Sống Lời Chúa Chúa Nhật 26 thường niên năm A 01.10.2023 * Mừng kính Lễ Mẹ Mân Côi

MẸ MARIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”
 (Lc 1,38)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Dù chỉ nhận mình là một nữ tỳ thấp hèn, khiêm hạ, nhưng Đức Maria lại được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Qua tiếng “xin vâng” đầy xác tín, khiêm nhu và trách nhiệm, Mẹ đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu (bài Tin Mừng), giữa cộng đoàn môn đệ sau khi Chúa Giêsu về trời (bài đọc 1), và trong kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa để nhân loại được thứ tha tội lỗi, được gọi Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Trưởng Tử Giêsu (bài đọc 2).

1. Bài đọc 1:

Đối với tác giả Luca, sau biến cố phục sinh, các tông đồ cần phải ở lại Giêrusalem để chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa” (x. Lc 24,49; Cv 1,4). Trong khi chờ đợi, các ông họp nhau cùng với Mẹ Maria và một số phụ nữ, trong tinh thần hiệp nhất và cầu nguyện.

Trước hết, ngoài danh sách mười một tông đồ, tác giả Luca cho thấy có sự hiện diện của Mẹ Maria, thân mẫu của Đức Giêsu, mấy người phụ nữ và anh em của Đức Giêsu (x. Cv 1,14). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn môn đệ không phải là điều ngẫu nhiên, dù đây là lần đầu tiên trong sách Công vụ, thánh Luca gọi tên “bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu”. Quả vậy, ngay từ đầu Tin Mừng Luca, Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ để Mẹ cưu mang và sinh ra Con Thiên Chúa (Lc 1,35), thì giờ đây Mẹ hiện diện với cộng đoàn các môn đệ để chờ đón Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các môn đệ và khai sinh Giáo Hội (x. Cv 2,1-12). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn các môn đệ trong thời khắc có nhiều xáo trộn, âu lo, tạo nên sự nối kết và hiệp nhất trong niềm xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về sức mạnh của Thánh Thần.

Sau nữa, cùng với sự hiện diện của Mẹ Maria, đặc điểm nổi bật của cộng đoàn các tông đồ và môn đệ trong lúc chờ đợi điều Chúa Giêsu đã hứa là sự đồng tâm nhất trí. Vì cầu nguyện là thói quen của Chúa Giêsu (x. Lc 3,21; 5,16; 6,12; 22:41-44) và cũng là thói quen Người dạy cho các môn đệ (x. Lc 9,28-29; 11,1-4; 18,1; 22,46), nên trong giây phút chờ đợi đón nhận Thánh Thần như “quyền năng từ trên cao” (x. Lc 24,49), cộng đoàn các môn đệ một lòng một ý họp nhau cầu nguyện (x. Cv 1,14; 2,46; 4,24). Sau này việc họp nhau cầu nguyện tiếp tục là thói quen của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nhất là trong những biến cố khó khăn, bách hại (x. Cv 2,42; 6,4; 12,5.12; 20,36). Sự đồng tâm nhất trí cùng nhau cầu nguyện giúp liên kết cộng đoàn môn đệ trong thời khắc khó khăn. Tinh thần hiệp nhất – sự đồng tâm nhất trí của các tín hữu, được xem là một trong các đặc điểm nổi bật của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai (x. Cv 2,46; 4,24; 5,12;15,25).

Tóm lại, sau khi Chúa Giêsu về trời, sự hiện diện của Mẹ Maria giữa các môn đệ có một vai trò quan trọng trong việc liên kết họ thành một cộng đoàn hiệp nhất trong sự xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về quyền năng từ trời cao ban xuống; đồng thời giúp họ đồng tâm nhất trí cầu nguyện trong khi chờ đợi đón nhận ơn Thánh Thần.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô trình bày công trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con, nhờ sự cộng tác của một người phụ nữ là Đức Maria.

