Kinh Lạy Nữ Vương TĐ 23/4 & ĐTC xin cầu nguyện cho chuyến tông du của ngài đến Hungary

Kinh Lạy Nữ Vương TĐ 23/4: Cùng Chúa đọc lại câu chuyện đời mình

https://tonggiaophanhue.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-hoan-vu/kinh-lay-nu-vuong-td-23-4-cung-chua-doc-lai-cau-chuyen-doi-minh/

Trưa Chúa Nhật 23/4, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC Phanxicô khuyến khích các tín hữu làm phút hồi tâm mỗi ngày để tạ ơn Chúa và để cho lòng mình mở ra với Người.

Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trước khi đọc kinh.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa Nhật III Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24:13-35). Đây là hai môn đệ, đau khổ vì cái chết của Thầy, vào ngày Phục sinh đã quyết định rời Giêrusalem để về nhà. Có lẽ họ có chút xao xuyến, bởi vì họ đã nghe các phụ nữ từ mộ trở về và kể về ngôi mộ trống… nhưng họ vẫn ra đi. Và khi họ buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giê-su đã cùng đi với họ, nhưng họ không nhận ra Người. Người hỏi họ tại sao lại buồn như vậy, và họ trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (câu 18). Và Chúa Giêsu hỏi lại: “Chuyện gì vậy?” (câu 19). Họ đã kể cho Người tất cả câu chuyện. Chúa Giê-su đã làm cho họ kể về câu chuyện. Sau đó, khi cùng họ bước đi, Người giúp họ đọc lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các ngôn sứ, của Lời Chúa, của tất cả những lời loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu đã làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta dừng lại ở điểm này.

Thật vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là đọc lại câu chuyện của chúng ta cùng với Chúa Giêsu: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nhất định, về những ngày của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, trước những gì xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể thấy mình lạc lõng trước các biến cố, cô đơn và bấp bênh, với nhiều thắc mắc và lo lắng. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nói với Chúa Giêsu mọi sự một cách chân thành, không sợ làm phiền Người, không sợ nói những điều sai, không xấu hổ về những uẩn khúc khó hiểu của chúng ta. Chúa vui khi chúng ta mở lòng mình ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho trái tim của chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Rồi chúng ta, cũng như các môn đệ Emmau, được mời gọi nài nỉ Người, để khi chiều đến, Người ở lại với chúng ta (x. c. 29).

Có một cách hay để làm điều này, và hôm nay tôi muốn đề xuất với anh chị em: đó là dành một chút thời gian, vào mỗi buổi tối, để làm phút hồi tâm ngắn. Điều gì xảy ra trong tôi? Đây là câu hỏi. Là đọc lại ngày sống của mình với Chúa Giêsu, đọc lại ngày sống của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến với Người những con người, những chọn lựa, sợ hãi, sa ngã và hy vọng, tất cả những điều xảy ra; để dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Người chứ không chỉ của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau đó. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những gì có vẻ mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó khăn không ôm nỗi, sự lựa chọn tha thứ khi đối diện với sự xúc phạm, một cuộc trả thù còn đó, sự mệt mỏi trong công việc, sự chân thành phải trả giá đắt, những thử thách của đời sống gia đình sẽ có thể mở ra trước mắt chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách làm cho mỗi lần vấp ngã lại tiến lên một bước. Nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là phải loại bỏ sự phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Người bất cứ điều gì, mang những đau khổ đến với Người, để cho mình bị tổn thương bởi sự thật của Người, để cho trái tim rung động trước hơi thở Lời Người.

Chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay, dành một chút cầu nguyện vào buổi tối, nơi đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Đâu là những viên ngọc, có lẽ được giấu kín, để tạ ơn? Đâu là một chút yêu thương tôi đã làm? Và đâu là những vấp ngã, buồn phiền, nghi ngờ và sợ hãi mà tôi cần mang đến với Chúa Giêsu để Người mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi dậy và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta và đọc lại mỗi ngày sống của chúng ta trước mặt Người.

