Sống Lời Chúa tuần 27 thường niên năm A Chúa Nhật 08.10.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-27-thuong-nien-nam-a-47782
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

(Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43)

SINH HOA TRÁI TỐT

“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa,
Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.
(Mt 21,43)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia dùng hình ảnh một người trồng nho tốn bao công sức để vun trồng, chăm bón cẩn thận và mong mỏi vườn nho sinh trái tốt, nhưng chỉ thu được toàn nho dại. Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc, bảo vệ dân Chúa nhưng họ lại không sống theo đường lối của Người.

Người trồng nho đã chọn một mảnh đất trên “sườn đồi màu mỡ”, lại còn “cuốc đất nhặt đá”, rồi mới trồng “giống nho quý”; ông còn “xây một vọng gác” để bảo vệ vườn nho, và chuẩn bị sẵn “bồn đạp nho” để chờ ngày thu hoạch. Tất cả những gì tốt nhất có thể thì người trồng nho đã làm hầu mong thu được “nho tốt”, nhưng vườn nho chỉ sinh “nho dại”. Thất vọng vì bao công sức bỏ ra không đem lại kết quả tốt, người trồng nho “phá bỏ hàng giậu” để vườn nho bị “tan hoang”, phá bờ tường để giàn nho bị giày xéo, biến vườn nho thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ nên vườn nho mọc đầy gai góc và vì không được tưới nên vườn nho khô cằn.

Người trồng nho chính là Thiên Chúa và vườn nho là dân Israel. Thiên Chúa đã mang dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập mà đem trồng vào miền đất hứa, miền đất rộng lớn, tươi tốt và tràn trề sữa và mật (x. Xh 3,8.17). Thiên Chúa yêu thương dân Israel cách đặc biệt (Is 5,7; x. Xh 15,13; Ml 1,2) và luôn ra tay bênh đỡ và bảo vệ dân Ngài (x. Is 31,5; Tv 144,2; Hc 51,1-2). Ngài hằng mong mỏi dân Ngài sinh hoa trái bằng đời sống công bình và chính trực, nhưng Ngài chỉ thấy đổ máu và tiếng khóc than (Is 5,7). Thất vọng vì cách sống của dân, Thiên Chúa đã bỏ mặc họ, để cho họ bị kẻ thù xâm lăng và giày xéo, thậm chí bắt họ đi lưu đày như vườn nho bị tan hoang, cỏ mọc gai góc và cằn khô. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn chờ đợi họ nhận ra lỗi lầm mà hối cải để Ngài lại giải thoát họ.

2. Bài đọc 2:

Trước viễn cảnh Chúa gần quang lâm, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philípphê đừng lo lắng nhưng hãy sống phó thác, tìm kiếm bình an nơi Chúa và theo đuổi những đức tính tốt.

Trước hết, thánh nhân khuyên các tín hữu Philípphê rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh hay công việc nào, đừng lo lắng nhưng cầu khẩn, van xin và tạ ơn; hãy phó thác mọi sự cho Chúa. Như thế, không lo lắng không có nghĩa là buông xuôi mà là trao phó những khó khăn, lo lắng cho Thiên Chúa, và không để những lo lắng bên ngoài cản trở niềm vui thiêng liêng nội tâm. Không lo lắng không phải vì không có những điều phải lo, nhưng là biết tin tưởng trao gởi mọi lắng lo cho Thiên Chúa là Đấng lo liệu mọi sự.

Hơn nữa, thánh Tông Đồ còn khuyên các tín hữu hãy tìm kiếm thứ bình an đích thực từ Thiên Chúa là thứ bình an vượt lên trên những toan tính, suy nghĩ của con người (x. Ep 3,20); Đó là thứ bình an mà người ta không thể dùng những khả năng hay trí tuệ của con người để đạt được nhưng là nhờ kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực (x. Rm 15,33; 16,20) đã trao ban bình an của Ngài cho các Kitô hữu thông qua Đức Kitô (x. Gl 1,3), nên một khi lòng trí được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, các tín hữu có được bình an đích thực và trọn vẹn.

Sau cùng, các tín hữu Philípphê được khích lệ hãy sống theo những đức tính tốt đẹp mà họ đã học hỏi, và lãnh nhận vì đã nghe thấy từ truyền thống của Giáo hội qua thánh Phaolô, đó là “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen”. Nếu họ thực hành những điều này thì sẽ được Thiên Chúa là nguồn bình an ở cùng.

