Sống lời Chúa, Chúa Nhật 2 thường niên năm B 14.01.2024

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-2-thuong-nien-nam-b-3228

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B

1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

ĐƯỢC GỌI LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

“Hãy đến mà xem” (Ga 1,39)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh về ơn kêu gọi một số người đặc biệt để theo sát Chúa và chuyên lo việc Chúa. Chúa đã gọi các ngôn sứ làm sứ giả của lời Chúa, hoặc gọi các môn đệ bước theo và ở lại với Ngôi Lời, rồi ra đi loan báo Tin Mừng. Ngày nay Chúa vẫn gọi chúng ta cộng tác phần mình mỗi người một cách với Chúa và Hội Thánh để làm chứng cho Chúa.

1. Bài đọc I: 1Sm 3,3b-10.19

Bài đọc I thuật về ơn gọi của Samuel, thuộc thể loại ơn gọi ngôn sứ (x. Is 6; Gr 1,4-10; Ed 1,1-3,16). Cuộc kêu gọi này được đặt trong bối cảnh tương phản rõ nét giữa gia đình Êli và gia đình bà Anna. Tư tế Êli sống trong Nhà Chúa, nhưng hai con của ông lại làm nhiều điều xấu trước nhan Đức Chúa: khinh thường lễ phẩm dâng Đức Chúa và coi thường người ta. Ngược lại, bà Anna là một thường dân hết mực kính sợ Chúa. Bà hiếm muộn nên đã khẩn cầu Chúa và Chúa đã ban cho bà một con trai. Bà đã dâng Samuel cho Đức Chúa và cậu ta “càng lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta”.

Đức Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế dòng dõi Êli, vốn đã ra hư hỏng. Samuel nghe tiếng gọi nhưng cậu không nhận ra Ai đang gọi mình. Ba lần Đức Chúa gọi cậu, nhưng cậu lầm tưởng là tư tế Êli gọi mình. Cậu Samuel đã đến hỏi tư tế Êli và được ông chỉ cho cậu biết cách phải đáp lời ra sao trước tiếng gọi mầu nhiệm ấy (x. 3,9).

Nhờ sự hướng dẫn của tư tế Êli, sau đó Samuel đã thưa như lời tư tế Êli dạy: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3,10). Samuel đã nhận ra Chúa gọi mình. Từ đó, Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Chúa đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời Samuel, trở thành kim chỉ nam hướng dẫn ông, và qua ông, hướng dẫn dân Chúa, như lời Kinh Thánh nói: “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (3,19).

Chúa vẫn gọi ta bằng nhiều cách, nhưng có khi ta không nhận ra tiếng Người. Vì thế, ta cần chạy đến với những người khôn ngoan mà Chúa lại chọn họ làm người hướng dẫn, dù có khi người đó bất xứng trước mặt người đời như trường hợp tư tế Êli, để họ giúp ta nhận tiếng Chúa và biết cách đáp lại tiếng Người gọi ta.

2. Bài đọc II: 1Cr 6,13c-15a.17-20

Bài đọc II trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô nói đến ơn gọi làm kitô hữu, đó là đời sống mới trong Đức Kitô, kitô hữu được kết hợp không chỉ với Đức Kitô, mà với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dựa vào nền tảng này, trong đoạn trích 1Cr 6,13c-15a.17-20, thánh Phaolô bàn đến ý nghĩa cao quí của thân xác chúng ta, và qua đó, ngài kêu gọi tín hữu Côrintô sống sao cho xứng hợp với thân xác của mình.

Thánh Phaolô nêu một loạt các xác tín của ngài về ý nghĩa của thân xác chúng ta:

1) Thân xác của chúng ta có Thiên Chúa làm chủ (x. c14), thân xác sẽ được Người làm cho ,sống lại như chính Người đã cho Đức Kitô sống lại (x. c14);

2) Thân xác chúng ta là phần thân thể của Đức Kitô (x. c15), một khi được kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người (x. c.17);

3) Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. c19).

Ơn gọi liên quan đến lối sống. Do ơn gọi, thân xác chúng ta trở nên cao quí như vậy trước mắt Thiên Chúa, được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, nên chúng ta phải sống sao cho xứng hợp: thân xác không phải để gian dâm (x. c14.18), không phải để nên một thân xác với kỹ nữ (x. c. 16), nhưng để phụng sự (x. c.14) và tôn vinh Thiên Chúa (x. c. 20).

