Tin Giáo Hội Hoàn Vũ 14.05.2023

ĐTC tiếp Tổng thống Zelensky của Ucraina

Lúc sau 4 giờ chiều, xe của Tổng thống Zelensky được hộ tống vào Vatican, và Tổng thống Ucraina được chào đón vào Dinh Tông Tòa để gặp Đức Thánh Cha.

Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 40 phút, tập trung vào tình hình chính trị và nhân đạo ở Ucraina sau cuộc chiến đang diễn ra.

Đức Thánh Cha đảm bảo với Tổng thống về những lời cầu nguyện không ngừng của ngài, như được chứng nhận bởi nhiều lời kêu gọi công khai của ngài và những lời khẩn cầu Chúa ban cho hòa bình.

Hai vị đã đồng ý về yêu cầu liên tục là tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân, và đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của “những cử chỉ nhân đạo” dành cho những người mong manh nhất, những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột.

Trao đổi quà tặng

Theo thông lệ, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quà tặng.

Đức Thánh Cha đã tặng Tổng thống Zelensky một tác phẩm điêu khắc bằng đồng vẽ cành ô liu, biểu tượng của hòa bình. Ngài cũng tặng ông Tài liệu về Tình huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và sự Chung sống do ngài và Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb của Al-Ahzar soạn thảo; một cuốn sách về buổi cầu nguyện chiều tối ngày 27 tháng 3 năm 2020 và một tập tài liệu có tựa đề “Thông điệp về Hòa bình ở Ucraina.”

Tổng thống Ucraina đã mang đến cho Đức Thánh Cha tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ tấm chống đạn và bức tranh mang tên “Mất mát” về việc trẻ em bị sát hại trong xung đột.

Gần 15 tháng kể từ cuộc tấn công của Moscow vào Kyiv, chuyến thăm buổi chiều tại Vatican diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du ngoại giao của nhà lãnh đạo Ucraina; ông đã gặp Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào sáng thứ Bảy trước khi làm việc với Thủ tướng Giorgia Meloni.

Gặp Đức Tổng Giám Mục Gallagher

Một thông cáo do Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố cho biết sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha, Tổng thống Zelensky đã gặp Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.

Tuyên bố cho biết thêm rằng “Trong cuộc nói chuyện thân mật với Đức Tổng Giám mục Gallagher, trọng tâm trước hết là về cuộc chiến hiện nay ở Ucraina và những mối quan tâm cấp bách liên quan đến nước này, đặc biệt là những vấn đề mang tính chất nhân đạo, cũng như nhu cầu tiếp tục nỗ lực để đạt được hòa bình. Đây cũng là dịp thuận lợi để thảo luận về một số vấn đề song phương, đặc biệt là liên quan đến đời sống của Giáo hội Công giáo trong nước.”

Gặp Đức Tổng Giám Mục Gallagher

Gặp Đức Tổng Giám Mục Gallagher

Cuộc gặp thứ hai giữa Giáo hoàng và Zelensky

Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Ucraine. Ông đã đến Rôma một thời gian ngắn vào ngày 8/2/2020 và được Đức Thánh Cha tiếp đón, trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ucraina.

Vào dịp đó, chưa đầy một năm sau chiến thắng bầu cử của ông Zelensky, Đức Thánh Cha đã tặng ông một huy chương mô tả Thánh Martin thành Tours và bày tỏ hy vọng rằng vị thánh có thể bảo vệ người dân Ucraina đang phải chịu đựng chiến tranh ở miền đông đất nước.

Ông Zelensky cũng đã hội đàm với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và với Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.

Một tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa thánh vào dịp đó cho biết các cuộc đàm phán tập trung vào tình hình nhân đạo và tìm kiếm hòa bình trong bối cảnh xung đột ảnh hưởng đến Ucraina kể từ năm 2014.

