Sống Lời Chúa tuần 28 thường niên năm A Chúa Nhật 15.10.2023
(Mt. 22:1-14)
TIỆC CƯỚI
Dụ ngôn tiệc cưới Nước Trời,
Thành hôn hoàng tử, thiệp mời đã trao.
Đức vua chuẩn bị khai mào,
Gia nhân đón tiếp, mời vào tiệc vui.
Khách mời xin khất rút lui,
Lý do thăm trại, không lùi được đâu.
Kẻ thì buôn bán hoa mầu,
Anh kia cưới vợ, cau trầu phải lo.
Dân làng bắt bớ giằng co,
Khinh khi nhục mạ, giở trò xấu xa.
Sẵn sàng tiệc rượu mở ra,
Số người không xứng, tâm tà bỏ qua.
Ra đường mời gọi người ta,
Gặp ai bất luận, vào nhà chúc khen.
Kẻ giầu, người khó, sang hèn,
Phòng ăn chật ních, bon chen số người.
Vua vào quan sát mọi nơi,
Có người khách lạ, không lời trình thưa.
Chẳng đồng y phục giả lừa
Đức vua kết tội, kéo đưa ra ngoài.
Mọi người đều được mời vào dự tiệc cưới Nước Trời. Tiệc đã sẵn sàng, thịt thì béo và rượu thì ngon. Ấy thế mà nhiều người đã từ chối dự tiệc.
Dụ ngôn trong bài Phúc âm rất hay. Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Các thiệp đã được mời từ sớm, vậy mà đến ngày hôn lễ, nhiều người đã không đến tham dự. Mỗi người một lý do chối từ. Người thì đi buôn, kẻ thì mới cưới vợ và người thì mới tậu ruộng cần đi thăm. Họ có đủ lý do để từ chối không dự tiệc. Có nghĩa là họ không có thời giờ, bận quá mà.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng không tránh khỏi những lúc bận bịu lo công việc. Chúng ta không có thời giờ cho gia đình, cho con cái và cho các sinh họat cộng đoàn. Thậm chí không có giờ đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày 24 giờ, nhưng hình như qúa ít, không đủ để sống. Chúng ta muốn có nhiều giờ hơn cho chúng ta.
Chuyện kể: Một buổi sáng trời tuyết lạnh, có hai bà đứng nói truyện ngòai trời tuyết gần 2 tiếng đồng hồ. Khi bà xã vào nhà, chồng hỏi: Nãy giờ em nói truyện với ai thế. Vợ trả lời: Em nói truyện với bà hàng xóm. Chồng nói: Tại sao em không mời bà ấy vào nhà nói truyện cho khỏi lạnh. Chị ta trả lời: Không có thời giờ. Không có giờ là thế đấy!
Chúa mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới Nước Trời. Cũng như Chúa mời gọi chúng ta tham dự Bí Tích Thánh Thể. Chính Chúa hiến thân làm của lễ và của ăn nuôi dưỡng chúng ta.
Rước Mình và Máu Chúa là được thông hiệp vào màu nhiệm cứu độ. Thánh lễ là hình ảnh tiệc cưới Nước trời mai sau. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng dành thời giờ tham dự thường xuyên tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể.
THỨ HAI, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 29-32).
ĐIỀM LẠ
Dân chúng tụ tập bên Thầy,
Mong tìm điềm lạ, sa lầy yếu tin.
Giống dòng gian ác van xin,
Giô-na bụng cá, hãy nhìn gẫm suy.
Ni-ni-vê đó cứu nguy,
Ăn năn sám hối, tư duy trở về.
Dân này cứng cổ bội thề,
Không ban dấu lạ, bến mê cuộc đời.
Chối từ lời giảng Con Trời,
Tà tâm kiêu hãnh, sống đời ác gian.
Con Người điềm lạ trao ban,
Chứng nhân cao cả, thiên nhan rạng ngời.
Chúa Con xuống thế làm người,
Cứu nhân độ thế, vào đời truyền rao.
Mong rằng dân chúng khát khao,
Đổi đời cải quá, tuôn trào hông ân.
THỨ BA, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 37-41).
RỬA TAY
Một người mời Chúa tới nhà,
Ông là Biệt Phái, vị tha trong đời.
Chung vui dự tiệc khách mời,
Ngạc nhiên thấy Chúa, không rời bàn ăn.
