Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần 28 thường niên năm A Chúa Nhật 15.10.2023

Dẫn Lễ Thiếu Nhi CN 28 TN Năm A

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

Dẫn vào Thánh lễ

Dụ ngôn tổ chức cưới con

Vua mời thực khách họ luôn bất cần

 Nước Trời ta được thông phần

Phải mang y phục tinh thần Phúc âm.

Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, Chúa nhật thứ hai mươi tám Thường niên: Tham dự Tiệc cưới Nước Trời
(Mt 22,1-10).

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới hoàng tử để nói về Nước Trời. Khách được mời dự tiệc đã từ chối những ân huệ Thiên Chúa ban cho họ. Người đi thăm trại, kẻ đi buôn bán, người hành hạ và giết chết sứ giả của nhà vua.

Với chúng ta, được mời dự tiệc Nước Trời là ơn ban và vinh dự. Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị thật kỹ càng cho ngày họp mặt cao quý ấy.

Dâng Thánh lễ hôm nay, xin cho chúng ta biết trân trọng lời mời dự tiệc của Chúa. Chúng ta hãy vui vẻ nhận lời và quyết tâm chuẩn bị/ để xứng đáng tham dự Tiệc cưới Nước Trời. Mời cộng đoàn đứng.

Bài đọc 1 (Is 25,6-10a)

Đức Chúa chiêu đãi muôn dân trên Núi Thánh một bữa tiệc. Trong bữa tiệc ấy, Người sẽ cất khỏi muôn dân sự đau buồn và chết chóc. Người sẽ lau khô những giọt lệ trên mọi khuôn mặt.  Đó là ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta.

Bài đọc 2 (Pl 4,12-14.19-20)

Vì Đức Kitô, Thánh Phaolô bước vào cuộc chiến. Chính Đức Kitô đã ban cho ngài sức mạnh để vượt qua những nghịch cảnh và sẵn sàng chịu đựng tất cả.

Lời nguyện chung

Chủ tế: Thiếu nhi chúng con thân mến, Chúa Kitô mời gọi tất cả chúng ta vào dự Tiệc cưới Nước Trời, nơi Chúa hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tin tưởng vào lời mời của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

  1. Chúa Giêsu đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong nhà Cha trên trời. Xin cho mọi tín hữu trong Giáo hội/ tin tưởng đáp lại lời mời dự tiệc của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  2. Tiệc cưới Nước Trời đủ chỗ cho tất cả mọi người trên thế giới. Xin cho những người chưa tin Đức Kitô khắp nơi, nhận được lời mời dự tiệc Nước Trời và quảng đại đáp lại lời mời ấy. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  3. 3. Chúa Kitô ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những nghịch cảnh. Xin cho những người đau khổ, những người đang sống trong tuyệt vọng/ biết lấy Chúa Kitô làm sức mạnh cho chính mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
  4. “Ơn gọi Kitô hữu là ơn gọi nên thánh”. Xin cho các thầy cô giáo lý viên, các anh chị trưởng và các bạn thiếu nhi/ biết quý trọng ơn trở thành con Chúa và con Giáo hội, để chuẩn bị sẵn sàng cho lời mời dự tiệc Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã chân thành mời gọi chúng con vào Nước Trời. Xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng, để hân hoan dự tiệc trên trời cùng với tất cả mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/kinh-thanh-bang-hinh-chua-nhat-28-thuong-nien-nam-a-30844

Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Phúc Âm Mt 22, 1-14

Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới

Triều Đại Thiên Chúa hay Nước Trời được Chúa Giê-su mô tả bằng những hình ảnh khác nhau như vườn nho, mẻ lưới cá, tiệc cưới…

Khi kể dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giê-su đã mô tả thái độ quảng đại và ân cần của nhà vua giống hệt như thái độ của gia chủ vườn nho chăm sóc lo lắng cho những người thợ thất nghiệp.  Ưu tư duy nhất của nhà vua là phải làm sao cho tiệc cưới thật linh đình, một điểm độc đáo để nói lên lòng quảng đại của ông.

Đó là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng “đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” làm giá chuộc tội họ.

Tiệc cưới linh đình là hình ảnh về một triều đại tình thương của Thiên Chúa.  Triều đại cũ đã đến hồi bế tắc, không thể tiếp tục thực thi được kế hoạch yêu thương của Người nữa.  Thiên Chúa đã sai Con Một đến làm cầu nối cho con người, mở ra một con đường mới dẫn con người đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa mở hội tiệc cưới giữa Con Một Người với nhân loại để bắt đầu cho một triều đại tràn đầy ân sủng.

