Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh năm C 11/05/2025
Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ

Ga 10, 27-30
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt nhân từ của Đức Kitô, vị mục tử tối cao và đầy lòng nhân hậu của chúng ta. Ngài là vị mục tử đã sẵn sàng hiến thân mình để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Đồng thời cũng nhân dịp này, mẹ Hội Thánh cũng muôn mỗi người chúng ta thêm lời cầu nguyện, để Giáo Hội càng ngày càng có thêm nhiều mục tử biết sống theo mẫu gương người mục tử Giêsu.
Chúa Giêsu luôn là mẫu gương tuyệt hảo của mọi ơn gọi. Ngài đến để chiên được sống và sông dồi dào, những người tận hiến đi theo chân Chúa để sống ơn gọi, hiến mình cho ơn cứu chuộc chứa chan của Chúa Giêsu, luôn phải noi gương vị Thầy tốt lành, để sông tất cả cho việc phục vụ mọi người.
Ca nhập lễ
Địa cầu đầy ân sủng Chúa, do Lời Chúa mà trời xanh được tạo thành – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 13, 14. 43-52
“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.
Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5
Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
Bài Ðọc II: Kh 7, 9. 14b-17
“Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.
Và một bô lão đã nói với tôi: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 27-30
“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Ki-tô, vị Mục Tử nhân lành đã trở nên nguồn sống mới cho chúng ta. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng dâng lên Người những lời tha thiết nguyện xin:
1. “Con chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, biết noi gương Chúa Giê-su, để trở nên những mục tử tốt lành, thánh thiện, sẵn sàng bảo vệ đoàn chiên Chúa trao.
2. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bạn trẻ, luôn biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa, để cam đảm bước theo Chúa trong ơn gọi Ngài mời gọi.
3. “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai còn chìm trong bóng đêm tội lỗi, biết nhận ra ánh sáng Phục Sinh, mà hoán cải trở về với Chúa là nguồn sống đích thật.
4. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn, biết đón nhận và trao ban những ơn lành của Chúa, cho từng người chúng ta gặp gỡ hôm nay.
Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su Mục Tử nhân lành, Ngài là gương mẫu cho chúng con về đời sống khiêm nhường phục vụ. Xin cho chúng con biết đáp trả tiếng Chúa mời gọi mà can đảm bước theo Chúa đến cùng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm C – Chúa nhật Chúa chiên lành
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói về người mục tử và đàn chiên.
Mục tử là người như thế nào vậy chúng con?
– Mục tử là người chăn chiên.
Gọi người chăn chiên là mục tử cho nó sang. Cũng giống như người ta gọi con của vua là hoàng tử vậy. Con gái của vua thì gọi là….. là…là………công chúa. Công chúa của vua và bạn Lan Phương đây có khác gì nhau không chúng con?
– Chẳng khác gì nhau cả vì đều là con gái cả.
Ở nhà có khi nào những người con gái chúng con được cha mẹ gọi là công chúa hay không?
– Dạ có.
Bây giờ chúng con hãy nghe Chúa nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.
1. Trước hết Chúa bảo: “Chiên tôi thì nghe iếng tôi”
Con chiên thì nghe tiếng của người chăn chiên. Đây là đức tính rất tốt của một con chiên.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy có ba người chăn chiên dẫn bầy chiên của mình ăn cỏ chung một chỗ với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
– Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”)
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
– Xin anh vui lòng cho tôi mượn đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có nghe theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu:”Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
– Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?
Người chăn Syrie trả lời:
– Ồ! có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Đó chúng con thấy chiên ngoan và khoẻ mạnh thì lúc nào cũng nghe theo tiếng của người chăn chiên như là người chủ của mình.
2. Tiếp theo Chúa bảo: “Tôi biết chúng”
Tiếng “Biết” ở đây trong Tin Mừng của thánh Gioan là: “Yêu thương”
Mục tử tốt lành thì luôn yêu thương cả đàn chiên và từng con chiên của mình. Yêu thương là luôn lo lắng và bảo vệ đàn chiên, không bao giờ để cho một con chiên nào bị nguy hiểm.
