Mục Vụ Gia Đình: Nghề Giáo Hay Osin?

Vào thập niên 1980 tôi bước vào nghề giáo với cái nhìn ngưỡng mộ, có chút kính trọng của hàng xóm láng giềng. Mọi người đều gọi tôi là thầy. Dù không dạy con họ nhưng trước con mắt mọi người thì : “Muốn sang thì bắc cầu kiều- Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”. Đối với thế hệ chúng tôi luôn quan niệm rằng : khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn cần phát triển văn minh thì người thầy còn được tôn trọng, người thầy chỉ đứng thứ hai sau cha mẹ “Mồng Hai tết cha – Mồng Ba tết thầy”.
Ngày đó ngay cả cô nuôi dạy trẻ vẫn là niềm mơ ước của biết bao người. Nhiều cô giáo rất vui khi được hát:
Mùa xuân ai đi hái hoa
Còn em đi nuôi dạy trẻ
Sao em muốn đàn em mau khoẻ
Sao em muốn đàn em mau ngoan
Hay bởi vì em quá yêu thương
Những đôi môi đỏ những đôi má tròn
Em yêu từng đôi mắt sáng
Long lanh như những giọt sương….
Nhưng hôm nay hình như sự hãnh diện ấy đã không còn. Nghề giáo bị hạ xuống là một nghề lương không chịu tăng nhưng đòi hỏi của xã hội về trách nhiệm ngày càng cao. Sự tôn nghiêm dành cho người thầy đã không còn như xưa. Phụ huynh của học sinh có thể vào tận trường để quát mắng, thậm chí bắt cô giáo quỳ để xin lỗi con mình. Họ đòi hỏi thầy cô phải đi đứng, ăn mặc, nói năng, cư xử theo ý muốn của phụ huynh chứ không phải theo mô phạm một nhà giáo. Họ gắn camera ở lớp để theo dõi cô giáo khi dạy, khi dỗ trẻ ăn, khi cho trẻ chơi, thậm chí khi cô trò ngủ cũng dưới sự giám sát của ông bà ở nhà chỉ rình cô giáo như một phạm nhân?
Có cô giáo tâm sự rằng: Cứ nghe tiếng chuông điện thoại là tim đập, lòng lo sợ, có phụ huynh thắc mắc vì sao con ăn ít, vì sao con sợ đến lớp, vì sao con không ngủ trưa, có khi là chửi bới, bắt đền vì con bị… sút cân.
Một lớp mười mấy hai chục bé nhưng chỉ có hai cô làm. Quay vần nhiều khi không kịp thở, không kịp uống nước luôn. Cả ngày chỉ nghe: ‘Cô ơi, bạn đánh con’, ‘Cô ơi, bạn cắn con’, ‘Cô ơi, bạn lấy đồ chơi của con’, ‘Cô ơi, cô ơi… đi đái’… Có khi thì ‘Cô ơi…’ xong không nói gì. Nói chung một ngày sẽ đủ kiểu ‘Cô ơi’ luôn.
Bé nào mà bị bạn cắn hay cào cấu là xong luôn. Phụ huynh dễ còn đỡ, gặp phụ huynh nào khó là xác định bị giận dù cô có cúi đầu xin lỗi rất nhiều lần. Và họ sẽ nghĩ: ‘Cô coi không cẩn thận nên con mới bị cắn’.
Một năm học mới sắp bắt đầu, với tư cách là một người đã từng sáu năm trong nghề giáo , tôi ước mong xã hội cần nâng cao đời sống cho ngành giáo dục. Lương đủ sống, đủ chi tiêu cũng là cách đánh giá sự quan trọng của một ngành nghề. Nghề giáo rất hao tổn sức lực trong những giờ lên lớp, rồi lại về nhà với một mớ giáo án, mớ tài liệu thi đua của huyện, của tỉnh, nhiều ngừơi nói rằng hết thời gian cho bản thân mà lương của người mới ra trường cũng tầm 200k- 300k/ 1 ngày. Tiền chi tiêu cũng thiếu lấy đâu mua sắm dụng cụ giảng dạy? Đặc biệt là cô giáo mầm non với mức lương còn dưới 200k/ 1 ngày thì quá bất công với tấm lòng yêu trẻ, mến trẻ nơi các cô giáo mầm non.
Tôi ước mong quý phụ huynh cần cho thầy cô giáo một sự tôn nghiêm, nhất là các cô giáo nhà trẻ. Họ là nhà giáo, nhà giáo dục chứ không phải là bảo mẫu của gia đình. Một bảo mẫu của gia đình chỉ trông coi một hoặc hai đứa trẻ cho những đại gia thì họ phải chu đáo như mẹ hiền để tương xứng với đồng lương họ nhận từ gia đình. Một cô giáo nhà trẻ không phải là bảo mẫu để có thể làm theo yêu cầu của hết phụ huynh trong một lớp xem ra quá khắt khe vô lý với nghề giáo. Một cô giáo càng không phải là một osin để có thể tuỳ tiện chửi mắng, đe doạ đuổi việc . . .
Học sinh đến lớp không phải để vỗ béo hay để được chiều chuộng. Học sinh đến lớp để thầy cô dạy kiến thức và những cái đạo làm người nên các em phải biết nghe lời thầy cô, và như thế, phụ huynh phải đồng hành cùng thầy cô để dạy con nên người và đừng răn đe, xúc phạm thầy cô chỉ vì bênh con của mình.
Tuy cũng có những cá biệt không tốt nào đó của một vài thầy cô hay nhưng khiếm khuyết của ngành gíao dục. Đây là thực trạng của xã hội, có người tốt và cũng có người xấu, nhưng tự bản chất là con người chúng ta tin rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, hơn nữa trong đức tin chúng ta tin rằng “con người là hoạ ảnh của Chúa” để lấy yêu thương mà giúp nhau hoàn thiện.
Kính chúc quý thầy cô luôn hạnh phúc với sự nghiệp trồng người của mình.
Chúc cho các em học sinh luôn là con ngoan trò giỏi trong mắt mẹ cha và thầy cô.
Ước mong xã hội quan tâm và nâng cao đời sống cho quý thầy cô để họ an tâm trong sứ vụ của mình.
Tân Bắc, ngày 29/08/2023
Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền
Trưởng Ban Ngành Giáo Dục Công Giáo GP Xuân Lộc

