Ơn Gọi: Tại sao các linh mục buộc phải đi tĩnh tâm hằng năm?
Tĩnh tâm hằng năm là do giáo luật đòi buộc và để bắt chước mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi thi hành sứ vụ.
Giáo luật rõ ràng yêu cầu các linh mục, tu sĩ và cả chủng sinh tĩnh tâm hằng năm.
– Các tu sĩ trung thành giữ việc tĩnh tâm hàng năm (Điều 663 §5).
– Các linh mục buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương (Điều 276 §4).
– Hằng năm, các chủng sinh phải lo tĩnh tâm (Điều 246 §5).
Tại sao vậy?
Nếu một linh mục đi khỏi giáo xứ của mình một thời gian, chẳng phải ngài đang rời bỏ đàn chiên của mình sao?
Chính Chúa Giêsu đã có lúc rời khỏi đoàn chiên của mình, thậm chí Ngài còn thực hiện một cuộc tĩnh tâm trong 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai của mình.
Được tràn đầy Thánh Thần, từ sông Giordan trở về, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa suốt 40 ngày (x. Lc 4, 1-3)
Nhiều lần Chúa Giêsu rời khỏi sứ vụ của mình để cầu nguyện một mình, đem lại cho chúng ta một mẫu gương để noi theo.
Cha Gioan Baotixita Chautard trong cuốn Linh hồn của việc Tông đồ minh họa nguyên tắc này bằng một hình ảnh mạnh mẽ.
Nếu bạn là người khôn ngoan, bạn sẽ là hồ chứa chứ không phải con kênh…. Những con kênh để nước chảy đi và không giữ lại giọt nào. Nhưng là hồ chứa thì trước tiên nó phải đầy, rồi sau đó, không tự cạn, mà chảy tràn ra ngoài, những cánh đồng nào có nước thì luôn được đổi mới.
Cha Chautard tin chắc rằng để các linh mục có thể trao chính mình cho tha nhân trước tiên họ phải được lấp đầy. Nếu không, các linh mục và tu sĩ có nguy cơ trở thành những con kênh và cạn kiệt, thậm chí không có một giọt nước nào dành cho họ.
Các khóa tĩnh tâm rất quan trọng, và các nhà lãnh đạo tinh thần cần dành thời gian cho bản thân để được phục hồi.
Đòi hỏi này đối với các linh mục cũng là một dấu hiệu đối với người giáo dân chúng ta. Chúng ta cũng cần tái nạp năng lượng thiêng liêng của mình, đặc biệt nếu chúng ta là các bậc làm cha mẹ. Không có thời gian tĩnh lặng và cầu nguyện, không chỉ làm cho linh hồn chúng ta gặp nguy hiểm mà còn cho những người mà chúng ta chăm sóc nữa.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
NHỮNG ‘’MATTA” TRONG TUẦN TĨNH TÂM
1/Năm 1975, tôi 20 tuổi, vừa học xong năm triết I của Ðại Chủng viện Thánh Tôma Long Xuyên. Lúc đó Tòa Giám mục Long Xuyên tổ chức các khóa học cấp tốc cho các Ðại Chủng sinh, và từ năm 1976, vì không còn chủng viện, nên các Ðại Chủng sinh được gởi tới các giáo xứ để sống với các linh mục và các tín hữu, mỗi khi xin được phép, Tòa Giám mục lại tổ chức những khóa học cho từng nhóm nhỏ.
Tôi được gởi tới một giáo xứ mới được thành lập từ một giáo điểm truyền giáo là Môi Khôi Láng Sen, thuộc giáo hạt Thốt Nốt (bây giờ là giáo hạt Vĩnh An) của giáo phận Long Xuyên. Lúc đó giáo xứ Môi Khôi là cộng đoàn nhỏ có 313 giáo dân trong tổng số dân cư là trên 11.000 dân, với một nhà thờ bé, chưa có linh mục hiện diện thường xuyên (chỉ có một linh mục từ Tòa Giám mục hằng tuần đến dâng lễ Chúa nhật), chưa có nhà xứ (tôi ở một góc của Phòng Thánh). Tôi đã hiện diện ở đây từ năm 1975 đến khi đi học tại Philippines năm 1999.