Một người đi du lịch qua xứ Palestine. Người hướng dẫn cho ông ta biết rằng, tại xứ này, đúng như Đức Chúa Giêsu đã dạy trong Gioan 10: “Người chăn đi trước dẫn chiên và chiên đi theo sau người chăn, chớ không bao giờ người chăn đi sau bầy chiên.”
Một ngày nọ, ông thấy một người đang đi ở phía sau lùa bầy chiên đi tới. Lạ quá vì ông thấy không đúng như những gì ông được chỉ dẫn, nhất là không đúng với Kinh thánh Gioan đoạn 10 mà ông đã đọc. Ông liền chạy đến hỏi người chăn chiên:
– Anh ơi! Tôi được biết là ngươi chăn ở xứ này khi chăn chiên thì đi trước, chiên theo sau. Tại sao anh chăn chiên mà ở phía sau lùa chiên đi tới như thế?
Người lùa chiên trả lời:
– Ông nói đúng lắm! Người chăn phải đi trước, chiên theo sau. Nhưng tôi đâu phải là người chăn chiên, tôi đang lùa chiên đi làm thịt đấy!
3. Và cuối cùng Chúa bảo: “Và chúng theo tôi”
Chiên thì nghe tiếng chủ chiên. Nghe rồi còn phải đi theo nữa. Nghe mà không đi theo thì cũng chẳng khác gì khi cha mẹ bảo chúng con làm việc gì giúp cha mẹ, chúng con ngoan ngoãn thưa “Vâng” nhưng sau đó chúng con chăng làm gì. Như vậy có tốt không chúng con? Chắc là không! Phải không?
Và bây giờ cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể làm gì để được gọi là theo Chúa.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này:
Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, cô Sophie Berdanska phải thất nghiệp, đói rách, tang thương. Một ngày kia, gia đình ông Hersten, một gia đình Do thái thuê cô về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên, khi biết được cô Sophie là người công giáo, ông chủ đặt điều kiện là không được “giảng đạo” cho con cái của ông.
Cô Sophie nhận lời. Chiều hôm ấy lúc còn lại một mình trong phòng, cô lấy một miếng giấy nhỏ viết một dòng chữ, xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương do cha cô để lại rồi đeo vào cổ.
Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi cô cho coi chiếc huy chương đó nhưng cô nhất định không cho: “Bí mật của đời cô mà”.
Dưới sự chăm sóc của cô Sophia, những đứa trẻ trong gia đình Hersten càng ngày càng trở nên dễ thương, ngoan ngoãn.
Cuộc sống đang yên bình thì bỗng một hôm, tai họa dồn dập xảy ra.
Bé Naim đau nặng – cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Cô Sophia tình nguyện ở lại đêm ngày chăm sóc em, rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng bây giờ nặng thêm – Tuy nhiên cô Sophia vẫn bình tĩnh tận tình phụ trách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường .
Nhưng vì quá lao lực… sau đó cô Sophie ngã bệnh và từ trần.
Hai năm sau, một buổi sáng người ta thấy cả gia đình ông Hensten dậy sớm và cùng nhau đi đến một nhà thờ để dự lễ. Hỏi ra mới biết gia đình đó đi dự lễ giỗ năm thứ 2 của cô Sophia.
Rồi họ kể lại truyện “Tại sao họ trở lại”
Sau khi cô Sophie mất, tình cờ người ta mở chiếc huy chương của Sophie còn để lại – lúc đầu không ai để ý – mở ra thì thấy trong đó có một mảnh giấy trong đó có ghi:
“Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi
Tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”
Cả gia đình Hensten .. cảm phục … Xin học đạo và rửa tội.
Đó chúng con thấy: Một tâm gương của một người theo Chúa.
Cha ước mong chúng con cũng biết sống thật tốt. Sống như vậy là theo Chúa rồi. Amen.
Trò chơi ô chữ – Chúa nhật IV Phục sinh – Năm C
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 Phục Sinh năm C
Tôi và Chúa Cha là một
1. Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh nào? xảy ra vào thời gian nào ? Đọc Ga 10, 22-26.
