Sống Lời Chúa tuần 29 thường niên năm A 22.10.2023 Chúa Nhật Truyền Giáo
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm A
NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO
Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21
BỔN PHẬN VỚI ĐỜI VÀ VỚI CHÚA
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê,
cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. (Mt 22,21b)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 45,1.4-6
Bài đọc I thuật lại câu chuyện xảy ra trong bối cảnh dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon. Trong khi Dân đang sống trong cảnh lưu đày đầy tuyệt vọng, họ nhận được sắc lệnh do vua Cyrô đã ban ra, cho phép dân bị lưu đày được hồi hương về Israel. Dân được trở về để gầy dựng quê hương, tái thiết đền thờ và phục hồi tôn giáo. Đó là tin vui. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra lòng thương xót và trung tín, cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền đất hứa.
Dù trên thực tế, vua Cyrô chưa bao giờ được một vị ngôn sứ hay người của Chúa xức dầu tấn phong; nhưng qua nhãn quan đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy, với tinh thần và những hành động đó, vua Cyrô được xem là:
- Người được Chúa tuyển chọn: vua Cyrô, là người đã được gọi “kẻ xức dầu của Chúa”, và “Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta.”
- Mục đích: “vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn”… và “ để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác..”
- Cách thức thực hiện: “Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó”.
Như thế, trong nhãn quan của ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước để mạc khải cho nhân loại biết Người là ai và để thực hiện ý định cứu độ của Người cho Dân Người cũng như cho nhân loại.
2. Bài đọc II: 1Tx 1,1-5b
Bài đọc II trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica cho thấy tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn này là sự liên đới trong tình hiệp thông sống đạo. Giáo đoàn Thêxalônica đã được Thánh Phaolô loan báo Tin mừng và thành lập trong hành trình truyền giáo thứ hai của ngài vào năm 50-52.
Trong hành trình đó, Thánh Phaolô lưu lại Thêxalônica khoảng hơn 3 tuần, đủ thời gian để khơi dậy đức tin, thành lập giáo đoàn, và truyền đạt giáo lý căn bản về đức tin và luân lý cho cộng đoàn. Tại đó, ngài đã gặp rất nhiều khó khăn. Thật vậy, lúc mới tới Thêxalônica, sau những bài giảng thuyết trong hội đường, Phaolô đã làm cho một số người hoán cải, trở thành Kitô hữu. Lúc đầu chỉ có một số người Hípri, sau đó có một số đông người Hy Lạp tin theo. Tại đây, người Hípri đã ghen tức vì thành công của ngài đối với dân ngoại, nên họ đã xúi giục một nhóm người chống lại ngài. Do đó, ngài phải lánh đi trước khi hoàn thành việc tổ chức và giáo dục đức tin trưởng thành cho cộng đoàn. Vì thế, lúc này ngài vô cùng vui mừng khi nhận được tin tốt về giáo đoàn non trẻ này, để vừa tạ ơn Chúa và khuyến khích họ: “tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô”.
Đó là tâm tình của nhà truyền giáo: hết lòng vì cộng đoàn và vui mừng khi các kitô hữu có đức tin vững vàng, đức cậy trung kiên và đức ái sống động được thể hiện qua đời sống hằng ngày.
3. Bài Tin Mừng: Mt 22,15-21
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của những người Pharisêu khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để tìm cách cài bẫy Đức Giêsu. Trước đó, Đức Giêsu đã dùng 3 dụ ngôn liên tiếp để lên án sự giả hình trong đời sống của họ. Đó là: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14). Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu cảnh báo họ là những người chỉ biết nói mà không biết làm, hay nói một đàng làm một nẻo, trái ngược với tinh thần Chúa, họ đã khước từ ân huệ mà Chúa đã dành cho họ, thậm chí họ đã tìm cách ám hại ngay cả những người Chúa gửi đến cảnh tỉnh họ.
Lúc này, họ tìm cách để trả thù Đức Giêsu. Họ bắt đầu với một cái bẫy có vẻ tích cực bằng lời khen: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào.” Với tiền đề này, họ buộc Đức Giêsu phải nói lên một sự thật, và sự thật này sẽ làm mất lòng Cêsarê. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Đức Giêsu tội kinh thường hoàng đế, hay chống mẫu quốc.
