Mừng kính Thánh Phanxicô Xaviô Linh mục 03.12 Bổn mạng Gia Đình Giáo Lý Viên
Hình ảnh Thứ Bảy ngày 02/12/2023 Gia đình Giáo lý viên mừng lễ bổn mạng Kính Thánh Phanxicô Xavie vào lúc 04h30.
GIÁO LÝ VIÊN
Sau khi Giáo xứ được thành lập 1973, song song với việc xây dựng và ổn định cơ sở vật chất, các đoàn thể cũng từng bước được hình thành và phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo xứ. Đặc biệt, công việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, để đưa dẫn các em đến bàn Tiệc Thánh và lãnh nhận các bí tích là công việc rất hệ trọng mà bất cứ vị chủ chăn nào cũng phải quan tâm ngay từ đầu. Cha Phó Giuse Đỗ Văn Nguyên lúc bấy giờ, đã tổ chức huấn luyện Giáo Lý Thánh Kinh cho một số các anh chị thiện chí đầu tiên, để cùng cộng tác với ngài trong việc hướng dẫn các em. Đây chính là lớp Tông Đồ căn bản, làm nòng cốt cho gia đình Giáo Lý Viên sau này.
Vào ngày 20/10/1982 nhân dịp mừng lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, được sự chấp thuận của Cha cố Giuse Maria Phạm Quang Thiều, thầy Phaolô Trần Thắng đã tổ chức lớp huấn luyện Giáo Lý Viên đầu tiên được tổ chức gồm có 80 anh chị và lấy tên là lớp Truyền Tín 1, đồng thời nhận ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo làm bổn mạng Giáo Lý Viên. Cho mãi năm 2022 mới đổi lễ quan thày là Thánh Phanxico.Xavie mừng kính ngày 03.12 hằng năm.
Đến năm 1983, các lớp Thiếu nhi được mở ra với hơn kém 1000 em, tuổi từ 10—16 và được chia thành 6 cấp. Trong lúc này, mặc dù có sự hỗ trợ thêm của Quý Dì dòng tu nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu học tập của các em. Thế là lớp Truyền Tin 2 gồm 40 anh chị em được cấp tốc huấn luyện để đưa vào phục vụ
Gia đình Giáo Lý Viên trong quá trình phát triển, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có lúc anh chị cũng phải tự soạn bài dạy, mà tài liệu thì không có. Ngay cả cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp học cũng thiếu, các em chủ yếu học ngoài trời dưới những bóng cây. Kinh phí sinh hoạt nhiều khi phải dựa vào tiền công làm cỏ, gặt lúa mướn của các anh chị phụ trách. Mỗi tuần ba buổi tối, anh chị em sinh hoạt với nhau bên những ngọn đèn dầu lờ mờ, ấy thế mà anh chị em vẫn vui vẻ, phục vụ với một tinh thần trách nhiệm cao
Ngoài đội ngũ Giáo Lý Viên là những anh chị trực tiếp hướng dẫn các em thiếu nhi, cũng cần phải nhắc đến đội ngũ Giáo Lý Viên Dự Tòng. Đó là những ông bà Quản và những giáo dân đầy nhiệt huyết âm thầm hoạt động trong cánh đồng truyền giáo của Giáo xứ, họ đã mang lại ánh sáng Đức Tin cho nhiều người chưa nhận biết Chúa. Năm 1992 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, khối Dự Tòng cũng chính thức sát nhập vào Gia Đình Giáo Lý Viên
Bên cạnh đội ngũ Giáo Lý Viên, một số giáo dân có điều kiện về tài chính đã nhận bảo trợ, tạo điều kiện để gia đình Giáo Lý Viên có kinh phí sinh hoạt. Thế là gia đình Bảo Trợ Giáo Lý Viên ra đời vào năm 1998
