Sống Lời Chúa tuần 32 Chúa Nhật thường niên năm A 12.11.2023

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-32-thuong-nien-nam-a-2761
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A

Kn 6,13-17 – 1Thes 4,12-17 – Mt 25,1-13

TỈNH THỨC LÀ KHÔN NGOAN

“Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.” (Mt 25,13)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Kn 6,13-17

Sự khôn ngoan trong chương 6 đã được tác giả nhân cách hóa thành Đức Khôn Ngoan. Sau khi nói về việc bậc vua chúa phải tìm kiếm Đức Khôn Ngoan (Kn 6,1-12), tác giả sách khôn ngoan bàn về việc Đức Khôn Ngoan gặp gỡ con người (Kn 6,13-21). Đây cũng là nội dung chính của bài đọc I được diễn tả qua hai cách trình bày khác nhau:

– Đức Khôn Ngoan để cho con người gặp gỡ qua kiểu trình bày theo logic nhân-quả: Ai mến chuộng sẽ cho chiêm ngưỡng, ai kiếm sẽ cho gặp, ai khao khát sẽ cho biết, ai tìm sẽ thấy, ai suy niệm sẽ minh mẫn hoàn hảo, ai thức khuya dậy sớm vì Đức Khôn Ngoan sẽ trút được lo âu.

– Đức Khôn Ngoan chủ động đến với con người qua kiểu nói: niềm nở xuất hiện trên mọi nẻo đường của con người, liền đến khi con người suy tưởng.

Phương thế để đạt tới Đức Khôn Ngoan là ham muốn học hỏi, là yêu mến, là tuân giữ lề luật của Đức Khôn Ngoan. Lòng khao khát Đức Khôn Ngoan sẽ làm cho con người nên hàng vương giả.

2. Bài đọc II – 1 Thes 4,12-17

Nội dung xoay quanh câu trả lời cho vấn nạn được cộng đoàn tại Thessalonica đặt ra về số phận của những người chết trước khi Chúa trở lại, cũng như về số phận của những kẻ còn sống vào ngày Chúa trở lại.

Khởi đi từ xác tín nền tảng của đức tin Kitô giáo vào một Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, Thánh Phaolô xác tín: người Kitô hữu có cơ sở để hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đem những người đã an nghỉ đến làm một với Người.

Ngoài ra Thánh Phaolô còn cho biết một vài chi tiết có liên quan đến ngày Chúa trở lại: khi tiếng loa của Thiên Chúa vang lên, những người đã chết sẽ trỗi dậy trước hết, để cùng với chúng ta, những kẻ còn đang sống, được nhấc lên trên các tầng mây để nghênh đón Đức Kitô trên không trung, và như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.

3. Bài Tin mừng – Mt 25,1-13

Đây là một trong một loạt các dụ ngôn của bài giảng về ngày cánh chung, nhằm minh định rõ thế nào là sự khôn ngoan cần thiết của con người khi phải đối diện với ngày tận cùng sẽ xảy đến.

Từ khóa giúp hiểu dụ ngôn ‘mười trinh nữ’ được tìm thấy trong lời kết luận của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn: Vậy anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào. Nhưng thế nào là tỉnh thức ? Vài hình ảnh nổi bật của dụ ngôn giúp hiểu thái độ tỉnh thức: – Trinh nữ – cầm đèn sáng – mang theo bình dầu dự phòng – đúng thời.

Trong lăng kính của bữa tiệc cánh chung, những hình ảnh soi sáng cho những thái độ cần có của mỗi Kitô hữu: Thái độ trong sạch qua hình ảnh các trinh nữ – đức tin với những hành động như hình ảnh chiếc đèn luôn cháy sáng (Gc 2,17) – đức ái với những việc làm như hình ảnh chiếc bình dầu dự phòng (1Cr 13) – thời gian thích hợp như lời cảnh tỉnh đúng thời, đúng buổi.

