Sống Lời Chúa tuần 30 thường niên năm A 29.10.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-30-thuong-nien-nam-a-47651
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A

(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)

MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI: HAI BẢN LỀ CỦA CUỘC SỐNG

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
[…] ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 (Xh 22,20-26)

Kinh Thánh luôn nhấn mạnh đến tình yêu đối với người thân cận, đặc biệt đối với những con người cùng khổ. Bài đọc Cựu ước trích sách Xuất hành thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với đồng loại, để làm sao con người luôn có mối tương quan hài hòa và quảng đại với nhau, như là một dân được tuyển chọn. Đoạn sách bắt đầu với một chuỗi lệnh cấm ngược đãi đối với một số người được cho là những người yếu thế và bất hạnh, như ngoại kiều, mẹ góa, con côi, bởi Đức Chúa luôn bảo vệ họ, và tiếng kêu cứu từ những con người bất hạnh này sẽ chắc chắn được Thiên Chúa lắng nghe và trợ giúp. Ngay cả trong những lúc túng thiếu, bần cùng, thì Thiên Chúa vẫn xem họ như là dân Người, và vì thế họ phải được cư xử cách rộng lượng và quảng đại.

2. Bài đọc 2 (1Tx 1,5c-10)

Trong bài đọc II, chúng ta thấy thánh Phaolô đã thực thi hai giới răn yêu thương của Chúa như thế nào. Trong thư gởi cho các tín hữu Thêxalônica, là những người vừa mới tin theo đạo, thánh nhân đã bày tỏ tình yêu thâm sâu của mình với Thiên Chúa. Trong chỉ một đoạn ngắn, thánh nhân đã nhiều lần quy về Thiên Chúa: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa […] Lời Chúa đã vang ra […] đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa […] anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Đàng khác, thánh nhân cũng bày tỏ tình yêu của mình đối với các tín hữu Thêxalônica. Dù ngài công nhận họ chỉ mới ít lâu, nhưng họ thật sự đã hiện diện thật sâu đậm trong lòng ngài, và ngài ca ngợi họ “đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.” Về phần các tín hữu Thêxalônica, họ cũng đã chứng tỏ là những con người đại lượng, vì họ đã “đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho”.

3. Bài Tin Mừng (Mt 22,34-40)

Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Mátthêu đã chỉ ra hai chiều kích căn bản như hai bản lề cho đời sống con người. Đối với thánh Matthêu, hai bản lề đó, một cái cao hơn, đó là yêu mến Thiên Chúa, một cái thấp hơn, là yêu mến người thân cận, nhưng cả hai đều quan trọng như nhau để mở cánh cửa. Thực tế cho thấy cánh cửa sẽ không thể mở được chỉ với một bản lề, vì thế cần ít nhất hai cái. Chúng ta gọi hai giới răn này là hai bản lề vì Đức Giêsu đã nói: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40).

Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật (x. Dt 6, 5) với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi (x. Lv 19,18).

Người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu điều răn nào lớn nhất; trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu công bố hai điều răn dù vẫn không bác bỏ sự tối thượng của Thiên Chúa, và Người còn đưa ra một điều răn khác như là phản chiếu của điều răn thứ nhất và không thể thực hiện nếu không có điều răn thứ nhất, đó là yêu mến tha nhân. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.

Một vấn đề cần chú ý là trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu không chọn Mười Điều Răn, là những giới răn rất quan trọng được chính Thiên Chúa ban cho Môsê và dân Người, chẳng hạn như điều răn thứ nhất: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Quả thật, Người đã không muốn đưa ra cho chúng ta những giới răn phủ định, tiêu cực và giới hạn, nhưng muốn cho chúng ta những giới răn rất tích cực, năng động và phổ quát, đó là giới răn yêu thương. Việc tuân giữ Mười Điều Răn đã là một điều rất tốt, nhưng chưa đủ để đưa con người tiến xa hơn trong cuộc sống. Chỉ bằng tình yêu: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, mới giúp chúng ta đạt tới  điều này.

Hai điều răn này không tách rời nhau, cũng không được tước bỏ sự trổi vượt của điều răn thứ nhất là yêu mến thiên Chúa: một khi đổ vỡ điều này, không ai có thể bền vững trong tình yêu đối với tha nhân.

