Phụng Vụ: NGHIÊN CỨU GIÁO LUẬT
https://hdmenthanhgiagovap.info/category/hoc-hoi-nghien-cuu/giao-luat/
Một vài suy tư về thánh nhạc tại giáo xứ trong Giáo hội hiện nay
Adobe Stock |
Trong thời gian dạy các khóa về thánh nhạc tại đại học, tôi thường cảm thấy bị thách đố với câu hỏi: “Trong tương lai, tôi nên bắt đầu từ đâu khi cải thiện âm nhạc tại giáo xứ của mình?” – như thể là có một phương pháp phù hợp với tất cả mọi người để cải thiện âm nhạc trong Giáo hội phương Tây. Cuộc đối thoại sau đó có thể nhanh chóng trở thành cuộc tranh luận căng thẳng vì âm nhạc có thể trở thành nguyên nhân gây chia rẽ. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm vẻ đẹp thực sự, nhất là qua âm nhạc, chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc của sự gắn kết và hoà hợp.
Tôi thích việc đưa ra câu trả lời, bởi vì sau hai thiên niên kỷ hiện diện, Giáo hội đã cho chúng ta những lời giải đáp khôn ngoan mà chúng ta cần. Từ những gợi ý đa dạng mang tính âm nhạc trong Sách lễ Rôma, những quy tắc Phụng vụ về âm nhạc trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, và các tài liệu khác nhau về thánh nhạc, đến các bản văn được quy định để sử dụng trong Thánh lễ, cùng với nhiều lựa chọn hợp lệ và tốt đẹp khác, các nhạc sĩ có rất nhiều cơ hội để nuôi dưỡng nét đẹp và sự chân chính của nhạc phụng vụ Công giáo.
Dưới đây, tôi muốn đưa ra một vài ý tưởng:
Tán thành Thánh lễ hát
Sự qua đời của Đức Bênêđictô XVI làm tôi nhớ đến câu trích dẫn yêu thích của tôi trong cuốn “Tinh thần Phụng vụ” được ngài viết trước khi trở thành giáo hoàng: “Khi con người tiếp cận với Thiên Chúa, thì chỉ nói mà thôi thì chưa đủ”. Tôi tin rằng câu trích dẫn này, ở một thời điểm nào đó, có thể sẽ trở nên nổi tiếng giống như câu nói của Thánh Augustinô: “Hát là cầu nguyện hai lần”.
Cả hai câu trích dẫn này đều soi sáng cho chúng ta về tầm quan trọng của Thánh lễ hát. Đức Bênêđictô giải thích các lĩnh vực hiện hữu của con người “được đánh thức và tự động biến thành bài ca”. Ngay cả hiện nay, việc ca hát đã và đang là một hình thức ngợi khen cao nhất dành cho Thiên Chúa. Điều này không chỉ đúng trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại, mà còn trong lịch sử của Kitô giáo. Hãy xem bài ca của dân Israel, sau khi vượt qua Biển Đỏ, được đồng thanh hát lên để tán dương sức mạnh Thiên Chúa như được diễn tả trong Xuất hành 15, 1: “Tôi xin hát mừng Chúa, Ðấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương”.
Trong chiều hướng này, lời khuyên của tôi dành cho các sinh viên là hãy cộng tác với các linh mục quản xứ để phát triển một kế hoạch triển khai Thánh lễ hát. Điều này có nghĩa là, không chỉ đơn thuần là hát trong Thánh lễ, mà là hát Thánh lễ.
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma cho chúng ta biết: “Khi chọn những phần để hát, thì phải dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát” (Số 40). Quy Chế nói thêm, “Linh mục rất nên hát những phần có phổ nhạc trong kinh nguyện Thánh Thể” (Số 147).
Việc dạy cộng đoàn hát những câu đối đáp khác nhau, ngay cả bằng những âm điệu đơn giản, rất hiệu quả xét về mặt âm nhạc vì nhiều lý do. Trước hết, tín hữu Công giáo thường đối đáp rất tốt với các giáo sĩ. Thứ đến, với việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, giáo dân đã có thể quen thuộc với các câu đáp bằng tiếng bản xứ, và với việc hát những giai điệu đơn giản, họ có thể dễ nhớ những câu đối đáp này hơn. Ngoài ra, việc hát cũng mang lại cho bản văn sức sống, và ý nghĩa mới và đặc biệt là trang trọng hơn.
Nhưng liệu chúng ta nên bắt đầu Thánh lễ hát từ đâu? “Hãy bắt đầu đơn giản bằng một cuộc đối thoại”. Bài thánh ca đơn giản đôi khi có thể hiệu quả nhất và đẹp nhất vì có thể thu hút mọi người tham gia và dễ dàng thuộc.
Nuôi dưỡng vẻ đẹp trong Thánh nhạc
Mỗi chúng ta đều từng trải nghiệm vẻ đẹp và có sở thích cá nhân về loại nhạc và lời bài hát theo những cách thế khác nhau. Về điều này, Đức Giáo hoàng Piô X có những lời khuyên rất rõ ràng: “Thánh nhạc phải có những phẩm chất Phụng vụ thích hợp, trước hết bài ca phải thánh, phải là nghệ thuật đích thực; đồng thời, phải được bắt nguồn từ tính phổ quát”. Ngài coi Ca điệu Grêgoriô (Nhạc bình ca) là hình mẫu tuyệt vời cho tất cả thánh nhạc và sáng tác thánh nhạc.
Tuy nhiên dù là thể loại âm nhạc nào, điều quan trọng là phải nhận ra rằng không gì có thể thay thế được nét đẹp. Có nghĩa là, chẳng ai thích tham gia một ca đoàn hát nghe tệ cả. Vì vậy, tôi khuyên các sinh viên, dù họ hát gì, hãy đảm bảo rằng âm nhạc của họ được trình diễn với vẻ đẹp và sự trang nghiêm phù hợp với Thánh lễ. Đôi khi, những bản nhạc đơn giản được hát hay còn tốt hơn bản nhạc phức tạp nhưng không tôn lên vẻ đẹp. Để làm được điều này, cần nhận ra những điểm mạnh và khả năng của người hát– cả ca xướng viên lẫn các ca viên – và xây dựng từ đó.
Trong bài diễn từ dành cho các nghệ sĩ vào tháng 02.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy rằng: “Một nghệ sĩ đích thực có thể nói về Thiên Chúa tốt hơn bất kỳ ai khác, khi giúp cho mọi người cảm nhận được vẻ đẹp và sự thiện hảo của Thiên Chúa đồng thời, ‘chạm đến trái tim con người và làm cho nét chân và thiện của Chúa phục sinh tỏa sáng trong tâm hồn họ’”.
Điều quan trọng nữa là phải nhận ra rằng vẻ đẹp có thể được thể hiện theo những cách thức khác nhau. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ dành cho các giám mục Hoa Kỳ dịp ad limina vào ngày 09/10/1998, về việc tham gia tích cực vào Phụng vụ, cho thấy rằng chúng ta cũng có thể tham gia thông qua việc lắng nghe: “Sự tham gia tích cực không loại trừ sự thụ động tích cực của sự thinh lặng, tĩnh lặng và lắng nghe, vì thực ra, những yếu tố này rất cần thiết. Những người tham gia việc thờ phượng không thụ động, chẳng hạn như khi họ lắng nghe các bài đọc hoặc bài giảng, chú tâm vào những lời nguyện của chủ tế, và những bài thánh ca và nhạc phụng vụ. Đây là những trải nghiệm về sự thinh lặng và tĩnh lặng, nhưng theo cách riêng và mang tính năng động sâu xa. Ở những nơi mà nền văn hóa không có thói quen suy niệm trong thinh lặng thì người ta rất khó lĩnh hội nghệ thuật lắng nghe bằng nội tâm. Ở đây, chúng ta thấy Phụng vụ, một đàng phải luôn được hội nhập văn hóa một cách thích hợp, nhưng đàng khác, cũng phải biết giúp văn hóa thấm nhuần Kitô giáo”.
Giống như việc chúng ta được truyền cảm hứng từ nghệ thuật và kiến trúc đẹp của một tòa nhà cho dù không tham gia vào tiến trình xây dựng, thì trong Phụng vụ, chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của âm nhạc thông qua việc lắng nghe tích cực.