Vào dịp đó, người ta đã bày tỏ hy vọng rằng tất cả các Bên liên quan sẽ thể hiện sự nhạy cảm tối đa đối với nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng bởi bạo lực và một “cam kết và sự gắn kết trong đối thoại.”

Các cuộc trò chuyện qua điện thoại

Kể từ cuộc tấn công của Nga vào Ucraina vào ngày 24/2/2022, một số cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Zelensky.

Lần đầu tiên xảy ra vào ngày 26/2/2022, hai ngày sau khi chiến tranh bắt đầu. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Tổng thống về “sự đau buồn sâu sắc của ngài đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra trên đất nước của ngài.”

Các cuộc điện đàm khác giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Ucraina diễn ra vào tháng 3 và tháng 8/2022, trong đó Đức Thánh Cha nhắc lại mối quan tâm và nỗi buồn của ngài trước sự đau khổ của người dân và của ông Zelensky

Có thể là hình ảnh về 9 người và văn bản

Giáo hội Pháp dùng Celebret điện tử
Giáo hội Công giáo tại Pháp dần dần thay thế thẻ linh mục — Celebret — bằng thẻ điện tử.
Chỉ cần 5 giây đồng hồ, người ta có thể kiểm chứng linh mục thật hay giả, có quyền cử hành các bí tích và có bị cấm điều gì hay không.
Thẻ này giống như một thẻ ngân hàng và không thể làm giả được, trên đó có hình đương sự, ngày sinh, giáo phận hoặc dòng tu, ngày thụ phong.
Các giám mục Pháp đã được cấp Celebret điện tử. Từ nay đến cuối năm 2023, tất cả các linh mục và phó tế tại Pháp sẽ được cấp thẻ.
Pháp hiện có khoảng 18.000 giáo sĩ.
Nguồn: Ouest France, Sismografo 11-5-2023 | G Trần Đức Anh, O.P | RVA

Sứ điệp của ĐTC cho ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn lần thứ 109 (2023)

Trong Sứ điệp cho ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn năm 2023, có tựa đề “Tự do chọn di cư hay ở lại”, được công bố vào thứ Năm 11/5/2023, Đức Thánh Cha tái khẳng định quyền không di cư, nghĩa là quyền được sống trong hòa bình và xứng nhân phẩm tại quê hương đất nước của mình.

Nhiều lý do buộc phải di cư

Trước tiên, trưng dẫn trường hợp Thánh Gia trốn sang Ai Cập, không phải là kết quả của một quyết định tự do, Đức Thánh Cha nhận định: “Quyết định di cư phải luôn là tự do, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ngay cả trong thời đại của chúng ta, điều đó không phải vậy. Xung đột, thiên tai, hay đơn giản hơn là không thể sống một cuộc sống đàng hoàng và thịnh vượng ở quê hương đang buộc hàng triệu người phải rời đi.”

Dấn thân chung để chấm dứt tình trạng di cư bắt buộc

Do đó, để loại bỏ những nguyên nhân này và từ đó chấm dứt tình trạng di cư bắt buộc, theo Đức Thánh Cha, đòi hỏi sự dấn thân chung của tất cả mọi người, phù hợp với trách nhiệm của mỗi bên. “Chúng ta cần nỗ lực hết sức để ngăn chặn chạy đua vũ trang, chủ nghĩa thực dân kinh tế, cướp bóc tài nguyên của người khác và sự tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta.”

