
- “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng”. Xin cho các tín hữu Việt Nam/ biết noi gương các Thánh Tử Đạo/ mà can đảm sống đức tin giữa đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
- “Các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào”. Xin cho các phụ huynh, các thầy cô giáo lý viên và các anh chị trưởng/ biết sinh nhiều hoa trái tốt lành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
- “Các Thánh Tử Đạo là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, là thành phần trung kiên của Hội thánh”. Xin cho thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta luôn nhớ rằng: chúng ta là con cháu các Thánh Tử Đạo, phải luôn noi gương và sẵn sàng tiếp bước cha ông. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, tổ tiên chúng con đã anh dũng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin mừng. Xin thương nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp, cho chúng con luôn can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, và trung thành phục vụ Hội thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Thiếu nhi chúng con yêu quí
Cha đố chúng con hôm nay là ngày lễ gì?
– Thưa cha lễ kính các thánh Tử Đạo tại Việt nam.
– Rất chính xác! Chúng con giỏi.
– Thế tử đạo là làm sao chúng con.
– Thưa tử Đạo là chết vì Đạo.
– Thế Đạo đây là Đạo nào nhỉ?
– Dạ thưa Đạo Chúa.
– Chúa nào?
– Dạ thưa Chúa Giêsu.
A. Như vậy Tử Đạo là dám chết vì tin vào Chúa Giêsu và nhất định không từ bỏ niềm tin đó cho dù có phải chết, chết thật đau thương, chết thật anh hùng.
Cha nhớ trong ngày trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam lên hàng chân phước ngày 27.5.1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói:”Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội “
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: “Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vai giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới”.
Thế chúng con có biết các thánh Tử Đạo Việt nam chịu chết vào thời gian nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta không? Cha trả lời cho chúng con ngay.
+ Thời gian không xa chúng ta lắm. Các Ngài đã chịu chết ngay trên đất nước Việt nam này. Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888 có nghĩa là chỉ cách chúng ta hơn một thế kỷ và kéo dài gần 3 thế kỷ. 3 thế kỷ ba thế hệ của cuộc sống làm người.
Cha hỏi tiếp: Chúng con có biết có bao nhiêu người đã chịu chết như vậy không? Con số những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại này không nhỏ: Lịch sử cho chúng ta thấy những người chịu ảnh hưởng của cuộc bách hại rất lớn.
* Có khoảng 400.000 người bị lưu đày, phát lưu và phân sáp.
* 130.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988 cách đây 12 năm.
Thế còn các hình khổ các thánh Tử Đạo Việt nam đã phải chịu là những hình khổ nào?
Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được
Thì dụ như bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giày, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng vv. Đó là những hình phạt tương đối nhẹ.
Bên cạnh đó còn có những hình khổ thật quyết liệt như bị trảm quyết – tức là bị chặt đầu- bị xử giảo – tức là bị thắt cổ -, hay bị thiêu sống.hoặc Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì – phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao. Đây chúng con nghe câu chuyện về việc bị xứ báo đao của Cha Cố Du:
Ngày 30-11-1835 họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử Ngài.
Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.
Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.
Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.
Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.
Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.
Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất – một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông – rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30-11-1835
Cha chết rồi bọn lính chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”
II. BÀI HỌC
Bàn về cái chết của Gandhi một con người mà người dân Ấn độ lúc nào cũng kính trọng và coi ông như một vị thánh nhà văn hào Tagore đã viết: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn phải nhớ tới thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”
1. Bài học thứ 1: Giá trị của niềm tin.
Đức tin là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức được giá trị của nó. Phải ở trong những hoàn cảnh Đức tin bị đe dọa con người mới thấy được Đức tin có một giá trị to lớn như thế nào.
Phaolô Mợi bị bắt bị đem ra xử.
Quan nói với Anh: “Anh đạp lên ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.
Phaolô Mợi không trả lời.
Quan nói tiếp: “ Vậy thì một nén vàng.”
+ Dạ bẩm quan chưa đủ.
– Vậy anh muốn bao nhiêu?
+ Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khoá thì quan lớn phải cho tôi đủ vàng bạc để tôi mua được một Linh hồn khác! Vâng làm sao mà có đủ vàng bạc để mua được một linh hồn!
2. Bài học về lòng trung thành.
Trong một bài diễn văn Hitler đã tuyên bố một câu làm nức lòng các chiến sĩ của ông. Ông nói: “Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”
Nietszche: “Lao công của các bạn là chiến đấu. Hòa bình của các bạn là chiến thắng”
Victor Hugo: “Đồi Calvaire ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó”
Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần tuyên bố: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”
Còn Nguyên văn Lựu thì nói: “Đạo đã nhập vào xương vào tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được “
Để trung thành với Chúa, các ngài đã vứt bỏ nhà cửa ruộng đất, bồng bế con cái cháu chắt chạy trốn lên nơi rừng sâu nước độc, sống cô quạnh hiểm nguy.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã sống bập bềnh trên những con thuyền tạm bợ, lẩn lút dọc bờ sông ven biển, nhịn đói nhịn khát, bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã đành lòng chịu tịch thu gia sản, chịu cảnh phân sáp dã man, cha mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng không được sum họp với nhau, gia đình phải tan nát đau thương.
Để trung thành với Chúa, các ngài đã vui lòng chịu những hình khổ bạo tàn độc ác như bị cạo trọc đầu, bị kẹp các ngón tay cho ra máu, bị chặt đứt các ngón tay rồi bị thả về tàn tật, bị vấn dẻ vào đầu các ngón tay để bị đốt cháy, bị đánh bách trượng, bị xẻo bá đao, bị cắt hai tay, bị chặt chân chặt tay, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị khắc chữ Tả Đạo vào má, bị voi chà, bị treo ngược vào cột đê xé xác ra làm sáu mãnh, bị gươm đâm thâu hông, bị thả vào vạc dầu sôi, bị mang gông phơi nắng nhiều ngày, bị giam chết đói chết khát, v.v.
Sẽ không có vinh quang cho nhưng ai không chịu chiến đấu.
Sẽ chẳng có chiến thắng cho những ai không dám ra chiến trường.
Sẽ không có phần thưởng cho những ai không chịu hy sinh vì chính nghĩa Nước trời.
Tranh tô màu – Chúa nhật XXXIII Thường niên – Năm B
Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XXXIII TN 2024 – Năm B
Các thánh tử đạo là dấu hiệu sáng ngời của quyền năng Chúa Thánh Thần. Họ không phải là những siêu anh hùng được ban cho những quyền năng phi thường hay có khả năng chống lại đau khổ hơn người. Nếu họ có thể chịu đựng được nỗi đau của việc tử đạo với sự thanh thản bất khuất cho đến cùng, thì đó là vì họ đã phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã đổ đầy sức mạnh của Người vào họ.
Họ đã hiến dâng sự yếu đuối của mình cho Chúa và qua sự yếu đuối này, Chúa Thánh Thần đã biểu lộ quyền năng vô biên của Người.
Chúng ta đừng ngần ngại nói với trẻ em về giá trị và sức mạnh của những vị thánh này, đặc biệt nếu họ là một trong những vị thánh bổn mạng của con em chúng ta.
Chúng ta nên giới thiệu những vị thánh này cho con em mình như thế nào?
Không cần phải đi sâu vào những chi tiết khủng khiếp của những cuộc tra tấn mà những vị thánh tử đạo đã phải chịu đựng. Điều này có thể gây chấn thương tâm lý, đặc biệt là với những đứa trẻ nhạy cảm; hơn nữa, đó không phải là điểm cốt yếu cần được đề cập tới.
Nhiều vị thánh tử đạo chỉ được biết đến qua hoàn cảnh cái chết của họ. Không có lý do gì để sáng tác cuộc đời cho các vị thánh tử đạo trong khi chúng ta không biết gì về họ, nhưng chúng ta có thể mô tả bối cảnh lịch sử, địa lý và xã hội vào thời kỳ của vị thánh đó.
Chúng ta nên nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần, để làm rõ rằng các vị thánh tử đạo tìm thấy sức mạnh của họ nơi Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho họ Đức Tin bất khả chiến bại.
Khi họ bị chất vấn, Ngài truyền cảm hứng cho họ bằng những câu trả lời sắc sảo và kiên định đáng kinh ngạc (hãy nhớ lại hoàn cảnh khi thánh Joan of Arc bị truy tố). Chúa Thánh Thần ban cho họ sức mạnh không chỉ để chịu đựng hàng ngàn trận đòn, tra tấn, lăng mạ và sỉ nhục, mà còn ban cho họ sức mạnh của niềm vui và sự bình an, như nhiều câu chuyện kể lại. Bạn nên giải thích rằng niềm vui này không phải là không biết đến đau khổ, mà là sự tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Các vị thánh tử đạo – tấm gương cho mọi Kitô hữu
Tại sao lại nói về các vị thánh tử đạo với trẻ em? Vì các vị thánh tử đạo là những tấm gương tốt và là nguồn cảm hứng cho mọi Kitô hữu. Có lẽ chúng ta không được kêu gọi để hiến dâng cuộc sống của mình ngay lập tức, để chịu đựng sự tra tấn và hành quyết về thể xác (tuy nói như vậy nhưng bạn không thể biết trước được).
Nhưng, trong mọi trường hợp, tất cả chúng ta đều được kêu gọi, ngay cả trẻ nhỏ, hiến dâng cuộc sống của mình hàng ngày, tại mọi thời điểm.
Điều đó ít ngoạn mục hơn, nhưng không đồng nghĩa là dễ dàng hơn. Vậy thì các vị tử thánh đạo đã dạy chúng ta điều gì để giúp chúng ta hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa?
Lo lắng trước về những gì có thể xảy ra là vô ích. Dù là gì đi nữa, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và sự bình an để vượt qua tất cả. Thiên Chúa, Đấng tạo ra những cây thánh giá, cũng sẽ tạo ra đôi vai xứng vừa để gánh vác và không có chuyên gia nào giỏi hơn Thiên Chúa về điều đó. Thánh Blandina trẻ tuổi của Lyon đã biết trước sự dày vò đang chờ đợi cô, và cô chắc chắn tin rằng mình không có khả năng chịu đựng được, nhưng khi thời điểm đến, Chúa đã ban cho cô mọi thứ cô cần để đối mặt với nó.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người chỉ mong mỏi chúng ta hãy để Người ban sức mạnh cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần làm là để Người hành động, để mình sẵn sàng cho Chúa Thánh Thần và để làm như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm là nhận ra sự yếu đuối của mình. Chúng ta nên giúp con em mình kết hợp thái độ này vào những việc cụ thể trong cuộc sống của các em. Không phải bằng sức mạnh, bằng ý chí tuyệt đối, mà Gioan có thể trở nên can đảm hơn trong công việc, Amalia thận trọng hơn ở trường, Victor ít bướng bỉnh hơn… và người mẹ kiên nhẫn hơn. Cần phải nỗ lực, điều đó đúng, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, nhận ra mình là tội nhân, biết rằng chúng ta yếu đuối, nhận ra những lỗi lầm và thất bại của mình trên đường đi, luôn duy trì niềm tin của chúng ta vào Chúa.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người chỉ mong mỏi chúng ta hãy để Người ban sức mạnh cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần làm là để Người hành động, để mình sẵn sàng cho Chúa Thánh Thần và để làm như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm là nhận ra sự yếu đuối của mình.
Đừng “xấu hổ” khi là một Kitô hữu
Điều quan trọng là phải giải thích với trẻ em rằng các vị thánh tử đạo cũng dạy chúng ta phải có lòng can đảm để bảo vệ đức tin của mình mà không sợ bị chế giễu, lăng mạ hoặc đánh đập. Có lẽ rất khó khăn đối với một đứa trẻ, và còn khó khăn hơn đối với một thiếu niên, khi dám nói rằng các em là Kitô hữu và hành động như vậy trong một môi trường thù địch. Vì những khó khăn này, các em có thể thu mình lại, trở nên lo lắng hoặc trở nên phòng thủ bằng cách khoác lên mình lớp vỏ phòng vệ của sự tranh cãi, lên án người khác. Chúng ta, những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, phải dạy các em tự hào về đức tin của mình, không phải là những Kitô hữu “xấu hổ” để dĩ hòa vi quý, mà là sự tự hào bắt nguồn từ thái độ hòa bình và bác ái. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là trẻ em nói về chuyện đó với cha mẹ của mình, với lòng trắc ẩn… và một chút hài hước.
