Sưu tầm: Vầng Trăng Yêu Thương đến với trẻ em khuyết tật

Ban Catitas Sài Gòn: Vầng Trăng Yêu Thương đến với trẻ em khuyết tật

TGPSG – “Vui quá chừng luôn!” Đó là lời nói đơn sơ nhưng đầy phấn khích của một số trẻ khuyết tật khi tham dự buổi sinh hoạt vui chơi mừng đón Trung Thu do Ban hỗ trợ người khuyết tật Caritas TGPSG tổ chức, với chủ đề “Vầng Trăng Yêu Thương”, dành cho các em khuyết tật (không phân biệt tôn giáo), được vui chơi và chiêu đãi ẩm thực; diễn ra vào sáng thứ Bảy ngày 23-9-2023, tại hội trường Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, địa chỉ 180 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP HCM.

Từ lúc 7g30, các nữ tu (Nt) và các nhân viên của VP Caritas SG, trong trang phục đáng yêu của Thỏ Ngọc và Chú Cuội, chào đón 60 em khuyết tật (thuộc Mái ấm Têrêsa Calcutta), cùng gia đình đưa các em đến tham dự. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ đón tiếp, phục vụ của khoảng 15 cộng tác viên Ban Khuyết tật.

Tham dự buổi mừng đón Trung Thu này có: Linh mục (Lm) Giuse Phạm Thanh Bình – Giám đốc (GĐ) Caritas Sài Gòn (SG), Lm GB Phương Đình Toại – Phó GĐ Caritas SG, Nt Elizabeth Phan Thị Thu Thảo – Phó GĐ Caritas SG, Nt Cecilia Vũ Quang Diễm Chi – Phụ trách Ban hỗ trợ người khuyết tật của VP Caritas SG, cô Vũ Hoàng Yến, công ty Hoàng Đức – ân nhân, các em thiếu nhi của Câu lạc bộ Goldstar Kids, và hai Ảo thuật gia đến phục vụ giúp vui trong chương trình này.

Lúc 8g15, Lm GB Phương Đình Toại đã khai mạc chương trình. Sau phút Thánh hóa, Lm GB Toại đã chuyển lời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đến tất cả mọi người, đó là những lời chúc mừng và lời cầu xin Thiên Chúa ban sự tốt lành cho từng người: ơn sức khỏe cho các bé, ơn được kiên nhẫn yêu thương của các phụ huynh để chăm sóc con em mình, và nhiều ơn cho những người phục vụ trong Caritas. Lm GB Toại cũng chúc mọi người có buổi mừng đón Trung Thu hôm nay thật vui vẻ; xin tình thương của Thiên Chúa kết nối mọi người với nhau trong yêu thương, đúng như ý nghĩa của chủ đề – Vầng Trăng Yêu Thương.

Sau đó, các em vui Trung Thu. Cô MC Maria Trần Thị Thơm trong vai Hằng Nga, dẫn chương trình, đã thể hiện sự duyên dáng khi giới thiệu các tiết mục và kết nối mọi người với nhau, tạo bầu khí gần gũi, ấm áp, chan hòa tình thương mến.

Các em thiếu nhi của Câu lạc bộ Goldstar Kids, trong trang phục đẹp, lấp lánh ánh kim và rạng rỡ màu sắc, đã trình diễn nhiều tiết mục múa hát sôi nổi, phấn khích, vui tươi và những bài hát Trung Thu rộn rang, cuốn hút các em thiếu nhi.

Xen kẽ các tiết mục múa hát là những những tiết mục đố vui, và những màn ảo thuật chuyên nghiệp của 2 Ảo thuật gia: Nguyễn Cửu Thắng và Giuse Nguyễn Ngọc Minh Tâm (Chú hề Minh Tâm). Ngoài ra, các anh còn có tài hoạt náo, hài hước, cuốn hút không chỉ với các em thiếu nhi, mà còn với cả với cả người lớn; gây tiếng cười không ngớt cho mọi người, trong bầu khí gần gũi, thân thiện, ấm cúng yêu thương. Nhiều câu đố và trò chơi được đưa ra kèm những phần quà là những gói Snack, không chỉ các em thiếu nhi háo hức muốn trả lời câu hỏi mà còn cả với phụ huynh.

Đến 10g, phần ẩm thực dành cho tất cả mọi người tham dự, phụ huynh đã lấy những phần ẩm thực để đút các con không thể tự ăn được. Lúc này, các phụ huynh vừa cho con ăn, vừa có thể chuyện trò, thăm hỏi các phụ huynh ngồi bên cạnh.

Lúc 10g45, một đại diện phụ huynh đã bày tỏ lòng tri ân Đức TGM Giuse, quý linh mục, tu sĩ và nhân viên Caritas, đã tổ chức buổi họp mặt mừng Trung Thu cho các con em; cảm ơn quý ân nhân, những anh chị em thiện nguyện đã giúp cho các em có những giờ phút vui vẻ, hòa mình với nhau trong tiếng cười. Dẫu có những em do khuyết tật không thể cảm nhận được gì, nhưng phụ huynh của các em đã cảm nhận được nhiều sự an ủi, niềm vui từ sự quan tâm, yêu thương của mọi người. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả mọi người.

