Sưu Tầm: Giá như đừng nâng cái điện thoại lên trong khi tham dự phụng vụ!


Một buổi dâng hoa bày tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ hay một Thánh lễ đang được cử hành sẽ trọn vẹn biết bao, sẽ thêm sự sốt mến… nếu giả như đừng có ai đó lấy ra cái điện thoại, rồi nâng nó lên cao để thao tác chụp chụp quay quay phát trực tiếp hay offline… Bởi bầu khí phụng vụ mà cộng đoàn đang tham dự đã bị những người kia (những người dùng điện thoại giơ lên, bỏ xuống ấy) làm “nhiễu” mất rồi, khiến cộng đoàn bị chia trí, và chính bản thân người đang sử dụng cái điện thoại để làm phương tiện quay, chụp cũng đã thực sự chẳng có tâm trí trọn vẹn khi tham dự phụng vụ.

Phải chăng vì chúng ta không ý thức đủ giá trị của phụng vụ? Phải chăng chúng ta tham dự các nghi thức phụng vụ chỉ bằng hình thức, chẳng có sự hiệp thông trong buổi dâng hoa cùng với đoàn hoa đang dâng tiến lên Mẹ Maria, mà chỉ như đi “xem” trình diễn dâng hoa, như thể đang đi xem văn nghệ?

Còn đáng buồn hơn nữa, ngay cả khi tham dự Thánh lễ, phải chăng chúng ta cũng thiếu ý thức và chẳng hiểu được mầu nhiệm cao cả và giá trị tuyệt đỉnh của Thánh lễ, nên xem thường, coi nhẹ và đến nhà thờ như chỉ là “xem lễ” và cho xong?

Trong một bài Giáo lý về chủ đề Thánh Thể và Thánh lễ (ngày 8/11/2017), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các Kitô hữu cần “hiểu biết giá trị và ý nghĩa của Thánh lễ, để sống mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cách luôn luôn tròn đầy hơn”

Cũng trong bài giáo lý này, ĐTC đã bày tỏ sự buồn phiền khi thấy ngày càng nhiều người khi tham dự Thánh lễ đã “nâng cái điện thoại lên” thay vì “nâng tâm hồn lên” với Chúa, thay vì cùng hiệp thông với linh mục và cộng đoàn sốt sắng tham dự Thánh lễ, thì họ lại làm những việc chẳng xứng hợp và đang xem thường Phụng vụ, Thánh lễ.

Cũng vẫn trong bài giáo lý, ĐTC hỏi mọi người đang hiện diện: “Tại sao linh mục nói “Hãy nâng tâm hồn lên”, chứ không nói “Hãy nâng điện thoại lên để chụp hình”? Thế nên, việc nâng cái điện thoại lên trong Thánh lễ, để quay, để chụp, với ĐTC, “đó là một điều đáng buồn, tồi tệ!”

Bạn sẽ tham dự Phụng vụ với một tâm trí hoàn toàn hướng về Chúa, hay thực sự bị cái điện thoại chi phối, thấy khung cảnh được mắt là rút điện thoại, nâng nó lên… quay sang trái, sang phải… khiến cho cả cộng đoàn chia trí và chính bạn cũng chẳng có một tâm hồn trọn vẹn xứng đáng dành cho Chúa?