Rửa tay nghi thức tự căn,
Phàn nàn lỗi luật, can ngăn thói đời.
Chúa cần giải thích đôi lời,
Bề ngoài chén dĩa, mọi nơi gọn gàng.
Nội tâm sâu thẳm không màng,
Tham lam gian ác, xếp hàng tội nhân.
Hỡi người ngu dại thế trần,
Hóa công sáng tạo, điều cần nội tâm.
Rộng lòng bố thí âm thầm,
Xác hồn trong sạch, tránh lầm bến mê.
Bề ngoài hào nhoáng khen chê,
Lương tâm ngay chính, hướng về thiêng cung.
THỨ TƯ, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 42-46).
GÁNH NẶNG
Khốn thay Biệt Phái rao truyền,
Thập phân nộp thuế, thề nguyền tín trung.
Bạc hà rau qủa hưởng dùng,
No đầy hoan hỉ, tôn sùng ngoại lai.
Công bình chính trực nhạt phai,
Thiếu lòng yêu mến, thần tài tựa nương.
Thích ngồi ghế nhất hội đường,
Mong người chào hỏi, noi gương chính mình.
Bề ngoài mồ mả tô hình,
Người ta cất bước, vô tình dẫm lên.
Một ngài Tiến Sĩ đứng bên,
Thưa Thầy, xỉ nhục cả tên nhóm này.
Khốn cho tiến sĩ luật bày,
Chất lên gánh nặng, đổ đầy lên vai.
Người dân khốn khổ kêu nài,
Các ông thong thả, quản cai luật đời.
THỨ NĂM, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 47-54).
KHỐN THAY
Nặng lời Chúa trách người trần,
Khốn thay xây cất mộ phần ông cha.
Các người giết chết hằng hà,
Tiên tri tổ phụ, lòng tà dậy khơi.
Tán thành làm chứng mọi thời,
Cha ông sát hại, bao đời trước đây,
Các ngươi đắp mả dựng xây,
Mồ cao mả đẹp, công thầy ơn cha.
Khôn ngoan Thiên Chúa tỏ ra,
Tiên tri sai đến, chẳng tha người nào.
Giết đi bách hại xiết bao,
Giống dòng nợ máu, tự cao trong đời.
Các người Tiến Sĩ xa rời,
Giữ riêng chìa khóa, vào nơi Nước Trời.
Các người không đáp lời mời,
Lại còn ngăn cản, những người muốn vô.
THỨ SÁU, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 1-7).
Ý TỨ
Bắt đầu dậy dỗ môn đồ,
Các con ý tứ, men hồ người ta.
Thứ men Biệt Phái kiêu sa,
Giả hình khoe mẽ, tránh xa thói này.
Không gì che đậy chẳng hay,
Mà không tiết lộ, tỏ bày công khai.
Không gì dấu kín chê bai,
Giãi bầy ánh sáng, ngày mai tỏ tường.
Điều nơi tăm tối không lường,
Nói ra sáng sủa, mọi phương vạch trần.
Rỉ tai buồng kín tha nhân,
Mái nhà rao giảng, toàn dân rõ ràng.
Các con đừng sợ cái bang,
Thủ tiêu thân xác, đầu hàng hồn thiêng.
Linh hồn cao cả thiêng liêng,
Phục tùng kính sợ, chỉ riêng Chúa Trời.
THỨ BẢY, TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 8-12).
NHÂN CHỨNG
Phán cùng môn đệ lời này,
Xưng Thầy trước mặt, ra ngay người đời.
Đi làm nhân chứng cho Người,
Con Người xưng nhận, đón mời phúc vinh.
Thiên thần đón tiếp cung đình,
Trước ngai Thiên Chúa, an bình rạng danh.
Còn ai chối bỏ Thánh Danh,
Tội này tha thứ, thực hành ăn năn.
Con Người dong duổi nhọc nhằn,
Hy sinh cứu độ, xả lăn thế trần.
Nói năng phạm thượng Thánh Thần.
Tội này nghiêm trọng, nợ nần không tha.
Người ta bắt bớ mọi nhà,
Hội đường quan xét, thực thà đừng lo.
Thánh Thần Chúa dậy đắn đo,
Lời ăn tiếng nói là do ơn trời.
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17116
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm A
Mt 22,1-14
“Vì kẻ được gọi thì nhiều,
mà người được chọn thì ít”.