Trước hết, “sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật” là cách nói ám chỉ nhân tính của Con Thiên Chúa. Là con của một người phàm, Đức Giêsu là người thật trong một hoàn cảnh lịch sử; là người sống dưới lề luật, Đức Giêsu chịu ảnh hưởng và lệ thuộc vào các định chế của con người. Như thế, dù Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại trải nghiệm cách đầy đủ các điều kiện sống của nhân loại trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hơn nữa, theo thánh Phaolô, Thiên Chúa chấp nhận để Con của Ngài làm người với hai mục đích: một là, để “chuộc những ai sống dưới lề luật”, nghĩa là giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết; hai là, để “được ơn làm nghĩa tử”, nghĩa là được Thiên Chúa ban cho tư cách làm con trong gia đình mới của Ngài là Hội Thánh (x. Gl 4,5).

Sau nữa, vì là Con nên khi cầu nguyện Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11,25-26; Mc 14,36; Lc 22,42; 23,34.46) và Người cũng dạy các môn đệ cầu nguyện với Cha (x. Mt 6,9; Lc 11,2). Giờ đây, Thiên Chúa lại sai Thánh Thần đến ngự trong lòng các tín hữu mà dạy cho họ nhận biết mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của họ (x. Gl 4,6). Như thế, qua việc nhập thể của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và nhờ ơn Thánh Thần, nhân loại nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa là Cha; đồng thời, nhận ra phẩm giá của mình như là những người con được quyền thừa kế, nghĩa là được đồng thừa kế với Trưởng Tử là Đức Kitô (Gl 4,7; x. Rm 8,17).

Tóm lại, theo thánh Phaolô, công trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, để nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được gọi Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Đức Giêsu.

3. Bài Tin Mừng:

Đứng trước lời truyền tin của sứ thần, Đức Maria trải qua ba cung bậc khác nhau: từ “bối rối, lo sợ” đến “tìm hiểu, thắc mắc” và cuối cùng là “xác tín” bằng tiếng “xin vâng”.

Trước hết, đứng trước lời chào của sứ thần “mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (1,28), Đức Maria “rất bối rối” và “lo sợ” (x. Lc 1,29-30). Mẹ bối rối và không hiểu được lý do tại sao Mẹ lại được Thiên Chúa đoái nhìn và ban đầy ân sủng, vì Mẹ biết mình chỉ là một nữ tỳ hèn mọn (x. Lc 1,48). Mẹ lo sợ vì thấy mình chỉ là một thụ tạo nhỏ bé và khiêm cung trước một Thiên Chúa quyền năng; Mẹ thấy mình không xứng đáng để được “Đức Chúa ở cùng”. Mẹ bối rối vì chưa thể hiểu được ý nghĩa của niềm vui lớn lao mà thiên sứ loan báo cho Mẹ. Sự “bối rối, lo sợ” của Mẹ là biểu hiện của một tầm hồn khiêm hạ, đơn sơ và đầy lòng kính sợ Chúa.

Thêm vào đó, sau khi nghe sứ thần loan báo về việc Mẹ “sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”, phản ứng của Đức Mẹ chuyển từ “bối rối, lo sợ” sang “thắc mắc, tìm hiểu”. Mẹ thắc mắc vì không biết việc thụ thai sẽ xảy ra thế nào khi Mẹ chưa về chung sống với người chồng Giuse (1,27). Mẹ thắc mắc vì chưa thể hiểu vì sao con Mẹ sinh ra lại được gọi là “Con Đấng Tối Cao”; thừa kế “ngai vàng vua Đavít” nghĩa là gì ? Và “trị vì nhà Giacóp đến muôn đời” là thế nào ? Sự thắc mắc của Mẹ là biểu hiện của một tâm hồn chiêm niệm và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Sự thắc mắc, tìm hiểu của Mẹ dẫn Mẹ đi sâu hơn vào mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa sắp thực hiện nhờ sự cộng tác đắc lực của Mẹ.