Như thế, mười cô trinh nữ trong dụ ngôn diễn tả hình ảnh của một cộng đoàn giáo hội trong tư cách là hiền thê, đang trông mong Đức Kitô – Vị lang quân, trở lại để cùng vào dự bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc Nước Trời.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. ‘Những ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan sẽ được gặp.’ Đức Khôn Ngoan khi được nhân cách hóa muốn nói đến chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi khôn ngoan. Ngài luôn sẵn lòng tỏ mình cho tất cả những ai kiếm tìm hay kêu cầu Người. Vấn đề là khi con người bị quay quắt giữa vô vàn những nhu cầu, những tất bật, những tham vọng của trần thế, liệu họ có còn tỉnh táo để nhận ra nhu cầu nền tảng của mọi nhu cầu là Thiên Chúa hay không ? Và nếu có nhận ra liệu họ có còn đủ sức để kiếm tìm Đấng Khôn Ngoan đích thực đó không ?

2. ‘Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.’ Bầu khí tháng 11 giúp Giáo hội hướng lòng về các anh chị em đã ra đi trước thời gian Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Thánh Phaolô đã minh định cho các tín hữu Thessalônica rằng: thân xác những anh chị em đã qua đời đang an nghỉ trong niềm hy vọng được Chúa trở lại để làm cho họ nên một với Người. Niềm xác tín ấy cũng chính là nền tảng cho đức tin Kitô giáo hôm nay như thánh Phaolô đã xác quyết: ‘Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người’ (Rm 6,8).

3. ‘Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.’ Những ngày cuối năm phụng vụ Giáo hội mời gọi các tín hữu cùng suy nghĩ về ngày Chúa trở lại với mỗi cá nhân, ngày đó cũng thật bất ngờ và nhanh chóng. Do đó thái độ khôn ngoan chỉ có thể là luôn sống trong tình trạng tỉnh thức, nhưng không phải với một thái độ tỉnh thức thụ động là chỉ biết ngồi chờ đợi, mà là một sự tỉnh thức tích cực: luôn trong tình trạng chu toàn bổn phận của mình.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn mời gọi tất cả mọi người, nhưng chỉ những ai khôn ngoan tỉnh thức mới xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa, và cầu xin cho mỗi người biết thắp sáng niềm tin trong cuộc sống hiện tại.

1. “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì sẽ được tỏ cho biết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, biết không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức tâm linh và các hiểu biết xã hội, để có thể chu toàn sứ vụ mục tử cách phù hợp và hữu hiệu hơn.

2. “Các cô trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang dầu đầy bình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khát khao tìm kiếm chân lý, biết sống theo lương tâm ngay lành, luôn quảng đại thực thi bác ái và tích cực góp phần cho công ích.

3. “Những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có thân bằng quyến thuộc và bạn hữu của chúng ta, được Chúa thương đón nhận vào nước trời, hầu chung hưởng vinh quang bất diệt cùng các thánh.

4. “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn sẵn sàng đợi chờ ngày Chúa đến qua việc chu toàn các bổn phận trong gia đình, cũng như tích cực góp phần cho sự thăng tiến của xã hội.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là ánh sáng và nguồn mạch sự sống, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp mỗi người chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng cho ngày quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chú giải Lời Chúa Chúa nhật XXXII Thường niên – Năm A

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 32 Thường Niên – A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-32-thuong-nien-nam-a-38384
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm A

Mt 25, 1-13

“Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”
.
(Mt 25,13)

Kính thưa anh chị em

A. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là một trong những dụ ngôn quen thuộc trong Tin Mừng. Nếu chỉ nhìn dụ ngôn dưới con mắt của người Việt thì chúng ta thấy câu truyện xem ra có vẻ bày đặt, thiếu tự nhiên. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt nó vào hoàn cảnh đất nước Do thái thì chúng ta sẽ thấy khác. Ở bên nước Do thái thì câu truyện này là một câu chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hôm nay cũng vẫn còn như vậy.

Tại vùng quê ở xứ Palestine thì đám cưới là một cơ hội rất trọng đại. Cả làng đi đưa đôi tân hôn về ngôi nhà mới của họ. Thường thì đôi tân hôn thích đi bằng con đường dài – càng dài càng tốt để họ có thể nhận được những lời chúc mừng vui vẻ của nhiều người. Và càng nhiều người chúc mừng thì càng vui, càng “hên”.