Những người này đã gài Đức Giêsu bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không ?’ Câu trả lời thật nhạy cảm. Nếu trả lời “có được phép”, chắc chắn Đức Giêsu sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng, vì trong tâm thức của người Do Thái, không ai chấp nhận việc nộp thuế cho hoàng đế, đó là cách cộng tác với dân ngoại làm ô uế Đất Thánh. Nếu trả lời “không được phép”, Đức Giêsu sẽ bị các phe nhóm chống đối ghép tội khinh thường hoàng đế, chống lại đế quốc. Dựa vào đó, họ sẽ tố cáo Người lên nhà cầm quyền Rôma.
“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Câu nói của Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng đưa ra một định hướng kép: a/ Là công dân trần thế, khởi đi từ nền tảng của công bằng, mọi người cần thi hành các bổn phận dân sự chính đáng; b/ Là công dân Nước Trời, các Kitô hữu thi hành bổn phận của người con trong tương quan với Thiên Chúa.
Với Đức Giêsu, trong tư cách là nhà thừa sai, Người luôn bị người ta rình rập cài bẫy, vì các giá trị Tin mừng mà Người loan báo tác động đến tâm khảm con người, và đụng chạm đến nhiều thế lực chống đối nên có thể làm làm mất quyền lợi của họ. Do đó, họ tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó”. Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Người điều khiển vận mệnh của toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Israel mà Người đã tuyển chọn. Tất cả mọi thế lực, cho dù là sự dữ, sự ác hay sự xấu không phá hủy được chương trình của Người… Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa có thể dùng mọi người và mọi phương tiện hợp lý trong các dân nước để thực hiện chương trình cứu độ của Người cho nhân loại. Xác tín này sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Quả thật, Thiên Chúa có thể “viết những dòng thẳng của lịch sử cứu độ trên những đường kẻ cong của lịch sử con người”.
2. “Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em.” Các Kitô hữu sống đúng bản chất của mình bằng cách nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Đón nhận những nỗi khó nhọc vì lòng tin, chấp nhận những thử thách vì lòng mến, kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được gọi vào Dân Thánh, đang sống trên đường lữ hành trần thế nhưng luôn hướng về quê thật là Nước Trời.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực “dâng trả mọi điều tốt lành mình đã nhận được cho Thiên Chúa” bằng cách “đi ra khỏi chính mình” mỗi ngày để loan Tin Mừng cho mọi người mọi nơi. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, sứ vụ loan báo Tin Mừng (truyền giáo) như là một đúc kết về ơn gọi làm môn đệ, và cũng là ơn gọi làm Kitô hữu. Điều này làm nên bản chất ơn gọi của mỗi Kitô hữu và cũng là căn tính của Hội Thánh. Do đó, có thể nói rằng bất cứ lúc nào các Kitô hữu sao nhãng bổn phận loan báo Tin Mừng, chính lúc đó các Kitô hữu đánh mất căn tính của mình. Khi ý thức sâu sắc sứ vụ này và nỗ lực thi hành mỗi ngày, các Kitô hữu từng bước hoàn tất “bổn phận” mình trong tương quan với Thiên Chúa.
4. trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra,…. nên chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm… Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác.” Từ đó, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội”. Trong bối cảnh này, chúng ta nhận ra rằng “Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết”. Những lời này nhắc chúng ta ý thức rằng Chúa vẫn dùng nhiều người và nhiều cách như xưa đã dùng vua Cyrô để cứu dân Chúa. Tôi có sẵn sàng trở thành khí cụ của Chúa ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc: “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Trong ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo hôm nay, cộng đoàn chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết quan tâm tìm kiếm những giá trị trường tồn nơi Thiên Chúa.
1. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến anh em trong khi cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.
2. Chúa đã dùng vua dân ngoại là Cyrô để thực hiện ý định cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được đón nhận Tin Mừng cứu độ, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động truyền giáo.
3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức việc truyền giáo là sứ mạng của mình qua bí tích Rửa tội, để tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và những hoạt động cụ thể.