Trách nhiệm của các quốc gia nguyên quán

Tiếp đến, cần phải có những nỗ lực nhằm đảm bảo cho mọi người được chia sẻ bình đẳng về lợi ích chung, tôn trọng các quyền cơ bản của họ và tiếp cận với sự phát triển con người toàn diện. Đức Thánh Cha nêu rõ trách nhiệm chính của các quốc gia quê hương của họ và các nhà lãnh đạo, cần thực hành một nền chính trị minh bạch, trung thực, nhìn xa trông rộng và phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Quyền không buộc phải di cư: sống trong bình an và phẩm giá tại đất nước của mình

Hướng đến Năm Thánh 2025, nhắc lại ý nghĩa của Năm Thánh là cơ hội cho mọi người được hưởng tự do dành cho các thành phần Dân Chúa, Đức Thánh Cha kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế bảo đảm cho mọi người được hưởng quyền không buộc phải di cư, nghĩa là có cơ hội sống trong bình an và phẩm giá tại đất nước của mình. Ngài khẳng định quyền này có tầm quan trọng cơ bản và các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ quyền này. Bởi vì bao lâu quyền này chưa được đảm bảo thì nhiều người sẽ vẫn phải di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Nhận ra Chúa Kitô nơi người di dân

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi “nhìn thấy nơi người di dân không chỉ đơn giản là một người anh chị em đang gặp khó khăn, mà là chính Chúa Kitô, Đấng gõ cửa nhà chúng ta.” Do đó, cần tôn trọng phẩm giá của họ, sẵn sàng chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập tất cả mọi người, không phân biệt và không loại trừ bất kỳ ai. (CSR_1874_2023)
https://giaophannhatrang.org/vi/news/Van-Kien/su-diep-cua-dtc-cho-ngay-the-gioi-nguoi-di-dan-va-nguoi-ti-nan-25495.html

Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức khoá họp về thần học Á châu

Trong khoá họp của các thần học gia Á châu được tổ chức bởi Văn phòng Thần học của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, diễn ra trong những ngày vừa qua, các diễn giả lưu ý thần học Á châu cần phải xem xét đến thực tế địa phương và di sản, đồng thời cần phải quan tâm đến hiện tượng di cư và biến đổi khí hậu.


Các Giám mục Á châu

Phát biểu tại buổi gặp gỡ với chủ đề “Tương lai và Triển vọng Thần học của Giáo hội tại Á châu”, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Chung Soon-taick của Seoul nói: “Chúng ta phải suy tư rất nghiêm túc về cách thần học hóa di sản và giá trị châu Á bằng cách soi sáng chúng dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo trong khi bảo tồn chúng, và cách làm chứng năng động cho Tin Mừng trong bối cảnh Á châu”.
Đức Tổng Giám Mục cũng chỉ ra sự cần thiết phải tập trung vào việc chăm sóc mục vụ cho người di cư. Ngài nói: “Thực tế là không chỉ Giáo hội đòi hỏi nhiều hơn việc chăm sóc mục vụ cho những người lao động nhập cư và các gia đình đa văn hóa, nhưng còn cần có nhiều nỗ lực và xem xét hơn cho sự hiểu biết và hội nhập của tất cả các thành viên trong xã hội”.
Bày tỏ mối quan tâm về hoàn cảnh khó khăn của những người phải di dời do khủng hoảng khí hậu và kêu gọi mọi người lắng nghe họ, ngài nói: “Giữa cuộc khủng hoảng sinh thái, tiếng kêu của người nghèo đã trở thành một tiếng nói quan trọng mà Giáo hội Á châu cần lắng nghe. Thật đáng tiếc khi người nghèo đang phải chịu nhiều thiệt hại hơn do biến đổi khí hậu ở châu Á.”
Đức Tổng Giám Mục Chung cũng chỉ ra ảnh hưởng ngày càng tăng của thuyết phổ quát, tục hoá và ngẫu tượng là lý do làm mất giá trị của đức tin và quay lưng lại với Giáo hội.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Đức cha Adrianus Sunarko, Giám mục của Pangkal Pinang, Indonesia đã trình bày những phê bình của ngài về Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức, và nhấn mạnh vai trò của Kinh Thánh, truyền thống và phương pháp thần học theo các văn bản của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.
Đức cha Sunarko đã nói quan điểm của ngài về sứ vụ của Giáo hội dựa trên tình yêu nhưng không và hy sinh chính mình trong niềm vui Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rằng mô hình đức ái dựa trên tông huấn “Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô, phải là trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng ở Á châu.
Cuộc họp cũng có một cuộc thảo luận nhóm, trong đó các đại biểu đã đưa ra ý kiến về vai trò của giáo dân trong Giáo hội và tính hiệp hành tập trung vào Chúa Kitô; Sự cần thiết phải đào tạo giáo dân để giúp họ hiểu vai trò quan trọng của họ trong Giáo hội Công giáo; Đào tạo đầy đủ về căn tính và sứ vụ của giáo dân cũng là điều cần thiết, và đặc biệt, làm cho họ nhận ra rằng họ xứng đáng và quan trọng như thế nào trong Giáo hội, cung cấp một địa điểm để họ tham gia và cho họ một số sáng kiến, nếu cần thiết. (Ucanews 09/5/2023)