Hầu như mọi người trong làng từ sáu đến mười sáu tuổi đều tham dự. Họ đi theo tiếng trống cưới. Các Rabi còn cho phép mọi người gác lại việc học hỏi và nghiên cứu luật pháp để họ có giờ chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn.

Đây là phong tục của người Do thái. Nó khác xa với phong tục của chúng ta.

Tiến sĩ Alexander Findlay có lần đi du lịch tại xứ Palestine về, đã kể lại những điều ông đã được chứng kiến ở xứ Palestina cho những người nghe ông như sau: “Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Gallilê…tôi thấy mười cô gái được hướng dẫn bởi một đoàn thanh niên rất đông, vừa đi vừa vỗ tay và đánh đàn rất vui vẻ. Họ nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ:

– Các bạn đang làm gì vậy ?

Người hướng dẫn trả lời:

– Chúng tôi đang ra nhập bọn với cô dâu để chờ chàng rể đến.

Tôi hỏi người đó xem tôi có thể quan sát đám cưới này được không thì người đó lắc đầu và sau đó người đó cắt nghĩa:

– Không thể được vì đám cưới có thể là tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc khi nào thì đám cưới cử hành.

Sau đó anh còn cho chúng tôi biết: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới thuộc giới trung lưu ở miền Palestine này là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ. Chính vì vậy mà chàng rể thường đến bất ngờ. Đôi khi vào lúc nửa đêm.

Rồi cũng theo tục lệ ở đây thì trước khi đến chàng rể phải cho một người đi phía trước để la lên: “Kìa chàng rể đang đến!”. Việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nhà gái phải luôn sẵn sàng để đón chàng rể khi anh đến.

Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là không ai được phép ở ngoài đường lúc trời đã tối ngoại trừ khi họ có đèn cầm ở tay và khi chàng rể đã đến – cửa đã đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Xét như thế thì dụ ngôn Chúa kể cũng không có gì là khác với thực tế là bao.

B. Bây giờ chúng ta tự hỏi Chúa muốn dạy gì khi đưa ra dụ ngôn này ?

Chúng ta có thể trả lời: Cũng giống như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này cũng bao hàm nhiều ý nghĩa.

* Đối với người Do Thái lúc đó thì ý nghĩa đã quá rõ. Họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cả lịch sử của họ lý ra phải là một cuộc chuẩn bị sửa soạn cho việc đón nhận Đấng Cứu thế khi Ngài tới. Đáng lý ra thì phải là như thế. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chính vì họ không chuẩn bị để đón tiếp Ngài cho nên họ đã bị bỏ ra ngoài. Đây là tấn thảm kịch về sự mất mát lớn lao mà người Do thái phải chịu. Chúa đã khôn khéo tế nhị cho họ thấy điều đó thế nhưng rồi mọi sự đâu cũng vào đó. Thật là xót xa cho Chúa và cũng xót xa cho cả dân tộc được Chúa yêu thương một cách đặc biệt này.

* Tuy nhiên câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đây. Nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

1. Trước hết là bài học về bổn phận hằng ngày của mỗi người. Bổn phận đó đòi hỏi chúng ta phải chu toàn qua từng giây từng phút của cuộc đời chứ không phải là dành mãi đến phút chót mới làm.

Một học sinh đến ngày thi mới chuẩn bị thì quá trễ.

Nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng về khả năng và phẩm cách để làm một công việc nào đó sẽ được trao phó thì khi công tác cần đến, người đó sẽ không còn thời giờ để chuẩn bị nữa.

Đối với Chúa, cũng vậy, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa thì khi Ngài đến chúng ta khó mà kịp trở tay và hậu quả lúc đó như thế nào thì ai cũng biết.

