Bí Tích: Ý Nghĩa Của Bí Tích Giao Hòa

Ý Nghĩa Của Bí Tích Giao Hòa

Tội Trọng Tội Nhẹ

https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=1809755315769453

Noi gương gia đình Thánh Gia

111111
Những người chọn đời sống vợ chồng, thì ngày thành hôn của họ, không chỉ là ngày của liên hoan tiệc tùng, chúc mừng…mà nó còn là một mốc son, một kỷ niệm đẹp sẽ không thể quên trong cuộc sống của họ. Riêng đối với hôn nhân của người Công Giáo thì có nét đặc sắc riêng. Ngày thành hôn là ngày họ cùng nhau đi đến Nhà Thờ, để tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa, họ ra trước cộng đoàn, cũng như trước vị chứng hôn (linh mục hoặc phó tế) để bày tỏ lòng sắt son chung thuỷ, yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Ngoài ra, họ còn long trọng xác nhận sẽ chu toàn vai trò và bổn phận làm cha, làm mẹ của họ; Đó là họ sẵn sàng đón nhận, yêu thương và giáo dục con cái theo luật Chúa Ky-tô và Hội Thánh. Như vậy theo tinh thần hôn nhân Công Giáo, thì hai vợ chồng sẽ phải trở nên “ một cái nôi êm ái, xinh xắn và bền vững ” để đón nhận con cái là kết quả của tình thương yêu vợ chồng mà Thiên Chúa sẽ trao ban, để rồi dưỡng nuôi và giáo dục chúng nên người có phẩm hạnh, đạo đức. Vì vậy, đôi vợ chồng sẽ phải là  những nhà mô phạm để dạy dỗ, giáo dục con cái ngay từ lúc ban đầu. Nói không quá đáng: Cha mẹ (nhất là người mẹ) là những người quyết định cho vận mệnh cũng như sự thành bại của con cái mình trong tương lai.

Người ta ví trẻ con như tờ giấy trắng, cha mẹ sẽ là những người đầu tiên ghi vào tờ giấy trắng ấy những nét vẽ đẹp, để hình thành nhân cách cho con cái mình. Thật vậy, ngay từ lúc chập chững biết đi, con trẻ đã được cha mẹ chỉ lên bàn thờ để cúi đầu chào Chúa, chào Đức Mẹ vào lúc buổi sáng, rồi lớn lên hơn một chút, con trẻ được cha mẹ tập cho làm Dấu Thánh Giá trước các bữa ăn, đọc kinh tối, sáng. Khi có đủ trí khôn để nhận thức thì Cha mẹ dạy cho con cái biết  có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất, vũ trụ cùng điều khiển muôn vật, muôn loài, và chúng phải có bổn phận tôn thờ, cảm tạ và sống theo thánh ý Người.  Song song với việc giáo dục đức tin, cha mẹ còn dạy cho con cái những đức tính nhân bản như; lịch sự, lễ phép, đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, sống vị tha, thật thà, dũng cảm, biết ơn người giúp đỡ mình cũng như sãn sàng giúp đỡ người khác …(Tôi còn nhớ, khi còn bé mẹ tôi có nói với tôi rằng: “ Con phải ngoan ngoãn, phải làm việc thiện, tránh làm điều xấu. Chúa phái đến với con một vị Thiên Thần để canh giữ con, ngài sẽ đi cùng với con mọi nơi, mọi lúc. Vị Thiên Thần ấy có một quyển sổ, ngài sẽ ghi lại tất cả những việc tốt xấu của con làm để sau này trình lên cho Chúa”. Có lẽ mẹ tôi muốn dùng hình ảnh sống động, cụ thể để cho tôi dễ hiểu và dễ đi vào trí nhớ của tôi lúc đó. Không bàn tới đúng sai của câu nói. Nhưng rõ ràng mẹ tôi đã ghi vào tâm hồn non nớt của tôi một mệnh lệnh mà tôi vẫn còn nhớ như in: Đó là phải luôn làm việc thiện.)

Nhưng để thành công trong việc giúp con trẻ nên người, đứng vững trước các cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ, thì trước hết cha, mẹ phải nêu gương sáng, cầu nguyện và luôn sát sao giáo dục con cái mình trong tinh thần sự thật và Chân lý của Chúa Ky-tô và của Giáo Hội. Xã hội hiện nay, người ta đang xây dựng một nền đạo đức lấy tiêu chuẩn từ một cá nhân, hay một tập thể để cho các em học sinh trong nhà trường học tập, bên cạnh đó với sự phát triển vượt bậc của thông tin internet…với điện thoại thông minh…với phim ảnh, sách báo… đó sẽ là những điều tiêu cực, dễ dẫn đưa con cái chúng ta đến những sai lạc, đam mê, tệ nạn. Vì thế cha mẹ lại càng phải quan tâm, theo sát với con cái mình hơn.

