Mừng Kính trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08/12/2024 Bổn mạng Giáo họ Vô Nhiễm và Gia Đình Vô Nhiễm

 8 Tháng Mười Hai Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
(Lc 1,26-38)

Mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm vỗ về, an ủi ta. Mẹ là người dạy ta tiếng nói đầu đời. Mẹ đưa ta tới trường ,mở rộng chân trời cho ta tiến bước. Mẹ dạy ta biết vượt thắng gian nan, đẩy lui thử thách, biết quí trọng thời gian. Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung, chia sẻ, nhân ái. Mẹ dạy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu, đáng quí trọng, Chúa lại ban tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như Mẹ đã được gọi: Đức Mẹ MARIA .

– Maria là ai ?

– Tại sao Mẹ lại vô nhiễm nguyên tội ?

– Đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội giúp ích gì cho ta ?

1. MARIA LÀ AI?

Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này, vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới Kinh Thánh hay suy tư thần học, mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản, để người đọc dễ nhận ra Maria là ai. Maria là Mẹ Đấng cứu thế, đã sinh ra Chúa Giêsu. Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là thánh Anna. Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua, tuổi tác. Maria sống ở làng quê Nazarét, miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó, Maria đã đính hôn với Giuse, làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét, thuộc dòng dõi vua Đavít. Tuy đã đính hôn với Giuse, nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để đời đời dành riêng cho Thiên Chúa, nên chính trong thời điểm này, ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống trên trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria, và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế . “…Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).

Maria bối rối, hoang mang, thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35 ). Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa, Maria dứt khoát nói lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu, đã ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria.

Rồi đến ngày sinh con, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem (Lc 2,7), khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán, để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1). Sau đó, hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Ai cập, để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê. Cho tới khi Hêrôđê băng hà, hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà.

Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông bà. Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ, chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana. Lần khác nữa, khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu, Chúa đã trả lời: “…Những người nghe và giữ lời Ta giảng dạy, đó là Mẹ và anh em của Ta” (Mc 3,31-35 ). Một lần khác, chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu, trên đồi Canvê (Ga 19,25). Lần cuối cùng, chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly, để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14). Rồi sau đó, có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á, và đã qua đời ở Êphêsô. Maria đã sống ẩn dật, âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế, nên muôn đời mọi thế hệ đều ngợi khen, tung hô Mẹ.

2. TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI?

Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Maria, vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá, ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna. Vì công nghiệp của Chúa Giêsu, Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền, trinh trắng, không hề mang tì vết: đó là đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi.

Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội, dù tội riêng mình làm, vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là “Evà mới” như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ: “Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng, nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Trinh Nữ”. “Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi, nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu”.

Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 08 tháng 12 năm 1854, và chỉ bốn năm sau đó, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858, đã xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA?

Chúng ta là con cái Đức Mẹ, một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ.

Với đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn, Mẹ Maria là “Evà mới”, Evà mang sự sống, chứ không mang cái chết, chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người. Còn Mẹ, vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ, bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa, nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta, về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành Sao Mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách, nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển, qua lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh, Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này.

Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, xin cho chúng con hiểu được rằng, Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.

Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ, dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã, để chúng con luôn chỗi dậy, và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.

Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại, biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông, như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.

Giáo họ Vô Nhiễm hình thành và phát triển

Lịch sử Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Từ thế kỷ thứ VIII, bên Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa lễ này dựa vào Ngụy Thư  “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”. Bà Anna sau một thời gian dài son sẻ đã được thiên thần báo tin thụ thai như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa.  Ý lễ được lan qua Tây phương nhất là tại Ý, Ái Nhĩ Lan và Anh thành lễ “Đức Maria thụ thai”. Tại thành Naples (Ý) vào thế kỷ thứ IX, ngày lễ được khắc vào lịch bằng đá hoa cương. Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX  huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm.

 

Cho đến thế kỷ thứ XII, những vị thánh như Albert Cả, Bonaventura, Tôma d’Aquin cũng cho rằng vì Đức Maria thừa kế di nghiệp Ađam nên vướng mắc nguyên tội, nhưng Mẹ được thánh hóa ngay từ trong thai mẫu.

Tuy vậy, vấn đề vẫn còn gây tranh cãi cho đến thế kỷ XIII. Một thần học gia lỗi lạc dòng Phanxicô là Duns Scott (1308) đã nghĩ ra một lối giải thích độc đáo bênh vực Đức Maria đã được sung mãn ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên cuộc đời. Tác giả minh chứng đặc ân vô nhiễm tuyệt đối gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi kể cả nguyên tội không hề đi trệch ra ngoài trật tự ơn cứu chuộc, mà còn là thành quả vinh quang nhất trong công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Đến thời Công đồng họp tại thành Bâle (Thụy sĩ) năm 1439 cũng đồng ý về vấn đề Đức Maria Vô Nhiễm, và mãi tới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, mới công bố ý tưởng Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội thành tín điều vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong thông điệp Ineffabilis Deus : “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.