Những ước nguyện: cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất
Trong Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất, ước gì chúng ta ý thức và cảm nhận được tính duy nhất của Hội Thánh: Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, khuôn mẫu và nguyên lý tối cao của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, Đấng sáng lập Hội Thánh là Chúa Con nhập thể, đã dùng Thánh Giá mà giao hòa con người với Thiên Chúa, tái lập sự hiệp nhất mọi người trong một Dân Thánh và một Thân Thể. Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, linh hồn của Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, Đấng điều khiển toàn thể Hội Thánh, Đấng làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách diệu kỳ và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách nhiệm mầu.
Hội Thánh là duy nhất, nhưng, rất đa dạng, bởi vì, có rất nhiều những ân huệ khác nhau xuất phát từ Thiên Chúa: những đa dạng của các dân tộc và của các nền văn hóa được quy tụ lại: thành sự duy nhất của Dân Thiên Chúa. Những phong phú lớn lao của sự đa dạng này, không nghịch lại tính duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên, tội lỗi và những hậu quả nặng nề của nó không ngừng đe dọa sự duy nhất này. Ước gì chúng ta luôn nhớ lời thánh Phaolô khuyên dạy: Hãy duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau (x. Ep 4,3).
Thật ra, trong Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai, cũng đã xuất hiện một số rạn nứt mà thánh Phaolô đã nặng lời khiển trách. Trong những thế kỷ sau đó, còn phát sinh những xung đột trầm trọng hơn, và có nhiều cộng đoàn đã tách biệt khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, những đoạn tuyệt này đã làm tổn thương sự duy nhất của Thân Thể Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết quý mến và tôn trọng các anh em ly khai, bởi vì, họ cũng đang sống đức tin vào Đức Kitô, nhờ phép Rửa Tội, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, và vì vậy, họ cũng mang danh Kitô hữu như chúng ta.
Ước gì khi cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, chúng ta luôn biết tôn trọng những cộng đoàn giáo hội khác như Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio mà Vaticanô II đã minh định: có nhiều yếu tố của sự thánh hóa và của chân lý, hiện hữu bên ngoài, những giới hạn hữu hình của Hội Thánh Công Giáo: Thần Khí của Đức Kitô dùng những cộng đoàn giáo hội đó, như những phương tiện, xuất phát từ sự sung mãn của ân sủng, và của chân lý, mà Đức Kitô đã giao phó cho Hội Thánh Công Giáo. Tất cả những điều thiện hảo đó, đều xuất phát từ Đức Kitô, và dẫn đến Người, tự chúng là lời kêu gọi: tiến đến “sự hiệp nhất phổ quát”.
Ước gì chúng ta luôn tin tưởng rằng: chính Đức Kitô ngay từ ban đầu, đã rộng ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất. Sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Hội Thánh Công Giáo và chúng ta hy vọng sự hiệp nhất này ngày càng phát triển cho đến ngày tận thế. Đức Kitô vẫn luôn luôn ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất, nhưng, Hội Thánh phải luôn luôn cầu nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hiệp nhất như Đức Kitô mong muốn: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga l7,2l). Do đó, lòng ao ước tái lập lại sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu là hồng ân của Đức Kitô và là lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần.
Để đáp lại lời kêu gọi hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, ước gì Hội Thánh luôn biết canh tân, để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình, và biết dùng việc canh tân như động lực thúc đẩy phong trào hiệp nhất; ước gì Hội Thánh luôn biết hoán cải, để sống phù hợp hơn với Tin Mừng, bởi vì, chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô: là nguyên nhân gây những chia rẽ giữa các chi thể; ước gì Hội Thánh không ngừng khơi dậy tinh thần cầu nguyện chung giữa các Kitô hữu, bởi vì, cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết và là mối dây liên kết các Kitô hữu trong tình hiệp thông huynh đệ; ước gì Hội Thánh biết quan tâm đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu, nhất là, cho các mục tử, cũng như, biết mở ra: đối thoại với các nhà thần học thuộc các cộng đoàn giáo hội khác; ước gì Hội Thánh biết hợp tác với các cộng đoàn giáo hội khác trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, để phục vụ con người ngày nay.