Video 25 phép lịch sự tối thiểu cha mẹ cần phải dạy con.

https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=1123372768497389

Mục Vụ Gia Đình

Dùng mạng xã hội quá mức là mối lo ngại hàng đầu của phụ huynh khi trẻ quay lại trường học

Kết quả từ một cuộc thăm dò mới cho thấy ngày càng có nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về thói quen dùng công nghệ số của con cái khi quay trở lại lớp học.

Kết quả của Cuộc thăm dò Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott thuộc Đại học University of Michigan (Mott Poll) cho thấy: Tổng số thời gian dùng thiết bị, lạm dụng mạng xã hội và an toàn internet, là những mối quan tâm chính của 2/3 phụ huynh được khảo sát.

Đồng giám đốc Mott Poll và bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott, Tiến sĩ Susan Woolford cho biết trong một thông cáo báo chí, “Trẻ em đang dùng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội ở độ tuổi sớm hơn và cha mẹ cũng đang gặp khó khăn trong việc làm thế nào để giám sát hiệu quả nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến sự an toàn, lòng tự trọng, kết nối xã hội và thói quen – những thứ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và các lĩnh vực sức khỏe khác.”

Những tác hại của mạng xã hội

Kết quả của cuộc thăm dò dựa trên một cuộc lấy mẫu đại diện quốc gia với hơn 2,000 người được hỏi, cũng tiết lộ rằng 50% phụ huynh lo ngại về các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự tử, căng thẳng và lo lắng liên quan đến việc dùng màn hình quá nhiều.

Các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm Instagram, TikTok, Snapchat và Facebook.

Kết quả từ một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tập san Tâm thần học JAMA cho thấy, trẻ chưa đến tuổi vị thành niên và trẻ vị thành niên dành hơn ba giờ mỗi ngày trên mạng xã hội sẽ có nguy cơ tăng hơn 60% bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu độc lập cho thấy việc dùng mạng xã hội quá nhiều là nguyên nhân chính gây mất tập trung, có thể gây nghiện dẫn đến tác động xấu đến kết quả học tập và gây ra ảo tưởng khi trẻ tự so sánh mình với những người nổi tiếng – người tự cho là có tầm ảnh hưởng lớn.

Theo một blog chính thức của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia, các nền tảng truyền thông xã hội có liên quan đến một sự ấn định về ngoại hình, áp lực phải có cơ bắp và giảm sự hài lòng về cơ thể. Mạng xã hội cũng khiến học sinh dễ bị bắt nạt trực tuyến. 59% thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ nói rằng đã bị bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến.

Cha mẹ phải làm gì?

Những tháng tựu trường là thời điểm tốt để khôi phục những kỳ vọng và đặt ra các giới hạn có thể đã được dỡ bỏ trong nhiều tháng hè.

“Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ nới lỏng những quy tắc đó trong mùa hè, nhưng khi vào đầu năm học thì cha mẹ và con cái nên trò chuyện về giới hạn thời gian lướt web và dùng mạng xã hội bằng cách thiết lập các quy tắc đã được thống nhất,” Tiến sĩ Michelle Escovedo, chuyên gia y khoa lứa tuổi vị thành niên tại Bệnh viện Nhi đồng Cedars-Sinai Guerin ở Los Angeles, cho biết trong một cuộc trò chuyện cộng đồng ảo gần đây về mùa tựu trường.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) khuyến nghị áp dụng các chiến lược sau đây để giữ an toàn cho trẻ:

1. Giới hạn thời gian dùng màn hình

Hạn chế mạng xã hội bằng cách hẹn giờ dùng thiết bị để trẻ em và thanh thiếu niên học cách tự kiểm soát. Việc thiếu tự chủ có thể dẫn đến nghiện. Các chuyên gia về não cho biết rằng việc thu thập các lượt thích, giao tiếp với mọi người trên mạng và tạm thời thoát khỏi cuộc sống thực cũng kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bằng cách giải phóng dopamine, cũng là chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích với những hoạt động gây nghiện khác như ăn uống và cờ bạc.

Dữ liệu năm 2019 từ công ty nghiên cứu Statista cho thấy 40% người dùng trực tuyến ở Hoa Kỳ từ 18 đến 22 tuổi cho biết họ cảm thấy nghiện mạng xã hội, với 5% số người được hỏi mô tả họ là “hoàn toàn” nghiện.

2. Bảo đảm trẻ ngủ đủ giấc

Hạn chế thời gian dùng màn hình để bảo đảm trẻ có thể ngủ được ít nhất là tám tiếng.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), việc thiếu ngủ của thế hệ Z sẽ làm giảm sự phát triển thần kinh của trẻ, tăng tính bốc đồng, dẫn đến các vấn đề về suy nghĩ và dễ có các hành vi hung hăng. Ngủ không đủ giấc cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên như tiểu đường và béo phì.

3. Theo dõi hành vi liên quan

Nên cảnh giác với những hành vi leo thang đến mức:

+ Can thiệp vào các thói quen và cam kết hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như trường học, công việc, tình bạn và các hoạt động ngoại khóa.
+ Trẻ thường chọn mạng xã hội thay vì giao tiếp xã hội trực tiếp.
+ Trẻ không thể ngủ đủ ít nhất tám tiếng mỗi đêm.
+ Trẻ bị hạn chế tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên.
+ Trẻ vẫn dùng mạng xã hội ngay cả khi trẻ mong muốn được dừng lại.
+ Trẻ có ham muốn cập nhật thông tin trên mạng xã hội.
+ Trẻ nói dối hoặc dùng hành vi không chính đáng để có được thời gian trực tuyến.

Những mối quan tâm khác khi tựu trường

Danh sách các mối quan tâm của phụ huynh khi các con trở lại trường học như sau:

+ Bữa ăn không lành mạnh (52%).
+ Chi phí chăm sóc sức khỏe/bảo hiểm y tế (50%).
+ Bạo lực học đường (49%).
+ Hút thuốc/thuốc lá điện tử (48%).

Mối quan tâm phân theo tình trạng kinh tế xã hội

Các gia đình nghèo hơn có thu nhập dưới 50,000 USD mỗi năm thường lo ngại nhiều hơn về trầm cảm, tự tử, bắt nạt, bạo lực học đường, khu dân cư không an toàn, uống rượu và ma túy cũng như hút thuốc lá/thuốc lá điện tử. Các mối quan tâm khác trong nhóm này là mang thai và hoạt động tình dục ở tuổi vị thành niên, lạm dụng và bỏ bê trẻ em, căng thẳng của cha mẹ, phân biệt đối xử, COVID-19 và các nguy cơ sức khỏe liên quan đến ô nhiễm.

Cha mẹ của gia đình có thu nhập trung bình từ 50,000 USD đến 99,000 USD mỗi năm và những gia đình có thu nhập cao (trên 100,000 USD mỗi năm) thường cho rằng việc lạm dụng thiết bị và mạng xã hội là những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Mạng xã hội vẫn là mối lo canh cánh của các bậc cha mẹ

“Kể từ năm 2007, Tập san Mott Poll đã công bố các báo cáo định kỳ về mức độ quan tâm của cha mẹ đối với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Các vấn đề hàng đầu xoay quanh vai trò của mạng xã hội và internet đối với cuộc sống của trẻ em…

Các tác giả báo cáo viết, “Những chủ đề này trở nên nổi bật hơn trong thời kỳ đại dịch và báo cáo này cho thấy mối quan tâm của phụ huynh vẫn không hề phai nhạt. Như đã nêu trong các Báo cáo thăm dò ý kiến của Mott Poll trước đây, trẻ em đang dùng mạng xã hội ở độ tuổi sớm hơn, cha mẹ đang gặp khó khăn trong việc giám sát một cách hiệu quả và giúp con cái tránh được những mặt tiêu cực của việc dùng mạng xã hội.”
https://dongnuvuonghoabinh.org/muc-vu/dung-mang-xa-hoi-qua-muc-la-moi-lo-ngai-hang-dau-cua-phu-huynh-khi-tre-quay-lai-truong-hoc-53174.html
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Nguồn: epochtimesviet.com