MỪNG BÁCH CHU NIÊN (1923-2023) THÀNH LẬP NHÀ HƯU DƯỠNG DÒNG PHAOLÔ
TGPSG — “Một trăm năm qua là một trăm năm ân huệ và tình yêu của Chúa dành cho Tỉnh Dòng, cho từng lớp thế hệ nữ tu Phaolô…”
Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Bùi Công Trác đã nói như thế khi ngài khởi sự Thánh lễ tạ ơn mừng 100 năm Thành lập Nhà hưu dưỡng Dòng Phaolô – được ngài chủ tế vào lúc 9g30 ngày 1-5-2023 tại Nhà nguyện của Tỉnh Dòng Phaolô Sài Gòn.
Đồng tế với ngài có các linh mục (Lm) Phanxicô Xavie Bảo Lộc – Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP SG, các linh mục thân nhân và ân nhân của cộng đoàn Hưu Dưỡng.
Nhìn về quá khứ
Thánh lễ này là dịp để nhìn lại quá khứ mà tạ ơn Hồng ân Bách Chu niên Nhà Hưu dưỡng, nằm trong lịch sử hiện diện lâu dài của Hội dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam.
Vào năm 1860, với 2 nữ tu được sai đến từ Hồng Kông, Hội dòng Thánh Phaolô đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam theo lời mời gọi của ĐGM Dominique Lefèbvre – Giám mục Giáo phận Tông tòa Tây Đàng Trong.
Năm 1861, Nữ tu Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên chính của Dòng tại miền Viễn Đông (1861-1884), đặt trụ sở tại Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nữ tu Benjamin đã liên tiếp thành lập 15 cơ sở xã hội và y tế ngay tại những nơi đang diễn ra chiến sự, để chăm sóc cho người bị thương và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, trong đó có cả một trung tâm phục hồi nhân phẩm cho các thiếu nữ lỡ lầm. Đặc biệt, bà đã cho xây dựng ngôi nguyện đường Tu viện Dòng thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn.
Các nữ tu trẻ dâng mình cho Chúa từ thuở ban đầu trong ơn gọi Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, sau 63 năm loan báo Tin mừng và phục vụ tha nhân, đã trở thành những nữ tu cao niên, đau yếu, cần có một nơi nghỉ ngơi để sống trọn cuộc đời thánh hiến.
Trước nhu cầu cấp bách này, Mẹ Thérèse Verdier, trong cương vị Bề Trên Giám Tỉnh khi ấy, đã khởi công xây dựng Nhà Hưu Dưỡng vào năm 1923, đặt trong khuôn viên Nhà Giám tỉnh, phía sau nguyện đường chính và có lối đi liên thông đến nhà nguyện để tiện cho các nữ tu đau yếu có thể đến nhà nguyện dễ dàng. Nhiều thế hệ nữ tu cao niên đã an tâm sống tuổi già nơi Nhà Hưu Dưỡng này. Từ đó cho đến nay, một thế kỷ qua đi, đã có 524 nữ tu được gọi về với Chúa từ ngôi nhà ấy.
Thánh lễ Tạ ơn
Thánh lễ tạ ơn hồng ân Bách Chu Niên Nhà Hưu Dưỡng đã khởi sự cử hành với đoàn rước đồng tế.
Đi đầu đoàn rước là Thánh giá nến cao, tiếp đến là hình ảnh của 4 nữ tu tiên khởi, tiếp theo là các nữ tu cao niên ngồi xe lăn được các nữ tu trẻ đẩy vào nguyện đường, cùng với nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơm – Bề trên Giám tỉnh, Nữ tu Maria de Saint Jean – cựu Bề trên Giám tỉnh, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Phụ trách cộng đoàn Hưu Dưỡng, các linh mục đồng tế và Đức giám mục chủ tế; tất cả đã nghiêm trang tiến vào nguyện đường trong lời hát thánh thiêng của ca đoàn các nữ tu học viện liên tỉnh dòng Phaolô Việt Nam.
Sau lời chào của Đức Giám mục chủ tế là Lời tạ ơn Chúa và cảm ơn các ân nhân, thân thân đã giúp cộng đoàn nhà Hưu Dưỡng; cảm ơn các linh mục tuyên úy đã thăm hỏi, cử hành phụng vụ, ban bí tích cần thiết; cảm ơn các y, bác sĩ, điều dưỡng đã điều trị, chăm sóc; cảm ơn các tu sĩ Dòng Camillô đã đến hỗ trợ trong đại dịch Covid…
Tiếp đến là Nghi thức dâng hương kính nhớ các bậc tiền nhân.
Trong phần giảng lễ, ĐGM Giuse cho thấy chính Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho Hội Dòng, từ một cộng đoàn với cơ sở nhỏ bé, nay trở thành một cộng đoàn lớn với một quần thể kiến trúc rất đẹp tại Sài Gòn. Tất cả là nhờ sự âm thầm phục vụ của biết bao thế hệ nữ tu.