Khi nghiên cứu về tình trạng thiếu niên phạm pháp, người ta đưa ra nhận xét mà một trong các nguyên nhân chính, đó là: Thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình nói chung và của cha mẹ nói riêng, nhất là các trẻ em trong các gia đình mà cha mẹ thường xuyên bất hoà, ly thân hoặc ly dị thì tỷ lệ các em phạm pháp cao hơn!

Một điều xem ra không hợp lý đã và đang xảy ra trong xã hội chúng ta: Đó là người ta phải mất nhiều năm để đào tạo một kỹ sư hay một giáo viên… còn để đào tạo những “ông bố” những “ bà mẹ” thì chỉ trong các xứ đạo, cha xứ quan tâm, mở những khoá học “ Dự bị hôn nhân”, nhưng thường thì thời gian cũng chỉ kéo dài độ vài ba tháng!

Mới đây báo đài đưa tin, tại tỉnh Phú Yên người ta đưa ra xét xử vụ án nghịch tử đánh cha ruột trọng thương với bản án là 14 năm tù giam; Bị cáo là Bùi Minh Thuận 23 tuổi đã dùng một viên gạch đánh nhiều lần vào người ông Bùi Văn Thắng là cha mình, nguyên nhân bởi vì ông này thường xuyên say rượu la mắng đánh đập mẹ và bản thân Thuận. Cũng chỉ vì người cha nát rượu luôn chửi rủa mình mà cô sinh viên luật tên là: Tống Thị Thuỳ Linh đã rắp tâm hại cha, đặt mua thuốc độc xyanua để đầu độc cha mình là ông Tống Hồng Điệp làm ông này tử vong. Đau đớn hơn là trường hợp của một thiếu niên mới 14 tuổi tên là Phạm Minh Quốc quê ở Tiền Giang, cũng bởi vì cha hay uống rượu bê tha, nên Quốc khuyên cha bỏ rượu, không những ông Yên không bỏ mà còn chửi bới Quốc, quá uốt ức, Quốc đã xin một người quen thuốc đánh bả chó hoang về pha vào sữa cho cha mình uống, kết cục ông Phạm Văn Yên uống và đã mất mạng, bà nội của Quốc cũng vô tình uổng phải nên cũng đã qua đời sau đó!

Có một câu chuyện kẻ rằng trong dân gian rằng: Một tử tù kia khi bị mang ra pháp trường hành quyết. Trước giờ thụ án, hắn ta xin được gặp mặt lần cuối cha ruột của mình. Người ta cho phép, lúc người cha được dẫn đến trước mặt y, y đề nghị người cha lại gần và ghé sát tai vào miệng để y dễ bề nói chuyên. Song thay vì nói chuyện, y đã dùng miệng để cắn đứt vành tai của ông, sau đó hắn gào nên rằng: “ Ông sinh ra tôi nhưng đã không giáo dục tôi nên người, bây giờ tôi phải chịu như thế này cũng bởi tại vì ông, ông đã không nói gì khi thấy tôi mang con gà ăn cắp của hàng xóm về nhà. Phải chi ngay từ lần đầu tiên ấy ông khuyên ngăn, la rầy tôi thì tôi đâu có trượt dài trên con đường tội lỗi và giờ thì phải tử hình như thế này!”.

Chúng ta thấy những sự việc đau lòng trên và đưa ra câu than trách: Phải chi những người làm cha, làm mẹ biết sống mẫu mực, nêu gương sáng, luôn dạy bảo con cái những điều hay lẽ phải, thì họ đã chẳng đẩy con cái của mình vào vòng lao lý, tù tội. Những người làm Cha, làm mẹ được xã hội gọi bằng một danh từ rất vinh dự và cao quý đó là; Thiên Chức làm cha, Thiên Chức làm mẹ, vậy ước mong rằng các thanh niên nam nữ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân hãy biết chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang và kiến thức để vợ chồng có thể cùng nhau xậy dựng một gia đình hạnh phúc, tốt đẹp; trong đó có những đứa con ngoan hiền, đạo đức để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và lành mạnh.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII nói: “Gia đình là nền tảng của xã hội”. Còn Đức Giáo Hoàng Lêô XIII thì khẳng định rằng: “ Gia đình thế nào thì xã hội thế ấy”. Vì thế, những gia đình Công Giáo hãy nhìn lên tấm gương Gia Đình Thánh Gia để lấy đó làm khuôn mẫu, làm chuẩn mực và làm lý tưởng sống.
Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

Gia đình sống Bí tích Thánh Thể: Sống hy sinh cho nhau bằng một tình yêu tự hiến