Suy Tư Học Hỏi: Chuyện Mất Chúa Hài Đồng Đêm Giáng Sinh
Bạn thân mến,
Vào buổi tối đêm 24 tháng 12 vừa qua, có một sự cố đã xảy ra tại nhà thờ giáo xứ của tôi, đã làm xôn xao náo động mọi người.
Số là gần đến giờ lễ nửa đêm, thì ông từ nhà thờ phát hiện ra, tượng Chúa Hài Đồng ở hang đá trong nhà thờ, đã bị mất cắp.
Lúc bấy giờ ở sân nhà thờ, số người có đạo và không có đạo, đã qui tụ rất là đông, ở quanh các hang đá và ở các điểm trang trí chung quanh nhà thờ. Mà các cửa nhà thờ thì vẫn chưa mở. Bởi theo lệnh của Cha Sở, thì sát gần giờ lễ, các cửa nhà thờ mới được mở ra cho người ta vào, để tránh sự ồn ào, mất trật tự và thiếu trang nghiêm trong nhà thờ trước giờ lễ.
Khi nhìn vào hang đá, thì mọi người nhìn thấy các mục đồng vẫn còn nguyên. Các súc vật vẫn trong tư thế trang nghiêm thờ lạy Chúa. Còn Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng rất cung kính cúi nhìn xuống máng cỏ. Chỉ có Chúa Hài Nhi là không còn nữa.
Về phần ông từ, thì ông đã khẳng định rất chắc chắn, là cách đây khoảng 10 phút, tôi có chỉnh sửa lại một vài bóng đèn chớp quanh Chúa Hài đồng, thì không thấy có gì khác thường.
Ông còn xác nhận: Từ nãy đến giờ, ngoài tôi ra, tôi cũng không hề thấy có bóng dáng một ai khác lai vãng trong nhà thờ này. Cho nên việc mất Chúa Hài Đồng, phải nói là một chuyện rất là lạ. Đối với ông, đúng là một chuyện không thể hiểu nổi.
Nhưng có một điều còn lạ hơn nữa, là ông từ đề nghị với Cha sở, là xin mang một tượng Chúa Hài Đồng ở một hang đá ngoài nhà thờ, đưa vào hang đá trong nhà thờ để thay thế, nhưng Cha lại không đồng ý. Cha bảo: Cứ để nguyên sự mất mát như vậy.
Trong thánh lễ đêm hôm đó, Cha Sở, với một giọng nói vừa mạnh, vừa run run vì xúc động. Cha thông báo cho cộng đoàn biết, là tượng Chúa Hài Đồng trong Hang Đá nhà thờ vừa bị mất cắp.
Cha giải thích cho mọi người rõ, về tính chất nghiêm trọng của hành vi đánh cắp này. Cha coi việc đánh cắp tượng Chúa Hài Đồng là một trọng tội, là một hành vi phạm thánh.
Rồi cuối cùng, từ trên tòa giảng, Cha tuyên bố rất dứt khoát, và tỏ ra rất giận dữ. Cha nói: “Tượng Chúa Hài Đồng, phải được mang trả lại nội trong đêm nay”.
Rồi, trong các thánh lễ kế tiếp của ngày hôm sau, ngày chánh lễ 25/12, Cha Sở vẫn tiếp tục lập đi lập lại mệnh lệnh này, nhưng không thấy có hiệu quả gì. Máng cỏ vẫn còn trống trơn.
Suốt cả ngày lễ Giáng Sinh, Cha Sở cảm thấy không vui. Ngài như người mất thần. Bởi Ngài rất buồn vì sự việc đã xảy ra.
Mà Cha Sở buồn, nên cả Giáo xứ cũng buồn theo vì sự kiện này. Bầu khí của lễ Giáng Sinh không còn phấn khởi như mọi năm. Đi đâu, làm gì, dù ở chợ, dù ngồi bên mâm cơm, ai ai cũng đều bàn tán chỉ có một sự kiện duy nhất này thôi, đó là chuyện Chúa Hài Đồng đã bị mất tích.
Vào khoảng giữa chiều hôm chánh lễ, bỗng Cha sở trông thấy có một em bé, khoảng khoảng 6-7 tuổi, được những người lớn dẫn tới. Tay em, lại kéo theo một toa xe lửa xinh xinh mới toanh.
Khi đến gần, Cha Sở tỏ ra phẩn nộ thật sự, bởi trông thấy tượng Chúa Hài Đồng đã bị mất cắp, lại đang nằm trong toa xe lửa của em.
