Sưu Tầm: Người Công Giáo Có Nên Tham Dự Lễ Hội Halloween Hay Không?

LỄ HỘI THÁNH NHÂN VÀ LỄ HỘI MA QUỶ

Có nhiều bạn trẻ hỏi: NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NÊN THAM DỰ LỄ HỘI HALLOWEEN HAY KHÔNG ?
Mời Anh Chị Em Công Giáo đọc bài viết sau của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về lễ hội Halloween ngày nay để hiểu và suy nghĩ xem có nên tham gia lễ hội này hay không :

Theo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 30-10-2011), từ khoảng mươi năm nay, lễ hội Halloween được du nhập vào Việt Nam. Đây là lễ hội ở các nước phương Tây, được tổ chức hằng năm vào ngày 31-10. Sau đó, nhà báo giới thiệu những hình thức lễ hội Halloween ở một số địa điểm tại Sàigòn.

Nhắc đến ngày 31-10 là ngày hội Halloween, nhưng không nói gì đến ngày 1-11 vì không biết mối liên hệ giữa hai ngày này. Ở nguồn gốc, ngày này được gọi là All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh. Kể từ thời Đức Grêgôriô III (năm 741), Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1-11 hằng năm, là ngày ngài thánh hiến một nhà nguyện trong Đền Thánh Phêrô để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Rồi sau đó, Đức Grêgôriô IV (năm 835) truyền lệnh cử hành lễ này trong toàn thể Giáo Hội. Nhưng thuở xa xưa, lễ này được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Phục sinh để làm nổi bật sự chiến thắng của Chúa Kitô trên tâm hồn của biết bao người, cụ thể là các thánh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và Người cũng chiến thắng ma quỷ qua việc chinh phục các tâm hồn. Dù sau này, ngày cử hành lễ đã được thay đổi nhưng ý nghĩa chính yếu trên vẫn được giữ lại.
Các tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh 1-11, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.

Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Thế nên đã có những Giáo Hội phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng này, cụ thể là Hội Đồng Giám Mục Philippines mới đây lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.

Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo. Đừng tưởng rằng xu hướng tục hóa chỉ diễn ra ở phương Tây! Tiến trình tục hóa cũng đang diễn ra ngay tại Việt Nam, nhất là khi cái hay thì ít học mà cái dở lại tiếp thu rất nhanh. Người ngoài công giáo không biết đã đành, nhưng đáng tiếc là cả người công giáo cũng không biết và cứ thế mà làm, người ta làm sao thì mình làm vậy, thay vì giúp người khác thấy được vẻ đẹp của Tin Mừng thì lại thành kẻ tiếp tay để giết chết Tin Mừng!
Nhắc lại nguồn gốc của ngày lễ như thế còn để nhắc nhở nhau sống tinh thần lễ Các Thánh, tinh thần có thể tóm gọn trong lời kêu gọi nổi tiếng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Cách cụ thể, hãy mang trong lòng mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu: tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Chính vì thế, bài Tin Mừng được công bố trong ngày lễ Các Thánh là Tin Mừng về Tám Mối Phúc Thật :
“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ” (5,3-11).

Mang lấy tâm tư của Đức Kitô Giêsu giữa lòng thời đại hôm nay quả là không dễ, vì thời đại này cổ võ lối nghĩ và lối sống hầu như hoàn toàn ngược lại Tin Mừng. Sách Khải Huyền (bài đọc II) diễn tả thực tế này bằng hình ảnh vừa bi hùng vừa sống động: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? Tôi trả lời: Thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14).

