Sống Lời Chúa Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A 03.09.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 22 Thường niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 22 Thường niên năm A

(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)
KHỔ GIÁ – NẺO ĐƯỜNG NGƯỜI KITÔ HỮU
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 20, 7-9)

Bài đọc I được xem như là một trong những phần thuộc nhóm “tự sự” của ngôn sứ Giêrêmia. Ở đây ta thấy Giêrêmia đang lâm vào trong hoàn cảnh xung đột nội tâm. Chính vị ngôn sứ đã than trách với Thiên Chúa: “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Sau đó Giêrêmia đã xác nhận là đã bị nhạo báng chê bai mỗi ngày (c.8), bởi lẽ, những lời ông phán toàn là những nỗi bất hạnh và tai họa. Vì lý do đó dân chúng không muốn nghe ông nói nữa. Vì thế, ngôn sứ muốn thoát khỏi bối cảnh này, nhưng đây là điều không thể, bởi Lời Chúa trong tâm hồn vị ngôn sứ “cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” đến độ không chịu nổi (c.9). Tình cảnh này cũng sẽ tương ứng với bối cảnh của bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay.

2. Bài đọc II (Rm 12,1-2)

Lời của thánh Phaolô trong bài đọc II khuyên nhủ chúng ta không tìm kiếm trước tiên hạnh phúc của chúng ta, nhưng hãy dâng chính con người mình như một hy tế sống. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải đặt để con người chúng ta vào mục đích phục vụ công bình, bác ái, sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Đó mới là ý nghĩa của “hy tế” Kitô giáo. Hy tế này thật ra không phải là một thực tại tiêu cực, nhưng có ý nghĩa rất cao đẹp, nghĩa là biết đón nhận vào đời mình tình yêu của Thiên Chúa, để được biến đổi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Để làm được điều này, chúng ta phải từ bỏ não trạng của con người thế gian này mà không tìm kiếm những ích lợi cho mình, để được đổi mới và biết phân định, nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là điều làm đẹp lòng Người.

3. Bài Tin Mừng (Mt 16,21-27)

Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay, dù đang phải hướng về cuộc thương khó trong hành trình phía trước, nhưng đã không than trách hay lẩn tránh cho số phận của mình; trái lại, trong đoạn Tin Mừng tương ứng với đoạn hôm nay, chúng ta thấy rõ Người bày tỏ nỗi khắc khoải chờ mong đối diện với cuộc chiến đấu với sự dữ này (x. Lc 12,50).

Tuy nhiên, Phêrô lại thể hiện một thái độ ngược lại với Thầy mình. Chỉ mới trước đây thôi, ông đã tuyên xưng cách mạnh mẽ căn tính thần linh của Đức Giêsu, và tâm trí ông ngập tràn một hình ảnh về một Đấng Mêssia đầy vinh quang nơi Đức Giêsu. Vì thế, việc loan báo cuộc thương khó của Đức Giêsu đã đi ngược với viễn cảnh mà ông có trong đầu: thay vì vinh quang, Đức Giêsu lại nói về tủi nhục; thay vì thành công, Đức Giêsu lại nói về thất bại và cái chết. Rõ ràng là Đức Giêsu loan báo về sự phục sinh của Người, nhưng Phêrô không thể chấp nhận con đường hướng đến phục sinh theo cách thức như thế này. Giờ đây, ông chỉ trông đợi và muốn thấy nơi Thầy mình con đường vinh quang của một Đấng Mêssia.

Về phần Đức Giêsu, Người đã quyết định theo đuổi hành trình của mình. Người không muốn chối từ thánh ý của Chúa Cha, bởi vì Người biết rõ đây là một thánh ý đầy tình yêu thương; và Người còn biết rằng cuộc khổ giá mang giá trị cao đẹp và thật sự cần thiết, bởi lẽ không có cuộc vinh thắng nào mà không có chiến đấu gian khổ. Đức Giêsu phải đối diện sự dữ, đối diện tội lỗi và đối diện cái chết, để rồi cuối cùng, qua thực tại cuộc sống con người này, Người lần ra một con đường vinh thắng.

