Ơn Gọi: THÔNG BÁO: NHẬN TU SINH VÀO ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG

THÔNG BÁO: NHẬN TU SINH VÀO ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG

Thông báo:

NHẬN TU SINH VÀO ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG

A. GIỚI THIỆU

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương khai sinh ngày 08/09/1936, tại Nho Quan – Ninh Bình và định cư tại Đơn Dương – Lâm Đồng, Giáo phận Đà Lạt từ năm 1957.

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương là một trong mười ba Đan Viện Tự Trị của Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

1. Đặc sủng Dòng Đan sĩ Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương sống đời tận hiến chuyên về chiêm niệm: Ora et Labora – Cầu nguyện và Lao động (x. Tuyên Ngôn, số 3).

2. Đan sĩ Xitô giữa nhân loại: Cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới.* Đón tiếp khách tĩnh tâm.* Chia sẻ với người nghèo

B. TUYỂN SINH

1. Điều kiện tuyển sinh:* Tất cả các bạn nam thanh niên Công Giáo có ước muốn dâng mình cho Chúa.* Yêu thích cầu nguyện và đời sống cộng đoàn.* Sức khỏe tốt, quân bình tâm lý.* Tuổi từ 18 – 40* Tốt nghiệp PTTH, hoặc cao hơn.

2. Thời gian tuyển sinh:* Bạn có thể liên hệ với chúng tôi vào bất cứ thời điểm nào trong năm.* Khi đến tìm hiểu, xin mang theo chứng chỉ Rửa Tội, Thêm Sức.

C. HUẤN LUYỆN

1. Giai đoạn Thỉnh Sinh:Mục đích giúp Thỉnh Sinh tìm hiểu và xác định về sự thích hợp với ơn gọi đan tu, giúp trưởng thành nhân bản và Kitô giáo, giúp chuyển hướng từ nếp sống đời sang nếp sống đan tu (x. Hiến Pháp, số 71).

2. Giai đoạn Tập Tu: Mục đích giúp Tập Sinh hấp thụ những điều thiết yếu của đời đan tu, giúp họ thực tập các huấn điều Phúc Âm theo tôn chỉ Hội Dòng (x. Hiến Pháp, số 73).

3. Giai đoạn Khấn Sơ Khởi: Mãn hạn Tập theo Giáo Luật và Hiến Pháp, Tập Sinh có thể được Khấn Sơ Khởi (Khấn Tạm), trong thời hạn ba năm (x. Hiến Pháp, số 82)

  

4. Giai đoạn Khấn Trọng:Mãn hạn Khấn Sơ Khởi, nếu đủ điều kiện, Khấn Sinh được Khấn Trọng (x. Hiến Pháp, số 89). Các Khấn Sinh tiếp tục được huấn luyện theo chương trình của Giáo Hội và Hội Dòng .

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

1. Đan Viện Xitô Châu Sơn Đơn Dương Thôn Châu Sơn, Xã Lạc Xuân, Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng.
Đt: 02633 849 164       E-mail: vpcsdd@gmail.com       Hoặc: tapvienbenadocs@gmail.com

