Sống Lời Chúa với Lễ Trọng Mừng Kính các Thánh Nam Nữ 01.11

1 Tháng Mười Một Lễ Các Thánh

https://hddmvn.net/1-thang-muoi-mot-le-cac-thanh/

Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các thánh là ngày tưởng niệm “các vị tử đạo” được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư. Vào đầu thế kỷ thứ bảy, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo, Ðức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền Pantheon, là đền thờ các thần của người La Mã, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo. Theo sử gia của Giáo Hội là Bede Ðáng Kính, đức giáo hoàng có ý định rằng “Việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai, có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ” (Về Việc Tính Toán Thời Giờ).
Nhưng việc thánh hiến đền Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị tử đạo xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo Hội Ðông Phương vẫn kính nhớ các thánh vào mùa Xuân, hoặc trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.
Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành lễ này vào tháng Mười Một thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành lễ này vào ngày 1 tháng Mười Một, và người bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ chứ chín, Giáo Hội La Mã đã chấp thuận ngày lễ này.

Lời Bàn

Ðầu tiên lễ này để kính nhớ các vị tử đạo. Sau này, khi Kitô hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, được coi là thánh thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận, ngay cả việc chấp thuận của vị giám mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa vào niên lịch Giáo Hội. Việc phong thánh bởi đức giáo hoàng lần đầu tiên xảy ra vào năm 973; ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính thánh thiện. Bây giờ, lễ các thánh để kính nhớ các vị Thánh vô danh cũng như nổi danh.

Lời Trích

“Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế…

[Một trong các kỳ mục] bảo tôi: “Họ là những người sống sót sau thời gian thử thách lớn lao; họ đã giặt sạch và tẩy áo mình tinh nguyên trong máu Con Chiên’” (Khải Huyền 7:9, 14).

http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm

Ngày 01.11: Kính các thánh Nam Nữ

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02TYEadJeEza9RFXDTnYrHByaBmj7vpmBzGUvM2LWHXg8UGDnMskbHxnBKu84T6wVdl&id=100011363041111

Bát phúc – những nẻo đường nên Thánh

z48210703302920005a81ba2deef051ae0b40f65c1cc65

 Nếu có ai hỏi: “Chúng ta phải làm gì để trở nên thánh thiện?”, thì câu trả lời thật rõ ràng: Chúng ta phải làm theo những gì Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy Thầy Chí Thánh, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung của Thầy trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Mặc dù những lời của Đức Giêsu rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Ngay cả, dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Đức Giêsu đầy lôi cuốn, thì thế giới vẫn đẩy chúng ta về một lối sống khác. Tuy nhiên, các Mối Phúc không hề lỗi thời, hay có tính nhượng bộ và thỏa hiệp, ngược lại, chúng vẫn quyết liệt và thách đố sự dấn thân của chúng ta. Tiến trình nên thánh chỉ có thể được thực hiện bằng các Mối Phúc, và tiến trình này chỉ có thể được thành toàn viên mãn nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Người sẽ đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Người, và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo.

 1. Tinh thần nghèo khó thì gắn liền với thái độ “bình tâm”, nghĩa là: đứng ngay ở giữa như bàn cân, Chúa bên nào, ta nghiêng về bên đó: giữa giàu có và nghèo khó, giữa vinh dự và ô nhục, khỏe mạnh và bệnh tật… Chúa muốn sao cũng được. Hội Thánh của Đức Kitô là một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo, xin cho chúng ta biết đồng cảm và chia sẻ với những người nghèo túng nhất, để chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đấng: tuy giàu có, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng ta.

 2. Hiền lành là cách diễn tả sự nghèo khó bên trong, của những ai đặt hết tin tưởng vào chỉ một mình Chúa mà thôi. Hiền lành luôn là điều tốt, vì những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được lấp đầy: chúng ta “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, và chúng ta sẽ nhìn thấy lời hứa của Chúa, được thực hiện trong đời sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng, nếu có người nào đó làm phiền chúng ta, thì xin cho chúng ta biết sửa lỗi họ, với một tinh thần hiền lành, ngay cả khi, chúng ta bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, thì chúng ta cũng phải thể hiện điều đó với một thái độ hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

3. Phúc cho những ai đang khóc lóc, nhưng, thế gian nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: giải trí, thú vui, tiêu khiển thì mới là phúc. Thế gian không muốn than khóc; nó không quan tâm đến những hoàn cảnh đau thương, và tìm cách che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tiêu tốn nhiều năng lực để trốn tránh đau khổ với niềm tin rằng: họ có thể che lấp được thực tế, nhưng, thập giá chẳng bao giờ vắng bóng. Ước gì chúng ta biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng, và biết thấu cảm những nỗi buồn đau, để chúng ta có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Ước gì vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng ta.

4. Đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhói, vì chúng liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của con người. Có những người mong mỏi công lý và khát khao sự chính trực với cùng cường độ như vậy. Đức Giêsu đem lại một nền công lý, khác với thứ công lý của thế gian, là thứ vốn thường bị phá hỏng, bởi những lợi ích tầm thường và bị làm méo mó bằng nhiều cách. Chúng ta phải đấu tranh cho công lý và hòa bình, bởi vì, biết bao người phải chịu sự bất công, bị gạt ra bên lề, trong khi, những kẻ khác thâu tóm hết những lợi tức béo bở của cuộc sống này. Hội Thánh phải đứng về phía những người thấp cổ bé miệng, đấu tranh cho công lý đích thực và không thỏa hiệp với những kẻ nắm quyền ưu thế.

5. Lòng thương xót có hai phương diện: thứ nhất liên quan đến việc chia sẻ, giúp đỡ người khác, và thứ hai là tha thứ, cảm thông cho nhau. Thánh Mátthêu đúc kết trong một quy tắc vàng: “Những gì muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho người khác như vậy”. Khi chúng ta trao hiến và thứ tha là lúc chúng ta đang tiến trên con đường hoàn thiện, đang trở nên giống Thiên Chúa, Đấng trao hiến và tha thứ vô ngần vô lượng cho chúng ta. Vì thế, thay vì bảo chúng ta “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), thánh Luca lại mời gọi: “Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6,36).

6. Phúc cho ai có con tim trong sạch. Chắc chắn, không thể có yêu thương, nếu không có những việc làm của yêu thương, nhưng, những việc làm của yêu thương phải xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim trong sạch của chúng ta. Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng ta. Một trái tim yêu mến Chúa và tha nhân cách chân thành là một trái tim trong sạch: có thể nhìn thấy Chúa, mà hiện nay chúng ta chỉ nhìn thấy lờ mờ như trong gương, nhưng khi sự thật và tình yêu khải thắng, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy “diện đối diện” như lời Chúa hứa: ai có quả tim trong sạch sẽ được nhìn thấy Chúa.

7. Thật không dễ kiến tạo hòa bình: không loại trừ ai, đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người chúng ta không ưa. Xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng. Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lờ, hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, chúng ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới.

8. Bị bách hại: Chính Đức Giêsu cảnh báo rằng: con đường mà Người đề nghị thì phải đi ngược dòng: vô số người đã và đang bị bách hại, chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ước gì chúng ta không chấp nhận tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, mong muốn một đời sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Để sống đúng những giá trị của Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng: mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Trong một thế giới tục hóa như hiện nay, chính trị, truyền thông, các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn, đến nỗi hóa thành: một cản ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Ngày nay, chúng ta không dễ dàng sống các Mối Phúc, và mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nghi ngờ và bị chế giễu, nhưng đừng nản lòng, bởi vì, thập giá vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta.

Chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Giêsu dạy về các Mối Phúc, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng. Chúng ta hãy để cho những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố chúng ta, và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, thì những gì chúng ta thường hay khuyến khích nhau: “cố gắng nên thánh mỗi ngày”, sẽ vẫn… không gì khác hơn là… những lời nói sáo rỗng, những cụm từ rỗng không. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, và thêm sức mạnh để chúng ta dám sống theo sự thúc đẩy của Người, trên hành trình lội ngược dòng này.

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

https://giaophanvinhlong.net/bat-phuc-nhung-neo-duong-nen-thanh.html

Video Giảng lễ Tĩnh tâm mừng Các Thánh Nam Nữ – 2023

Lời nguyện tín hữu lễ Các Thánh Nam Nữ

Chủ tế :    

Anh chị em thân mến,
Đại lễ kính Các Thánh Nam Nữ  hôm nay cho  ta chiêm ngưỡng đám đông hằng hà sa số những người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, đồng thời cũng cho ta thấy trước tương lai chúng ta đang hướng về.  Chính Thiên Chúa là vinh quang muôn đời của các Thánh. Với tâm tình mến yêu, tôn kính và noi gương các ngài, chúng ta hoan hỷ dâng lời nguyện xin.

Hướng dẫn : 

1. Là Đấng vô cùng thượng trí, nhờ Đức Kitô, Chúa đã đặt các thánh Tông Đồ làm nền tảng Giáo Hội. Chúng ta sốt sắng cầu xin Chúa cho các tín hữu luôn trung thành tuân giữ  lời giáo huấn  các ngài truyền dạy.

