Hôn nhân Gia Đình: DỰ ĐÁM CƯỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO MÀ KHÔNG CÓ PHÉP CƯỚI CÓ TỘI KHÔNG?
Gia Đình Đón Mừng Chúa Giáng Sinh
Gia đình – Cái nôi của văn hoá sự sống
ĐI DỰ ĐÁM CƯỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO MÀ KHÔNG CÓ PHÉP CƯỚI CÓ TỘI KHÔNG? ĐI RỒI BỊ VẠ TUYỆT THÔNG CÓ ĐÚNG KHÔNG?
Chuyện này tế nhị và phức tạp.
“NGƯỜI CÔNG GIÁO” Ở ĐÂY LÀ AI?
Có thể là người đã được rửa tội nhưng đã bỏ đạo. Có thể là người đã được rửa tội và vẫn thực hành đạo ở mức độ nào đó.
KHÔNG CÓ PHÉP CƯỚI Ở NHÀ THỜ VÌ LÝ DO GÌ?
Có thể đương sự vốn có đạo trong sổ rửa tội, nhưng đã bỏ đạo và không muốn làm phép cưới.
Có khi vì một trong hai người phối ngẫu không chịu theo Công giáo và cũng không chịu làm nghi thức chuẩn hôn nhân khác đạo.
Có thể vì các đương sự không kịp học giáo lý hôn nhân, hoặc có học nhưng thi không qua và không thuộc kinh bổn như quy định của giáo xứ hoặc giáo phận.
Có thể vì lý do công ăn việc làm hay vì lý do gì đó gấp quá mà các đương sự và cha xứ không thể sắp xếp lễ cưới được với nhau.
Có khi vì một trong hai hay cả hai đã có một đời vợ/chồng và bây giờ bị ngăn trở không làm đám cưới ở nhà thờ được; đây là trường hợp ly dị mà tái hôn không phép đạo.
Có trường hợp không có phép đạo là đáng trách! Có trường hợp cũng đáng thông cảm! Có trường hợp lỗi do đương sự! Có trường hợp lỗi ngoài ý muốn các đương sự.
Nhưng lỗi vẫn là lỗi. Người có đạo kết hôn mà không có phép cưới thì ở trong tình trạng “rối hôn nhân” và tạm thời không được xưng tội và rước lễ cho đến khi nào được “gỡ rối”. Nhưng những người tham dự đám cưới của đương sự thì khác.
THAM DỰ CÓ TỘI KHÔNG?
Có hay không tuỳ quy định của giáo phận nơi mình cư trú và nơi các đương sự làm đám cưới.
“CÓ TỘI” VÌ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG CẤM
Nếu giáo phận nơi mình cư trú hay giáo phận nơi các đương sự làm đám cưới có quy định cấm tham dự mà mình vẫn đi thì “có tội”.
Tội gì? Tội đi dự đám cưới của người có đạo mà không có phép cưới! Tội vi phạm quy định của giáo phận.
Tại sao có tội và tại sao một giáo phận lại có quyền cấm trong khi giáo luật không cấm?
Thưa vì Giáo luật cho phép các giáo phận và các hội đồng giám mục có quyền ra luật riêng, miễn là luật ấy không đi ngược với luật chung của Giáo Hội.
Một giáo phận nào đó xét là có tội khi tham dự đám cưới không phép cưới và ra quyết định cấm đi thì chỉ có giáo phận đó mới hiểu rõ và hiểu đầy đủ các lý do.
Tuy nhiên, theo tôi, một giáo phận nào đó ra lệnh cấm, căn bản có thể vì giáo phận đấy xét thấy hôn nhân là một trong bẩy bí tích của Giáo Hội và là bí tích xây dựng Giáo Hội; người có đạo cưới nhau không làm phép cưới là phạm tội vi phạm luật Chúa và luật Hội Thánh.
Vậy bây giờ ai tham dự đám cưới của người kia, tức là mình đồng ý với việc vi phạm luật của người ta. Như thế có nghĩa là mình phạm TỘI ĐỒNG LOÃ VÀ GÂY GƯƠNG MÙ GƯƠNG XẤU! Thế là có tội!
