HUYNH ĐOÀN ĐA MINH: Thư Tháng Tám 2023 Mừng Kính Thánh Đaminh

Thư tháng Tám, 2023: Thầy gọi anh em là bạn hữu

Chúng ta chắc đã từng nghe câu nói nổi tiếng của triết gia J.P Sartre : “Tha nhân là địa ngục”. Triết gia phân tích mối tương quan của con người với nhau và thấy rằng hầu như luôn luôn đó là tương quan giữa chủ thể và đối tượng, khi người này là chủ thể thì người kia là đối tượng và ngược lại. Quá trình thay đổi vai trò chủ thể – đối tượng ấy chỉ ngưng lại khi mà một bên lấy sự thống trị làm niềm vui, và bên kia lấy làm vui khi bị thống trị…
Tuyên bố của J.P Sartre quả thật là sốc, nhưng không phải là không có một phần sự thật. Thiên hạ đâu đâu cũng khao khát tình yêu thương và vẫn không ngừng diễn tả đủ loại, đủ cách về tình yêu thương. Quả thật đây đó vẫn có bóng dáng thứ tình yêu bình đẳng và tự hiến, nhưng chắc chắn cũng có không ít thứ “tình yêu thống trị”, hoặc “tình yêu bị trị” mà triết gia đã nói tới. Nếu nhìn vào lịch sử nhân loại, chúng ta thấy cả thứ tình yêu nam nữ trong gia đình, cũng như thứ tương quan tình nghĩa trong xã hội và  tổ chức chính trị… đã bị chìm ngập biết bao nhiêu thế kỷ trong những thể chế bất bình đẳng : đa thê hoặc đa phu, chủ và tớ, hoặc vua quan và dân chúng… Quả thật trong các thứ tương quan con người với nhau, người ta luôn chao đảo giữa quyền lực và tình yêu.
Mặc dù ai đó, trong lý thuyết, có thể lý giải được mối tương quan giữa quyền lực và tình yêu, thì trong thực tế bi đát của cuộc sống, chẳng mấy khi con người có thể đạt tới được một tình yêu chân chính, bình đẳng và tự hiến. Con người không tìm được sự an toàn trong tương quan bình đẳng, nên thường nghiêng về một thứ quyền lực trong tình yêu. Con người cảm thấy bị đe doạ do nỗi xao xuyến sâu xa trong tâm hồn, nên không dám thực sự đi vào tương quan bình đẳng như một cuộc phiêu lưu. Con người luôn luôn, ngấm ngầm hoặc thẳng thắn, tìm cách để “nắm đằng chuôi” trong mọi mối tương quan…
Thực trạng ấy không phải chỉ bắt nguồn từ thứ “gian tà” chủ quan trong mỗi người, nhưng còn có gốc rễ nơi sự giới hạn căn bản chung của phận người, có gốc rễ nơi sự khiếm khuyết của phận người, khiếm khuyết khả năng sống trọn vẹn sự trung tín một cách vững bền ở cả hai phía… Cộng thêm với sự khiếm khuyết căn bản của cả hai phía, tôi và anh, con người còn phải sống trong một lịch sử bất định, sống với cảnh biến thiên vô cùng phức tạp của cuộc sống, sống trong những thách đố gay gắt của biết bao tình huống éo le,… Tất cả những yếu tố ấy bao vây tự do của con người; và chúng ta hiểu rằng thực sự khát vọng yêu thương sâu thẳm trong con người không dễ gì thực hiện được.