Người biết chuẩn bị là người khôn. Người không biết dự phòng là người dại. Hậu quả của hai thái độ đó như thế nào thì chắc là ai cũng hiểu

2. Đàng khác dụ ngôn cũng còn dạy chúng ta một chân lý nữa: Có những điều chúng ta không thể vay mượn được. Những cô trinh nữ dại khi khám phá ra đèn của mình hết dầu rồi mới đi cầu cứu thì lúc đó mới thấy được cả một thực tế phũ phàng.

Người ta chẳng có thể nào mà đi mượn được mối giây liên hệ với Chúa nếu chính họ không tự làm ra mối giây liên hệ đó.

Chúng ta cũng không thể vay mượn được nhân cách. Mỗi người phải có nhân cách riêng của mình.

Chúng ta không thể cứ sống nhờ mãi vào người khác. Đến một lúc nào đó thì chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Đến lúc đó thì chúng ta không còn có thể cậy dựa vào bất cứ một ai hay bất cứ một quyền lực nào. Không có tiếng chuông báo tử nào nặng ký bằng tiếng chuông rung lên hai chữ “Quá muộn”.

3. Và cuối cùng là sự khôn ngoan của cuộc sống. Người sống khôn là người biết sống luôn sẵn sàng như cuộc sống chỉ là bây giờ, chỉ là hôm nay. “Các chị ra hàng mà mua thì hơn, e không đủ cho các em và các chị”

Ma quỉ rất sợ những con người như thế. Bởi vì phần thắng đã nằm ở trong tay họ.

Một ngày kia quỉ vương hỏi các quỉ cố vấn:

– Làm thế nào để những người trên trần thế sa đọa và thua mình ?

Các cố vấn đề nghị là nên phỉnh gạt người ta là không có Thiên Chúa hoặc không có sự trừng phạt gì ở đời này và đời sau. Quỉ vương suy nghĩ và chê các ý kiến đó là không hữu hiệu. Sau đó một hồi lâu, một quỉ nhỏ lại lên tiếng đề nghị: “Xin Ngài hãy nói với họ là ngày giờ còn rộng, còn dài, hãy thư thả rồi sẽ tính”

Vua quỉ vội đứng dậy vỗ tay khen hay:

– Đúng, mày nói đúng, chỉ có cách này mới làm cho con người an tâm mà xa thần thánh và không sợ trừng phạt. Bấy giờ ta sẽ mặc sức xúi dục chúng sa đọa theo ý của ta.

Các tôn giáo đã cống hiến cho chúng ta câu châm ngôn: “Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời mình để chúng ta trở về cõi thực, canh tân nếp sống.

Mẹ Têrêxa có lần đã phát biểu:

“Tôi dâng lễ này như là lễ đầu tiên, như là lễ cuối cùng và như là lễ độc nhất cuộc đời của tôi”

Nói một cách khác biết sống từng giây phút của hiện tại của đời mình một cách đầy đủ ý nghĩa – đó là cách chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể bất chợt xảy ra. Đó là cách giữ cho chiếc đèn đức tin của chúng ta lúc nào cũng có dầu và không bao giờ sợ bị tắt. Amen.

Nghe giảng Chúa nhật XXXII thường niên năm A (2017-2023)

 

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 25:1-13)

SẴN SÀNG.

Dụ ngôn trinh nữ khôn ngoan,

Mười cô nhận thiệp, lo toan mọi bề.

Năm cô chuẩn bị cận kề

Chờ mong chàng rể, khi về đón ngay.

Dầu đèn đã sẵn trong tay,

Bất ngờ chàng tới, vui thay đợi chờ.

Năm cô thiếu nữ khù khờ,

Mê say giấc ngủ, nào ngờ bóng đêm.

Thiếu dầu đèn thắp đổ thêm,

Tắt đèn dầu cạn, tối đêm mịt mờ.

Tiếng hô chàng rể đang chờ,

Các cô thức tỉnh, mượn nhờ có đâu.

Thắp đèn cụt bấc hết dầu,

Thời gian cấp bách, đêm thâu dự phòng.

Sẵn sàng tiệc cưới vào trong,

Chủ nhân đóng cửa, trông mong ở ngoài.

Năm cô tới trễ van nài,

Thưa ngài mở cửa, cũng hoài công thôi.