Đáp từ, Lm Giuse Giám đốc Caritas SG cảm ơn tất cả mọi người đã góp phần trong việc tổ chức, phục vụ thiện nguyện buổi mừng Trung Thu ý nghĩa, đem lại niềm vui cho các em và cầu xin Chúa ban nhiều ơn cho mọi người. Sau đó, ngài ban phép lành kết thúc buổi mừng Trung Thu lúc 11g. Mọi người đã cùng nhau chụp hình lưu niệm và ra về với giỏ quà mừng Trung Thu do Ban Caritas trao cho các phụ huynh.

Ban Caritas tổ chức “Vầng Trăng Yêu Thương” nhằm mục đích giúp các em khuyết tật vui ngày Trung Thu; nhằm nâng đỡ tinh thần phụ huynh có thêm động lực chăm sóc các con là những người dễ bị tổn thương; nhằm thể hiện tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua sự quan tâm chăm sóc của Giáo hội.

Cô Vũ Hoàng Yến – ân nhân, đã cảm tạ Chúa cho buổi mừng Trung Thu được tổ chức thật ý nghĩa, đem lại nhiều cảm xúc yêu thương của mọi người. Việc tổ chức rất chu đáo. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho các phụ huynh và những người phục vụ bác ái.

“Vầng Trăng Yêu Thương” đã đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp nơi nhiều người: Ảo thuật gia Cửu Thắng (không phải Công Giáo) chia sẻ rằng anh đã đi thiện nguyện nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên tham dự nơi này, cảm thấy xúc động muốn khóc, lòng của anh cảm thấy rất vui, hòa nhập trong niềm vui của các em, một bầu khí rất an bình nơi các em khuyết tật và của phụ huynh. Ảo thuật gia Giuse Minh Tâm đã hoạt náo đem đến đầy ắp tiếng cười cho mọi người thì cho rằng việc phục vụ cho các em vui cũng là niềm vui của chính mình. Một số phụ huynh (không phải Công giáo) đã nói lên cảm nhận rất vui khi thấy con được vui; như chị Mỹ Linh nói: con của chị 8 tuổi, mắt không thấy nhưng nghe được và đã thể hiện rất phấn khích; con chị Huyền Trâm 8 tuổi, đi đứng khó khăn nhưng cũng lăng xăng đi đi lại lại và hát cho mọi người nghe; một em bị co cơ cứng khớp, không nói được, nhưng Ba của em biết rằng con đang phấn khích, thể hiện qua việc gồng cứng chân tay khi tiếng nhạc âm vang. Và còn nhiều nữa những bộc bạch lòng cảm ơn của các phụ huynh… đã cảm thấy rất vui trong niềm vui của con mình.

Bài: Tiến Hương (TGPSG)
Ảnh: Quang Nam

Video ông Trăng xuống chơi:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02nCpA3pzBnVJdGparRHwCqzAE46HAT5xGQ6z4C81gh5X4fWPVhQd8bPXgQDi4wUQdl&id=100011363041111