Y phục lễ cưới tượng trưng cho tác phong của khách dự tiệc, hoặc nói khác đi, tượng trưng cho lối sống của Ki-tô hữu, những người đã được Thiên Chúa quy tụ trong Giáo Hội Chúa Ki-tô.

Qua những bí tích khai tâm, ta đã trở nên con cái Chúa, công dân của Triều Đại Thiên Chúa và làm chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.  Trong Giáo Hội, ta đã được lãnh nhận ân sủng qua bí tích và cầu nguyện, cũng như có đủ mọi phương tiện và hướng dẫn để sống như con cái thực của Thiên Chúa.

Có lẽ Chúa Giê-su cũng nêu lên một thực tại đáng buồn, là “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.  Chắc chắn không thiếu gì những người đã được rửa tội, được làm con cái Chúa ngay sau khi mới sinh, nhưng lại không mang y phục lễ cưới, không sống đức tin Công giáo mà họ đã lãnh nhận.

Phụng vụ Lời Chúa của những Chúa Nhật cuối năm phụng vụ muốn ta hướng về ngày cánh chung và mời gọi ta chuẩn bị cho ngày Chúa Ki-tô lại đến.  Ta được hồng phúc làm con cái Chúa và được Chúa ban cho một môi trường sống là Giáo Hội Chúa Ki-tô để phát triển con người mới của ta theo gương mẫu Chúa Ki-tô.  Tiệc cưới ở đời này là đời sống được ân nghĩa với Chúa sẽ đưa ta vào tiệc cưới vĩnh cửu bên cạnh Đức Vua và Con của Người.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Download Video clip tiếng Việt

Thánh kinh bằng tiếng Việt

 

Thánh kinh bằng tiếng Anh

Tranh tô màu – Chúa nhật XXVIII thường niên – Năm A

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-cho-thieu-nhi-chua-nhat-28-thuong-nien-nam-a-47752
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Mt 22, 1-14

“Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt,
cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.”(Mt 22,10)

;Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một dụ ngôn khác nữa của Chúa Giêsu. Dụ ngôn này có nhiều ý nghĩa. Cha chọn ý nghĩa dễ hiểu và thông thường nhất để nói chuyện với chúng con hôm nay.

Cha đố chúng con qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với mọi người chúng ta điều gì ? Có nhiều điều Chúa muốn nói, nhưng theo cha thì có hai điều này con người hay vấp phạm và qua dụ ngôn này, Chúa muốn nói với chúng ta. Hai điều đó là:

– Thứ nhất là từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

– Thứ hai là thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương con người.

1. Từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một hạnh phúc lớn lao không có gì sánh nổi. Tình yêu của Thiên Chúa thì vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Thiên Chúa vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu thì mãnh liệt khiến Người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một cưới lấy bản tính loài người để nâng loài người lên. Thiên Chúa mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Thiên Chúa nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Thiên Chúa nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với các vị thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải nghĩa được thái độ đó của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Thế nhưng thử hỏi con người đã đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa thế nào ?

Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy dường như con người chỉ đáp lại bằng sự lãnh đạm, chối từ và nhiều lần đã phản bội. Lịch sử con người là lịch sử tình yêu bị chối từ như thế. Rõ rệt nhất là con người đã chối từ chính Con Một Thiên Chúa là Ngôi Lời mà Chúa đã gửi xuống trần gian để cứu rỗi loài người là Chúa Giêsu. Còn gì đau xót hơn như lời thánh Gioan Tông đồ đã nói: Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. (Ga 1,10-11)

Vâng, con người là như thế. Bài dụ ngôn hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Những người được mời đã từ chối. “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn”(Mt 22,5) Tệ hơn họ: “còn bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.(Mt 22,7).

Chúa đã đối xử lại thế nào thì dụ ngôn cũng đã cho chúng ta thấy: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.”(Mt 22,11). Tội từ chối Thiên Chúa là tội rất lớn. Chúng ta hãy coi chừng để đừng mình vấp vào tội ấy. Hãy coi chừng: Thiên Chúa yêu thương nhưng không khoan nhượng đối với những kẻ dám thách thức Thiên Chúa.