(Mt 22,14)
Để diễn tả hạnh phúc Nước Trời, tác giả Kinh thánh thường dùng hình ảnh một bữa tiệc, nhất là tiệc cưới. Vào khoảng thế kỷ 8 trước Chúa Giáng sinh, ngôn sứ Isaia đã loan báo: Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt và rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon như trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe.
Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng dụ ngôn bữa tiệc cưới của con vua để diễn tả về Nước Trời. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này trước hết để ám chỉ về dân Do Thái. Thiên Chúa đã kêu gọi họ, tuyển chọn họ làm dân riêng, lập giao ước với họ để họ tin thờ một mình Ngài và giữ thánh luật Ngài truyền, nhưng họ lại đi thờ thần dân ngoại. Đã bao lần Thiên Chúa sai các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về với Ngài, nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, chính Con Thiên Chúa đến kêu mời họ sám hối ăn năn thì họ đã thẳng thừng từ chối, rồi bắt Ngài mà giết đi. Thiên Chúa đã trừng phạt họ bằng cách để quân Rôma đến san bằng Giêrusalem vào năm 70 sau Công nguyên và bắt họ phải tản mát, lưu đày khắp nơi.
Sau đó, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi muôn dân gia nhập Hội thánh Ngài.
Có một điều làm chúng ta thắc mắc khi nghe dụ ngôn này là tại sao lại có một khách dự tiệc không mặc lễ phục cưới, nên bị vua xử phạt nặng nề. Chúng ta tự hỏi những người đang đi đường, được mời vào tiệc cưới thì họ lấy đâu ra lễ phục cưới ? Vậy tại sao vua lại bắt tội như thế ?
– Trước hết chúng ta phải nhớ đây là một dụ ngôn, mà đã là dụ ngôn thì có thể có những điều không giống với thực tế của cuộc sống.
– Hơn nữa nếu đọc kỹ chúng ta sẽ thấy hai điều:
* Một là biết bao người đi đường cũng được mời vào dự tiệc cưới mà hỏi có ai bị phạt đâu ? Như vậy chắc chắn là người này bị phạt vì một điều lỗi gì đó!
* Hai là khi vua hỏi tại sao không mặc áo cưới thì anh ta im lặng. Thái độ đó nói lên rằng anh ta đã chịu lỗi, mà không thể chữa mình được.
Như vậy Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều rất cụ thể. Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội thánh Ngài và chúng ta đã chấp nhận bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhưng nếu chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà thôi thì chưa đủ mà chúng ta còn phải sống ơn Bí tích Rửa tội nữa. Nghĩa là chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu, tội lỗi trước đó, để sống đời sống mới theo gương của Chúa Giêsu như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,14). Theo gương Chúa Giêsu là phải sống trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, thánh thiện. Nói khác đi, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa tội và Thêm sức là đương nhiên được vào Nước Trời đâu. Cũng như khách được mời dự tiệc, tuy đã được vào phòng tiệc, nhưng không được ăn mà còn bị đuổi ra ngoài như người không mang lễ phục của tiệc cưới trong bài dụ ngôn hôm nay. Vậy điều quan trọng là một khi vào phòng tiệc mà muốn được ăn tiệc thì phải mặc lễ phục tiệc cưới,
Nhưng lễ phục tiệc cưới là gì ?
Thưa đó là những đòi hỏi của Bí tích Rửa tội! Người lãnh Bí tích Rửa tội phải quyết từ bỏ tội lỗi và tin theo Chúa Kitô.
Xét như thế thì chúng ta thấy nhiều khi chúng ta cũng giống như Người Do Thái xưa, tuy đã được Chúa chọn làm dân riêng Ngài, nhưng khi Ngài mời dự tiệc cưới Con Ngài thì lại kiếm cớ từ chối. Chúng ta cũng có nhiều lý do để từ chối tham dự thánh lễ Chúa nhật: nào là mắc buôn bán, học hành… Có khi chỉ là vì đam mê xem một cuốn phim, một trận đá bóng hấp dẫn, hay đang dở một cuộc nhậu nhẹt với bạn bè… Có khi đến tham dự thánh lễ mà tâm hồn còn mang tội trọng thì là sao mà xứng đáng dự tiệc Thánh Thể Chúa được.
Và đòi hỏi thứ hai của Bí tích Rửa tội là sống theo gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương mọi người nhất là những người bất hạnh. Chúa nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 14, 35). Rồi chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta: ngày phán xét, Ngài sẽ chỉ xét xử chúng ta về lòng bác ái yêu thương mà thôi (x. Mt 25).
