Thiếu Nhi Sống Lời Chúa, Chúa Nhật tuần 17 Thường niên năm C 27/07/2025

BÀI ĐỌC I: St 18, 20-32

“Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ”.

Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Chúa phán cùng Abraham rằng: “Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành”. Abraham thưa lại: “Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành”. Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?” Chúa phán: “Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt”. Abraham nói: “Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8

Đáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

3) Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.

4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

BÀI ĐỌC II: Cl 2, 12-14

“Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.

Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-13

“Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông:

“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”.

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

“Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

Đó là lời Chúa.

Chủ tếÔng bà, anh chị em (cùng các con thiếu nhi) rất thân mến! Đức Giêsu, Đấng luôn lắng nghe và thấu hiểu những khát vọng sâu thẳm nơi mỗi người chúng ta, Người đã phán dạy: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.” Trong tâm tình tín thác ấy, chúng ta được mời gọi kiên trì cầu nguyện qua những lời cầu xin tha thiết:

  1. “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.”Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần trên Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và các Linh mục, để các ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong lời cầu nguyện hằng ngày, trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu thương và sự hiệp nhất trong Hội Thánh.
  2. Đức Giêsu dạy rằng: “Ai xin thì sẽ được”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi sáng và hướng dẫn các vị lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt tại những nơi đang chịu cảnh xung đột và chiến tranh, để họ biết chạy đến nương tựa nơi Chúa, biết kiên trì cầu nguyện và chân thành tìm kiếm hòa bình, hầu mang lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho muôn dân.
  3. Đức Giêsu dạy rằng: “Ai tìm thì sẽ thấy”Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn đổ ánh sáng Thần Khí xuống trên những ai đang khao khát tìm kiếm Chúa giữa bao lầm lạc, hoài nghi hoặc đau khổ. Nhờ sự kiên trì trong cầu nguyện, xin cho họ sớm nhận ra lòng thương xót của Chúa và tìm thấy niềm vui đích thực nơi Ngài.
  4. Đức Giêsu dạy rằng: “Ai gõ thì sẽ mở cho”Chúng ta cùng cầu xin Chúa mở rộng cánh cửa lòng thương xót cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta (và các em thiếu nhi), để nhờ sự tin tưởng và kiên trì trong cầu nguyện, mỗi người chúng ta được đón nhận tràn đầy ân sủng Chúa, sống yêu thương, nhân hậu và trở nên chứng nhân sống động cho lòng thương xót Chúa giữa đời.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Đấng luôn lắng nghe và yêu thương con người cách nhưng không, xin thương nhận những ước nguyện chân thành của chúng con, và ban cho chúng con ơn kiên trì trong cầu nguyện, để chúng con trung thành bước theo Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng dài. Có thể nói là hơi dài một chút.

Cha đố chúng con bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta về vấn đề gì nào?

– Về việc cầu nguyện.

– Rất đúng. Thế chúng con đã có bao giờ cầu nguyện chưa?

– Thưa cha rồi…

– Thế chúng con cầu nguyện với ai? Như thế nào? Cầu nguyện làm sao? Cha hỏi nhiều quá phải không? Thôi bây giờ cha bắt đầu câu chuyện hôm nay. Cha bắt đầu trả lời câu hỏi: Cầu nguyện với ai? Dĩ nhiên là với Chúa rồi nhưng…..Chúa là ai đối với chúng ta?

Câu trả lời rất vắn: Chúa là CHA. Chúa Giêsu bảo chúng ta cầu nguyện với Chúa và khi cầu nguyện hãy thưa với Chúa là CHA. Chúa thích chúng ta thưa với Chúa như thế.

Đây là câu chuyện do Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu kể trong một tập sách nhỏ của ngài. Câu chuyện như thế này:

“Một ngày kia, Thiên Chúa đưa mắt nhìn xuống trần gian để xem người ta thờ phượng Người như thế nào. Người thấy một tín đồ Ấn giáo đang ngồi trầm mặc thinh lặng như thể quên hết mọi sự trên trần gian này. Thiên Chúa rất hài lòng về cử chỉ ấy nhưng Người nói: “Tại sao phải nhọc thân khổ xác như thế?”.