Đức cha Prevost (Vatican Media)

PHỎNG VẤN ĐỨC CHA ROBERT FRANCIS PREVOST, TÂN TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁM MỤC

Ngày 30/01/2023 Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Robert Francis Prevost, nhà truyền giáo người Mỹ dòng Thánh Augustinô, Giám mục giáo phận Chiclayo ở Peru, làm tân Tổng trưởng Bộ Giám mục, thay thế Đức Hồng y Marc Ouellet. Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Prevost, nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Giám mục và hình ảnh của một Giám mục ngày nay cần phải có.

Từ một Giám mục truyền giáo ở châu Mỹ Latinh chuyển sang làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, giúp  Đức Thánh Cha chọn các Giám mục, đối với Đức cha có ý nghĩa gì?

Tôi vẫn coi mình là một nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi cũng như ơn gọi của mọi Kitô hữu là trở thành nhà truyền giáo, loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chắc chắn cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Từ nay, tôi có thể phục vụ Đức Thánh Cha, Giáo hội, ở đây, từ Giáo triều Roma – một sứ vụ rất khác với sứ vụ trước đây nhưng cũng là một cơ hội mới để sống một chiều kích trong cuộc sống tôi mà đơn giản luôn là lời thưa “xin vâng” khi được mời gọi phục vụ. Trong tinh thần này, tôi đã kết thúc sứ vụ ở Peru, sau 8 năm rưỡi với tư cách là giám mục và gần 20 năm với tư cách là nhà truyền giáo, để bắt đầu một sứ vụ mới ở Roma.

Đức cha có thể mô tả khuôn mặt Giám mục cho Giáo hội ngày nay?

Trước hết, Giám mục là người “Công giáo”: đôi khi giám mục có nguy cơ chỉ tập trung vào chiều kích địa phương. Nhưng là một điều tốt khi một giám mục có một tầm nhìn rộng lớn hơn nhiều về Giáo hội và về thực tại, và cảm nghiệm được tính phổ quát này của Giáo hội. Chúng ta cũng cần khả năng lắng nghe người khác và tìm lời khuyên, cũng như sự trưởng thành về tâm lý và tinh thần. Một yếu tố cơ bản của Giám mục đó là mục tử, có khả năng gần gũi với các thành viên của cộng đoàn, bắt đầu từ các linh mục, theo đó giám mục như là người cha và người anh. Sống sự gần gũi này với mọi người, không loại trừ một ai. Đức Thánh Cha nói về bốn sự gần gũi: gần gũi với Chúa, với anh em giám mục, với linh mục và với mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta không được chiều theo cám dỗ sống cô lập, tách biệt trong một tòa nhà, thỏa mãn bởi một đẳng cấp xã hội hoặc Giáo hội nào đó. Và chúng ta không được trốn đằng sau một ý tưởng về quyền bính mà ngày nay không còn ý nghĩa nữa. Quyền bính mà chúng ta có là để phục vụ, đồng hành với các linh mục, làm mục tử và thầy dạy. Chúng ta thường bận tâm đến việc dạy giáo lý, cách sống đức tin của mình, nhưng điều này có thể làm chúng ta quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là dạy ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho sự gần gũi của chúng ta với Chúa. Điều này đến trước: thông truyền vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp và niềm vui được biết Chúa Giêsu. Có nghĩa là chính chúng ta đang sống đức tin đó và chia sẻ kinh nghiệm này.