Vấn đề trọng tâm trong hoàn cảnh thực tế đó là làm sao có thể trung thành với lý tưởng linh mục, trong khi bản thân còn rất non nớt trong đời tu mà không còn chủng viện, không có các cha giáo tháp tùng, không có cộng đoàn chủng sinh, không còn bầu khí và chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, lại phải đối diện với một thách đố nữa là sẽ thi hành mục vụ như thế nào trong khi mới chỉ là một chủng sinh triết I còn quá non trẻ ở tuổi 20, mà không có linh mục đàn anh tháp tùng bên cạnh ?
Tôi đã đối diện với khó khăn này bằng nỗ lực tổ chức đời sống của mình. May mắn được đào tạo từ trong Tiểu Chủng viện từ khi mới có 11 tuổi, được hướng dẫn kỷ luật tự giác với câu châm ngôn “Hãy sống như ngày mai sẽ chết, và hãy làm việc như không bao giờ chết”, chính vì thế, tôi tìm an bình và vui sống trong giây phút hiện tại với những sinh hoạt đạo đức hằng ngày, những sinh hoạt phục vụ cộng đoàn, các mối tương quan thăm viếng giáo dân và dân cư địa phương. Ngoài ra, vì là một thanh niên, có sức khỏe tốt, ham thích thể thao và yêu thích lao động, nên tôi cũng hòa cùng đời sống người dân với các sinh hoạt lao động như làm ruộng, trồng rau, trồng đay bô, trồng mía hom (mía giống). Ðồng thời, cũng tạo sân chơi thể thao như bóng chuyền cho thanh niên và đá banh cho trẻ em.
Bây giờ nhìn lại có thể nhận ra, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, và thật là hạnh phúc khi chúng ta có một lý tưởng để dấn thân thể hiện trong cuộc sống này. Hãy yêu cuộc đời, và với tình yêu đó, mọi biến cố trong cuộc đời đều trở thành thời cơ để ta đạt được lý tưởng của mình. Chúng ta đang tận hưởng hạnh phúc của cuộc sống.
Chia sẻ tới đây, tôi nhớ tới lời của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma:
“Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Ðó là vấn đề lựa chọn.
Hãy suy tư cẩn thận vì tư tưởng sẽ biến thành lời nói,
Hãy ăn nói cẩn thận vì lời nói sẽ biến thành hành động,
Hãy hành xử cẩn thận vì hành động sẽ biến thành thói quen,
Hãy chú trọng thói quen vì chúng hình thành nhân cách,
Hãy chú trọng nhân cách vì nó hình thành số mệnh,
Và số mệnh của anh sẽ là cuộc đời của anh”
Và với niềm tin, tôi coi đây là thiện chí của tuổi trẻ, trở nên ngoan ngoãn dưới sự huấn luyện đầy sáng kiến và độc đáo của Chúa Thánh Thần, để ta trở thành dụng cụ của Ngài cho chương trình của Thiên Chúa cho ta và cho cộng đoàn.
Năm 1988, Ðức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần hướng dẫn làm đơn xin chịu chức linh mục. Vâng lời Bề trên trong Giáo hội, tôi làm đơn nhưng trong 3 năm liên tiếp nhưng đều bị địa phương từ chối. Nghĩ lại thấy Chúa đã cho tôi thêm cơ hội để tìm ý Chúa trong các biến cố cuộc đời để học hỏi sự vâng phục từ cây Thập Giá. Vì mục vụ, Ðức cha Gioan B. Bùi Tuần truyền chức phó tế cho tôi cho đến đầu năm 1992 thì được chịu chức linh mục. Chính vì thế, tôi chọn câu Kinh Thánh như kim chỉ nam cho đời linh mục là “Ðức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2, 11).
