Sống Lời Chúa tuần 3 Chúa Nhật Mùa Vọng năm B 17.12.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-3-mua-vong-nam-b-3216

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B

Is 61,1-2a.10-11 ; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA SẮP ĐẾN

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,16)

Lễ phục màu hồng của phụng vụ hôm nay làm cho bầu khí của Chúa Nhật III Mùa Vọng tràn ngập niềm vui. Niềm vui này được diễn tả qua các bài đọc, đó là: chính Thiên Chúa đã gần đến để đem hồng ân cho chúng ta. Tuy nhiên, để có được niềm vui đó, chúng ta cần có một sự chuẩn bị chu đáo không chỉ bằng những dấu chỉ bên ngoài nhưng là một cuộc biến đổi nội tâm để thay đổi con người cũ.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 61,1-2a.10-11

Bài đọc I thuật lại cách gián tiếp về ơn gọi của tác giả sách Isaia đệ III cùng với những tâm tình tạ ơn mà tác giả muốn cất lên vì những ơn đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Ngôn sứ Isaia đệ III đã xác tín rằng chính Đức Chúa đã tuyển chọn ông qua việc xức dầu để ban Thần Khí. Như thế, Thần Khí chính là “tặng phẩm thần linh” mà Đức Chúa đã ban cho vị ngôn sứ trước khi sai ông lên đường thi hành sứ vụ. Với bản thân, đó là một hồng ân, như ngôn sứ đã thốt lên: “Tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, …Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.” Nhờ có niềm vui này, vị ngôn sứ xác tín chính Thần Khí sẽ trở nên nguồn trợ lực, là sự nâng đỡ, ủi an, khích lệ, soi sáng, chỉ đường hầu giúp người được sai đi có thể hoàn tất sứ mạng được ủy thác.

Ngôn sứ Isaia III xác tín rằng hồng ân đó không chỉ dành cho riêng ông, mà kèm theo một sứ mạng rõ ràng hướng tới người khác. Với sứ vụ đã lãnh nhận, vị ngôn sứ sẽ “Đem Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

Với tư cách là Đấng Thiên Sai được xức dầu, Đức Giêsu đã thi hành nhiệm vụ ngôn sứ như Isaia đã mô tả, qua câu chuyện sự kiện xảy ra tại hội đường Nadarét được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay.

2. Bài đọc II: 1Tx 5,16-24

Qua lời chào cuối thư Thêsalônica, thánh Phaolô đã nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa toàn diện từng người trong cộng đoàn: từ thần trí đến tâm hồn và thân xác. Thánh Phaolô đã chỉ ra cho cộng đoàn này những tâm tình sống cụ thể: trước tiên phải là vui mừng luôn và cầu nguyện không ngừng. Kế đến, là cần phải biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.

Điều quan trọng để chuẩn bị đón Chúa là đừng dập tắt Thần Khí, chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Thêm vào đó, phải có nếp sống luân lý Kitô giáo, đó là hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. Nếu được như thế, các Kitô hữu sẽ “không có gì đáng trách” trong tâm tình đợi chờ Đức Kitô quang lâm.

3. Bài Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một trong ba khuôn mặt nổi bật sống tốt tâm tình của Mùa Vọng, đó là sứ mạng và căn tính của Gioan Tẩy Giả (bên cạnh Ngôn sứ Isaia, Đức Maria). Gioan Tẩy Giả, người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông làm chứng về ánh sáng, nhưng ánh sáng này là gì ? Tin mừng Gioan đã giải thích: “Điều đã được tạo thành ở nơi Người (Ngôi Lời) là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Như thế, ánh sáng ở đây chính là Ngôi Lời, từ Chúa Cha đã đến thế gian. Vậy, Gioan Tẩy giả được giới thiệu như người được sai đến để làm chứng về Ánh sáng, là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đó chính là Đức Giêsu.

Gioan Tẩy Giả vào thời điểm này đã rất nổi tiếng. Thế nhưng ông lại tự xác nhận con người và sứ vụ thật khiêm tốn của mình qua cuộc đối thoại:

+ Ông là ai ? – Tôi không phải là Đấng Kitô.