Đây là câu chuyện nhỏ được kéo xuống từ Internet:
Từ nhỏ nó đã chơi với những đứa trẻ hư hỏng. Khi học trung học, nó thường xuyên bị giữ ở đồn công an vì tội đánh nhau. Sau đó nó bị đưa vào trường giáo dưỡng một thời gian. Chưa tốt nghiệp trung học nó đã bỏ học, suốt ngày chơi bời lêu lổng với đám thanh niên du côn. Cha mẹ tức giận đuổi nó ra khỏi nhà. Sau này với tội danh giết người, nó bị kết án tù 20 năm. Trong tù nó không chỉ ăn hiếp những tù nhân khác mà còn mấy lần định trốn trại. Vì thế hình phạt lại càng gia tăng. Mỗi khi trại giam cho người nhà vào thăm phạm nhân, nó là người nhàn rỗi nhất, bởi lẽ người thân chưa bao giờ đến thăm nó, hơn nữa nó cũng không hy vọng.
Nhưng vào một ngày kia, người quản giáo thông báo, có người đến thăm nó. Nó cứ tưởng mình nghe nhầm. Khi người quản giáo gọi tên nó một lần nữa, nó mới đi ra phòng tiếp thân nhân. Khi quay trở về phòng, nó đã khóc nức nở. Sau đó, nó dường như biến thành một người khác hắn, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, kỷ luật của trại giam, tích cực cải tạo
Người phụ nữ với mái đầu điểm bạc đến thăm nó hôm đó chính là cô giáo chủ nhiệm lớp hai của nó.
Tình yêu thương có thể thay đổi cuộc đời một con người. Vì thế hãy thương yêu những người xung quanh chúng ta. Chúa cũng chỉ muốn chúng ta như thế.
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A
Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14
TIỆC VUI NƯỚC TRỜI CHO MỌI NGƯỜI
“Vậy các ngươi đi ra các ngả đường,
gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”.
(Mt 22,9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Ngôn sứ Isaia loan báo về một bữa tiệc cánh chung thịnh soạn mà Thiên Chúa sẽ thết đãi muôn dân trên núi Sion. Qua bữa tiệc vui, hân hoan, Thiên Chúa xóa tan nỗi u buồn, tang tóc đang bao trùm muôn dân; Ngài tiêu diệt tử thần đang thống trị muôn nước. Nhờ đó, người ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng cứu độ.
Trước hết, ngôn sứ loan báo việc Thiên Chúa sẽ thết đãi một bữa tiệc. Với thịt béo, rượu ngon, Thiên Chúa mời gọi và sẵn sàng tiếp đón những ai đang đói khát tìm kiếm Chúa. Thiên Chúa sẽ cất đi chiếc khăn đang che phủ, chiếc màn đang bao trùm lên người ta làm cho họ như bị mù lòa thiêng liêng khi không nhận ra vinh quang của Thiên Chúa. Trong niềm vui mừng và hân hoan của một bữa tiệc, Thiên Chúa xóa tan ưu phiền, tang tóc vì chính Người là Đấng tiêu diệt tử thần. Hãy lên núi Sion, hãy nhìn lên, hãy tìm đến với Thiên Chúa, người ta sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng; họ sẽ được nhìn thấy vinh quang của Ngài, và sẽ được Ngài giải thoát khỏi ách tử thần đang đè nặng trên cuộc sống của họ. Đến với Thiên Chúa, người ta sẽ cảm nhận được niềm vui và an ủi.
Thêm vào đó, ngôn sứ nhấn mạnh rằng lời mời gọi đến dự tiệc cánh chung không dành riêng cho dân riêng của Chúa, mà là dành cho muôn dân, dành cho mọi dân tộc (Is 25,6-7). Bữa tiệc của Thiên Chúa là bữa tiệc phổ quát mở ra khoản đãi tất cả mọi người bất kể họ là ai, không phân biệt dân tộc, quốc gia, giai cấp, địa vị. Thiên Chúa chờ đợi và sẵn sàng tiếp đón tất cả mọi người đến với Ngài. Ngài không từ chối bất kỳ ai khao khát và tìm kiếm Ngài.