2. Làm sao nhận ra ai thuộc về chiên của Chúa? Đọc Ga 10, 27. Đọc thêm Ga 10, 2-4.14. Chiên là hình ảnh của ai?
3. Đọc Ga 10, 16. Làm sao nhận ra những con chiên không thuộc về ràn chiên của Chúa? Đức Giêsu có coi chúng là chiên của mình không? Ngài làm gì để đưa chúng về?
4. Đọc Ga 10, 28. Đi theo Mục Tử Giêsu, đoàn chiên được gì?
5. Đọc Ga 10, 28-29. Chúa Cha và Chúa Giêsu làm chung công việc gì đối với đoàn chiên? Chúa Giêsu đã làm gì để bảo vệ đoàn chiên? Đọc Ga 10, 11.15.17-18. Đọc thêm Ga 21, 18-19.
6. Đọc Ga 10, 28-29 và Ga 21, 15-17. Đoàn chiên có phải của Đức Giêsu hay Phêrô không?
7. Đọc Ga 10, 29-30. Chúa Cha có mạnh không? Đức Giêsu và Chúa Cha là một như thế nào?
8. Theo bạn, đâu là những kẻ thù của đoàn chiên của Thiên Chúa, vào thời Đức Giêsu? Đọc Ga 10, 1-13. Đâu là những kẻ thù ngày nay của đoàn chiên Chúa?
GỢI Ý SUY NIỆM: Chúa nhật thứ tư Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, dành để cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Bạn thấy có cần cầu nguyện cho ơn thiên triệu ở Việt Nam không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Bài Tin Mừng này được đặt trong khung cảnh Lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem. Lễ này xảy ra vào mùa đông, kéo dài 8 ngày, để tưởng nhớ việc cung hiến lại Đền thờ vào năm 164, sau khi Đền thờ bị vua Antiôkhô Epiphane làm ô uế (Ga 10, 22). Đức Giêsu đi đi lại lại ở hành lang Salômôn ở phía đông của Đền thờ. Hành lang này thường được coi là nơi giảng dạy và tranh luận (x. Cv 3, 11; 5, 12). Tại đây diễn ra một cuộc tranh luận căng thẳng giữa người Do-thái với Đức Giêsu về việc Ngài có phải là Đấng Kitô hay không (x. Ga 10, 24-25) ? Trước đó đã có cuộc đụng độ giữa đôi bên rồi (x. Ga 10, 19-21).
- Gioan 10, 27 nhắc lại những gì đã được nói về tương quan thân thiết giữa chiên và mục tử ở Ga 10, 3-4.14. Mục tử biết tên và gọi tên từng con chiên, ngược lại, chiên có khả năng nghe tiếng mục tử của mình. Khi dẫn đàn chiên ra ngoài, mục tử là người đi trước, đàn chiên theo sau anh, chúng đi theo tiếng của anh. Đức Giêsu ví mình như người Mục Tử tốt lành. Ngài có một đàn chiên. Ngài bảo đó là “chiên của tôi” (Ga 10, 14.27). Chiên của Ngài là những ai tin vào Ngài. Ai không tin thì không thuộc về đàn chiên này. Chiên của Ngài thì có khả năng nghe và nhận biết tiếng của Ngài, để rồi đi theo Ngài. Các nhà lãnh đạo Do-thái giáo không phải là chiên của Ngài vì họ không tin: “Các ông không tin vì các ông không thuộc về chiên của tôi” (Ga 10, 26).
- Trong thực tế, Đức Giêsu nhìn nhận có những con chiên “không thuộc về chiên của tôi” (Ga 10, 26), “không thuộc về ràn này” (Ga 10, 16). Những chiên này không nghe tiếng của Ngài, không theo Ngài, không tin vào Ngài. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn coi chúng là thuộc quyền sở hữu của mình: “Tôi còn có những chiên khác, không thuộc về ràn này” (Ga 10, 16). Như vậy, cả những chiên ngoài ràn của Chúa cũng là chiên của Chúa. Nhiệm vụ của Ngài là đưa chúng vào ràn của Ngài, và giúp chúng nghe được tiếng của Ngài, dù bây giờ chúng chưa nghe (Ga 10, 16). Ước mơ cho đến tận thế của Chúa Giêsu là: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).