Đặc biệt, ĐGM nói về niềm tạ ơn của các nữ tu hưu dưỡng: “Khi đi gần hết đời người, ‘quý ngoại’ tạ ơn Chúa bằng đời sống yêu thương, âm thầm chờ đợi Chúa trong lời cầu nguyện. Hội dòng được Chúa ban ân phúc nhờ công phúc và lời nguyện cầu của ‘quý ngoại’ dâng lên Thiên Chúa, cầu cho các nữ tu, cho thế giới, cho tất cả mọi người”.
Kết thúc bài chia sẻ, ĐGM Giuse xin ‘các ngoại’ tiếp tục cầu nguyện cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và tất cả mọi người: “Chúc ‘quý ngoại’ sống đời yêu thương, cậy tin, giúp người người nên thánh.”
Cuối Thánh lễ, nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơm đã đại diện Tỉnh dòng gửi lời tri ân đến mọi người.
Đáp từ, ĐGM Giuse đã đọc các câu thơ thật dí dỏm do ngài sáng tác để thay mặt ‘các ngoại’ cảm ơn các cha, các nữ tu theo từng thế hệ và cuối cùng là lời chúc của Đức cha dành cho công đoàn nhà Hưu dưỡng.
Sau phép lành trọng thể từ ĐGM Giuse, Thánh lễ khép lại lúc 10g45 khi đoàn đồng tế chụp hình lưu niệm với ‘quý ngoại’ và các nữ tu.
Lịch sử Hội Dòng
Trong dịp đặc biệt này, nhiều người cũng muốn biết lịch sử của toàn thể Hội dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, trong đó có sự phát triển của Hội dòng tại Việt Nam.
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres được thành lập năm1696 do cha Louis Chauvet – cha sở của giáo xứ Levesville la Chenard, một họ đạo nhỏ vùng Beauce nước Pháp, cách Chartres 40km.
Cùng cộng tác với cha Louis để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của dân làng ở đây có cô Marie Anne de Tilly.
Trước hết, cha Louis Chauvet đã mở trường để mọi trẻ em trong họ đạo được đi học. Nhóm tiên khởi giúp cho việc giáo dục gồm cô Marie Michaux và cô Barbe Foucault. Khi tập họp và dạy các trẻ em học giáo lý, học chữ và học đan sợi, cùng với đời sống cầu nguyện, nhóm các cô này đã trở thành cộng đoàn tiên khởi của một Hội dòng mới.
Năm 1708, Đức cha Paul Godet des Marais đã công nhận Hội dòng và chuyển cộng đoàn tiên khởi này về Chartres, lấy thánh hiệu của ngài để đặt tên cho Hội dòng mới ấy. Dòng đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong giáo phận Chartres.
Năm 1727, Hội dòng được mời gọi đi truyền giáo ở Cayenne. Qua cuộc ra đi đầu tiên đến Nam Mỹ này, dòng nhận thêm ơn gọi thừa sai, và cho đến bây giờ, Dòng vẫn trung thành hiện diện tại đó.
Năm 1848, Dòng đến Hồng Kông. Năm 1860, theo yêu cầu của Đức cha Dominique Lefèbvre, hai nữ tu dòng Thánh Phaolô đặt chân lên đất Việt Nam với nhiệm vụ săn sóc trẻ em mồ côi tại Viện Thánh Nhi ở Sài Gòn.
Năm 1861, Mẹ Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên chính miền Viễn Đông. Ngay trong năm 1861, Dòng đến phục vụ tại bệnh viện Biên Hoà và Mỹ Tho. Năm 1862, Dòng tới Bà Rịa.
Năm 1866, Mẹ Benjamin mở Tập viện tại Sài Gòn để huấn luyện các nữ tu Á Đông. Dòng đến miền Bắc năm 1883 và miền Trung năm 1889.
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 1000 nữ tu phục vụ trong 4 tỉnh dòng: Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Nẵng và Hà Nội, chuyên lo loan báo Tin Mừng của Chúa qua việc giáo dục, chăm sóc bệnh nhân và những công việc xã hội, vì hạnh phúc tha nhân, để thực hiện lời Chúa Giêsu: “Những gì các con đã làm cho một trong những anh em hèn mọn nhất của Thầy, là các con làm cho chính Thầy” (Mt 25,40).
Trong tinh thần phục vụ ấy, Hội dòng đã xác định mục đích, hoạt động chính yếu và điều kiện tuyển chọn ơn gọi như sau:
Mục đích: Trở thành Nữ tu tông đồ với sứ mạng bác ái, sống trong tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, dũng cảm và được nuôi dưỡng bằng linh đạo quy về Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt Qua.
Hoạt động:
– Giáo dục trẻ em;
– Chăm sóc bệnh nhân;
– Giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt những người bị lãng quên hơn hết với tấm lòng ưu ái.
Điều kiện tuyển chọn Ơn gọi:
– Thiếu nữ từ 18 đến 22 tuổi, đã tốt nghiệp phổ thông cấp III. Nếu lớn hơn, phải học xong đại học;
– Có ý hướng ngay lành và trưởng thành tâm linh;
– Thuộc gia đình Công giáo tốt;
– Có trí phán đoán lành mạnh;
– Có đủ sức khoẻ.
Bổn mạng: Hội dòng mừng Bổn mạng vào lễ Thánh Phaolô trở lại (25-1) và lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (29-6) hằng năm.
Bài: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)
Ảnh: Phạm Bảo