Đây là câu chuyện xảy ra ngay trên đất nước của chúng ta. Câu chuyện cho mọi người thấy Chúa đã trừng phạt kẻ phạm thượng và bất kính đối với phép Thánh Thể. Chuyện xảy ra vào tháng 3 năm 1955 ở Bùi chu. Vị bề trên tu viện kể rằng một người lính đã ngang ngược đòi vào trong tu viện, nhưng các nữ tu đã chận lại và nói cho anh ta biết đây là nhà của Chúa, anh phải có lòng tôn kính.

Anh hỏi: “Chúa các chị ở đâu ?”

Các chị đáp: “Ở đây!”và đưa tay chỉ tay về phía nhà tạm.

Người lính lấy súng bắn, phá tan cửa nhà tạm và bắn vào bình thánh giữ Mình Thánh Chúa làm cho Mình Thánh Chúa vung vãi rơi xuống sàn nhà.

Tiếng dội của súng bắn vừa ngưng, người lính cũng ngã lăn ra chết, chết vì nhồi máu cơ tim.

2. Thứ hai là thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương con người.

Dụ ngôn kể: “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì. “(Mt 22,11)

Cha hỏi chúng con đã có bao giờ chúng con đi ăn cưới chưa ?

– Dạ có.

– Chúng con thấy những người đi ăn cưới ăn mặc làm sao chưa ?

– Rất đẹp.

– Ăn mặc như thế để làm gì ?

– Theo cha thì là để tỏ lòng quí mến cô dâu chú rể và cũng để tỏ lòng tôn trọng đối với người khác.

Việc tôn trọng đối với người khác là một điều rất cần trong cuộc sống của loài người. Thiếu sự tôn trọng sẽ nảy sinh ra nhiều điều bất hạnh trong cuộc sống. Một gia đình mà mọi người biết tôn trọng nhau, gia đình ấy sẽ luôn được sống trong bình an và hạnh phúc. Trái lại một gia đình nào mà những người trong gia đình không có lòng tôn trọng nhau, cha bảo đảm gia đình ấy sẽ gặp nhiều cảnh đau khổ bất hạnh

Trong bài dụ ngôn hôm nay, chúng con thấy tất cả mọi người đều ăn mặc lễ phục cưới hỏi. Duy chỉ có một người là không làm như thế. Rõ ràng là người này coi mọi người chung quanh mình chẳng ra gì. Đúng là con người này thiếu lòng tôn trọng đối với người chủ tiệc và những người khác trong phòng tiệc và chính vì thế mà anh ta đã bị trừng phạt. “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (Mt 22,13)

Trong một thành phố ở xứ Bavieres trước đây, có một cuộc kiệu Mình Thánh Chúa rất lớn. Trên một đoạn đường kiệu đi ngang qua, có một người đàn bà có đạo nhưng hư thân mất nết. Sách báo xấu và việc thường xuyên đi xem phim ảnh xấu cũng như tham dự các buổi vũ hội trắc nết đã làm bà không còn giữ được đức tin của thời thơ ấu của mình. Lúc đoàn kiệu – lúc ấy đang diễn lại cảnh truyền tin với hai nhân vật: Đức Maria và sứ thần Gabriel – đi ngang qua, bà cười to và nói:

– Kìa hãy xem những kẻ đang làm trò múa rối kìa!

Chưa hết, khi Mình Máu Chúa với cái lọng che rộng lớn đi ngang qua, trong khi những người khác quỳ gối xuống cung kính thờ lạy, thì bà đã không ngăn cản được bản tính ngỗ nghịch, phỉ báng của mình, bà đã dám thốt ra câu nói ghê gớm sau:

– Ước chi những kẻ nào nuốt những miếng bánh nhỏ này sẽ bị nghẹn họng!.

Người đàn bà này sau đó trở về nhà. Và bởi vì cảm thấy đói bụng, bà đã nuốt một cách vội vã những miếng bánh mì. Một miếng bánh lớn đã dừng lại trong cổ họng làm bà ta nghẹt thở.

Hai giờ sau cuộc phỉ báng của bà, bà chỉ còn là một thây ma! Thế mới biết Thiên Chúa đã không để những kẻ chế giễu các sự thánh tránh khỏi một sự trừng phạt!

Phần chúng ta, chúng ta hãy đến với Thiên Chúa với hết lòng kính trọng của mình. Chắc chắn Chúa sẽ thương ban nhiều ơn lành cho chúng ta. Amen.