“Yêu mến tha nhân như chính mình”. Ai trong chúng ta có thể nói được rằng chúng ta có thể yêu ai đó hơn cả chính mình? Tận thâm sâu, chúng ta luôn có xu hướng về một tình yêu bản thân mình, và thực tế tất cả những gì chúng ta làm cho người khác đều rất ít so với những gì chúng ta làm cho chính chúng ta. Bên cạnh đó, giới răn thứ hai cũng được Chúa Giêsu mở rộng ra với một viễn cảnh khác: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Điều này có nghĩa là chúng ta phải yêu anh em hơn chính mình, vì chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đến độ hiến dâng cả mạng sống của Người cho chúng ta.

Ý tưởng Chúa Giêsu đưa ra thật là tuyệt vời, và nó tương ứng với khát vọng thâm sâu của trái tim con người. Thật sự, con người được dựng nên để yêu thương. Chính Thiên Chúa là tình yêu, và Người dựng nên chúng ta để thông dự vào tình yêu của Người, để được Người yêu mến và để mến yêu Người.

Nhưng để đạt tới điều này, chúng ta cần phải có ân sủng của Người; chúng ta cần nhận lãnh nơi chúng ta khả năng biết yêu thương của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta nhận lãnh chính Mình và Máu Người, nghĩa là chúng ta nhận lấy Chúa Giêsu trong giây phút của một tình yêu lớn lao kỳ diệu, khi Người dâng chính bản thân cho Thiên Chúa Cha để cứu rỗi chúng ta.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Ngay từ đầu, qua Lời Chúa phán trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tỏ ra luôn quan tâm đến những con người với những thân phận hèn yếu và cơ cực. Chính lời kêu xin của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe và bênh đỡ. Sự bảo đảm này của Thiên Chúa có giúp tôi sống trọn vẹn niềm tin của mình, luôn tín thác vào tình yêu của Người, nhất là trong những lúc tôi cảm thấy đời mình như bế tắc và đầy bất công? Và một khi cảm nghiệm điều đó, tôi có chia sẻ tâm tình này với những người đang trong cảnh cơ cực như tôi không?

2. Lời khen ngợi của Thánh Phaolô với các tín hữu Thêxalônica như là một sự diễn tả tình yêu và nhiệt huyết tông đồ của ngài. Việc nhìn nhận và ngợi khen những thành quả của người khác đạt được luôn là một sự khích lệ động viên làm triển nở những hành xử tốt đẹp. Trong cuộc sống thường ngày của mình, tôi có thành thật nhìn nhận những điều tốt đẹp nơi anh chị em tôi để tất cả cùng thăng tiến trong tình yêu với Thiên Chúa và với nhau không?

3. “Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây có phải lý tưởng sống đạo của tôi? Chiều kích nào được xem là khó nhất đối với tôi và làm sao tôi có thể vượt thắng được?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới răn mến Chúa yêu người là trọng tâm giáo huấn của Đức Kitô và là nền tảng của đời sống kitô hữu. Với khao khát nên hoàn thiện và quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, cộng đoàn chúng ta cùng thành tâm dâng lời nguyện xin.

1. Cầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, hầu giúp cho nhiều người đón nhận niềm vui Tin Mừng, cùng tin nhận một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

2. Cầu cho sự phát triển và bình an của thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, cách riêng tại những vùng đang có chiến sự, biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo, để luôn sống tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh và hòa bình.

3. Cầu cho những người đang đau khổ và bất hạnh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nạn nhân của dịch bệnh hay thiên tai tìm được sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của nhiều tấm lòng quảng đại, để có thêm can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, và luôn tràn trề hy vọng lạc quan trong cuộc sống.

4. Cầu cho tất cả mọi người trong cộng đoàn. Xin cho giới răn “mến Chúa yêu người” luôn khắc ghi trong tâm hồn và thấm nhập vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta biết dành ưu tiên cho những sinh hoạt đạo đức, nhưng cũng luôn tích cực dấn thân trong các hoạt động bác ái tông đồ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và chân lý, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Các bài suy niệm Chúa Nhật 30 thường niên – Năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm A

 Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm A

Mt 22, 34-40

Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn
và hết trí khôn ngươi.
Và ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình
”.
(Mt 22,3739)

​​Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng hôm nay rất nhiều lần và những gì Chúa nói chúng ta đã thuộc lòng ngay từ khi còn nhỏ.

1. Khi người ta hỏi Chúa xem giới răn nào là lớn nhất, thì câu trả lời của Chúa là hai giới răn và cả hai giới răn này đều đã có sẵn trong Cựu Ước. Chúa đã trưng dẫn cả hai và đặc biệt hơn là Chúa đã làm cho chúng có tầm quan trọng như nhau. Chính vì thế mà chúng ta không được tách riêng ra, như trong thực hành chúng ta thường làm như thế.