Cuối cùng, sau khi được sứ thần mặc khải về ân sủng Thánh Thần sẽ xuống trên Mẹ và quyền năng của Thiên Chúa sẽ rợp bóng trên Mẹ; sau khi Mẹ nghe biết về việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời bà chị họ, Mẹ đã thốt lên lời “xin vâng” với tất cả lòng xác tín vào Thiên Chúa, Đấng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Mẹ xác tín bằng tiếng “xin vâng” vì Mẹ tin chắc Mẹ được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến và thực hiện nơi cuộc đời Mẹ những điều cao cả, dù Mẹ vẫn chỉ là một nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa (x. Lc 1,38.48-49). Tiếng “xin vâng” của Mẹ là sự tín thác hoàn toàn Mẹ đặt nơi Thiên Chúa, dù Mẹ hiểu chặng đường phía trước còn lắm mịt mù và chông gai.

Tóm lại, từ “lo âu, sợ hãi”, đến “thắc mắc, tìm hiểu”, để rồi cuối cùng “xác tín” bằng tiếng “xin vâng”, Mẹ Maria là mẫu mực của một thụ tạo khiêm nhu tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và trao vào tay Ngài cả cuộc đời mình với tất cả sự tín thác, cậy trông hoàn toàn. Sự cộng tác khiêm tốn nhưng đầy xác tín của Mẹ đã mở ra một chương mới trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật về cuộc họp mặt của cộng đoàn các môn đệ xung quanh Mẹ Maria sau biến cố Chúa Giêsu về trời. Trong lúc hoang mang và lạc hướng, các môn đệ quây quần bên Đức Mẹ; mọi người đều đồng tâm nhất trí cầu nguyện và chờ đợi đón nhận “quyền năng từ trên cao” theo như lời Chúa Giêsu đã hứa (x. Lc 24,49). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn các môn đệ trong giây phút khó khăn tạo nên sự nối kết và hiệp nhất trong niềm xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về sức mạnh của Thánh Thần. Tất cả những ai đang hoang mang, lo lắng, sợ hãi, mất định hướng, hãy cùng Mẹ Maria lặng thầm cầu nguyện và đặt trọn niềm tin nơi Chúa theo gương Mẹ.

2/ Thánh Phaolô trình bày công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nhờ đó, nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được làm nghĩa tử của Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Trưởng Tử Giêsu. Trong công trình cứu độ đó, Mẹ Maria đã tích cực cộng tác để nhờ Con Thiên Chúa làm người mà nhân loại được chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa. Cũng như Mẹ Maria, mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài để công trình cứu độ được tiếp nối, nhờ đó mỗi ngày có thêm nhiều người con nhận ra và tôn thờ Thiên Chúa là Cha của họ, Đức Giêsu là anh em của họ, nhờ đó họ cũng được đồng thừa kế gia tài ơn cứu độ với Người.

3/ Trong biến cố truyền tin, Đức Maria đã đi từ cảm giác bối rối, lo sợ đến sự xác tín qua tiếng “xin vâng” theo thánh ý Chúa sau khi được sứ thần giải thích cặn kẽ. Lời xin vâng của Mẹ là cả một tiến trình đón nhận mặc khải, tìm hiểu và cầu nguyện để có thể nhận ra và vâng theo ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Với tâm hồn trinh trong, khiêm hạ và phó thác, Mẹ Maria đã mở lòng ra đón nhận ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, dù Mẹ hiểu rằng tương lai phía trước còn lắm chông gai và thử thách. Theo gương Mẹ Maria, mỗi Kitô hữu đều được mời gọi khám phá ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình và sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa để chương trình cứu độ của Ngài được hiện thực hóa trong thế giới hôm nay.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Với tiếng thưa xin vâng khiêm tốn, Ðức Maria đã quảng đại cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho mọi kitô hữu. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Chúa và tha thiết cầu xin:

1. Đồng tâm nhất trí và cầu nguyện là các đặc tính căn bản của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng Giám mục trong tinh thần vâng phục yêu mến; đồng thời, luôn hiệp thông với các ngài trong mọi hoạt động và lời cầu nguyện.