Sau cùng, ngôn sứ còn loan báo về viễn ảnh cánh chung trong đó người ta nhận ra Thiên Chúa chính là Đấng họ trông đợi, tìm kiếm và khát khao. Họ nhận ra và tuyên xưng Chúa chính là Thiên Chúa của họ: “Đây là Thiên Chúa của chúng ta” (Is 25,9). Thiên Chúa không còn là đối tượng ở xa, ở ngoài, không dính dáng gì đến họ, nhưng là Thiên Chúa của họ, gần gũi thiết thân với họ. Chính Ngài là Đấng họ đã từng trông chờ và là Đấng cứu độ họ (Is 25,9).
Muôn dân hân hoan, vui mừng và đồng thanh xưng tụng rằng Thiên Chúa mà họ từng trông chờ chính là Thiên Chúa của họ, Đấng ban cho họ ơn cứu độ.
2. Bài đọc 2
Sau khi rời Philípphê, thánh Phaolô đến Thêxalônica, nhưng các tín hữu Philípphê vẫn tiếp tục tiếp tay giúp đỡ thánh nhân (Pl 4,15-16). Khi thánh Phaolô bị cầm tù, các tín hữu Philípphê đã gởi một cộng sự viên đến giúp đỡ (Pl 2,25-30). Chính vì thế mà thánh Phaolô bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng của các tín hữu Philípphê (Pl 4,10.14).
Dù thánh Phaolô biết rằng Chúa Giêsu cho phép người rao giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng, vì “làm thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7; 1 Cr 9,14), nhưng ngài muốn sống triệt để hơn, muốn dấn thân quyết liệt hơn bằng cách khước từ quyền đó. Thánh nhân đã ngày đêm làm lụng khó nhọc để không trở thành gánh nặng cho người khác (1 Cr 4,12; 1 Tx 2,9; 2 Tx 3,8). Vì thế, việc thánh nhân nhận sự giúp đỡ của các tín hữu Philípphê hẳn là vì giữa thánh nhân và họ có một mối tình cảm thân thiết cách đặc biệt.
Quan trọng hơn, qua sự kiện này, thánh Phaolô mở ra cho các tín hữu Philípphê một cái nhìn rộng mở hơn, sâu xa hơn về sức mạnh thật sự của người sứ giả Tin Mừng. Quả vậy, đối với thánh Phaolô, những nhu cầu về vật chất không phải là yếu tố thiết yếu của người rao giảng Tin Mừng, dư dật cũng được mà thiếu thốn cũng không phải là vấn đề (Pl 4,12). Sự nâng đỡ thật sự cho thánh Phaolô không đến từ những nhu cầu vật chất mà đến từ Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô vì “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).
Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu Philípphê hiểu rằng chỉ nơi Thiên Chúa và trong Đức Giêsu Kitô, người tín hữu mới được thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất, thỏa mãn một cách tuyệt vời nhất (Pl 4,19). Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới là đối tượng đáng khao khát và ưu tiên tìm kiếm, còn những thứ khác chỉ là phụ thuộc mà thôi, hệt như lời dạy của Chúa Giêsu: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 5,33).
3. Bài Tin Mừng
Chúa Giêsu tiếp tục nói về Nước Trời bằng một câu chuyện tiệc cưới. Qua câu chuyện này, độc giả hiểu thêm về những khía cạnh khác nhau của Nước Trời.
Trước hết, Nước Trời là một bữa tiệc vui Thiên Chúa tổ chức và mời thực khách đến dự. Ngài chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng để tiếp đón khách mời vào chung vui với Ngài: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (Mt 22,4). Ngài mời gọi, kiên nhẫn đợi chờ và tiếp tục dùng những trung gian khác nhau để nhắc lại lời mời khi khách mời không mấy mặn mà với bữa tiệc.
Thêm nữa, Nước Trời là một lời mời gọi nên người ta có quyền chọn lựa. Bữa tiệc của Thiên Chúa vẫn chỉ là một trong số những lựa chọn của con người. Câu chuyện cho thấy có những người chọn những giá trị khác mà họ cho là quan trọng và cấp thiết hơn, lại có những người phản ứng tiêu cực và bạo lực trước lời mời tha thiết của Thiên Chúa. Người ta có quyền chọn lựa hay từ chối, nhưng sự đón nhận hay chối từ Nước Trời không hề là một chọn lựa hời hợt, vô thưởng vô phạt, mà là một chọn lựa quyết liệt, mang tính quyết định cho đời người (Mt 20,7).
