Thánh Lễ trực tuyến dành cho bệnh nhân, người cao tuổi và suy niệm Lời Chúa trong tuần Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên năm C 19.01.2025
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C
Bài Ðọc I: Is 62, 1-5
“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân
Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.
Xướng: Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 4-11
“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 2, 1-12
“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chỉ Thiên Chúa mới có thể đem lại cho con người niềm vui đích thực và hạnh phúc trọn vẹn. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lên Người những lời nguyện xin:
1. “Ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Giám mục, linh mục, phó tế và nam nữ tu sĩ, luôn trở nên dấu chỉ của niềm vui có Chúa, qua đời sống dấn thân và phục vụ.
2. “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn biết chu toàn chức vụ của mình, hầu xây dựng sự hiệp nhất và tình liên đới trong thế giới.
3. “Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các gia đình Công Giáo trên thế giới, luôn giữ được lửa tình yêu nồng nàn, để kiên vững và bình an trước mọi khó khăn thử thách.
4. “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành viên trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết thực thi lệnh truyền của Chúa, hầu đem lại ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin đón nhận những ước nguyện chân thành chúng con dâng lên. Xin ban ơn giúp sức, để mọi việc chúng con làm từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Nghe giảng Chúa nhật II Thường Niên năm C (2010-2025)
BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II – NĂM C
NGƯỜI BẢO GÌ CÁC CON CỨ LÀM THEO
https://giaophanthanhhoa.net/suy-niem/bai-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-ii–nam-c-45821.html
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Đọc Tin mừng của Thánh Gioan chúng ta thấy, Đức Mẹ chỉ xuất hiện có hai lần mà thôi: Lần thứ nhất Đức Mẹ xuất hiện vào đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana và, lần thứ hai vào cuối cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu tại đồi Golgotha, dưới chân cây Thập Giá.
Trong Tin mừng hôm nay tại tiệc cưới Cana miền Galilê, Đức Mẹ đã tỏ rõ sự chăm sóc, lo lắng, quan tâm của một người Mẹ đối với con cái, qua việc Mẹ nói với Chúa Giêsu, con của Mẹ rằng : “ Họ hết rượu rồi” ( Ga 2,3 ).
Chúng ta biết rằng, theo tục lệ của người Do Thái, đám cưới thường kéo dài trong 7 ngày. Trong 7 ngày này, các thực khách được mời đều có thể dự suốt từ đầu tới cuối. Tuy nhiên đây không phải là điều bó buộc. Chính vì thời gian ăn cưới kéo dài như vậy, và có lẽ gia chủ được sự mộ mến của nhiều người, nên việc dự trù rượu cho thực thực khách uống của gia chủ không được chính xác. Cũng vẫn theo quan niệm của người Do Thái, thì việc hết rượu nửa chừng trong bữa tiệc cưới, đó là một điều làm tổn thương đến danh dự của gia chủ không ít. Nó cũng còn bị coi như là một dấu hiệu tiên báo một điều bất hạnh cho đôi tân hôn, một sự xui xẻo nào đó.
Thế nhưng việc thiếu rượu trong một đám cưới đông người và lại kéo dài như thế đâu có phải là một vấn đề dễ giải quyết. Trước tình trạng quẫn bách đó của gia chủ, Mẹ Maria đã cảm thông. Mẹ đã có sáng kiến chia sẻ nỗi khổ tâm của gia chủ, cũng như của đôi tân hôn hôm đó. Đồng thời cũng biểu lộ một sự chăm sóc đầy tính cách hiền mẫu của Mẹ. Hơn ai hết Mẹ Maria biết rõ Chúa Giêsu, con Mẹ là người thế nào rồi. Ngài là một Thiên Chúa quyền năng trong hình hài thể xác của một con người. Chính sự hiểu biết đó đã là động cơ khiến Mẹ xin với Chúa Giêsu, làm một việc, mà Mẹ biết rõ không ai có thể làm được, để cứu vãn danh dự cho gia chủ của bữa tiệc và cho đôi tân hôn. Chúng ta nghĩ gì, nếu bữa tiệc hôm đó hết rượu ? Một điều chắc chắn là cuộc vui sẽ chấm dứt. Như chúng ta biết, rượu trước hết là dấu chỉ của niềm vui. Chả thế mà trong Thánh vịnh đã viết rằng : “ Rượu làm hoan lạc lòng người” ( Tv 104,15 ). Vì thế, Mẹ đã đến nói với Chúa Giêsu, con của Mẹ rằng : “Họ hết rượu rồi” ( Ga 2,3 ).
