Thiếu Nhi Sống Lời Chúa, Chúa Nhật tuần 15 Thường niên năm C 13/07/2025

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con.

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

Xướng:  Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa là nguồn mạch cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. Với quyết tâm lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. “Lời Chúa là thần khí và là sự sống”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, để các ngài chu toàn sứ vụ Chúa và Giáo Hội trao phó.

2. “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn có một lương tâm ngay thẳng, để thực thi công lý trong niềm vui và mưu ích cho mọi người.

3. “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu, luôn khao khát sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp cho đời sống mình.

4. “Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa, đức tin đòi buộc chúng con phải sống đức ái. Xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để chúng con có thể làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống của chúng con, qua việc sống yêu thương phục vụ lẫn nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe là  một câu chuyện hết sức đẹp trong Tin Mừng của Chúa. Lý do vì nó có liên hệ rất mật thiết đến giá trị cuộc đời của mỗi người trong cuộc sống làm người của mình. Đó là vấn đề BIẾT và LÀM.

1. Nội dung câu chuyện.

Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi rất cụ thể và thực tế của một người thông luật. Người thông luật trong xã hội Do Thái là người hiểu biết rất rõ về lề luật của Chúa.

Một hôm, ông đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”(Lc 10,25). Câu hỏi của có liên hệ rất mật thiết với vấn đề hết sức quan trọng của một đời người. Đó là sự sống của cả một đời người. Hạnh phúc hay đau khổ, thành hay bại đều tuỳ thuộc vào việc PHẢI LÀM này.

Đứng trước câu hỏi này Chúa Giêsu đã không trả lời ngay. Chúa tế nhị khôn khéo kéo người thông luật về những gì ông biết. Chúa hỏi lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”.(Lc 10,27-28). Đúng là một người thông luật. Ông đã trả lời Chúa một cách đầy đủ, chính xác không thể chê vào đâu được. Chính Chúa cũng phải xác nhận điều đó.  Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm.(Lc 10.28)

Tới đây thì vấn đề người thông luật đặt ra đã có câu trả lời và câu trả lời chính là những điều ông ta đã biết từ lâu vì nằm trong nghề nghiệp của ông ta.

Kết thúc câu chuyện Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một lệnh lên đường: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Thật rõ ràng và cũng thật dứt khoát.

2. Bài học

Thử hỏi đâu là bài học Chúa muốn dạy chúng ta qua câu chuyện hôm nay?. Đọc lại câu chuyện rồi liên kết các ý chính lại với nhau, chúng ta sẽ thấy ý của Chúa thật rõ. “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp – Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? – Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”Tới đây thì ý của Chúa đã thật rõ: Chúa đã buộc vấn đề BIẾT và LÀM lại với nhau.

Biết và làm phải luôn đi với nhau. Biết mà không làm thì sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:

– Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?

Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:

– Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt.

Các đệ tử giật mình nên hỏi:

– Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?

Minh Sư trả lời một cách ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau:

– Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi.

 Ngược lại nếu biết mà cố gắng làm thì cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp.

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện cảm động có thật này:

Chúng con biết: Vua cầu thủ bóng đá Pele được mọi người khen tặng “Hạt ngọc đen”, từ nhỏ đã rất yêu thích bóng đá, và đã thể hiện tài năng của mình.

Có một lần, cậu tham gia thi đấu một trận bóng rất cuồng nhiệt, mệt thở hổn hển.

Lúc nghỉ ngơi cậu định hút một điếu thuốc.

Lúc đó cha cậu nhìn thấy vậy, liền chau mày lại.

Buổi tối khi trở về nhà, cha cậu nói:

– Hôm nay con hút thuốc?

Cậu nghĩ ra đó là việc không nên làm, đã khiến cho cha cậu giận dữ.

Nhưng cha cậu lại không nói gì, đứng dậy lấy lại bình tĩnh nói với con:

– Con trai, khi con chơi thể thao là rất tốt, và cần có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đáng tiếc là con lại dành thời gian đó vào việc hút thuốc. Con không nên hút thuốc nữa. Như thế sẽ làm giảm khả năng thi đấu của mình.