Nguồn: Đài Vatican News

ĐTC xin cầu nguyện cho chuyến tông du của ngài đến Hungary

Trong lời chào các tín hữu sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du sắp tới của ngài đến Hungary, từ 28-30/04/2023.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nhắc rằng thứ Sáu tới ngài sẽ lên đường thăm Budapest, Hungary, trong 3 ngày để hoàn thiện chuyến thăm mà ngài đã thực hiện vào năm 2021 tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Đức Thánh Cha nói rằng: “Đây sẽ là cơ hội để ôm lại một Giáo hội và một dân tộc rất thân thương. Đây cũng sẽ là một hành trình đến trung tâm châu Âu, nơi những cơn gió lạnh của chiến tranh vẫn tiếp tục thổi, trong khi các cuộc di cư của rất nhiều người đặt ra các vấn đề nhân đạo cấp bách đối với chương trình nghị sự.”

Hướng đến người dân Hungary, ngài nói: “Tôi mong được đến thăm anh chị em như một người hành hương, người bạn và người anh em của tất cả mọi người, và để gặp gỡ các Nhà Chức Trách, các Giám mục, linh mục và tu sĩ, những người trẻ, sinh viên đại học và người nghèo. Tôi biết rằng anh chị em đang rất nỗ lực để chuẩn bị cho chuyến tông du của tôi: Về điều này, tôi cảm ơn anh chị em từ tận đáy lòng.” Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin mọi người cùng hãy đồng hành với ngài trong chuyến tông du này bằng lời cầu nguyện.

Văn Yên, SJ – Vatican News

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI TOÀN THỂ CỦA
BỘ GIÁO DÂN, GIA ĐÌNH VÀ SỰ SỐNG

WHĐ (23.4.2023) – Trong những ngày qua, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, dưới sự điều hành của Đức Hồng y Bộ trưởng Kevin Farrell, đã tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ II với chủ đề: “Giáo dân và tính thừa tác trong Giáo hội Hiệp hành”.

Nhân dịp này, hôm thứ Bảy, ngày 22.4.2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành cho các tham dự viên Đại hội buổi tiếp kiến riêng.

Dưới đây là toàn văn bài Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Tôi chào mừng tất cả anh chị em đang tham dự Đại hội toàn thể lần thứ II của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Farrell đã dành cho tôi những lời thật tốt đẹp.

Tôi xin cảm ơn anh chị em vì công việc đã thực hiện trong những năm qua và vì sự cam kết mà anh chị em hoạt động trong mọi lĩnh vực thuộc khả năng của mình. Những lĩnh vực này liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người: gia đình, người trẻ, người già, các hiệp hội tín hữu và, tổng quát hơn, giáo dân, vốn là những người sống trong thế giới với những niềm vui và khó khăn của họ. Tôi có thể nói rằng anh chị em là một Thánh Bộ “ tính đại chúng”, và điều này thật tuyệt vời! Xin anh chị em hãy nhớ: đừng bao giờ đánh mất đặc tính gần gũi này với con người trong thời đại chúng ta. Tôi xin nhấn mạnh: Sự gần gũi!

Trong những ngày này, anh chị em đã quy tụ để cùng nhau suy tư về chủ đề: Giáo dân và tính thừa tác trong Giáo hội Hiệp hành.

Nói chung, khi nói đến các Thừa tác vụ, chúng ta nghĩ ngay đến các thừa tác vụ “được thiết lập”: đọc sách, giúp lễ, giáo lý viên – những thừa tác vụ này được nhiều người biết đến và đã được suy tư rất nhiều. Những thừa tác vụ này được đặc trưng bởi sự can thiệp công khai của Giáo hội – một hành động cụ thể của thể chế – và một tính minh bạch nhất định. Những thừa tác vụ này được kết nối với thừa tác vụ chức thánh, bởi vì chúng liên quan đến nhiều hình thức tham gia khác nhau vào nhiệm vụ thích hợp ngay cả khi không đòi phải qua bí tích Truyền chức.

Tuy nhiên, các thừa tác vụ được thiết lập không đại diện cho phạm vi trọn vẹn của tính thừa tác của Giáo hội, vốn phổ biến hơn và, ngay từ khi có các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, đã có sự tham gia của tất cả các tín hữu (x. Tông thư Antiquum ministerium, 2). Thật không may, người ta đề cập rất ít về thừa tác vụ phổ biến này, nhưng anh chị em đã dành riêng một Đại hội toàn thể để suy tư về nó một cách đúng mực.

Trước hết, chúng ta có thể tự vấn: Đâu là nguồn gốc của tính thừa tác trong Giáo hội Hiệp hành

Chúng ta có thể xác định hai câu trả lời cơ bản.