3. Bài Tin Mừng: Ga 1,35-42

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại ơn gọi làm môn đệ, bao gồm các khía cạnh: tìm gặp – đến xem – ở lại – làm chứng. Trình thuật về việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ trong Gioan khác với các trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt Mt 4,18-22; Mc 1,16-20). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trực tiếp, khi họ đang làm công việc thường nhật. Theo Tin Mừng Gioan, các môn đệ đến với Đức Giêsu không phải bằng lời kêu gọi trực tiếp, nhưng qua một trung gian, đó là qua lời chứng của ông Gioan, và trong lúc họ đi tìm cho mình một vị thầy để theo.

Trong ơn gọi làm môn đệ, có thể việc tìm kiếm một người thầy khởi đi từ thao thức của chính các ông, và ngay cả việc đến với thầy Giêsu có thể qua lời chứng/ giới thiệu của người khác. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả, ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu lại xuất phát từ chính Đức Giêsu. Tin Mừng Gioan diễn tả điều này khi mô tả việc Đức Giêsu chủ động “quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế ?’” (Ga 1,38). Sau này, Tin Mừng Gioan xác định rõ hơn khi Đức Giêsu nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Một điểm khác cần nhấn mạnh trong hành trình ơn gọi làm môn đệ là “Hãy đến và sẽ thấy”. Chủ đề “đến” với Đức Giêsu được diễn tả xuyên suốt trong toàn bộ Tin Mừng Gioan như là một hành vi đức tin (Ga 3,21; 5,40; 6,35.37.45; 7,37…). Tương tự, việc “xem thấy” Đức Giêsu cũng là một chủ đề lớn trong Tin Mừng này. Trong Ga 5,40; 6,40.47, Đức Giêsu hứa ban sự sống đời đời cho: những ai đến với Người, những ai tìm kiếm Người, và những ai tin vào Người. Đó là ba cách thế khác nhau để diễn tả cùng một tình trạng duy nhất là trở thành môn đệ Đức Giêsu.

Tin Mừng Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm đều nói về “đi theo Đức Giêsu”, đó là thuật ngữ đặc biệt để diễn tả ơn gọi “làm môn đệ”. Trước hết là đi theo hành trình địa lý: Họ đi theo Đức Giêsu đến bất cứ nơi nào Người đến, cụ thể là hành trình từ Galilê đến Giêrusalem. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai đi theo Đức Giêsu trên hành trình này đều là người môn đệ. Quan trọng hơn là đi theo hành trình tinh thần: nghĩa là người môn đệ học cho biết và làm theo gương mẫu của Thầy. Họ cần theo “đường lối Tin Mừng” và đi trên “con đường Giêsu”, vì Người chính là con đường, nhất là đi theo Thầy trên con đường Thập Giá tiến vào Giêrusalem để đem ơn cứu độ cho mọi người.

Tin Mừng Gioan cũng đề cập tới việc “đi theo” nhưng lại nhấn mạnh một chiều kích quan trọng khác trong hành trình làm môn đệ Đức Giêsu là “ở lạivới hoặc trong Người. Gioan rất chú trọng đến hành động này qua việc dùng động từ “ở lại/ μένω” nhiều hơn các Tin Mừng khác gộp lại (Mt: 3 lần; Mc: 2 lần; Lc: 6 lần; Ga: 33 lần). Bước đầu tiên là “ở lại với”, có nghĩa là một tương quan về mặt thể lý, nhưng sau đó tiến tới một sự kết hợp và hiệp thông sâu sắc cho tới mức “ở lại trong” nhau về mặt tinh thần. Nhờ việc “ở lại trong” Đức Giêsu nên các môn đệ được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Cuối cùng, sau khi đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu, một điều quan trọng trong ơn gọi này là lại ra đi “làm chứng/ giới thiệu” người khác thành môn đệ của Người. Ra đi làm chứng hay loan báo Tin Mừng là sứ vụ chung của tất cả các môn đệ, và là cách tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu.