Trong Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất, ước gì toàn thể Hội Thánh: các tín hữu cũng như các mục tử, đều ý thức bổn phận của mình trong việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng: Ý nguyện thánh thiện: muốn hiệp nhất toàn thể các Kitô hữu trong một Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, đó là điều vượt quá sức lực và khả năng của loài người chúng ta. Chính vì thế, chúng ta phải biết: đặt hết hy vọng vào lời Đức Kitô cầu nguyện cho Hội Thánh, vào tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng đốt lên trong lòng chúng ta: ngọn lửa yêu thương và hiệp nhất.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Theo truyền thống, từ ngày 18 đến ngày 25/1, các Giáo hội Kitô ở Bắc bán cầu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu. Ở Nam bán cầu, tháng Một là thời gian nghỉ hè nên các Giáo hội ở đây thường cử hành Tuần lễ cầu nguyện này vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; ngày này cũng là ngày tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.
Một số thời điểm lịch sử của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu được Cha Paul Wattson cử hành lần đầu tiên vào năm 1908 tại Graymoor, New York, khi ngài còn là một giáo sĩ Tin Lành. Năm sau đó, năm 1909, ngài đã cùng với cộng đoàn của ngài gia nhập Công giáo.
Năm 1935 viện phụ Paul Couturier ở Pháp đã cổ võ Tuần lễ quốc tế cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hiệp nhất.
Năm 1958, Trung tâm Đại kết Hiệp nhất Kitô hữu của Lyon, Pháp, bắt đầu chuẩn bị tài liệu cho Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, với sự cộng tác của ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội.
Năm 1964, tại Giêrusalem, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Chính Thống Athenagoras I đã cùng nhau đọc kinh nguyện của Chúa Giêsu “xin cho tất cả họ được nên một” (Ga 17,21). Cùng năm này, Sắc lệnh về đại kết của Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng cầu nguyện là linh hồn của Phong trào đại kết và khuyến khích cử hành Tuần lễ cầu nguyện.
Năm 1966, Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Giáo hội Thế giới và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu (ngày nay là Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu) quyết định cùng nhau chuẩn bị văn bản chính thức của Tuần Cầu nguyện hàng năm.
Năm 1968, lần đầu tiên, Kinh nguyện cho sự hiệp nhất được cử hành dựa trên văn bản được phát triển với sự cộng tác giữa Ủy ban Đức tin và Hiến pháp và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất các Kitô hữu.
Vào năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả những người đã được rửa tội cùng nhau thực hiện hành trình xây dựng một Giáo hội hiệp hành và trong đêm canh thức đại kết ngày 30/9/2023, trước giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, ngài nhận xét: “Sự thinh lặng là điều cốt yếu trong hành trình hiệp nhất của các Kitô hữu. Trên thực tế, nó là nền tảng cho việc cầu nguyện, từ đó công cuộc đại kết bắt đầu và nếu không có cầu nguyện thì đại kết sẽ không có kết quả”.
Chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 có chủ đề trích từ Tin Mừng Thánh Luca 10,27: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa người… và yêu thương anh em như chính mình”. Các tài liệu cử hành Tuần lễ này, do Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Hội đồng Giáo hội Thế giới ban hành, được chuẩn bị bởi một nhóm từ Burkina Faso, cùng với Cộng đồng Chemin Neuf – Con đường Mới.
“Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và yêu thương tha nhân như chính mình”. Những lời này, được Chúa Giêsu nói với một thầy thông luật, và sau đó là dụ ngôn Người Samaria nhân hậu, giải thích ai là người lân cận của mình, là chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Các bản văn chú giải, lời cầu nguyện và hướng dẫn về cách cử hành Tuần lễ này đã được chuẩn bị bởi một nhóm đại kết đến từ Burkina Faso, dưới sự điều phối của cộng đồng Chemin Neuf địa phương. Các thành viên cho biết, sống kinh nghiệm làm việc cùng nhau này là một con đường thực sự của sự hoán cải đại kết, khiến họ nhận ra rằng tình yêu của Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các Kitô hữu và mạnh mẽ hơn sự chia rẽ của họ.