4. “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết khôn ngoan phân định các giá trị cuộc sống dựa trên những tiêu chuẩn Tin Mừng, để dứt khoát chọn lựa lối sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn phúc lành, giúp chúng con biết biến cả cuộc đời thành bài ca cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
(Mt. 22:15-21)
TRÁCH NHIỆM
Nhóm người Biệt phái họp nhau,
Mưu tìm bắt bẻ, trước sau gây phiền.
Đôi lời nịnh bợ trước tiên,
Khen rằng sự thật, nhân hiền Thầy trao.
Phân minh xét xử đồng bào,
Tâm tình ngay chính, dạt dào mến thương.
Thầy không thiên vị vấn vương,
Ý Thầy chỉ dậy, tìm đường giúp cho.
Có nên nộp thuế vào kho,
Cê-sa-rê đó, để dò phán quan.
Chúa rằng ác ý đa đoan,
Giả hình gài bẫy, mưu toan hại Người.
Khôn ngoan phát biểu đôi lời,
Đồng tiền nộp thuế, hình thời thẩm tra?
Của Cê-da trả Cê-da.
Trả về Thiên Chúa, là Cha muôn đời
Ơn thiêng sự sống cao vời,
Khả năng trí tuệ, gọi mời nghĩ suy.
Loài người muôn vật phụ tùy,
An bài Tạo Hóa, phát huy cuộc đời.
Với đồng xu nhỏ, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một bài học rất quý báu. Mỗi người chúng ta có hai bổn phận: Một bổn phận với Chúa và bổn phận đối với xã hội. Chúng ta vừa là công dân của quốc gia và là công dân của Nước trời. Chúng ta không thể tách rời cuộc sống ra khỏi xã hội.
Chúng ta sống trong xã hội. Chúng ta làm lụng và sinh sống trao đổi bằng chính đồng tiền với hình biểu tượng của quốc gia. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ và cùng chung góp khả năng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chúng ta có bổn phận đóng thuế cho chính phủ. Chính phủ sẽ lo cho toàn dân trong mọi sinh họat cộng cộng. Chúng ta được thừa hưởng muôn vàn lợi ích qua cuộc sống chung.
Chúng ta cũng còn là công dân nước trời. Chúng ta được sinh ra mang hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta được nhận lãnh Bí tích Rửa tội, trở thành con dân của Chúa. Chúng ta được trao ban sự sống, có trí khôn, có sự hiểu biết, có tự do và tất cả. Con người là quà tặng Chúa ban. Chúng ta có bổn phận đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Chúa nói rằng, “Cái gì của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa’. Vậy cái gì là của Thiên Chúa. Là tất cả, là sự sống, là con người và tình yêu. Chúa vì yêu đã cho chúng ta tất cả. Chúng ta cũng nên đáp trả bằng tình yêu.
Đáp lại tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy mở lòng yêu thương đến mọi người, kể cả kẻ thù. Yêu thương anh em như Chúa đã yêu chúng ta. Chúa đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy đáp trả lại cho Chúa những gì chúng ta đã lãnh nhận.
THỨ HAI, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 13-21).
GIA TÀI
Có người thưa Chúa xin rằng:
Lạy Thầy xin bảo, công bằng phân chia.
Gia tài cha mẹ đã lìa,
Anh em gây gỗ, của kia dự phần.
Ai nên quan xét nợ nần,
Hồi môn chia cắt, đòi phần hơn thua.
Chúa rằng của cải phân bua,
Coi chừng mọi thứ, tranh đua ở đời.
Tham lam gom góp của hời,
Giầu sang phú quí, cũng rời xa ta.
Một người phú hộ sa đà,
Chất đầy kho lẫm, đường tà vui chơi.
Nghỉ ngơi ăn uống thú đời,
Linh hồn an hưởng, một thời sướng thay.
Hỡi người ngu dại thế này,
Bạc vàng chất đống, đêm nay gọi hồn.
THỨ BA, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 35-38).
TỈNH THỨC
Các con tỉnh thức đợi chờ,
Thắt lưng đứng sẵn, vào giờ không hay,
Cầm đèn cháy sáng trong tay,
Như người đợi chủ, mở ngay cửa chào.