Người lại thấy một nhà sư Phật giáo đang mỉm cười và cố gắng tạo ra sự hài hòa giữa cái thiện và cái ác. Thiên Chúa vui mừng vì nụ cười ấy, nhưng Người lại nói: “Tại sao con người lại tốn công nhọc sức như thế mà không nhờ đến trời cao?”.

Người lại thấy một người bán khai, người bán khai là người như thế nào chúng con? Đó là những người sống trong rừng rú, thiếu ánh sáng văn minh. Người người bán khai đang tế thần với tất cả sự run rẩy sợ hãi. Thiên Chúa xúc động trước cử chỉ ấy, nhưng lại nói: “Tại sao con người lại có thể run sợ như thế?”.

Người lại thấy một người Hồi giáo đang quì phủ phục hướng về thành La Mecque. La Mecque là một nơi hành hương nổi tiếng của người Hồi Giáo.  Thiên Chúa thấy họ cúi đầu thán phục, nhưng Người lại nói: “Tại sao lại phải phủ phục nhiều như thế?”

Người lại thấy một nhà thông luật Do thái cất tiếng đọc to những khoản luật trong Kinh Thánh. Thiên Chúa cũng hài lòng vì những lời cầu nguyện, nhưng Người lại nói: “Tại sao có quá nhiều luật lệ như thế?”

Sau khi đã quan sát tất cả những hình thức cầu nguyện và thờ phượng của con người, Thiên Chúa Cha nói với Con Một như sau: “Con hãy xuống nói với thế gian và mang Thần Khí yêu thương xuống cho chúng. Cha không muốn những hi tế vô ích bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn sự sợ hãi bởi vì Cha là Cha. Cha không muốn lề luật bởi vì Cha là Cha. Cha chỉ muôn một tình yêu thanh thản và chân thành, bởi vì tất cả mọi người dầu là con cái của Cha”.

Khi mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, Ðức Giê-su đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.

2. Đúng là phải cầu nguyện với Chúa như một NGƯỜI CHA. Và khi đến và cầu nguyện với Chúa, chúng ta phải đến với một tâm hồn hồn nhiên, đơn sơ và chân thành.

Nhưng phải cầu nguyện như thế nào?

Rõ rệt là Chúa không muốn có sự xa cách. Chúa muốn cho con người thân mật gần gũi với Chúa.

Có một câu chuyện trong KT Cựu Ườc rất hay cha muốn kể cho chúng con. Chúng con thấy Abraham nói truyện với Chúa thật là gần gũi và thân mật. Cha thích câu chuyện này vì nó làm cho cha cảm thấy giữa Chúa và con người dường như không còn một cái gì ngăn cách.

Abraham thấy Chúa sắp thịnh nộ giáng tai họa xuống dân thành Sodoma, Abraham liền nài nỉ Chúa tha thứ cho họ… có lẽ khi làm việc này Abraham cũng nghĩ tới gia đình của đứa cháu tên là Lot cư ngụ trong thành này, ông ta có một người vợ và hai cô con gái.

Cha nhắc lại cho chúng con câu chuyện này để chúng con thấy:

Chúa bảo với Abraham:

– Này có chuyện này Ta sắp làm mà Ta không muốn dấu ngươi. Tội lỗi của Sodoma và Gômora quá nặng nề và Ta muốn hủy diệt chúng.

Abraham muốn cứu Sodoma nên thưa với Chúa:

– Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao?

Rồi ông đưa ra một lời thắc mắc:

– Nếu có 50 người công chính trong thành chẳng lẽ họ cũng phải chung số phận? Với 50 người công chính đang cư ngụ trong đó chẳng lẽ chưa đủ để Chúa tha cho cả thành ư ?

Và sau đó ông lại can ngăn Chúa :

– Xin Chúa đừng làm vậy, xin đừng sát hại những người công chính cùng với kẻ dữ. Xin Chúa đừng làm thế.

(Đó chúng con thấy, lời lẽ của Abraham thật thân tình chưa… nói với Chúa như nói với người bạn vậy).

Và Chúa cũng nói với ông một cách thân tình như thế:

– Nếu Ta tìm thấy trong thành Sodoma 50 người công chính, ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành.