Trong thời điểm sự phân cực đang gia tăng trong cộng đoàn Giáo hội, việc phục vụ của Giám mục cho sự hiệp nhất xung quanh Người kế vị thánh Phêrô quan trọng như thế nào?

Ba cụm từ chúng ta đang sử dụng trong công việc của Thượng Hội đồng – hiệp thông, tham gia và sứ vụ – cho chúng ta câu trả lời.

Giám mục được mời gọi sống đặc sủng này, để sống tinh thần hiệp thông, cổ võ sự hiệp nhất trong Giáo hội, hiệp nhất với Đức Thánh Cha. Điều này cũng có nghĩa là Công giáo, vì không có Phêrô thì Giáo hội ở đâu? Chúa Giêsu đã cầu nguyện điều này trong Bữa Tiệc Ly, “Xin cho tất cả nên một”, và chính sự hiệp nhất này mà chúng ta muốn thấy trong Giáo hội.

Ngày nay, xã hội và văn hóa làm chúng ta xa rời tầm nhìn đó về Chúa Giêsu, và điều này gây ra rất nhiều tai hại. Sự thiếu hiệp nhất là một vết thương làm Giáo hội đau khổ, một vết thương rất đau đớn.

Sự chia rẽ và luận chiến trong Giáo hội không giúp được gì. Đặc biệt, chúng tôi, các Giám mục, phải thúc đẩy phong trào này hướng tới sự hiệp nhất, hướng tới sự hiệp thông trong Giáo hội.

Tiến trình bổ nhiệm các giám mục mới có thể được cải thiện không? Tông hiến Praedicate Evangelium nói dân Chúa phải tham gia trong việc chọn giám mục. Điều này có đang diễn ra không thưa Đức cha?

Trong Bộ, chúng tôi đã có một suy tư về vấn đề này. Lâu nay, không chỉ một số giám mục hay một số linh mục, nhưng cả những thành phần khác của dân Chúa cũng được lắng nghe. Điều này rất quan trọng, bởi vì giám mục được mời gọi để phục vụ một Giáo hội địa phương. Vì vậy, lắng nghe dân Chúa cũng là điều quan trọng.

Nếu một ứng viên mà không được giáo dân biết đến, thì khó – không phải là không thể, nhưng khó – để ứng viên đó thực sự trở thành mục tử của một cộng đoàn, của một Giáo hội địa phương. Vì vậy, điều quan trọng là quá trình này cởi mở hơn một chút để lắng nghe các thành viên khác nhau trong cộng đoàn.

Điều này không có nghĩa là Giáo hội địa phương phải chọn mục tử của mình, như thể việc được kêu gọi làm giám mục là kết quả của một cuộc bỏ phiếu dân chủ, của một tiến trình gần như “chính trị”. Cần có một cái nhìn bao quát hơn nhiều, và các sứ thần Tòa Thánh giúp ích rất nhiều trong việc này. Tôi tin rằng, từng chút một, chúng ta cần cởi mở hơn, lắng nghe tu sĩ, giáo dân nhiều hơn một chút.

Một trong những điều mới mà Đức Thánh Cha đã đưa ra là bổ nhiệm ba phụ nữ làm thành viên của Bộ Giám mục. Đức cha có thể nói gì về sự đóng góp của ba phụ nữ này?

Trong một số trường hợp, chúng tôi đã thấy rằng quan điểm của phụ nữ là một sự phong phú. Hai nữ tu và một giáo dân, và thường quan điểm của họ hoàn toàn trùng với những gì các thành viên khác của Bộ nói. Và ở một thời điểm khác, ý kiến của họ đưa ra một quan điểm khác và trở thành một đóng góp quan trọng cho quá trình.