Trong trường hợp này, giáo phận đã đánh đồng các trường hợp không phép cưới, đồng thời xem xét và giải thích vấn đề theo nghĩa nhiệm nhặt và hà khắc nhất của luật luân lý.
Tôi thấy cần nói thêm: việc tham dự đám cưới không phép cưới là tội trọng, nhưng không phải là tội chết, càng không phải là tội dẫn đến vạ tuyệt thông, vì theo giáo luật, thì tội này không nằm trong danh mục các tội bị vạ tuyệt thông. Tội này muốn được tha thì đi xưng tội là xong!
Tưởng cũng nên biết: Để lệnh cấm hữu hiệu, thì lệnh cấm này phải là một văn bản của đấng bản quyền giáo phận và phải được công bố công khai và công cộng. Linh mục nào ra lệnh cấm bằng miệng thì người đó đã lạm quyền và lệnh cấm đó không có giá trị.
“KHÔNG CÓ TỘI” VÌ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG CẤM
Có giáo phận không ra luật cấm đi đám cưới người có đạo không phép cưới! Trong trường hợp này mình đi tham dự thì thường không có tội.
Tại sao có giáo phận không cấm?
Thưa có thể vì họ xét thấy: trong 10 răn Đức Chúa Trời không có điều nào cấm, trong 6 điều răn Hội Thánh không có điều nào cấm và trong 1752 điều của bộ Giáo luật không có điều nào cấm.
Hơn nữa, có thể vì giáo phận ấy đã đi theo giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo: coi tự do tôn giáo là quyền của mỗi người, được xây dựng trên chính phẩm giá con người, và tôn trọng tự do tôn giáo cũng có nghĩa là phải đối xử với nhau theo lẽ công bình và tình nhân ái.
Đúng đương sự đã được rửa tội lúc trước, nhưng bây giờ, lúc lập gia đình, còn hành đạo hay không, đấy là quyền tự do và là chuyện của cá nhân đương sự.
Đâu phải vì đương sự không có phép cưới ở nhà thờ mà mình lên án, cô lập và tẩy chay đám cưới của đương sự, nhất là khi mình lại là người thân trong gia đình.
Ngoài những lý do trên đây, một giáo phận không ra lệnh cấm, có thể còn vì giáo phận ấy xem xét con người, mà ở đây là đôi hôn nhân, cùng thân nhân và bạn bè của họ trong hoàn cảnh hiện sinh của họ và trong mối tương giao của gia đình và xã hội:
Có thể vì giáo phận ấy xét thấy bản chất việc một người nam và một người nữ yêu nhau và kết hôn với nhau, dù không có phép đạo, thì cũng không trái luật tự nhiên, không xấu và không ác, trái lại trong mức độ nào đó, nó còn là điều tốt cho các đương sự và cho xã hội.
Có thể vì giáo phận ấy thấy rằng hôn nhân lần đầu đã đổ vỡ tang thương và vô phương cứu vãn, trong khi vì lý do nào đó, hôn nhân kia vẫn chưa được Giáo Hội tuyên bố bất thành, bây giờ gặp duyên mới và đương sự tổ chức đám cưới để xây lại hạnh phúc gia đình, thì đấy là một điều tốt, điều đáng mừng cho đương sự và cho xã hội hơn là điều đáng kết án và tẩy chay.
Có thể vì giáo phận ấy thấy rằng trong tư cách là cha mẹ, anh chị em, cô dì chú bác mà lên án và từ chối tham dự đám cưới của con/cháu mình chỉ vì đám cưới không phép đạo, thì đó là hành vi thiếu tình người, thiếu trách nhiệm, thiếu bác ái, sẽ đánh mất tình nghĩa gia đình và góp phần đẩy người thân mình ra xa thêm nữa hỏi gia đình và Giáo Hội nữa.
Có thể vì giáo phận ấy thấy rằng nếu một trong hai bên cưới nhau ngoài Công giáo, rồi ngày cưới thì họ hàng bạn bè bên kia có mặt đầy đủ, trong khi bên Công giáo tẩy chay không đi, vì lý do không có phép cưới, thì khi ấy, bên không Công giáo sẽ nhìn bên Công giáo và nhìn Giáo Hội Công Giáo là “man rợ” chứ không còn phải là cộng đoàn yêu thương và bác ái nữa và như vậy thì có hại cho mọi người liên quan và có hại cho Giáo Hội hơn.