Thấy ý định của mình có mòi không thành, Abraham thưa lại với Chúa:

– Dù tôi chỉ là tro bụi, nhưng con đã bắt đầu nói thì con cũng xin thưa: nếu trong số 50 người công chính … còn thiếu 5 người thì sao?

Rồi ông tỏ ra như có vẻ thắc mắc.

– Vì 45 người công chính Chúa có tàn phá cả thành không?

Chúa trả lời cho ông biết:

+ Nếu ta tìm thấy 45 người công chính Ta sẽ không phá huỷ cả thành.

Abraham thấy Chúa có vẻ dễ dãi và xuống nước, Abraham “quất” thêm một câu nữa:

– Giả tỉ như chỉ có 40 người công chính thôi, thế Chúa sẽ làm gì?

+ Ta sẽ vì 40 người đó mà tha cho cả thành.

Abraham thấy thế cũng chưa thành công… nhưng lại không dám can đảm ..

– Nếu Chúa không nổi giận cơ … thì con mới dám nói: nếu chỉ có 30 người thì sao?

– Ta sẽ …

– Con trót nói… nếu chỉ có 20 …

– Vì 20 người đó Ta sẽ không tàn sát.

– Xin đừng nổi giận, một lần cuối… nếu chỉ có 10 người?

– Vì 10 người đó Ta sẽ không tàn phá.

Sáu lần Abraham đặt điều kiện để xin Chúa tha cho thành  Sodoma.

Đó chúng con thấy, Chúa thích sự gần gũi thân thiện… như những người bạn nói truyện với nhau.

Thánh Gérald Majeiia hồi còn nhỏ ở giúp việc cho đức cha Lacedogma. Một ngay kia đức cha đi vắng giao chìa khóa cho cậu, bảo cậu kín nước đổ vào bồn. Chẳng may khi cúi xuống chùm chìa khóa rớt xuống giếng sâu, sợ quá… không biết sao để lấy lên.

Bỗng cậu nhớ đến Chúa Giêsu Hài Đồng, cậu vội chạy vào máng cỏ trong nhà thờ quì cầu nguyện rồi ẵm Chúa ra giếng… trước sự kinh ngạc của mọi người.

Cậu cột Chúa vào giây vừa thả Chúa xuống giếng vừa nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới giúp con lấy lại chìa khóa”

Rồi cậu từ từ kéo Chúa lên. Lạ lùng thay … chìa khoá trong tay Chúa hài đồng.

Cha kết thúc ở đây nhé!

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 11, 1-13

1Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. người bảo các ông:

2“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho

danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

3Xin Cha cho chúng con

ngày nào có lượng thực ngày ấy;

4Xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”;

7mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”.8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9”Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó con bọ cạp? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Câu hỏi:

1. Đọc Lc 11, 1. Tại sao một môn đệ xin Thầy Giêsu dạy cả nhóm về cầu nguyện?

2. So sánh kinh Lạy Cha của Mt 6, 9-13 với kinh Lạy Cha của Lc 11, 2-4. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau.

3. Thầy Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha (Lc 11, 2). Chính Thầy có gọi Thiên Chúa như vậy không? Xem Lc 10, 21; 22, 42; 23, 34.46. Chúa Cha có gọi Đức Giêsu là Con không? Xem Lc 3, 22; 9, 35.

4. Theo Tin Mừng Luca, thái độ của chúng ta cần có đối với Cha là gì? Đọc Lc 6, 36; 12, 30; 22, 42; 23, 34.46.

5. “Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển.” Câu này nghĩa là gì? Ai là người làm cho Danh Cha được vinh hiển?

6. Đọc Lc 11, 5-6. Vào thời Đức Giêsu, nếu có người bạn hàng xóm đánh thức chủ nhà lúc nửa đêm để xin vay bánh cho một người bạn lỡ đường ghé nhà, chủ nhà có thể trả lời cho người vay bánh bằng một câu giống như Lc 11, 7 không? Tại sao?

7. Đọc Lc 11, 9-10. Bạn có kinh nghiệm về việc xin mà không được không? Lúc đó bạn thấy mình nên có thái độ nào?