Câu trả lời thứ nhất là: Phép rửa. Thật vậy, chức tư tế chung của tất cả các tín hữu bắt nguồn từ Phép rửa, và vì thế, chức tư tế này được thể hiện trong các thừa tác vụ. Thừa tác vụ giáo dân không dựa trên bí tích Truyền chức, nhưng trên Bí tích Rửa tội, vì thực tế là tất cả những người đã lãnh phép Rửa– giáo dân, người độc thân, các cặp vợ chồng, linh mục, tu sĩ – đều là Christofideles, những người tin vào Đức Kitô, những môn đệ của Người, và do đó, phải tham gia vào sứ mạng mà Người đã uỷ thác cho Giáo hội, cũng thông qua việc đảm nhận các thừa tác vụ đã được xác định.

Câu trả lời thứ hai là: các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tính thừa tác của tín hữu, và của giáo dân nói riêng, bắt nguồn từ đặc sủng mà Chúa Thánh Thần phân phát trong Dân Chúa để xây dựng Giáo hội (x. ibid.): trước hết xuất hiện một đặc sủng do Thần Khí linh hứng; sau đó, Giáo hội nhìn nhận đặc sủng này như là một hoạt động hữu ích cho cộng đoàn; cuối cùng, tầm quan trong thứ ba, một thừa tác vụ cụ thể được giới thiệu và truyền bá.

Và sau đó, càng rõ ràng hơn tại sao tính thừa tác của Giáo hội không thể chỉ bị giới hạn trong các thừa tác vụ được thiết lập, mà còn bao hàm một lĩnh vực rộng lớn hơn nhiều. Ngoài ra, ngày nay cũng vậy, giống như trong các cộng đồng tiên khởi, trước những nhu cầu mục vụ đặc biệt, không cần viện đến việc thiết lập các thừa tác vụ, các mục tử có thể ủy thác cho giáo dân một số chức năng bổ sung, nghĩa là các hoạt động tạm thời, như trong trường hợp công bố Lời Chúa hoặc phân phát Thánh Thể.

Hơn nữa, bên cạnh các thừa tác vụ được thiết lập, các hoạt động bổ sung, và các chức năng được ủy thác định kỳ khác, giáo dân có thể thi hành nhiều phận sự, thể hiện sự tham gia của họ vào chức năng ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô: không chỉ trong Giáo hội, mà còn trong các môi trường mà họ được hội nhập. Có một số là thừa tác vụ bổ sung, nhưng có những thừa tác vụ khác bắt nguồn từ Phép Rửa của giáo dân.

Trước hết, tôi nghĩ đến những nhu cầu liên quan đến các hình thức nghèo nàn cũ và mới, cũng như những người di cư, là những người cần những hành động chào đón và liên đới một cách cấp bách. Trong những lĩnh vực bác ái này, nhiều hoạt động có thể phát sinh dưới hình thức của các thừa tác vụ đích thực. Đây là một không gian rộng lớn của sự cam kết đối với những ai muốn sống một cách thiết thực, trong tương quan với người khác, sự gần gũi của Chúa Giêsu mà họ thường trải nghiệm trực tiếp. Do đó, thừa tác vụ không chỉ trở thành một cam kết xã hội đơn thuần, mà còn là một điều gì đó đẹp đẽ và mang tính cá vị, một chứng tá Kitô đích thực.

Tiếp đến, tôi nghĩ đến gia đình, mà tôi biết anh chị em đã cùng nhau suy tư trong Đại hội toàn thể này, xem xét một số thách đố trong việc chăm sóc mục vụ gia đình, bao gồm những tình huống khủng hoảng hôn nhân, vấn đề của những người ly thân và ly dị, cũng như những người sống trong một cuộc hôn nhân mới hoặc đã tái hôn. Tông huấn Christofideles laici khẳng định rằng có những thừa tác vụ có nền tảng bí tích trong Hôn nhân chứ không chỉ trong phép Rửa và Thêm sức (số 23). Trong Tông huấn Familiaris consortio, sứ mạng giáo dục của gia đình được nói đến như một thừa tác vụ của việc loan báo Tin Mừng, làm cho gia đình trở thành nơi khai tâm Kitô giáo đích thực (x. số 39). Và trong Tông huấn Evangelii nuntiandi, người ta đã nhắc lại rằng bản chất thừa sai nội tại của ơn gọi hôn nhân cũng được thể hiện bên ngoài chính gia đình, khi gia đình trở thành “người loan báo Tin Mừng cho nhiều gia đình khác và cho khu vực lân cận mà họ đang sống” (x. số 71). Tôi sẽ tạm dừng một phút ở đây để suy tư thêm về Tông huấn Evangelii nuntiandi. Cho đến nay, Tông huấn này của Thánh Phaolô VI vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xin hãy cầm lên, đọc lại, Tông huấn rất hợp thời. Có rất nhiều điều, đến nỗi khi tìm lại được, người ta phải thốt lên “Ôi, Đức Montini nhìn xa trông rộng biết bao!” Anh chị em có thể thấy nơi Tông huấn này tầm nhìn xa trông rộng của vị thánh vĩ đại, người đã dẫn dắt Giáo hội.