- Đức Giêsu bảo đảm rằng Ngài sẽ ban cho chiên của Ngài sự sống đời đời (Ga 10, 28; x. Ga 10, 10). Sự sống đời đời (zôê) là quà tặng quý giá nhất mà Chúa Giêsu ban cho chiên của Ngài, cho những ai tin và đi theo Ngài. Đó không phải là sự sống chóng qua ở đời này (psykhê). Ai có sự sống đời đời thì không bị diệt vong đời đời (Ga 10, 28), dù họ có thể bị mất sự sống ở đời này. Khi sống trên đời này, đoàn chiên của Chúa Giêsu luôn bị đe dọa: đó là điều Ngài nhắc nhở chúng ta. Luôn luôn có những thế lực xấu xa muốn chống phá và giết hại đoàn chiên. Chúa Giêsu đã từng nói đến chuyện “kẻ trộm đến chỉ để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10). Ngài đã từng nói đến chuyện “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12). Cuộc chiến giữa người mục tử và các thế lực đe dọa đàn chiên là có thật và rất gay go.
- Đàn chiên bị đe dọa bởi kẻ trộm. bởi sói vồ (harpazô), hay có cả người định cướp (harpazô) chiên khỏi bàn tay của Chúa Giêsu (Ga 10, 10.12.28). Chúa Giêsu sẽ phải cố giựt lại, thậm chí “hy sinh mạng sống mình” vì chiên (Ga 10, 11.15.17.18). Qua Ga 10, 29 ta thấy cả Chúa Cha cũng lo bảo vệ đàn chiên trong bàn tay Ngài. Ngài làm cùng một việc như Chúa Giêsu: “Không ai có thể cướp chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 29). Như thế đàn chiên là quý trước mắt Thiên Chúa, đến nỗi Con Thiên Chúa dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Phêrô, người được Chúa Giêsu phục sinh trao trách nhiệm coi sóc đàn chiên, cũng phải chấp nhận cái chết như Thầy mình, chết vì đàn chiên (Ga 21, 18-19).
- Đức Giêsu khẳng định đàn chiên là “chiên của tôi” (Ga 10, 14.27). Và khi trao quyền mục tử cho Phêrô, Ngài cũng nói: “Anh hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15.16.17). Đức Giêsu nhận mình là Mục tử của đàn chiên (Ga 10, 11). Tuy nhiên, đàn chiên thật là chiên của Chúa Cha, là món quà Cha tặng cho Chúa Giêsu. Cha là “Đấng đã ban chúng cho tôi” (Ga 10, 29). Chính vì thế, chiên ở trong bàn tay Cha, và Cha cũng lo bảo vệ chiên.
- Trong Ga 10, 29-30 Đức Giêsu còn khẳng định tương quan giữa mình với Chúa Cha. “Cha là Đấng lớn hơn tất cả” (Ga 10, 29). Ngài nhìn nhận vị trí siêu việt của Chúa Cha. Trong tư cách là Ngôi Lời làm người, Đức Giêsu nhìn nhận Chúa Cha lớn hơn mình (Ga 14, 28; Hr 2, 9). Nhưng Đức Giêsu cũng khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Đó không phải chỉ là sự hiệp nhất vì Cha và Con cùng làm chung một việc cho đàn chiên. Đó là sự hiệp nhất trong bản tính thần linh: Cha và Con có chung một thần tính duy nhất, Cha và Con là hai ngôi vị của cùng một Thiên Chúa.
- Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và gặp nhiều bách hại, được kể trong sách Công vụ Tông đồ. Bách hại đến từ những người Do-thái không tin Chúa Giêsu, coi các kitô hữu như những kẻ rối đạo. Sau này Kitô giáo vẫn gặp muôn vàn cuộc bách hại, dưới đủ mọi hình thức. Nhưng Kitô giáo còn bị đe dọa bởi sự chia rẽ bên trong. Hội thánh không còn sự hiệp nhất như ý Chúa muốn (Ga 17). Những đe dọa xưa cũng là những đe dọa muôn thuở.
Vui học Thánh Kinh Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, năm C
27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một”.