8. Đọc Lc 11, 11-13. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

9. Đọc Lc 11, 13. Tại sao Đức Giêsu lại khẳng định Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Cha?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có tin Thiên Chúa Cha trên trời luôn luôn ban điều tốt cho con người không? Làm sao biết điều nào là điều tốt thật sự cho bản thân mình? Bạn có bao giờ xin Cha ban Thánh Thần cho mình không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Có thể môn đệ này đã nhìn thấy Thầy Giêsu cầu nguyện ở một nơi nào đó. Anh bị ấn tượng bởi cách Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: sâu lắng, thân thiết, đơn sơ… Anh kiên nhẫn chờ Thầy cầu nguyện xong mới dám mở lời xin Thầy dạy cho cả nhóm biết cách cầu nguyện. Tấm gương cầu nguyện của Thầy Giêsu đánh động anh. Anh còn nại đến việc ông Gioan Tẩy giả đã dạy môn đệ của ông cầu nguyện để xin Thầy làm điều tương tự cho cả nhóm.
  2. So sánh Kinh Lạy Cha của Mt 6, 9-13 với Lc 11, 2-4 ta thấy có ba câu giống hệt nhau: “xin làm cho danh Cha được vinh hiển, “ “cho Nước Cha mau đến, “ và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn của Mátthêu vì không có hai câu sau: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, “ và “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Ngoài ra, Mt 6, 11-12: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày. Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con” có những chi tiết khác với Lc 11, 3-4: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. Xin tha tội chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc nợ chúng con.” Câu đầu tiên của kinh Lạy Cha ở Luca cũng ngắn hơn Mátthêu: “Lạy Cha” thay vì “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”
  3. Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha như chính Ngài cũng gọi như vậy mỗi lần Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, kể cả trong Vườn Dầu hay trên thập giá (Lc 10, 21; 22, 42; 23, 34.46). Đức Giêsu được Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu” khi chịu phép rửa tại sông Giođan (Lc 3, 22). Khi Ngài được hiển dung, Chúa Cha cũng giới thiệu Ngài với ba môn đệ: “Đây là Con Ta” (Lc 9, 35). Chúng ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha vì chúng ta được chia sẻ chức vị làm Con của Đức Giêsu (Gl 4, 6; Rm 8, 15).
  4. Những thái độ cần có của người con đối với Cha trên trời: có lòng thương cảm như Cha, đặc biệt đối với kẻ thù (Lc 6, 36); tin rằng Cha biết những nhu cầu vật chất của mình (Lc 12, 30); mong ý Cha được thể hiện trong đời mình (Lc 22, 42); xin Cha tha thứ cho kẻ giết mình (Lc 23, 34); xin phó thác mạng sống mình trong tay Cha (Lc 23, 46).
  5. “Xin làm cho danh Cha được vinh hiển” (Lc 11, 2). Đây là lời chúng ta xin Chúa Cha làm cho danh Cha được mọi người nhận biết, ca ngợi và tùng phục (x. Ed 36, 23; Ga 12, 28). Tuy nhiên, chính bản thân chúng ta, một khi được Thần Khí canh tân, chúng ta cũng có thể dùng chính đời sống thánh thiện của mình mà tôn vinh danh Cha (x. Mt 5, 16).
  6. Dụ ngôn ở Lc 11, 5-8 giúp ta vững tin Thiên Chúa chắc chắn sẽ nhận lời ta cầu nguyện. Dụ ngôn kể chuyện một người nửa đêm đi vay bánh nơi nhà một người bạn, để đãi một người bạn khác bất ngờ đến thăm. Văn hóa thời Đức Giêsu không cho phép anh có bánh từ chối, vì những lý do như: cửa đã cài then rồi, đừng quấy rầy tôi, tôi và các con đã lên giường ngủ, nên tôi không dậy để lấy bánh được (x. Lc 11, 7). Người có bánh chắc chắn phải thức dậy để lấy bánh mà cho mượn vì sự nài nẵng của anh bạn và cũng vì sợ bị mất mặt. Khách của một người trong làng cũng là khách của cả làng. Tiếp đãi không tử tế thì chính mình và cả làng bị mang tiếng xấu.
  7. Đôi khi chúng ta có kinh nghiệm Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin, dù đó là lời cầu xin mà mình thấy hết sức chính đáng. Mấy triệu người Do-thái bị giết hại bởi quân phát xít chắc đã kêu xin Chúa bảo vệ giống nòi của họ. Quả thực có những lúc đức tin của chúng ta gặp thử thách trước sự thinh lặng của Thiên Chúa mà chúng ta không sao hiểu được. “Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi!” Chúng ta cần tin rằng Chúa không mở cửa này vì Ngài muốn mở một cửa khác. Ngài không ban ơn này vì Ngài muốn ban một ơn lớn hơn. Ngài không cứu Con Ngài xuống khỏi thập giá, chỉ vì Ngài muốn cho Con Ngài được vinh quang phục sinh. Khi không được nhận lời, chúng ta nên phó thác cho lòng nhân từ Chúa, Ngài biết điều tốt hơn cho ta.
  8. Qua dụ ngôn ở Lc 11, 11-13, Đức Giêsu khuyên chúng ta tin vào lòng tốt của Thiên Chúa Cha. Khi con xin cá hay trứng, người cha dưới đất chẳng bao giờ cho con mình rắn hay bọ cạp, huống hồ là Cha tốt lành trên trời. Có khi chúng ta tưởng Cha cho chúng ta rắn hay bọ cạp mà thật ra đó là cá hay trứng. Có khi chúng ta xin cá hay trứng, mà thật ra đó là rắn hay bọ cạp, nên Cha cương quyết không cho. Cần trưởng thành để biết mình cần xin điều gì.
  9. Trong Tin Mừng Luca, Thánh Thần là quà tặng mà nhiều nhân vật trong Tin Mừng Luca được hưởng: bé Gioan ngay từ trong lòng mẹ (Lc 1, 15), Đức Mẹ (1, 35); bà Êlisabét (1, 41), ông Dacaria (1, 67), cụ Simêôn (2, 25-27). Chính Đức Giêsu cũng đầy tràn Thánh Thần (3, 21-22; 4, 1.18; 10, 21) và hứa sẽ ban Thánh Thần cho môn đệ sau phục sinh (Lc 24, 49; Cv 1, 4-5). Vậy Thánh Thần là Đấng ta cần xin và là Đấng mà Chúa Cha cũng như Chúa Giêsu rất muốn ban cho ta.