Như vậy, có thể tóm kết ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu như sau: “đi theo Đức Giêsu”, được diễn tả qua một tiến trình “đến với Đức Giêsu” để “xem thấy Người”. Sau đó, “ở lại với” và “ở lại trong” Đức Giêsu” và “ra đi làm chứng” về Người để khiến cho người khác cũng trở thành môn đệ của Người. Mô hình này được áp dụng cho ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu theo nghĩa chặt, nhưng cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Nước Trời viên mãn đang đến, đồng lúa chín vàng đang trải ra trước mắt, nhiều con chiên đang cần được quy tụ về một ràn. Hội Thánh thuộc mọi thời, mọi thế hệ đang được thúc đẩy ra đi làm chứng/ ra đi Loan báo Tin Mừng để cho người khác có cơ hội đón nhận ơn cứu độ. Đó là một lời mời gọi nhưng cũng là một mệnh lệnh liên quan đến bản chất của Hội Thánh, vì “bản chất của Hội Thánh/ kitô hữu là loan báo Tin Mừng” (x. Ad Gentes, số 2).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Nơi cuộc đời của Samuel, Thiên Chúa không để cho Lời nào của Người ra vô hiệu. Còn nơi cuộc đời tôi thì sao, Lời Chúa được gieo vào lòng tôi có tìm được mảnh đất màu mỡ để lớn lên, để sinh hoa kết trái ? Tôi có sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại Lời Người ? Làm sao để Lời Chúa cũng không trở nên vô hiệu nơi cuộc đời tôi ?

2. Ơn gọi của người kitô hữu là sống thiết thân với Chúa mỗi ngày, đến mức được kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ơn gọi ấy mời gọi và đòi buộc chúng ta sống chiều kích thánh thiêng trong con người toàn diện, kể cả nơi thân xác. Bằng cách nào để tôi tránh xa những cám dỗ có thể khiến cho thân xác tôi dễ dàng ra ô uế ?

3.Đến với Đức Giêsu” để “thấy Người”, sau đó, “ở lại với” và “ở lại trong” Đức Giêsu rồi “ra đi làm chứng” về Người để khiến cho người khác cũng trở thành môn đệ của Người cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho từng người chúng ta hôm nay. Tôi có sẵn sàng đến với Chúa, ở lại để biết Chúa và kết hợp với Chúa ? Tôi có đủ can đảm làm chứng về Chúa Giêsu hay giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân trong môi trường sống hiện nay ?

4. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp về Ngày thế giới Ơn gọi 3/5/2020, đã nói: “Đi đúng hướng không phải là điều chúng ta tự mình có thể làm được, cũng không chỉ tùy thuộc vào con đường chúng ta đã chọn. Với tư cách cá nhân đơn độc, những quyết định của ta không đủ khả năng tìm ra được sự hoàn hảo trong cuộc sống”. Để đi đúng hướng ơn gọi, người ấy cần biết dựa vào Chúa và cần theo sự hướng dẫn của những người trung gian của Chúa. Ơn gọi là một ân huệ nên người ấy cần trân trọng đón nhận và đáp trả với lòng “biết ơn”.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi con người cộng tác vào công cuộc xây dựng vương quốc của Người nơi trần gian. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và chân thành dâng lời cầu nguyện cho từng người chúng ta cùng cho mọi người:

1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho thế giới hôm nay. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn trung thành với ơn gọi căn bản của mình là loan báo và làm chứng về Đức Kitô cho con người thời đại.

2. Đến và ở lại với Chúa là đòi hỏi cần thiết cho hành trình đức tin. Chúng ta cùng cầu xin cho những người thành tâm thiện chí có cơ hội gặp gỡ và cảm nghiệm về Đức Giêsu Kitô, để tin nhận và tuyên xưng Người là Chiên Thiên Chúa và là Đấng xóa tội trần gian.

3. Thiên Chúa vẫn mời gọi con người tiếp nối sứ vụ cứu thế của Đức Kitô bằng nhiều cách, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ nhận biết và mau mắn đáp trả tiếng Chúa, ngay trong cuộc sống gia đình hay tại nơi học tập và làm việc của mình.