Sr. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P

BÀI THƠ 1 CHỮ “ĐỪNG” MÀ GÓI TRỌN KIẾP SỐNG!
Đừng tưởng cứ núi là cao… Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu… Cứ trên là sáng cứ tu là hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên… Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm… Không nghe là điếc không trông là mù
Đừng tưởng cứ trọc là sư… Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang… Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ… Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân… Cứ hứa là chắc cứ ân là tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh… Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Đừng tưởng cứ quyết mà nên… Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Đừng tưởng cứ lớn là khôn… Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng giàu hết cô đơn… Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ gió là mưa… Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve… Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn
Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn… Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu
Đừng tưởng cứ thích là yêu… Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng đời mãi êm đềm… Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân
Đừng tưởng cười nói ân cần… Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương
Đừng tưởng trong lưỡi có đường… Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười… Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao… Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay… Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng nắng gió êm đềm… Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng cứ tiến là lên… Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm
Đừng tưởng cứ khóc là sầu… Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn… Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong
Đời người lúc thịnh, lúc suy… Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng
Bên nhau chua ngọt đã từng… Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau
Ở đời nhân nghĩa làm đầu… Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
LINH MỤC
Chuyện sống ở nhà hưu…
Mình ở nhà hưu được hơn 3 năm rồi. Tuổi đời đã trên 83 kể luôn 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Linh mục được hơn 50 năm. Sống ở nhà hưu vui hay buồn? Thưa : Vui có buồn có. Mà ở đâu lại không như vậy? Nhưng nhà hưu mình đang ở thì vui là gấp bội.
Tượng Đức Mẹ trong nhà hưu GP Kon Tum
Về nhân sự: Cả nhà không tới 10 người. Cao tuổi nhất là 97, thấp nhất là vừa hơn 80! Đủ miền: Hà Nội có, Thái Bình có, Bùi Chu có, Nghệ An có, Quảng Nam có, Bình Định có. Hầu hết là đã hơn 50 năm linh mục. Có vị vừa tạ ơn 65 năm linh mục! Ăn chung với nhau: sáng, trưa, chiều. Có vị được đề nghị để đưa thức ăn vào tận phòng, để khỏi phải đi lại vì tuổi cao phải chống gậy, nhưng cha nhất định không chịu, vì ăn chung để mà chuyện trò cho vui, trớ trêu thay là vị này lại điếc hơi bị nhiều! Nhưng tai điếc chứ miệng đâu có điếc! Bản thân mình đây cũng khá điếc: nghe thì tiếng được tiếng mất, chứ mà “nổ” thì không thiếu phát nào! Hầu hết các vị cao tuổi hơn mình. Các vị là gương tốt cho mình về sự hòa đồng, về sự chịu đựng và về sự đạo đức…
Về nhà ở: Mình làm cha xứ hơn 40 năm, phòng mình ở nhà hưu bây giờ ngon lành hơn các phòng mình đã từng ở tại các giáo xứ. Rộng rãi, tiện nghi, tiện lợi cho người cao tuổi… Muốn sắm đồ đạc gì thì cũng tha hồ có chỗ! Có hành lang trước – sau; thích nhất là hành lang sau, rất ư là rộng rãi. Có vị còn kê bàn làm việc, có bếp mini, có treo lồng nuôi chim, có treo hoa phong lan… Thích hơn nữa là nhìn xuống hoa viên có bonsai, có hoa các loại, có bể nuôi cá cảnh… Có vị còn làm những bức tranh trên tường rất ý nghĩa bằng gạch tận dụng đủ màu rất bắt mắt! Có vị đã bố trí chỗ tiếp khách trên hành lang sau phòng, chơi cờ tướng hoặc domino, kể cả đôi lúc cũng nhâm nhi lai rai… Tại hoa viên này có hang đá Đức Mẹ, nhỏ mà rất xinh, có tượng thánh Micae, có thánh Martino Porres. Ngày nào mình cũng lâm râm cầu nguyện những nơi này. Hoa viên này là một nơi rất yên tĩnh, một thế giới riêng biệt. Thích lắm lận.