Áo chỉ được trắng sạch khi được giặt bằng máu! Thật lạ thường. Nhưng sự thật là thế. Phải chấp nhận cộng tác với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, giặt tấm áo cuộc đời bằng máu của hi sinh từ bỏ, chiến đấu chống trả cám dỗ, gian nan tập luyện các nhân đức. Đó là tín thư mà lễ Các Thánh gửi đến tất cả chúng ta, những người cũng được gọi là “thánh” vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, nhưng còn phải thể hiện tiềm năng thánh thiện ấy bằng chính cuộc sống của mình. Để có thể hòa chung với Các Thánh trong lời chúc tụng:
“AMEN! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta
Lời chúc tụng và vinh quang,
Sự khôn ngoan và lời tạ ơn,
Danh dự, uy quyền và sức mạnh,
Đến muôn thuở muôn đời. AMEN!” (Kh 7,12)

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Trích nguồn: http://giaophanxuanloc.net

Halloween, lễ hội ma quỷ

Từ một lễ hội hoá trang, ma quỷ đã đi vào một cách thản nhiên ít ai để ý Halloween thành lễ hội ma quỷ.

Mặt nạ, hoá trang ma quỷ, đưa người ta một lối sống phóng khoáng công khai mà không bị lên án. Ma quỷ có một lối đi vào lòng người rất vui vẻ nhưng đằng sau nó là cái chết êm dịu.

Khuôn mặt ma quỷ được bày ra công khai trên mặt con người. Người ta đã chấp nhận hoá trang thành những nhân vật trong phim giết người, chết chóc, ma quái, kinh dị. Ma quỷ dối lừa bằng cách “Đùa vui tý thôi mà!” Một thứ trò vui làm mất cảnh giác để ma quỷ xen vào.

Cái chết mang trong người đang sống, ma quái trên khuôn mặt thánh thiện, ngây thơ. Nó vừa bộc lộ vừa ẩn giấu, giống như cạm bẫy, mật ngọt chết ruồi. Nó có nhiều lối giải thích khác nhau, vui thôi mà. Cái vui tai hại, nhiễm độc, đi sâu vào tâm trí, thấy quen không có gì lên án, tội lỗi đi vào thế gian như “Trái táo ngon trong vườn địa đàng”.

Có nhiều đặc điểm ma quỷ hiện hình trong lễ hội halloween. Những điệu múa, điệu nhảy phản cảm, gợi dục, dẫn dắt con người vào xu hướng tình dục dễ dàng, mất cảnh giác. Nó là thứ thuốc ngủ, ru êm chết về nhân tính, để sống với cách quỷ quyệt của nó.

Ma quỷ khôn khéo nhiều đường, khi nó mở hội vào ngay đêm trước mừng lễ các Thánh. Nó muốn xoá nhoà hình ảnh thánh thiện, bằng cách thoả mãn đam mê. Bôi nhoà hình ảnh các thánh cũng giống như chúng chỉ là một trò chơi, lừa đảo con người thế trần.

Thánh và quỷ chỉ cách nhau một thời khắc, cách nhau một lời đề nghị ưng thuận hay không chấp nhận, hay chỉ là khoảng cách ngắn hơn, có hay là không. Khoảng cách ngắn nhưng có một điều chắc chắn, từ bên đó qua bên đây không được, hãy xem cuối câu truyện: Ông phú hộ và Lazarô (Lc 16, 19 – 31).

Trò chơi ma quỷ hấp dẫn nhiều người vì nó tô vẽ tất cả những gì điên rồ nhất của con người sáng tác ra nó. Người ta thích thú cái mới lạ, cái hoang tưởng xa rời đời thực. Muốn thoát ra cõi nhân sinh sống thường ngày, nhưng càng thoát ra lại càng bị dính sâu vào thứ chết người đó. Giống như con cá mắc vào lưới bén, càng dãy càng dính chặt vào lưới hơn. Giống như chuột dính bẫy keo, càng muốn thoát ra càng bị nhiều keo dính chặt hơn. Thế nên nhiều người ghiền phim ma quái, ghiền những sắc thái nửa người nửa ngợm, phim xấu…