Câu trả lời này cho thấy rằng người ta tưởng ông là Đấng Kitô, nên đã lũ lượt đến với ông. Thế nhưng, ông không nhận những thứ hào quang do người ta gán cho mình.

+ Vậy ông là ai, Ông có phải là Êlia không ? – Không phải.

Nhiều người đã đồng hóa Gioan Tẩy giả với ngôn sứ Êlia. Dân chúng đã nghĩ rằng ngôn sứ Êlia sẽ đến để chấn hưng Israel trước khi Đấng Kitô xuất hiện. Thế nhưng, ông cũng không nhận mình có vai trò to lớn như thế.

+ Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ? – Không phải.

Gioan Tẩy giả lại được gợi ý với tư cách là một ngôn sứ, người được sai đến để thi hành sứ vụ do Thiên Chúa ủy thác. Thế nhưng ông cũng khiêm tốn nói không vì nghĩ mình không xứng đáng.

+ Thế ông là ai, ông nói gì về chính ông ?

– Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.

Ông Gioan Tẩy giả đã tự nhận một vai trò khiêm tốn trong mối tương quan với Đấng Kitô. Ông xác nhận Đức Kitô sẽ đến sau ông nhưng ông không đáng cởi quai dép cho Người, nghĩa là ông tự nhận không đáng làm đầy tớ hay học trò của Đấng Kitô. Ông chỉ là người chuẩn bị con đường, bằng cách kêu gọi người ta tỏ lòng sám hối bằng cách chịu Phép rửa để dọn lòng đón Đấng Kitô. Có thể nói nếu Đấng Kitô là Lời thì Gioan Tẩy giả chỉ là âm thanh chuyển tải Lời (thánh Âu tinh). Âm thanh sẽ sớm vụt tắt khi đã chuyển tải Lời, còn Lời sẽ thành sứ điệp đọng lại nơi tâm trí người nghe.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi… Tôi tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh.” Việc lãnh nhận Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội và một số Bí tích khác đã làm mỗi Kitô hữu hớn hở vui mừng vì được đón nhận hồng ân cứu độ và sống đời sống mới; đồng thời, khiến mỗi Kitô hữu thành sứ giả của Thiên Chúa để “đem Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” Tôi có thi hành sứ vụ này trong bối cảnh sống của mình không ?

2. “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” Mùa Vọng là thời gian sống trong niềm vui để đợi chờ ngày Chúa trở lại. Tuy nhiên, niềm vui này chỉ trọn vẹn khi mỗi người biết để cho Chúa thánh hóa con người toàn diện, cả tâm trí lẫn xác hồn, làm việc lành lánh điều dữ để không có gì đáng trách trong ngày Chúa ngự đến. Tôi đón Chúa bằng tinh thần nào, chuẩn bị hang đá đèn sao lấp lánh hay chuẩn bị cuộc sống và tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh ?

3. “Gioan Tẩy giả đến để làm chứng về Ánh sáng.” Thái độ đón chờ trong Mùa Vọng không phải là một thái độ thụ động, mà là chủ động qua việc thi hành sứ vụ làm chứng về Ánh Sáng. Có thể sống tinh thần này bằng cách thực hiện những gợi ý trong Thư Mục vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2020 của Tổng Giáo phận Sài Gòn: Trong năm vừa qua, với kinh nghiệm đùm bọc chia sẻ lẫn nhau trong đại dịch Covid và lũ lụt Miền Trung, “Chúng ta hãy tiếp tục biểu lộ lòng nhân ái để gánh vác nhau đi tiếp những chặng đường tương lai. Năm chiếc bánh và hai con cá của từng người chúng ta sẽ được Chúa cho nhân lên gấp bội để cứu giúp nhau trên bước đường đời.” Lá thư cũng nhắc chúng ta: “Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đi qua các nẻo đường cuộc sống để xin chúng ta cho ăn, cho uống, cho mặc… Hãy tỉnh thức kẻo sau này không có người nghèo nào đón rước chúng ta vào nơi vĩnh cửu”. Đó là cách chúng ta tỉnh thức để “kẻo hụt mất Chúa, hãy cảnh giác kẻo mất nguồn sống, ánh sáng và tình yêu trong cuộc đời.” Đó là cách chúng ta “đón nhận Ngài để nhận được Ánh Sáng, Tình Yêu, Sự Thật và Sự Sống.”