Tôi đã trích dẫn một số ví dụ về thừa tác vụ giáo dân, mà có thể thêm vào đó nhiều ví dụ khác, được các thẩm quyền giáo hội thừa nhận theo nhiều cách khác nhau như là những biểu hiện của tính thừa tác của Giáo hội theo nghĩa rộng.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ một điều: các thừa tác vụ, các hoạt động phục vụ, các chức vụ này, không bao giờ được trở thành sự tự quy chiếu. Tôi tức giận khi thấy những thừa tác viên giáo dân – xin lỗi vì cách diễn tả –  “dương dương tự đắc” về thừa tác vụ này. Họ là thừa tác viên, nhưng không phải là Kitô hữu. Họ là những thừa tác viên ngoại giáo, chỉ biết bản thân mình, phải không nào? Hãy thận trọng với điều này: Họ không bao giờ được trở nên tự quy chiếu. Phục vụ thì một chiều, không phải “có đi – có về”, phục vụ không bao giờ là vậy. Mục đích của các thừa tác vụ, các việc phục vụ thì vượt lên trên chính nó, đó là mang “các giá trị Kitô giáo vào các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 102). Đây là sứ mạng được uỷ thác trước hết cho giáo dân, những người mà hành động của họ không thể bị giới hạn “vào các công việc trong nội bộ Giáo hội, mà không có một sự dấn thân thực sự để đem Tin Mừng làm biến đổi xã hội” (ibid.). Đôi khi anh chị em nhìn thấy giáo dân và họ dường như được mặc định là linh mục. Xin vui lòng: dọn sạch vấn đề này!

Sau đó, khi lưu ý đến các loại thừa tác khác nhau mà chúng ta đã liệt kê, sẽ rất hữu ích nếu đặt câu hỏi cuối cùng: những thừa tác có đặc điểm gì chung?

Có ai điểm: Sứ mạng  Phục vụ. Thật vậy, tất cả các thừa tác vụ là sự thể hiện của sứ mạng duy nhất của Giáo hội, và tất cả đều là những hình thức của sự phục vụ người khác. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng gốc của thuật ngữ ministry (thừa tác vụ) có từ “minus“, có nghĩa là ” “minor (nhỏ hơn). Và Chúa Giêsu đã nói như vậy: Ai là người chỉ huy thì hãy làm cho mình trở nên nhỏ bé nhất, nếu không thì họ không biết chỉ huy như thế nào. Đây là một chi tiết nhỏ, nhưng có tầm quan trọng rất lớn. Những người theo Chúa Giêsu không ngại để làm cho mình trở nên “thấp kém”, “nhỏ bé”, để phục vụ người khác. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). Đây là động lực thực sự phải truyền cảm hứng cho mọi tín hữu khi đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào của Giáo hội, bất kỳ cam kết nào của chứng tá Kitô trong thực tại mà họ đang sống: sẵn sàng phục vụ anh chị em mình, và qua họ, phục vụ Đức Kitô. Chỉ bằng cách này, tất cả những ai đã lãnh phép Rửa mới có thể khám phá ra ý nghĩa cuộc đời của chính mình, hân hoan trải nghiệm rằng mình là “một sứ mạng trên trái đất này” (ibid., 273), nghĩa là, được mời gọi, theo những cách thức và hình thức khác nhau, để “mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát” (ibid.), và để chính mình được đồng hành.

Anh chị em thân mến, một lần nữa xin cảm ơn anh chị em vì công việc anh chị em thực hiện để phục vụ Dân thánh trung thành của Thiên Chúa. Xin Đức Mẹ đồng hành với anh chị em và cầu bầu cho anh chị em có được những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va/content (22. 4. 2023)