3. Bài Tin Mừng

Có thể nói dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện rút gọn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không còn dành riêng cho dân Ngài nữa mà mở ra cho toàn thể nhân loại, những ai tin nhận và sống theo đường lối của Thiên Chúa.

Trước hết, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được ví như gia chủ kia trồng một vườn nho. Ngài đã ưu tiên chọn một dân riêng (trao vườn nho cho các tá điền canh tác), trang bị cho họ đầy đủ những gì cần thiết để bảo vệ họ như Lề luật và Giao ước (rào giậu, xây tháp canh, khoét bồn đạp nho). Thiên Chúa cho họ có thời gian canh tác (trẩy đi xa) để sinh hoa lợi, nghĩa là sống theo những chỉ thị và huấn lệnh của Thiên Chúa.

Tiếp đến, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân Chúa để cảnh báo và nhắc nhở họ sống theo các đòi hỏi của Ngài (sinh hoa lợi), nhưng họ đã đối xử tàn tệ với các sứ giả của Thiên Chúa, kẻ thì bị đánh đập, người thì bị giết chết. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ và mong họ thay đổi nên đã sai thêm nhiều ngôn sứ khác, thậm chí với số lượng còn đông hơn, đến để hướng dẫn họ đi theo đường lối của Ngài. Nhưng dân Chúa đã phớt lờ lời cảnh báo của các ngôn sứ, đối xử tệ với các ngài, và vẫn cố chấp trong những điều sai trái của họ (không nộp hoa lợi cho gia chủ).

Sau cùng, Thiên Chúa đã sai con của Ngài là Chúa Giêsu đến với dân Ngài. Dù biết bao sứ giả đã bị đối xử tàn tệ, Thiên Chúa như một gia chủ ngây thơ vẫn nuôi hy vọng mong manh là dân Ngài sẽ “nể con ta”. Sự ngây thơ đến vô lý của gia chủ cho thấy tình thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá bên ngoài Giêrusalem (quăng ra ngoài vườn nho) là cao điểm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Việc dân Chúa từ chối chính Con Thiên Chúa mở ra cơ hội đón nhận ơn cứu độ cho tất cả những ai tin và sống theo đường lối của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sẽ lấy đi Nước Thiên Chúa… mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Câu chuyện người trồng nho chọn lựa giống tốt, trồng trên đất màu mỡ, cẩn thận chăm sóc và bảo vệ, nhưng vườn nho chỉ sinh toàn nho dại, vừa cho thấy tấm lòng yêu thương chân thành của Thiên Chúa đối với dân Ngài, vừa cho thấy sự bất trung và bội nghĩa vong ân của dân đối với Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa bỏ rơi dân Chúa, không còn bảo vệ che chở họ nữa, để cho kẻ thù giày xéo và ức hiếp là để họ nhận ra lỗi lầm và quay về sống theo đường lối của Ngài. Thiên Chúa chờ đợi vườn nho sinh trái tốt; Ngài cũng mong mỏi mỗi người sống công bình và chính trực. Thiên Chúa trao cho mọi người những ơn lành cần thiết là “để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta” (Lc 1,75).

2/ Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philípphê đừng lo lắng nhưng hãy sống phó thác, tìm kiếm bình an nơi Chúa và theo đuổi những đức tính tốt. Mỗi Kitô hữu cũng được thúc đẩy sống phó thác vào Chúa đừng để vì lo lắng mà đánh mất niềm vui nội tâm. Sự an bình đích thực phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài đã ban cho mỗi người thứ bình an đó qua Đức Giêsu Kitô. Khi người Kitô hữu ưu tiên tìm kiếm “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen” thì họ ở trong bình an của Đức Kitô.