2. Đức Maria đã tích cực cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới được tràn đầy Chúa Thánh Thần, luôn có những sáng kiến và chính sách phù hợp với Tin Mừng, tôn trọng tự do và quyền lợi của người dân, nhằm xây dựng một xã hội văn minh đích thực.

3. Đức Maria là mẫu gương sống Phúc âm qua thái độ “xin vâng” trước ý định của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang trải qua khó khăn hay đau khổ về tinh thần lẫn thể xác, biết học gương nhân đức của Mẹ, luôn sẵn sàng đón nhận và mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.

4. Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức giá trị của kinh Mân Côi, hết lòng yêu mến và siêng năng thực hành lời kinh này như một phương thế hữu hiệu để sống và loan báo Tin Mừng.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn trung thành gắn bó mật thiết với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. – Amen.

https://giaophannhatrang.org/vi/news/Phung-Vu-343/phung-vu-loi-chua-le-duc-me-man-coi-26047.html

Tháng Mân Côi – Tác giả: Têrêsa Mai Thị Ngượi  

Thơ: Mân Côi Dẫn Lối – Tác giả: Suối Ngàn

Nên thay đổi

Thiếu nhi đi lễ vào trong
Người lớn đi lễ lòng vòng ngoài sân.
Có người ngồi dựa, gác chân.
Rung đùi, hút thuốc chẳng cần nghe chi.
Có chị đi lễ cứ đi.
Cho xong bổn phận, không vì mến yêu.
Có anh dự chẳng bao nhiêu.
Đi muộn về sớm nhiều điều phải lo.
Những đôi nam nữ tự do.
Ngồi trên xe máy chuyện trò râm ran.
Điện thoại liên tục reo vang.
Trả lời mà cứ oang oang như thường.
Nhiều người đứng tuốt ngoài đường.
Xem kẻ qua lại, phố phường, trời mây.
Chưa kể người núp gốc cây.
Suy tư, tính toán, điều nầy việc kia.
Làm việc, ăn uống lia chia.
Một giờ cho Chúa ra rìa được sao ?
Thờ phượng lên Đấng Tối Cao.
Lại không sốt sắng, lẽ nào lo ra.

https://www.facebook.com/Manhhungbolsa.cali/videos/109609693540903

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi – Lm GB Phạm Hồng Thái

Nghe giảng Lễ Đức Mẹ Mân Côi (2008-2022)

Thơ ca: Hạt chuỗi mòn

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN. A

(Mt. 21:28-32)

TRỞ VỀ

Hai con phụng dưỡng cha già,

Giúp cha chăm sóc, cửa nhà ruộng nương.

Dụ ngôn câu truyện dễ thương,

Nhờ con phụ giúp, đêm trường lắng lo

Sai con thứ nhất hẹn hò,

Chối từ không chịu, lo cho việc đồng.

Chiều về hối hận nghĩ thông,

Vào vườn lao động, ra công thi hành.

Ngỏ lời con thứ cầm canh,

Giúp cha công tác, tập tành thâu gom.

Xin vâng, con sẽ trông nom,

Nhưng vì lười biếng, không dòm ngó chi.

Hứa lèo lại chẳng muốn đi,

Nên đành thất hứa, lắm khi muộn phiền.

Cha già đáng kính dịu hiền,

Mong con hối hận, tội khiên xóa nhòa.

Tội nhân thu thuế mù lòa,

Những người gái điếm, trước tòa Chúa thương.

Ăn năn hối cải mở đường,

Trở về bên Chúa, tựa nương tháng ngày.

Chúa Giêsu đem Tin Mừng Cứu Độ đến trần gian. Chúa không đến để kết án hay luận phạt, nhưng mở đường đón nhận những người tội lỗi trở về. Ai trong chúng ta cũng cần trở về, trở về với lòng mình, trở về với gia đình, với cộng đòan và trở về với tình yêu của Chúa.