Chủ về gõ cửa bước vào,
Phúc cho đầy tớ, việc trao chu toàn.
Cuộc đời chi phối lo toan,
Trăm công nghìn việc, đa đoan phân trần.
Mỗi người trách nhiệm một phần,
Chu toàn bổn phận, tinh thần tỉnh tao.
Canh ba canh bốn có sao,
Chăm nom săn sóc, việc trao hoàn thành.
Kẻ nào trung tín thi hành,
Vui thay đầy tớ, phúc lành trao ban.
Cuộc đời muôn nỗi gian nan,
Ai mà thức tỉnh, bình an tâm hồn.
THỨ TƯ, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 39-48).
SẮN SÀNG
Các con học biết điều này,
Hãy luôn tỉnh thức, hăng say nhiệt tình.
Tâm thần sáng suốt bình sinh,
Tương lai hiện tại, anh minh rạng ngời.
Sự gì xảy đến trong đời,
Mấy ai dự liệu, mọi nơi sẵn sàng.
Chúa thương dậy bảo dân làng,
Coi chừng kẻ trộm, nó đang khoét tường.
Con Người sẽ đến bất thường,
Ngày giờ không biết, tứ phương ngóng chờ.
Là người quản lý đúng giờ,
Phân chia lúa thóc, trông nhờ gia nhân.
Chủ về quan sát trong dân,
Hoàn thành trách nhiệm, chia phần quản cai.
Phúc thay đầy tớ miệt mài,
Thưởng công thăng chức, hiền tài phát huy.
THỨ NĂM, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 49-53).
LỬA THIÊNG
Thầy đem lửa xuống trần gian,
Mong sao lửa cháy, tràn lan mọi miền.
Lửa thiêng nung nấu triền miên,
Xả thân cứu độ, cửa thiên đón mời.
Hoàn thành phép rửa trong đời,
Biết bao khắc khoải, cao vời hiến thân.
Thầy đem phân rẽ trong dân,
Năm người chia rẽ, thành phần mỗi nơi.
Hai ba chống đối, hỡi ơi,
Con trai chống lại những lời của cha.
Tính tình con gái kiêu sa,
Nàng dâu chống mẹ, chạm va gia đình.
Hy sinh đòi hỏi hiến mình,
Bước đi theo Chúa, tâm linh rạng ngời.
Tu thân cắt bỏ sự đời,
Hãm mình dẹp xác, gọi mời chứng nhân.
THỨ SÁU, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 54-59).
DẤU CHỈ
Phía Tây mây nổi dật dờ,
Cơn dông sắp tới, mây mờ trở mưa.
Gió Nam thổi đến giữa trưa,
Khi trời nóng bức, lại vừa nắng oi.
Các ngươi nhận diện ngắm coi,
Chuyển vần trời đất, rạng soi cận kề.
Giả hình hiểu biết mọi bề,
Tiến trình thời đại, chẳng hề lưu tâm.
Tận tình suy nghĩ trầm ngâm,
Nhận ra dấu chỉ, đường lầm tránh xa.
Nước Trời xuất hiện bên ta,
Quyền uy dấu lạ, mưa sa phúc lành.
Thức thời nhận biết thi hành,
Cảm thông hòa giải, tranh dành bỏ qua.
Khôn ngoan tính toán trước tòa,
Công bằng xá giải, thứ tha lỗi lầm.
THỨ BẢY, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 1-9).
HỐI CẢI
Có người tự thuật truyện này,
Tế sinh các vật, hòa ngay máu đào.
Số người bị giết hôm nao,
Nhục hình khinh dể, khơi mào gớm ghê.
Nghĩ rằng ngược đãi ê chề,
Là người tội lỗi, bội thề xấu xa.
Chúa khuyên nhắc nhủ người ta,
Ăn năn hối cải, xin tha lỗi lầm.
Si-lô đổ xuống chôn ngầm,
Số người mười tám, chết bầm xót xa.
Không phải tội lỗi hơn ta,
Nếu không hối cải, cả nhà suy vong.
Trong vườn cây vả hằng mong,
Sinh hoa kết quả, trong lòng vui thay.