Một số người nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ đức tin thì cuộc sống chúng ta sẽ êm trôi suôn sẻ. Nghĩ như vậy thôi chứ thực tế không phải như vậy. Đức tin không che chắn cho chúng ta khỏi những va chạm đau thương của cuộc đời.

Vào thời các tu sĩ còn sống ở trong sa mạc, có một tu sĩ tên là Moses nổi tiếng là thánh thiện. Lễ Phục Sinh sắp đến nên các thầy họp nhau lại, bàn xem nên làm gì để chuẩn bị mừng lễ cho sốt sáng và đem lại nhiều ích lợi. Họ cùng quyết định sẽ ăn chay trọn vẹn Tuần Thánh. Để thực hiện quyết tâm này, mỗi thầy phải trở về nơi mình ở, và ở đó họ phải ăn chay và cầu nguyện.

Công việc lúc ban đầu diễn tiến rất tốt đẹp, nhưng, đến giữa tuần thì có hai thầy khách lang thang đến thăm thầy Moses. Nhận thấy rằng họ đang đói, thầy Moses nấu một chút rau cho họ ăn. Để cho họ đỡ ngại ngùng và cảm thấy thoải mái, thì chính thầy cũng ăn một ít.

Trong khi đó, thì các thầy khác thấy khói bốc lên từ chỗ ở của thầy Moses. Việc đó có nghĩa là thầy Moses đã đốt lửa để nấu ăn. Nói một cách khác, thầy đã vi phạm luật ăn chay và điều này đã làm cho họ bị dội. Chỉ trong nháy mắt cái nhìn của nhiều người đối với thầy Moises đã thay đổi hoàn toàn. Họ coi thầy như đã rơi từ đỉnh cao của sự thánh thiện xuống vực thẳm.

Nhận ra sự sự đánh giá trong mắt những người anh em, thầy Moises hỏi: “Tôi đã phạm tội gì khiến các thầy lại nhìn tôi như thế ?”

Họ trả lời: “Thầy đã vi phạm luật giữ chay.”

Thầy Moises bình tĩnh trả lời “Vâng! Đúng là tôi đã làm thế. Tôi đã vi phạm giới luật của con người trong việc chia sẻ của ăn với những người anh em của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ giới răn của Thiên Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau.”

Khi nghe nói như vậy, các thầy trở nên yên lặng và khôn ngoan rút lui một cách khiêm tốn.

Vâng! Có những người tuyên bố là mình yêu mến Thiên Chúa nhưng trong thực tế lại không quan tâm tới bổn phận yêu thương người khác. Những người như thế họ mới chỉ sống có một nửa của Tin Mừng.

Ngược lại, lại có những người đi đến thái cực đoan khác. Họ đã tỏ ra rất nhiệt tình để xây dựng một thế giới tốt đẹp nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến Thiên Chúa hoặc cầu nguyện với Người. Họ cũng chỉ là những người sống nửa phần của Tin Mừng.

Đức Kitô dạy chúng ta phải sống trọn vẹn cả Tin Mừng, nghĩa là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình. Người đã không nói rằng hai chuyện đó chỉ là một, nhưng muốn bảo rằng chúng ta không thể làm việc này mà bỏ việc kia, nghĩa là chỉ yêu mến Thiên Chúa mà lại không thương yêu anh em.

2. Đức Giêsu còn nói: “Anh em hãy yêu thương người thân cận như chính mình.”

Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận mình và bắt đầu yêu thương chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu yêu thương người khác như Thiên Chúa truyền dạy.

Đối với những người mà trong lòng còn chất đầy sự căm ghét và hận thù hận, thì dứt khoát là họ sẽ không có khả năng yêu thương người khác. Họ thường đổ lỗi và khiển trách người khác những điều mà họ không thích nơi chính mình. Rõ ràng người khác là đối tuợng để họ bộc lộ chính con người của họ.

Một cụ già đang ngồi trên băng ghế ở bìa làng thì có một người tới hỏi:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Cụ già hỏi lại:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Họ rất tốt, quảng đại, và và giả như cụ có đến đó mà gặp khó khăn thì họ sẽ làm cho cụ tất cả những gì cụ cần.

Cụ già nói:

– Vậy tôi nghĩ rằng ông cũng sẽ thấy có nhiều người như thế trong làng này.