Sự đánh tráo, lừa lọc là nghề của ma quỷ, nên hãy cẩn thận, canh chừng, tỉnh thức trong cầu nguyện. Tránh xa các thứ loại ma quỷ ấy để ít bị đánh lừa.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Không có mô tả ảnh.
10 LÍ DO MÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔNG NÊN MỪNG LỄ HALLOWEEN
Tên gọi Halloween có nguồn gốc từ All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều áp lễ Các Thánh, để chuẩn mình dọn mình cho Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1/11 hằng năm, để tôn vinh toàn thể Các Thánh. Tín hữu thời xưa tin rằng vào ngày áp lễ Các Thánh, trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với nó. Thế nên vào buổi chiều áp lễ Các Thánh, họ đổ ra đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục. All Hallows’ Eve là thế.
Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa tôn giáo đó đã phai mờ, nếu không nói là biến mất, để chỉ còn là lễ hội Halloween mang tính giải trí thuần túy, tệ hơn nữa còn thành dịp ăn chơi đàng điếm. Thay vì xua đuổi ma quỷ đi thì lại rước nó vào nhà mình, vào linh hồn mình. Halloween dần mất đi giá trị sơ khai. Giáo Hội Công giáo đã phản ứng mạnh mẽ về ngày lễ này và cho rằng lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.
Vậy điều gì mà chúng ta – những Kitô hữu không nên mừng lễ Halloween? Đây là 10 lý do để lí giải cho câu hỏi trên:
1. Halloween có nguồn gốc từ đa thần giáo:
Halloween bắt nguồn từ bộ tộc người Celt. Từ việc tiên tri, các cử hành các nghi thức đa thần giáo, sử dụng yêu thuật và bùa chú, đến việc tôn thờ cái chết, ăn mặc như những phù thuỷ hay ma quỷ và hiến tế động vật, Halloween đi ngược lại giáo lý của Thiên Chúa và sự trong sạch của đời sống thiêng liêng Công Giáo.
2. Việc tiên tri bị lên án trong Kinh Thánh
Một vài nghi thức trong Halloween như việc những người phụ nữ sử dụng gương ma thuật hay đọc bùa chú để quyết định số mệnh của chồng tương lai hay người yêu.
Là một Kitô hữu tốt lành, ta không chỉ đặt niềm tin vào Thiên Chúa để tìm thấy một người bạn đời thật sự. Khi bạn coi mình là một người Công Giáo và là một tín hữu mộ đạo, việc bói toán, yêu thuật cũng là một việc cấm.
3. Ăn mặc như ma quỷ hay phù thuỷ sẽ thu hút linh hồn quỷ dữ
Một người Công Giáo tốt lành có thể nghĩ hoá trang trong dịp Halloween là việc vui chơi thuần khiết, nhưng thực chất, đeo mặt nạ và hoá trang ma quỷ sẽ hướng tâm hồn bạn đến sự sở hữu và ảnh hưởng bởi những thế lực quỷ dữ.
Mặc dù những người theo đa thần giáo hoá trang là để cản trở linh hồn quỷ dữ, không thể nói rằng điều này không lôi kéo vận mệnh và thu hút sự chú ý của ma quỷ. Thậm chí bạn nghĩ con bạn mặc đồ công chúa hay cô tiên thì dễ thương đó, nhưng bé cũng sẽ bị lẫn vào những đứa trẻ khác mà ba mẹ các bé không lưu tâm về việc ma quỷ.
4. Ăn táo trên không là đang tôn vinh một thần nữ đa giáo
Khi đế chế La Mã tiếp nhận những lễ hội của người Xen-tơ và đa thần giáo, họ cũng thêm vào việc thờ phụng thần Ponoma – 1 thần nữ La Mã quản lí cây trái. Nghi thức Halloween ăn táo trên không có liên hệ đến biểu tượng của thần Ponoma: trái táo.