4. Người môn đệ đích thực phải biết chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những người chung quanh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hăng hái nhiệt tình trong các hoạt động tông đồ bác ái nhằm đem nhiều người đến với Chúa Kitô.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con vào hàng ngũ những người được vinh dự gọi Chúa là Cha. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và ban những ơn cần thiết giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ơn gọi kitô hữu của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Các bài suy niệm Chúa Nhật 2 Thường Niên B (Nhiều tác giả)

Giáo lý hình ảnh: Chúa nhật II Thường Niên – Năm B

https://giaophanvinhlong.net/giao-ly-hinh-anh-chua-nhat-ii-thuong-nien-nam-b.html

Chủ đề: Ở LẠI VỚI CHÚA

Click vào đây để nhận file trình chiếu >>>

df
Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (Ga 1,39).

I.  PHẦN MỞ ĐẦU

1.  Giới thiệu ảnh:

Nhìn hình, các bạn thấy có ba người. Vậy họ là ai? Họ đang làm gì? Mời các bạn đứng để nghe bài Tin Mừng hôm nay.

2.  PHÚC ÂM: (Ga 1, 35-42)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Đó là Lời Chúa. – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

II.  TRÌNH BÀY BỨC ẢNH

1.  Phân tích hình ảnh: Các bạn thấy gì trong bức ảnh ?

· Hình ảnh gồm có những gì ?

+ Hình ảnh gồm 3 người.

+ Hình cho thấy đây là cảnh ban ngày, nơi nào đó bên bờ sông.

· Nhân vật đang làm gì ?

+ Người nam mặc áo đỏ, khoát áo xanh bên ngoài, đứng ở bên trái là Chúa Giêsu, mặt đang hướng về 2 người còn lại, tay phải đang cầm gậy, tay trái đang đưa ra.

+ Hai người còn lại là Anrê và một người giấu tên. Người ta nghĩ rằng đó chính là Gioan tông đồ, tác giả của quyển Tin Mừng này:

· Người nam đứng giữa: mặt đang nhìn Chúa Giêsu như đang nói, tay phải đang úp xuống, tay trái đang ngửa lên.

· Người nam đứng ở bên phải: mặt đang hướng về Chúa Giêsu, hành động như đang muốn bước đến chỗ Chúa Giêsu.

2.  Hình ảnh đánh động con người: Bạn thích gì trong bức ảnh?

· Khi xem bức ảnh này, các bạn cảm thấy thế nào ?

+ Vui, buồn, yêu hay ghét, sợ hay thích ?

· Các bạn thấy điều gì đang xảy ra ?

Hình ảnh cho thấy:

+ Sau khi được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, ông Anrê và ông Gioan đi theo Chúa Giêsu. Khi gặp và trò chuyện với Chúa Giêsu xong, họ quyết định đi theo Người về nơi Người ở và ở lại với Người để sau này có thể làm chứng cho chính Người.

· Hình ảnh đánh động bạn như thế nào ?

+ Ông Anrê và ông Gioan luôn tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của mình. Khi được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, họ quyết tâm theo Người. Họ đã đến và ở lại với Người. Sau này, họ trở thành hai tông đồ rao giảng Nước Chúa. Tôi cũng được Giáo Hội giới thiệu về Chúa Giêsu. Người là Chiên Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian. Tôi phải đến và ở lại với Người.

3. Hình ảnh cho Giáo lý: Hình muốn nói lên điều gì?

· Trò chơi: “Ai là ai”

· Chuẩn bị:

– Câu Lời Chúa: “Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (Ga 1,39).

– Các tờ giấy ghi lại tên của từng nhân vật trong Tin Mừng như: Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, Anrê, Gioan, Phêrô.

· Cách chơi: Chia lớp thành 2 đội. Mỗi đội cử một người lên. Người đại diện sẽ bốc thăm tên một nhân vật và diễn tả bằng hành động (không được nói) sao cho người trong đội đoán được là ai. Mỗi đội chỉ được đoán 1 lần. Đội nào đoán trúng thì thắng. Trò chơi này chỉ chơi 2 vòng.

· Nhấn mạnh đến câu Lời Chúa nhằm làm các em nhớ và thuộc.

· Qua hình ảnh, bạn nhận thấy điều gì ?

+ Giống như ông Anrê và ông Gioan, tôi phải chân thành tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của tôi.