Qua những lời này, Mẹ đã muốn nói gì với Chúa Giêsu, Con của Mẹ ? Có phải đây là một lời nhắc nhở về tình hình rượu để cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài uống ít đi không? Chắc chắn là không, bởi vì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài có bớt “chén chú chén anh” đi nữa, thì cũng không thấm vào đâu, để có thể cứu vãn tình trạng thiếu rượu trong một đám cưới đông người, và kéo dài ngày như thế được. Vậy thì những lời “ Họ hết rượu rối” của Mẹ Maria ở đây có ý nghĩa gì ?
Lời xin của Đức Mẹ vô cùng tế nhị. Mẹ đã không xin với con của Mẹ rằng: “ con hãy làm phép lạ cho họ đi, họ đáng thương lắm”, bởi làm như thế, một cách nào đó có thể hiểu là Mẹ ra lệnh. Nhưng ở đây, Mẹ chỉ trình bày một sự thật. Sự thật đó là “Họ hết rượu rồi”. Hết rượu thì cuộc vui sẽ chấm dứt, và như thế, đối với đôi tân hôn, còn gì đáng thương hơn nữa không ? Với ánh mắt khẩn khoản, với giọng nói van xin, những lời “ Họ hết rượu rồi” của Mẹ Maria, đã trở thành một lời cầu bầu, thể hiện vai trò trung gian của Mẹ với Chúa Giêsu.
Có một điều trong Tin mừng mà chúng ta không thể nào không chú ý đến được, đó là câu trả lời của Chúa Giêsu, một câu trả lời đã khiến cho chúng ta, những người nghe, không thể nào không sửng sốt, Thánh Gioan ghi lại lời của Chúa Giêsu nói với Mẹ Ngài lúc đó rằng : “ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” ( Ga 2,4 ).
Khi giải thích đoạn Tin Mừng này, các học giả Thánh Kinh đã không nhất trí với nhau về ý nghĩa câu trả lời trên đây của Chúa Giêsu.
Có ý kiến cho rằng, câu đó mang một ý nghĩa trách móc, xem ra như Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ Ngài rằng, việc đó có liên quan gì đến bà đâu mà bà xen vào làm gì ? Nếu hiểu theo ý nghĩa này, thì chúng ta phải phỏng đoán rằng, khi nói những lời này, Chúa Giêsu đã cau nét mặt.
Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây, chỉ là một lối trả lời tránh né. Ngài không muốn từ chối, nhưng cũng không muốn nhận lời, xem ra như Chúa muốn nói với Mẹ Ngài là cứ từ từ để xem sao đã.
Sau cùng còn có ý kiến cho rằng, câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây ngụ ý cho thấy rằng, Ngài và Mẹ Ngài không ở trên một bình diện. Đây là điều mà chính Đức Maria đã ý thức rõ ràng khi Ngài đến nói với con Ngài : “Họ hết rượu rồi”.
Cũng trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài quả quyết rằng , giờ Ngài chưa đến. Trong Thánh Kinh, khi nói đến giờ của Thiên Chúa là có ý nói đến sự vinh quang. Nhưng giờ phút vinh quang của Chúa Giêsu đã được ấn định theo ý của Thiên Chúa Cha hết cả rồi. Bởi đó, khi nói với Đức Mẹ, giờ của Ngài chưa đến, thì Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ Ngài rằng, Ngài phải làm theo ý của Thiên Chúa Cha, chứ không thể làm theo ý của ai khác được.