Chia sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật XVII Thường Niên C

Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Tiếp nối tư tưởng đó, Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào?

Ngày nay, không ít người tín hữu, cách riêng các bạn trẻ, tỏ ra xa rời với việc cầu nguyện. Họ cảm thấy cầu nguyện không còn là việc cần thiết đối với họ. Có người còn đặt câu hỏi: Làm sao giữa những công việc bộn bề của cuộc sống, lại có thể bỏ ra hàng giờ để cầu nguyện ? Đổi lại, nhiều người tín hữu lại chăm chỉ cầu nguyện, nhưng dường như đối với họ, cầu nguyện đơn giản chỉ là “cầu xin”. Nên mỗi khi đến nhà thờ, họ chỉ tập trung vào việc xin điều nọ, xin điều kia, mà không ý thức được rằng, cầu nguyện không đơn thuần như vậy.

Câu chuyện kể rằng: Giữa đêm khuya, một căn nhà ở nơi hẻo lánh bỗng bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái đều thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn ngọn lửa. Rồi mọi người sực nhớ đứa con trai út mới lên năm tuổi vẫn còn bị kẹt trên gác. Phải làm gì đây? Không ai có thể đi vào được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé thò đầu ra và kêu la thất thánh. Từ phía dưới, người cha nói với cậu: Con hãy nhảy xuống đi. Nhưng làm sao cậu bé dám làm theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: Làm sao con dám nhảy xuống vì không thấy ba. Thế nhưng người cha đã trấn an: Con không thấy ba nhưng ba thấy con. Con cứ nhảy xuống đi. Thế là với tất cả tin tưởng, cậu bé nhảy từ trên gác xuống và nằm gọn trong cánh tay của người cha.