2. “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Đức Chúa Giêsu là sức mạnh các Thánh Tử đạo. Chúng ta tha thiết cầu xin Chúa cho những tín hữu đang gặp thử thách vì đức tin: luôn can đảm làm chứng cho Đức Kitô.

3. “Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xemThiên Chúa”. Các Thánh Đồng trinh được vinh dự nên giống Đức Kitô là Đấng vô cùng trinh khiết. Xin cho những ai đã dâng mình cho Chúa biết sống trọn đời trinh khiết để làm chứng cho Nước Trời.

4. “Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh”. Xin cho mọi người trong xứ đạo chúng ta luôn cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành ơn gọi phổ quát  là nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Chủ tế :    

Lạy Chúa là Đấng Thánh,
Chúng con đang họp mừng ngày vinh quang của các tôi trung Chúa, và dâng lên Chúa những ước nguyện. Xin Chúa  cho chúng con khi chiêm ngưỡng vinh quang Chúa nơi các Thánh, cũng biết noi gương các ngài mà tôn vinh Chúa bằng đời sống đức hạnh và lòng sốt sắng phụng thờ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.Đ: Amen.

Tác giả bài viết: Linh mục Phaolô Trương Đình Tu

https://gpquinhon.org/q/loi-nguyen-giao-dan/loi-nguyen-tin-huu-le-cac-thanh-nam-nu-6209.html

Các Bài Suy Niệm Lễ Các Thánh

Tôi Muốn Nên Thánh

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 136)

Tôi Muốn Nên Thánh

Có một chị nội trợ, có chồng, có con, trong một gia đình rất bình thường, đã viết một lá thư tâm sự với một linh mục, được đăng công khai trên tờ báo Công Giáo Và Dân Tộc cách đây vài năm. Nội dung của lá thư đại khái như sau:

Kính thưa cha, qua những gì cha đã giảng dạy trong dịp tĩnh tâm vừa qua và qua những gì con đã đọc được trong kinh thánh, con thấy một ngày sống của Chúa Giêsu quả là tất bật. Ngài rất vĩ đại. Ngài quả là một Đấng Thiên Sai. Ngài quả là một Đấng tiên tri. Ngài quả là một vị Vua Cao Cả. Ngài quả là một vị tư tế thánh thiện tuyệt hảo. Ngài chữa bệnh. Ngài rao giảng trên núi. Ngài làm phép lạ. Ngài gọi anh mù ra riêng một bên, rồi làm cho anh ta được sáng mắt. Ngài biến đổi tâm hồn của một cô gái bị 7 quỷ dữ ám. Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Và Ngài đã làm biết bao nhiêu chuyện phi thường, giúp cho không biết bao nhiêu người. Quả thật, quả thật, con yêu mến Chúa vô cùng, con cảm phục Chúa vô chừng.

Nhưng, khi càng cảm phục Chúa bao nhiêu thì con lại càng cảm thấy buồn bã bấy nhiêu.

Con buồn, vì một ngày sống của con sao mà không giống Chúa tí nào cả.

Thưa cha, từ sáng sớm, vừa mở mắt ra, là con phải lo cà phê cho chồng, lo sữa cho con nhỏ, lo chiên cơm cho những đứa con lớn cho chúng ăn, để chúng kịp giờ đi học. Bản thân con cũng chưa kịp rửa mặt nữa.

Khi mà tất cả, chồng đi làm, con đi học, thì lạy Chúa và thưa cha, con lại phải lo đi thu gom những tàn dư của những áo quần mặc hôm trước. Con có hàng thao đồ. Rồi lạy Chúa, ngày nào cũng thao đồ. Thứ hai thao đồ. Thứ ba thao đồ. Thứ tư đồ đầy thao. Thứ năm thao đầy đồ. Và con phải giặt, phải xả, phải phơi, phải ủi, phải xếp, phải đưa vào tủ cho ngăn nắp, cho gọn gàng, của ai ra người đó. Ngày nào cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, con đâu có làm được những chuyện gì gọi là vĩ đại, con đâu có làm được gì gọi là cao cả như Chúa đâu. Cho nên con cảm thấy buồn và con rất buồn. Buồn, vì con cảm thấy xa sự thánh thiện quá.

Rồi lạy Chúa, khi phơi đồ xong, con vừa chỉ kịp rửa mặt, thì cái giỏ treo ở góc bếp kêu lên, chị ơi em nè chị. Thế là con xách giỏ ra chợ.

Đi chợ vừa về thì ông táo ở bếp lên tiếng: Chị ơi em đây, em sẵn sàng rồi, chị có dùng đến không ?