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XXVIII thường niên 2023 – Năm A

Tin Mừng (Mt 22,1-14)

Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ : ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

Đáp án: Trò chơi ô chữ – Chúa nhật XXVII thường niên 2023 – Năm A

1. Nho

2. Rào giậu

3. Trong vườn

4. Tá điền

5. Thu hoa lợi

6. Ném đá

7. Con trai

8. Giết

9. Ác giả ác báo

10. Kính Thánh

11. Nước Thiên Chúa

12. Thượng tế

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-28-thuong-nien-nam-a-47276
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Mt 22,1-14

  1. Đọc ba dụ ngôn liên tiếp ở Mt 21,28-32; 21,33-46 và 22,1-10. Xin cho biết điểm giống nhau trong ba dụ ngôn trên.
  2. Trong dụ ngôn hôm nay, ông vua, con trai của vua, các đầy tớ, quan khách đã được mời: những nhân vật trên đây tượng trưng cho ai ?
  3. Con của vua trong tiệc cưới chính là chú rể. Xem thêm Mt 9,15 và 25,1. Chú rể là ai ?
  4. Bạn nghĩ gì về thái độ của nhà vua đối với khách mời ? Đọc Mt 22,3-4.
  5. Đâu là thái độ của các khách mời đối với nhóm đầy tớ thứ hai ? Đâu là phản ứng của ông chủ ? Đọc Mt 22,5-7.
  6. Cuối cùng nhà vua đã cho các đầy tớ ra các nẻo đường (cc. 9-10), mời mọi người bất luận xấu tốt vào dự tiệc cưới của hoàng tử. Những người này tượng trưng cho ai vậy ?
  7. Đọc dụ ngôn Mt 22,11-14, bạn thấy có gì khó hiểu không ?
  8. Đọc sách Khải huyền 19,7-8. Từ đó cho biết ý nghĩa của « y phục lễ cưới » ở Mt 22,11-12.