Từ năm 1999, mọi tổ chức sinh hoạt đi dần vào ổn định, cơ sở vật chất tương đối để phục vụ các lớp học. Phấn khởi hơn nữa là vào đầu tháng 5/2001, Cha Chánh Xứ Giuse Trần Phú Sơn đã cho xây một phòng cung ứng ảnh tượng cho giáo dân và là nơi làm việc của Giáo Lý Viên. Hiện nay việc dạy Giáo Lý trong Giáo xứ đều theo đúng chương trình Huấn Giáo của Giáo Phận. Các anh chị Giáo Lý Viên được quý Cha Quý Thầy, Quý Dì thuộc hai cộng đoàn Mến Thánh Giá và Đa Minh hướng dẫn, đồng thời được ban trị sự phân công phục vụ tại các cấp giáo lý. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự hy sinh phục vụ của các anh chị Giáo Lý Viên là một cố gắng rất đáng trân trọng
Đặc biệt vào năm 2008, Cha chánh xứ Gioan.B Nguyễn Văn Hưng coi sóc Giáo xứ, Ngài nhận thấy các em thiếu lớp để học Giáo lý, đây là mối ưu tư rất lớn của quý Cha và các bậc phụ huynh, Cha xứ đã phát động xây dựng nhà Mục Vụ Giáo Lý và nhà Xứ như chúng ta thấy hiện nay. Với bao công sức của quý Cha, cùng cộng đoàn Giáo xứ, đã tạo cho các em có những lớp học rộng rãi thoáng mát, với ba dãy nhà lầu rất đẹp và khang trang để các em có chỗ học Giáo Lý thoải mái. Các anh chị Giáo Lý Viên cũng có những phòng ốc sinh hoạt học tập, nghiên cứu cho việc giảng dạy giáo lý được hiệu quả hơn. Nhưng cũng còn một nghịch lý ở các anh chị Giáo Lý Viên ngày nay, là hằng năm Giáo xứ vẫn có những lớp dự bị đào tạo huynh trưởng, thế mà lúc nào cũng thiếu “Thầy cô“ giảng dạy Giáo lý cho các em, “Tre già măng chưa mọc” với 1001 lý do, lớp thì các anh chị phải đi học đi làm ở xa, công việc làm ăn ở những khu kinh tế ở thành phố, có chị phải lên xe hoa về nhà chồng v.v …Đây là nỗi bận tâm trăn trở nhiều lắm của Cha Xứ và Ban Trị Sự, Ngài luôn luôn mời gọi trong cộng đoàn những ai có khả năng, nhất là quý ông bà anh chị giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy ra giúp đỡ các em, cả một thế hệ tương lai đang trông chờ mong ước lắm thôi !
ĐIỀU HÀNH GIA ĐÌNH GIÁO LÝ VIÊN QUA CÁC GIAI ĐOẠN:
Trưởng Ban Trị Sự qua các khóa:
1- Giuse Phạm Quí Phúc (1982-1984)
2- Giuse Phạm Công Khanh (1984-1989)
3- Giuse Trần Quốc Dũng (1989-1993)
Nhiệm kỳ 1993 – 1997
1- Simon Nguyễn Hồng Phúc Trưởng ban
2- Giuse Phan Ngọc Bích Phó ban
3- Vinhsơn Nguyễn Quang Huy Phó ban
4- Maria Vũ Thị Lành Phụng vụ
Nhiệm kỳ 1997 – 2001
1- Simon Nguyễn Hồng Phúc Trưởng ban
2- Phaolô Nguyễn Phúc Lộc Phó ban
3- Giuse Trần Quốc Dũng Phó ban
4- Maria Phạm Thị Bích Loan Phụng vụ (1997-1999)
5- Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Bích Phụng vụ (1999-2001)
Nhiệm kỳ 2001 – 2005
1- Phaolô Nguyễn Phúc Lộc Trưởng ban (2001-2002)
2- Simon Nguyễn Hồng Phúc Phó ban
3- Giuse Phạm Tường Thanh Phó ban
4- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phụng vụ
Nhiệm kỳ 2005 – 2009
1- Simon Nguyễn Hồng Phúc Trưởng ban
2- Giuse Vũ Văn Ninh Phó ban
3- Giuse Phạm Trí Dũng Phó ban
4- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phụng vụ
Nhiệm kỳ 2009 – 2013
1- Giuse Vũ Văn Ninh Trưởng ban
2- Giuse Phạm Trí Dũng Phó ban
3- Giuse Phạm Tường Thanh Phó ban
4- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phụng vụ