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở tất cả chúng ta hãy vui lên vì Thiên Chúa đang đến gần. Trong tâm tình hân hoan vui mừng sẵn sàng chào đón Chúa, chúng ta cùng chung lời cảm tạ và hiệp ý cầu xin:

1. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ vụ làm chứng cho Đức Kitô là ánh sáng thế gian bằng chính đời sống chứng tá của mình trong xã hội hiện tại.

2. Một số tư tế và thầy Lêvi được sai đến để hỏi cho biết Gioan là ai. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khao khát tìm kiếm chân lý giữa thế giới hôm nay, được gặp gỡ và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.

3. “Có một Ðấng đang ở giữa các ông, mà các ông không biết.” Xin cho mọi kitô hữu biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và nơi những người bé mọn chung quanh, để luôn sống lạc quan tín thác và chân thành yêu thương phục vụ.

4. “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến; đồng thời, luôn nỗ lực góp phần cụ thể làm phát triển và đổi mới những sinh hoạt của cộng đoàn.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến trần gian để đem niềm vui cho nhân loại. Xin nhận lời dân Chúa cầu nguyện và giúp chúng con biết tích cực trở nên những nhân chứng đức tin, luôn hăng hái đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B (CN 17.12.2023) – Làm Chứng Về Ánh Sáng

Nghe giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B (2011-2023)

Vui lên anh em – Chúa nhật III mùa Vọng – Năm B

VUI LÊN ANH EM
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM B
(Ga 1, 6-8. 19-28)

Bước vào Chúa nhật III mùa Vọng, từ các bài đọc, thánh ca, đến màu sắc phụng vụ kèm theo cảnh trang trí hang đá, cây thông, ánh đèn, ngọn nến… khiến cả tâm hồn và thể xác chúng ta rạo rực niềm vui.

Gaudete – Hãy vui lên, Thánh Phao-lô khích lệ chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). Tại sao chúng ta vui? Câu trả lời là vì Chúa sắp ngự đến rồi (x.Pl 4, 5).

Hôm nay Phụng vụ Giáo hội đang màu tím chuyển sang hồng thể hiện rõ nét của niềm vui, vui vì những gì đã đạt được trong chặng đường thứ nhất của mùa Vọng, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui, và lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng (Chúa Giáng Sinh), nên Giáo hội mời gọi con cái mình “Gaudete – Hãy vui lên”.

Lời của thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca ngày xưa được phổ nhạc với điệu ca du dương, nay được Giáo hội công bố với niềm vui. Vui như I-sai-a nói: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa tôi” (Is 61, 10).

Lời nguyện nhập lễ đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III mùa Vọng). Những lời trên làm tâm hồn chúng ta sáng hẳn lên, dẫn chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ.

Theo kinh nghiệm thông thường, ta vui khi ta ước một điều gì đó mà nay được toại nguyện; hay khi ta thành công trong một nỗ lực hoặc một dự tính; khi quyền lợi của ta bị tước đoạt mà nay được phục hồi; và vui nhất là khi ta được gặp lại những người thân yêu sau một thời gian xa vắng. Tắt một lời, ta vui khi lòng ta đang trống mà được lấp đầy.

Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của I-sai-a: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Is 61, 1-2). Ðó là những quyền căn bản của con người: quyền được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và được tôn trọng, quyền được hưởng niềm vui làm người tự do và bình đẳng. Và làm sao không thể không mừng “vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân” (Is 61, 10-11).

Nhưng điều quan trọng và niềm vui cả thể vẫn là Thiên Chúa muốn sống giữa loài người. Niềm vui Chúa Giê-su Ki-tô mang đến cho chúng ta, chính là niềm vui của người tự do được làm con Thiên Chúa.