Tôi nghĩ việc bổ nhiệm ba phụ nữ không chỉ là một cử chỉ từ phía Đức Thánh Cha để nói rằng bây giờ cũng có phụ nữ ở đây. Có một sự tham gia thực sự, chân thành và có ý nghĩa mà họ đưa ra tại các cuộc họp của chúng tôi khi chúng tôi thảo luận về hồ sơ của các ứng cử viên.

Các quy tắc mới chống lạm dụng gia tăng trách nhiệm của các giám mục. Các giám mục đã thực hiện như thế nào?

Trong những năm qua, có những nơi đã làm rất tốt và các quy tắc đang được áp dụng. Nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều điều để học hỏi. Như tính cấp thiết và trách nhiệm đồng hành cùng nạn nhân. Một trong những khó khăn thường nảy sinh là giám mục phải gần gũi với các linh mục, nhưng cũng phải gần gũi với các nạn nhân. Một số đề nghị cho rằng giám mục không là người trực tiếp tiếp nhận các nạn nhân, nhưng chúng ta không thể đóng trái tim chúng ta, cánh cửa Giáo hội, đối với những người đã bị lạm dụng.

Trách nhiệm của giám mục là rất lớn, và tôi cho rằng chúng tôi còn phải nỗ lực rất nhiều để ứng phó với tình trạng đang gây ra quá nhiều nhức nhối trong Giáo hội. Cần nhiều thời gian. Chúng tôi đang cố gắng làm việc cùng với các bộ khác.

Tôi tin rằng việc đồng hành với các giám mục, những vị chưa nhận được sự chuẩn bị cần thiết để giải quyết vấn đề này là một phần sứ vụ của Bộ Giám mục.

Hiện luật đã có rồi. Có phải thay đổi tâm thức là điều còn khó hơn phải không thưa Đức cha?

Chắc chắn rồi, có nhiều sự khác biệt giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác về cách một người phản ứng trong những tình huống này. Ở một số quốc gia, người ta đã có thể nói về chủ đề này, nhưng ở những nơi khác nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân không bao giờ muốn nói về sự lạm dụng mà họ phải chịu đựng.

Trong mọi trường hợp, im lặng không phải là một câu trả lời. Im lặng không phải là giải pháp. Chúng ta phải minh bạch và trung thực, chúng ta phải đồng hành và hỗ trợ các nạn nhân, bởi nếu không, vết thương của họ sẽ không bao giờ lành. Có một trách nhiệm lớn trong việc này, cho tất cả chúng ta.

Giáo hội đang dấn thân vào con đường sẽ dẫn đến Thượng hội đồng về tính Hiệp hành. Vai trò của giám mục là gì?

Có một cơ hội tuyệt vời trong sự đổi mới liên tục này của Giáo hội mà Đức Thánh Cha đang mời gọi chúng ta dấn bước. Một mặt, có những giám mục công khai bày tỏ sự lo ngại, bởi vì các vị không hiểu Giáo hội đang đi về đâu. Có lẽ các vị thích sự an toàn của những câu trả lời đã trải nghiệm trong quá khứ.

Tôi thực sự tin rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo hội vào thời điểm này và đang thúc đẩy chúng ta hướng tới một sự đổi mới và do đó chúng ta được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm lớn lao để sống điều mà tôi gọi là một thái độ mới. Đó không chỉ là một quá trình, nó không chỉ là thay đổi một số cách làm việc, như tổ chức nhiều cuộc họp hơn trước khi đưa ra quyết định. Nó còn  nhiều hơn nữa.

Nhưng đó cũng là điều có lẽ gây ra một số khó khăn nhất định, bởi vì tận sâu thẳm, trước hết chúng ta phải có khả năng lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe những gì Người đang yêu cầu Giáo hội.