Cũng với lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Sự tham gia cách ý thức kêu gọi toàn thể cộng đoàn được hướng dẫn đúng đắn về các mầu nhiệm Phụng vụ, kẻo trải nghiệm thờ phượng bị thoái hoá thành một hình thức nghi lễ” (sđd.,).
Hiểu rõ vai trò của Âm nhạc và Nhạc sĩ trong Phụng vụ
Là một nhạc sĩ, tôi có thể nói rằng thật dễ để đưa sở thích cá nhân của mình vào phụng vụ. Tuy nhiên, điều này không đúng, bởi vì, Giáo hội đã có những hướng dẫn rõ ràng và chính xác về những gì chúng ta, với tư cách là nhạc sĩ Công giáo, phải làm.
Tôi dành nhiều thời gian để chỉ cho các sinh viên làm sao để tìm ra điều mà Giáo hội đòi hỏi và chúng ta nên thi hành phận vụ của mình như thế nào. Trong nhiều khía cạnh của việc lên kế hoạch cho việc cử hành phụng vụ, thường có nhiều lựa chọn, và mỗi giáo xứ có khả năng chọn lựa âm nhạc nhằm thể hiện nét đẹp của Phụng vụ nơi cộng đoàn của mình.
Do đó, điều cần thiết là các nhạc sĩ phải nắm bắt về Luật chữ đỏ như được quy định trong Sách lễ Rôma, trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, và trong Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ Thánh Musicam Sacram. Những nguồn này cung cấp những hướng dẫn rõ ràng của Giáo hội hoàn vũ về âm nhạc trong Phụng vụ. Khi một nhạc sĩ hiểu được những Chỉ dẫn chữ đỏ này, họ có thể cộng tác với cha xứ và linh mục trong giáo xứ để sao cho vừa đi đúng đường hướng chung mà vẫn luôn có chỗ cho sự sáng tạo và các lựa chọn của mình.
Hãy là những tín hữu Công giáo!
Cuối cùng, tôi khuyên các sinh viên đó là: Hãy là những tín hữu Công giáo đích thực trong âm nhạc mà họ chọn. Ý của tôi là, trước hết, hãy chọn âm nhạc từ chính truyền thống của mình nếu có sẵn một gợi ý tốt. Thứ đến, hãy chắc chắn rằng âm nhạc được sử dụng trong phụng vụ phù hợp với tất cả những gì Giáo hội dạy.
Trong suốt cuộc trao đổi này với sinh viên, tôi muốn nhắc họ rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm thuận lợi để trở thành những nhạc sĩ của Giáo hội, vì trong thánh nhạc, chúng ta được trang bị tốt với sự hướng dẫn của Giáo hội cho công việc khó khăn phía trước!
Cũng trong buổi tiếp kiến với nhóm nghệ sĩ vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận vai trò quan trọng của nhạc sĩ:
“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại mà thế giới đang trải qua, khi mà nỗi buồn và đau khổ dường như chiếm ưu thế, thì sứ mạng của anh chị em càng cần thiết hơn bao giờ hết, bởi vì cái đẹp luôn là nguồn vui, đưa chúng ta chạm tới với sự thiện hảo của Thiên Chúa”.
Một số qui tắc chung về âm nhạc
“Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình.
Nếu không chọn được người hát, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy khó quá, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.
Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần, và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực.
Để giúp tín hữu tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn”. (Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ Thánh, Musicam Sacram, 1967, số 8 -10)
Tác giả: Chaz Bowers* – Nguồn: The Priest (28/7/2023)
Lược dịch: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP – Dòng Đa Minh Thánh Tâm
* Chaz Bowers là giám đốc âm nhạc của Giáo xứ St. Michael the Archangel, Pittsburgh, Pennsylvania, đồng thời là giáo sư phụ giảng về đàn organ và thánh nhạc tại Đại học Franciscan ở Steubenville, Ohio, Hoa kỳ. Ông là một nhà soạn nhạc đã xuất bản về nhạc giáo đường, và từng là trưởng khoa của Pittsburgh thuộc American Guild of Organists.
https://giaophanvinhlong.net/mot-vai-suy-tu-ve-thanh-nhac-tai-giao-xu-trong-giao-hoi-hien-nay.html