Niềm vui là một đặc tính thiết yếu của đức tin. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, viếng thăm và cứu độ là động lực làm cho chúng ta vui mừng; chúng ta biết Chúa Giê-su Ki-tô đã xuống thế, tự hiến thân mình vì chúng ta là lý do chính để người tín hữu mừng vui. Người Ki-tô hữu buồn, bởi họ không nhìn thấy những điều Thiên Chúa đã làm cho họ, và vì thế, sẽ không có sự hiệp thông. Niềm vui của người Ki-tô hữu phát xuất từ tâm tình tạ ơn, nhất là vì tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện nơi chúng ta.

Trong mùa Vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Au-gút-ti-nô với kinh nghiệm của ngài đã quả quyết: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).

Trong lúc chờ đợi Chúa Ki-tô đến, chúng ta phải tỉnh thức, phải lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi. Chính tiếng Người đem lại niềm vui cho ta, như Gio-an Tẩy giả chứng nhân của niềm vui. Ông nói: “Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài. Niềm vui của tôi đã sung mãn. Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi” (x. Ga 3,29-30).

Khi kêu gọi ta vui lên, thánh Phao-lô cũng nói thêm: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng” (1Thes 5,16). Ðó là điều kiện cần thiết mang lại niềm vui sâu xa cho tâm hồn con người tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa. Và ai có những lần đã thực sự cầu nguyện, thì cũng đã cảm nghiệm được niềm vui thiêng liêng, niềm vui của người Ki-tô hữu.

Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Ma-ri-a, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giê-su đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Trang Thơ: Làm gì trong Mùa Vọng ?

Mùa Vọng đến, tâm hồn náo nức

Sám hối lòng, tỉnh thức đợi trông

Chúa đến thỏa nguyện ước mong

Sẵn sàng nghinh đón, hiệp thông đất trời

 

Cùng nhớ lại những lời rao giảng

Của Gioan, chẳng quản khó khăn

Thực lòng thống hối ăn năn

“Bỏ tà, quy chánh” phải chăng rất cần

 

Dọn đường Chúa, tinh thần hoan hỷ

Lấp hố sâu, vốn dĩ hiểm nguy

Gò cao, mô đất san đi

Làm cho bằng phẳng, sá chi nhọc nhằn

 

Khúc cong queo, chỉnh căn cho thẳng

Chỗ gồ ghề cũng chẳng để nguyên

San cho tươm tất đẹp thêm

Đường đi, lối lại: êm đềm thảnh thơi

 

Dọn đường Chúa, cho Người tiến bước

Khoảng không gian mực thước hẳn hoi

Thênh thang, rộng lớn người ơi!

Tất cả hoàn tất, rạng ngời hân hoan

 

Chúa thương đoái ban tràn ơn phúc

Để hợp mừng hát khúc hoan ca

Tình Chúa rộng lớn bao la

Cùng nhau đón nhận, chan hòa niềm vui.

 HOÀI THANH

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG B

  (Ga 1, 6-8. 19-28)

KHIÊM NHƯỢNG

Chứng nhân sự sáng được sai,

Tiền hô mở lối, đóng vai mọn hèn.

Tiếng kêu hoang địa chong đèn,

Mở đường chiếu giãi, đêm đen vào đời.

Tiên tri cao trọng rạng ngời,

Ẩn thân khiêm nhượng, gọi mời dấn thân.

Vui mừng sứ vụ bình dân,

Dọn đường sửa lối, canh tân lòng người.

Không màng danh lợi ở đời,

Xả thân phục vụ, Chúa Trời Ngôi Hai,

Ngài là ánh sáng thiên thai,

Giê-su Chí Thánh, thiên sai từ trời.

Mở lòng đón nhận Vua Trời,

Thành tâm tôn kính, sống đời khiêm nhu.

Thực hành sống đạo luyện tu,

Nêu gương nhân đức, thiên thu sáng ngời.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhân chứng khiêm nhường và can đảm. Ngài là vị tiền hô. Ngài xuất hiện để loan báo và dọn đường cho Chúa. Ngài không phải là sự sáng nhưng làm chứng cho sự sáng. Ngài nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ngài đã hoàn tất sứ mệnh của người làm chứng cho Chân Lý qua cái chết của ngài.