2. Trụ sở Đan Viện Xitô Châu Sơn Đơn Dương 79B, Trần Bình Trọng, P.1, Q.5, Tp. HCM.
Đt: 02839 235 574

Vui lòng click bên dưới để xem thêm hình ảnh

TUỔI GIÀ CỦA CÁC LINH MỤC

Có thể là hình ảnh về 12 người và bàn
Ai cũng thấy nhưng vì không ai muốn hiểu…
Nếu có dịp, xin mời bạn hãy đến thăm khu Nhà Hưu dưỡng của các Linh mục, phần nào mới hiểu được cuộc sống của các Cha về hưu nơi đây. Bài viết này xin được chia sẻ về cuộc sống của quý Cha cố tại Nhà Hưu dưỡng các Linh mục Huế.
Theo các Cha kể lại, nhà hưu này được xây dựng từ những ngày đầu mới thành lập Giáo phận. Nhà được xây 2 tầng, mỗi tầng có 10 phòng, mỗi phòng 4x6m, được bài trí và thiết kế khá giống nhau.
Hiện giờ, mới chỉ có tầng trệt là được đem vào sử dụng, còn tầng trên thì vẫn “vườn không nhà trống” vì chưa có ai đăng ký đến ở. Hiện có một ít Linh mục đang nghỉ hưu tại đây và đều ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và có thêm một ít người phục vụ. Mỗi phòng của các Cha được ngăn đôi bởi cái ri-đô, bên trong là buồng ngủ, bên ngoài là phòng làm việc và là nơi tiếp khách.
Thời biểu sinh hoạt diễn ra nơi đây ngày nào cũng y chang ngày đó: 4g30 : thức dậy – 5g00 : Dâng Thánh lễ – 6g00 : ăn sáng – 11g00 : ăn trưa – 12g00 : nghỉ trưa – 15g00 : đọc kinh chiều – 18g00 : ăn tối – 19g00 : đọc kinh tối – 21g00 : đi ngủ.
Ngoài những giờ sinh hoạt chung như trên, thời khắc còn lại của các Cha nói theo kiểu Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là “một cõi đi về” trong căn phòng trống trải. Quan sát, không phòng nào của các Cha mà không có cái tivi, có phòng còn có thêm cả đài radio GCM. Có phòng mở tivi nói hát cả ngày. Tôi mới hỏi sao Cha không tắt tivi mà nghỉ một chút. Ngài bảo : để nó hát cho vui tai con ạ, ở đây ngoài Chúa ra biết bạn với ai ngoài cái tivi… ?
Buổi chiều, thỉnh thoảng cũng có một vài Cha “khỏe mạnh” ra vườn cuốc đất trồng hoa, nhưng chốc chốc lại cố đứng lên dùng tay khỏ khỏ vài cái sau lưng, rồi lại phóng mắt nhìn ra xa như đang trông chờ điều gì đó !Dù khó nói, nhưng cũng xin nói ra đây ít điều về cái ăn, cái mặc và gặp gỡ của các Ngài :
CÁI ĂN : Mỗi bữa ăn được quy định 10.000 vnđ.Nhìn vào nhà cơm, chỉ có mấy người ăn mà trên bàn có đến 2 món; người dùng cơm; người dùng cháo… người xắn tay áo; người để áo lòng thòng; có vị cứ ngồi nhìn vậy mà chẳng thấy ăn uống gì… Nhìn mỗi bữa ăn như thế, tôi lại nhớ tới câu thơ đã đọc từ chổ nào đó :
” Buổi trưa các bạn đã ăn gì
Cơm phở bánh mỳ hay quay đi
Dấu tô mỳ gói không ai biết
Đơn giản vậy thôi chất có gì “
CÁI MẶC : Hôm đó tôi tham dự Thánh lễ, đến chỗ “Hãy nâng tâm hồn lên…:” thì thấy mấy người tham dự phía dưới cười khúc khích (tất nhiên là họ không dám cười to) tôi thì không hiểu mô tê răng rứa. Té ra là thế này: vì dây thắt lưng của vị chủ tế không còn ở mức an toàn, nên khi dang tay và lấy hơi để nói “Hãy nâng tâm hồn lên” thì chiếc quần vô tư…. từ từ…. tụt xuống.