3/ Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn dân Ngài và ban cho họ Lề luật và Giao ước để họ sống đẹp lòng Ngài. Tuy vậy, khi dân không đi theo đường lối của Thiên Chúa, Ngài đã nhiều lần sai các ngôn sứ đến để cảnh tỉnh họ, nhưng họ không những không nghe theo mà còn bách hại các ngôn sứ. Sau hết, Thiên Chúa sai chính Con của Ngài đến nhưng rồi cũng bị giết chết. Việc dân Chúa từ chối chính Con Thiên Chúa mở ra cơ hội được làm con cái Thiên Chúa cho những ai sinh hoa lợi, nghĩa là tin và sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chỉ mang danh là Kitô hữu vẫn chưa đủ mà cần phải sinh hoa trái bằng đời sống đức tin hằng ngày.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi chăm sóc cho vườn nho của Người tươi tốt và sinh nhiều hoa trái. Trong tâm tình cảm tạ Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời nguyện xin:

1. “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa luôn tích cực trong sứ vụ truyền giáo, để vườn nho của Chúa là Hội Thánh không ngừng phát triển như lòng Chúa mong ước.

2. “Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.” Chúng ta cùng cầu xin cho các nạn nhân của bạo lực và chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới, cảm nhận được bình an mà Thiên Chúa ban tặng qua sự cảm thông, đồng hành của những người thiện chí và quảng đại.

3. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang có thành kiến với tôn giáo, cách riêng là Kitô giáo, được ơn hoán cải, biết khám phá và tin nhận Đức Kitô chính là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho nhân loại.

4. “Đến mùa, chủ sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức chu toàn tốt nhất phận vụ của mình, hầu đem lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và nhân hậu, xin lắng nghe và chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, giúp chúng con luôn trung thành sống theo ơn của mình trong Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Mẹ ru con ngủ

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-27-thuong-nien-nam-a-61312
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Mt 21, 33-43

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ

lại trở nên đá tảng góc tường.

Đó chính là công trình của Chúa,

công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
(Mt 21,42)

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để nói về những gì mà người Do Thái đã và đang dự tính làm đối với Chúa.

Có thể nói đọc ngôn này, ai cũng hiểu ý Chúa muốn nói gì. Ai cũng hiểu những nhân vật Chúa dùng trong dụ ngôn ám chỉ về những người nào.

Ngày xưa, vườn nho là nước Do thái. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa. Những kẻ trồng nho mướn là những giới chức tôn giáo Do thái, là những kẻ chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về sự hưng thịnh của quốc gia. Những đầy tớ lần lượt được sai đến là các tiên tri. Họ được Chúa sai đến nhưng đã bị chối bỏ và giết đi. Người con trai đến sau cùng không ai khác hơn là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng bị bọn thuê mướn vườn nho giết chết. Việc này chưa xảy ra nhưng chắc sẽ xảy ra. Và quả như lời Chúa tiên báo Chúa Giêsu cũng đã cùng chung một số phận như các tiên tri thuở trước. Đây là câu chuyện Chúa dùng để tiên báo về chính cái chết của Ngài.

Chúng ta thử hỏi qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về những điều gì ?

A. Việc đầu tiên Chúa muốn cho mọi người thấy.

1. Trước hết về Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy ngay:

a) Thiên Chúa tin cậy con người. Như ông vườn nho trao cho kẻ trồng nho mướn. Ông không đứng canh họ như cảnh sát, ông đi xa, để họ tự giác làm việc. Thiên Chúa cũng tôn trọng con người như thế. Người trao phó cho họ công việc của Ngài. Mỗi một công tác chúng ta nhận đều bởi Chúa trao cho chúng ta làm.

b) Thiên Chúa là Đấng nhẫn nhục. Như người chủ sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ. Ông không báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi. Ông cho những người làm mướn trong vườn nho hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông. Thiên Chúa cũng nín chịu hết mọi tội lỗi của con người và cho con người có cơ hội để ăn năn.

c) Sau cùng Thiên Chúa mới là Đấng phán xét. Cuối cùng, người chủ vườn nho đã lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác. Cũng tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét thật nghiêm khắc. Điều nghiêm nhất là khi Chúa lấy khỏi tay chúng ta những công tác Ngài muốn chúng ta làm. Khi đó những người bị Chúa phán xét sẽ trở nên vô dụng đối với Chúa.