Tiếp theo, ta thấy Chúa Giêsu đã đưa ra một lời khuyên dành cho tất cả những ai muốn bước theo Người, đó là để trở thành môn đệ của Người, cần phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Người. Mỗi người Kitô hữu cần phải đối diện với sự dữ, đối diện với tội lỗi và cái chết, để bước theo Đức Giêsu trên con đường mà Người đã đi qua. Đây là con đường chắc chắn nhất hướng chúng ta đến cuộc vinh thắng. Và vì thế, đó là con đường cao đẹp, ngay cả khi con người theo lẽ tự nhiên muốn chống lại và tránh xa nó.

Đức Giêsu còn giải thích cho chúng ta rằng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống vì Người thì sẽ tìm thấy. Đây là nguyên lý căn bản mà chính Chúa Giêsu đã nêu ra. Chúng ta được dựng nên để đạt đến một cuộc sống và hạnh phúc viên mãn. Trong sâu xa mỗi người chúng ta luôn có khao khát hướng đến thực tại này, nhưng chúng ta sẽ không thể đạt tới nếu chúng ta tìm kiếm và hướng đến nó cách trực tiếp.

Thật vậy, nếu chúng ta trực tiếp tìm kiếm hạnh phúc cho mình trước tiên, chúng ta sẽ rơi vào thói ích kỷ. Chỉ khi chúng ta biết chiến thắng sự ích kỷ này, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, biết sống với hy sinh và một tấm lòng tích cực hướng về tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được cùng đích cao đẹp của đời mình.

Tin Mừng hôm nay là một đòi hỏi cấp thiết và có vẻ như nghịch lý: để cứu mạng sống, cần phải mất; để đến vinh quang cần phải qua đau khổ. Chìa khóa chung của những điều này là: không nghĩ về bản thân trước, không tìm kiếm lợi ích hay vinh quang cho riêng mình trước, nhưng là tìm kiếm vinh quang nơi Đức Kitô và kết hợp với tình yêu của Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Từ trong nội tâm sâu xa của ngôn sứ Giêrêmia là một cuộc đối thoại giằng co với Thiên Chúa trong khi phân định đời mình. Nghĩ lại bản thân tôi, có bao giờ tôi biết đặt mình trước Chúa trong khi phân định đời mình; có bao giờ tôi bị giằng co giữa những giá trị sống và những ý hướng sống của tôi với Thiên Chúa; và có bao giờ tôi để cho Thánh Ý Chúa và tiếng nói của Người ‘quyến rũ’ và vượt thắng?

2. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Bước đường theo Chúa Kitô của người tín hữu đòi hỏi tôi phải bước qua thập giá để đến vinh quang. Không thể có vinh quang mà không trải qua cuộc chiến đấu. Vậy bên cạnh những điều tốt đẹp, tôi có đọc được những sứ điệp tích cực trong những khúc quanh gập ghềnh và chông gai trong đời tôi và luôn xác tín rằng Chúa vẫn luôn yêu thương tôi trong những giây phút đó?

3. Những tâm tình khuyên nhủ của thánh Phaolô ở bài đọc II thật sự có ý nghĩa cho tôi trong ngày hôm nay, đó là: “nhận ra đâu là Ý Chúa”, “cái gì đẹp lòng Người”, biết “đổi mới tâm thần” và “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ngài mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và bước đi trên con đường thập giá. Với niềm tin tưởng và quyết tâm vác thập giá theo Chúa Kitô, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh đang phải đương đầu với bao chống đối và bách hại, luôn vững tin vào sức mạnh của thập giá để can đảm đón nhận và vượt qua mọi thử thách hầu thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Kitô.

2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia đang phải đương đầu với chiến tranh hay dịch bệnh. Xin cho các nhà lãnh đạo ở đó luôn có những lựa chọn khôn ngoan và chính sách phù hợp, nhằm tìm kiếm hòa bình cho đất nước và bảo đảm sức khỏe của người dân.

3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các học sinh và sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới biết tận dụng thời gian và hoàn cảnh Chúa ban để nâng cao tri thức và rèn luyện nhân đức, hầu trở nên nhân chứng cho Đức Kitô trong môi trường sống và học tập của mình.

4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa hôm nay: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”, để trong cuộc sống hằng ngày biết hướng về đời sau qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến đổi thập giá thành thánh giá đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con can đảm từ bỏ bản thân và trung thành vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-22-thuong-nien-nam-a-31153

Thánh ý Chúa-chúa nhật XXII thường niên – Năm A

THÁNH Ý CHÚA
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – A
(Mt 16,21-27)

Thánh ý Chúa trong cuộc đời

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, là chủ tể mọi loài (x. 2Mcb 7,23; Kn 1,14), là tác giả của quá khứ, hiện tại và tương lai (x. Gdt 9, 5-6). Nhìn vào trật tự của vũ hoàn, chúng ta thấy quyền năng sáng tạo và bá chủ lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Mọi sự xảy ra không ngoài ý Chúa.

Nhìn vào cuộc đời và ơn gọi của Giê-rê-mi-a, ông đâu có muốn làm ngôn sứ cho Đức Chúa. Ông thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi” (Gr 20,7). Ông đâu có chọn cho mình ơn gọi tiên tri; ông cũng chẳng thích tuyên sấm những lời bi quan khủng khiếp. Cực chẳng đã ông phải làm tiên tri. Chính Thiên Chúa dụ dỗ ông, biến ông thành khí cụ trong tay Ðấng điều khiển cả đất trời. Thánh ý Chúa thể hiện trong cuộc đời ông. Ông là “Người của Thiên Chúa”.

Chúa Giê-su tuân hành ý Chúa Cha

Chúa Giê-su là khuôn mẫu hoàn hảo nhất trong việc thực hành ý Chúa Cha. Người sống bằng ý Chúa Cha (x. Ga 4,34). Đó là điều duy nhất mà Người tìm kiếm (x. 5,30), và làm mọi sự đẹp ý Đấng đã sai mình (x. 8,29). Dù ý đó mang một hình thức “mệnh lệnh”, nhưng Chúa Giê-su thấy đó là dấu chỉ mà “Cha yêu Người” (x. 10,17). Sự vâng phục của Con là sự thông hiệp với ý Cha (x. 15,19).

Trong vườn Cây Dầu cho thấy “điều Con muốn” và “điều Cha muốn” có vẻ không dung hợp (x. Mc 14,36). Nhưng Chúa Giê-su đã vượt qua xung đột đó nhờ cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha.” (Lc 22,42). Người đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình để ý Cha được hoàn toàn thực hiện, hầu mang lại ơn cứu độ cho loài người.

Chẳng có lạ, khi Chúa Giê-su tỏ cho các môn đệ thấy con đường khổ nạn và cái chết đau thương mình phải chịu. Chẳng may Người gặp phải một phản ứng tức thời, phản ứng của Phê-rô, kẻ mà Người mới đặt làm Ðá để xây lên Hội Thánh.

Phê-rô kéo Người lại với mình và can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu” (Mt 16,22). Kể ra ông cũng rất tế nhị. Ông không dám thẳng thắn phản đối. Ông kéo Người ra để nói riêng, không muốn cho đồng bạn nghe thấy. Vậy mà Chúa Giê-su có vẻ phẫn nộ đối với Phê-rô. Người nói to không nể mặt: “Hỡi Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm” (Mt 16,23). Có lẽ câu tiếp theo làm cho người ta hiểu thánh ý Chúa hơn, Người bảo: “Vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (c. 23).

Dần dà Chúa Giê-su tỏ cho môn đệ thấy tương lai của Người, tương lai ấy do chính Chúa Cha xây dựng như Chúa Giê-su nói: “Ta đến không phải để làm theo ý muốn của mình, mà là ý của Ðấng đã sai Ta” (Ga 6,38). Như vậy, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su là kế hoạch của Chúa Cha. Phê-rô chưa nhận ra điều ấy. Ông tưởng đó là ý riêng của Chúa Giê-su. Thế nên ông bộc bạch ý của ông cũng là ý của các môn đệ, là ý của quần chúng, của con cái Israel… và nói chung, của cả loài người. Ai ai cũng đang trông chờ một vị cứu tinh vinh quang, một Ðấng Cứu thế uy hùng, một Thầy Giê-su quyền phép sắp xây dựng Nước Trời trong huy hoàng, rực rỡ. Họ không biết, hoặc chưa biết “Con Người sẽ phải chịu đau khổ… Các lời tiên tri phải nên trọn… Người phải là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ… Và người Tôi Tớ của Thiên Chúa kể trong sách Isaia chính là Người”. Phát biểu của Phê-rô là tiếng nói của loài người. Hơn nữa phá kế hoạch của Thiên Chúa là ý muốn của Satan. Lời Chúa Giê-su: “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta” (Mt 16,24). Ðó là bài học cụ thể phải rút ra sau khi đã thấy mầu nhiệm thánh ý Chúa.

Theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá

Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giê-su đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phê-rô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng. “Từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa. Con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (BENEDICTO XVI, Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phan-xi-cô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 22 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-22-thuong-nien-nam-a-61043
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 22 Thường niên năm A

Mt 16, 21-27

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều.

Ðây hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không được giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Như vậy muốn được phải chịu mất trước. Ðời sống đạo đức cũng không đi ra ngoài qui luật đó. Ðức Giêsu dạy ta: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”.

Ði theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Ðức Giêsu, Thầy Chí Thánh là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Ðức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Ðó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo, trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa còn là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá thật nặng nên nhiều lần Người đã ngã xuống. Thánh giá thật ghê sợ nên Người muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Ðức Giê su chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Ðức Giê su kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không! Con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Ðịnh mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến hiển vinh. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phaolô đã hiểu biết tường tận con đường của Ðức Giêsu nên đã nói: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Ðức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:611).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Chính vì thế mà Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải là để mất mà là để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Trong tác phẩm có tựa đề: Người nghèo của Thiên Chúa tác giả đã viết về Thánh Phanxicô Assisi như sau:

Khi mặt trời vừa ló dạng, tôi và một người bạn của tôi lại lên đường, chúng tôi đến một thành phố nhỏ mà tôi không nhớ tên. Người bạn của tôi vốn là một người bạn chí thân với Thánh Phanxicô Assisi từ thuở nhỏ. Tình cờ gặp lại vị thánh giữa chợ, anh ta liền chạy đến ôm lấy Ngài và nói:

– Này anh Phanxicô, ai đã khiến anh ra nông nỗi này!

Phanxicô cười đáp:

– Chúa làm.

Bạn tôi lại hỏi tiếp:

– Bao nhiêu quần áo đẹp của anh, cả cái lông chim đỏ gắn trên chiếc mũ da của anh thuở nào sao mất hết cả rồi ? Và có mấy chiếc nhẫn vàng trên tay anh đâu ? Phanxicô lại cười đáp:

– Satan đã cho tôi, tôi đã trả lại cho hắn tất cả rồi.

Bạn tôi đưa mắt nhìn từ đầu đến chân vị thánh. Anh không thể tưởng tượng người bạn hào hoa thuở nào bây giờ ra tiều tụy như thế này. Quần áo rách tả tơi, không mũ, không giày dép. Cảm tưởng đến rơi lệ, anh liền hỏi vị thánh:

– Này Phanxicô, anh đến từ đâu vậy ?

Vị thánh đáp:

– Từ một thế giới khác.

Bạn tôi thắc mắc:

– Sao anh lại ca hát ?

Vị thánh lại giải thích:

– Tôi hát để khỏi quên đường.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Vâng! Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân

Một lần, có một người đàn bà giàu có người Hindou đến thăm mẹ Têrêsa. Bà ta nói với mẹ:

– Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với mẹ và cộng tác với mẹ trong các hoạt động từ thiện.

Tốt lắm! Mẹ đáp lại một cách vui vẻ

Rồi bà ta thú thực với mẹ là bà ta có một điểm yếu rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo Xari, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc một bộ áo Xari giá trị 65 dollars, trong khi chiếc áo Xari của mẹ Têrêsa đang mặc chỉ trị giá 65 xu, chưa đầy một dollar, Như được ơn trên soi sáng mẹ Têrêsa bỗng nảy ra được tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với Mẹ về những bộ áo xari đó. Mẹ khiêm tốn đền nghị:

– Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xari giá 65 hoặc 100 dollars, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 dollars thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari khác dành cho người nghèo.

Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà cũng biết dùng những bộ áo xari rẻ tiền hơn. Sau này chính bà đã thú nhận với mẹ Têrêsa rằng:

– Thưa mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng bên ngoài vô ích đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn thứ con cho đi và chia sẻ với anh chị em nghèo khổ!

Nghe giảng Chúa nhật XXII thường niên năm A (2011 – 2023)

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN. A
 

(Mt. 16:21-27)

KHÓA NƯỚC TRỜI.

Giê-ru-sa-lem cao vời,

Là Thành Vua cả, gọi mời tiến thân.

Chúa về thành Thánh nhiều lần,

Chu toàn sứ mệnh, thế nhân cứu đời.

Khổ đau hiến tế diệu vời,

Con đường cứu độ, rạng ngời vinh quang.

Chết đi sống lại huy hoàng,

Cứu nhân độ thế, phát quang rạng ngời.

Theo Thầy, từ bỏ cuộc đời,

Hy sinh mạng sống, một thời khổ đau.

Tin vào hạnh phúc mai sau,

Thế trần cuộc sống, qua mau cõi đời

Hưởng nhan thánh Chúa muôn đời,

Trường sinh bất tử, tuyệt vời biết bao.

Phê-rô thắc mắc vì sao?

Thật lòng can gián, đừng vào Thánh Đô.

Sợ lo tâm trạng hồ đồ,

Sa-tan, Chúa mắng, nông nô đừng phiền.

Sáng danh Thiên Chúa nhân hiền,

Yêu thương tha thứ, cõi thiên tìm về.

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu khen thưởng. Chúa đã trao trách nhiệm cho ông cầm giữ, đó là chìa khóa Nước trời. Chúa tin tưởng và trao phó Giáo Hội cho Phêrô cai quản. Phêrô đã lãnh nhận trách nhiệm làm đầu có quyền cầm buộc và tháo cởi.

 Phêrô đã nhận lãnh vai trò lãnh đạo, nhưng Phêrô chưa hoàn toàn hiểu được sứ mệnh Chúa muốn trao gởi. Ông đặt niềm tin nơi Chúa. Tính của ông rất bộc trực, mạnh mẽ và không quanh co trong ý nghĩ. Một mực nhiệt thành trong sứ mệnh. Chính vì thế, đã nhiều lần ông được Chúa khen và không ít lần bị Chúa mắng cho. Chúa từ từ huấn luyện, dậy dỗ và đưa ông vào con đường Chúa sẽ đi.

  Con đường Chúa đi là con đường khổ đau và thập giá. Con đường của hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Vì là con người, Phêrô đã vui mừng nhận chìa khóa nước trời, nhưng lại muốn chối từ thánh giá. Ông chưa hiểu ý nghĩa của sứ mệnh.

 Chúa nói với các môn đệ:”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thầy.” Chúa đòi hỏi điều kiện theo Chúa không dễ đâu. Chúng ta có thể theo Chúa, nhưng chúng ta khó từ bỏ mình. Từ bỏ mình làm sao được khi mà các ước vọng cứ vật vã và lôi kéo chúng ta trở về với con người yếu đuối của chúng ta. Chúng ta muốn đuợc vinh quang và được khen thưởng, nhưng chúng ta lại không muốn vác thánh giá. Thánh giá chính là chìa khóa mở của Nước trời. Vác thập giá theo Chúa luôn là một cố gắng không ngừng.

 Muốn làm môn đệ của Chúa, chúng ta phải chấp nhận đau khổ, hiểu lầm, chống đối và bị chối bỏ. Theo Chúa, thánh giá kề bên mỗi ngày. Ngước nhìn lên Thánh Giá, Chúa vẫn còn ở đó treo lơ lửng trên thập giá. Chúa mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa. Qua thập giá sẽ tới vinh quang.

THỨ HAI, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 4, 16-30).

ĐẤNG XỨC DẦU

Hội đường Sa-bát cầu kinh,

Đọc lời giao ước, tâm linh gọi mời.

Giê-su đọc rõ từng lời,

Thánh Thần Chúa ngự, sáng ngời trí khôn.

Xức dầu rao giảng siêu tôn,

Tin mừng loan báo, mở hồn thế nhân.

Kêu mời sám hối tội trần,

Chữa lành bệnh tật, chia phần phúc vinh.

Loan truyền giải thoát cực hình,

Người mù được thấy, an bình thiện tâm.

Hồng ân Năm Thánh quang lâm,

Giải trừ áp bức, giam cầm phóng sinh.

Hôm nay ứng nghiệm chứng minh,

Người thương kẻ ghét, lộ hình tư duy.

Đồng hương từ chối xét suy,

Nói lời xúc phạm, nghĩ suy trần đời.

THỨ BA, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 4, 31-37).

ĐẤNG THÁNH

Chúa vào giảng dậy nơi đây,

Có người quỷ ám, hay gây bất bình.

Tại sao tiêu diệt bọn mình,

Kêu to hét lớn, thật tình tuyên xưng.

Thời kỳ Chúa đến phục hưng,

Ngài là Đấng Thánh, Tin Mừng truyền rao.

Quỷ ma ghen tức thét gào,

Chuyện chi gây rối, tại sao xua trừ.

Cứu sinh sửa chữa tật hư,

Giê-su quyền thế, loại trừ dối gian.

Câm đi ra khỏi, đừng van,

Mọi người kinh hãi, ơn ban bởi trời.

Lạ lùng phép tắc cao vời,

Quyền năng ra lệnh, mọi người ngạc nhiên.

Danh người truyền khắp mọi miền,

Chữa trừ bệnh hoạn, cửa thiên cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 4, 38-44).

CHỮA LÀNH

Si-mon đón Chúa vào thăm,

Tại gia nhạc mẫu, bao năm mong chờ.

Bà đang sốt nặng bơ phờ,

Chúa cùng môn đệ, đợi chờ ghé qua.

Cảm thương yếu đuối tuổi già,

Chúa liền truyền lệnh, cho bà khỏi ngay.

Bà liền chỗi dậy tiếp tay,

Dọn cơm nấu nước, đẹp thay tấm lòng.

Nhiều người bệnh hoạn cầu mong,

Van xin chữa trị, bệnh phong hao gầy.

Quỷ ma ám ảnh quấy rầy,

Kêu lên Con Chúa, Đức Thầy Ki-tô.

Chúa rằng im tiếng đừng hô.

Âm thầm sứ mệnh, Chúa vô mọi miền.

Tin Mừng rao giảng trước tiên,

Kêu mời hối cải, gom chiên về đàn.

THỨ NĂM, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 5, 1-11).

THẢ LƯỚI

Chúa đi rao giảng Tin mừng,

Xuống thuyền cách bãi, đậu dừng loan tin.

Si-mon chài lưới đứng nhìn,

Chuyên môn thả lưới, vững tin nơi Thầy.

Nước sâu bắt cá sa lầy,

Phê-rô thưa Chúa, sáng ngày vô công

Suốt đêm cực nhọc ngóng trông,

Vâng lời thả lưới, bên hông mạn thuyền.

Cá nhiều nặng lưới kéo lên,

Bạn bè đồng nghiệp, thuyền bên góp phần.

Si-mon sụp lạy dưới chân,

Con người tội lỗi, thế nhân sống đời.

Xin Thầy hãy tránh xa rời,

Mọi người kinh ngạc, ơn trời khấng ban.

Chúa rằng đừng sợ thiên nhan,

Hãy đi chinh phục, thế gian tội tình.

THỨ SÁU, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 5, 33-39).

CẦU NGUYỆN

Môn đồ cầu nguyện ăn chay,

Gio-an Tẩy Giả, hăng say rao truyền.

Tông đồ của Chúa nhân hiền,

Bên Thầy cuộc sống, điền viên lữ hành.

Thầy trò không sống tìm danh,

Tân lang hiện diện, lòng thành sống vui.

Bao giờ đi khỏi, ngậm ngùi,

Tông đồ môn đệ, rút lui khẩn cầu.

Rượu nào bầu ấy giữ lâu,

Bầu da rượu mới, mong hầu tốt hơn.

Áo nào vải đó không sờn,

Không ai vá áo, vải đơn một chiều.

Ăn chay cầu nguyện giới điều,

Đúng thời đúng điểm, nhận nhiều ân thiêng.

Thực tâm sám hối tội khiên,

Hãm mình dẹp xác, ăn kiêng nguyện cầu.

THỨ BẢY, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

(Lc 6, 1-5).

SA-BÁT

Bứt bông lúa miến vò tay,

Mấy thầy Biệt Phái, chê ngay lỗi này.

Hôm nay Sa-bát có hay,

Làm điều không được, cấm ngày hôm nay.

Các thầy khó chịu lắm thay,

Phàn nàn với Chúa, sao Thầy không can.

Chu toàn điều luật bảo ban,

Thiện toàn lề luật, sẻ san tình người.

Chúa bênh môn đệ vài lời,

Đúng ngày Sa-bát, trong nơi thánh đền.

Đọc điều Đa-vít chẳng nên.

Cùng nhau ăn bánh, bên trên bàn thờ.

Dành riêng trưởng tế đụng sờ,

Tùy tùng lỗi luật, mong nhờ luật tha.

Giữ ngày Sa-bát đặt ra,

Con Người làm chủ, thứ tha lỗi lầm.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16974