Ít lâu sau đó, lại có một người khác cũng tới gặp cụ già và hỏi cùng một câu hỏi như trước:

– Những người dân trong làng này như thế nào ?

Và cụ già cũng hỏi lại một câu y như cụ đã hỏi người thứ nhất:

– Thế những người trong ngôi làng trước đây của ông ra sao ?

Người đó trả lời:

– Đó là một nơi kinh khủng. Thật sự là tôi rất mừng vì đã rời khỏi nơi đó. Người dân nơi đó keo kiệt, không tốt và nếu cụ đến đó mà gặp khó khăn thì chắc là cụ sẽ không gặp được ai nhấc một ngón tay để giúp cụ đâu.

Cụ già nhìn người khách là và hóm hỉnh trả lời:

– Tôi e rằng ông cũng sẽ gặp rất nhiều người như thế trong làng này.

Điểm chính yếu mà tác giả trong câu chuyện muốn chia sẻ với chúng ta là: “ Nếu chúng ta nhìn người khác không như họ lànhư chúng ta là thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều thảm họa cho cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn người khác bằng cái nhìn xấu thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng chính chúng ta đang có rất nhiều bất ổn. Một người không có sự bình an nơi chính mình thì sẽ rất dễ dàng gây sự với những người chung quanh mình”.

Người ta kể một giai thoại về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần kia trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa phải đối diện với một phỏng vấn viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:

– Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo hội thì sao ?

Mẹ Têrêsa là một người thành thực đến độ thẳng thắn mà không phật lòng người đối diện. Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:

– Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông, ông không có sự bình an trong tâm hồn.

Lời nói đơn xơ và thành thực của Mẹ Têrêsa như mũi tên phóng vào tim người đối diện khiến ông để lộ rõ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Không để mất cơ hội, Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:

– Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

Đến đây người phóng viên như cá cắn câu, ông thành thật hỏi:

– Tôi phải làm gì để có đức tin ?

Mẹ Têrêsa đáp:

– Ông hãy cầu nguyện và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông. Ông hãy cố gắng mỉm cười với những người xung quanh ông, một nụ cười có thể đánh động người khác, một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Quả nếu chúng ta không yêu thương chính mình, chúng ta cũng không thể yêu thương người khác. Vậy trước hết, chúng ta phải yêu thương chính mình và phải yêu cho đúng đúng cách, bằng không thì chúng ta sẽ chẳng có đủ khả năng để yêu thương người khác như Chúa mong muốn.

Có người bảo rằng yêu mình là sai, thậm chí còn là một điều tội lỗi. Dĩ nhiên, có một hình thức tự ái không đúng. Chúng ta gọi nó là sự ích kỷ hoặc cố chấp. Nhưng có một hình thức yêu mình có ích lợi và nếu không có nó chúng ta không thể thật sự yêu thương người khác.

Chúng ta không thể bay mà không có cánh. Chúng ta không thể lớn lên mà không có gốc rễ. Chúng ta không thể sưởi ấm cho người khác nếu lò sưởi của chúng ta lạnh lẽo và trống rỗng. Chúng ta chỉ có thể yêu với mức độ tình yêu chúng ta có nơi chúng ta.

Thật là dễ dàng khi yêu một người nào đó mà họ dễ thương. Nhưng không dễ yêu một người nào đó khi họ có khuyết điểm một cách rõ ràng và hiển nhiên. Đó là một trắc nghiệm về tình yêu thật sự. Nơi nào không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ được hưởng tình yêu. Nơi nào không có tình yêu, hãy đặt tình yêu, và bạn sẽ khám phá ra tình yêu.

Vâng đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN. A

 

(Mt. 22:34-40)

TÌNH YÊU

Mấy người Biệt phái cùng nhau,

Giải tìm thắc mắc, để sau hại Người.

Sa-đu nể phục ơn trời,

Các nhà thông luật, góp lời hỏi han.

Luật nào trọng nhất Chúa ban?

Mến yêu Thiên Chúa, thiên nhan kính thờ.

Hết lòng, hết trí vô bờ,

Giới răn thứ nhất, thiên sơ diệu vời.

Thứ hai yêu mến con người,

Kẻ lành người dữ, trong đời hôm nay.

Yêu thương như chính mình này,

Chu toàn thánh ý, phúc thay phận người.

Yêu người, yêu Chúa, gọi mời,

Thi hành bác ái, rạng ngời tin yêu.

Tình yêu mầu nhiệm cao siêu.

Tiên tri lề luật, giới điều khắc ghi.