Thật vậy, cầu nguyện không chỉ là cầu xin, cũng không phải là bảng liệt kê ước muốn mà cầu nguyện đúng nghĩa phải là một sự tín thác, qua đó, chúng ta tôn thờ, thống hối, cảm tạ và xin ơn.

Cầu nguyện là một sự tín thác.

Tấm gương của tổ phụ Abraham mà Bài đọc thứ nhất tường thuật lại đã dạy chúng ta điều đó. Chúng ta ngạc nhiên, vì Abraham mặc cả với Thiên Chúa như những người bạn, chứng tỏ, tổ phụ đã có một đời sống kết hợp với Chúa một cách thâm sâu. Abraham nài nỉ Chúa không phải cho chính bản thân ngài, nhưng là cho cộng đoàn; ngài nghĩ tới lợi ích của cả một tập thể hơn là lợi ích của ngài. Ngài tin rằng, Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và rất mực khoan dung, sẽ tha thứ cho dân.

Là con cái Thiên Chúa, cho dầu chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn ở trong vòng tay của Thiên Chúa, đó là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu đã đem đến trong thế gian.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Qua cuộc sống, cách cư xử và cái chết của Đức Giêsu, Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Chúa Giêsu, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Nên khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

Thế nên, có thể nói rằng: Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta là con cái của Người. Chúng ta xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; chúng ta xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi cám dỗ ở tương lai, nên chắc chắn sẽ được Chúa Cha đón nhận.

Sau khi đã dạy chúng ta lời kinh tuyệt vời đó, Người còn khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn và trông cậy mà cầu nguyện.

Cầu nguyện cần một sự kiên nhẫn.

Kiên nhẫn trong khi cầu nguyện là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.

Cầu nguyện cần một sự trông cậy.

Phải trông cậy trong khi cầu nguyện vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chân phước Têrêxa Calcutta đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ một ai đến xin giúp đỡ. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng Người không bao giờ làm lơ trước lời cầu nguyện của chúng ta”.

Do đó, cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho tôi những bệnh tật để tôi làm những việc tốt hơn. Tôi đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho tôi sự nghèo khó để tôi được khôn ngoan hơn. Tôi đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng tôi nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà tôi chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy có tâm tình tín thác trong lời cầu nguyện, để nhờ đó, đời sống chúng ta luôn là lời tạ ơn Chúa không ngừng. Amen.

 Vui học Kinh Thánh, Chúa Nhật XVII Thường niên, năm C

“Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Tin Mừng thánh Luca 11, 1-13

“Kinh “Lạy Cha” (Mt 6, 9-13 )

1Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. 2Người bảo các ông:

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,

3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;

4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người bạn quấy rầy

5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

Cứ xin thì sẽ được (Mt 7, 7-11)

9“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? ”

1He was praying in a certain place, and when he had finished, one of his disciples said to him, “Lord, teach us to pray just as John taught his disciples”. 2He said to them, “When you pray, say: Father, hallowed be your name, your kingdom come. 3Give us each day our daily bread  4and forgive us our sins for we ourselves forgive everyone in debt to us, and do not subject us to the final test”.

5And he said to them, “Suppose one of you has a friend to whom he goes at midnight and says, ‘Friend, lend me three loaves of bread, 6for a friend of mine has arrived at my house from a journey and I have nothing to offer him’, 7and he says in reply from within, ‘Do not bother me; the door has already been locked and my children and I are already in bed. I cannot get up to give you anything.’8 I tell you, if he does not get up to give him the loaves because of their friendship, he will get up to give him whatever he needs because of his persistence.

9“And I tell you, ask and you will receive; seek and you will find; knock and the door will be opened to you.

10For everyone who asks, receives; and the one who seeks, finds; and to the one who knocks, the door will be opened. 11What father among you would hand his son a snake when he asks for a fish?12 Or hand him a scorpion when he asks for an egg?13 If you then, who are wicked, know how to give good gifts to your children, how much more will the Father in heaven give the holy Spirit  to those who ask him?

I. HÌNH TÔ MÀU

 

* Chủ đề của hình này là gì?