27My sheep hear my voice; I know them, and they follow me. 28I give them eternal life, and they shall never perish. No one can take them out of my hand. 29My Father, who has given them to me, is greater than all, and no one can take them out of the Father’s hand. 30The Father and I are one”.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu TM thánh Gioan 10,27
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Đối với đoàn chiên của Đức Giêsu, thì chúng thế nào? (Ga 10,27)
a. Nghe tiếng Đức Giêsu.
b. Đi theo Đức Giêsu.
c. Đức Giêsu biết chúng.
d. Cả a, b và c đúng.
02. Với đoàn chiên của mình, Đức Giêsu ban gì cho chúng? (Ga 10,28)
a. Sự sống đời đời.
b. Hạnh phúc Nước Trời.
c. Đất hứa làm gia nghiệp.
d. Cả a, b và c đúng.
03. Đức Giêsu nói ngài với ai là một? (Ga 10,30)
a. Chúa Cha.
b. Giáo Hội.
c. Mẹ Maria.
d. Các tông đồ.
04. Khi Đức Giêsu ban cho đoàn chiên sự sống đời đời thì chúng không bao giờ bị gì? (Ga 10,28)
a. Đói khát.
b. Đau khổ.
c. Diệt vong.
d. Thiếu thốn.
05. Cha tôi, Đấng ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay ai? (Ga 10,30)
a. Tôi.
b. Giáo hội.
c. Chúa Cha.
d. Các môn đệ.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Đức Giêsu nói ngài và chúa cha là gì? (Ga 10,30)
02. Với đoàn chiên của mình, Đức Giêsu ban gì cho chúng? (Ga 10,28)
03. Đức Giêsu nói ngài với ai là một? (Ga 10,30)
04. Khi Đức Giêsu ban cho đoàn chiên sự sống đời đời thì chúng không bao giờ bị gì? (Ga 10,28)
05. Cha tôi, Đấng ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai làm gì được chúng khỏi tay Chúa Cha? (Ga 10,29)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”
Tin Mừng thánh Gioan 10,27
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
Tin Mừng thánh Gioan 10, 27-30
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề: Chúa Giêsu và con người
* Câu Tin Mừng thánh Gioan 10, 27 “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.
II. TRẮC NGHIỆM
01. d. Cả a, b và c đúng (Ga 10,27)
02. a. Sự sống đời đời (Ga 10,28)
03. a. Chúa Cha (Ga 10,30)
04. c. Diệt vong(Ga 10,28)
05. c. Chúa Cha (Ga 10,30)
III. Ô CHỮ
01. Một (Ga 10,30)
02. Sự sống (Ga 10,28)
03. Chúa Cha (Ga 10,30)
04. Diệt vong (Ga 10,28)
05. Cướp (Ga 10,29)
Hàng dọc: Mục tử
Chia sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C
Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Vì thế, viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn để dạy cho dân thành một bài học.
Đức Cha chính và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hụ vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Cha chính xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.
Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, trái lại các ngài đã đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Cha chính đã lên tiếng nói với viên chỉ huy: Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.
Vừa dứt lời, bỗng từ bầu khí nặng nề của chết chóc vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang nhắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn của tử thần.
Hôm đó từ pháp trường trở về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, Ta tưởng mình như giữa giấc mơ…
***
Hình ảnh của hai vị mục tử sống hết mình vì đoàn chiên mà chúng ta vừa nghe trên đây, đã phản ánh phần nào gương mặt của vị Mục Tử mẫu mực là Chúa Giêsu Kitô.
Nếu ai đã từng đi ngang qua những miền đất của người du mục, mới hiểu được mối tương quan mật thiết giữa người mục tử và đoàn chiên của mình là thế nào. Về cơ bản, người mục tử của Dothái cũng giống như những người chăn vịt hay chăn trâu, chăn bò ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là, người chăn chiên gần như ăn ở với đoàn chiên của mình. Ban ngày người mục tử dẫn đoàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh và dòng nước mát. Ông đứng đó canh chừng cho đoàn chiên ăn. Đêm đến, người mục tử lùa chiên về ràn chiên và ông ngủ luôn ở đó để canh cho đoàn chiên của mình. Chính vì sự gắn bó đó mà người chăn chiên thuộc tên cũng như biết rõ tình trạng từng con chiên của mình. Ông sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời để chăm sóc cho những con chiên bị đau yếu, hay đi tìm những con chiên bị lạc đàn, thậm chí, ông có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đoàn chiên. Có lẽ vì thế mà chủ chiên và đoàn chiên có một mối tương giao đặc biệt: chủ chiên biết rõ từng con chiên và đoàn chiên chỉ nghe theo lời của người chăn dắt mình.
