Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 10 thường Niên A Mình và máu Thánh Chúa Kitô 11.06.2023

HỌC HỎI PHÚC ÂM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA NĂM A

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

CÂU HỎI TÌM HIỂU

  1. Đức Giêsu giảng bài Tin Mừng này khi nào và ở đâu? Đọc Ga 6,17.24.59.
  2. Trong bài Tin Mừng này, có bao nhiêu động từ “sống” và “sống lại”, bao nhiêu danh từ “sự sống”, bao nhiêu tính từ “hằng sống”?
  3. Tìm trong câu Ga 6,51 một từ không có trong Ga 6,32-50.
  4. Câu Ga 6,51 có nói về cái chết kinh khủng của Đức Giêsu không? Đức Giêsu chết cho ai?
  5. Đọc Ga 6,48-51. Manna và Bánh hằng sống có gì giống nhau? Đọc chương 16 sách Xuất hành. Bánh hằng sống trổi vượt trên Manna về những điểm nào?
  6. Đối với người Do-thái, thịt và máu tương trưng cho điều gì? Đọc Mt 16,17. Người Do-thái nghĩ gì về việc ăn thịt và uống máu một người? Đọc Sáng thế 9,4; Lêvi 3,17.
  7. Tin Mừng theo thánh Gioan có thuật lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể không? Tìm những từ Đức Giêsu nói về Bí tích này trong bài Tin Mừng hôm nay.
  8. Đọc Ga 6,56 và 15,9-12. Hãy cho biết hai cách thức giúp ta ở lại trong Chúa Giêsu.

Đọc Ga 6,57. Đâu là hiệu quả của việc rước lễ?

GỢI Ý SUY NIỆM

Bạn nghĩ gì về việc rước lễ của bạn? Bạn rước lễ chỉ vì thói quen hay có sự chuẩn bị kỹ càng? Bạn có coi rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Tại sao việc rước lễ lại không làm cuộc đời chúng ta biến đổi?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Theo Tin Mừng thứ tư, sau khi chứng kiến Đức Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều ở bên kia hồ Galilê (Ga 6,1), các môn đệ đã lên thuyền trở lại Ca-phác-na-um ở bên này hồ (Ga 6,17). Sau đó Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ, rồi vào con thuyền của họ để đến hội đường ở Ca-phác-na-um, gần bờ hồ (Ga 6,24.59). Chính tại đây Ngài đã giảng một bài dài về Bánh hằng sống.
  2. Trong bài Tin Mừng này, có 3 động từ sống (Ga 6,51.57.58), có 1 động từ sống lại (Ga 6,54), có 3 danh từ sự sống (Ga 6,51.53.54), và có 2 tính từ hằng sống (Ga 6,51.57). Như vậy tuy bài Phúc âm chỉ gồm 8 câu, nhưng các động từ sống sống lại được nhắc đến nhiều lần; danh từ sự sống và tính từ hằng sống cũng vậy. Điều đó cho thấy bí tích Thánh Thể tự bản chất là bí tích của sự sống. Đây không phải là sự sống thể lý chóng qua, nhưng là sự sống muôn đời (Ga 6,51.54.58).
  3. Trong Gioan 6,51 có một từ không thấy có ở Ga 6,32-50, đó là từ thịt. Trong phần đầu của bài giảng (Ga 6,32-50) Đức Giêsu đã nhiều lần nhận mình là Bánh từ trời xuống, là Bánh hằng sống và là Bánh ban sự sống. Ngài mời mọi người tin vào Ngài (Ga 6,35.40.47), nghĩa là đến với Ngài (Ga 6,35.37.44.45). Ngài mời họ tin rằng Ngài là Đấng từ trời xuống (Ga 6,33.38.41.42.50), nhờ đó được sự sống đời đời. Trong phần thứ hai của bài giảng (Ga 6,51-58), Đức Giêsu vẫn nhận mình là Bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6,51.58), nhưng ta không thấy động từ tin xuất hiện nữa, thay vào đó là hai động từ ănuống xuất hiện trong nhiều lần trong từng câu của Ga 6,51-58. Ở đây là ăn thịt và uống máu của chính Đức Giêsu (Ga 6,53.54.56).Như vậy trong phần thứ hai này, chủ đề về bí tích Thánh Thể nổi bật hơn nhiều.
  4. Trong câu Ga 6,51b: “Và bánh tôi sẽ ban là thịt của tôi, cho (huper) sự sống của thế gian”, ta thấy hàm ý về cái chết của Đức Giêsu. Qua cái chết thập giá, Ngài sẽ ban tấm bánh là chính thịt của Ngài cho thế gian, nhờ đó thế gian được sống đời đời. Câu Ga 6,51b khá gần với câu nói của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu chết, ở Lc 22,19: “Đây là mình của Thầy được ban cho anh em.” Cả hai câu đều dùng cùng một động từ ban (didômi) và giới tự cho (huper). Nhưng ở Ga 6,51b, Đức Giêsu ban thịt của mình “cho cả thế gian”, còn trong khung cảnh bữa tiệc Thầy-trò ở Lc 22,19, Đức Giêsu chỉ nói ban “cho anh em”.
  5. Manna là “bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn’ (Xh 16,15), “bánh từ trời mưa xuống” (Xh 16,4). Đó là một thứ gì mịn màng như sương muối phủ trên mặt đất lúc ban sáng (Xh 16,14). Dân Israel mỗi ngày, trừ thứ bảy, phải đi lượm về, rồi nấu nướng để ăn, trong suốt 40 năm họ đi trong hoang địa (Xh 16,35), nhờ đó họ khỏi phải chết đói (Xh 16,3).

Còn “Bánh hằng sống” là chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống, không phải từ bầu trời, nhưng từ thế giới của Thiên Chúa. Manna chỉ là thứ thức ăn từ trời rơi trên mặt đất, còn Đức Giêsu là Ngôi Lời từ trời xuống trong thế gian. Bánh hằng sống giúp nuôi sống con người. Bánh này không giúp con người tránh khỏi cái chết của thân xác, nhưng tránh khỏi cái chết đời đời, và được hưởng sự sống muôn đời. Manna vừa không giúp tránh khỏi cái chết đời đời, vừa không cho con người được sống muôn đời bên Thiên Chúa. Bánh hằng sống mà Đức Giêsu ban chính là thịt của Ngài (Ga 6,51b). Ngôi Lời nhập thể đã chấp nhận chết để nuôi sống thế gian này bằng chính con người mình. Như thế, Tấm bánh Giêsu trổi vượt hơn Manna về mọi mặt.

  1. Đối với người Do-thái, thịt và máu là hai yếu tố quan trọng làm nên một con người trong thân phận yếu đuối. Khi Phêrô trả lời được câu hỏi của Đức Giêsu: “Thầy là ai?” Ngài đã cho ông biết chính Cha trên trời mặc khải cho ông mầu nhiệm ấy, chứ không phải thịt và máu đâu (Mt 16,17). Thịt và máu ở đây để chỉ con người với những yếu đuối, bất toàn và giới hạn.

Người Do-thái rất sợ khi nghe đến việc ăn thịt và uống máu một người. Ngay cả uống máu thú vật cũng bị Luật Môsê cấm (Lêvi 3,17; Sáng thế 9,4; Cv 15,29). Vậy mà trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu lại nói đến việc phải ăn thịt và uống máu của Ngài. Tuy nhiên, đây là thịt và máu dưới hình bánh và rượu, đã được thánh hiến trong bí tích Thánh Thể. Khi thông hiệp với bánh và rượu đã được thánh hiến, chúng ta được thông hiệp với thịt và máu Chúa, nghĩa là thông hiệp với chính Chúa. Chúng ta sẽ được “ở lại trong Chúa” (Ga 6,56), và “sống nhờ” Chúa (Ga 6,57).

  1. Tin mừng theo thánh Gioan không thuật lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, nhưng bài Tin Mừng hôm nay lại là một bài giảng có ý nghĩa về bí tích cực trọng này. Trong bài giảng này, Đức Giêsu đã nói nhiều lần cụm từ ăn thịt và uống máu của Con Người (Ga 6,53), ăn thịt tôi và uống máu tôi (Ga 6,54.56). Lối nói này chỉ có thể hiểu được trong bầu khí của bí tích Thánh Thể được cử hành bởi các tín hữu sau khi Thầy Giêsu đã phục sinh.
  2. Hai cách thức giúp ta ở lại trong Chúa Giêsu và Ngài ở lại trong ta, đó là: ăn thịt và uống máu Ngài trong bí tích Thánh Thể (Ga 6,56) và yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em (Ga 15,9-12). Hiệu quả quan trọng của việc rước lễ đó là: “…kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ (dia) tôi mà được sống” (Ga 6,57). Như thế người rước lễ được hưởng sức sống của Chúa Giêsu phục sinh. Sức sống này cũng là sức sống Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu, nên có thể nói, người rước lễ được hưởng sức sống của chính Thiên Chúa Cha.
  3. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoc-hoi-phuc-am-le-minh-mau-thanh-chua-nam-a-51011

Chúa Nhật X Thường Niên – Lễ Mình Thánh Chúa – Thịt Tôi là Của Ăn Thật – Giải thích bản văn Tin Mừng

Ga 6,51-59: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Để có thể hiểu văn mạch của đoạn 6,51-58, cần phân tích cấu trúc của chuơng 6. Chương nầy gồm hai đoạn: tường thuật hai câu chuyện làm bánh hoá ra nhiều (cc. 1-15) và Chúa Giêsu đi trên nước (cc. 16-21), và diễn từ về Bánh hằng sống tại hội đường ở Capharnaum (cc. 22-59). Diễn từ nầy có thể chia thành hai phần: 6,22-40 và 6,41-58. Phần còn lại của chương 6 là đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người về sự thách đố của diễn từ đối với họ (cc. 60-65), và đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô về căn tính của Người (cc. 66-71).

Đoạn 6,41-59 có thể chia thành hai phần: – Chúa Giêsu nói về bánh ban từ trời xuống (6,41-51); và Chúa Giêsu ban bánh nầy làm của ăn (6,52-59). Hai đoạn nói kết với nhau qua từ ngữ “sarx” (cc. 51.52). Đoạn tin mừng của Chúa nhật hôm nay thuộc về phần hai. Phần nầy dẫn vào bằng câu hỏi của người Do thái về việc ban thịt để ăn (c. 52) và diễn từ kết thúc với câu 59.  Trong khi đó các câu 53-58 khai triển chủ đề “ăn thịt” và “uống máu”.

Câu hỏi của người Do thái (c. 52). Trong cuộc tranh luận trước với người do thái, từ vấn đề “bánh bởi trời” (c. 31) Chúa Giêsu dẫn họ đến tuyên bố Người là bánh hằng sống thật (c. 35), rồi “Tôi là bánh từ trời xuống” (c. 41); và cuối cùng, bánh bởi trời xuống nầy chính là “thịt của Tôi” (c. 51). Tuy nhiên, người do thái không hiểu những điều Người nói (x. 6,41-42.52). Họ hiểu “sarx” là “thịt” theo nghĩa đen, là phần thịt mềm bao bọc xương cốt của của thân thể đang sống, chung cho người và thú vật (x. 3,6). Cách đặt câu hỏi “Làm sao có thể”, pōs dunatai, diễn tả ý nghĩ là điều ấy không thể xảy ra được. Như Nicôđêmô nghĩ là một người khi đã già rồi, không thể sinh ra lại được (3,4.9); như người Pharisêô nghĩ là Thiên Chúa không thể nhận lời một người tội lỗi để cho người đó làm phép lạ (9,16). Vậy, trong câu hỏi người do thái muốn nói là đối với họ không thể có chuyện Chúa Giêsu lấy “thịt” của Người cho họ ăn được.

Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 53-58). Các câu nầy được khai triển theo cấu trúc đối đảo:

  1. 6,53: Người không ăn và uống máu …không có sự sống đời đời
  2. 6,54: Người ăn.. có sự sống đời đời
  3. 6,55: Thịt Thầy thật là của ăn và Máu Thầy thật là của uống.

B’  6,56: Người ăn…ở trong Thầy cũng như Thầy ở trong người ấy

A’. 6,58: Cha ông … đã chết

Cách trình bày với cấu trúc nầy muốn nhấn mạnh sứ điệp chính nằm ở câu 55 là thịt và máu của Người mới là của ăn và của uống thật (6,55).

Sars” và “haima” của Người Con Nhân Loại (c. 53) là xác và máu của Con Thiên Chúa làm người, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (1,14). Tước hiệu “Người Con Nhân Loại” gắn liền với kinh nghiệm cuộc thương khó, cái chết và phục sinh. Do đó, có thể hiểu là Chúa Giêsu ban thịt và máu nầy trong cái chết và sống lại của Người; bởi đó thịt và máu nầy mang lại sự sống đời đời.

Hành động trōgō sarx “nhai thịt”, và pinō haima “uống máu” của Người được lập lại tới bốn lần trong mỗi câu (cc.54.56.57.58). Đến lúc phải thực hành. Trong ngữ cảnh của chương 6, dân chúng đói khát, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều cho họ ăn (6,1-13). Họ muốn tôn Người làm vua, vì Người giải quyết được lương thực cho họ (6,15), và họ tìm kiếm Người chỉ vì mục đích nầy, “bởi vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (6,24-26). Câu chuyện nầy được thuật lại với mục đích giáo huấn là họ cũng phải đi xa hơn và tìm kiếm của ăn chân thật do Chúa Giêsu ban.  Động từ trōgō, “nhai, ngấu nghiến” diễn tả hành động đưa thức ăn vào thân thể cách cụ thể và hiện thực hơn cả động từ ethiō, “ăn”. Vậy, Người là Bánh để được ăn, và Máu để được uống. Lời giáo huấn nầy nhắm đến mọi người.

Hiệu quả của việc ăn uống nầy là để “có sự sống đời đời” (c. 53) và “ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (c. 56). Về “sự sống đời đời”, muốn có sự sống nầy phải tin vào Con Thiên Chúa (3,15.16; 3,16; 6,47); nghe lời Con Thiên Chúa và tin vào Người (5,24).

Chính trong sarxhaima nầy chứa đựng sự sống nầy. Nói cách khác đây là sarxhaima của Đấng Sống Lại. Động từ anistēmi “làm cho chỗi dậy” trong Gioan thường dùng cho Chúa Giêsu. Chính Người làm cho người tin vào Người hoặc ăn thịt và uống máu Người được chỗi dậy “trong ngày sau hết” (6,36.40.44.54). Chúa Giêsu có sự sống trong Người (10,28; 17:2). Theo nghĩa nầy và trong viễn cảnh của sự sống lại ngày sau hết, sarxhaima là của ăn và của uống thật (c. 55). Về của ăn, brōsis, Chúa Giêsu đã dùng chữ nầy để chỉ chính của ăn của Người (4,32). Đây là của ăn thật, alethēs, vì của ăn nầy có đặc tính là không hư nát mà tồn tại trong sự sống đời đời, và do Chúa Giêsu ban cho (6,27). Điều nầy sẽ được thực hiện cách dứt khoát trong bữa Tiệc Ly. Vậy của ăn thật chính là của ăn do Chúa Giêsu ban trong đó có sự sống đời đời.

Hai câu tiếp theo 57 và 58 giải thích về nguồn mạch của sự sống đời đời trong của ăn và thức uống thật. Chúa Giêsu đặt sự sống nầy trong tương quan với Chúa Cha. Người cho thấy sự sống nơi Người đến bởi Chúa Cha, dia ton patera (c.57). Như thế chính nơi Người, thịt và máu, có sự sống đời đời; bởi đó, ai ăn Người, được sống nhờ Người, dia eme. Gioan thường dùng cách trình bày là mọi tương quan thông hiệp với Chúa Giêsu đều gắn liền với Chúa Cha như là nguồn mạch; qua đó làm nên một thực thể duy nhất: làm vinh danh (5,23); yêu mến (15,9); tuân giữ giới răn (15,10); ở trong (17,21), sai đi (20,21). Vậy, Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Câu 58 tổng kết lại những điều đã đề cập trước trong diễn từ. Chúa Giêsu nhắc lại “bánh bởi trời”, manna, mà người do thái nghĩ là do Môsê ban cho (c. 31). Người tuyên bố là cha ông họ đã ăn bánh ấy và đã chết, vì không phải là bánh thật. “Bánh thật bởi trời”, chú ý tính từ alethinon “thật”, chỉ do Thiên Chúa ban (6,32-33). Bánh nầy ban sự sống đời đời. Phần cuối của câu 58 lập lại từng chữ trong câu 51 “bánh nầy ban sự sống đời đời” để đóng khung lại diễn từ về bánh hằng sống.

Chúa Giêsu là của ăn và của uống thật. Đời sống đức tin chỉ được nuôi dưỡng bằng lương thực nầy. Chúa Giêsu ban chính Người cho chúng ta. Hãy đến lãnh nhận mà ăn.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

https://tonggiaophanhue.org/loi-chua/bai-giang-chua-nhat-le-trong/chua-nhat-x-thuong-nien-le-minh-thanh-chua-thit-toi-la-cua-an-that-giai-thich-ban-van-tin-mung/

Bài giảng Chúa nhật: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A

Bài giảng Chúa nhật: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. (Ga 6,51)

Mình Máu Thánh Chúa! Một mầu nhiệm vừa tế nhị vừa rất khó hiểu.

I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta

Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:

1/ Cho con gái ông Giairô mới chết được sống lại.

2/ Phục sinh chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,

3/ Cuối cùng là phục sinh Lazarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.

Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Màu nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”(Ga 6,55)

Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.

Vào thế kỷ thứ 8 tại Lanciano nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh rượu thì lập tức Phép lạ đã xảy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.

Đây là phép lạ hàng đầu- và có thể coi là phép lạ lớn nhất trong số hơn 40 phép lạ Chúa đã làm trải dài qua dòng thời gian cho đến ngày hôm nay, để củng cố niềm tin của con người trước mầu nhiệm kỳ diệu này.

Phép lạ tại Lanciano còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay tại nhà thờ Thánh Phanxicô bên Ý. Giáo quyền đã cho phép thực hiện nhiều cuộc giảo nghiệm do giáo quyền cùng làm việc với những người chuyên môn:

Năm 1574 do Đức Cha Rodriguez.

Năm 1637 do Cha Tổng đại diện Giáo phận

Năm 1770 do Đức Cha Cervasone

Năm 1886 do Đức Cha Fetrarco

Và gần đây nhất vào thời đại của chúng ta, do nhu cầu cần phải xác minh thêm một lần nữa, giáo quyền đã cho phép thực hiện một cuộc giảo nghiệm mới, với những phương tiện mới hơn để khẳng định một cách khách quan hơn về tính cách lạ lùng của Phép lạ này.

Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc tế nhị và khó khăn này.

Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartelli thuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.

Công việc được thực hiện một cách hết sức khoa học và nghiêm túc. Đến ngày 4/3/1971 tại nhà thờ Thánh Phanxicô chính Giáo sư Linoli chủ tọa buổi đúc kết công trình nghiên cứu trước sự hiện diện của giáo quyền, chính quyền, đại biểu giới văn học, y học. Các cuộc phân tích được minh họa bằng một loạt các hình ảnh chụp dưới kính hiển vi.

Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải

1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.

2. Thịt và máu là thịt và máu của con người

3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B

4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.

5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.

6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu của một người sống thực sự.

7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.

8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.

9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.

10. Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.

11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật…là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.

Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lanciano.

II. CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ?

a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20)

Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngay từ trong Cựu Ước, ý muốn đó đã được nói lên:

* Nói lên bằng lời: “Niềm vui của Ta là được ở giữa loài người.”

* Nói lên một cách cụ thể bằng hòm bia thánh.

* Nói lên bằng một việc làm cụ thể: Đó là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể – nói theo Cha Teilhard de Chardin – là để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.

b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.

Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.

Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.

c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.

Trong cuộc khủng hoảng con tin xảy ra ở Perou cách đây không lâu. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thủ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.

Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”

Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.

Chúa Giêsu cũng thế. Đây là tâm sự của cha Jacques Loew: “Tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-le-minh-mau-thanh-chua-nam-a-31594

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ 10 TN, LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. A
 

 (Ga 6:51-59) 

THẦN LƯƠNG

 Chính Ta là bánh trường sinh,

Ai ăn sẽ sống, thiên linh rạng ngời.

Bánh từ trời xuống trong đời,

Thịt ban sự sống, cho người trần gian.

Nhóm người Do-thái lạm bàn,

Làm sao thịt máu, trao ban cho đời?

Còn Ta bảo thật các người,

Nếu không ăn Thịt, Ngôi Lời Ta đây,

Và không uống Máu Thánh nầy,

Sẽ không được sống, cùng Thầy mãi đâu.

Ai ăn Thịt Máu nhiệm mầu,

Muôn đời sự sống, thỉnh cầu phúc ân.

Thịt Ta là thật của ăn,

Máu Ta nguồn sống, thế nhân gọi mời,

Thân Ta lương thực bởi trời,

Dưỡng nuôi người thế, sống đời thánh nhân.

Man-na ban xuống gian trần,

Ăn rồi phải chết, xác thân bụi tàn.

Thần lương Thánh Thể Cha ban,

Chan hòa sức sống, tràn lan phúc lành.

 Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh hằng sống, ai ăn, sẽ được sống đời đời.” Đây chính là bánh trường sinh giúp chúng ta chia xẻ cuộc sống đời đời. Bánh trường sinh do từ thân thể trường sinh. Chúa Giêsu muốn ở lại với Giáo Hội và Ngài muốn thân xác của Ngài trở nên của ăn, của uống dưỡng nuôi con người. Bánh miến kết hợp bởi muôn hạt miến và rượu nho ép từ những trái nho được thánh hiến để trở nên của ăn, của uống nuôi dưỡng thân xác và linh hồn.

Không có tình yêu nào cao qúy hơn là hiến mạng sống mình làm của nuôi hồn. Chúa Giêsu muốn chia xẻ chính thiên tính và con người của Ngài cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta nhận lãnh Mình và Máu của Chúa là chúng ta được tháp nhập vào đời sống của Chúa. Mình và Máu Chúa đã thấm nhập và hòa tan trong thân xác hay chết của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng được chia phần sự sống đời đời với Chúa.

Ai trong chúng ta cũng muốn sống, sống mãi và sống khỏe. Con người đã đang tìm mọi cách để bảo vệ, gìn giữ và kéo dài sự sống. Đã có nhiều người mơ ước được sống trẻ mãi, không già và không chết. Họ đã tìm kiếm những thang thuốc bổ trường sinh và cây sâm ngàn năm để tăng tuổi thọ. Cuối cùng mọi người ai cũng chết thôi.

Chúa Giêsu đã chọn cách thế tuyệt hảo nhất để dưỡng nuôi hồn xác chúng ta. Như hình ảnh người mẹ nuôi con, mẹ cho con bú do chính những giọt sữa là máu thịt của mẹ. Mẹ truyền thụ cho con cái chính sự sống mình. Chúa Giêsu đã dùng Thịt và Máu của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể như của ăn không hư nát, dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Truyện kể: Ngày nọ, đang khi học hỏi về Bí Tích Thánh Thể, anh chị em dự tòng thắc mắc và đã đưa ra câu hỏi. Bí Tích Thánh Thể cao qúi và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như thế, tại sao nhiều người bỏ lễ, đứng ở ngoài và phần lớn không lên rước Mình Thánh Chúa. Cũng thật khó trả lời. Vì đây là vấn đề thiêng liêng và riêng tư. Chúng ta có thể góp ý như thế này, thí dụ: Họ có thể yếu kém giáo lý, thiếu hiểu biết về Chúa, yếu đức tin, thiếu ý thức đới sống thiêng liêng, giữ luật dự lễ vì sợ phạt, không muốn làm hơn điều đòi hỏi hoặc vì lười biếng…

Bí Tích Thánh Thể là do chính Chúa Giêsu lập và nhắc nhở rằng các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Chính Chúa mời gọi: Ai ăn Thịt Ta, sẽ có sự sống đời đời. Nếu chúng ta muốn được tham dự vào sự sống muôn đời hãy tiếp nhận Chúa. Chúa không lừa dối chúng ta đâu.

THỨ HAI, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 5, 38-42).

HIỀN LÀNH

Luật xưa răn dậy công bằng,

Mắt thì đền mắt, lấy răng đền răng.

Có qua có lại hay chăng,

Thù hằn báo oán, chẳng bằng thứ tha.

Chúa rằng đừng chống người ta,

Hiền lành nhân ái, hải hà khoan dung.

Con người lữ khách có cùng,

Đỡ nâng hòa thuận, sống chung hiền lành.

Người hơn kẻ kém đã đành,

Hơn nhau ý chí, thực hành ái nhân.

Nội tâm sâu thẳm, ai cân,

Rộng lòng quảng đại, dương trần luyện tâm.

Con đường theo Chúa âm thầm,

Giúp người cơ nhỡ, đường lầm vượt qua.

Sống đời bác ái vị tha,

An bình thư thái, ngọc ngà quí thay.

 THỨ BA, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 5, 43-48).

YÊU THƯƠNG

Lời xưa răn dậy thế này,

Bà con lối xóm, tỏ bày yêu thương.

Địch thù xuất hiện trên đường,

Tránh xa, ghen ghét, tựa nương làm gì,

Điều răn Chúa dạy chi li,

Thương yêu thù địch, từ bi với người.

Làm ơn kẻ ghét các ngươi,

Cầu xin chúc phúc, tươi cười thứ tha,

Chúa ban mưa xuống thuận hòa,

Kẻ lành người dữ, hải hà phúc vinh.

Yêu thương những kẻ yêu mình,

Chẳng còn công phúc, ánh vinh cuộc đời.

Hãy nên hoàn hảo cao vời,

Thực hành bác ái, yêu người thế nhân.

Tạ ơn Thiên Chúa vô ngần,

Thương ban phúc lộc, tinh thần lạc an.

 THỨ TƯ, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 1-6. 16-18).

GIẢ HÌNH

Giê-su nhắn nhủ đừng nên,

Phô trương công đức, xưng tên giữa đời.

Thi hành việc thiện với người,

Âm thầm bố thí, rạng ngời đức công.

Tránh đừng hình thức viển vông,

Giả hình đạo đức, thổi phồng cái tôi.

Nhiều người xưng tụng đãi bôi,

Thổi loa loan báo, tô vôi thói đời.

Chúa khuyên giữ kín mọi lời,

Trả công bội hậu, cuộc đời mai sau.

Nguyện cầu phòng kín đêm thâu,

Cha ngươi thấu suất, ẩn sâu trong lòng.

Ăn chay rửa mặt sáng trong,

Xức dầu thơm ngát, thong dong nhẹ nhàng.

Tươi cười rạng rỡ ca vang,

Tinh thần an lạc, dẫn đàng phúc vinh.

  THỨ NĂM, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 7-15).

CẦU NGUYỆN

Sấp mình cầu nguyện sớm mai,

Tạ ơn Thiên Chúa, dạy bài cầu kinh.

Trên trời Chúa ngự uy linh,

Danh Cha cả sáng, phúc vinh cao vời.

Nước Cha trị đến ngàn đời,

Ý Cha thể hiện, cõi trời cao siêu.

Cũng như dưới đất mọi điều,

Hằng ngày lương thực, ban nhiều hôm nay.

Xin Cha tha nợ lỗi này,

Chúng con tha kẻ, nợ vay trong đời.

Đừng sa cám dỗ gọi mời,

Thoát nguy sự dữ, sống đời thánh ân.

Xin tha lầm lỗi tội nhân,

Chúa thương tha thứ, canh tân tâm hồn.

Thọ ban ân nghĩa càn khôn,

Vinh danh Thiên Chúa, thiên tôn rạng ngời.

  THỨ SÁU, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 19-23).

GIA TÀI

Gia tài của cải trần gian,

Kho tàng dưới đất, sẽ tan một ngày.

Tiền vàng mối mọt thoáng bay,

Cửa nhà hư nát, trắng tay muộn phiền.

Rình mò trộm cướp tham tiền,

Âu lo phiền muộn, liên miên cuộc đời.

Các con tích trữ trên trời,

Tiền tài của cải, cả đời không hư.

Chẳng ai đào ngạch riêng tư,

Giết người cướp của, thói hư bạc tiền.

Mắt con trong sáng hướng thiên,

Toàn thân tỏa chiếu, chư hiền hào quang.

Con người ngưỡng vọng cao sang,

Lữ hành trần thế, an khang Nước Trời.

Khởi đầu dẫn bước vào đời,

Kết cùng cuộc sống, cao vời cõi thiên. 

 THỨ BẢY, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

(Mt 6, 24-34).

MỘT CHỦ

Hướng thiên hướng địa đôi đường,

Lữ hành trần thế, tựa nương bên nào?

Làm tôi Thiên Chúa trên cao,

Bầy tôi tiền của, đi vào bến mê.

Mở đường chỉ lối đi về,

Quan phòng cuộc sống, lời thề quyết tâm.

Đừng lo áy náy sai lầm,

Nhìn xem vũ trụ, âm thầm vần xoay.