Sau cùng, câu chuyện Nước Trời mở ra một bước ngoặt mới khi những người xem ra là không xứng đáng cũng được mời vào dự tiệc vui Nước Trời. Bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đều được mời vào Nước Trời. Ở đây vang vọng lời loan báo cánh chung của Isaia về một bữa tiệc dành cho muôn dân, muôn nước (Is 25,6). Lời loan báo của Isaia giờ đây đã trở thành hiện thực khi Thiên Chúa mở cửa Nước Trời cho tất cả những ai muốn vào. Tuy nhiên, Nước Trời không hề là nơi mà người ta muốn ra vào tùy thích. Nước Trời hẳn có những điều kiện nhất định mà những ai muốn vào đều phải đáp ứng (Mt 22,11-13).
Tóm lại, Nước Trời là một bữa tiệc vui của Thiên Chúa mà mọi người đều được mời vào tham dự. Đón nhận hay từ chối lời mời là sự chọn lựa tự do của con người và họ phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Một khi chọn lựa, người ta cần phải đáp ứng những đòi hỏi của Nước Trời.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Ngôn sứ Isaia loan báo một bữa tiệc do Thiên Chúa thết đãi muôn dân. Qua bữa tiệc này, Ngài sẽ cất khỏi họ nỗi u sầu, buồn bã vì Ngài là Đấng cứu độ họ. Tôi cũng được mời lên núi dự tiệc vui với Chúa, tôi có sẵn sàng nghe theo tiếng mời gọi của Ngài ? Chỉ có Chúa mới là Đấng cứu độ tôi, tôi có tin tưởng, phó thác nơi tình thương và quyền năng của Chúa ? Tôi có để cho Ngài cất đi những phiền muộn, lo lắng, nặng nề trong cuộc sống ?
2/ Thư Philípphê kể lại sự dấn thân quyết liệt của thánh Phaolô vì Đức Kitô và Tin Mừng. Đối với thánh nhân, có Đức Kitô là có tất cả. Đức Kitô là chân giá trị tuyệt đối, còn những gì khác chỉ mang tính phụ thuộc. Đức Kitô có nằm trong số các bậc thang giá trị mà tôi vẫn hằng theo đuổi ? Đức Kitô có là ưu tiên chọn lựa của tôi ? Tôi có dám hy sinh những điều khác để được Đức Kitô làm lẽ sống đời mình ?
3/ Bài Tin Mừng làm nổi bật chủ đề Nước Trời. Nước Trời là một lời mời gọi tất cả mọi người đến dự tiệc vui với Chúa, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi người ta phải chọn lựa chấp nhận hay từ chối, cùng với những điều kiện kèm theo. Tôi có nghe thấy lời mời gọi thiết tha của Chúa đến dự tiệc vui Nước Trời ? Tôi chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của Ngài ? Tôi có sẵn sàng hy sinh những gì riêng tư, chấp nhận những điều kiện, để được vào Nước Trời ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn yêu thương và mong muốn con người được hạnh phúc, Người mời gọi tất cả chúng ta vào dự tiệc Nước Trời và vui sống đời đời. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng dẫn đưa mọi người đến dự tiệc vui nước trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn biết quan tâm chăm sóc từng con chiên trong đàn cũng như ngoài đàn, để tất cả tìm được nguồn sống dồi dào nơi Đức Kitô.
2. Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra trong những ngày tới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, tác động để các Giám mục của chúng ta đồng tâm nhất trí một đường hướng mục vụ thiết thực cho Giáo hội Việt Nam.
3. Chọn lựa sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là một thách đố cho nhiều người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ, luôn can đảm tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh và mọi quyết định của mình.
4. Khi đã chọn lựa, người ta phải nỗ lực đáp ứng những đòi hỏi của Nước Trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày, và luôn nêu cao giá trị Tin Mừng trong đời sống gia đình cũng như môi trường làm việc.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn ơn lành giúp chúng con sống trọn vẹn tư cách là con cái Chúa, để ngày sau xứng đáng tham dự tiệc vui Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm A (2011-2023)
https://hddmvn.net/nghe-giang-chua-nhat-xxviii-thuong-nien-nam-a-2017/
– Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm C (2010)
– Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm A (2011 và 2014)
– Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm B (2012 và 2015)
– Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm C (2013) + Video
Nghe giảng Chúa nhật XXVIII thường niên năm C (2016)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt. 22, 1-14)
11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”