Tình yêu là ‘DNA’ của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa là Tình Yêu và “tình yêu của Chúa Kitô đã quy tụ chúng ta nên một”. Chúng ta tìm thấy căn tính chung của mình trong cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa (x. Ga 3,16) và mặc khải căn tính đó cho thế giới qua cách chúng ta yêu thương nhau (Ga 3,16). Trong đoạn văn được chọn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 (Lc 10,25-37), Chúa Giêsu tái khẳng định lời dạy truyền thống của người Do Thái từ sách Đệ nhị luật (6,5), “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng và hết tâm hồn và với hết sức lực của người”; và Sách Lê-vi 19,18b, “ngươi phải yêu tha nhân như chính mình”. Người luật sĩ trong đoạn Tin Mừng liền hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người lân cận của tôi?” Câu hỏi về nghĩa vụ yêu thương trong Kinh Thánh nên đạt đến mức nào là một vấn đề gây tranh cãi giữa các tiến sĩ luật. Theo truyền thống, nghĩa vụ này được cho là áp dụng đối với những người đồng hương Israel và người nước ngoài thường trú. Sau này, do ảnh hưởng của các cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang, điều răn này được hiểu là không áp dụng đối với người nước ngoài thuộc lực lượng chiếm đóng. Theo thời gian, Do Thái giáo bị phân mảnh nên đôi khi người ta hiểu rằng nó chỉ áp dụng cho phe phái cụ thể của một người. Do đó, câu hỏi mà thầy thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu là một câu hỏi mang tính thách thức. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi bằng một dụ ngôn minh họa tình yêu vượt xa những giới hạn mà người này mong đợi.
Nhiều tác giả Kitô giáo đầu tiên như Origen, Clement ở Alexandria, Gioan Kim Khẩu và Augustino đã nhìn thấy quỹ đạo của kế hoạch cứu rỗi thế giới của Thiên Chúa trong dụ ngôn này. Họ xem người đi từ Giêrusalem xuống là hình ảnh của Adam – tức là toàn thể nhân loại – từ thiên đường xuống thế gian này, với tất cả những nguy hiểm và đổ vỡ, và bọn cướp là hình ảnh của các thế lực thù địch trần thế đang tấn công chúng ta. Họ nhìn thấy chính Chúa Kitô là Đấng đã động lòng trắc ẩn, đã đến trợ giúp người đàn ông sắp chết, chữa trị các vết thương cho ông và đưa ông đến một quán trọ an toàn, nơi họ coi đó là hình ảnh của Giáo hội. Lời hứa trở lại của người Samari được coi là báo trước lời hứa tái lâm của Chúa.
Tình yêu dành cho tha nhân thôi thúc chúng ta giúp đỡ người khác
Các Kitô hữu được mời gọi hành động như Chúa Kitô trong việc yêu thương như người Samaria nhân hậu, bày tỏ lòng thương xót và cảm thông đối với những người đang cần giúp đỡ, bất kể căn tính tôn giáo, sắc tộc hay xã hội của họ. Không phải những căn tính chung sẽ thôi thúc chúng ta đến giúp đỡ người khác, mà là tình yêu dành cho ‘người lân cận’ của chúng ta. Tuy nhiên, tầm nhìn về tình yêu thương người lân cận mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta đang bị thử thách trên thế giới.
Chiến tranh ở nhiều khu vực, sự mất cân bằng trong quan hệ quốc tế và sự bất bình đẳng được tạo ra bởi những điều chỉnh về cơ cấu do các cường quốc phương Tây hoặc các tác nhân bên ngoài khác áp đặt, tất cả đều ngăn cản khả năng yêu thương như Chúa Kitô của chúng ta. Chính nhờ học cách yêu thương nhau bất kể sự khác biệt của chúng ta mà các Kitô hữu có thể trở thành những người lân cận như người Samaria trong Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người theo Người được nên một (x. Ga 17,21), và do đó các Kitô hữu không thể mất hy vọng hay ngừng cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất. Họ được hiệp nhất bởi tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô và bởi kinh nghiệm nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Họ nhận ra trải nghiệm đức tin này ở nơi nhau khi họ cùng nhau cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ Chúa.
