Thiếu Nhi Sống Lời Chúa, Chúa Nhật tuần 16 Thường niên năm C 20/07/2025

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Chúa nhật XVI Thường niên, năm C

BÀI ĐỌC I: St 18, 1-10a

“Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con”. Các Đấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.

Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Đấng nói tiếp: “Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Đáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)

1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lươngNgười thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 24-28

“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Đó là lời Chúa

Chủ tếÔng bà, anh chị em (và các con thiếu nhi) rất thân mến! Đức Kitô là ánh sáng và là ơn cứu độ của chúng ta. Người dẫn chúng ta đi trong sự thật để đến cùng Thiên Chúa. Trong tâm tình tin tưởng, phó thác và sẵn sàng bước theo Ngài, chúng ta cùng tin tưởng dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết:

  1. Thánh Phaolô đã nói:“Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi.” Chúng ta hiệp ý cầu xin Chúa ban cho các vị mục tử luôn kết hợp mật thiết với Bí tích Thánh Thể, nhờ đó các ngài nhiệt tâm dâng hiến cuộc đời mình, để trở nên của ăn thiêng liêng cho đoàn chiên mà Chúa đã trao phó.
  2. “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!Chúng ta hiệp ý cầu xin Chúa cho các gia đình trẻ, khi đối diện với những thử thách và đau khổ trong cuộc sống, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, nỗ lực dấn thân, vác thánh giá đi theo Chúa, để luôn sống đạo đức thánh thiện, thực thi công bình và bác ái, hầu chiếu tỏ Tin Mừng của Chúa cho mọi người.
  3. “Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.”Chúng ta hiệp ý cầu xin Chúa ban cho các Kitô hữu biết ý thức lắng nghe lời Chúa trong các cử hành phụng vụ, để cuộc sống luôn được Lời Chúa hướng dẫn mà bước đi trong đường lối của Ngài, hầu được sống lại với Ngài trong hạnh phúc và vinh quang.
  4. “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”Chúng ta hiệp ý cầu xin Chúa ban cho mọi người trong giáo xứ chúng ta (các em thiếu nhi), luôn xác tín rằng, chỉ một mình Chúa mới đem lại cho chúng ta sự no thỏa tâm hồn và niềm vui đích thực, để mọi tín hữu không ngừng ca tụng Chúa, hầu sống đúng theo chân lý mà Chúa đã truyền dạy là mến Chúa và yêu người.

Chủ tếLạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con trở nên mảnh đất phì nhiêu, cho hạt giống Lời Chúa nảy mầm, sinh hoa kết quả để Hội Thánh có thêm những chứng nhân rao giảng Tin mừng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 16 Thường niên năm C

Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi (Lc 10,42)

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện có liên quan đến một gia đình rất quen thuộc với Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con đó là gia đình nào và ở đâu?

– Gia đình của ba chị em Matta, Maria và Lagiarô!

– Rất đúng! Chúng con rất giỏi.

– Gia đình này ở đâu vậy chúng con?

– Ở Bêtania gần thành Giêrusalem.

– Lại giỏi nữa.

– Câu chuyện hôm nay có mấy nhân vật chúng con?

– Có ba.

– Những ai nào? Kể ra cho cha nghe.

– Chúa Giêsu – Matta và Maria.

– Đúng rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.

1. Hôm đó, Chúa Giêsu và có lẽ có cả các môn đệ của Chúa ghé vào một gia đình mà mỗi khi có dịp đi Giêrusalem, Chúa thường làm thế. Đây là gia đình không hiểu vì lý do gì mà Chúa rất thương. Chúng ta có thể nhận ra tình thương của Chúa đặc biệt qua biến cố anh Lagiarô chết. Đọc lại Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Chính ở đây Chúa đã làm một phép lạ lớn lao chưa từng có. Đó là cho Lagiarô đã chết. Người ta đã chôn Lagiarô được 4 ngày rồi vậy mà Chúa đã cho anh ta được sống lại trước sự kinh hoàng và ngỡ ngàng của mọi người.

Đó là gia đình Bêtania.

Bởi thế việc Chúa ghé thăm gia đình này hôm nay có lẽ cũng là việc bình thường.

Thế nhưng sự việc có tính cách hơi khác thường một chút đó là hôm nay Chúa làm cho mọi người phải thắc mắc và suy nghĩ vì Chúa công khai khen Maria và một cách nào đó Chúa muốn nói với mọi người ý nghĩ của Chúa qua cách hai chị em đón tiếp Chúa.

Chúng con thấy, khi Chúa đến nhà, cô Matta là chị cả trong gia đình đã phải tất bật vất vả như thế nào để làm những việc cần thiết trong việc tiếp đón, phục vụ Chúa. Chúa đâu có phải là một vị khách tầm thường hoặc là những con người như biết bao người khác trong xa hội đâu. Chúa là vị khách đặc biệt, quá đặc biệt là đàng khác, cho nên việc tiếp đón Chúa cũng phải đặc biệt hơn những trường hợp khác trong cuộc sống. Chính vì vậy mà chị Matta đã dốc hết sức lực của mình ra để lo cho công việc đón tiếp và phục vụ này thật xứng đáng. Đâu có phải ai cũng được cái diễm phúc Chúa đến thăm một cách thân tình như thế. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình nên nếu cô Matta có bỏ hết công sức ra mà làm thì cũng thật là bình thường.

Đang khi, cha nhấn mạnh đang khi cô chị vất vả bận rộn như thế thì cô em có vẻ như chẳng thấy có gì đáng quan tâm. Cô thản nhiên thảnh thơi đến bên chân Chúa và chăm chú ngồi ở đó để lắng nghe những lời Chúa dạy. Cô Maria tỏ ra như không hề biết đến những việc mà chị cô đang làm. Mặc kệ! Chị muốn làm gì thì làm cô không cần biết. Điều mà cô thích thú bây giờ là việc Chúa đến thăm gia đình. Một việc hiếm hoi lắm mới có được. Chúa đến thăm nhà. Một cơ hội ngàn vàng đâu phải lúc nào cũng có, cho nên phải tận dụng hết thời gian khi Chúa viếng thăm để gặp và nghe Chúa dạy bảo. Việc này đâu phải dễ có và đâu phải ai củng có được như cô lúc này. Bởi vậy cô như cô không muốn đến bất cứ một việc nào khác ngoài việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

Matta chẳng làm sao mà hiểu được thái độ cô em gái của mình. Chị cũng không hiểu được Ðức Giêsu như thế nào. Hình như Chúa cũng chẳng quan tâm đến việc chị đang làm mà chỉ biết hứng thú trong việc dạy dỗ Maria.

Cuối cùng thì những gì phải tới đã tới. Matta mạnh dạn đến với Chúa và không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Chị muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. “Em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”

Một câu nói vừa mang tính van xin nhưng đồng thời cũng mang vẻ trách móc. Làm sao mà Chúa vô cảm đến thế.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”.

Một đề nghị hết sức nhân bản và cũng rất hợp với lẽ thường tình. Ai đâu chỉ có hai người trong gia đình. Ở đây chúng ta không thấy nói tới Lagiarô. Chúng ta không biết tại sao hay Luca cố ý làm như thế để làm nổi bật lên bài học Chúa muốn dạy trong Tin Mừng hôm nay. Ai đâu trong gia đình chỉ có hai chị em mà một người vất vả, còn một người thì hầu như vô xảm đối với việc rất quan trọng là đón tiếp Chúa.

Đến đây thì chúng ta mới thấy câu chuyện đã rẽ sang một hướng mới: Ý kiến của Chúa Giêsu.

Sau khi nghe lời đề nghị của Matta, Chúa Giêsu đã lên tiếng. Chúa lên tiếng thật vắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu được ý Chúa muốn nói gì. Rõ ràng là Chúa không “chê” thái độ của Matta nhưng xem ra Chúa thích thái độ của Maria hơn: “Matta! Matta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

  Tại sao Chúa lại bảo: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”Để hiểu được Lời của Chúa  chúng con hãy nhớ lại khi bị ma quỉ cám dỗ biến đá thành bánh mà ăn, Chúa đã trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”(Mt 4,4).

Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật này: Tokichi IshiI, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát được nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tượng tưởng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát mát, hắn thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối hắn cũng bị bắt và kết án tử  hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn cuốn Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. IshiI đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng  làm’’, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là một tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhứt tôi biết là hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin’’.

Ông Chirgwin, tác giả viết câu chuyện này trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh Trong Thế Giới Truyền Giáo’’ đã kết câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ IshI đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. IshiI, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một sát nhân giết người không gớm tay  như anh Tokichi IshiI và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.

Vui học Kinh Thánh, Chúa Nhật XVI Thường niên, năm C

VHTK Chúa Nhật 16 TN C“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

Tin Mừng thánh Luca 10, 38-42

Hai chị em Mácta và Maria

38Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

38As they continued their journey he entered a village where a woman whose name was Martha welcomed him. 39She had a sister named Mary (who) sat beside the Lord at his feet listening to him speak. 40Martha, burdened with much serving, came to him and said, “Lord, do you not care that my sister has left me by myself to do the serving? Tell her to help me”. 41The Lord said to her in reply, “Martha, Martha, you are anxious and worried about many things. 42There is need of only one thing. Mary has chosen the better part and it will not be taken from her”.

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề của hình này là gì?

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu TM thánh Luca 10,39
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

II. TRẮC NGHIỆM

01. Ai đã đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình? (Lc 10,38)
a. Cô Susanna.
b. Cô Mácta.
c. Ông Phêrô.
d. Ông Simon.

02. Ai ngồi nghe Đức Giêsu dạy? (Lc 10,39)
a. Các kinh sư.
b. Các thượng tế.
c. Cô Mácta.
d. Cô Maria.

03. Đây là lời cô Mácta nói với Đức Giêsu: (Lc 10,40)
a. Thầy không để ý tôi sao.
b. Em con để mình con phục vụ.
c. Thầy bảo nó giúp con một tay.
d. Chỉ có b và c đúng.

04. Ai lo việc phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ? (Lc 10,40)
a. Cô Maria.
b. Cô Mácta.
c. Cô Gioanna.
d. Cô Anna.

05. Đức Giêsu nhận xét về cô Maria thế nào? (Lc 10,42)
a. Đã chọn phần tốt nhất.
b. Lo lắng phục vụ vất vả.
c. Băn khoăn nhiều việc.
d. Nhiệt tình phục vụ.

III. Ô CHỮ

Những gợi ý
01. Cô Mácta nói Đức Giêsu bảo Maria làm gì? (Lc 10,40)
02. Cô Mácta lo việc gì? (Lc 10,40)
03. Ai lo việc phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ? (Lc 10,40)
04. Ai ngồi nghe Đức Giêsu dạy? (Lc 10,39)
05. Cô Maria ngồi dưới chân ai nghe người giảng dạy? (Lc 10,39)
06. Đức Giêsu nhận xét về cô Maria đã chọn phần gì? (Lc 10,42)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

Tin Mừng thánh Luca 10,42b

Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 16 TN C

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề: Lắng nghe lời Thầy

* Câu Tin Mừng thánh Luca 10,39

“Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.”

II. TRẮC NGHIỆM

01. b. Cô Mácta (Lc 10,38)
02. d. Cô Maria (Lc 10,39)
03. d. Chỉ có b và c đúng (Lc 10,40)
04. b. Cô Mácta (Lc 10,40)
05. a. Đã chọn phần tốt nhất (Lc 10,42)

III. Ô CHỮ

01. Giúp con (Lc 10,40)
02. Phục vụ (Lc 10,40)
03. Mácta (Lc 10,40)
04. Maria (Lc 10,39)
05. Đức Giêsu (Lc 10,39)
06. Tốt nhất (Lc 10,42)

Hàng dọc: Ưu tiên

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 16 Thường niên năm C

Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.

Lời Chúa: Lc 10,38-42

38Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Câu hỏi:

1.  Đức Giêsu vào một làng kia. Bạn có biết đó là làng nào không? Đọc Ga 11, 1.18.

2.  Cách tiếp đãi Đức Giêsu của hai chị em Mácta và Maria ở Lc 10, 38-42 và ở Ga 11, 1-40 có điểm nào giống nhau không?

3.  Theo Tin Mừng Luca, chị Mácta đã làm gì để đón Thầy Giêsu? Đọc Lc 10, 7-8.

4.  Còn chị Maria đã làm gì để tiếp Thầy Giêsu? Ngồi dưới chân một người nghĩa là gì? Đọc Cv 22, 3.

5.  Đọc Lc 10, 40. Bạn nghĩ gì về câu nói này của chị Mácta? Chị có mắc lỗi nào khi nói câu này không?

6.  Đâu là những nét giống nhau và khác nhau giữa hai chị em Mácta và Maria?

7.  Đọc Lc 10, 41. Bạn nghĩ gì về câu nhắc nhở của Chúa Giêsu? Ngài có làm theo lời yêu cầu của Mácta không? Tại sao?

8.  Bạn có thể tìm ra ba “định nghĩa”  về cầu nguyện trong bài Tin Mừng này không? Đọc Lc 10, 39.42.

9.  Bài Tin Mừng tuần này (Lc 10, 38-42) và bài tuần trước (Lc 10, 29-37) có gì đối nghịch không?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Thường thường bạn thấy mình giống Mácta hay Maria? Hay lúc này giống Mác-ta, lúc khác lại giống Maria? Bạn có nghĩ là cuộc sống mình cần kết hợp cả hai khuôn mặt không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Tin Mừng Luca 10, 38 chỉ nói Đức Giêsu vào “một làng kia, ” nơi có nhà của hai chị em Mácta và Maria. Tin Mừng Gioan chương 11 cũng kể chuyện hai chị em Mácta và Maria. Dựa trên Ga 11, 1.18, ta biết ngôi làng đó có tên là Bêtania, nằm rất gần Giêrusalem, cách 15 dặm, khoảng gần 3 km, về phía đông. Có tác giả cho rằng Luca không muốn nói rõ tên ngôi làng ở đây là vì trong cuộc hành trình dài của Đức Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9, 51 – 19, 27), đoạn Tin Mừng này (Lc 10, 38-42) được Luca đặt ở giai đoạn đầu. Lúc đó hẳn Đức Giêsu còn xa Giêrusalem lắm!
  2. So sánh cách tiếp đãi của hai chị em ở Lc 10, 38-42 và ở Ga 11, 1-40, ta thấy có đôi nét tương đồng. Trong Gioan, Mácta là người “ra đón” Đức Giêsu, còn Maria thì “ngồi ở nhà” (Ga 11, 20.30). Trong Luca, Mácta cũng là người “đón Ngài vào nhà, ”  còn Maria là người “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời của Ngài” (Lc 10, 38-39). Trong Gioan, khi gặp Đức Giêsu, Maria đã “sụp xuống dưới chân của Ngài” (Ga 11, 32). Nói chung, cả Luca lẫn Gioan đều cho thấy Mácta là người chị, năng động, đảm đang (Ga 11, 20.28), nói chuyện nhiều với Đức Giêsu (Lc 10, 40; Ga 11, 21-27.39-40). Còn cô em Maria thì ít nói hơn, nhưng tương quan với Đức Giêsu có phần thân thiết sâu lắng hơn (x. Lc 10, 39; Ga 11, 32-33).
  3. Đức Giêsu đi cùng với các môn đệ của mình, không rõ số người. Ngài đang trên con đường rao giảng Tin Mừng cho các thành phố, làng mạc. Khi cố ý ghé vào làng Bêtania để nghỉ chân, Đức Giêsu biết mình sẽ gặp được một mái nhà với những người thân quen ở đó. Quả thực, chị Mácta, hầu chắc là chủ nhà, đã niềm nở đón Ngài vào nhà (Lc 10, 38). Vì Đức Giêsu là vị khách quý đến bất ngờ, nên chị Mácta hẳn bị bối rối trước nhiều việc phải làm (pollên diakonian), cụ thể là việc đãi cho nhóm khách một bữa ăn tươm tất (Lc 10, 40). Người Do-thái vốn có lòng hiếu khách, và lòng hiếu khách của chị Mácta là điều không thể chối cãi (x. Lc 10, 7-8).
  4. Trong khi cô chị Mácta tất bật với việc đón và đãi khách, thì cô em Maria lại bình an ngồi tiếp vị khách quý. Cô “ngồi dưới chân” của Chúa Giêsu để lắng nghe lời của Ngài (Lc 10, 39). Thành ngữ “ngồi dưới chân ai” có nghĩa là làm học trò hay môn đệ của người đó. Phaolô nói mình đã được giáo dục “dưới chân ông Ga-ma-li-ên” (Cv 22, 3). Chuyện cô Maria ngồi rất gần Thầy Giêsu, ngồi dưới chân Thầy như một môn đệ, được coi là chuyện lạ vì vào thời đó, các môn đệ thường là nam giới. Maria đã tiếp Chúa bằng việc ngồi gần bên và nghe lời Ngài nói.
  5. Luca 10, 40 là một lời phàn nàn của chị Mácta về cô em, khi chị thấy trước mắt quá nhiều việc phải làm, mà cô em lại ngồi không. Chị không nói thẳng với em nhưng nói với Chúa Giêsu. Chị có vẻ trách Chúa Giêsu đã không lưu ý đến việc chị phải tất bật phục vụ một mình: “Em con để con phục vụ một mình mà Thầy không quan tâm sao?” Chị xin Chúa bảo cô em xuống bếp để phụ giúp chị. Qua lời phàn nàn này, ta thấy chị Mácta là người có lòng quý mến đối với Chúa Giêsu và mong thết đãi Ngài cách xứng đáng. Tuy nhiên, chị không biết rằng Chúa Giêsu đến nhà chị không phải chỉ vì một bữa ăn mà còn vì một tình bạn. Chị chưa cảm được niềm vui của Chúa khi có người lắng nghe mình chia sẻ.  Vất vả để có bữa ăn ngon là một cách phục vụ, nhưng ngồi nghe Chúa nói cũng là một cách phục vụ có giá trị. Mácta muốn Maria phục vụ theo kiểu của mình. Chị quên rằng nếu cô em xuống bếp thì ai sẽ ngồi tiếp Chúa đây.
  6. Cả hai chị em đều quý mến Chúa, nhưng theo những cách thức khác nhau. Mácta muốn phục vụ Chúa bằng bữa cơm ngon vì biết Ngài vất vả, còn Maria muốn phục vụ Chúa bằng việc ngồi nghe Ngài dạy dỗ, chia sẻ. Một bên năng động hơn, một bên trầm lắng riêng tư hơn. Cả hai cách phục vụ đều cần thiết. Trái với Maria thanh thản ngồi nghe, Mácta có vẻ quá lo lắng và mất bình an.
  7. Câu trả lời của Chúa Giêsu ở Lc 10, 41 là một bất ngờ cho chị Mácta. Chúa âu yếm gọi tên chị hai lần: “Mác ta! Mác ta!”như sau này Ngài sẽ gọi ông Si-môn hai lần (Lc 22, 31) hay Giêrusalem hai lần (Lc 13, 34). Chúa cảm thông với lo âu của chị, nhưng Chúa vẫn trách chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá mà coi nhẹ một chuyện cần thiết, đó là phần tốt hơn mà Maria đã chọn. Ngồi bên chân Chúa để lắng nghe là chọn phần tốt hơn. Chúa đã từ chối bảo Maria xuống phụ giúp cho Mácta khi nói: “Phần tốt ấy sẽ không bị lấy đi, ” vì Chúa tôn trọng chọn lựa đúng đắn của Maria.
  8. Có thể có ba “định nghĩa” về cầu nguyện trong bài Tin Mừng này:  Cầu nguyện là ngồi nghe Chúa nói (Lc 10, 39); Cầu nguyện là một chuyện cần thiết (Lc 10, 42); Cầu nguyện là lựa chọn phần tốt hơn (Lc 10, 42).
  9. Bài Tin mừng tuần trước nói về chuyện yêu mến người thân cận được thể hiện qua việc làm cụ thể của người Samari (Lc 10, 29-37). Bài Tin Mừng tuần này về chuyện yêu mến Chúa Giêsu được thể hiện qua sự phục vụ tận tụy của Mácta, và nhất là qua việc chăm chú lắng nghe Chúa như Maria. Cả hai bài Tin Mừng không đối nghịch nhưng bổ sung cho nhau.

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 16 Thường Niên năm C

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 16 Thường Niên năm C

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XVI Thường niên – Năm C

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XVI Thường niên – Năm C

MẪU 1 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE TRÌNH CHIẾU

MẪU 2 – NĂM 2025

TẢI VỀ FILE PDF

MẪU 3 – NĂM 2022

TẢI VỀ FILE PDF