Sống một đời ngắn ngủi nhưng từng bước chân đã ghi dấu niềm xác tín nơi Con Chúa. Qua cuộc sống khắc khổ nơi hoang địa, ngài chuẩn bị cho chính mình một tấm lòng đơn sơ và khiêm nhường. Ngài khơi dậy sự mong chờ và lòng khao khát ơn Cứu Độ. Ngài đã chuẩn bị lòng con người, kêu gọi sửa cho ngay đường Chúa đi. Ngài đã giới thiệu Chúa cho mọi người. Đã hiến mình làm chứng cho Sự Thật.

Chấp nhận thân phận người tiền hô, ngài không tìm vinh quang cho chính mình. Giống như Gioan, chúng ta được mời gọi chia xẻ sứ mệnh rao truyền chân lý của Chúa. Hãy học nơi thánh Gioan, tìm làm vinh danh Chúa. Dẫn dắt nhiều người về với Chúa. Trong sứ mệnh rao truyền Tin Mừng hôm nay, đôi khi vì sự háo thắng, chúng ta lại muốn rao truyền và tìm vinh danh cho chính mình. Muốn người ta biết về mình nhiều hơn. Thay vì giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta tìm giới thiệu chính mình và sự khôn ngoan thông thái của mình. Tìm giải thích Lời Chúa theo ý của mình và uốn nắn theo những sở thích của riêng mình.

   Gioan đến làm chứng cho sự sáng. Chúa chính là ánh sáng soi dọi vào đêm tối. Chúng ta hãy truyền đạt ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội. Hãy để ánh sáng của Chúa chiếu tỏ qua cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện để mỗi người là chứng nhân trung thành. Chúng ta đã theo đạo, cần giữ đạo, sống đạo và thực hành đạo để xứng danh Kitô hữu.

Chúa Giêsu đã phán rằng: ‘Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Bước theo Chúa, chúng ta sẽ không lạc lối vì có Chúa là Đường. Mọi sự đều quy về Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu là tâm điểm để mọi người xoay quanh. Càng đến gần tâm điểm là Chúa Giêsu, chúng ta càng được sưởi ấm trong tình yêu của Ngài.

THỨ HAI, TUẦN 3 VỌNG

(Ds 24, 2-7.15-17a; Mt 21, 23-27).

PHÉP RỬA

Thi hành phép rửa gọi mời,

Ăn năn sám hối, đổi đời thẳng ngay.

Gio-đan xuất hiện lạ thay,

Gio-an thanh tẩy, phúc nay bởi trời.

Thực hành sứ mệnh cao vời,

Mọi người tuôn đến, nghe lời thánh ân.

Giê-su giảng dạy ân cần,

Quyền năng thiên phú, không cần chứng minh.

Ơn trên nhận lãnh quang vinh,

Thực hành phép lạ, thiên linh rạng ngời.

Tin mừng cứu độ tuyệt vời,

Ngôi Con Cứu Chúa, làm người thế nhân.

Lữ hành cuộc sống gian trần,

Ngước lên thượng giới, dự phần phúc vinh.

Ân thiêng tuôn đổ chúng sinh,

Thành tâm đón nhận, thiên linh diệu vời.

THỨ BA, TUẦN 3 VỌNG

(Soph 3, 12.9-13; Mt 21, 28-32).

THỰC HÀNH

Hai con cùng ở một nhà,

Hoà chung gắn bó, cha già thương yêu.

Nghe lời cha dạy từng điều,

Cần lòng hiếu thảo, vâng chiều lòng cha.

Con ương cãi lại lời ba,

Dục tâm hối hận, con ra ngoài đồng.

Đứa ngoan tỏ dấu tương đồng,

Cứng lòng biếng nhác, ăn không ngồi rồi.

Ý cha chê chối thật tồi,

Tựa nương dựa dẫm, đền bồi được chi.

Thực hành lời dậy khắc ghi,

Chuyên tâm nhẫn nhục, thực thi công bình.

Cha con kết nối chân tình,

Tín trung hiếu nghĩa, thiên đình chúc an.