Chu toàn luật Chúa phát huy,

Tin yêu phó thác, gẫm suy trong lòng.

Tình yêu Thiên Chúa ước mong,

Mở lòng thương xót, tinh trong sáng ngời.

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài sáng tạo vũ trụ và muôn loài vì yêu. Ngài tạo dựng con người cũng từ tình yêu. Chúa cứu độ con người qua tình yêu. Tình yêu là mầu nhiệm. Mọi loài đều được chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa qua nhiều cấp bậc.

   Đặc biệt tình yêu nơi con người. Con người có trái tim biết yêu thương và chia sẻ. Có tình yêu dâng hiến, tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu tha nhân, tình bằng hữu và tình yêu tổ quốc… Mỗi thứ tình yêu có thể phát triển tới cùng độ và người ta dám hy sinh cho người mình yêu.

Chính nhờ tình yêu, Thiên Chúa đã giáng thế làm người và đã hy sinh mạng sống để cứu độ con người. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Chúa đã thực hành. Chúa luôn chia sẻ tình yêu trong sự thông hiệp của Chúa Ba Ngôi. Chúa đã hiến mạng sống mình cho tha nhân vì yêu.

 Tình yêu cao vời quá. Tinh yêu của con người quanh quyện nhiều nhu cầu yêu khác nhau. Tình yêu của chúng ta không tinh ròng, nên bị pha chế bởi nhiều vị ích kỷ và cân đo đong đếm. Chúng ta đã yêu nhiều, nhưng thường là yêu những điều chúng ta ưa thích. Chúng ta yêu vì lợi ích của chúng ta nhiều hơn. Chúng ta cũng chưa dám hoàn toàn xả thân vì và cho người khác. Chúng ta còn tính toán hơn thiệt trong tình yêu.

Trong cuộc sống, chúng ta đã học biết và chứng kiến nhiều mối tình dâng hiến thật tuyệt vời. Họ dám xả thân vì và cho người khác. Họ buông bỏ tất cả để ôm lấy sự khổ đau bất bạnh của tha nhân. Các vị đó đã dám hy sinh cuộc đời, cả của cải và lợi lộc trần gian để hiến mình phục vụ. Tình yêu qủa cảm và đáng ngợi khen.

   Lạy Chúa, xin tình yêu Chúa chiếu dọi vào lòng chúng con, để chúng con biết yêu mến tha nhân như chính mình và như Chúa đã yêu thương chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 10-17).

NGÀY NGHỈ

Chúa vào giảng dậy hôm nay,

Hội đường Sa-bát, hăng say đông người.

Một bà quỷ ám lâu đời,

Lưng khòm gập xuống, một thời khổ đau.

Đột nhiên Chúa gọi đến mau,

Đặt tay cứu chữa, xúm nhau đến gần.

Bà này khỏi tật xác thân,

Bà liền đứng thẳng, đôi chân vững vàng.

Bất đồng tức giận người làng,

Kìa viên Hội trưởng, làm tàng khó khăn.

Sáu ngày làm việc khuyên răn,

Vào ngày Sa-bát, can ngăn chữa lành.

Giê-su lên tiếng lòng thành,

Ơn lành việc tốt, thực hành phúc thay.

Chúa thương thăm viếng nơi này,

Chữa lành hồn xác, mọi ngày xá chi.

THỨ BA, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 18-21).

NƯỚC THIÊN CHÚA

Nước Thiên Chúa giống cái gì?

Giống như hạt cải, bé ti gieo mầm.

Trong vườn vùi xuống âm thầm,

Mọc lên tươi tốt, trổ mầm tốt xanh.

Trở thành cây lớn đâm ngành,

Chim trời nương náu, trên cành líu lo.

Tin mừng phát triển khôn dò,

Khắp cùng thế giới, mở kho phúc lành.

Niềm tin nhân chứng đồng hành,

Nắm men giữa bột, dậy nhanh cả thùng.

Nước Trời dưới thế bao dung,

Gọi mời nhân loại, có cùng một Cha.

Tôn vinh thờ kính ngợi ca,

Ba Ngôi Thiên Chúa, thương ta vô vàn.

Ngôi Hai Con Một trao ban,

Thiên đàng rộng mở, đổ tràn thánh ân.

THỨ TƯ, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 22-30).

ƠN CỨU ĐỘ

Rảo qua làng mạc rao truyền,

Thôn quê thành thị, đi xuyên khắp vùng.

Có người hỏi nhỏ lạ lùng,

Phải chăng số ít, đạt cùng cõi thiên.