2. Tiếp đến, dụ ngôn cho chúng ta thấy nhiều điều về con người:

a) Đặc quyền của con người: Vườn nho được sắp sẵn mọi thứ, có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh, để giúp cho việc canh tác được dễ dàng. Thiên Chúa không những giao công tác để làm mà còn giao phương tiện để làm nữa.

b) Sự tự do của con người: người chủ vườn để những người thuê mướn được hoàn toàn làm việc theo ý thích. Thiên Chúa không phải là người độc đoán, Ngài như một vị chỉ huy khôn ngoan trao phó công tác rồi để cho họ làm.

c) Con người phải trả lời về hành vi của mình. Tất cả mọi người đều sẽ có một ngày phải tính sổ. Chúng ta phải trả lời Thiên Chúa về cách chúng ta thi hành công tác mà Ngài trao cho.

d) Con người cố tình phạm tội: trong dụ ngôn những người làm mướn trong vườn nho đã cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục ông chủ. Tương tự như, thế tội lỗi là cố ý chống lại Thiên Chúa, là cố tình theo đường lối riêng dù đã biết rõ đường lối Chúa như thế nào.

3. Cuối cùng dụ ngôn nói cho chúng ta về Chúa Giêsu.

a) Chúa Giêsu là ai ? Dụ ngôn cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu là ai. Ngài là Đấng hơn các tiên tri đi trước. Những người đã đến trước Ngài chỉ là những sứ giả của Thiên Chúa, không ai có thể phủ nhận vinh dự đó của họ, nhưng họ chỉ là tôi tớ, còn Ngài mới là Con. Ví dụ này là một lời tuyên xưng rõ rệt nhất về Chúa Giêsu, về địa vị độc đáo của Ngài và xác định rõ ràng Ngài hơn các vĩ nhân đã đến từ trước.

b) Sự hy sinh của Chúa Giêsu: dụ ngôn rõ ràng cho thấy những gì đang ở phía trước. Những kẻ làm vườn gian ác đã giết con trai của chủ. Chúa Giêsu không nghi ngờ gì về những việc đang chờ đợi Ngài. Ngài không chết vì bị bắt buộc phải chết nhưng Ngài sẵn lòng đi tới và đối diện với cái chết.

B. BÀI HỌC.

Bài học cụ thể nhất mà mọi người có thể thấy: Đó là Thiên Chúa có chương trình của Ngài.

Đây là chương trình do chính Thiên Chúa Cha hoạch định và Chúa phải thi hành.

Không ai có thể cản trở được chương trình của Thiên Chúa.

Con người đừng có ảo tưởng có thể làm cho công trình của Thiên Chúa phải thất bại.

Mọi âm mưu của con người sẽ thất bại khi Thiên Chúa ra tay uy quyền.

Họ chớ có tưởng khi giết được Chúa Giêsu là họ đã có thể ăn mừng chiến thắng.

Thiên Chúa sẽ cho họ thấy quyền năng của Chúa. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.(Mt 21,42)

Malebon là tên của một tảng đá rất nổi tiếng tại tiểu bang California. Tên của tảng đá này được người ta nhắc đến do một sự tình cờ: Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại Sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà; và thế là hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá ra xa lộ.

Theo dõi câu truyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đến mua tảng đá đó với giá 100 Mỹ kim. Sở Kiều lộ của thành phố mừng thầm vì ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái của nợ ấy ra khỏi xa lộ. Sau đó, người Úc bỏ ra 20.000 Mỹ kim để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà quý nhất mà người Úc đã dành cho tài tử này trước khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm đã được bán cho một người chuyên sưu tầm với giá một triệu Mỹ kim.

Tảng đá Melebon trên đây đã bị nhiều người xem như là một của nợ cần vứt đi, nhưng một người Úc đã nhìn ra nó như một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Sự thành công trong cuộc sống thường được nhiều người gán cho là một sự ngẫu nhiên hay một vận may nào đó. Nhưng người có niềm tin thì xem đó là sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Trước Công nghị Do thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường”. Cái chết của Chúa Giêsu quả thực là một hành động đê hèn dã man của người Do thái, nhưng Thiên Chúa đã biến cái chết ấy trở thành biểu tượng của tình yêu, và nguyên nhân cứu rỗi của con người. Đó là điều quan trọng mà mọi người có thể học được qua bài dụ ngôn hôm nay. Amen.

Trang Thơ: Vòng Chuỗi Mân Côi

Nghe giảng Chúa nhật XXVII thường niên năm A (2017)

Suy niệm Lời Chúa-Chúa nhật 27 thường niên – Lm Inhaxiô Trần Ngà

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN. A

(Mt. 21:33-43)

SỨ MỆNH

Vườn nho ông chủ mới trồng,

Chung quanh rào dậu, ra công xây tường.

Đào hầm ép rượu đo lường,

Tháp canh kiểm soát, ngõ đường lối đi.

Tá điền thuê mướn lo chi,

Tới mùa thu lợi, thực thi công bình.

Chủ sai đầy tớ về trình,

Thu phần lợi tức, phân minh rõ ràng.

Lòng tham dạ ác bẽ bàng,

Bắt giam đánh đập, chẳng màng quản cai.

Số đông thân cận được sai,

Tệ hơn ứng xử, họa tai từng người.

Con trai yêu quí trong đời,

Cha sai con đến, gọi mời nghĩ suy.

Tá điền lòng dạ vong suy,

Đứa con thừa tự, gây nguy gia tài.

Lôi ra giết bỏ bên ngoài,

Vườn nho chiếm lấy, lỗi sai phạt bù.

Chủ nhà tru diệt bỏ tù,

Tìm người công chính, trùng tu xóm làng.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ và quyền năng cho các tông đồ, để các ngài tiếp tục mở mang Giáo Hội. Chúa dùng dụ ngôn để nói lên hiện trạng của Nước Chúa ở trần gian.

 Để chuẩn bị thiết lập Giáo Hội, Chúa đã chọn một dân tộc và đã chuẩn bị họ để đón nhận Đấng Cứu Thế. Trải qua lịch sử Cứu Độ, dân tộc được Chúa chọn làm dân riêng đã quay lưng lại với Chúa. Họ từ khước các tiên tri và chối bỏ chính người con yêu được sai đến với họ. Họ muốn được tự lập và muốn chiếm đoạt gia sản của Chủ.

   Xã hội nơi chúng ta đang sinh sống cũng có những chiếm đoạt như thế. Nhiều người muốn loại trừ Chúa ra khỏi xã hội và cuộc sống. Họ tìm mọi cách để thoát ra khỏi ràng buộc của các luật lệ và giới răn. Con người muốn làm chủ sự sống và muốn được quyết định cho sự sống mình. Họ coi mạng sống con người chỉ là những con số. Hàng năm, với mức độ phá thai trên khắp thế giới đã đến mức kỷ lục.

  Truyền thông lên tiếng bảo vệ con người, nhưng cùng lúc tìm cách hạn chế và giết chết thai nhi khi còn trong cung lòng người mẹ. Họ không muốn chia xẻ niềm vui với người khác để được làm con người và con Chúa. Họ muốn ôm đồm mọi cái là của riêng. Họ muốn tẩy chay các huấn lệnh của Chúa và Giáo Hội, rồi hủy bỏ niềm hy vọng của tin mừng sự sống.

  Qua các thời đại, Chúa vẫn tiếp tục gởi các ngôn sứ để mời gọi con người ý thức sứ mệnh của mình. Mỗi người chúng ta có bổn phận bảo vệ sự sống và xây dựng một xã hội tốt đẹp, một Giáo Hội thánh thiện và mong ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc thiên đàng.

THỨ HAI, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 10, 25-37).

LUẬT YÊU THƯƠNG

Một người thông luật hỏi rằng:

Làm sao được sống vĩnh hằng, Thầy ơi.

Ghi trong sách luật bao lời,

Trả lời thông suốt, một thời trông mong.

Mến yêu Thiên Chúa hết lòng,

Linh hồn hết sức, theo dòng thời gian.

Thứ hai yêu mến tỏa lan,

Bà con bạn hữu, chứa chan ân tình.

Điều răn ghi nhớ hết mình,

Chúa thương ưu ái, dủ tình ủi an.

Yêu người mến Chúa liên can,

Dụ ngôn Chúa dậy, sẻ san thực hành.

Một người bị đánh tan tành,

Kẻ thương giúp đỡ, thi hành ái nhân.

Yêu người đã dám xả thân,

Hy sinh nâng đỡ, khi cần cứu nguy.

THỨ BA, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 10, 38-42).

LẮNG NGHE

Đi vào làng nhỏ ghé thăm,

Hai người phụ nữ, chuyên chăm việc nhà.

Mar-tha vồn vã mặn mà,

Tâm tình hiếu khách, thật thà đáng khen.

Dọn nhà dọn cửa chưng đèn,

Nấu cơm dọn bữa, sang hèn quý thay.

Ma-ry tiếp Chúa nơi này,

Ngồi nghe Chúa giảng, cả ngày bên chân.

Chọn phần tốt nhất tinh thần,

Lắng nghe lời Chúa, ân cần xét suy.

Mar-tha bận bịu phụ tùy,

Long đong lận đận, phát huy bên ngoài.

Tay chân lao động mệt nhoài,

Lắng lo nhiều chuyện, cũng hoài công thôi.

Cuộc đời như áng mây trôi,

Ma-ry nghe Chúa, chọn ngồi ngay bên.

THỨ TƯ, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 11, 1-4).

CẦU NGUYỆN

Chúa lên cầu nguyện sườn đồi,

Cha Con kết hợp, một hồi đã lâu.

Môn đồ đứng đợi vội tâu,

Xin Thầy chỉ dậy, lời cầu dâng Cha.

Tình yêu Thiên Chúa bao la,

Nguyện cầu dâng tiến, ngợi ca danh Người.

Lạy Cha, Đấng ngự trên trời,

Nguyện danh cả sáng, cao vời thiên cung.

Nước Cha trị đến tôn sùng,

Ban cho lương thực, đủ dùng thế nhân.

Xin thương tha nợ gian trần,

Chúng con đền đáp, cũng cần tha nhau.

Đừng xa cám dỗ, tránh mau,

Không rơi sự dữ, thương đau chất chồng.

Sáng danh Thượng Đế Hóa Công,

Con người thụ tạo, ngước trông kính thờ.

THỨ NĂM, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 11, 5-13).

CẦU XIN

Đêm khuya bạn hữu đến gần,

Trước nhà gõ cửa, tôi cần giúp ngay.

Bạn tôi ghé lại đêm nay,

Không gì thiết đãi, tới vay bạn hiền.

Anh ơi, trời tối đừng phiền,

Con tôi đã ngủ, mặt tiền cài then.

Tôi không chỗi dậy thắp đèn,

Cho vay chiếc bánh, bon chen quấy rầy.

Kiên tâm năn nỉ nơi đây,

Chủ nhà nao núng, sợ gây bất bình.

Ông ta không dậy vì tình,

Nhưng vì quấy rối, bực mình cho vay.

Ai xin thì được có ngay,

Ai tìm thì gặp, cơ may trong đời.

Chúa Cha, Đấng ngự trên trời,

Rộng ban ân phúc, cho người cầu xin.

THỨ SÁU, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 11, 15-26).

ĐOÀN KẾT

Đám đông dân chúng xầm xì:

Thầy nhờ tướng quỷ, mà đì quỉ con.

Nghi ngờ quyền phép Chúa Con,

Họ đòi dấu lạ, lại còn sinh nghi.

Chúa rành biết ý muốn gì,

Trong lòng nghi vấn, chỉ vì tà tâm.

Nước nào chia rẽ khơi mầm,

Cửa nhà sụp đổ, nguy lầm phá tan.

Bê-el-giê-bút Sa-tan,

Nước nào chia rẽ, hoang tàn ngay thôi.

Uy quyền trừ quỷ tinh khôi,

Ngón tay Thiên Chúa, trừ nôi quỷ thần.

Ai không thu quén góp phần,

Là người phân tán, xa dần lối ngay.

Chúa thương cứu giúp đời này,

Xua trừ ma quỷ, bàn tay Chúa Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

(Lc 11, 27-28).

THỰC HÀNH

Ba năm giảng dậy truyền rao,

Nước Trời mạc khải, biết bao sự lành.

Ngôi Lời Thiên Chúa ẩn danh,

Hạ thân giáng thế, thi hành lệnh Cha.

Nhiệm mầu ẩn dấu bao la,

Quyền năng tuyệt đối, hải hà hồng ân.

Ơn ban cứu độ nhân trần,

Mở lòng mở trí, tinh thần phát huy.

Đám đông dân chúng so bì,

Phúc thay lòng dạ, đại bi sinh Thầy.

Dưỡng nuôi chăm sóc đong đầy,

Đền ơn đáp nghĩa, dựng xây Nước Trời.

Yêu thương tình Chúa cao vời.

Mở lòng đón nhận, mọi người thế gian.

Lắng nghe Lời Chúa trao ban,

Thực hành tuân giữ, vạn ngàn phúc vinh.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17096