Vân vân.
Có lẽ vì xem xét những phương diện trên đây có giáo phận đã không ra luật cấm tham dự đám cưới của người có đạo mà không có phép cưới.
Tốt nhất để biết có cấm hay không, các bạn nên hỏi văn phòng giáo phận nơi mình sinh sống và/hoặc nơi đôi hôn nhân làm đám cưới xem các nơi ấy có văn bản cấm hay không.
(Hồi ở Việt Nam, tôi chưa đọc thấy bất cứ một lệnh cấm của bất cứ giáo phận nào liên quan đến việc này! Có thể có mà tôi không biết. Ai thấy quy định nào cấm làm ơn gửi cho tôi một bản. Xin cám ơn trước.)
KHÔNG CẤM VẪN KHÔNG ĐI & VÀ CẤM VẪN ĐI: TUỲ TRƯỜNG HỢP
Trong tư cách là người Công giáo, mình phải phân định đi hay không đi tuỳ từng trường hợp và hoàn cảnh của đương sự và của mình.
Nếu mình thấy, chủ quan hay khách quan, lương tâm mình lên tiếng bảo mình không nên đi, thì dù giáo phận không cấm, mình cũng KHÔNG NÊN ĐI.
Nếu biết rõ đó là đám cưới của một người bất nhân, vô đạo, trác táng; nếu đương sự có thái độ thách thức Chúa và Hội Thánh trong việc việc cưới xin; việc cưới xin của đương sự là một sự bất công to lớn cho vợ/chồng/con cái trong hôn nhân cũ; nếu đương sự đã dùng tiền bạc và các mối quan hệ để dàn xếp hay mua bán “phép cưới” cho hôn nhân mới, vân vân, thì dù hôn nhân có hợp pháp và/hoặc giáo phận không cấm, mình cũng KHÔNG NÊN ĐI.
TRÁI LẠI
Nếu sau khi suy xét mọi phương diện, lương tâm mình lên tiếng mách bảo mình cần phải đi, thì dù ở trong một giáo phận có lệnh cấm đi, cá nhân mình vẫn NÊN ĐI VÀ CẦN PHẢI ĐI.
Nếu mình suy xét và biết rõ đó là đám cưới của một người có ý thức về đời sống hôn nhân, có có thiện chí xây dựng hạnh phúc gia đình và lại là người thân của mình của mình, việc không có phép cưới là chuyện xảy ra ngoài ý muốn và khả năng của đương sự, vân vân, thì dù ở trong một giáo phận có lệnh cấm đi, cá nhân mình vẫn NÊN ĐI VÀ CẦN PHẢI ĐI.
Tại sao?
Vì giữa tội vi phạm kỷ luật của giáo phận với tội nhẫn tâm và vô trách nhiệm với con cháu thì tội sau lớn hơn.
Vì nếu mình không đi thì mọi chuyện sẽ tệ hơn và hậu quả tiêu cực sẽ khôn lường, vì cách ứng xử thiếu tình nghĩa, thiếu công bằng và thiếu lòng thương xót của mình.
Vì hành vi cưới nhau của một người nam với một người nữ, dù không có phép cưới nhà đạo, hiển nhiên không phải là việc trái lẽ tự nhiên, không phải việc xấu, cũng không phải việc ác.
Vì theo nguyên tắc luân lý, giữa hai cái xấu không tránh khỏi ta chọn cái xấu bé hơn, giữa một hành vi đoạn tuyệt và khép kín mang tính huỷ diệt và một hành vi mở ra hy vọng và sự sống thì mình nên chọn cái thứ hai.
***
Tóm lại, đi hay không đi, có tội hay không có tội, cần phân định tuỳ trường hợp và hoàn cảnh. Cần sống đức tin một cách trưởng thành và luôn ý thức luật có giới hạn của luật và luật được làm ra vì con người chứ con người không sống vì luật; giữ luật quan trọng nhất là luật yêu thương bác ái của Chúa và lỗi luật này mới là tội lớn nhất./.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT