Mừng Kính trọng thể Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2023

DẪN LỄ

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ngày 08 Tháng 12

 (St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-38)

1. DẪN VÀO THÁNH LỄ:

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến,

Hôm nay chúng ta long trọng mừng kính Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Ðức Thánh Cha Piô IX công bố Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Và 4 năm sau, khi hiện ra tại Lộ Ðức (nước Pháp), Ðức Mẹ đã xác nhận với thánh nữ Bênađết: “Mẹ là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Chúng ta hân hoan dâng thánh lễ, mừng Mẹ chúng ta được ơn vô nhiễm nguyên tội. Xin cho chúng ta sống xứng đáng làm con Mẹ, để được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Con Mẹ.

2. BÀI ĐỌC I: (St 3,9-15.20)

Bài đọc sách Sáng thế sau đây mô tả: Sau khi tổ tiên loài người phạm tội, Chúa phạt hai ông bà và dòng dõi. Chúa cũng phạt con rắn là ma quỷ. Ngài sẽ cho một người nữ là Mẹ Maria chiến thắng ma quỷ, vì Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

3. BÀI ĐỌC II: (Ep 1,3-6.11-12)

Đoạn thư gửi Êphêsô sau đây xác tín rằng Thiên Chúa thương cứu độ chúng ta nhờ Con Một của Người, do Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội sinh ra, để chúng ta được làm nghĩa tử của Người.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ngày 08 Tháng 12

Chủ tế: Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa đã cho Ðức Maria khỏi mắc tội tổ tông để xứng đáng cưu mang Con Chúa. Chúng ta chân thành cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin :

1. Hội thánh có sứ mạng sinh thêm con cái cho Chúa là các tín hữu khắp hoàn cầu./ Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho Hội thánh / luôn được Chúa thương gìn giữ thánh thiện tinh tuyền, / để chu toàn sứ mạng Chúa phú giao.

2. Ngay từ lúc đầu thai trong lòng mẹ, / Ðức Maria đã được Thiên Chúa cho khỏi tội nguyên tổ, / để xứng đáng làm đền thiêng cho Con Chúa ngự. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa / cho chúng ta giữ mình sạch tội luôn,/ để được Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng ta.

3. Mẹ đã đạp nát đầu con rắn, / đã chiến thắng ma quỷ và tội lỗi. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Mẹ phù hộ các Kitô hữu biết noi gương Mẹ / gan dạ chiến thắng các mưu chước cám dỗ của ma quỷ / và của xác thịt thế gian.

4. Mẹ hiệp thông cứu chuộc với Ðức Giêsu, Con Mẹ. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết theo chân Mẹ,/ hằng ngày vác Thánh giá theo Chúa, / để được Chúa cứu rỗi và góp phần vào chương trình cứu rỗi của Người.

Chủ tế: Lạy Chúa,

Chúa đã gìn giữ Ðức Maria khỏi nguyên tội để xứng đáng cưu mang Con Chúa. Xin giúp chúng con luôn giữ mình sạch tội, nếu có lỡ phạm tội thì biết ăn năn sám hối. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG

 8 Tháng Mười Hai Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
(Lc 1,26-38)

Mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm vỗ về, an ủi ta. Mẹ là người dạy ta tiếng nói đầu đời. Mẹ đưa ta tới trường ,mở rộng chân trời cho ta tiến bước. Mẹ dạy ta biết vượt thắng gian nan, đẩy lui thử thách, biết quí trọng thời gian. Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung, chia sẻ, nhân ái. Mẹ dạy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu, đáng quí trọng, Chúa lại ban tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như Mẹ đã được gọi: Đức Mẹ MARIA .

– Maria là ai ?

– Tại sao Mẹ lại vô nhiễm nguyên tội ?

– Đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội giúp ích gì cho ta ?

1. MARIA LÀ AI?

Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này, vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới Kinh Thánh hay suy tư thần học, mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản, để người đọc dễ nhận ra Maria là ai. Maria là Mẹ Đấng cứu thế, đã sinh ra Chúa Giêsu. Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là thánh Anna. Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua, tuổi tác. Maria sống ở làng quê Nazarét, miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó, Maria đã đính hôn với Giuse, làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét, thuộc dòng dõi vua Đavít. Tuy đã đính hôn với Giuse, nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để đời đời dành riêng cho Thiên Chúa, nên chính trong thời điểm này, ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống trên trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria, và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế . “…Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).

Maria bối rối, hoang mang, thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35 ). Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa, Maria dứt khoát nói lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu, đã ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria.

Rồi đến ngày sinh con, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem (Lc 2,7), khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán, để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1). Sau đó, hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Ai cập, để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê. Cho tới khi Hêrôđê băng hà, hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà.

Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông bà. Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ, chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana. Lần khác nữa, khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu, Chúa đã trả lời: “…Những người nghe và giữ lời Ta giảng dạy, đó là Mẹ và anh em của Ta” (Mc 3,31-35 ). Một lần khác, chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu, trên đồi Canvê (Ga 19,25). Lần cuối cùng, chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly, để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14). Rồi sau đó, có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á, và đã qua đời ở Êphêsô. Maria đã sống ẩn dật, âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế, nên muôn đời mọi thế hệ đều ngợi khen, tung hô Mẹ.

2. TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI?

Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Maria, vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá, ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna. Vì công nghiệp của Chúa Giêsu, Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền, trinh trắng, không hề mang tì vết: đó là đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi.

Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội, dù tội riêng mình làm, vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là “Evà mới” như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ: “Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng, nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Trinh Nữ”. “Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi, nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu”.

Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 08 tháng 12 năm 1854, và chỉ bốn năm sau đó, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858, đã xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA?

Chúng ta là con cái Đức Mẹ, một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ.

Với đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn, Mẹ Maria là “Evà mới”, Evà mang sự sống, chứ không mang cái chết, chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người. Còn Mẹ, vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ, bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa, nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta, về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành Sao Mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách, nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển, qua lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh, Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này.

Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, xin cho chúng con hiểu được rằng, Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.

Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ, dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã, để chúng con luôn chỗi dậy, và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.

Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại, biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông, như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Lịch sử Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Từ thế kỷ thứ VIII, bên Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa lễ này dựa vào Ngụy Thư  “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”. Bà Anna sau một thời gian dài son sẻ đã được thiên thần báo tin thụ thai như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa.  Ý lễ được lan qua Tây phương nhất là tại Ý, Ái Nhĩ Lan và Anh thành lễ “Đức Maria thụ thai”. Tại thành Naples (Ý) vào thế kỷ thứ IX, ngày lễ được khắc vào lịch bằng đá hoa cương. Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX  huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm.

Cho đến thế kỷ thứ XII, những vị thánh như Albert Cả, Bonaventura, Tôma d’Aquin cũng cho rằng vì Đức Maria thừa kế di nghiệp Ađam nên vướng mắc nguyên tội, nhưng Mẹ được thánh hóa ngay từ trong thai mẫu.

Tuy vậy, vấn đề vẫn còn gây tranh cãi cho đến thế kỷ XIII. Một thần học gia lỗi lạc dòng Phanxicô là Duns Scott (1308) đã nghĩ ra một lối giải thích độc đáo bênh vực Đức Maria đã được sung mãn ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên cuộc đời. Tác giả minh chứng đặc ân vô nhiễm tuyệt đối gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi kể cả nguyên tội không hề đi trệch ra ngoài trật tự ơn cứu chuộc, mà còn là thành quả vinh quang nhất trong công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Đến thời Công đồng họp tại thành Bâle (Thụy sĩ) năm 1439 cũng đồng ý về vấn đề Đức Maria Vô Nhiễm, và mãi tới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, mới công bố ý tưởng Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội thành tín điều vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong thông điệp Ineffabilis Deus : “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.

Lm. Thêôphilê

ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG
(08/12: Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội)

Lời Chúa : Lc 1,26-38

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy niệm :

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, Đức Mẹ lại hiện ra cho Bernadette,
một cô bé mười bốn tuổi, nhà nghèo, quê mùa.
Vào lần hiện ra thứ mười sáu, khi cô gặng hỏi tên của Bà đẹp,
Bà đã trả lời: Que soy era Immaculada Conception,
Ta là sự Thụ thai vô nhiễm.
Một câu trả lời khó hiểu và khó nhớ đối với một cô bé ít học.
Dĩ nhiên cô không hề biết rằng bốn năm trước đó,
Đức Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.
Mừng lễ Đức Maria Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ.
Thiên Chúa muốn Con Một của mình làm người trăm phần trăm,
nên cần tuyển chọn một phụ nữ để sinh ra người Con ấy.
Maria chính là người được chọn, hoàn toàn như một ân huệ.
Khi chọn Maria, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi sự tốt đẹp nhất có thể,
vì ơn gọi quá vĩ đại là làm Mẹ Con Thiên Chúa.
Maria được Thiên Chúa bao bọc và bảo vệ bằng ân sủng tuyệt vời.
Ngài cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Người Con,
nên gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ của nguyên tội.
Mừng lễ Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ,
ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai,
đã trọn vẹn và tuyệt đối nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Khi nói Mẹ không nhiễm vết nhơ của nguyên tội
là chỉ mới nêu lên một khía cạnh có phần tiêu cực.
Theo Công Đồng Vaticanô II, từ giây phút hiện diện đầu tiên của cuộc sống,
Mẹ đã được rạng ngời một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị.
Giáo Hội Đông Phương gọi Mẹ là Đấng toàn thánh (panagia).
Sự thánh thiện của Mẹ đã được sứ thần Gabrien diễn tả qua lời chào :
“Mừng vui lên, hỡi Đấng được đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.”
Maria được Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng,
nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương, và được đẹp lòng Thiên Chúa,
từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng.
Nhưng ân sủng không bóp chết sự tự do và trách nhiệm.
Mẹ đã đáp lại tình yêu đó với sự cởi mở không ai sánh bằng.
Tiếng Xin Vâng trên môi của cô thiếu nữ Maria
là cử chỉ đón lấy Đấng Cứu Độ vào đời mình, vào lòng dạ mình.
Maria đã suốt đời trung tín với tiếng Xin Vâng đầu tiên
bằng việc nói muôn tiếng Xin Vâng khác cho đến tận thập giá.
Những gì Mẹ Maria được hưởng, chúng ta cũng được chung phần.
Chúng ta cũng được chọn, được tẩy xóa tội nguyên tổ, được ban ơn.
Chúng ta cũng được mời gọi đáp lại bằng những tiếng Xin Vâng nho nhỏ.
Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình.
Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa,
làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra thế giới.
Chúng ta cũng muốn cưu mang Giêsu với trái tim cuộc đời vô nhiễm.
Xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ ơn Vô Nhiễm giữa cuộc đời ô nhơ.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nghe giảng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (2011-2023)

 Chùm thơ mừng kính lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội

HƯƠNG SEN GIỮA MÙA VỌNG

(Dâng kính Mẹ Vô Nhiễm)

Quê hương con cứ tới mùa đông lạnh,
Lũ lụt tràn đồng, bão tố liên miên…!
Đường nứt vỡ bờ cây thẳng hóa xiên,
Mẹ phờ phạc bao đêm dài nước bạc…

Con sông xanh giờ bèo trôi xơ xác,
Tiếc làm sao bên ấy chiếc hồ sen.
Cánh trắng lá xanh dưới nắng bình yên,
Giờ còn lại chỉ một màu trắng đục…!

Cho dẫu cứ đắng cay màu thế tục,
Mùa Vọng đã về nhắc chuyện thiêng liêng.
Chúa lại đến đây thăm viếng mảnh đời riêng,
Cất hết khăn tang, và lau khô dòng lệ…

Mùa Vọng tím như một lời đoan thệ,
Giao ước nghìn năm nay đã trỗ hoa.
Mẹ vào đời mang hương sắc bay xa,
Như hừng đông lên giữa đông dài sắc tím !

Mẹ chúng con, Mẹ Chúa Trời Vô Nhiễm,
Cánh sen giữa lầy rực ngát hương thiêng.
Mảnh đất mỡ màu Thiên Chúa chọn riêng,
Tòa ngọc trắng đựng “nhụy vàng Con Chúa” !

Cho dẫu biết vẫn mùa đông héo úa,
Vẫn đợi, vẫn chờ, mong mãi “bước chân xa” !
Mẹ mang Chúa về trời đất sẽ hoan ca,
Mùa Vọng sẽ mãi là mùa xuân miên viễn !

Sơn Ca Linh
Lễ Mẹ Vô Nhiễm 2017
MẸ VÔ NHIỄM

Hỡi người trinh nữ thơm duyên
Măng thon tay chạm vô biên của Trời
Dạ nên cung điện Ngôi Lời
Nhân sinh chỉ một mình người đầy ơn

Giữ tình Trời đất keo sơn
Địa đàng nhiệm ý kết hôn cùng Bà
Nơi Bà Đấng Thánh sinh ra
Mang ơn Cứu độ giao hòa nhân gian

Người là Hoàng Tử Bình An
Bà đầy phúc đức nên hàng Mẫu Nghi
Tinh tuyền Ngọc thể lưu ly
Hồn không vướng nhiễm điều chi tội tình

Lạy Bà Thánh Mẫu Đồng trinh
Cho tôi Cứu Chúa tế sinh tuyệt vời
Mang ơn vũ lộ xuống đời
Đem tôi từ đất lên trời thơm duyên

Lạy Bà Vô Nhiễm Tội Truyền
Giúp tôi nên thánh giữa miền dương gian

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM TỘI

Mẹ Chúa Ngôi Hai: Mẹ chúng sinh

Rầy đang hưởng phúc chốn Thiên Đình.

Thần dân Thượng Đế vui ca tụng,

Dòng dõi E Và hưởng thái bình.

Đức Mẹ đồng trinh,vô nhiễm tội,

Con Vua Chí Thánh, rất nhân lành.

Đoàn chiên Giáo Hội hằng tôn kính:

Mẹ Chúa Ngôi Hai:Mẹ chúng sinh…

https://www.vanthoconggiao.net/2018/12/tho-mung-kinh-le-me-vo-nhiem.html