Người chủ chiên đích thực khác hẳn với những người chăn chiên thuê. Bởi thay vì toàn tâm toàn ý lo lắng cho đoàn chiên, những người chăn thuê chỉ làm qua loa chiếu lệ cho xong chuyện. Họ sẵn sàng bỏ đoàn chiên khi có nguy biến hay có thú dữ tấn công.
Từ hình ảnh hết sức thực tế đó, Chúa Giêsu đã tự ví mình như Đấng chăn chiên nhân lành, sẵn sàng sống chết để bảo vệ đoàn chiên. Người không chỉ chăm bẵm cho đàn chiên của mình được ăn no nê, nhưng còn lo lắng cho chúng được sống một cách dồi dào và sung mãn, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Ở đây còn có một điểm khác biệt rõ rệt giữa Chúa Giêsu và những mục tử thông thường, đó là việc Người đảm bảo cho đoàn chiên của mình có sự sống đời đời – điều mà không một người chăn chiên nào trên trần gian này có thể làm được: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).
***
Lời của Chúa Giêsu hôm nay khiến chúng ta được an ủi biết bao, vì Người đã hứa rằng: không bao giờ chúng ta phải diệt vong và không ai cướp được chúng ta khỏi bàn tay Chúa. (x.Ga 10,28).
Thế nhưng để được như vậy, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta hai điều kiện, đó là phải biết “nghe” tiếng chủ chiên và đi “theo” sự hướng dẫn của chủ chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27).
Giữa những xao động của dòng đời ngược xuôi, giữa những ồn ào ngay từ trong chính tâm hồn mỗi người, thì việc nghe được tiếng Chúa quả là một điều không dễ dàng chút nào. Cũng như đàn chiên dễ bị cuốn hút bởi những thảo nguyên bao la và những dòng suối trong lành mà đôi khi quên cả lối về, mỗi chúng ta cũng dễ bị lôi cuốn bởi những hấp dẫn của cuộc sống này, mà đôi lúc rời xa Chúa lúc nào cũng chẳng hay.
Không thiếu những gia đình ngày trước, khi mà kinh tế còn eo hẹp, nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, vợ chồng con cái sớm tối quây quần bên nhau để đi thờ, đi lễ. Thế mà nay, đời sống gia đình có phần “dễ chịu” hơn, có khi còn khá giả nữa là khác, thì ngay cả đến giờ kinh sớm tối trong gia đình chúng ta cũng chẳng giữ cho trọn được. Chúng ta có cả một nghìn lẻ một lý do để biện hộ cho mình, rằng: Chẳng qua cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh…, chúng con còn phải lo lắng làm ăn, chẳng có đủ thời giờ để gặp gỡ Chúa hay để lo lắng những việc đạo đức như xưa nữa, mong Chúa thông cảm… Thời gian đến với Chúa còn chẳng đủ, thì thử hỏi làm sao có thể “nghe” tiếng Chúa nói, chứ đừng mong là “đi theo” Ngài.
***
Chúa Giêsu – Vị chủ chiên đích thực của tất cả chúng ta – vẫn đứng đó chờ đợi chúng ta. Người mong chờ nơi chúng ta một sự đáp trả, bằng việc lắng nghe và bước theo Người.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi tất cả những người trong vai trò là lãnh đạo, ông chủ, hay ít ra là những người chủ gia đình… cũng hãy có trái tim nhân hậu như Chúa Giêsu mục tử, để có thể yêu thương tất cả mọi người, cách riêng là những người được trao phó cho chúng ta. Amen.
Kinh thánh bằng hình: Chúa nhật 4 Phục Sinh năm C
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”