GỢI Ý SUY NIỆM: Hôm nay Chúa vẫn mời tôi đến chung vui với Ngài và dự bữa tiệc thánh do Ngài khoản đãi. Đâu là những bận tâm khiến tôi ngần ngại không muốn nhận lời ? Tôi thường coi điều gì trọng hơn lời mời của Chúa ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Ba dụ ngôn trên có những điểm giống nhau. Cả ba đều được Đức Giêsu nói với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo ở sân Đền thờ Giêrusalem. Trong cả ba dụ ngôn, ta đều thấy thái độ không tin, từ chối, chống đối Đức Giêsu của giới lãnh đạo tôn giáo hay của dân Do-thái: người con thứ hai không vâng lời cha đi làm vườn nho; các tá điền chẳng những không nộp hoa lợi mà còn giết các đầy tớ và con trai của chủ vườn nho; các khách được mời từ chối dự tiệc cưới cho hoàng tử (Mt 21,28 – 22,14). Trong cả ba dụ ngôn, đều có hình phạt cho thái độ trên đây: giới lãnh đạo tôn giáo bị vào Nước Thiên Chúa sau (Mt 21,31); họ bị tiêu diệt và lấy lại vườn nho (Mt 21, 41); những người được mời dự tiệc cưới thì bị loại (Mt 22,7-8).
  2. Trong dụ ngôn hôm nay, ông vua tượng trưng cho Thiên Chúa , con trai của vua là hình ảnh của Đức Giêsu (Mt 21,37 ; 22,2). Các đầy tớ được sai đến là các ngôn sứ trong Cựu Ước và Tân Ước. Quan khách được mời trước tiên là dân Do-thái trong Mt 22,1-7, và sau đó là dân ngoại trong Mt 22,8-10. Tiệc cưới tượng trưng cho bữa tiệc thiên sai được nói đến trong sách Isaia 25,6.
  3. Nhân vật con trai của vua trong dụ ngôn này chính là hoàng tử, cũng là chú rể của đám cưới (Mt 22,2). Trong Tin Mừng Mát-thêu, nhân vật chú rể tượng trưng cho Đức Giêsu. Chính Ngài tự ví mình như một chàng rể, và ví các môn đệ như khách dự tiệc cưới (Mt 9,15). Trong dụ ngôn về mười trinh nữ, ta lại thấy chuyện tiệc cưới, trong đó chàng rể là chính là Đức Giêsu (Mt 25,1). Như thế hình ảnh tiệc cưới với chú rể là Đức Giêsu là hình ảnh hay được Ngài sử dụng để nói về sứ mạng của mình. Đó là đem đến cho nhân loại niềm vui dồi dào, hạnh phúc viên mãn của ơn cứu độ.
  4. Nhà vua đã báo trước cho quan khách được mời về tiệc cưới của hoàng tử rồi (Mt 22,3). Khi đến ngày cưới, nhà vua lại sai các đầy tớ đến mời họ, cả thảy hai lần nữa. Lần đầu họ không muốn đến, không rõ vì lý do gì. Nhà vua không nản lòng, sai một nhóm đầy tớ khác đi mời và thậm chí dạy họ cách mời. Lời mời rất trân trọng, cho thấy lòng hiếu khách và cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của nhà vua cho bữa đại tiệc: «Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và bê béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Xin mời quý vị đến dự tiệc cưới!» (Mt 22,4). Chỉ cần đến tham dự thôi, vì sự hiện diện của quý vị là điều quan trọng cho bữa tiệc này. Ai cũng hiểu nhà vua có một niềm vui lớn lao và ông muốn chia sẻ nó cho các quan khách. Ông chỉ mong khách đến đông đủ để bữa tiệc được vui trọn vẹn.
  5. Trước biến cố trọng đại của nhà vua và hoàng tộc, các quan khách lại hững hờ, coi thường lời mời của nhà vua. Họ cho thấy họ đang quan tâm về những chuyện khác quan trọng hơn: chuyện đi thăm nông trại của họ hay chuyện đi buôn (Mt 22,5). Đây là một sự sỉ nhục đối với nhà vua khi thấy các quan khách đặt chuyện đời thường chẳng có gì quan trọng lên trên biến cố xảy ra một lần trong đời của con trai mình. Hơn thế nữa, có những khách mời còn bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ rồi giết đi (Mt 22,6). Thái độ này cũng giống với thái độ của các tá điền ở Mt 21,35-39. Giống như ông chủ vườn nho (Mt 21,41), nhà vua cũng đã tiêu diệt bọn khách mời sát nhân, hơn nữa còn thiêu hủy cả thành phố của chúng (Mt 22,7).
  6. Những quan khách được mời từ đầu tượng trưng cho phần lớn dân Do-thái. Khi dân này từ chối và trở nên không xứng đáng với bữa tiệc nữa, thì nhà vua ra lệnh đi mời mọi người ở khắp nẻo đường, gặp ai tốt xấu cũng mời vào dự tiệc. Nhóm người được mời sau này là dân ngoại và cả những người Do-thái mở lòng đón nhận nữa. Đây là cái nhìn của Mát-thêu về ơn cứu độ phổ quát. Sứ vụ truyền giáo không còn bị giới hạn nơi người Do-thái (Mt 10,5-6 ; 15,24) nhưng mở ra cho mọi dân tộc (Mt 28,19). Tất cả được mời vào dự tiệc Nước Trời.
  7. Khi đọc dụ ngôn ở Mt 22,11-14, chúng ta thường đặt câu hỏi: tại sao nhà vua lại đòi một người phải mặc y phục lễ cưới, khi người ấy đang ở ngoài đường thì bất ngờ được gom vào phòng tiệc cưới ? Không nên hiểu áo cưới ở đây theo nghĩa đen. Áo cưới tượng trưng cho một cuộc sống công chính, nghĩa là làm những việc tốt lành. Những người được nhận vào Hội Thánh của Chúa, được vào dự tiệc, thì không được tự hào nhưng cần phải có cuộc sống xứng hợp với ơn gọi kitô hữu. Nhà vua đã không trừng phạt những người khác, nhưng chỉ trừng phạt người này, và anh ta đã im lặng, chấp nhận mình có lỗi (Mt 22,12). Dụ ngôn ở Mt 22,11-14 là dụ ngôn nhắc nhở những ai đã ở trong Hội Thánh của Chúa.
  8. Sách Khải huyền 19,7-8 nói đến việc Hôn Thê của Con Chiên là Hội Thánh, mặc áo vải gai mịn sáng chói và tinh tuyền. Sau đó chúng ta biết: «Vải gai mịn là những việc công chính của các thánh.» Từ đoạn sách này, chúng ta hiểu hơn về « y phục lễ cưới » trong Mt 22,11-12.
  9. Vui học Thánh Kinh: Chúa nhật 28 Thường niên A

    Vui học Thánh Kinh bằng Powerpoint, dành cho các em thiếu nhi, Chúa nhật 28 Thường niên – Năm A.