Pele cúi đầu không nói. Người cha lại nhẹ nhàng khuyên giải:

– Là một người cha, ta có trách nhiệm phải dạy dỗ con đi theo con đường tốt, cũng như có trách nhiệm phải ngăn chặn những hành vi không tốt. Thế nhưng có đi theo con đường tốt hay tránh đi theo thói xấu hay không là do bản thân con quyết định nữa. Ta chỉ muốn hỏi con, con có muốn cai thuốc không? Còn muốn làm một cầu thủ khỏe mạnh không? Con trai, con đã hiểu rồi đấy, vậy thì tự con quyết định đi.

Nói đến đó, người cha móc ra một tờ ngân phiếu, đưa cho Pele và nói:

– Nếu như con không muốn làm một cầu thủ và đồng ý bỏ thuốc thì đây là tiền mua thuốc của con.

Người cha nói xong liền bỏ đi.

Pele nhìn theo hình bóng xa dần của cha, không kềm được nước mắt. Nhưng không tài nào khóc thành tiếng được, và một hồi lâu mới khóc lên thành tiếng. Cậu đã hiểu ra được rất nhiều, cậu liền đứng dậy cầm tờ ngân phiếu trên bàn chạy đi trả lại cho cha, và kiên quyết nói với cha mình:

– Thưa cha, con nhất định sẽ không hút thuốc nữa, con nhất định phải trở thành một cầu thủ xuất sắc.

Từ đó về sau, Pele không những đã bỏ thuốc mà còn gian khổ luyện tập, nghệ thuật đá bóng ngày càng điêu luyện. 15 tuổi tham dự giải bóng đá quốc gia, 16 tuổi được gia nhập vào đội tuyển Braxin. Giúp Braxin lập kỳ tích giữ vĩnh viễn chiếc cúp vô địch “Nữ thần”.

Đến nay, Pele đã trở thành một người giàu có, nhưng ông vẫn không hút thuốc.

Vào thế kỷ 16, ở Châu Âu có một nhà hàng hải rất nổi tiếng, hoàn thành chuyến thám hiểm của mình. Ông phát hiện ra một châu lục mới. Nữ hoàng biết được chuyện này đã mở tiệc khoản đãi ông. Nữ hoàng cũng mời rất nhiều quý tộc tham gia bữa tiệc đó để thể hiện sự tôn trọng đối với ông. Song những nhà quý tộc đó lại tỏ thái độ coi thường nhà hàng hải đó.

Trong bữa tiệc, một số quý tộc mượn hơi men để chế giễu nhà hàng hải này rằng, châu lục mà ông phát hiện ra, trước đây họ biết từ lâu rồi, chẳng có gì ghê gớm cả. Ông ta vừa dứt lời, thì các quý tộc khác cũng lên tiếng phụ họa. Họ đắc ý chờ đợi nhà hàng hải trở thành trò cười của mọi người.

Nhà hàng hải không tranh luận với họ, mà chỉ cầm một quả trứng đã được luộc chín, hỏi:

– Trong số các ông, ai có thể đặt quả trứng này đứng trên mặt bàn nhẵn mà không dùng bất cứ vật đỡ nào?

Các nhà quý tộc thay nhau cầm quả trứng thử. Nhưng cuối cùng họ kết luận: không thể nào làm được chuyện đó.

Lúc đó nhà hàng hải mới cầm quả trứng lên, đập bẹp một đầu quả trứng rồi đặt xuống bàn. Lúc này, quả trứng đứng vững trên mặt bàn.

Các nhà quý tộc đều tỏ vẻ không phục, nói:

– Cách làm này, chúng tôi ai cũng biết.

Nhà hàng hải nghe xong, nói:

– Đúng vậy, các ông đều biết, nhưng các ông lại không làm được. Đây là khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

Nói và làm có sự khác biệt về mặt bản chất. Có một số người suốt ngày lớn tiếng hô hoán phải làm việc lớn gì đó, nhưng mãi không thấy họ hành động. Xét cho cùng họ chỉ là những người tự lừa dối bản thân. Trong xã hội hiện đại vốn coi trọng hiệu quả công việc, chúng ta hãy luôn ghi nhớ câu nói: sự khác biệt lớn nhất giữa thất bại và thành công chính là sự khác nhau giữa nghĩ được và làm được.