+ Giống như Chúa Giêsu, Người đã để các môn đệ ở với Người. Tôi phải biết đưa người khác đến với Chúa và ở lại với Người.

4. Hình ảnh gợi lên bài học: Qua hình ảnh, Chúa muốn nói với ta điều gì?

· Qua hình ảnh, Chúa dạy tôi phải biết tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của tôi, biết đến và ở lại với Người. Cũng như biết giới thiệu và đưa người khác đến với Chúa.

· Việc thực hành: “Đến với Chúa và ở lại với Người”

Chúa Giêsu luôn sẵn sàng chờ đợi và đón tiếp mỗi người chúng ta. Do đó, trong tuần này, mỗi người hãy rủ thêm một người bạn của mình đến viếng Chúa hay tham dự thánh lễ và ở lại cầu nguyện với Người. Các bạn hãy cùng nhau đến với Chúa và thân thưa với Người về những biến cố trong chính cuộc sống của mình.

III. KẾT THÚC

· Câu chuyện:

ĐỒNG XU VÔ GIÁ

Tổng thống Hoa Kỳ Wilson là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ. Một lần kia, ông và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố thuộc tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị Tổng thống. Thế nhưng không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào để đến gần chỗ ngồi của Tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia.

Một cậu đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn cản, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và nhiệt tình cám ơn em. Cậu bé kia cảm thấy buồn vì không có gì dâng tặng tổng thống. Em cố moi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em sung sướng vô cùng vì chính Tổng thống đã chìa tay đón nhận món quà của em.

Năm năm sau, Tổng thống Wilson qua đời. Khi Bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví, bà thấy một bọc giấy được giữ cẩn thận. Cởi bọc giấy, Bà nhận ra ngay đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu cũng mang nó trong mình.

(Trích “Món quà giáng sinh”)

Một đồng xu không là gì đối với một Tổng thống của Hoa Kỳ nhưng đó lại là tấm lòng của một cậu bé. Tổng thống Wilson đã trân trọng một đồng xu nhỏ bé, một món quà quý giá đối với ông, món quà của một tấm lòng. Đối với Thiên Chúa là Đấng Tối Cao tạo thành vũ trụ này, tất cả đều không là gì cả, nhưng những gì ta dâng cho Ngài với một tấm lòng yêu mến là một món quà quý giá đối với Người.

· Cầu nguyện kết thúc và giải tán.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn sẵn sàng chờ đón chúng con đến với Ngài và ở lại cùng Ngài. Xin dạy chúng con biết siêng năng chạy đến cùng Chúa với sự chân thành của chúng con. Xin cho chúng con cũng biết giới thiệu Chúa cho tha nhân và đưa tha nhân đến cùng Ngài. Amen.

BGL. GP. Vĩnh Long

Nghe giảng Chúa nhật II Thường Niên năm B (2012-2024

Thánh ca Phụng vụ lễ Chúa nhật II Thường niên B

Đáp ca – Tv 39: 

Hiệp lễ 1 – Hãy đến mà xem:

Hiệp lễ 2 – Những khát mong:

 Thi ca cầu nguyện Chúa nhật 2 Thường niên năm B

https://giaophannhatrang.org/vi/news/trang-tho-van/thi-ca-cau-nguyen-chua-nhat-2-thuong-nien-nam-b-21016.html

Thi Ca Suy Niệm, Chúa Nhật II TN.B

cn2tccnCHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN. B
(Ga 1, 35-42)

Hãy Đến Mà Xem
Khởi đầu sứ mệnh trần gian,
Dõi theo từng bước, hỏi han tìm về.
Gio-an môn đệ cận kề,
Rời thầy theo Chúa, lời thề trung kiên.
Bước đi theo Chúa nhân hiền,
Đến xem tận mắt, một miền trống quang.
Không nhà không cửa không hang,
Nghèo sơ nghèo xác, trong làng đơn sơ.
Môn đồ nhận biết không ngờ,
Ki-tô Cứu Thế, vô bờ kính tôn.
Ngôi Lời nhập thể càn khôn,
Tin mừng rao giảng, cứu hồn thế nhân.
Si-mon, nghĩa Đá, dự phần,
Tông đồ Chúa chọn, cận thân bên Ngài.
An-rê theo Chúa miệt mài,
Anh em môn đệ, lưới chài thần dân.