Hãy nhớ rằng việc thờ phụng ngẫu tượng bị cấm trong niềm tin Công Giáo. Có rất nhiều nghi thức khác liên quan đến Halloween, tuy không được biết đến rộng rãi nhưng vẫn là một phần quan trọng của lễ hội.
5. Halloween đánh lạc hướng ta khỏi các vị thánh
Lễ các thánh tử đạo được tổ chức vào ngày 13 tháng 5 nhưng đã được Giáo hoàng Boniface IV thay đổi vào năm 609 A.D thành ngày 1/11 – tôn vinh tất cả các Thánh và các vị tử đạo.
Sau đó, nó đã được đổi thành Lễ các linh hồn nhưng sẽ an toàn hơn khi tỏ lòng tôn kính với các vị thánh Công giáo trong ngày lễ Halloween, nếu bạn muốn thực hành đức tin của mình và thể hiện tình yêu của bạn đối với Chúa.
6. “Trick or Treat” (“Cho kẹo hay bị ghẹo”) đi ngược lại các nguyên tắc Kitô giáo
Khi những người nhập cư Ailen định cư ở Mỹ vào năm 1800, họ đã mang theo truyền thống đi từ nhà này sang nhà khác để xin thức ăn hoặc tiền.
Truyền thống khi ấy là người nghèo yêu cầu “bánh linh hồn”.
Lừa lọc thay vì đối xử tốt với những người khó nghèo hoặc những người không thể cho đi là đi ngược lại giáo lý giúp đỡ người nghèo của Kitô giáo.
7. Mê tín và doạ dẫm mọi người không phải là sùng đạo
Hãy nghĩ về những con mèo đen, bộ xương nhảy múa, trò chuyện với người chết hoặc mặc quần áo như thây ma để dọa mọi người.
Nghe có vẻ vui nhưng sự thích thú đối với việc khiến một người khác sợ hãi – đặc biệt là một đứa trẻ – giống như gây ra nỗi đau hoặc thậm chí gây ra cơn đau tim. Thiên Chúa liệu sẽ chấp nhận sợ hãi thấm nhuần trong người khác hoặc tuân theo mê tín?
8. Hối lộ nhằm có được ân huệ cho thấy sự thiếu đức tin
Một số truyền thống Halloween liên quan đến việc để bát thức ăn ra ngoài để xoa dịu linh hồn và ngăn họ không vào nhà. Để lại đồ ăn cho những người thân yêu đã ra đi khiến họ rời xa Chúa. Một người Công giáo cần có niềm tin rằng những người thân yêu đã qua đời của họ sẽ được chăm sóc một khi Ngày quang lâm.
9. Tán dương cái chết và bóng tối thay vì sự sống và ánh sáng
Một người đa thần giáo có thể nói rằng tôn kính người chết là một nghi lễ danh dự, nhưng tại sao không tập trung vào lòng tốt, ánh sáng và tình yêu?
Thiên Chúa là đại diện cho cuộc sống và tất cả những gì là linh thiêng và tinh khiết.
Hãy nhớ rằng phần lớn của Halloween là để trẻ em vui đùa.
Tại sao lại lấp đầy suy nghĩ của chúng với bóng tối hoặc hình ảnh đáng sợ thay vì tình yêu và ánh sáng?
10. Lòng đạo đức chống lại sự nuông chiều của Halloween
Hàng triệu đô la được chi mỗi năm cho thức ăn, kẹo, đồ trang trí, trang phục và các bữa tiệc Halloween.
Chúa Giêsu đã dạy rằng sống một cuộc sống ngoan đạo, hạn chế sự ham mê quá mức và lòng tham là một con đường chắc chắn đến Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu sẽ nghĩ gì nếu nhìn thấy những môn đệ Ngài hành xử theo cách đồi trụy hoặc lừa lọc những người khó nghèo như vậy?
Thế đấy:
Chúa là Chúa của sự sống. Nhưng Halloween tập trung vào sự chết
Bạn có nên kỷ niệm một ngày lễ mà họ trang trí sân vườn bằng những ngôi mộ?
Bạn có nên tham dự một ngày lễ lấy sự sợ hãi làm nền tảng không?