Thành tâm hối lỗi nài van,

Tin yêu phó thác, Chúa ban phúc lành.

NGÀY 17 THÁNG 12

(Stk 49, 2.8-10; Mt 1, 1-17)).

GIA PHẢ

A-bram tổ phụ niềm tin,

Lưu truyền dòng dõi, cả nghìn năm sau.

Đời con đời cháu bên nhau,

Trải qua gian khó, thương đau chẳng nề.

Trung trinh giữ vững lời thề,

Tôn thờ một Chúa, trọn bề tin yêu.

Đức tin dòng máu huyền siêu,

Cha ông tổ phụ, có nhiều đổi thay.

Vua quan quí chức dân này,

Nối dòng gia phả, tới ngày ân ban.

Giu-se diễm phúc muôn ngàn,

Cha nuôi Cứu Chúa, thiên nhan rạng ngời.

Chương trình cứu độ cao vời,

Thiên Sai xuống thế, làm người như ta.

Giu-se vinh dự làm cha,

Dưỡng nuôi chăm sóc, chung nhà thánh thiêng.

NGÀY 18 THÁNG 12

(Jer 23, 5-8; Mt 1, 18-24)

ĐÍNH HÔN

Thánh Thần quyền phép khôn lường,

Ma-ry Mẹ Chúa, tỏ tường phúc ân.

Xin vâng nhập thể xác thân,

Cung lòng trinh nữ, dự phần cứu sinh.

Giu-se công chính thương tình,

Định tâm kín đáo, tự mình rút lui.

Thiên thần soi tỏ tin vui,

Hạ sinh dấu lạ, tới lui bằng lòng.

Chương trình cứu độ hằng mong,

Mẹ sinh Con Chúa, tinh trong rạng ngời.

Ngôi Hai Chúa Cả cao vời,

Hạ sinh giáng thế, sống đời phàm nhân.

Yêu thương cứu độ gian trần,

Giu-se vâng ý, Chúa cần con theo.

Dù đời lắm nỗi cheo leo.

Hoàn toàn phó thác, vâng theo lời truyền.

NGÀY 19 THÁNG 12

(Judic 13, 2-7.24-25a; Lc 1, 5-25)

BÁO TIN

Lộc trời chiếu cố gia đình,

Hiếm con trễ muộn, bình sinh sống đời.

Thiên thần loan báo đôi lời,

Vợ chồng sớm có, một người con yêu.

Gia-ca tế lễ sớm chiều,

Tâm thần hoảng hốt, huyền siêu cõi trời.

Lặng câm không nói lên lời,

Ra về suy gẫm, hợp lời ngợi khen.

Thiên ân tràn đổ đài sen,

I-sa-ve mẹ, chúc khen danh Người.

Gio-an qúi tử vào đời,

Chu toàn thiên ý, rạng ngời mẹ cha.

Đoái thương bớt nhục tuổi già,

Chồi sinh nở nhụy, thật là qúi thay.

Ân thiêng chúc phúc tháng ngày,

Tạ ơn Thiên Chúa, ơn này khắc ghi.

NGÀY 20 THÁNG 12

(Is 7, 10-14; Lc 1, 26-38)

TRUYỀN TIN

Kính chào Trinh Nữ Ma-ry,

Tràn đầy ơn phúc, đại bi ơn trời.

Thánh Thần bao phủ cuộc đời,

Thụ thai Con Chúa, làm người cứu dân.

Giê-su cao cả bội phần,

Cung lòng êm ấm, hạ thân làm người.

Xin vâng tôi tớ gọi mời,

Trở thành thánh mẫu, Chúa Trời Ngôi Hai.

Uy quyền chí thánh thiên sai,

Muôn lời chúc tụng, thụ thai trong lòng.

Đất trời hòa hợp vô song,

Giao hòa thiên địa, ước mong bao đời.

Tình yêu Thiên Chúa cao vời,

Phú ban Con Một, rạng ngời phúc ân.

Tâm hồn chuẩn bị ân cần,

Mở lòng đón Chúa, chung phần vinh quang.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17390