   Người cha nhân từ trong bài Phúc Âm hôm nay, đã đến với từng đứa con xin giúp đỡ. Ông nói,”Con hãy đi làm vườn nho cho cha.” Con thứ nhất trả lời, “Con không muốn đi” nhưng hối hận, sau lại đi. Còn con thứ hai tỏ vẻ sẵn sàng đi làm cho cha, nhưng rồi lại không đi. Dĩ nhiên người con thứ nhất làm cha vui lòng hơn.

Thử suy nghĩ, chúng ta là người con thứ nhất hay con thứ hai? Có lẽ cả hai. Cuộc sống với biết bao thăng trầm đổi thay. Hoàn cảnh thay đổi. Cuộc sống thay đổi. Tính tình con người cũng đổi thay. Lời xin vâng hôm nào trở thành lời chối từ hôm nay. Kẻ yêu thương trở thành địch thù. Người ta nói, “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng ngược lại phú qúy sinh đạo tặc. Cuộc đời thay trắng đổi đen là thế.

   Có anh chị vào xin rửa tội cho con. Trong cuộc truyện trò, tôi hỏi: Anh chị có phải là người công giáo không? Họ trả lời: Dạ phải. Nhà chúng con theo đạo công giáo mấy đời. Đạo gốc từ cha ông mà cha. Thế anh chị có đi tham dự lễ Chúa Nhật thường không? Anh chị thưa: Thỉnh thoảng chúng con đi, vào các dịp lễ lớn thôi. Tôi hỏi tiếp: Anh chị có lãnh nhận bí tích hòa giải thường xuyên không? Anh chị trả lời rằng: Chúng con có tội gì đâu mà xưng. Tiếp nữa, tôi hỏi: Anh chị có cử hành lễ cưới trong nhà thờ không? Anh chị cười và nói: Chúng con cũng chưa lãnh nhận Bí tích hôn phối. Một cách sống đạo bên ngoài rất hời hợt. Chỉ mang danh là Kitô Hữu. Nói một đàng, làm một nẻo.

Là Kitô Hữu, rất nhiều lần chúng ta đã nói lời “xin vâng”. Xin vâng khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, xin vâng khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Hôn Phối, Bí Tích Truyền Chức Thánh… Chúng ta đã hứa là sẽ đi làm vườn nho cho Chúa. Lời Xin Vâng hôm đó đã bị lãng quên. Chúng ta bận bịu với cuộc sống và chạy đua với thời gian thế là công việc bị bỏ lửng.

Giây phút thinh lặng nguyện cầu giúp chúng ta trở về. Trở về với Cha Nhân Hiền. Hãy thưa với Cha rằng con đã lầm đường, nay con trở về. Xin Cha thứ lỗi.

THỨ HAI, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 9, 46-50).

CAO TRỌNG

Người nào trọng nhất Nước Trời,

Trẻ em bé nhỏ, sống đời đơn sơ.

Chúa thương đón nhận trẻ thơ,

Vòng tay âu yếm, vô bờ mến yêu.

Kẻ nào bé nhỏ yêu kiều,

Là người trọng nhất, thiên triều xứng danh.

Tâm hồn thanh khiết xinh lành,

Tin yêu phó thác, thực hành ái nhân.

Gio-an lên tiếng phân trần,

Người kia trừ quỷ, ở gần chúng ta.

Chúng con ngăn cản người ta,

Chúa rằng đừng cấm, vị tha xóa nhòa.

Họ không chống nghịch thiên tòa,

Đồng tâm trọn ý, thuận hòa kết giao.

Chúa ban ân phúc trời cao,

Sinh hoa kết qủa, biết bao phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 9, 51-56).

CỨU CHỮA

Thời gian sắp mãn trong đời,

Lên đường cương quyết, Con Người phải đi.

Dân làng không tiếp khinh khi,

Tông đồ nổi giận, sinh nghi lòng người.

Thưa Thầy khiến lửa bởi trời,

Cháy lan thiêu hủy, những người cứng tin.

Chúa quay quở trách khẽ nhìn,

Tính tình ghen tị, niềm tin yếu hèn.

Thần nào xúi giục đua chen,

Ân tình đáp trả, muối men ướp đời.

Kiên tâm đối xử với người,

Rộng lòng tha thứ, cao vời biết bao.