Cây nào không trái năm nay,
Bón phân tưới nước, cơ may sống còn.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17135
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A
Ga 17, 11b. 17-23
Hôm nay, ngày CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu đến cho anh em lương dân, để cho họ cũng được trở nên môn đệ của Chúa như chúng ta.
Theo Công đồng Vaticanô II thì chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho anh chị em lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử xem việc truyền giáo đã được thực hiện như thế nào để rồi qua đó chúng ta sẽ thấy được bổn phận chúng ta phải làm gì.
1. Trước hết là thời các Tông đồ,
Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đã cất bước lên đường đi rao giảng TM khắp nơi như lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi” (Mt 28,19-20). Sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta thấy các tông đồ ngay lập tức đã lên đường đi rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường. (Cv 9,20)
Lý do các tông đồ nêu ra là: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho muôn dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.(Cv 10,42)
Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô nói:”Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng.(1Cr 1,17)
Vì ý thức việc rao giảng Tin Mừng quan trọng như vậy nên các tông đồ đã hăng hái đi rao giảng khắp mọi nơi.
Đầu tiên là cho những người Do thái: “Từ đó ông Saolô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Các ngài mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.(Cv 9,28)
Sau đó các ngài đã đi khắp nơi.
Phêrô Phaolô đã sang đến tận Roma.
Tục truyền Toma đã sang tới tận Ấn Độ.
“Ông Philipphê xuống một thành miền Samaria và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó.(Cv 8,5) Các ngài “Rao giảng lời Chúa tại Pécghê, rồi xuống Áttalia.(Cv 14,25) Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, rao giảng lời Chúa ở Axia.(Cv 16,6)
Các ngài rao giảng rất mạnh dạn.(Cv 28,31) và sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa Kitô;
Sau thời các tông đồ Giáo Hội còn được chứng kiến thêm nhiều sứ giả khác tiếp tục công việc của các Ngài nhất là vào thời Trung Cổ. Từng đoàn, từng đoàn các nhà truyền giáo đã đi về phía Châu Mỹ. Một số đi về phía trời Đông. Một trong số những người này chúng ta phải đặc biệt nói đến một nhân vật mà Hội Thánh đã đặt làm bổn mạng các xứ Truyền Giáo. Người đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê.
Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaysia và từ đó đến Indonesia
Rồi trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
Chúng ta cũng không thể không nói tới những nhà truyền giáo đã đi về hướng Châu Phi. Một nhân vật mà chúng ta không thể quên đó là BÁC SĨ ALBERT SCHWEITZER
“Tôi đã bỏ địa vị Giáo sư tại Đại Học Strasbourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn phong cầm để ra đi hành nghề bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Châu Phi.
Vào năm 1952, nhà truyền giáo và là bác sĩ Albert Schweitzer đã nhận được giải thưởng Nobel về hòa bình.
Phải nói rằng những cuộc truyền giáo đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp.
2. Sau đó Giáo Hội được bổ sung bằng một hình thức truyền giáo khác âm thầm hơn, lặng lẽ hơn nhưng cũng hiệu quả không kém: Đó là truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh. Đại diện cho hình thức truyền giáo này là thánh Têrêsa HDGS.
Dù chỉ là một nữ tu dòng kín, chị đã khát khao trở thành một vị truyền giáo đi tới hang cùng ngõ hẻm của trái đất bao la này! Nguyện ước này đã được bề trên chấp thuận với chương trình gửi chị qua dòng kín Sài Gòn, Việt Nam nhưng ý Chúa nhiệm mầu! Chị đã ngã bệnh lao phổi trầm trọng…. và giã từ cuộc sống này lúc vừa tròn 24 xuân xanh.
Trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: “Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên;” A! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa: “Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Tại Paris nhân ngày Đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 12 (21-24.8) năm 1997, ngày bế mạc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã loan báo: Giáo Hội sẽ tôn phong thánh Têrêsa lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa nhật Truyền giáo 19.10.1997.
Như vậy qua việc đặt Têrêsa HDGS làm bổn mạng và phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh GH đã công khai thừa nhận việc hy sinh và đời sống cầu nguyện cũng có một giá trị truyền giáo không kèm gì việc ra đi truyền giáo như các tông đồ thuở xưa.