Các con tỉnh thức liên hồi,

Ngày giờ sẽ đến, tinh khôi sẵn sàng.

Hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Nhiều khi chúng ta thức đó, mà lại không tỉnh. Gần đến cuối năm phụng vụ, giáo hội có cơ hội nhắc nhở chúng ta về ngày cuối đời. Chúng ta không biết ngày nào và giờ nào sẽ kết thúc. Cách tốt nhất là hãy tỉnh thức.

   Tỉnh thức như năm trinh nữ khôn ngoan chờ đón chàng rể. Họ mang đèn và mang dầu theo. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ sằn sàng thắp đèn ra đón chàng rể. Còn các trinh nữ khờ dại, họ đã phung phí tất cả cho cuộc sống hưởng thụ. Họ sống trong bừa bãi theo phù vân giả tạo. Không lo cho ngày mai. Không dự liệu phòng hờ cái gì sẽ xảy ra.

Mang theo dầu, dầu đây chính là các nhân đức tập luyện được. Trong cuộc sống đời thường, ai trong chúng ta cũng phải lo, phải chắt chiu, để dành và dự phóng về tương lai. Rất ít người trong chúng ta nghĩ đến việc chuẩn bị cho ngày sau cùng. Đôi khi chúng ta nghĩ có lẽ chưa xảy ra cho chúng ta. Sự chết còn xa vời.

Chúng ta còn cảm thấy khoẻ khoắn và còn nhiều dự án chưa xong. Chúng ta không muốn chết và không muốn nghĩ đến cái chết. Dù rằng hằng ngày, nhiều tai nạn và chết chóc xảy đến ngay bên. Chúng ta như cứ bình chân như vại. Hưởng thụ cuộc đời đi kẻo hết.

  Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta đừng mải mê hoan lạc lo tìm tích trữ của thế gian mà quên đi sự sống ngày sau. Mỗi ngày chúng ta hãy chu toàn mọi việc được trao ban. Cái gì chúng ta có thể làm được trong ngày hôm nay, hãy cố gắng hoàn tất. Đừng để cơn giận vần còn lẫn quẩn trong người chúng ta. Để rồi khi trên giường ngủ, vắt tay trên trán, trần trọc trong sự bực tức và cay cú khi tìm vào giấc ngủ. Biết đâu đêm nay Chúa sẽ gọi chúng ta về. Chi bằng chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng để được ra đi trong bình an.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra giá trị của thời gian sinh sống. Mỗi phủt giây trôi qua là chúng con bước gần đến cuối đường. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để đón Chúa trong ngày sau hết.

THỨ HAI, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 17, 1-6).

GƯƠNG XẤU

Gương mù tật xấu phơi bầy,

Thế gian ô nhiễm, sa lầy bến mê.

Khốn thay phạm tội gớm ghê,

Gây ra gương xấu, bội thề dối gian.

Thà rằng cột cối đá hàn,

Đẩy xô xuống biển, biến tan cõi đời.

Các con cẩn thận giữ lời,

Thực tình hối cải, ơn trời thứ tha.

Dù rằng lỗi phạm qúa ba,

Cũng nên tha thứ, phôi pha xóa nhòa.

Bảy lần trở lại làm hòa,

Thành tâm hối lỗi, giao hòa bỏ qua.

Chúa thương xóa tội người ta,

Con người yếu đuối, xin tha mọi thời.

Lòng tin bé nhỏ trong đời,

Dù bằng hạt cải, khiến dời núi non.

THỨ BA, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 17, 7-10).

ĐẦY TỚ

Ngoài đồng đầy tớ trở về,

Trông nom coi sóc, mọi bề lo toan.

Nấu cơm dọn bữa liên hoan,

Thắt lưng buộc bụng, khôn ngoan vâng lời.

Chu toàn công việc ở đời,

Chủ ông tốt bụng, đôi lời ban khen.

Dù đây bổn phận sang hèn,

Thi hành theo lệnh, con sen trong nhà.

Phúc thay đầy tớ thật thà,

Yêu thương nâng đỡ, mặn mà giúp nhau.

Các con tôi tớ theo sau,

Thực hành lời dậy, hãy mau thưa rằng:

Chúng tôi vô dụng phải chăng,

Làm điều ủy thác, siêng năng thi hành.

Gắng công trách nhiệm hoàn thành,

Vâng theo thánh ý, ơn lành trao ban.

THỨ TƯ, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 17, 11-19).

PHUNG HỦI

Dọc theo biên giới ngoại dân,

Mười người phung hủi, tiến dần hét la.

Đồng thanh cất tiếng từ xa,

Lậy Thầy, thương xót, chữa da phong cùi.

Chúa thương loan báo tin vui,

Hãy đi trình diện, tới lui đền thờ.

Đi đường phong sạch không ngờ,

Trong lòng vui sướng, chẳng chờ đợi ai.

Một người quay lại công khai,

Ngợi khen lớn tiếng, thiên sai bởi trời.

Sấp mình thờ lạy Chúa Trời,

Tạ ơn Thiên Chúa, dâng lời ngợi khen.

Chín người còn lại nhỏ nhen,

Không ai trở lại, ca khen danh Người.

Chúa truyền đứng dậy vào đời,

Đức tin cứu chữa, ơn trời khấng ban.

THỨ NĂM, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 17, 20-25).

NƯỚC TRỜI

Khi nào Nước Chúa tới gần,

Không ai biết trước, vạn vần đổi thay.

Người ta quan sát đêm ngày,

Nước Trời xuất hiện, giữa ngay trần đời.

Sáng lòe như chớp bầu trời,

Ai mà đoán được, cao vời cõi thiên.

Các con mong ước siêu nhiên,

Một ngày thấy được, Chúa Chiên vĩnh hằng.

Con Người sẽ được vinh thăng,

Tới ngày phán xét, sao băng sáng ngời.

Tiên vàn đau khổ cuộc đời,

Loài người xua đuổi, một thời tẩy chay.

Chối từ phỉ báng đắng cay,

Hy sinh chịu chết, ba ngày phục sinh.

Về trời Chúa ngự uy linh,

Tới ngày sau hết, quang vinh khải hoàn.

THỨ SÁU, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 17, 26-37).

SẮN SÀNG

Thời gian thấm thoát thoi đưa,

Chúa Con cứu chuộc, ơn mưa dạt dào.

Nhắc lời Kinh Thánh năm nào,

No-e thoát khỏi, nước trào mưa tuôn.

Địa cầu hồng thủy ngập luôn,

Triều dâng tiêu diệt, ngàn muôn vạn người.

Người ta ăn uống vui đời,

Say mê lạc thú, xa rời chính tâm.

Dưới thời ông Lót cũng lầm,

Con người vui thỏa, tà tâm chống trời.

Sinh diêm mưa lửa mọi nơi,

Tường thành hủy diệt, mọi người ra đi.

Con Người xuất hiện uy nghi,

Thời gian bất chợt, xét suy kỹ càng.

Hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng,

Ngày giờ Chúa đến, ca vang đón chờ.

THỨ BẢY, TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

(Lc 18, 1-8).

KIÊN TRÌ

Chúa truyền môn đệ dụ ngôn,

Siêng năng cầu nguyện, kính tôn Chúa Trời.

Thành kia thẩm phán khinh đời,

Cũng không kính nể con người thế gian.

Trong thành bà góa than van,

Minh oan giúp đỡ, phá tan mưu đồ.

Kẻ thù ám hại mưu mô,

Lâu ngày im tiếng, quạnh cô phát phiền.

Ông không kính sợ cõi thiên,

Không thèm kính nể, nhân viên xóm làng.

Sau cùng xét xử nhẹ nhàng,

Quấy rầy nhức óc, chẳng màng thế nhân.

Bất lương thẩm phán trong dân,

Kiêu căng ngạo mạn, thiệt thân có ngày.

Đêm ngày khấn nguyện cùng Thầy,

Sẽ thương giải cứu, ban đầy ân thiêng.

Tác giả:  Lm. Trần Việt Hùng