Sống Lời Chúa tuần 1 Chúa Nhật Mùa Vọng năm B 03.12.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B

(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1 Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

TRÔNG CHỜ CHÚA

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức,
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.
(Mc 13,37)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Khởi đầu Mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở con cái mình sống trong sự đợi chờ. Trong bối cảnh phục hưng đất nước và tôn giáo sau lưu đày, dân Do Thái tha thiết chờ mong Thiên Chúa “xé trời ngự xuống” mà hiện diện giữa dân Người để cứu độ họ (bài đọc 1). Trong khi chờ đợi Chúa Giêsu đến lần thứ hai, các tín hữu Côrintô được nhắc nhớ về những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, giúp họ kiên vững cho đến cùng (bài đọc 2). Thái độ phù hợp nhất trong khi trông chờ Chúa Kitô quang lâm là sống tinh thần tỉnh thức (bài Tin Mừng).

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia đệ tam, trong bối cảnh khôi phục đất nước và tôn giáo sau lưu đày, đã tha thiết nài xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” (63,19b), vì tình thương mà mau trở lại với dân Ngài (63,17b).

Một đàng, ngôn sứ thay mặt dân Chúa mà thừa nhận rằng họ không thể hiểu tại sao Thiên Chúa lại để họ “lạc xa đường lối Ngài”, lại để họ “lòng ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài” (63,17a). Một khi xa rời Thiên Chúa, dân Chúa “như người nhiễm uế”, “mọi việc lành khác nào chiếc áo dơ”; họ trở nên “héo tàn như lá úa”, và tội ác đã phạm tựa cơn gió cuốn họ đi (64,5). Trong hoàn cảnh bi đát đó, “không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài”. Một khi Thiên Chúa ngoảnh mặt không nhìn đến, tội ác của dân Chúa mặc sức hành hạ họ (64,6).

Đàng khác, ngôn sứ nhìn nhận Thiên Chúa mới thật là Cha, là Đấng cứu độ (63,16b), Đấng dựng nên dân Ngài như người thợ gốm dùng tay mà nặn nên họ từ đất sét (64,7). Là Đấng thưởng phạt công minh, Thiên Chúa cứu thoát những ai đi theo đường lối của Ngài (64,4b), Đấng “lấy làm vui” khi “gặp kẻ sống đời công chính”, nhưng lại tỏ ra “phẫn nộ vì tội lỗi” (64,4a). Khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc, Đấng thưởng phạt công minh, ngôn sứ mở ra viễn ảnh về sự trở lại của Thiên Chúa trong đời sống của dân Chúa.

Như vậy, một đàng ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ; đàng khác, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu độ, và xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ, đồng thời mời gọi họ hãy nhận ra và nắm chắc ân huệ ấy trong khi chờ đợi Đức Kitô trở lại trong ngày quang lâm.

Trước hết, thánh Phaolô thay lời cho các tín hữu Côrintô cảm tạ Thiên Chúa vì ân huệ Người đã ban trong Đức Giêsu Kitô (1 Cr 1,4). Quả vậy, trong Đức Giêsu Kitô, các tín hữu “được trở nên phong phú về mọi phương diện, về mọi lời nói và sự hiểu biết” (x. 1 Cr 1,5). Lời nói (ơn tiên tri) và sự hiểu biết (ơn hiểu biết) là hai đặc sủng được ban cho các tín hữu trong cộng đoàn Côrintô (x. 12,8; 13,1-2; 2 Cr 8,7; 11,6). Sử dụng hai đặc sủng này cách đúng đắn và phù hợp làm cho đời sống cộng đoàn và các thành viên cộng đoàn thêm phong phú, sự phong phú do ân huệ Chúa ban và do cách mà các Kitô hữu sử dụng các ân huệ ấy.

Sau nữa, nhờ đón nhận “lời chứng về Đức Kitô” (1 Cr 1,6), nghĩa là đón nhận Tin Mừng về Người, các tín hữu được kiên vững, “nên vững chắc đến cùng” đến nỗi không ai có thể trách móc được điều gì trong ngày Đức Kitô quang lâm (1 Cr 1,7-8). Thật vậy, qua việc đón nhận Tin Mừng, các tín hữu được Thiên Chúa mời gọi đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô (1 Cr 1,9), nghĩa là được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, được thông phần sự sống của Người nhờ bí tích Thánh Thể (x. 1 Cr 10,16-17). Chính sức sống của Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng và làm cho các Kitô hữu kiên vững cho đến khi Đức Kitô trở lại trong ngày quang lâm.

3. Bài Tin Mừng:

Cuối bài giảng về cánh chung (chương 13), tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (Đn 7,13-14) mà trình bày về ngày quang lâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉnh thức.

Trước hết, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy tỉnh thức. Vì không ai biết ngày Chúa đến, “ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không” (Mc 13,32), nên cách thích hợp nhất để chờ ngày Chúa đến là luôn tỉnh thức, nghĩa là, ý thức ngày đó có thể xảy ra bất cứ khi nào và cố gắng sống làm sao để không bị bất ngờ. Khi Chúa đến, Người sẽ xét xử và thưởng phạt theo cách sống của người môn đệ, nên tỉnh thức là luôn sống tích cực để được ân thưởng.

Thêm nữa, tỉnh thức không phải là sự chờ đợi cách thụ động mà là chủ động trong việc chu toàn trách nhiệm được giao phó. Dụ ngôn ông chủ đi xa, để lại nhà và trao quyền cho các đầy tớ của mình mỗi người một việc cho thấy ý nghĩa tích cực của sự tỉnh thức. Tỉnh thức cách chủ động là ý thức về bổn phận được giao phó và dù ông chủ đi xa thì người đầy tớ vẫn lo chu toàn phận vụ của mình; nhờ vậy, bất cứ khi nào ông chủ về, dù “lúc chập tối hay nửa đêm, gà gáy hay tảng sáng”, người đầy tớ đều có thể sẵn sàng giải trình cho ông chủ về những việc mình được giao phó.

Sau cùng, thái độ tỉnh thức không chỉ cần thiết cho các môn đệ Chúa Giêsu mà cho hết thảy mọi người (x. Mc 13,37). Thái độ tỉnh thức cách chủ động không chỉ là đòi hỏi dành riêng cho các môn đệ mà cho hết thảy mọi người tin. Mỗi người, tùy theo ơn gọi và khả năng của mình, đều được Chúa trao cho những trách nhiệm khác nhau, nên sống tinh thần tỉnh thức nơi mỗi người cũng khác nhau. Lời Chúa mời gọi mỗi người sống làm sao để ngày Chúa đến là ngày của hân hoan, của phúc lành, của ân thưởng, của hy vọng tràn đầy.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ. Hơn nữa, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc của dân, đồng thời xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ. Nhìn nhận thân phận con người bất toàn, tội lỗi trước tình thương của Thiên Chúa là khởi đầu của một sự đổi mới dẫn đến ơn cứu độ. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước vào hành trình cứu độ đó nhờ Đức Kitô.

2/ Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ trong Đức Kitô; nhờ Người mà họ được nên phong phú về mọi phương diện. Đồng thời, thánh nhân mời gọi họ hãy khám phá và nắm chắc ân huệ ấy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Đây cũng là lời mời gọi cho mọi Kitô hữu: giữ sự hiệp thông với Đức Kitô và kiên vững trong đức tin cho đến khi Người quang lâm.

3/ Cuối bài giảng về cánh chung, tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (7,13-14) để khẳng định về ngày quang lâm của Đức Giêsu và cho thấy cần có thái độ tỉnh thức trong khi chờ đợi ngày đó. Tỉnh thức không đơn giản chỉ là thụ động chờ đợi mà là chủ động và tích cực làm tròn trách nhiệm mà chủ giao phó. Mùa Vọng nhắc nhớ các Kitô hữu về ngày Chúa Kitô trở lại và mời gọi sống tỉnh thức: vừa nỗ lực xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp, vừa chu toàn trách nhiệm của người Kitô hữu.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giáo Hội cử hành Mùa Vọng hằng năm nhằm nhắc nhở người kitô hữu chúng ta phải luôn có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng chào đón Chúa. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nêu cao tinh thần tỉnh thức sẵn sàng, hầu chu toàn trách vụ chăm sóc đàn chiên đã được Thiên Chúa ủy thác.

2. Ngôn sứ Isaia cầu khẩn: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người trong thế giới hôm nay đang ngủ quên trong lối sống bon chen hưởng thụ, biết nhận ra các nhu cầu tâm linh và khát khao tìm kiếm chân lý.

3. “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, luôn ý thức chu toàn bổn phận làm con cái Chúa qua các cử hành phụng vụ, tuân giữ lề luật Chúa và thực thi công bình bác ái.

4. “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy mọi ơn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm phụng vụ mới này, biết không ngừng canh tân đời sống trong Đức Kitô, và luôn quan tâm đồng hành với các bạn trẻ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Nghe giảng Chúa nhật I Mùa Vọng năm B (2011-2023)

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 1 Mùa Vọng B

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG B

 

(Mk 13,33-37)

TỈNH THỨC

Tâm hồn vọng ngóng mong chờ,

Nguyện cầu tỉnh thức, tôn thờ Chúa Cha.

Một niềm hy vọng mưa sa,

Ban ơn Cứu Độ, thứ tha tội tình.

Chúa Con xuống thế liều mình,

Làm người giáng thế, hết tình vì yêu.

Ngôi Lời nhập thể huyền siêu

Xả thân chuốc lấy bao nhiêu khổ hình.

Tình yêu mời gọi đáp tình,

Vọng canh thức tỉnh, xét mình trước tiên.

Tránh xa lầm lạc tội khiên,

Dọn đường đón Chúa, vọng thiên cứu đời.

Ân thiêng phúc lộc cao vời,

Cung lòng sưởi ấm, Ngôi Lời giáng sinh.

Cử hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới của Giáo Hội. Năm nay chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, năm B. Khởi đầu Mùa Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Đôi khi chúng ta thức mà không tỉnh. Cuộc sống của chúng ta trở thành thói quen và ngày này qua ngày khác sinh hoạt giống nhau. Một ngày giống như mọi ngày. Sáng sớm chúng ta thức dậy lo mọi việc như đi lễ, đi làm, đi học,.. xong mọi công việc về gia đình chia sẻ bữa cơm và ngủ nghỉ. Thế là hết một ngày. Thời gian thấm thoát qua mau chẳng đợi chờ ai.

Nhìn trời Thu lá rụng, chúng ta thấy giật mình. Thời tiết chuyển đổi và khí trời xe lạnh. Mới ngày nào, hoa lá còn xanh mơn mởn và cây cành xum xuê mà nay đã đổi mầu và lá rụng xuống. Cả lá già lẫn lá non đều rơi rụng. Lá rụng về cội. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng đang đổi thay như thế. Mỗi ngày sống là chúng ta đi gần về cội nguồn.

Mùa Vọng về mang lại cho chúng ta một niềm Hy Vọng. Hy vọng trong đợi chờ. Trông chờ Chúa ghé thăm tâm hồn. Thực ra, Chúa Giêsu đã giáng sinh hơn 2000 năm trước rồi. Vậy chúng ta trông chờ chi nữa? Chúng ta trông chờ Chúa ghé thăm tâm hồn mỗi người và Chúa cũng sẽ đến lần thứ hai để đón nhận chúng ta. Lần Chúa viếng thăm này đòi chúng ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức như người lính gác trông chờ rạng đông.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn quyến rũ trong cuộc đời. Phải tỉnh thức như khi chúng ta đang lái xe, luôn nhìn trước ngó sau, chân ga chân thắng sẵn sàng và tay lái vững vàng dẫn đường ta đi. Cầu nguyện trong tỉnh thức cũng thế, phải luôn sắn sàng vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa viếng thăm.

Lạy Chúa, mỗi ngày là một ngày mới. Xin Chúa giúp chúng con biết sống và tỉnh thức cầu nguyện luôn, để chuẩn bị tâm hồn mong chờ Chúa đến.

THỨ HAI, TUẦN 1 VỌNG

(Is 2, 1-5. Mt 8, 5-11).

LÒNG TIN

Hạ mình đội trưởng van xin,

Thương tình cứu chữa, con tin vào Ngài.

Giê-su quyền phép thiên tài,

Độ thân giáng thế, đóng vai người trần.

Xót thương cứu chữa bệnh nhân,

Nhìn sâu hiểu thấu, tinh thần nội thân.

Chúa rằng tiến bước cận lân,

Lùi xa xin Chúa, đừng gần nhà con.

Một lời Chúa phán sắt son,

Cứu nguy thoát khỏi, sống còn sợ chi.

Đức tin manh mẽ sao bì,

Chúa ban ơn phúc, lo gì ngay mai.

Một lời Chúa phán chẳng sai,

Thân lành hồn tỉnh, thiên thai rạng ngời.

THỨ BA, TUẦN 1 VỌNG

(Is 11, 1-10; Lc 10, 21-24).

NƯỚC TRỜI

Nước Trời ẩn dấu nhiệm mầu,

Suy tư nghiên cứu, biết đâu mà tìm.

Chúa thương mạc khải trong tim,

Tâm hồn khiêm hạ, sẽ tìm được ngay.

Khôn ngoan thông thái đời này,

Khoe khoang trí thức, tưởng hay với đời.

Giê-su Chúa Tể cao vời,

Hạ thân giáng thế, rạng ngời phúc vinh.

Chúa Con soi tỏ chân tình,

Chúa Cha dọi sáng, Thánh Linh dãi bày.

Tông đồ hạnh phúc ngất ngây,

Tai nghe mắt thấy, Thầy đây bởi Trời.

Chứng nhân sự thật tuyệt vời,

Thành tâm tin kính, trọn đời hỉ hoan.

THỨ TƯ, TUẦN 1 VỌNG

(Is 25, 6-10a; Mt 15, 29-37).

CHỮA LÀNH

Chúa thương cứu chữa xác hồn,

Què câm mù điếc, bồn chồn tấm thân.

Quỷ ma mê ám bệnh nhân,

Chữa lành tẩy sạch, canh tân cuộc đời.

Ân thiêng đổi mới con người,

Tin yêu dõi bước, nghe lời Phúc âm.

Miệt mài theo Chúa âm thầm,

Ba ngày vất vả, thân tâm rã rời.

Đói lòng khao khát Ngôi Lời,

Cảm thương dân chúng, Chúa mời họ ăn.

Cánh đồng mông quạnh vắng tanh,

Vài con cá nhỏ, bảy thanh bánh vàng,

Chúa ban phúc lộc tuôn tràn,

Bốn ngàn trai tráng, thêm ngàn người thân.

Thỏa thuê ăn uống đoàn dân,

Lượm thu bảy thúng, muôn phần Chúa ban.

THỨ NĂM, TUẦN 1 VỌNG

(Is 26, 1-6; Mt 7, 24-27).

NỀN TẢNG

Nước Trời mở cửa đón chào,

Ý Cha thực hiện, bước vào chốn đây.

Lắng nghe lời Chúa nói nầy,

Khôn ngoan thực hiện, dựng xây móng nhà.

Dù cho báo tố mưa sa,

Ngôi nhà chắc chắn, nền đà vững chân.

Xây nhà trên cát ngu đần,

Mưa to gió thổi, trôi dần hổng hang.

Xập nhà tai họa hoang tàn,

Vâng lời Chúa dạy, vững vàng tin yêu.

Thực hành lời Chúa cao siêu,

Kiên trì phấn đấu, dù nhiều khó nguy.

Cầu xin ơn Chúa độ trì,

Thành tâm vững bước, lo gì gian truân.

THỨ SÁU, TUẦN 1 VỌNG

(Is 29, 17-24; Mt 9, 27-31).

ÁNH SÁNG

Khẩn cầu lòng Chúa xót thương,

Hai người theo Chúa, tìm đường van xin.

Mắt mù chẳng thấy nhưng tin,

Quyền năng Chúa giúp, con nhìn thấy ngay.

Lạy Thầy thương giúp cầu may,

Chữa con sáng mắt, ơn này khắc ghi.

Đức tin son sắt sao bì,

Hoàn toàn tín thác, từ bi chữa lành.

Chúa truyền kín đáo thanh danh,

Chu toàn sứ mệnh, cứu sanh giúp đời.

Mừng vui mắt sáng rạng ngời,

Truyền rao khắp chốn, ơn trời phú ban.

Lữ hành cuộc sống gian nan,

Niềm tin cứu độ, chứa chan phúc lành.

THỨ BẢY, TUẦN 1 VỌNG

(Is 30, 18-21. 23-26; Mt 9, 35-10, 1.6-8).

TIN MỪNG

Tin vui Cứu Độ vọng ngân,

Gần xa loan báo, toàn dân đón mừng.

Xót thương dân chúng vô chừng,

Bơ vơ tất tưởi, dửng dưng giữa dòng.

Xin thêm thợ gặt thật lòng,

Đầy đồng lúa chín, chờ mong đáp lời.

Tông đồ môn đệ ra khơi,

Tung chài thả lưới, gọi mời dấn thân.

Ra đi rao giảng nhân trần,

Chúa trao quyền lực, xả thân cứu đời.

Chữa lành bệnh hoạn khắp nơi,

Cao rao danh Chúa, ơn trời phú ban.

Nước Trời giáng phúc bình an,

Mở lòng đón nhận, chứa chan ơn lành.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17332