Con người khao khát yêu thương, khao khát được sống tình yêu chân thật. Đó không phải là thứ sở thích vụn vặt, không phải là một ước muốn xa xỉ, nhưng khao khát yêu thương là khao khát gắn liền với vận mạng căn bản của phận người. Không có tình nghĩa này, mọi tương quan của con người với nhau bị dìm trong nguyên lý cường bạo hoặc sòng phẳng, chứ không vươn lên được nguyên lý ân phúc; và khi đó mọi tương quan con người với nhau sẽ luôn chờ chực đổ vỡ khi gặp phải những biến động trong dòng đời…
Chúa Giêsu đã nói những lời tâm huyết nhất với các môn đệ thân yêu trước khi đi vào cuộc tử nạn, Ngài công bố một đẳng cấp mới của tình yêu cho các môn đệ, một đẳng cấp giúp con người đạt được khao khát sâu xa nhất của phận người :
“Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15)
Nếu con người với nhau không thể, hoặc khó có thể đạt được mức độ tình yêu chân thật nhất, bình đẳng và tự hiến, thì nay, nhờ vào tình yêu của Thầy Giêsu trong cuộc tử nạn, con người được chính Chúa trao ban tình yêu ấy. Thứ tình thương của Thầy Giêsu là thứ tình thương cao cả nhất :
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)
Tình thương ấy không phải chỉ để người môn đệ vui vầy với nhau, nhưng là nguồn mạch để chuyển đổi toàn thể mọi tương quan tình nghĩa giữa con người với nhau, đó là thứ tình yêu duy nhất có khả năng cứu độ toàn thể vận mạng nhân sinh :
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Thật sự ra, ngôn ngữ con người không thể diễn đạt được trọn vẹn tình yêu của Chúa với con người. Cựu Ước thường diễn tả tình thương của Chúa đối với Dân của Ngài bằng hình ảnh vợ-chồng. Đó là thứ tình yêu được đặt nền trên giao ước, tạo nên tình trạng thuộc về nhau cả ở mức độ thể chất. Tin Mừng Gioan thì diễn tả tình thương giữa Thầy Giêsu và các môn đệ như tình bằng-hữu, thứ tình nghĩa này lại được xây dựng trên sự tự do, bình đẳng và đạt đến mức độ thông hiệp trong tinh thần:
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Thầy Giêsu minh chứng đẳng cấp bạn hữu của người môn đệ là “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Đây là một chân trời mầu nhiệm, thâm sâu và vô biên, được mở ra cho người môn đệ và cho con người, con người được tham dự và sự phong phú vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Chân trời này mặc dù chẳng bao giờ con người đạt được trọn vẹn, nhưng lại như không đặt ra một ranh giới nào… Quả thật ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người không phải chỉ là “giải thoát khỏi”, nhưng còn là “giải thoát nhằm”; nơi đây con người có quyền hy vọng nhiều hơn và nhiều hơn nữa để đạt tới được một tình thương trọn vẹn và trọn vẹn hơn nữ

Cháy lên từ đuốc sáng Đa Minh

 

Đang chầm chậm thả bước trên đường làng, chợt có tiếng gọi phía sau:

– chị ơi! Cuối tháng này “hội Đa Minh” của chị đi lễ mừng bà thánh gì đó ở Bắc Ninh phải không?

Tôi vừa quay lại, em đã giục rối rít:

– Phải không chị?

– Đúng đấy em ạ! Sáng 29.4, các huynh đoàn Đa Minh tại miền Bắc sẽ tham dự lễ mừng thánh nữ Catarina Siena Trinh nữ- Tiến sĩ Hội Thánh, Ngài là tấm gương sáng chói, là niềm tự hào của dòng Đa Minh. Thánh lễ do huynh đoàn Tỉnh tổ chức tại giáo phận Bắc Ninh.

Vừa nghe tới đó, ánh mắt em rạng rỡ hẳn lên:

– Vậy là đúng như em nghe được thông tin rồi!

Tôi tò mò hỏi lại:

– Có điều gì vậy em?

Thấy em ngập ngừng, tôi nhẹ nhàng bảo:

– Có điều gì khúc mắc em cứ mạnh dạn nêu ra, chị xin thay mặt anh chị em trong huynh đoàn tiếp thu những ý kiến đóng góp của em, từ đó rút kinh nghiệm và kiện toàn những gì cần thiết, để huynh đoàn hoạt động ngày một thăng tiến hơn.

Em xua tay rối rít:

– Không, không có gì cả! Em… em chỉ muốn xin chị cho em đi lễ với.

Tôi thở phào vì không bị “thẩm vấn”:

– Ủa! em không là thành viên của huynh đoàn Đa Minh mà cũng muốn đi lễ sao?

– Em muốn lắm chị ạ!

Rồi em tâm sự với tôi, nhiều lần thấy các cháu tàn tật cũng như các cụ già trong giáo xứ, dù không ở trong huynh đoàn, vẫn được huynh đoàn thăm viếng riêng mỗi khi cần thiết và chung mỗi dịp tết đến hoặc ngày Quốc tế bệnh nhân. Lại nữa, huynh đoàn đọc “kinh gì” mà hay thế, cứ như đọc thơ, các thành viên thì được gặp gỡ nhau hàng tháng, được học tập, được lên “khấn” thật là long trọng, vinh dự biết mấy. Thấy em mở lòng, tôi nhân thể được đà “khoe” liền: Thánh phụ Đa Minh luôn luôn thao thức, liên lỉ cầu nguyện mong các linh hồn được ơn cứu độ. Ngài cũng là tấm gương sáng sống đời nghèo khó, hết lòng yêu thương những người khổ đau bất hạnh. Ngài đã bán đi cả cuốn sách là tài sản quý giá nhất của mình để giúp người nghèo, với tâm nguyện: “Tôi không thể sống trên những tấm da chết”. Tôi cũng sơ qua cho em thấy huynh đoàn hoạt động dựa trên bốn cột trụ: Siêng năng cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, chuyên cần học hỏi và làm việc tông đồ bác ái. Những thành viên huynh đoàn đang sống theo linh đạo của thánh phụ Đa Minh, thì cũng phải noi gương Ngài và cố gắng hoàn thiện mình hơn qua mỗi ngày. Sau phút trò chuyện, khi chia tay, em hỏi tôi ngày giờ đi lễ và nói:

Hôm đó em sẽ đến nơi tập trung sớm, nhất định chị phải chờ em!

Trên đường đi lễ hôm đó, trời mưa tầm tã, trời đất tối sầm, giông bão ầm ầm, sấm chớp chói lòa. Nơi tổ chức Thánh lễ nước ngập lênh láng, sình bùn nhầy nhụa, tất cả mọi người về dự lễ đều phải án ngữ trên xe, chẳng ai muốn xuống, vì chỉ cần mở cửa xe là nước đã tạt vào như ai cầm sòng mà té mà tát. Mưa bão đã làm đảo lộn hết mọi chương trình Thánh lễ, trên xe nhìn xuống cả một vùng rộng lớn, chỉ thấy toàn những ghế là ghế, lô nhô, mờ ảo trên “quảng trường nước”. Nơi cấp phát hỗ trợ đồ ăn nước uống lại cách xa đến bốn năm trăm mét, mọi người ngại mưa gió nên bàn nhau không lấy đồ ăn nữa. Tôi lặng lẽ cầm ô bước xuống đi lấy đồ ăn cho đoàn, gió thổi như muốn nhắc bổng đưa tôi lên không trung, bùn lầy bắn lên vấy bẩn như lội ao sình. Đang cố gắng mò mẫm tìm đường đi, quay lại, tôi thấy em cũng bì bõm lội theo sau. Vật lộn với mưa gió một hồi lâu, bưng bê mấy lần về xe, cuối cùng chị em tôi cũng đưa đồ ăn về tới xe cho mọi người, vất vả nhưng em không một lời ca thán, tôi thấy thiện cảm vô cùng.

Tham dự Thánh lễ, được nghe giảng về cuộc đời và công đức của thánh Catarina, em nói với giọng đầy khâm phục:

– Một người nữ nhỏ bé mà làm được những việc phi thường chị nhỉ!

Tôi nửa đùa nửa thật trêu em:

Em có muốn trở thành “thánh nữ” thì gia nhập huynh đoàn đi!

Em mừng rỡ:

– Em được “vào” huynh đoàn hả chị?

– Sao lại không! Thánh Catarina cũng cháy lên từ ngọn đuốc của thánh phụ Đa Minh. Em giờ cũng đang bén, hy vọng em sẽ bùng lên trong tương lai.

Từ hôm đó, em tham gia sinh hoat rất đều đặn, đầy đủ, trong khóa học về thời kỳ tìm hiểu, dù lúc ban trưa hay khi đêm tối, em luôn có mặt và chăm chỉ lắng nghe. Huynh đoàn được giáo xứ phân công việc trong những buổi rước hoa kính Đức Mẹ hay Cung nghinh Thánh Thể, tôi lại nhờ đến em và em đều hoàn thành tốt mọi công việc. Mỗi khi huynh đoàn huy động anh chị em “bỏ giỏ’ để làm bác ái, em đều quảng đại hơn mọi người.  Không biết sau này sẽ ra sao, nhưng ngay bây giờ tôi thấy thật an lòng và tin tưởng về em.

Nguyện xin thánh phụ Đa Minh nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa của Ngài nơi tâm hồn chúng con. Để tinh thần của Ngài thấm đượm, tưới gội vào cuộc sống đời thường của chúng con, làm cho đời sống của chúng con trở nên có ý nghĩa hơn, khi chúng con biết phục vụ anh chị em mình trong đức ái, lấy phục vụ làm niềm vui của người đoàn viên Đa Minh.

Hồng Minh

https://hddmvn.net/chuyen-huynh-doan-chay-len-tu-duoc-sang-da-minh/