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 15 Thường niên năm C

“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”.

Lời chúa: Lc 10,25-37

25 Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. 26 Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” 27 Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. 28 Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. 29Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

30 Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. 32 Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. 33 Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. 34 Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. 35 Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. 36 Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Câu hỏi:

1.  Người thông luật là người giỏi về điều gì? Ông có nể Đức Giêsu không? Có người nào hỏi câu hỏi giống ông ta không? Xem Lc 18, 18. Thay vì trả lời câu hỏi của ông, Đức Giêsu đã làm gì?

2.  Đọc Lc 10, 27. Câu trả lời của ông có giống với các sách Đệ nhị luật 6, 5 và Lêvi 19, 18 không? Bạn có để ý đến từ nào trong câu trả lời của ông không?

3.  Đối với người Do-thái, ai được coi là người thân cận?

4.  Lc 10, 25 và Lc 10, 28 có gì giống nhau?

5.  Nạn nhân bị cướp có thể là người nước nào? Thầy tư tế và thầy Lêvi là người nước nào? Người Samari có được người Do-thái coi là người thân cận không?

6.  Theo bạn, tại sao hai thầy này trông thấy nhưng lại tránh qua bên kia mà đi?

7.  Đọc Lc 10, 33-35. Theo bạn, người Samari đã cho nạn nhân điều gì quý nhất của mình?

8.  Câu hỏi của Đức Giêsu ở Lc 10, 36 có khác với câu hỏi của người thông luật ở Lc 10, 29 không?

9.  Bài Phúc âm này có mấy động từ làm?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có gặp thấy trong Giáo hội những kitô hữu có tâm hồn của người Samari nhân hậu không? Bạn có bao giờ là người Samari nhân hậu chưa?

PHẦN TRẢ LỜI

1.       “Người thông luật” (nomikós) là người thông thạo về Luật và chuyên giải thích Luật trong Kinh Thánh. Luca hay dùng từ này (Lc 7, 30; 10, 25; 11, 45.46.52.53; 14, 3). Nhưng Luca còn dùng một từ khác, đó là “kinh sư” (grammateús) để chỉ người giỏi về Luật (Lc 5, 21; 6, 7; 9, 22; 11, 53). Ý nghĩa hai từ này không khác biệt mấy. Trong bài Tin Mừng này, ông thông luật đứng lên để hỏi với ý định thử Đức Giêsu (Lc 10, 25), sau đó ông còn hỏi thêm để chứng tỏ là mình có lý (Lc 10, 29). Những điều đó cho thấy ông không thật sự trong sáng. Câu hỏi của ông rất giống với câu hỏi của một người khác sau này (Lc 18, 18). Đức Giêsu đã không trả lời ông, nhưng đặt câu hỏi ngược lại để chính ông đưa ra câu trả lời dựa trên hiểu biết chuyên môn của ông về Kinh Thánh (x. Lc 10, 26).

2.       Câu trả lời của người thông luật (Lc 10, 27) nối kết hai câu trong Kinh Thánh: Đệ nhị luật 6, 5 và Lêvi 19, 18, bằng liên từ “và”. Tuy nhiên, ông này đã thêm vào cụm từ “hết trí khôn ngươi.” Nguyên văn câu Lc 10, 27 có thể được dịch như sau: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với trọn cả trái tim ngươi, và với trọn cả linh hồn ngươi, và với trọn cả sức lực ngươi, và với trọn cả trí khôn ngươi,  người thân cận như chính mình.” Chỉ có một động từ yêu mến, hướng đến Chúa và người thân cận. “Trọn cả” được lặp lại nhiều lần cho thấy phải yêu bằng toàn bộ mọi khả năng của con người mình.

3.       Dựa trên Lv 19, 17-18, nhiều người Do-thái cho rằng “người thân cận” là người đồng bào của mình, cùng là người Do-thái như mình. Dù Lv 19, 33-34 dạy phải yêu như chính mình cả những người nước ngoài sống trên đất Do-thái, nhưng nhiều người Do-thái chỉ coi người đồng đạo với mình mới là “người thân cận” thật sự: chỉ người dân ngoại nào trở lại đạo Do-thái mới được coi là “người thân cận.” Như thế nói chung, đối với phần đông người Do-thái, người đồng bào hay đồng đạo với mình mới là “người thân cận, ” người mình phải yêu mến.

4.       Lc 10, 25 và Lc 10, 28 cùng có động từ “làm.” Ông này đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì. Sau khi khen ông trả lời đúng, Đức Giêsu mời ông hãy làm như ông vừa nói. Biết đúng cần làm đúng nữa.

5.       Không rõ nạn nhân bị cướp là người nước nào. Đức Giêsu chỉ nói “một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô” (Lc 10, 30). Ba người gặp nạn nhân trên đường có thể cũng không biết anh là ai, vì trước mắt họ là một người bị lột sạch và đầy thương tích. Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người Do-thái phục vụ Đền Thờ Giêrusalem. Giữa người Do-thái và người Samari có mối hiềm khích sâu xa. Dù gốc người Samari là Do-thái, nhưng họ bị người Do-thái đối xử như dân ngoại, chứ không như người thân cận.

6.       Hai thầy tư tế và Lêvi tuy trông thấy nạn nhân nhưng đã cố tình tránh qua bên kia mà đi. Có thể vì nhiều lý do: vì họ không rõ đây có phải là một “người thân cận” không, hay đây là một người tội lỗi gian ác (x. Huấn ca 12, 1-7); vì thầy tư tế sợ bị ô uế nếu đụng đến xác người chết (Dân số 19, 11-19; Lêvi 21, 1-3); hay vì họ sợ bị dính dáng vào một công việc phức tạp mang lại nhiều rủi ro và đòi hỏi nhiều thời giờ, công sức.

7.       Khi thấy nạn nhân, người Samari không tránh đi như hai người kia, nhưng anh “chạnh lòng thương.” Chính tình thương đã khiến anh dừng lại và bắt đầu làm công tác cấp cứu cho nạn nhân bất chấp người này là ai, và lo liệu mọi chuyện sau đó (Lc 10, 33-35). Chính tình thương đã khiến anh hy sinh thời giờ, công sức và tiền bạc, cũng như chấp nhận mọi nguy hiểm rủi ro nếu chẳng may nạn nhân đã chết rồi hay những tên cướp còn lảng vảng đâu đây. Tình thương hay tình yêu là món quà quý anh tặng cho nạn nhân.

8.       Người thông luật hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29). Đức Giêsu hỏi ngược lại ông: “Ai là người thân cận với người bị cướp?” (Lc 10, 36). Ông đã trả lời đúng: khi ta thương xót ai thì ta biến kẻ đó thành người thân cận với mình. Không phải vì người đó là người thân cận với tôi nên tôi giúp; nhưng vì tôi giúp một người mà người đó thành người thân cận với tôi, và tôi trở thành thân cận với người ấy. Thương yêu bằng những hành động cụ thể là cách làm cho chúng ta có nhiều người thân cận với mình.

9.       Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay có 4 động từ “làm” (poiéô), nhấn mạnh đến yêu thương bằng hành động cụ thể, nằm ở các câu Lc 10, 25.28.37. Đặc biệt ở Lc 10, 37 có hai động từ làm. Nguyên văn Lc 10, 37 được dịch như sau: “Ông ta trả lời: ‘Chính là kẻ đã làm lòng thương xót (poiéô to éleos) đối với người ấy.’ Đức Giêsu bảo ông: ‘Hãy đi và hãy làm như vậy’”.

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT 15 TN C
https://gpbanmethuot.com/song-dao/vhtk-chua-nhat-15-tn-c-5561.html

Tải về file DPF A4 VHTK CHÚA NHẬT 15 TN C tại đây
TIN MỪNG

Điều răn lớn
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
25 There was a scholar of the law who stood up to test him and said, “Teacher, what must I do to inherit eternal life?”

26 Jesus said to him, “What is written in the law? How do you read it?”

27 He said in reply, “You shall love the Lord, your God, with all your heart, with all your being, with all your strength, and with all your mind, and your neighbor as yourself.”

28 He replied to him, “You have answered correctly; do this and you will live.”

29 But because he wished to justify himself, he said to Jesus, “And who is my neighbor?”

30 Jesus replied, “A man fell victim to robbers as he went down from Jerusalem to Jericho. They stripped and beat him and went off leaving him half-dead.
31 A priest happened to be going down that road, but when he saw him, he passed by on the opposite side.

32 Likewise a Levite came to the place, and when he saw him, he passed by on the opposite side.

33 But a Samaritan traveler who came upon him was moved with compassion at the sight.

34 He approached the victim, poured oil and wine over his wounds and bandaged them. Then he lifted him up on his own animal, took him to an inn and cared for him.

35 The next day he took out two silver coins and gave them to the innkeeper with the instruction, ‘Take care of him. If you spend more than what I have given you, I shall repay you on my way back.’36 Which of these three, in your opinion, was neighbor to the robbers’ victim?”

37 He answered, “The one who treated him with mercy.” Jesus said to him, “Go and do likewise.”
I. HÌNH TÔ MÀU

 
* Chủ đề của hình này là gì?

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu TM thánh Luca 10,37
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

II. TRẮC NGHIỆM
01. Ai đã hỏi Đức Giêsu “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”?(Lc 10,25)
a. Các thượng tế.
b. Người thông luật.
c. Các ngoại kiều.
d. Các môn đệ.
02. Sách luật viết ‘Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi’ thế nào ? (Lc 10,27)
a. Hết lòng, hết sức lực.
b. Hết linh hồn.
c. Hết trí khôn.
d. Cả a, b và c đúng.
03. Sách luật viết ‘Yêu người thân cận’ như thế nào? (Lc 10,27)
a. Như thầy yêu trò.
b. Như vợ yêu chồng.
c. Như cha mẹ yêu con cái.
d. Như chính mình.
04. Người bị nạn đi từ Giêrusalem xuống đâu? (Lc 10,30)
a. Bêlem.
b. Giêrikhô.
c. Emmau.
d. Nadarét.
05. Ai đã giúp đỡ nạn nhân? (Lc 10,33)
a. Thầy Lêvi.
b. Thầy tư tế.
c. Người Samaria.
d. Cả a, b và c đúng.
III. Ô CHỮ

 

Những gợi ý

01. Sách Luật viết với Thiên Chúa ngươi phải làm gì? (Lc 10,27)

02. Người bị nạn đi từ Giêrusalem xuống đâu? (Lc 10,30)

03. Sách gì viết: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi”? (Lc 10,27)

04. Ai đã giúp đỡ nạn nhân? (Lc 10,33)

05. Ai đã kẻ dụ ngôn người Samaria nhân hậu? (Lc 10,20-37)

06. Yêu người nào như chính mình? (Lc 10,27)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?

IV. CÂU THÁNH KINH  HỌC THUỘC LÒNG

“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”

Tin Mừng thánh Luca 10,37

Lời giải đáp 

HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 15 TN C

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề
Người thân cận

* Tin Mừng thánh Luca 10,37

“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”
II. TRẮC NGHIỆM

01. b. Người thông luật (Lc 10,25)
02. d. Cả a, b và c đúng (Lc 10,27)
03. d. Như chính mình (Lc 10,27)
04. b. Giêrikhô (Lc 10,30)
05. c. Người Samaria (Lc 10,33)
III. Ô CHỮ

01. Yêu mến (Lc 10,27)
02. Giêrikhô (Lc 10,30)
03. Sách Luật (Lc 10,27)
04. Samaria (Lc 10,33)
05. Đức Giêsu (Lc 10,20-37)
06. Thân cận (Lc 10,27)
Hàng dọc : Yêu mến
Ai là người thân cận (Lc 10,25-37 )

Thân cận không còn là một danh xưng, mà là một hành động.
C15Vs
C15Vs

“Ai là người thân cận?”

Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu, Chúa Giê-su không chỉ kể một câu chuyện cảm động, mà Người làm một cuộc lật ngược quan niệm, một cuộc cách mạng trong suy nghĩ về tình người.

Người thông luật hỏi Chúa: “Ai là người thân cận của tôi?” Kể ra thật đau lòng!

Câu hỏi tưởng như đúng, nhưng lại là một cái bẫy. Bởi nó vẫn đặt “tôi” làm trung tâm, và mong đợi người khác chứng tỏ sự thân cận với tôi.

Nhưng Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp. Người kể một câu chuyện – và rồi lật ngược câu hỏi: “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị nạn?” Ở đây, điều quan trọng không còn là mối quan hệ sẵn có, mà là lựa chọn hành động.

Không phải người thân cận là ai, mà là ai đã sống như một người thân cận.
Bởi sự thật là:

“Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,10)

“Ai là người thân cận?” Người thân có thể làm tổn thương nhau, nói xấu nhau, kể chuyện đổ oan ức cho nhau.

Người nhà có thể bỏ mặc nhau như chẳng hề quen biết, có khi lại chém giết nhau vì mối lợi nhỏ, tranh giành hơn thua vì một câu nói.

Người đạo đức có thể bước qua nỗi đau của người khác, lấy sự đạo đức của mình gây thêm nỗi đau cho người khác. Kiểu nói của người tự coi mình là đạo đức: “Nó không giống như con!” trong câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9 – 14).

Thậm chí chính “người thân cận” đôi khi là người gây ra vết thương đau hơn người khác gây ra cho ta, đốt nhà của nhau.

Và rồi, một người xa lạ – người Sa-ma-ri-a – vốn bị coi thường, xa cách về tôn giáo và dân tộc – lại dừng lại, cúi xuống, băng bó, cõng đi, và hứa quay lại chăm sóc. Người ấy không cần biết nạn nhân là ai, không cần điều kiện, không cần danh nghĩa. Ông chỉ thấy một con người đang đau, và ông chọn hành động.

Ông không phải là người thân cận theo xã hội nhìn, nhưng qua hành động, ông trở thành người thân cận thật sự.

Ngày nay, có khi chúng ta vẫn hỏi như người thông luật:
– Ai xứng đáng để tôi quan tâm?
– Ai là “người thân” của tôi trong Hội Thánh?
– Ai trong gia đình tôi, trong cộng đoàn tôi, trong giáo xứ tôi… là người cần tôi giúp?

Nhưng Chúa lại hỏi ngược:
– Bạn đã trở thành người thân cận của ai chưa?
– Bạn có dám làm điều tốt, dù người ấy xa lạ, thậm chí không “thuộc phe mình”?
Thân cận không còn là một danh xưng, mà là một hành động.
Không còn là mối quan hệ, mà là lòng trắc ẩn.
Không còn là huyết thống, mà là lòng thương xót.
Chúa Giê-su kết thúc bằng một lời không lý thuyết:
“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Không phải “hãy học như vậy.”
Không phải “hãy suy ngẫm như vậy.”
Mà là: hãy làm.
Bởi vì yêu thương không phải là cảm xúc – mà là một lựa chọn.
Và bất kỳ ai trong chúng ta, nếu biết cúi xuống để nâng người khác lên, sẽ trở thành người thân cận thật sự, theo nghĩa Chúa Giêsu mời gọi.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Con tự hỏi – giữa dòng đời hối hả,
Bao nhiêu lần, con đã bước ngang qua?
Đã bao lần – con giống như thầy cả,
Giữ sạch mình… mà để kẻ khác sa?

Xin cho con – chẳng hỏi ai thân cận,
Nhưng chính mình – biết sống với yêu thương.
Chẳng chờ đợi – ai đến thương, giúp đỡ,
Chỉ xin làm – người thân cận giữa đường…

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 15 Thường Niên năm C

“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”.