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu TM thánh Luca 11,1
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

II. TRẮC NGHIỆM

01. Các môn đệ xin ai dạy cho mình cầu nguyện? (Lc 11,1)
a. Ông Gioan.
b. Ông Phaolô.
c. Đức Giêsu.
d. Ông Gamalien.

02. Những ý đầu tiên của lời cầu nguyện là gì? (Lc 11,2)
a. Xin cho danh thánh Cha vinh hiển.
b. Triều đại Cha mau đến.
c. Xin cho các linh hồn được cứu độ.
d. Chỉ a và b đúng.

03. Những ý cầu nguyện dành cho con người là gì? (Lc 11,3-4)
a. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
b. Xin tha tội chúng con.
c. Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy.
d. Cả a, b và c đúng.

04. Đức Giêsu dạy ai xin thì sẽ như thế nào? (Lc 11,10)
a. Nhận được.
b. Không mất phần đâu.
c. Nhận được ơn giải thoát.
d. Nên công chính.

05. Cha trên trời sẽ ban gì cho những kẻ kêu xin Người? (Lc 11,13)
a. Sự bình an.
b. Dư dật của cải.
c. Thánh Thần.
d. Nước Trời.

III. Ô CHỮ

Những gợi ý

01. Chúng ta cầu xin để khỏi sa vào đâu? (Lc 11,4)
02. Chúng ta xin được tha điều gì? (Lc 11,4)
03. Các môn đệ xin ai dạy cho mình cầu nguyện? (Lc 11,1)
04. Cha trên trời sẽ ban gì cho những kẻ kêu xin Người? (Lc 11,13)
05. Chúng ta xin gì hằng ngày? (Lc 11,3)
06. Chúng ta xin điều gì của Cha mau đến? (Lc 11,2)
07. Hai từ khởi đầu kinh nguyện của Đức Giêsu dạy cho các môn đệ điều gì?  (Lc 11,2)
08. Người bạn đến vay bánh vào lúc nào? (Lc 11,5)
09. Chúng ta xin cho Danh thánh Cha thế nào? (Lc 11,2)

Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Tin Mừng thánh Luca 11,10

Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 17 TN C

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề: Cầu nguyện
* Câu Tin Mừng thánh Luca 11,1
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”

II. TRẮC NGHIỆM

01. c. Đức Giêsu (Lc 11,1)
02. d. Chỉ a và b đúng (Lc 11,2)
03. d. Cả a, b và c đúng (Lc 11,3-4)
04. a. Nhận được (Lc 11,10)
05. c. Thánh Thần (Lc 11,13)

III. Ô CHỮ

01. Chước cám dỗ (Lc 11,4)
02. Tha tội (Lc 11,4)
03. Đức Giêsu (Lc 11,1)
04. Thánh Thần (Lc 11,13)
05. Lương thực (Lc 11,3)
06. Triều đại (Lc 11,2)
07. Lạy Cha (Lc 11,2)
08. Nửa đêm (Lc 11,5)
09. Vinh hiển (Lc 11,2)

Hàng dọc: Cầu nguyện

 CN 17 TN C – 5 phút Lời Chúa với Thiếu Nhi

CN 17 TN C – 5 phút Lời Chúa với Thiếu Nhi
Tin Mừng thánh Lu-ca Lc 11, 1-13Chào các em,

Hôm nay, Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên năm C, Tin mừng theo thánh Lu-ca.

Bài Tin mừng hôm nay thuật việc Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha và kèm theo dụ ngôn nói về sự kiên nhẫn của cầu nguyện, cùng sự tốt lành của người cha.

Có hai bản văn về kinh Lạy cha, một của thánh sử Lu-ca (Lc 11, 2-4) và một của thánh sử Mát-thêu  (Mt 6, 7-13). Bản của thánh Mát-thêu dài hơn, được các tín hữu biết nhiều hơn vì được sử dụng trong phụng vụ.

Khi bắt đầu cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nói: “Lạy Cha…”  Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu khẩn với Thiên Chúa như một người cha, luôn gần gủi và thân mật. Cầu nguyện với Thiên Chúa với đậm tình con thảo và trọn niềm phó thác vào Ngài.