Thực trạng ở Burkina Faso
Tuy nhiên, sự chung sống xã hội không hề dễ dàng ở Burkina Faso, một quốc gia Tây Phi có 21 triệu người thuộc khoảng 60 nhóm dân tộc và nơi có khoảng 64% dân số theo đạo Hồi, 9% theo các tôn giáo truyền thống châu Phi và 26% theo Kitô giáo (20% Công giáo, 6% Tin lành). Sau cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến vào năm 2016, điều kiện an ninh và gắn kết xã hội ở nước này đã xấu đi rất nhiều. Sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố, tình trạng vô luật pháp và nạn buôn người đã khiến ba ngàn người thiệt mạng và gần hai triệu người phải di dời trong nước; hàng ngàn trường học và trung tâm y tế đã bị đóng cửa và phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội bị phá hủy. Đặc biệt, các Giáo hội Kitô đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công vũ trang: các linh mục, mục sư và giáo lý viên đã bị giết, những người khác bị bắt cóc. Do khủng bố, hầu hết các nơi thờ phượng của Kitô giáo ở phía bắc, phía đông và tây bắc đất nước đã bị đóng cửa. Các cử hành vẫn còn có thể diễn ra chỉ ở các thành phố lớn và dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Tình liên đới giữa các tôn giáo
Trong bối cảnh này, bất chấp mọi thứ, một tình liên đới nhất định đang gia tăng giữa các tôn giáo và các nhà lãnh đạo của họ đang nỗ lực hướng tới sự hòa giải và gắn kết xã hội. Một ví dụ là Ủy ban đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Burkina Faso-Niger, đang thực hiện một nỗ lực đáng chú ý nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Tình yêu thương tha nhân vượt trên mọi hệ phái đã được Chúa Giêsu truyền dạy đang bị thử thách nhưng chứng tá của các Kitô hữu dường như còn cần thiết hơn ở đất nước đó. Nơi các Kitô hữu ở Burkina Faso, theo văn bản giới thiệu Tuần lễ, có một mong muốn sống động và nhận thức về nhu cầu tái khám phá sự hiệp nhất của họ trong Chúa Kitô và các cộng đồng ý thức được rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không chỉ làm tổn thương Giáo hội, mà còn cả Chúa Kitô, và vì lý do này, họ đã xây dựng những nhịp cầu bằng cách dấn thân “một cách không thể thay đổi được để đi theo con đường tìm kiếm đại kết, nhờ đó lắng nghe Thần Khí của Chúa”.
Tài liệu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Sau quá trình soạn thảo ban đầu, một nhóm quốc tế được cùng bổ nhiệm bởi Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng các Giáo hội Thế giới đã gặp nhau tại Roma vào tháng 9/2022 để xem xét và soạn thảo cùng với nhóm biên tập địa phương, bản thảo cuối cùng của các văn bản cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, hiện đã được xuất bản và có sẵn cho các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các bản văn đó đề xuất tám mẫu cử hành Lời Chúa, được thiết kế để khuyến khích việc cầu nguyện chung cùng với anh chị em thuộc các hệ phái đức tin khác nhau hiện diện ở các vùng lãnh thổ khác nhau.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả các môn đệ của Người nên một, nhưng con đường không hề dễ dàng. Tài liệu được chuẩn bị cho việc cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất nói rằng “sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các Giáo hội và sự nghi ngờ lẫn nhau làm suy yếu cam kết thực hiện con đường đại kết. Một số người có thể lo sợ rằng đại kết sẽ dẫn đến việc đánh mất bản sắc hệ phái của họ và cản trở sự ‘phát triển’ của Giáo hội của họ”. Để đi trên con đường đại kết cần có sự tin tưởng và hy vọng. Các bản văn nói thêm rằng điều cần thiết là “các Giáo hội phải ngày càng đưa các sáng kiến đại kết vào kế hoạch mục vụ của mình và thúc đẩy việc đào tạo đại kết giữa các nhân viên mục vụ và tất cả các tín hữu. Một cuộc hoán cải đích thực về thiêng liêng, mục vụ và Giáo hội mà không cần chiêu dụ tín đồ là điều cần thiết cho cuộc đối thoại đại kết thực sự. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu là một ân sủng để cầu xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện”.