Điều mà chúng ta ghi nhận được ở đây chính là sự am hiểu nhau của Đức Maria và Chúa Giêsu. Sự am hiểu đó đã khiến Mẹ bất chấp câu trả lời của Chúa Giêsu và Mẹ đã nói với những người giúp việc với một lòng tin tưởng, không chút nghi ngờ rằng: “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” ( Ga 5,2 ).
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta đang sống trong một thế giới, một xã hội bon chen, đầy những bất công, lừa đảo, có thể chúng ta đã trở nên những con người “lòng chai dạ đá”, nghĩa là làm ngơ trước những nỗi thống khổ của những người khác. Lối sống thiếu bác ái đó đã không đem lại lợi ích nào cho chính chúng ta cũng như những người khác. Lối sống đó chỉ biến chúng ta thành những con người ích kỷ sống cho chính mình. Lối sống đó, dần dần làm cho chúng ta trở thành một ốc đảo giữa xã hội này.Thật là một điều vô cùng an ủi cho chúng ta, những người đang sống trong cuộc đời đầy khốn khổ này. Khổ vì việc đi tìm miếng cơm manh áo, khổ vì những chèn ép bất công, khổ vì những tranh giành quyền lợi… Tất cả những nỗi thống khổ ấy, Đức Mẹ đều thấu suốt cả. Mẹ cũng đã trình bầy tất cả những nỗi thống khổ ấy với Con của Mẹ, như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana xưa. Rồi Mẹ lại căn nhặn chúng ta hôm nay : “Hễ Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Có thể Ngài bảo chúng ta phải làm những công việc xem ra như vất vả vô ích, như Ngài đã bảo những người giúp việc trong tiệc cưới Cana ngày xưa, là múc nước đổ vào chum. Những việc đó, hôm nay có thể là bệnh hoạn tật nguyền, có thể là nghèo túng khổ cực. Nhưng nếu chúng ta biết tuân theo lời căn nhặn của Đức Mẹ, thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng một phép lạ, không phải biến nước thành rượu, mà là biến đau khổ thành niềm vui và hy vọng.
Sự hiện diện của Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các Môn Đệ của Ngài trong bữa tiệc cưới này cho thấy mối liên hệ gia đình giữa Đức Mẹ, Chúa Giêsu với gia chủ bữa tiệc cưới. Nhưng đồng thời cũng nói lên mối quan tâm của Chúa Giêsu và Đức Maria đối với bậc sống lứa đôi, một bậc sống cũng có những đặc tính siêu việt, cao trọng, chứ không phải như một số người vẫn thường quan niệm một cách ngược lại.
Sự hiện diện đó cũng nói lên một nét hài hoà thật tốt đẹp giữa sở thích sống cuộc sống trinh khiết, độc thân và cuộc sống lứa đôi. Sự hài hoà đó, cho phép chúng ta đi đến một kết luận rằng, giá trị của cuộc sống, không hệ tại ở bậc sống, nghĩa là không hệ tại việc sống trong bậc tu trì, độc thân, hay bậc sống lứa đôi, mà hệ tại ở việc có trung thành với những đòi buộc của bậc mình đã chọn sống hay không. Chính tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã chúc phúc cho đôi bạn trẻ và cũng từ đây Ngài thiết lập Bí tích Hôn Phối như là dấu chỉ của sự trung thành trong tình yêu giữa người nam và người nữ. Và như vậy, Bí tích Hôn Phối có trước bí tích truyền chức và đời sống hôn nhân có trước đời sống tận hiến. Đó là một hồng ân và cũng là trách nhiệm mà mỗi cặp vợ chồng phải chu toàn trong đời sống của họ, như câu chuyện sau:
– Anh yêu! anh đi bộ quanh phố với em nhé?.
– Uhm.
– Anh ơi, em không muốn đi trước.
– Vậy em đi đằng sau anh nhé!
– Anh ơi, em cũng không muốn đi sau.
– Vậy em muốn đi như thế nào?
– Em muốn đi song song với anh, vì: Có những khó khăn em không thể vượt qua được khi ở đằng trước. Nhưng em cũng không muốn ở đằng sau, bởi anh sẽ không chịu được những mất mát, khó khăn hơn nữa. Vì vậy chúng ta nên đi cùng nhau, song song với nhau. Cùng vượt qua những khó khăn này. Không ai phải hứng chịu trước.
Câu nói: “ Họ hết rượu rồi”, đó có thể cũng là những lời mà Đức Mẹ đã nói với Chúa Giêsu khi Mẹ thấy những gia đình đang cạn dần đi “ chén rượu tình thương”. Thời gian, tính tình, thói quen, tập quán của nhau, cũng như những hoàn cảnh về sức khỏe, về kinh tế…có thể đã làm vơi đi tình thương trong các gia đình. Đó chính là những lúc chúng ta cần đến những phép lạ. Để có rượu mới và ngon, thì Đức Mẹ đã xin điều đó với Chúa, nếu chúng ta biết mời Chúa và Mẹ đến với gia đình của mình thì chúng ta sẽ hạnh phúc.
Lm. Giuse Phan Cảnh
THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN. C
https://www.tonggiaophanhanoi.org/bai-doc-thanh-le-moi-ngay/
Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C
(Ga 2: 1-12)
HÓA RƯỢU
Ca-na tiệc cưới đông người,
Nửa vời thiếu rượu, thói đòi khen chê.
Khách mời dự tiệc đang phê,
Rượu ngon chóng cạn, đôi bề khó khăn.
Chúa cùng môn đệ mời ăn,
Ma-ry Mẹ Chúa, giữ danh gia đình.
Tinh vi quan sát tình hình,
Sáu chum hết rượu, thật tình đáng thương.
Cảm thông lòng mẹ vấn vương,
Ghé tai bên Chúa, xin thương giúp người.
Can chi mọi việc trong đời,
Giờ Con chưa đến, nói lời xin vâng.
Mẹ rằng cứu giúp đỡ nâng,
Sáu chum đầy nước, trào dâng phúc lành.
Rượu ngon biến đổi đã thành,
Ngạc nhiên quản tiệc, ơn lành trời ban.
Nếm xem rượu mới nếp than,
Lòng người hoan hỉ, chứa chan ân tình.
Lần đầu phép lạ tỏ mình,
Giê-su Chúa Cả, giáng sinh làm người.
Chúa Giêsu cùng mẹ Maria và các môn đệ dự tiệc cưới tại Cana, xứ Galilêa. Câu chuyện xảy ra một cách hy hữu. Trong lúc tiệc cưới đang vui, qua sự quan sát tế nhị, mẹ Maria biết gia đình thân chủ đang bối rối và lo lắng vì thiếu rượu. Đúng là uống chưa say, chất cay đã hết. Đức Mẹ tự ý đến nói nhỏ với Chúa một cách ý nhị: Họ hết rượu rồi. Mẹ rất tế nhị và cảm nhận được nhu cầu cần thiết của gia đình. Nhìn vào cuộc sống gia đình, nếu một đám cưới mà thiếu rượu nửa chừng có lẽ sẽ có nhiều truyện xảy ra không hay sau này.
Qua lời thủ thỉ của Đức Mẹ, Chúa Giêsu hiểu được sự khó khăn của gia đình. Chúa đã hóa nước thành rượu ngon. Chúa đã sai các người giúp việc múc nước đổ đầy các chum. Rồi Chúa Giêsu bảo họ: Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc. Người quản tiệc nếm thử nước đã trở thành rượu. Đây là phép lạ đầu tiên Chúa đã làm.
Chúng ta biết rượu chính là mối hoan lạc. Tự nó, rượu không tốt, không xấu, nhưng biết dùng đúng mức nó sẽ trở thành nguồn vui. Chúa dùng nuớc biến thành rượu cho lòng người hoan hỉ. Sau này, chính Chúa Giêsu lại dùng rượu biến đổi trở thành Máu của Ngài để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Trong mỗi thánh lễ, Chúa tiếp tục làm sự lạ hóa bánh rượu trở thành Thịt Máu của Chúa. Trước mắt người phàm, chúng ta hoàn toàn không thấy gì thay đổi, bánh vẫn là bánh, rượu vẫn hoàn rượu, nhưng bản thể của bánh rượu đã biến đổi trở nên Thánh Thể Chúa.
Truyện kể trong cuộc họp báo, một giáo sư vô thần chứng minh Chúa Kitô chỉ là một anh phù thủy. Ông có một ly nước trước mặt. Ông bỏ vào một thứ bột hóa học và nước liền ra đỏ và ông nói đó là phép lạ. Đức Kitô đã giấu trong tay áo một thứ bột giống như bột này. Và Ngài đã làm phép lạ khi biến nước thành rượu theo cách này. Hãy xem tôi còn làm những chuyện lạ hơn Đức Kitô nữa. Tôi có thể biến rượu thành nước lã. Rồi ông đổ một thứ bột khác vào nước, nước đổi ra mầu trắng và rồi lại đổi ra mầu đỏ. Có một anh công giáo đứng dậy nói: Thưa giáo sư, giáo sư rất giỏi, nhưng xin giáo sư hãy uống thứ rượu đó. Ông giáo sư không dám uống ,vì đó là chất hóa học độc hại. Người thanh niên nói: Thưa qúi vị, đó là sự khác biệt giữa Chúa Kitô và vị giáo sư này.
Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới và chúc lành cho đôi hôn phối bởi chính nguồn rượu hoan lạc. Sự hiện diện của Chúa và Đức Maria đã giúp cho đôi tân hôn khỏi sự tủi hổ. Chúa dùng quyền năng biến đổi nước thành rượu. Chúng ta xin Chúa và Mẹ đồng hành trong đời sống gia đình và giúp hoán cải đời sống của chúng ta.
Thứ Hai tuần II Thường niên
(Mc 2, 18-22).
ĂN CHAY
Ăn chay sám hối canh tân,
Hãm mình dẹp xác, tinh thần thảnh thơi.
Bon chen so sánh ở đời,
Hơn thua thắng thiệt, đôi lời chối chê.
Tinh thần chay tịnh bội thề,
Tô vôi hình thức, làm hề thế gian.
Đôi lời bênh đỡ khuyên can
Môn đồ của Chúa, chưa tàn cuộc vui.
Tân lang hiện diện tới lui,
Ngày qua tháng lại, niềm vui chưa tròn.
Thầy trò gắn kết sắt son,
Thời gian chia cách, héo hon sầu buồn.
Ăn chay tưởng niệm Thầy luôn,
Khắc tâm đạo lý, về nguồn thiện tâm.
Dung hòa cũ mới gieo mầm,
Canh tân đổi mới, đường lầm tránh xa.
Thứ Ba tuần II Thường niên
(Mc 2, 23-28).
SABBÁT
Giữ ngày Sa-bát luật truyền,
Kiêng làm việc xác, lời khuyên rõ ràng.
Việc lành phúc đức dở dang,
Thiện tâm tiến đức, mở đàng ái nhân.
Chúa rằng Sa-bát vì dân,
Giữ tâm trong sạch, tránh dần gian tham.
Tinh thần giữ luật phải làm,
Chính tâm tuân giữ, tục phàm tránh xa.
Tránh đừng học thói điêu ngoa,
Thực hành nhân đức, thứ tha tội đời.
Con Người chủ tể cao vời,
Muôn loài thụ tạo, do Người dựng nên.
Con người phú bẩm từ trên,
Phục quyền Tạo Hóa, ngước lên kính thờ.
Tôn vương Chúa Cả vô bờ,
Trung thành sống đạo, cậy nhờ phúc ân.
Thứ Tư tuần II Thường niên
(Mc 3, 1-6).
CỨU SỐNG
Hội đường giảng dạy hôm nay,
Có người tay bại, cơ may chữa lành.
Sáng ngày Sa-bát thi hành,
Điều lành sự dữ, tranh dành phân bua.
Chữa lành, giết chết, hơn thua,
Chúa rằng cứu sống, phép vua lệ làng.
Tỏ lòng thương xót dễ dàng,
Cầm tay cứu chữa, hát vang chúc mừng.
Ghét ghen Biệt Phái nóng bừng,
Tai sao chữa trị, ngày đừng làm chi.
Cố tình phạm luật đã ghi,
Chúa thương hồn xác, từ bi làm lành.
Lòng người chai đá thù hành,
Tìm tòi bắt lỗi, mạo danh luật truyền.
Yêu thương căn cốt lời khuyên,
Ân thiêng cứu độ, uy quyền Chúa ban.
Thứ Năm tuần II Thường niên
(Mc 3, 7-12).
CHỮA BỆNH
Khắp vùng tuôn đến bên Người,
Giê-su cứu chữa, một thời hồng ân.
Đám đông tứ xứ cận lân,
Cầu ơn Chúa chữa, xác thần sạch trong.
Xót thương nhân loại chờ mong,
Quỷ thần ô uế, nhập vòng kêu la.
Người Con Thiên Chúa là Cha,
Dủ tình thương xót, thứ tha tội tình.
Chữa hồn cứu xác an bình,
Âm thầm sứ vụ, ẩn mình dấn thân.
Mes-si-a Chúa thành nhân,
Truyền rao Nước Chúa, cứu dân độ trì.
Nhân từ thương xót từ bi,
Hạ thân khiêm nhượng, cũng vì chúng sinh.
Quyền năng phép tắc thiên linh,
Nước Trời rộng mở, quang vinh rạng ngời.
Thứ Sáu tuần II Thường niên
(Mc 3, 13-19).
TÔNG ĐỒ
Mười hai môn đệ theo Thầy,
Chúa thương chọn lựa, đong đầy tin yêu.
Ba năm học hỏi bao nhiêu,
Tông đồ Chúa gọi, cao siêu ơn trời.
Nhiệt tâm trung tín gọi mời,
Ra đi hăng hái, vào đời truyền rao.
Nước Trời ngọc báu tuyệt cao,
Tung chài thả lưới, biết bao sóng dồn.
Hy sinh buông bỏ cứu hồn,
Sai đi rao giảng, dụ ngôn đã dùng.
Đơn sơ sâu sắc bao dung,
Nhiệm mầu mạc khải, thiên cung rạng ngời.
Tông đồ môn đệ đổi đời,
Xả thân nhân chứng, cao vời thánh danh.
Chúa ban phúc lộc ơn lành,
Triều thiên vinh thắng, để dành đời sau.
Thứ Bảy tuần II Thường niên
(Mc 3, 21-21).
MẤT TRÍ
Người đời xúc phạm thánh danh,
Nói rằng mất trí, sao đành, khó nghe.
Thân nhân của Chúa chia phe,
Đám đông tuôn đến, chắn che quấy rầy.
Khát khao giáo lý của Thầy,
Quyền năng cao cả, tràn đầy khôn ngoan.
Chữa lành thân xác hoàn toàn,
Nội tâm thấu tỏ, đa đoan trong lòng.
Xót thương giải cứu lụy vong,
Thứ tha tội lỗi, thoát vòng quỷ ma.
Lòng người khắc khoải mưa sa,
Hồng ân tuôn đổ, hải hà tâm can.
Đổi đời sám hối cầu van,
Giê-su Cứu Thế, rộng ban phúc lành.
Tin yêu tín thác lòng thanh,
Thiên đàng hé mở, ca danh Chúa Trời.
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=14609