Cầu nguyện: Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Cho Tháng 1/2024

Chiều ngày 2/1, video ý cầu nguyện cho tháng 1/2024 của Đức Thánh Cha đã được công bố với tựa đề: “Cầu nguyện cho sự đa dạng trong Giáo hội”, trong đó Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu đừng sợ sự đa dạng của các đặc sủng trong Giáo hội, đúng hơn chúng ta cần cảm thấy vui mừng khi sống sự đa dạng này.

Trong video cầu nguyện đầu tiên của năm mới, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiểu và sống “hồng ân đa dạng trong Giáo hội”, đồng thời “khám phá ra sự phong phú của các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo”.

Đức Thánh Cha giải thích trong sứ điệp rằng sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ là điều gì đó tích cực. Nó không bao giờ nên gây ra sự chia rẽ. Đúng hơn, “việc sống sự đa dạng này sẽ khiến chúng ta vui mừng”.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến các Giáo hội Đông phương: “Họ có truyền thống riêng, nghi thức phụng vụ đặc trưng riêng, tuy nhiên họ vẫn duy trì sự hiệp nhất của đức tin. Họ củng cố sự hiệp nhất này chứ không chia rẽ nó”.

Có rất nhiều Giáo hội Đông phương hiệp thông với Roma, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo Byzantine, Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, hay Giáo hội Hy Lạp Melchite. Các ví dụ khác về sự đa dạng về nghi lễ trong Công giáo là Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malabar và Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malankar, cả hai đều có nguồn gốc ở Ấn Độ; Giáo hội Maronite, có nguồn gốc từ Lebanon; Giáo hội Công giáo Coptic có nguồn gốc từ Ai Cập; Giáo hội Công giáo Armenia; Giáo hội Can-đê, chủ yếu ở Iraq; cũng như Giáo hội Công giáo Ethiopia-Eritrea, cùng những Giáo hội khác.

Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Nếu chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú, đa dạng sẽ không bao giờ gây nên xung đột”. “Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta trước hết rằng chúng ta là những người con được Thiên Chúa yêu thương – mọi người đều bình đẳng trong tình yêu của Thiên Chúa, và mỗi người đều khác biệt”.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại: “Sự đa dạng và hiệp nhất đã hiện diện rất nhiều trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Nhưng còn hơn thế nữa. Để tiến bước trên hành trình đức tin, chúng ta cũng cần đối thoại đại kết với anh chị em của chúng ta thuộc các hệ phái và cộng đoàn Kitô hữu khác”.

Đức Thánh Cha nói rõ: “Đây không phải là điều gì đó khó hiểu hay đáng lo ngại, nhưng là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho cộng đoàn Kitô hữu để nó có thể phát triển như một Thân thể Duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô”.

Chủ đề chung trong video của Đức Thánh Cha trong tháng này là cây thánh giá, biểu tượng của sự hiệp nhất và đa dạng: một thánh giá xuất hiện trên các cửa, trên núi, trong các nhà thờ, để thể hiện sự phong phú của các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, đây chính là sự đa dạng. Nữ thi sĩ Alda Merini đã viết: “Thập giá không phải là gậy quyền lực của người La Mã, mà là cây gỗ mà Chúa đã viết Tin Mừng trên đó”. Nó không chỉ là đối tượng của lòng sùng mộ, nhưng đó là mầu nhiệm tình yêu mà mọi Kitô hữu đều tựa mình vào, bất chấp những khác biệt hệ phái, truyền thống và nghi lễ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời mời gọi rằng, trong sự đa dạng, “cộng đoàn Kitô hữu có thể phát triển như một thân thể duy nhất, Thân Mình của Chúa Kitô”. Đây là lý do đoạn video kết thúc với hình ảnh một cây Thánh giá khổng lồ được tạo thành bởi hàng ngàn Kitô hữu thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, đáp lại một cách biểu tượng lời mời gọi của Đức Thánh Cha.

Trong tháng 1, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra với chủ đề của năm nay là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi…và yêu người lân cận như chính mình” (Lc 10:27).

Cha Frédéric Fornos S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nhấn mạnh: “Sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ trong Giáo hội Công giáo, là một điều gì đó tích cực. Thiên Chúa yêu thích sự đa dạng, đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đây là cách Người dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn, đến chiều rộng, chiều cao, chiều sâu của tình yêu của Người”.

Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Cho Tháng 1/2024

Năm Mới Theo Ý Nghĩa Thánh Kinh

Một năm đang dần khép lại với nhiều những cung bậc cảm xúc: tự hào có, tiếc nuối có, hạnh phúc có, sầu não có. Bên cạnh việc gấp rút hoàn thành những kế hoạch, hạn mục công viêc đã đề ra, thì đây cũng là lúc mỗi người nên dành thời gian kiểm xét lại đời sống. Trong một năm qua tôi đã làm được gì cho Chúa, cho tha nhân và cho chính mình? Tôi đã tích lũy được những kho tàng nào cho cuộc sống mai hậu bên cạnh những tài sản chốn trần gian? Tôi đã sử dụng những nén bạc Chúa ban cách khôn ngoan và chăm chỉ hay chôn vùi nó trong bất mãn và chây lười?

Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại lời Thánh Vịnh 90 như một tiếng thở dài về thân phận của con người:

“Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!”

“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (c. 4-10).

Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng. Hoặc có chăng chỉ dễ với những người giàu có- quyền lực còn những người nghèo khó thì luôn nhuốm màu thiệt thòi- khổ đau. Dừng lại một vài phút trong dịp cuối năm để nhìn thế giới quanh ta. Một thế giới đang chuyển động và không ngừng tăng tốc. Thế giới ấy, có những lớp người giàu bức phá với nhiều thành tựu nhưng đồng thời cũng chôn vùi những con người vốn dĩ sinh ra đã được xếp vào tầng đáy của xã hội. Ở đâu đó, một gia đình khá giả thanh lịch bước khỏi chiếc xe đời mới sang trọng; ở đâu đó, những cặp nam thanh nữ tú dắt díu nhau vào những nhà hàng đắt đỏ. Nhưng, cũng ở đâu đó, có hàng triệu người chen chúc trong những bệnh viện chật chội và quá tải, họ là những người mà số ngày sống chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, họ là những người mắc bệnh nan y được phát hiện quá trễ hoặc không có đủ kinh phí để chạy chữa sớm; ở đâu đó, nơi những xó xỉnh bẩn thỉu hay hầm cầu hôi hám là những con người không mái nhà, không người thân đang tá túc. Đâu đó, trên những con phố đông vui nhộn nhịp là những cụ già còng lưng bán đi chú chó nhỏ hay mớ rau đã héo úa; là những đứa trẻ nhem nhuốc với tập vé số dầy cộm trên tay hoặc đang chạy theo chèo kéo khách qua đường với những thanh kẹo cao su hay gói thuốc lá… Những con người sang trọng hững hờ với thế giới xung quanh và những tâm hồn côi cút giữa dòng đời!

Ngẫm lại, cuộc đời vốn đã vội vã và ngắn ngủi lại sẽ càng trở nên hạn hẹp hơn nếu chúng ta sử dụng nó một cách phung phí và vô ích. Chúa ban cho mỗi người từng ấy quỹ thời gian, nhưng cách mỗi người sử dụng món quà đó thì thật khác nhau. Có người vùi mình trong những cuộc hưởng thụ không có điểm dừng, có người quăng mình vào cuộc săn tìm quyền lực, tiền bạc nơi trần gian; có người lại dùng nó để tạo ra những giá trị nhân văn của trao ban và phục vụ.

Thời điểm cuối năm thôi thúc chúng ta nhìn nhận lại bản thân sau 365 ngày sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Ngài trao cho chúng ta những nén bạc thời gian và tài năng, có người năm, người được ba và người nhận một. Ngài không áp lực chúng ta phải sinh lời thật nhiều, nhưng Ngài muốn chúng ta đầu tư những nén bạc này để sinh ích cho mọi người một cách khôn ngoan và chân thành. Chúng ta có biết tận dụng nén bạc Chúa trao khi biết trân trọng từng giây phút trong đời sống của chúng ta không? Chúng ta có chăm chỉ và nỗ lực trước những thử thách và kiên trì nhẫn nại trong nghịch cảnh? Chúng ta có sẵng sàng chia sẻ những nén bạc của chúng ta cho những người cần thiếu hay để chúng mục nát trong sự ích kỷ, hẹp hòi?

Lạy Chúa, Chúa đã ban tặng cho chúng con một món quà vô giá là chính Con Một của mình. Chính Ngài đã dạy chúng con trân trọng những tháng ngày mình sống và tạo nên những giá trị bền vững mai hậu thay vì những giá trị chóng qua ở đời này. Xin cho chúng con luôn khao khát trở nên giống Chúa Giêsu ngày càng nhiều hơn, để chúng con đem bình an, niềm vui, sự tử tế và những giá trị sống tích cực cho những người xung quanh mình. Nhờ đó, thế giới chúng con đang sống trở nên đáng sống, và những người sống chung quanh chúng con trở nên chan hòa tình thương như những “người thân cận” Amen.

Nhìn lại một năm

Những ước nguyện đầu năm mới

image-1012

Tháng 1/2024 – Mỗi ngày một lời nguyện

image-4123

https://giaophanvinhlong.net/thang-12024-moi-ngay-mot-loi-nguyen.html