GẶP GỠ : Hễ có tiếng xe, dù là xe hơi, xe máy hay có tiếng bước chân là các cửa phòng hầu như đều được mở ra, có lẽ vì các Cha nghĩ là khách của mình nên ai nấy luôn ở trong tinh thần đón tiếp. Nếu là khách của mình thì vui cười nói nói, nếu không phải thì các Ngài lại hỏi nhau : “khách ai đó ?” Rồi trong chốc lát các cửa phòng lại được khép lại. Hay là hễ có giấy mời tới chỗ này chỗ nọ dù xa hay gần thì cũng quyết đi cho bằng được, mặc dù biết rằng mình đến đó cũng chẳng giải quyết được việc chi. Đúng thật :
Tau ở nhà tau, tau nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước ra đi
Không đi mi bảo tau không đến
Tau đến mi hỏi đến mần chi…
Nói ra những điều trên chắc có người nghĩ đã là Linh mục là phải sống cảnh như thế. Tất nhiên Linh mục là phải hy sinh, nhưng dù gì thì Linh mục cũng vẫn là con người như bao nhiêu người khác.
Ta trở về đúng nghĩa trái tim ta
Là máu thịt đời thường ai chẳng có.
Hay như lời Thánh vịnh 71 :
” Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng
Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn….
Tất nhiên, Chúa không bỏ rơi ai bao giờ, nhưng để làm được chuyện đó thì chỗ khác có lời dạy: “Hãy gánh lấy tuổi già của Cha ngươi chớ làm phiền lòng người khi người còn sống”.
Bởi vậy, ước mong của người viết là chúng ta đừng “nhấc” các Cha khi các Ngài về già dù là tinh thần hay vật chất ra khỏi “chốn” mà trước đây các Ngài đã từng sống và phục vụ, có như vậy chúng ta mới làm tròn chữ hiếu đối với các Ngài và nhất là để các Ngài khỏi phải sống trong cảnh:
“Bước độc hành đêm dài cô đơn lắm
Đến một mình rồi cũng một mình đi”!!!
Một phút suy tư :
Người thế gian già thì trông nhờ vào con, cháu / các Linh Mục già thì biết nương tựa vào ai ? May lắm thì có ai đó nghĩ tình chăm sóc, nuôi dưỡng / bà con của các Ngài có khi cũng chẳng còn ai / thật buồn tẻ, cô đơn ! Thế còn những lúc ốm đau, bệnh tật thì sao ? Con chẳng biết tính sao, cũng chẳng biết phải làm gì, con chỉ xin Chúa xót thương, xin mọi người hãy ghé mắt nhìn đến các Ngài, để có chút an ủi, nâng đỡ kịp thời.
Xin chúng ta cùng cầu nguyện nhiều cho các Ngài trong tuổi già sức yếu, bởi lẽ : cuộc đời Linh mục của các Ngài đã là một của lễ hiến dâng cho Thiên Chúa. Các Ngài đã dành trọn cả cuộc đời để dấn thân cất bước theo Chúa, để hi sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho các Ngài. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và giữ gìn các Ngài trong những tháng ngày còn lại. Chắc chắn, khi các Ngài về cùng Chúa, các Ngài cũng sẽ cầu nguyện cho mỗi người chúng ta.