Em bé đã bị những người lớn ở nhà làm cho sợ hãi. Bây giờ gặp Cha sở, em lại càng cuống cuồng thêm.
Thấy vậy, Cha Sở dịu giọng, tỏ ra thân thiện, và để cho em bình tĩnh trả lời những câu hỏi của Cha.
Thì ra, để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh năm nay, em đã nhịn ăn sáng từ nhiều tháng qua, để có tiền, mà mua cho được chiếc xe lửa này.
Em nói tiếp:
Thưa Cha, con rất thích chiếc xe lửa này từ lâu lắm rồi. Và mỗi khi qua lại siêu thị, con thầm ước mong làm sao có tiền để mua nó cho được.
Nhưng vì nhà nghèo, nên con không có tiền mua ngay, lại cũng không dám xin tiền ba mẹ để mua đồ chơi. Mãi cho đến gần lễ Giáng Sinh, tiền con để dành mới vừa đủ để mua nó.
Và đây cũng ước nguyện của con đã nói với Chúa từ nhiều tháng qua, mỗi khi đọc kinh xem lễ ở nhà thờ, cũng như những lúc con đọc kinh tối sáng tối ở gia đình, là khi nào con mua được chiếc xe lửa này, thì con xin mời Chúa hãy là “vị khách đầu tiên” cho chiếc xe lửa của con.
Chúa đã nhậm lời con. Con đã mua được chiếc xe. Nên con phải giữ lời hứa với Chúa.
Sau khi nghe em trình bày, Cha Sở không biết phải nói làm sao, bởi những hy sinh cố gắng của em để chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh trong nhiều tháng qua, quả là quá lớn.
Nhất là tâm hồn của em rất đơn sơ trong trắng trong hành vi này. Em nghĩ sao, là em làm như vậy, theo những suy nghĩ rất đơn sơ và cũng rất đơn giản của em.
Dầu sao Cha Sở cũng ôn tồn giải thích cho em về những cái sai, những cái không đúng của em trong việc làm này.
Em xin lỗi Cha. Và em bồng Chúa Hài Đồng lên trao trả lại cho cha. Và em cũng không quên cám ơn Chúa Hài Đồng, vì Chúa đã đồng ý làm vị khách đầu tiên của chiếc xe lửa của em.
Bạn thân mến,
Câu nguyện ông già Noel, trên chiếc xe nai, chở đầy ấp quà Giáng Sinh, đi rảo khắp các nơi, để phân phát quà cho các em thiếu nhi ngoan hiền, chăm học, bên phương trời tây, chỉ là niềm ước mơ thèm thuồng cho các trẻ em thiếu nhi bên Việt Nam.
Bởi ở Việt Nam, Cha Mẹ chưa có thói quen tặng quà cho con cái mình dịp Lễ Giáng Sinh.
Tuy mọi người công giáo đều biết, lễ Giáng Sinh là ngày Tết của các em thiếu nhi.
Nhất là các cha mẹ cũng đều biết, là cách phát quà, qua truyền thuyết ông già Noel, đã là một cách rất hay để giáo dục, để dạy dỗ, để hướng dẫn con cái mình, nhưng rất ít gia đình đã biết dùng phương thức này.
Dầu sao, thì em bé trong câu chuyện của chúng ta, đã phấn đấu, tự mình, tìm cho mình một món quà, để đón rước Chúa đến thăm, cũng rất đáng là cho chúng ta suy nghĩ.
Tuy việc làm của em rõ ràng là sai, rất là sai, nhất là việc luồng lách ẩn núp trong nhà thờ để làm sao có thể lấy cắp cho được tượng Chúa, chứng tỏ việc làm không lương thiện, không ai chấp nhận được, không ai được phép bắt chước.
Nhưng tâm tình của em và những chuẩn bị của em để đón rước Chúa, phải nói là có chất lượng để chúng ta suy nghĩ.
Bởi Chúa đã đến rồi, mà sao tâm hồn của chúng ta, là những người lớn, vẫn còn trống rỗng, vẫn còn lạnh tanh, vẫn còn khô khan, chưa thấy có một cảm nghiện nào do việc Chúa đến thăm chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng,
xin cho tâm hồn của con, được trở nên như những trẻ nhỏ, để con dễ dàng tiếp cận với Chúa, để con biết tích cực hơn và có nhiều sáng kiến hơn, trong việc đón rước Chúa, nhất là mỗi khi rước lễ, để con có thể nếm cảm được tình Chúa yêu con, qua việc Chúa đã bỏ trời xuống trần gian này, hòa mình sống với con. Amen.