Nên Dạy Điều Gì Về Bí Tích Thánh Thể Cho Trẻ

Thường xuyên nói cho trẻ về Bí tích Thánh Thể – dù trẻ đã được rước lễ lần đầu hay chưa, sẽ giúp trẻ đào sâu hơn kiến thức về Thánh Thể, đồng thời củng cố đức tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể.

Như chúng ta đã biết, kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể luôn luôn là chương trình sống của hầu hết tất cả các vị thánh; gần đây nhất, điều này được biểu lộ qua kế hoạch sống của Chân phước Carlo Acutis khi cậu tâm niệm rằng: “Thánh Thể là con đường cao tốc dẫn tới Thiên đàng”.

Tuy nhiên, ý thức về giá trị và hiệu quả của Bí tích Thánh Thể cho đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu thì không phải lúc nào trẻ em cũng có được nhận thức này. Do đó, những nhà giáo dục và các giáo lý viên nên sáng tạo và tìm cách dạy cho trẻ học biết về tầm quan trọng của Thánh Thể và việc tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khi tôi còn là một giáo lý viên, tôi đã từng chứng kiến một cảnh tượng không thể chấp nhận được của một em thiếu nhi lớp Thêm sức, tên Hoàng, 11 tuổi. Khi vừa khỏi nhà thờ sau khi tham dự Thánh lễ, trước ánh mắt kinh ngạc của vài người bạn cùng lớp, Hoàng lấy trong túi áo và cưới khúc khích, nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và sau đó em vội bỏ vào miệng mình. Thì ra, lúc lên rước lễ, em giấu Mình Thánh Chúa trong túi áo mà không ai biết, và nghĩ rằng mình đã khéo léo khoe điều này với những người bạn của em.

Đây thực sự là một điều đáng buồn, và cho thấy rằng, Hoàng không hiểu nhiều về Bí tích Thánh Thể. Những hành vi này của trẻ không phải là hiếm thấy. Điều này khiến các nhà giáo dục phải suy nghĩ và phải có trách nhiệm trong việc dạy trẻ cách tôn kính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta phải tôn kính Bánh và Rượu đã được truyền phép?

Bánh và Rượu đã được truyền phép không còn là bánh và rượu nữa, nhưng là MÌNH VÀ MÁU CHÚA GIÊSU.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Bằng việc truyền phép bánh và rượu diễn ra sự biến đổi toàn bộ bản thể của bánh thành bản thể của Mình Chúa Kitô, Chúa chúng ta và toàn bộ bản thể của rượu thành Máu Chúa Kitô (…). Sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô bắt đầu từ lúc truyền phép và còn tồn tại chừng nào hình dạng Thánh Thể còn tồn tại” (GLHTCG, số 1376 và 1377).

Do đó, chúng ta phải nói cho trẻ biết rằng, chúng ta phải tôn kính Mình Máu Thánh Chúa vì người Kitô hữu tin rằng, Chúa Giêsu thực sự hiện diện ở đó. Nhưng điều ngược lại cũng đúng rằng, cử chỉ tôn thờ giúp chúng ta tin tưởng rằng chủ tế việc truyền phép chính là Chúa Giêsu.

Chắc chắn, Chúa Giêsu là Đấng Toàn Năng nhưng chúng ta vẫn có thể kết hợp mật thiết với Ngài. Đồng thời, Ngài cũng là Đấng tối cao nên chúng ta cũng phải tôn thờ Ngài. Điều này đặc biệt đúng khi Ngài ban chính Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn những thức ăn bình dân đến nỗi người ta dễ dàng quên rằng, bánh và rượu đã được truyền phép không còn là bánh và rượu nữa. Hành vi tôn thờ Thánh Thể giúp chúng ta đi vào thực tại thoát khỏi các giác quan của chúng ta: Chúa Giêsu đang ở đây.

Một Số Nguyên Tắc Căn Bản Cần Nhắc Nhớ Trẻ

Bởi vì tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, trẻ nên được giáo dục từ sớm để chuẩn bị xứng đáng cho việc rước Chúa lần đầu tiên. Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ của chúng quỳ gối lúc truyền phép hoặc sau khi rước lễ, chúng cảm thấy rằng tấm bánh trắng thường này không phải là một miếng bánh đơn giản, nó là một cái gì đó đặc biệt. Khi lớn lên, chúng bắt chước một cách tự nhiên những cử chỉ và thái độ của những người lớn, và việc giáo dục về thể lý này đã là một cách liên quan đến đến Bí tích Thánh Thể.

Đương nhiên, những cử chỉ của thân thể thì chưa đủ: giáo lý về Bí tích Thánh Thể không thể chỉ giới hạn trong việc học hỏi một thái độ nào đó. Điều này có thể biến thành một thói quen trống rỗng. Thật ra, người ta có thể thực sự tôn thờ Chúa Giêsu mà không cần quỳ xuống, nhưng không phải Chúa Giêsu cần chúng ta quỳ: chính là chúng ta. Chúng ta là con người, cầu nguyện bằng thân xác là điều không thể thiếu. Nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ cử chỉ tôn thờ nào và nếu chúng ta không dạy điều này cho trẻ, thì cuối cùng trẻ cũng sẽ không biết cách thờ phượng.

Để chuẩn bị cho rước lễ lần đầu, chúng ta phải nhấn mạnh vào việc dạy về sự tôn kính Thánh Thể. Ngoài những giây phút trong lúc truyền phép với một sự trang trọng đặc biệt, nhấn mạnh vào những cử chỉ hiệp thông đúng đắn, nhắc nhở các em về một số quy tắc cơ bản – tất cả những điều này đều quan trọng.

Giữ Chay Thánh Thể Để Chuẩn Bị Đón Nhận Chúa Giêsu

Chúng ta cũng đừng quên việc giữ chay trước khi rước lễ. Các quy tắc đã được nới lỏng đáng kể (chúng ta được yêu cầu kiêng tất cả đồ ăn và thức uống, trừ nước và thuốc, ít nhất một giờ trước khi rước lễ). Tuy nhiên, sự nhịn ăn này là một cách thức chuẩn bị rất đẹp đẽ về thể chất, và do đó mang tính nhân bản sâu sắc, để chúng ta đón nhận Chúa Giêsu. Trẻ em rất có khả năng hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, miễn là trẻ được trình bày về điều này không phải như một nghĩa vụ, mà là một hành động tôn trọng và yêu thương.

Cách chúng ta dạy về Bí tích Thánh Thể là bổn phận việc của tất cả mọi người: chúng ta không nên ngần ngại khuyến khích việc suy ngẫm về đề tài này trong gia đình của chúng ta hoặc trong các môi trường giáo dục khác. Chúng ta nên đề xuất cử chỉ tôn thờ nào cho các em trong giờ phút truyền phép? Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích hồi tâm trong khi rước lễ? Có rất nhiều câu hỏi đòi hỏi phải có câu trả lời cụ thể và trên hết là sự đào sâu đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Nên Dạy Điều Gì Về Bí Tích Thánh Thể Cho Trẻ

Gia Thi, SDB (tổng hợp)

Nguồn: thegioisaledieng.net

Có nên đưa trẻ nhỏ đi lễ ngày Chúa Nhật?

Bốn Gợi Ý Giúp Việc Nuôi Dạy Trẻ Dễ Dàng Hơn

Một số sai lầm lớn khiến cho hôn nhân của nhiều người không bền vững

https://tonggiaophanhue.org/muc-vu/gia-dinh/mot-so-sai-lam-lon-khien-cho-hon-nhan-cua-nhieu-nguoi-khong-ben-vung/