Các vị thánh tử đạo cũng dạy chúng ta phải có lòng can đảm để bảo vệ đức tin của mình mà không sợ bị chế giễu, lăng mạ hoặc đánh đập.
Hãy chỉ dạy cho các em biết rằng chúng ta không thể chỉ là anh hùng trong lĩnh vực đức tin nhưng lại thiếu sót trong lĩnh vực bác ái. Đức tin và đức bác ái không thể tách rời nhau.
Làm chứng cho đức tin của chúng ta không chỉ có nghĩa là khẳng định niềm tin của chúng ta, mà trên hết, là hành động như những người Kitô hữu, nghĩa là những môn đệ của Đấng đã ban cho chúng ta lòng bác ái như là điều răn quan trọng nhất của chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cũng sẽ ban cho chúng ta sự ngọt ngào.
Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.
PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32
“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.
Cứ gần hết chu kỳ phụng vụ, Hội Thánh lại hướng nhân loại và những Kitô hữu nhìn về tương lai, về ngày cùng tận của lịch sử Cứu rỗi, ngày Cánh chung, đồng thời cũng là ngay quang lâm của Chúa Kitô.
Với đoạn Tin Mừng của Thánh Marcô, người Kitô hữu được làm quen với lối văn Khải Huyền, là lối văn quen thuộc của những người đương thời với Chúa Giêsu, hơn là người tín hữu đang sống trong thế giới ngày nay. Do đó, chúng ta không được phép hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen, với nội dung diễn tả những thứ tưởng sẽ tồn tại vĩnh viễn thì cũng có ngày bị tan tành, không còn hiện diện nữa. Thay vào đó, ý tưởng của đoạn Tin Mừng này gợi lên: Thế giới cũ, thế giới tội lỗi sẽ bị tiêu diệt; một thế giới mới sẽ xuất hiện nhưng không ai biết lúc nào, bao giờ những sự việc ấy sẽ xẩy ra cho nhân loại.
Hình ảnh cây vả đâm chồi nẩy lộc tiên báo sức sống mới. Cây vả lá rụng hết trước mùa hè và lá non đâm chồi nẩy lộc xanh tươi báo trước mùa hè tới. Ngày cùng tận sẽ không chỉ là ngày tai họa được giáng xuống nhưng ngày đó còn là ngày hy vọng… Cũng như cây vả đâm chồi, nẩy lộc xanh tốt tiên báo mùa hè tới… thì những tai ương như bão táp, động đất, đói kém, chiến tranh cũng loan báo: ”Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13, 29).
Sứ điệp mà các bài đọc của Chúa nhật 33 nhắm tới: “Mọi người Kitô hữu có quyền hy vọng khi họ tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, khi họ đọc Kinh Tin Kính và tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” hoặc lời tung hô sau truyền phép: “Tôi tuyên xưng Chúa đã chết đi, tôi tuyên xưng Người đã sống lại và tuyên xưng Chúa lại đến trong vinh quang”. Những lời tuyên xưng ấy giúp người Kitô hữu tin tưởng và hy vọng. Tin tưởng và hy vọng vì mình cũng được phục sinh với Chúa, được sống lại vì sự chết đối với người Kitô hữu chỉ thay đổi chứ không mất đi và hệ luận là người Kitô hữu luôn luôn hy vọng: “Không sợ đau khổ, không sợ chết” vì niềm hy vọng của họ có bảo đảm là sự sống mới của Đấng Phục Sinh. Do đó, người Kitô hữu luôn hiên ngang hướng tới ngày quang lâm vinh hiển của Chúa… Ngài sẽ đến đưa con người vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài trong Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn biết sẵn sàng đón chờ ngày quang lâm vinh hiển của Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh