Mùa Vọng khởi đầu một năm Phụng Vụ mới 2024–2025
Mùa vọng: Mùa tin yêu và hy vọng
Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, mùa Vọng là mùa khởi đầu cho một năm Phụng vụ mới và cũng là thời gian đợi chờ Chúa Kitô- Đấng Cứu Tinh ngự đến. Mùa Vọng là thời gian nhắc nhớ dân Do Thái xưa kia đã mong đợi Đấng Messia đến để giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ngày nay, người tín hữu trông chờ đón mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày 25/12 hằng năm để tưởng niệm Chúa đến lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm, và cũng là thời gian chúng ta đợi chờ Chúa đến lần thứ hai trong ngày Quang Lâm. Cách riêng, mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng đợi chờ Chúa đến với mỗi người vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, ngày kết thúc cuộc sống dương gian để được Chúa đưa về nhà Cha trên trời.
Theo bản dịch Kinh Thánh Tiêu Chuẩn Mới của Mỹ (New American Standard Bible), mùa Vọng xuất phát từ Qavah trong tiếng Do Thái nghĩa là hy vọng, mong đợi, háo hức tìm kiếm, và tin tưởng. Như vậy, mùa Vọng là thời gian đợi chờ một Đấng vĩ đại và một sự kiện trọng đại sẽ xảy ra. Với tâm tình tỉnh thức và đợi chờ, mùa Vọng mang lại những điều mong đợi, biến đổi, vui tươi, an bình và yêu thương.
Khi suy tư về mùa Vọng, tôi nhận ra rằng trọn cả cuộc sống mỗi người chúng ta là một mùa Vọng kéo dài bởi vì từ khi sinh ra là chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đi về nhà Cha trên trời, nơi chúng ta đợi chờ sẽ được diện kiến tôn nhan Thiên Chúa. Cả cuộc đời chúng ta trên dương gian này là để chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu. Vào ngày Cánh Chung, Thiên Chúa sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết. Đó là một ngày vui mừng cho những người được nhận ơn cứu độ nhờ tin vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Bên cạnh đó, mùa Vọng không giới hạn trong một khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng Sinh hay một mùa nhất định, mà còn là thời gian chờ đợi những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sống tâm tình mùa Vọng có thể là những trải nghiệm đợi chờ tin tức từ những người thân yêu ở quê hương cho những người sống xa gia đình; là những lúc đợi chờ để biết kết quả thi cử của các học sinh, sinh viên; là khoảnh khắc đợi chờ kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân; là thời gian đợi chờ phục hồi sức khoẻ thể lý và tâm lý; và là sự hồi hộp của người mẹ chờ đợi đứa con sau 9 tháng cưu mang và hàng giờ đau đớn chuyển dạ sinh con.
Mỗi năm khi mùa Vọng đến, tôi nhận ra những bài học giá trị về chờ đợi trong cuộc đời mình. Tôi nhớ thời còn nhỏ, các chị em chúng tôi đều háo hức chờ đợi Giáng Sinh để được đi lễ đêm lắng nghe những bài Thánh ca du dương và xem diễn nguyện hoạt cảnh Chúa Giáng Sinh ở nhà xứ, được chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong hang đá với đèn lấp lánh trang trí lộng lẫy cả trong và ngoài nhà thờ. Đặc biệt chị em chúng tôi mong chờ Ngày Giáng Sinh sẽ được bố mẹ cho mừng lễ với những món ăn yêu thích mà ngày thường không có. Tôi nhớ cảm giác chờ đợi ngập tràn niềm vui, hy vọng chứ không hề buồn chán, thất vọng. Những năm tháng du học ở Mỹ, tôi mong ngóng chờ đón Giáng Sinh vì đó là thời gian sinh viên được nghỉ ngơi sau một mùa học thi cử vất vả, thời gian trở về với người thân, gia đình để cùng mừng Chúa Giáng Sinh và nhận những món quà bất ngờ. Đợi chờ để hy vọng trải nghiệm sự tươi mới và biến đổi diễn ra như một phần của một quá trình hướng tới những điều tốt đẹp.
Những khoảng khắc đợi chờ trong hy vọng đó là những cảm nghiệm hướng tôi đến những giá trị sâu sắc hơn mỗi khi mùa Vọng tới. Từ thẳm sâu tâm hồn, tôi có thể vui vẻ chờ đợi sống những ngày mùa Vọng để đón chờ Chúa Giáng Sinh vì tôi tin rằng Thiên Chúa đã hứa ban Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô-Đấng Cứu Độ xuống thế làm người (Mt 1: 10-11) để trả lời cho những thắc mắc, nghi ngờ, bận tâm từ các câu hỏi hiện sinh của con người như: Tôi sinh ra từ đâu? Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì? Chết rồi tôi đi đâu?… Con Thiên Chúa xuống thế làm người vì tình yêu thương nhân loại. Ngài xuống thế làm người không chỉ để cứu chuộc nhân loại khỏi phải chết đời đời, mà Ngài đến để nâng cao nhân phẩm con người lên thành con Thiên Chúa và được tham dự vào cuộc sống thần linh của Ngài. Đây là quả một đặc ân cao cả cho nhân loại. Do đó, sự chờ đợi và sống tâm tình ăn năn sám hối để đón chờ Chúa đến là điều quan trọng trong mùa Vọng. Chờ đợi mời gọi mỗi người thực thi lòng khoan dung và sự kiên nhẫn của mình.
Mùa Vọng không phải là biến cố xảy ra mỗi năm một lần rồi qua đi, nhưng mỗi người cần ý thức đây là dấu chỉ tình yêu cao cả của Thiên Chúa với nhân loại và mọi tạo vật. Điều này mời gọi mỗi người chúng ta sống thực thi lòng thương xót của Chúa với tha nhân bằng thái độ tỉnh thức, ăn năn sám hối, san phẳng những chỗ ghồ ghề của tâm hồn để sống tha thứ, giao hoà và hiệp thông với nhau. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng mất kiên nhẫn khi phải đợi chờ. Do ảnh hưởng của thời đại 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, con người trở nên sống vội vã. Nhiều người mong đợi sự hồi âm ngay lập tức của các tin nhắn theo kiểu “mỳ ăn liền” và tìm kiếm nguồn tin nhanh chóng trên internet. Cuộc sống bận rộn khiến con người không còn dành nhiều thời gian hiện diện và kết nối trực tiếp với nhau nữa, mà thay vào đó là các tin nhắn và đối thoại online. Bên cạnh đó, cùng với những ảnh hưởng của văn hoá “cúi đầu,” nhiều người đến với nhau nhưng chẳng được bao lâu đã mỗi người cúi đầu vào chiếc điện thoại mà không thể lắng nghe và hiện diện tròn đầy với nhau. Hơn bao giờ hết, mùa Vọng là thời gian tĩnh lặng để lắng đọng tâm hồn, nhắc nhớ chúng ta sự cần thiết của việc thiết lập và duy trì tốt đẹp các mối tương quan với Chúa và tha nhân qua việc suy ngắm Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Như vậy, mùa Vọng là mùa mời gọi mỗi người mở lòng mình, can đảm vượt qua những sự sợ hãi, chai cứng tâm hồn để có thể chạm vào và chữa lành những vết thương lòng của mình, của các thành viên trong gia đình, bạn bè và tha nhân, như giải toả những xích mích, xung đột, tranh chấp giữa vợ chồng và con cái, giữa các thành viên trong cộng đoàn. Mùa Vọng cũng là thời gian chữa lành các vết thương thể lý và tinh thần giữa con người và hoà giải giữa các quốc gia với nhau. Mùa Vọng là mùa của sám hối, tha thứ và chữa lành. Có thế chúng ta mới hân hoan đón chờ Chúa trong ngày lễ Giáng Sinh đầy hồng phúc.
Giáng Sinh gắn liền với niềm vui, khắp nơi rộn ràng, và trở thành ngày lễ hội của mọi người không phân biệt tôn giáo. Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng của lễ Chúa Giáng Sinh đã bị tục hoá nhiều. Giáng Sinh trở thành mùa thương mại lớn nhất trong năm khi nhà nhà, người người nô nức đi mua sắm trang trí nhà cửa, cây thông Noel, tặng quà, gửi thiệp tới nhau, tổ chức những cuộc vui chơi, picnic. Nhiều nhà thờ chuẩn bị trang trí cây thông Noel, đèn điện lung linh khắp nơi từ rất sớm. Nhiều nơi tập luyện cho đêm diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh rất trọng thể, ca hát nhảy múa tưng bừng. Điều này rất tốt. Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng của ngày Lễ Giáng Sinh bị mai một do trào lưu thương mại hoá và tục hoá, làm mất đi sự kết nối ý nghĩa thần học sâu sắc của biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Trước tình trạng đó, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI (2005) đã từng nhận định: “Tổ chức đón lễ Giáng sinh, nhất là lễ Chúa ra đời trong máng cỏ, ngay trong ngôi nhà của mình là một cách rất hay. Vừa đơn giản, vừa thể hiện được lòng thành kính cao độ để trẻ em có thể noi theo mà gìn giữ cho đời sau.” Ước mong sao mỗi người sống trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, giáo họ biết dừng lại, hồi tâm suy niệm, sẵn sàng mở lòng, mở con tim để mùa Vọng và mùa Giáng Sinh thực sự mang lại nhiều biến đổi tâm hồn, tràn ngập niềm vui nội tâm, an bình, yêu thương cho cuộc đời mỗi người chúng ta.