Đức cha Giáo phận Hải Phòng huấn đức tại Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội

Có một điều con sợ nhất kể từ ngày con rời khỏi nhà, bước chân đi tu, đó là sợ nghe điện thoại, hay bất kỳ một tin tức gì đó từ gia đình con. Bất cứ khi nào có ai đó trong gia đình gọi điện cho con, dù là ba hay má, hoặc các chị, thì suy nghĩ đầu tiên trước khi nhấc điện thoại lên là con sẵn sàng đón nhận một tin buồn thay vì một tin vui; sẵn sàng lắng nghe một điều chẳng lành thay vì một điều may mắn. Có chuyện gì đã xảy ra? Ba má có chuyện chẳng lành sao? Hoặc có chị nào bị chồng hành hung đến sưng mặt mày sao? Hay có đứa cháu nào bị tai nạn sao?… Con sợ. Sợ những điều không may xảy ra với những người thân yêu của con.
Đó là lý do con chẳng muốn về nhà. Vì sau mỗi lần con nhìn thấy ba ốm trơ xương đang lom khom sau hè cho gà vịt ăn, mỗi lần nhìn thấy má bước thấp bước cao đẩy xe lăn đi dọn cơm cho con ăn, mỗi lần nhìn thấy các chị con vất vả xanh xao vì cơm áo gạo tiền, thì tim con thắt lại. Lần nào cũng vậy, chạy ra khỏi cổng là cổ họng con nghẹn ứ và mắt con lại nhòe đi.
Ngày con đi tu, có một chị đã nói với con rằng: “Mày đi tu là trốn tránh trách nhiệm gia đình.” Lúc đầu con rất buồn và giận chị. Nhưng rồi thời gian trôi qua, khi trở thành một “ông cha” rồi, con thấy câu nói đó rất chính xác. Con đã chẳng làm được gì cho gia đình. Là con trai duy nhất trong gia đình và cả dòng họ, con đi tu là rứt tâm buông bỏ trách nhiệm vốn có của một thằng cháu “đích tôn”, một trưởng tử có nhiệm vụ cáng đáng trọng trách không chỉ gia đình mà cả dòng tộc.
Thật vậy, vì vô trách nhiệm nên:
Con đã chẳng hiểu ba con đã buồn thế nào khi không có con ở nhà. Với con, ba là một người cha gia trưởng và chẳng bao giờ chịu nghe ai. Con không thể chấp nhận điều đó. Nhưng oái ăm thay, càng lớn con càng nhận ra mình giống ba, giống như khuôn đúc từ hình dáng đến tính cách. Con cũng gia trưởng và bảo thủ. Nhà có hai người đàn ông mà tính cách rất giống nhau thì không thể sống chung với nhau là chuyện hiển nhiên. Thật sự, con đã chẳng bao giờ chia sẻ với ba bất cứ thứ gì về ước mơ và hoài bão của con. Thậm chí thời điểm con trổ mã dậy thì, thời điểm cần một sự hướng dẫn đồng hành từ ba, con cũng không có. Bởi đơn giản ba có quá nhiều con cái, có quá nhiều việc phải làm, đến nổi ba không có thời gian để đồng hành và nói chuyện với con như một người bạn, hoặc ít ra chỉ cho con thấy rằng: con cũng là một thằng đàn ông như ba.
Có thể đó là lý do con đã chẳng bao giờ quan tâm đến ánh mắt đượm buồn và tủi thân của ba khi đối diện với bạn bè, những người có con cái thành đạt, sang giàu. Tuy con trai của ba chẳng giàu sang hay có được sự nghiệp như “con nhà người ta”. Con trai của ba chỉ là một “ông cha” ở nhà thờ. Vậy mà con cũng không bao giờ cho ba được hãnh diện vì điều đó. Bất cứ khi nào có bạn bè của ba là con tránh mặt. Thậm chí con tránh luôn cả ba. Cuối cùng, lâu lâu con mới có dịp về thăm nhà thì y như rằng con kéo theo mấy ông thầy về chung, còn ba con thì gọi mấy ông bạn nhậu. Vậy là con bàn bên này, ba bàn bên kia. Tuy gần nhau, nhưng hai cha con không bao giờ đối thoại. Đâu đó trong số anh em bạn tu của con nói rằng: “Cha Phúc có ông cố thật tuyệt vời!” Và cũng vậy, đâu đó trong mấy ông bạn nhậu của ba, cầm chum rượu, nói lè nhè: “Anh Tư, anh phước đức có được thằng con trai qúa tuyệt vời!” Và rồi cả hai người đàn ông, trong mắt những người ngoài là “tuyệt vời”, đã không bao giờ đối diện nhau để nói được một câu nào đầy đủ.
Thật vậy, vì vô trách nhiệm nên:
Con đã chẳng hiểu được bao đêm má đã khóc nhiều như thế nào. Khóc vì chồng, vì các con và vì con trai của má. Bởi chẳng bao giờ con ở nhà, nên con cũng không hiểu má. Căn bệnh tai biến mạch máo não đã khiến má không thể đi đứng như người thường. Hơn nữa, mỗi khi có những xúc động mạnh, dù là vui hay buồn thì gân cơ má co rút lại. Má nhảy cà tưng không kiểm soát được như người bị động kinh. Mấy anh chị nói rằng má làm bộ để gây chú ý. Không những thế, hậu biến chứng thập tử nhất sinh vì mổ tim làm cho má mất ngủ triền miên. Đầu óc má trở nên nặng nề và u ám. Khuôn mặt má lúc nào cũng đượm buồn. Cả cuộc đời chỉ biết chồng, biết con. Bao nhiêu suy tính cũng cho chồng cho con, giờ già thì lại lo cho cháu. Giờ đây khi phải chứng kiến ba lâm bệnh nặng, nhìn thấy các con cháu không sống theo những gì mình mong mỏi, má rơi vào trầm cảm nặng. Má sẵn sàng la hét, hoặc tức giận với tất cả mọi người. Vậy mà con thật đáng trách. Thằng con trai cưng của má, chưa một lần nói được một câu nào nhẹ nhàng với má. Mới đây thôi chứ đâu có lâu đâu, tuần trước chứ mấy, con gọi điện về, chưa nói được hai câu thì con lại trách móc má. Má vừa nói vừa khóc nghẹn: “Con không hiểu má! Những câu nói của con như dao đâm vào tim má!”
Con không biết tại sao con có thể nói chuyện tâm tình, ngọt ngào, hay an ủi một bà già nào đó ở đâu đâu, nhưng con lại không thể nói: Má ơi, con thương má!
Thật vậy, vì vô trách nhiệm nên:
Con đã không bao giờ đồng cảm với những khổ cực trong đời sống gia đình mà các chị và em gái con đang phải đối diện. Con chỉ trách móc rằng tại sao gần hai chục năm con đi tu mà chẳng ai trong các chị quan tâm hỏi han con. Có bao giờ ai trong các chị hỏi con đi tu thế nào, có thiếu thốn gì không? Hoặc có gặp thuận lợi hay khó khăn gì không? Hoặc đơn giản em có học hành được không? Hay thậm chí bệnh đau đầu của con cả thế giới biết, vậy mà có ai trong các chị mua cho con một vỉ thuốc giảm đau.
Con biết chẳng phải các chị vô tâm, nhưng bởi vì con đã chủ động trốn tránh. Bởi vì con đã không muốn nghe hay muốn gặp bất kỳ ai trong gia đình. Bởi vì con thấy mình thật khác biệt với 10 chị em còn lại.
Bởi vì vô trách nhiệm với gia đình nên những lần về thăm nhà, hoặc những khi gọi điện về, con chỉ thốt lên những lời lên án, hay dạy đời rằng ba có đi lễ không, rằng má thiên vị cho chị nào đó, rằng các anh chị và các cháu không chịu xưng tội, không chịu đọc kinh cầu nguyện, không đến nhà thờ nhà thánh … Và cuối cùng, con tự tách mình ra khỏi gia đình tưởng như “nước sông không xâm phạm nước biển”, tưởng như người trần tục không sống với người thánh hiến, hoặc thậm chí thánh nhân thì không sống chung với tội nhân.
Chính sự xa cách của con, gia trưởng của con, bảo thủ của con đã trở thành bức tường thành phân chia con và mọi thành viên còn lại trong gia đình. Mọi người chỉ cho con biết những thông tin đại loại như ba hôm nay ăn uống được rồi, má cũng khỏe, hoặc có đứa cháu đậu đại học, hoặc mọi người ổn… Còn những thông tin khác, con sẽ không bao giờ được biết.
Con vô trách nhiệm đến nổi con không thể bước ra khỏi bản ngã của mình để cùng hòa nhịp đập con tim với mọi thành viên trong gia đình.
Những ngày này nghe tin ba lâm bệnh nặng. Cũng chẳng biết ba còn sống được bao lâu nữa. Cha bề trên bên này cũng đã chủ động làm giấy tờ thủ tục cho con về thăm nhà, thăm ba, thăm má, thăm các chị. Vậy mà trong con ngổn ngang quá.
Con tự hỏi lòng:
Con có muốn về nhà không khi ba vẫn còn khỏe, còn nói chuyện với con. Để lần đầu tiên “hai người đàn ông tuyệt vời” ngồi với nhau tâm sự về những ước mơ và hoài bảo.
Con có muốn về nhà không để nói những lời ngọt ngào với má, những lời mà chưa bao giờ con nói. Hoặc con về chỉ để ôm má, hít hà cái áo của má như ngày bé con vẫn thường cầm áo má hít hà, rồi ra đứng đầu ngõ đón má gánh gióng bún về.
Con có muốn về không để một lần ôm các chị của con, mỗi chị một cái thôi. Ôm các chị như cách mà con ôm những người giáo dân khốn khổ, ôm thật trọn vẹn bằng tất cả tấm chân tình của một thằng em trai, không phải của một linh mục chỉ biết chỉ trích và lên án.
Con có nên về hay không?
Lòng con ngổn ngang quá Chúa ơi!
———-
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
NHẬT KÝ – NHỮNG NGÀY ĐI HOANG