Hai anh em Phêrô và Anrê là những người đầu tiên theo Chúa Giêsu. Sau khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu:“Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai môn đệ liền rời Thầy của mình và đi theo Chúa. Thật là đơn giản. Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì” và “Hãy đến mà xem”. Họ đã nhận ra Chúa chính là Đấng Messiah.

Chúng ta cần học hỏi mỗi ngày. Muốn học thì phải hỏi. Muốn hiểu biết thì phải thắc mắc và phải tìm kiếm. Chính những thắc mắc của cuộc sống đã giúp con người phát triển. Các môn đệ muốn biết Chúa các ngài đã đi tìm và hỏi han. Chúa đã mở đường cho các ngài tìm về nguồn sự thật. Hai môn đệ nhận ra Chúa chính là Đấng Kitô và họ đã mau mắn dẫn dắt người khác đến tìm gặp Chúa.

Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta có bổn phận tiến dẫn người khác đến với Chúa. Câu truyện của một cụ già mới vào nhập viện. Sau khi đã nhập phòng và sắp xếp xong xuôi mọi sự, một cô y tá đến hỏi: Ông thuộc tôn giáo nào? Ông cụ nhìn cô và nói: Tôi rất vui khi cô hỏi tôi. Tôi luôn muốn là một người công giáo nhưng chưa từng có ai hỏi tôi.
Biết đặt câu hỏi là đã có một nửa câu trả lời. Có nhiều người cả đời cũng không bao giờ thắc mắc: Làm sao có trời đất và vũ trụ vạn vật? Có biết bao người không bao giờ hỏi: Sự sống là gì và sự sống từ đâu mà có? Hoặc cùng đích của sự sống là gì? Biết rằng càng hỏi chúng ta càng thấy con người chúng ta thật giới hạn. Giới hạn về cả tri thức lẫn thể xác.

Muốn biết Chúa thì hãy đến và xem. Hãy đến bất cứ nơi nào và nhìn ngắm xem sự chuyển vận của vũ trụ vạn vật và con người. Chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện và yêu thương của Thiên Chúa. Đến và xem cộng đồng Kitô Hữu, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa họ. Đến và xem nơi hang lừa máng cỏ hay trên thập giá khổ hình. Nơi đó, Chúa đã hạ thân và thí thân để cứu độ chúng ta.

Ước chi mỗi người hãy là nhân chứng cho Chúa giữa dòng đời. Chúng ta tiếp tục giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.

THỨ HAI, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 5, 1-10; Mc 2, 18-22).
ĂN CHAY
Ăn chay sám hối canh tân,
Hãm mình dẹp xác, tinh thần thảnh thơi.
Bon chen so sánh ở đời,
Hơn thua thắng thiệt, đôi lời chối chê.
Tinh thần chay tịnh bội thề,
Tô vôi hình thức, làm hề thế gian.
Đôi lời bênh đỡ khuyên can
Môn đồ của Chúa, chưa tàn cuộc vui.
Tân lang hiện diện tới lui,
Ngày qua tháng lại, niềm vui chưa tròn.
Thầy trò gắn kết sắt son,
Thời gian chia cách, héo hon sầu buồn.
Ăn chay tưởng niệm Thầy luôn,
Khắc tâm đạo lý, về nguồn thiện tâm.
Dung hòa cũ mới gieo mầm,
Canh tân đổi mới, đường lầm tránh xa.

THỨ BA, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 6, 10-20; Mc 2, 23-28).
SABBÁT
Giữ ngày Sa-bát luật truyền,
Kiêng làm việc xác, lời khuyên rõ ràng.
Việc lành phúc đức dở dang,
Thiện tâm tiến đức, mở đàng ái nhân.
Chúa rằng Sa-bát vì dân,
Giữ tâm trong sạch, tránh dần gian tham.
Tinh thần giữ luật phải làm,
Chính tâm tuân giữ, tục phàm tránh xa.
Tránh đừng học thói điêu ngoa,
Thực hành nhân đức, thứ tha tội đời.
Con Người chủ tể cao vời,
Muôn loài thụ tạo, do Người dựng nên.
Con người phú bẩm từ trên,
Phục quyền Tạo Hóa, ngước lên kính thờ.
Tôn vương Chúa Cả vô bờ,
Trung thành sống đạo, cậy nhờ phúc ân.

THỨ TƯ, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 7, 1-13.15-17; Mc 3, 1-6).
CỨU SỐNG
Hội đường giảng dạy hôm nay,
Có người tay bại, cơ may chữa lành.
Sáng ngày Sa-bát thi hành,
Điều lành sự dữ, tranh dành phân bua.
Chữa lành, giết chết, hơn thua,
Chúa rằng cứu sống, phép vua lệ làng.
Tỏ lòng thương xót dễ dàng,
Cầm tay cứu chữa, hát vang chúc mừng.
Ghét ghen Biệt Phái nóng bừng,
Tai sao chữa trị, ngày đừng làm chi.
Cố tình phạm luật đã ghi,
Chúa thương hồn xác, từ bi làm lành.
Lòng người chai đá thù hành,
Tìm tòi bắt lỗi, mạo danh luật truyền.
Yêu thương căn cốt lời khuyên,
Ân thiêng cứu độ, uy quyền Chúa ban.

THỨ NĂM, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 7, 25.8, 6; Mc 3, 7-12).
CHỮA BỆNH
Khắp vùng tuôn đến bên Người,
Giê-su cứu chữa, một thời hồng ân.
Đám đông tứ xứ cận lân,
Cầu ơn Chúa chữa, xác thần sạch trong.
Xót thương nhân loại chờ mong,
Quỷ thần ô uế, nhập vòng kêu la.
Người Con Thiên Chúa là Cha,
Dủ tình thương xót, thứ tha tội tình.
Chữa hồn cứu xác an bình,
Âm thầm sứ vụ, ẩn mình dấn thân.
Mes-si-a Chúa thành nhân,
Truyền rao Nước Chúa, cứu dân độ trì.
Nhân từ thương xót từ bi,
Hạ thân khiêm nhượng, cũng vì chúng sinh.
Quyền năng phép tắc thiên linh,
Nước Trời rộng mở, quang vinh rạng ngời.

THỨ SÁU, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 8, 6-13, 6; Mc 3, 13-19).
TÔNG ĐỒ
Mười hai môn đệ theo Thầy,
Chúa thương chọn lựa, đong đầy tin yêu.
Ba năm học hỏi bao nhiêu,
Tông đồ Chúa gọi, cao siêu ơn trời.
Nhiệt tâm trung tín gọi mời,
Ra đi hăng hái, vào đời truyền rao.
Nước Trời ngọc báu tuyệt cao,
Tung chài thả lưới, biết bao sóng dồn.
Hy sinh buông bỏ cứu hồn,
Sai đi rao giảng, dụ ngôn đã dùng.
Đơn sơ sâu sắc bao dung,
Nhiệm mầu mạc khải, thiên cung rạng ngời.
Tông đồ môn đệ đổi đời,
Xả thân nhân chứng, cao vời thánh danh.
Chúa ban phúc lộc ơn lành,
Triều thiên vinh thắng, để dành đời sau.

THỨ BẢY, TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
(Dt 9, 2-3. 11-14; Mc 3, 21-21).
MẤT TRÍ
Người đời xúc phạm thánh danh,
Nói rằng mất trí, sao đành, khó nghe.
Thân nhân của Chúa chia phe,
Đám đông tuôn đến, chắn che quấy rầy.
Khát khao giáo lý của Thầy,
Quyền năng cao cả, tràn đầy khôn ngoan.
Chữa lành thân xác hoàn toàn,
Nội tâm thấu tỏ, đa đoan trong lòng.
Xót thương giải cứu lụy vong,
Thứ tha tội lỗi, thoát vòng quỷ ma.
Lòng người khắc khoải mưa sa,
Hồng ân tuôn đổ, hải hà tâm can.
Đổi đời sám hối cầu van,
Giê-su Cứu Thế, rộng ban phúc lành.
Tin yêu tín thác lòng thanh,
Thiên đàng hé mở, ca danh Chúa Trời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Thi Ca Suy Niệm, Chúa Nhật II TN.B