Chúa sang làng khác truyền rao,

Cải tà qui chánh, dẫn vào đường ngay.

Chu toàn sứ mệnh hôm nay,

Ngày mai phó thác, hăng say cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 9, 57-62).

THEO THẦY

Trên đường rao giảng tin mừng,

Một người quyết chí, không ngừng bước theo.

Dù rằng núi đá cheo leo,

Khó khăn muôn lối, dù nghèo lang thang.

Chúa rằng con cáo có hang,

Con chim có tổ, kho tàng ẩn thân.

Con Người không chỗ náu thân,

Gối đầu chẳng có, tinh thần thảnh thơi.

Có người theo Chúa xu thời,

Lo toan công việc, giữa đời khó khăn.

Đáp ơn cha mẹ cản ngăn,

Chôn cha trước đã, lưu danh ở đời.

Theo Thầy đáp tiếng gọi mời,

Rời cha xa mẹ, tuyệt vời tu thân.

Cầm cầy ngó lại đường trần,

Thì không xứng đáng, dấn thân theo Thầy.

THỨ NĂM, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 10, 1-12).

SAI ĐI

Môn đồ Chúa chọn sai đi,

Từng hai người một, xá gì gian nan.

Đồng hành nâng đỡ ủi an,

Thi hành bác ái, sẻ san tình người.

Bảy mươi hai vị vào đời,

Truyền rao chân lý, gọi mời canh tân.

Đầy đồng lúa chín vô ngần,

Cánh đồng bát ngát, rất cần thợ chuyên.

Vào đời dấn bước rao truyền,

Như chiên giữa sói, lời khuyên thanh bần.

Đừng mang tiền bạc phụ thân,

Không đem bao bị, tinh thần thảnh thơi.

Bình an cầu chúc mọi nơi,

Gia đình xứng đáng, ban lời cầu an.

Nước Trời đã đến trần gian,

Mở lòng đón nhận, Chúa ban phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 10, 13-16).

SÁM HỐI

Kêu mời cải qúa tự tân,

Đổi đời sám hối, canh tân lòng người.

Tiên tri sai đến trong đời,

Răn đe dạy bảo, gọi mời đổi thay.

Thực hành phép lạ tỏ bày,

Tâm hồn chai cứng, chẳng hay đổi đời.

Cô-rô-zai hỡi một thời,

Beth-sai-đa nữa, bao lời truyền rao.

Khốn cho dân chúng biết bao,

Dửng dưng vui sống, tự cao dân lành.

Ca-pha-na-úm tranh dành,

Đua đòi thỏa mãn, công danh chức quyền.

Không màng tuân giữ luật truyền,

Thờ ơ khinh dể, lời khuyên trở về.

Tự cao tự đại tư bề,

Sa chìm thấp xuống, ê chề thảm thương.

THỨ BẢY, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

(Lc 10, 17-24).

GHI DANH

Vui mừng vinh thắng trở về,

Quỷ ma vâng phục, mọi bề an cư.

Thầy ban quyền phép riêng tư,

Kẻ thù rắn rết, miễn trừ cứu nguy.

Đừng vui thần phục lụy tùy,

Vui mừng Nước Chúa, khắc ghi tên mình.

Chúa đầy hoan lạc Thánh Linh,

Ngợi khen ca tụng, uy linh Chúa Trời.

Khôn ngoan thông thái ở đời,

Kiêu căng ngạo mạn, xa vời khó thương.

Đơn sơ thanh khiết tựa nương,

Nhiệm mầu dấu kín, khiêm nhường trao ban.

Chúa Con mạc khải thiên nhan,

Các con hạnh phúc, ngập tràn tin yêu

Ý Cha thể hiện cao siêu,

Tỏ bày mọi sự, thiên triều quang lâm.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17065

Thơ: Mỗi ngày, một chuỗi hạt Mân Côi và Tràng hoa Mân Côi

Thơ: Mỗi ngày, một chuỗi hạt Mân Côi và Tràng hoa Mân Côi