2/Khi vào Tiểu Chủng viện năm 1966, bà nội tôi nói : “Bà cầu nguyện cho con trở thành linh mục. Nhưng bà không hy vọng nhìn thấy con chịu chức linh mục, chỉ mong được thấy con mặc áo dòng là bà mãn nguyện rồi !”. Năm 1974, tôi là Ðại Chủng sinh và mặc áo dòng. Năm 1977, bà qua đời khi tôi 22 tuổi. Ước nguyện của bà nội trở thành một trong những động lực rất lớn cho tôi kiên trì theo đuổi ơn gọi linh mục.
Quả thật, tôi là người hướng ngoại theo mẫu tính tình MBTI, nghĩa là tìm năng lực hoạt động trong các mối tương quan. Chính vì thế, các tương quan đã có một vai trò quan trọng trong đời tu, đặc biệt là khi còn là một thanh niên trên 20 tuổi tại Láng Sen – Thạnh Quới.
Có ba tương quan có ảnh hưởng nhiều đến đời tu của tôi : một là gia đình; hai là bạn bè chủng sinh, đặc biệt là anh em lớp Giuse 66; ba là giáo dân và dân cư tại Thạnh Quới – Láng Sen, nhất là giới trẻ.
Năm 1980, khi 25 tuổi, ba má và các em đồng ý với đề nghị của tôi là chuyển nhà ở, từ kênh B ra Láng Sen, để hỗ trợ cho đời tu của tôi. Sau khi chịu chức linh mục, ba má và các em như hoàn thành nhiệm vụ đã lại chuyển dời đi nơi khác, để tôi dễ dàng phục vụ cộng đoàn. Quả thật, là con cả (anh Hai) trong gia đình, có trách nhiệm với cha mẹ và các em, nhưng tôi lại nhận được rất nhiều sự trợ giúp cả tinh thần và vật chất từ cha mẹ và các em.
Chủng sinh Long Xuyên có mối dây liện lạc rất thắm thiết ngay từ thời Tiểu Chủng viện, các lớp rất tình thân với nhau. Lớp tôi vào chủng viện năm 1966 có thánh bổn mạng là Giuse, nên được anh em chủng sinh giáo phận gọi là lớp Giuse 66. Trong giai đoạn không có những tổ chức chính thức các cuộc họp mặt, anh em chủng sinh thường gặp gỡ từng nhóm nhỏ gần nhau, đơn giản là để xả stress, để khích lệ nhau, cùng nhau ăn một bữa cơm, nhưng lại nâng đỡ nhau rất nhiều.
Riêng tại Láng Sen, tôi tìm niềm vui và lẽ sống khi thăm viếng các gia đình trong giáo xứ, và luôn sẵn sàng ghé thăm cả gia đình các tôn giáo bạn, nhất là khi họ có hiếu hỉ. Cũng rất đơn giản và dung dị trong nền văn hóa miệt vườn, như khi gặp bữa ăn trưa, cùng ngồi ăn với gia đình, cụng với nhau một ly rượu, vui vẻ nhận một nải chuối, một vài con cá…, ấm tình người và chan đầy hạnh phúc. Khi ấy do còn là thanh niên, nên quan tâm nhiều đến tương quan với những người trẻ trong giáo xứ, và quy tụ họ thành một ca đoàn. Trong cảnh nghèo và thiếu thốn cả về các sinh hoạt vui chơi của tuổi trẻ tại vùng nông thôn lúc bấy giờ, chúng tôi tổ chức ca đoàn thân thiết như anh chị em trong một gia đình, để cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ, cùng vui chơi, và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Thực tình là các bạn trẻ Láng Sen đã trở thành nguồn lực rất lớn hỗ trợ đời sống tu trì của mình.
Tôi nghiệm thấy rằng, Chúa đã đào tạo mình qua các tương quan này để sử dụng tôi cho chương trình của Ngài. Quả thật, lý tưởng của tôi là một món nợ tình yêu trong các mối tương quan. Và bây giờ, tôi coi chức vụ giám mục là cơ hội để trả món nợ tình yêu này nhờ các tương quan, với các tương quan, trong các tương quan và vì các tương quan.
Giám mục Giuse TRẦN VĂN TOẢN – GP. Long Xuyên