Làm thế nào để điều này được thực hiện?

Chúng ta phải có khả năng lắng nghe nhau, để nhận ra rằng vấn đề không phải là thảo luận về một chương trình nghị sự chính trị hay chỉ đơn giản là cố gắng thúc đẩy các vấn đề mà tôi hoặc những người khác quan tâm.

Đôi khi có vẻ như chúng ta muốn giảm mọi thứ thành việc muốn bỏ phiếu và sau đó làm những gì đã được bỏ phiếu. Thay vào đó, đó là một điều gì đó sâu xa hơn và rất khác: chúng ta cần học cách thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần và tinh thần tìm kiếm sự thật sống trong Giáo hội. Chuyển từ một trải nghiệm mà quyền bính lên tiếng và tất cả đã kết thúc, sang một trải nghiệm của Giáo hội coi trọng các đặc sủng, hồng ân và các thừa tác vụ có trong Giáo hội.

Thừa tác vụ giám mục thực hiện một phục vụ quan trọng, nhưng chúng ta phải đặt tất cả những điều này để phục vụ Giáo hội theo tinh thần hiệp hành này, nghĩa là tất cả chúng ta cùng nhau bước đi và cùng nhau tìm kiếm điều Chúa đang yêu cầu chúng ta, trong thời đại của chúng ta.

Các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến đời sống của các giám mục như thế nào?

Giám mục cũng được yêu cầu trở thành một quản trị viên giỏi, hoặc ít nhất có khả năng tìm một quản trị viên giỏi để giúp đỡ mình.

Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta rằng ngài muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo. Có những trường hợp các cơ cấu và cơ sở hạ tầng của quá khứ không còn cần thiết và rất khó để duy trì chúng. Đồng thời, ngay cả ở những nơi tôi đã làm việc, Giáo hội có trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và y tế cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, vì nhiều khi Nhà nước không cung cấp được.

Cá nhân tôi không cho rằng Giáo hội nên bán tất cả mọi thứ và “chỉ” rao giảng Tin Mừng trên đường phố. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm rất lớn, không có câu trả lời chung chung. Cần cổ võ thêm sự giúp đỡ huynh đệ giữa các Giáo hội địa phương.

Đối diện với nhu cầu duy trì cơ cấu dịch vụ với thu nhập không còn như trước đây; Giám mục phải rất thực tế. Các nữ tu dòng kín luôn nói: “Bạn hãy tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa Quan phòng, vì sẽ tìm được cách trả lời”. Điều quan trọng là đừng bao giờ quên chiều kích thiêng liêng của ơn gọi chúng ta. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành nhà quản lý và suy luận như nhà quản lý.

Đức cha thấy mối quan hệ giữa giám mục và phương tiện truyền thông xã hội như thế nào?

Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một công cụ quan trọng để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng đến với hàng triệu người. Chúng ta phải chuẩn bị để sử dụng tốt phương tiện truyền thông xã hội. Tôi e rằng sự chuẩn bị này đôi khi còn thiếu sót.

Đồng thời, thế giới ngày nay, không ngừng thay đổi, đặt ra những tình huống mà chúng ta thực sự phải suy nghĩ nhiều trước khi nói hoặc viết một tin trên Twitter, để trả lời hoặc thậm chí chỉ để đặt câu hỏi ở dạng công khai, toàn cảnh của mọi người. Đôi khi có nguy cơ gây chia rẽ và tranh cãi.

Việc sử dụng mạng xã hội và truyền thông đúng cách có trách nhiệm rất lớn, bởi đó là cơ hội nhưng cũng là rủi ro. Và nó có thể làm tổn hại đến sự hiệp thông của Giáo hội. Đó là lý do tại sao người ta phải rất thận trọng trong việc sử dụng các phương tiện này.

Phỏng vấn Đức cha Robert Francis Prevost, tân Tổng trưởng Bộ Giám mục

Nguồn:vaticannews