Về chuyện ăn uống: Phải thừa nhận rằng: Ăn ở nhà hưu ngon hơn, đầy đủ hơn khi mình còn ở xứ đạo. Hiện giờ người nấu bếp là một nữ tu và một cô phụ bếp, cả hai là người Thượng. Rất thương các cha già. Rất tận tụy. Có những thứ rất đặc sản: măng le chua, rau rừng, cà đắng… Đôi lần thấy cả một dĩa dế chiên đầy luôn! Cuối cùng không còn chút nào! Chắc là do đã ăn quen miệng khi xưa! Nghe nói tới 200 ngàn một ký lô. Đặc sản mà! Có lần mình bộc bạch trong bữa ăn rằng thì là ăn ở nhà hưu sang hơn ăn ở nhà xứ, các vị đều ô-kê ngay. Có ai cho các vị quà gì thì cũng đều mang đến nhà cơm ăn chung. Các nhà hàng Công giáo cũng hay mang đến nhà bếp món này món nọ rất đặc sản. Đức cha hay cha quản lý cũng thường xuyên gởi cho các “cha cố” cái này cái nọ. Tình nghĩa lắm!
Khuôn viên trong nhà hưu GP Kon Tum
Chăm sóc cho các cha là một linh mục và 2 thầy dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (Đồng Công): Dọn lễ, giúp lễ, chưng hoa, tài xế, hớt tóc; thức đêm chăm sóc khi có người đau bệnh hoặc tại nhà hoặc tại nhà thương; trồng rau sạch cho bữa ăn; sai đâu đánh đó, kể cả đánh… cờ tướng! Các cha nhà hưu rất biết ơn nhà dòng. Ba vị cha thầy này to con và rất khỏe, bế lên bế xuống các vị đau bệnh dễ như chơi vậy. Dòng này chuyên chăm sóc các cha hưu hoặc đau yếu bệnh tật.
Về công việc: Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Có vị còn dịch Kinh Thánh, hoặc sẵn sàng dạy tiếng Thượng cho các sơ mới đến trong giáo phận, đi dâng lễ các nơi khi cần… Nhiều người lại thích đi xưng tội với các cha già. Tiếp khách liên tục, nhất là tiếp và giúp đỡ giáo dân người Thượng nghèo mà xưa các vị là cha xứ. Bản thân kẻ này, ngày nào cũng dậy lúc 4 giờ và dâng lễ cho các nhà nội trú người sắc tộc ở xa nhà thờ, xong rồi còn dạy nhân bản, nhắc nhở các em việc học hành. Phải lễ 5 giờ sáng để các em còn kịp giờ đi học. Khi còn ở giáo xứ, phải lo công việc mục vụ, thời giờ cho người nghèo ít thôi; về nhà hưu, toàn thời gian là cho người nghèo. Đi đâu cũng thấy người nghèo, gặp người bệnh, cần phải giúp. Đấy, nhà hưu mình là như vậy.
Chuyện thời sự: Giờ cơm là giờ thông tin mọi sự kiện trên cả thế giới. Từ chuyện đạo đến chuyện đời. Nào là chiến sự ở Úc-rai-na; rồi bóng đá trên thế giới, ai thua ai thắng, tiền thưởng bao nhiêu; hoặc có hoa hậu nào đó phát biểu dại khôn làm sao, nhà hưu này đều thông suốt cả! Bài giảng của Đức Thánh Cha cho giới trẻ hôm lễ Hiển Dung ở Bồ Đào Nha xa xôi về 3 từ của bài Tin Mừng là Tỏa Sáng, Lắng Nghe, Đừng Sợ được ngài khai triển rất hay cũng được nhà hưu bàn tới. Hưu thì có giờ hơn để đọc, để nghe, thành ra nó như thế! Vui chứ?
Thấy có một nguyên tắc sống không thành văn nhưng rất cần cho đời sống chung: Đất sinh cỏ già sinh tật. Mỗi người mỗi tính. Vừa rồi có một vị trong nhà để câu này trên một bản gỗ trước phòng: Nỗ lực xê xích, gay go co kéo . Ý nói là mỗi người nên tự xê xích tuy có gay go, để có thể ngồi chung với người khác. Đừng chỉ bắt người khác phải làm vừa lòng mình. Mình rất thích nguyên tắc này vì nó cần thiết cho việc sống chung.
UNESCO là tổ chức văn hóa – giáo dục của Liên Hiệp Quốc có đề cập đến mục đích của việc học hành: Thứ nhứt là học để Hiểu Biết (To Know). Thứ hai là học để hành động (To Do). Thứ ba (mà mình rất thích) là học để Sống Chung (To live Together). Thứ tư là học để khẳng định mình (To Be). Như vậy cho nên, để sống chung với người khác được thì cũng phải học. Có bao giờ chúng ta nghĩ đến chuyện này không? Giáo lý Công giáo dạy để sống chung với tha nhân thì phải biết yêu thương và tôn trọng họ.
Thật tình mà nói: Niềm Vui và Hạnh Phúc của cuộc đời phát xuất tự lòng mình là chính. Không mua nó ngoài chợ hoặc ở siêu thị được đâu.