3. Việc truyền giáo hôm nay.
Ngày nay việc truyền giáo còn được làm phong phú hơn bằng một phương pháp mới: Truyền Giáo bằng chứng tá của cuộc sống.
Khi các nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: “Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy “tỏa hương thơm!”
Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã thật chí lý khi nói rằng: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì chính vì những vị thầy này là chứng nhân”
Người đại diện nổi bật nhất và cũng là mẫu mực nhất của việc truyền giáo bằng phương pháp này chính là mẹ thánh Têrêsa Calcutta.
Ngày nay, công việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo thì nhiều loại và được chia ra như sau:
Việc Tông Ðồ qua những lớp Giáo Lý, học hỏi Kinh Thánh, nhóm hoạt động Công Giáo, và thăm viếng bệnh nhân, người già và tù nhân.
Chăm Sóc Y Tế qua các nhà thương, bệnh viện người cùi, những em bị tật nguyền tâm lý và thể lý, những người hấp hối và tuyệt vọng, người bị bệnh AIDS và ho lao, những trung tâm suy dinh dưỡng và những bệnh xá lưu động.
Việc Giáo Dục qua các trường tiểu học trong các khu nhà nghèo, lớp dạy may cắt, lớp thương mại, lớp cho người tàn tật, lớp mẫu giáo ở làng, và những chương trình giữ trẻ.
Dịch Vụ Xã Hội qua chương trình an sinh và giáo dục trẻ em; giữ trẻ; nhà cho người vô gia cư, người nghiện rượu và thuốc sái; nhà cho những người mẹ không chồng; nơi tạm cư ban đêm; và trung tâm dạy điều hoà sinh sản.
Dịch Vụ Cứu Tế qua những trung tâm thực phẩm và quần áo…
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:
– Thưa Ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.
Nhà truyền giáo trả lời:
– Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:
– Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.
Nghe giảng Chúa nhật XXIX thường niên năm A (2011-2023)
Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo
https://hddmvn.net/giao-hoi-cu-hanh-ngay-the-gioi-truyen-giao/
Chúa nhật, ngày 22 tháng Mười tới đây Giáo hội cử hành trên toàn thế giới Ngày Thế giới Truyền giáo Lần thứ 97.
Tuyên bố trong buổi Tiếp kiến chung, sáng hôm 18 tháng Mười vừa qua, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Tôi khích lệ các giáo phận, giáo xứ và các cộng đoàn tích cực tham gia biến cố thường niên quan trọng này, qua kinh nguyện và hỗ trợ cụ thể cho các nhu cầu truyền giáo của Giáo hội.
Khoảng hơn 115 Hội Giáo hoàng toàn quốc trên thế giới hỗ trợ hoạt động của 1.100 giáo phận thuộc các xứ truyền giáo, qua việc giúp đỡ các thừa sai, hàng giáo sĩ bản xứ, việc đào tạo chủng sinh và tu sinh, các giáo lý viên. Tại nhiều nước, các giáo lý viên chuyên nghiệp cũng được tài trợ.
Rất tiếc là trong những năm gần đây, số tiền quyên góp giúp các xứ truyền giáo bị giảm sút đáng kể vì nhiều lý do.
Đức Thánh cha đã công bố một sứ điệp ngày 25 tháng Giêng vừa rồi, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, có chủ đề: “Lòng đầy hăng say, chân họ bước đi”, một câu trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 24 (13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa của giai thoại vừa nói, và nhấn mạnh rằng: “Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, “Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!” (E.G. 86).
Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích Kinh thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. “Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng nàn, soi sáng và biến đổi con tim”. Vì thế, Đức Thánh cha khuyến khích các tín hữu học hỏi, suy niệm và sống Kinh thánh: “Sự hiểu biết Kinh thánh quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và càng quan trọng hơn nữa cho việc loan báo Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài. Chẳng vậy, ta thông truyền cái gì cho tha nhân ngoài những ý tưởng và dự phóng của mình? Một con tim lạnh lẽo có bao giờ có thể làm cho con tim người khác nồng cháy được?” Hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa, đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Kitô Phục sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa.
Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Hình ảnh “Những bước chân đi” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại… loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô”.
(KAP 18-10, Rei 25-1-2023)