Nhiệm kỳ 2013 – 2017
1- Gioan B. Nguyễn Văn Trung Trưởng ban
2- Giuse Phạm Trí Dũng Phó ban
3- Giuse Phạm Tường Thanh Phó ban
4- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phụng vụ
Nhiệm kỳ 2017 – 2021
1- Gioan B. Nguyễn Văn Trung Trưởng ban
2- Giuse Phạm Trí Dũng Phó ban
3- Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Trang Phó ban
4- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phụng vụ
Nhiệm kỳ 2021 – 2025
1- Simon Nguyễn Hồng Phúc Trưởng ban
2- Maria Nguyễn Thị Kim Thanh Phó ban
3- Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Trang Phó ban
4- Martino Nguyễn Ngọc Phúc Phó ban
5- Tôma Nguyễn Văn Bình Thư ký
– Số Giáo Lý Viên hiện nay : 80
– Tổng số Thiếu nhi đang theo học: 2.319
– Các cấp học được phân ra như sau :
GLV | DB. GLV Thực tập | Cấp/TSố | Khối | Học Viên | Lớp |
15 | 18 | Khai Tâm | 1 | 280 | 6 |
505 | 2 | 225 | 6 | ||
17 | 19 | Xưng Tội | 3 | 188 | 5 |
407 | 4 | 219 | 6 | ||
17 | 20 | Thêm Sức | 5 | 252 | 7 |
513 | 6 | 261 | 6 | ||
17 | Sống Đạo | 7 | 227 | 7 | |
414 | 8 | 187 | 6 | ||
8 | Vào Đời | 9 | 221 | 3 | |
412 | 10 | 191 | 4 | ||
1 | Dự bị GLV đang học | 68 | 1 | ||
5 | BTS | ||||
80 | 57 | 2.251 | 2.319 | 57 |
Thơ: NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
Người Huynh Trưởng, con là ai hở Chúa
Yêu tuổi thơ, những đôi mắt dại khờ
Rất nhiều lúc, con muốn thành trẻ nhỏ
Cùng các em, trong vũ điệu đơn sơ
Người Huynh Trưởng, con là ai hở Chúa
Chọn tuổi thơ, làm bạn để tâm tình
Có phải Chúa đã cho con chọn lựa
Yêu cuộc đời, mang tiếng gọi hy sinh
Người Huynh Trưởng, con là ai hở Chúa
Bởi những khi bận việc, với bận làm
Bỏ sinh hoạt, con nôn nao khó chịu
Có nhiều lúc con đành phải lặng câm
Người Huynh Trưởng, con là ai hở Chúa
Bước vào yêu thương, cây cỏ mầm non
Bỏ các em Chúa ơi ! con tội lắm
Lạc vào đời, chúng học những tình thâm
Người Huynh Trưởng, con là ai hở Chúa
Chúa bảo rằng: lúa chín rũ đầy đồng
Con chẳng dám xưng người thợ gặt
Xin dành yêu, trọn cánh đồng xanh
Là Huynh Trưởng, con là ai vậy Chúa
Sao đi đâu, cũng nhớ những người tình
Là các em Chúa ơi ! con thương lắm
Xin thương yêu! Chúa ơi xin thương yêu !
3 Tháng Mười Hai Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552)
https://hddmvn.net/3-thang-muoi-hai-thanh-phanxico-xavie-1506-1552/
Vào lúc đó, Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Balê. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatius ở Loyola, đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatius; và năm 1534, ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức giáo hoàng.
Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía Tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.
Lời Bàn
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để “ra đi và rao giảng cho muôn dân” (x. Mátthêu 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình, vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của chúng ta là thời giờ, và Thánh Phanxicô đã hy sinh thời giờ của ngài cho người khác.