Vào qua cửa hẹp trước tiên,

Thành tâm cố gắng, trung kiên lữ hành

Chúa khuyên phán bảo điều lành,

Nhiều người mong muốn, nhưng đành bó tay.

Chủ nhà đóng cửa cơ may,

Đứng ngoài mà gõ, chẳng hay người nào.

Xin ngài mở cửa cho vào,

Chủ rằng không biết, ai nào từ đâu?

Các người gian ác khẩn cầu,

Chúng tôi ăn uống, theo hầu Ngài xưa.

Các ngươi gian dối lật lừa,

Hãy lui ra khỏi, đong đưa phận người.

THỨ NĂM, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 31-35).

TIÊN TRI

Mấy người Biệt Phái đến thưa:

Xin Thầy đi khỏi, ngăn ngừa hại thân.

Trả lời loan báo khẽ dần,

Đây Ta trừ quỷ, canh tân lòng người.

Thứ ba hoàn tất cuộc đời.

Chữa lành bệnh tật, gọi mời yêu thương.

Ngày mai ngày mốt đi đường,

Sứ ngôn bị giết, ngoài tường thành sao?

Giê-ru-sa-lem đi vào,

Thành vua cao cả, lẽ nào không tha.

Các người giết hại ông cha,

Chối từ, ném đá, đuổi xa các ngài.

Bao lần Ta muốn kêu nài,

Tụ gom ấp ủ, thiên thai mong chờ.

Các ngươi từ chối thờ ơ,

Hoang vu xứ sở, hững hờ khổ đau.

THỨ SÁU, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 14, 1-6).

VIỆC LÀNH

Chúa vào dùng bữa trong nhà,

Nơi người Biệt Phái, tiệc trà dọn ra.

Những người hiện diện dò la,

Một người mắc bệnh, từ xa bước vào.

Xem Người có chữa không nào?

Hôm nay Sa-bát, làm sao trả lời.

Chúa dò Luật Sĩ được mời,

Cả người Biệt phái, sống đời yêu thương.

Nên làm việc tốt nêu gương?

Cứu người cứu vật, bên đường khó nguy.

Các ông thinh lặng tư duy,

Trong ngày Sa-bát, phát huy việc lành.

Con lừa rơi giếng kéo nhanh,

Cứu nguy thoát chết, thực hành ái nhân.

Chúa thương chữa bệnh cho dân,

Mọi ngày đều tốt, thiện chân tấm lòng.

THỨ BẢY, TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

(Lc 14, 1. 7-11).

HẠ MÌNH

Vào nhà thủ lãnh chiều nay,

Các người Biệt Phái, lại hay xét dò.

Dụ ngôn Chúa dậy cân đo,

Ai mời dự tiệc, không lo chỗ ngồi.

Đừng vào chỗ nhất có rồi,

Khách mời tiệc cưới, tinh khôi để dành.

Chủ nhà khó xử thanh danh,

Xin ông nhường chỗ, bước nhanh đi nào.

Bấy giờ xấu hổ biết bao,

Xếp ngồi rốt hết, trở vào hổ ngươi.

Được mời chọn chỗ rốt nơi,

Chủ mời ngươi đến, xin mời ông lên.

Chỗ ngồi danh dự bên trên,

Ai mà hạ xuống, nhắc lên có ngày.

Khiêm nhường phục vụ khen thay,

Tự cao tự đại, có ngày khổ thân.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17160

Nghe giảng Chúa nhật XXX thường niên năm A (2011-2023)

TUY HAI MÀ LÀ MỘT

Con được dạy rằng:
“Mến Chúa, yêu người”
Khoan dung ân cần
Trọn cả cuộc đời.

Nhưng con chưa sống
Như lòng Chúa mong
Tín thác, cậy trông
Mến thương khôn nguôi.

Lắm lúc yêu Chúa,
Nhưng ghét tha nhân
Đời con tàn úa
Thiếu thốn tình thân.

Đôi khi hăng hái,
Giúp đỡ anh (chị) em;
Nhưng lòng xa Chúa,
Đời chẳng êm đềm.

Nay con xin đến
Sống trọn giới răn
Yêu thương trìu mến
Tâm hồn ăn năn.

“Mến Chúa, yêu người”
Không được tách đôi
Thực thi trong đời
Dù bạn hay tôi….!
Lm. Xuân Hy Vọng

https://giaophannhatrang.org/vi/news/trang-tho-van/tho-tuy-hai-ma-la-mot-26135.html