Rồi việc lo cho ông táo xong, thì cũng lại là lúc chồng về, con về. Thế là con lo dọn bữa ăn trưa cho mọi người.

Ăn xong, họ đi ngủ trưa, còn con thì lại phải lo lấy đồ phơi vô nhà. Lại ủi, lại xếp, lại đơm nút, lại vá những chỗ hình chữ L, rồi lại xếp vô tủ.

Rồi lạy Chúa, buổi chiều về những đứa con đại học chữ to kêu ơi ới: Mẹ ơi cho con tắm. Thế là con lại phải xăng tay áo lên, lại phải xăng quần lên để tắm cho chúng nó.

Rồi cha ơi, Chúa ơi, tối đến, lại cơm tối.

Cơm tối xong, con mệt quá, con đi ngủ. Có khi, con chỉ kịp đọc qua quýt một vài kinh cho an tâm là đã xong bổn phận đọc kinh tối.

Mà rồi nào có được ngủ yên đâu. Mới 11 giờ đêm, thì đồng hồ nước đã gọi. Thế là phải xách xô, lại phải xách ống nước ra để chuyền nước, kẻo ngày mai không có nước xài. Bởi lâu nay, nước hay bị cúp thất thường.

Đang chuyền nước thì thằng con trai nhỏ ở trong mùng kêu ơi ới: Mẹ ơi cho con đái.

Cho nên cha ơi, Chúa ơi, con thấy một ngày của con sao mà xa vời với Chúa Giêsu quá.

Chúa Giêsu thánh thiện và vĩ đại bao nhiêu, thì con lại thấy một ngày sống của con sao nó tầm thường và chán chường bấy nhiêu. Con buồn quá.

***

Thế nhưng, vị linh mục đó đã trả lời cho lá thư của chị như sau:

Chị ơi, trong một bài giảng phong thánh cho 1 vị thánh hiển tu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nói với các vị Hồng y, với các quan khách, và với cộng đoàn dân Chúa đang dự lễ hôm đó như sau:

“Kính thưa chư vị quý mến. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa tìm thấy được một việc gì nổi bật nơi vị thánh của chúng ta, để chia sẻ với quý chư vị. Bởi vị thánh này chỉ làm toàn những việc tầm thường thôi.

Ngài không có làm gì gọi là cao cả: Ngài không có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ.  Ngài không phải là thành viên của hàn lâm viện. Ngài không hề có đi rao giảng ở các nước truyền giáo. Suốt đời của Ngài không hề làm một  phép lạ nào.

Thế nhưng, thưa qúy chư vị.

– Không phải tổng số những việc làm, sẽ đánh giá sự thánh thiện của một người.

– Không phải giá trị cao thấp, lớn nhỏ của việc làm, để đánh giá sự thánh thiện của một người.

Nhưng là chính cường độ tình yêu được đặt trong mỗi việc làm, sẽ đánh giá sự thánh thiện của một người.

Vậy thì chị ơi, xin chị đừng có sợ cái thau đồ. Mà chị hãy sợ:

– Trong mỗi thau đồ, chị có đặt cường độ tình yêu ở trong đó hay không ?

– Chị có đặt sức mạnh của tình yêu và lòng kiên nhẫn ở trong đó hay không?

Càng yêu Chúa, càng yêu chồng, càng yêu con nhiều, thì thau đồ đó sẽ đánh dấu sự thánh thiện của chị.

Như vậy, cái mà chị cho là tầm thường thì coi chừng, đó chính là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng cho chị, nếu chị biết sử dụng chìa khóa đó.

Xin chị đừng quá mơ ước những chuyện cao siêu, những chuyện phi thường.

– Chị muốn được tử đạo ư ? Còn bổn phận lo cho chồng, lo cho con, ai sẽ gánh vác ?

– Trốn tránh trách nhiệm của mình có phải là công đức, có phải là thánh thiện trước mặt Chúa không ?

Mà mơ ước tử đạo kiểu của chị, thì nói thiệt thời này, sẽ không còn nữa đâu, chị đừng mơ. Chính khi chị cố gắng chu toàn những bổn phận hằng ngày, chính khi chị làm những việc tầm thường, những việc nho nhỏ như chị đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm ở trong gia đình, mà biết đặt cường độ tình yêu trong đó, yêu Chúa, yêu chồng, yêu con, thì có thể coi đó là tử đạo rồi đó. Và sự thánh thiện sẽ được Chúa đánh giá cũng từ đó.

Lạy Chúa, xin cho con biết đặt cường độ tình yêu vào trong từng việc làm hằng ngày của con, để con xứng đáng là con Chúa và đáng được Chúa yêu thương hơn nữa. Amen.