Kinh Lạy Cha có bảy ý nguyện. Ba lời nguyện xin đầu tiên hướng tâm hồn chúng ta về Thiên Chúa, giúp chúng ta đặt thánh ý Ngài lên trên mọi mong muốn cá nhân. Những lời cầu xin này không chỉ là lời ngợi khen, mà còn là lời mời gọi chúng ta sống đời sống thánh thiện, để qua đó, Danh Chúa được tỏa sáng giữa thế gian.

Nguyện Danh Cha cả sáng” là nguyện ước mọi người trên thế giới biết đến Thiên Chúa, tôn kính và yêu mến Ngài. “Nguyện Danh Cha cả sáng” có nghĩa là làm cho mọi người nhận ra sự tốt lành, yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Đó là phận sự thờ lạy Thiên Chúa.

Nước Cha trị đến”: Nước Thiên Chúa được hiểu là triều đại của Thiên Chúa được Chúa Giêsu rao giảng. Giáo Hội trần thế là triều đại hữu hình của Chúa ở thế giản. “Nước Cha trị đến”: nghĩa là xin cho Giáo Hội được truyền bá khắp nơi, mọi người thờ phượng Thiên Chúa, Chúa thống trị mọi tâm hồn.

“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: là mong ước mọi người trên thế gian này làm theo ý của Thiên Chúa và được cứu độ.

Bốn ý nguyện tiếp theo của Kinh Lạy Cha tập trung vào những nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc, vượt xa những nhu cầu vật chất. Những lời cầu xin này dạy chúng ta sống trong sự phó thác, lòng thương xót, và niềm tin vào sự che chở của Thiên Chúa.

 “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”: lương thực mà chúng ta cầu xin hằng ngày, không chỉ lương thực vật chất nuôi sống thân xác mà còn tất cả các ơn phần hồn nữa, nhất là Thánh Thể Chúa, vì đó là nguồn bảo đảm sự sống đời đời như Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con”. Xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, giống như chúng ta tha thứ cho những người làm điều sai trái với mình. Đây là lời nhắc nhở chúng ta phải biết tha thứ cho người khác, nếu muốn được Thiên Chúa tha thứ. Việc xin tha tội bao hàm một ơn hoán cải, thay đổi hoàn toàn để sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Bởi chính Chúa Giê-su đã dùng máu của Ngài để chuộc tội cho chúng ta. Khi xin Thiên Chúa tha tội thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho anh em. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,14-15).

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”: với thân phận yếu đuối và bị tội lỗi làm sai lạc, con người dễ dàng phạm tội, lỗi luật của Thiên Chúa. Cám dỗ luôn bủa vây chúng ta tứ bề, không ai tránh khỏi. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta tránh xa những điều xấu, những cám dỗ có thể làm chúng ta xa rời Ngài.

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ“: “Sự dữ” là tất cả những gì làm tổn thương chúng ta về thể xác, tinh thần và linh hồn. Xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi những điều xấu xa, những khó khăn trong cuộc sống. Đây là lời cầu nguyện cuối cùng trong Kinh Lạy Cha, là tiếng kêu van từ sâu thẳm tâm hồn, là lời tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng mạnh mẽ hơn mọi thế lực sự dữ. Khi chúng ta đọc lời cầu này, chúng ta đặt trọn niềm tin vào vòng tay yêu thương của Cha trên trời, tin rằng Ngài sẽ gìn giữ chúng ta an toàn.
Các em thân mến,

Hôm nay chúng ta tập chú vào một lời nguyện thôi: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.  Chúng ta cầu xin lương thực vật chất để nuôi sống thân xác, và quan trọng hơn, chúng ta cũng phải cầu xin và lãnh nhận những ơn thiêng để có thể nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.Vậy, chúng ta có siêng năng đi tham dự thánh lễ Chúa nhật và rước Mình Thánh Chúa không? Thứ ba hằng tuần có thánh lễ của Giáo buôn, chúng ta có đi tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa không?

Hãy trở nên những học trò ngoan của Thầy Giê-su các em nhé.

Mến chào tất cả các em.

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 15 Thường Niên năm C

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 17 Thường Niên năm C

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XVII thường niên – Năm C

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XVII thường niên – Năm C

MẪU 1 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE TRÌNH CHIẾU

MẪU 2 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE PDF

MẪU 3 – NĂM 2022

TẢI VỀ FILE PDF