https://www.facebook.com/watch/?v=2641479862553020

Có nên biến cung thánh thành sân khấu trình diễn văn nghệ?
Vừa qua, nhân dịp tết Trung Thu của các em thiếu nhi (13-9-2019), nhiều người được xem một video clip quay tại một giáo xứ nọ thuộc TGp Saigon. Video này được chính cha xứ của giáo xứ đó post lên trang FB của ngài và được chép lại và post lên FB bởi một linh mục khác, kèm theo một dòng tút ngắn thế này “Trung thu 2019. Các bạn xem thế nào?”.
Khi xem clip này, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy gian cung thánh của giáo xứ đó bỗng biến thành sân khấu trình diễn văn nghệ cho các thiếu nhi vui Trung Thu. Và người ta lại ngạc nhiên hơn nữa khi tiết mục trình diễn lại là hoạt cảnh trích trong phim Tây Du Ký với sự xuất hiện quen thuộc của nhân vật Tôn Ngộ Không liêu xiêu, nghiêng ngả. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của đoàn múa lân khá hoành tráng nữa…
Ngay sau khi clip này được phổ biến trên mạng XH, rất nhiều người đã xem, đã đưa ra bình luận (comment) đồng thời cũng đã chia sẻ (share) trên FB. Tính đến nay (17-9-2019), đã có 405 người tham gia bình luận và có 147 người chia sẻ video này. Phần đông cư dân mạng đều không tán thành việc sử dụng gian cung thánh để làm sân khấu diễn tuồng và không chấp nhận việc đưa đội múa lân vào trong thánh đường. Họ cho rằng làm như vậy là bất xứng, là xúc phạm chốn tôn nghiêm, là phản cảm, là không chấp nhận được dù với lý do gì v.v.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ít người, có lẽ phần lớn là giáo dân thuộc giáo xứ đó, thì cho rằng việc làm này là chấp nhận được, vì lý do trời mưa nên cha xứ phải dời vào trong nhà thờ để diễn. Mặt khác, cha xứ đó cũng đã dời Mình Thánh Chúa từ nhà tạm sang chỗ khác nên không ảnh hưởng sự tôn nghiêm của cung thánh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, toàn thành phố HCM đều có mưa, chắc chắn nhiều giáo xứ đã phải thay đổi kế hoạch tổ chức cuộc vui Trung Thu cho các em. Nhưng chúng ta tin rằng ít có nơi nào biến cung thánh thành sân khấu cho Tôn Ngộ Không diễn xuất và dành không gian nhà thờ cho đoàn múa lân…
Thực ra, cơ bản thì ai cũng biết rằng Cung thánh là chốn tôn nghiêm, nơi linh mục chủ tế cử hành các nghi lễ. Cung thánh thường ở vị trí trang trọng và cao hơn để giáo dân có thể theo dõi thánh lễ. Phía trên có treo Thánh Giá, phía dưới Thánh giá có Nhà tạm (nơi cất giữ Thánh Thể) và một quyển Kinh Thánh (sách thật hoặc hình ảnh, tượng). Trên cung thánh còn có Bàn thánh (hay bàn thờ chính) và Bục giảng (hay giảng đài). Ngoài ra còn có các bàn thờ phụ, chỗ ngồi cho lễ sinh, phòng áo lễ, nơi để các linh mục thay áo trước khi cử hành thánh lễ.
Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS, trong bài “Cung thánh” (Nguồn: cgvdt ngày 18-5-2017) đã giải thích vấn đề từ ngữ và nguồn gốc Thánh Kinh liên quan cung thánh, như sau:
“Từ ngữ “cung thánh” trong tiếng Việt được dịch từ tiếng La-tinh sanctuarium. Từ này, theo nghĩa đen, có nghĩa là đền thánh hay nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus, nghĩa là thánh hay thuộc thần thánh. Cung thánh là nơi thánh vì quy chiếu đến khu vực phụng tự trong nhà thờ, đặc biệt là chung quanh bàn thờ.
“Trong Cựu Ước, lều Hội ngộ hay Đền thờ Giêrusalem, cũng như mọi đền đài thánh trong các tôn giáo khác đều có một nơi cực thánh (1V 6,16; Ed 41,4). Trong thánh đường, cung thánh là nơi linh thánh nhất, tương tự như nơi cực thánh của Đền thờ Salômôn. Cung thánh biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (x. Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), là nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các tín hữu”.
Trong khi đó, bộ Giáo luật 1983 (Bản dịch 1992 – HĐGMVN) cũng đã quy định, như sau:
“Điều 1210: Trong nơi thánh chỉ cho phép làm những gì giúp thi hành hay thăng tiến việc phụng vụ, lòng đạo đức và sùng mộ, và cấm bất cứ những gì không xứng với nơi thánh. Nhưng vị Thường quyền có thể cho phép từng lần dùng, dùng vào việc khác, miễn là không nghịch với nơi thánh”.
“Điều 1220: Số 1 – Mọi người liên hệ phải lo giữ các nhà thờ được sạch và đẹp xứng với nhà Thiên Chúa và loại bỏ những gì không thích hợp với nơi thánh”.
Dựa vào các chỉ dẫn trên, xin có vài góp ý thế này: Việc đưa nhân vật Tôn Ngộ Không (Tây Du Ký) lên ngả nghiêng trên cung thánh, cùng với việc cho đội lân nhảy múa tưng bừng trong thánh đường, trên cung thánh, là một việc làm không thích hợp và không xứng đáng.
– Không thích hợp vì nhân vật Tôn Ngộ Không chẳng có dính dáng gì tới ý nghĩa của ngày tết Trung Thu của thiếu nhi. Có thể các em sẽ thích thú khi xem đoạn diễn này nhưng hiệu quả giáo dục thì hoàn toàn không có, nhất là đối với các em thiếu nhi Công giáo và đặc biệt là khung cảnh diễn ra lại là trên cung thánh, trong ngôi thánh đường nơi cộng đoàn tín hữu đến để cử hành các mầu nhiệm thánh, đến để hiệp thông Thánh Thể và Lời Chúa, đến để cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa…
– Không xứng đáng vì nhà thờ, cung thánh là nơi thánh, là “biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (x. Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), là nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các tín hữu” (x. LM Phạm Đình Ái, bài đd). Hội thánh “chỉ cho phép làm những gì giúp thi hành hay thăng tiến việc phụng vụ, lòng đạo đức và sùng mộ, và cấm bất cứ những gì không xứng với nơi thánh” (x. Giáo Luật HTCG điều 1210 đd trên). Được biết, nhiều nơi giáo quyền sở tại cấm không cho thợ chụp hình quay phim lên lên xuống xuống trên gian cung thánh vì việc này có thể gây chia trí cho cộng đoàn, ảnh hưởng đến bầu khí tôn nghiêm của thánh lễ./.

Trang Bạn Đọc