Mọi loài sinh sống hằng ngày,

An bài mọi sự, trong tay Chúa Trời.

Không gieo, muôn thú trên đời,

Chim trời không gặt, mọi thời có ăn.

Ngắm xem hoa huệ đồng xanh,

Trổ sinh hoa đẹp, sắc thanh tuyệt vời.

Tiên vàn tìm kiếm Nước Trời,

Chúa ban mọi sự cuộc đời nay mai.

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16726

CON CHIÊM NGẮM MÌNH MÁU CHÚA

  “Các con nghe Thầy dặn đây!

Tiệc này tiệc cuối để Thầy chia tay.

Các con ăn tấm bánh này,

Đó là Mình Thầy, sắp bị nộp đây!

Các con uống chén rượu này,

Đó là chính máu của Thầy,

Đổ ra chuộc tội chết thay mọi người!

Máu giao-ước mới đời đời,

Để lại dấu ấn cho loài người đáng thương.”

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô!

Con ngước nhìn lên bàn thờ,

Cùng Mẹ Maria, con chiêm ngắm Mình Máu Chúa, (*)

Con thấy nơi Thầy sao chan chứa yêu thương!

Ôi, thầy thật nhân hậu khiêm nhường!

Thầy xin vâng rời bỏ thiên đường hiển vinh,

Thầy hạ mình làm người trần thế,

Thầy cam chịu xỉ vả bởi những kẻ bất trung

Để Thầy rao giảng tình Cha vô cùng vĩ đại,

Tình Cha thương thế-gian hà hải bao la.

 

Ôi, sao đau đớn xót xa!

Con nghe rõ tiếng hét la: “Đóng đinh nó!”

Con thấy Thầy đội mạo gai máu rỏ ròng ròng,

Con thấy Thầy lưng còng ngã vật,

Lưng  hằn in những lằn roi quất bật máu tươi.

Thập giá kia trĩu nặng đè vai cho Người lảo đảo,

Cho chúng riễu cợt, cười nhạo hả hê.

Kìa, trên Đồi Sọ Can-vê cao ngất

Con nghe rõ tiếng búa nện chan chát đóng đinh.

Thầy dang tay rùng mình trên thập giá!

Mẹ Thầy đứng đó lã chã lệ rơi,

Gioan bên Mẹ, Thầy trao lời trăng-trối.

Trong gió chiều lồng lộng, bóng tối phủ vây,

Tiếng Thầy kêu than tràn đầy đau xót:

” Ê-li, Lê-ma-xa-bác-tha-ni!

Cha ơi, sao Cha ngoảnh đi thế này?”

Con nghe rõ tiếng Thầy kêu khát

Thầy nếm giấm, ôi chua chát đắng cay!

Thầy trút tàn hơi, lời cuối cùng sao đau xót bi ai!

“Xin vâng uống giấm đắng này,

Cho con hết khát, con nay vẹn tròn

Vẹn tròn thánh ý Cha ban,

Hồn con phó thác trong bàn tay Cha.”

 

Ôi, tình Cha bao la!

Nghe gió rít cuồng phong sập nhà, ào tới

Lời Thầy còn vọng lại vang xa:

“Lạy Cha!

Họ không biết họ sai lầm

Xin Cha tha họ đã làm khổ con!”

 

Lạy Chúa Giêsu, Con Cha chí nhân!

Con là chi mà Thầy phải chịu thập phần cay đắng?

Tội chúng con thực chẳng đáng dung tha,

Tội chúng con lấp cả và trời đất,

Tội chúng con chồng chất ngất cao,

Thầy thương con biết dường nào,

Thầy thương con biết nói sao cho cùng!

Cứu con khỏi chốn lao lung,

Con xin tận hiến kiên trung một lòng.

Tạ ơn tình Chúa khoan hồng,

Chúa ban Thánh Thể ở cùng chúng con;

Con nguyền sang sửa tâm hồn,

Để Thầy ngự trị cho con tôn thờ.

 (*) xin mời đọc thêm bài “CHIÊM-NGƯỠNG THÁNH-THỂ QUA MẸ MARIA, NGƯỜI TỲ-NỮ HY-TẾ CỦA THIÊN-CHÚA”:

=>http://mancoi.net/chiemnguong.html; hoặc:

=>http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=11041

 Ben. Đỗ Quang-Vinh