Thiếu Nhi Sống Lời Chúa tuần Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh năm C 18/05/2025

Ga 13,31-33a.34-35
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm C
Bài Ðọc I: Cv 14, 20b-26
“Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.
Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab
Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.
Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a
“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 13, 34
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35
“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
Ðó là lời Chúa.
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Ki-tô phục sinh đã mở lối cho nhân loại bước vào cõi sống muôn đời. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
1. “Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các mục tử trong Hội Thánh được tràn đầy ân sủng của Chúa phục sinh, để các ngài luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa.
2. “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc biết mở lòng khao khát tìm kiếm chân lý và sống theo sự thật, để mọi người vui hưởng hạnh phúc và bình an.
3. “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đang gặp đau khổ và thử thách, vui lòng đón nhận thập giá mỗi ngày, để sinh ơn ích thiêng liêng cho bản thân và cho Hội Thánh.
4. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng nghe, cảm thông và giúp đỡ cho nhau, nhất là cho những ai còn chịu đau khổ thể xác và tinh thần.
Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để rao giảng và thực thi tình yêu cho đến cùng. Xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con, để chúng con cũng biết yêu thương nhau thế nào cho phải. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34)
Chúng con thân mến,
Hôm nay cha muốn dùng một ít phút này để nói với chúng con về hai chữ yêu thương
Chúng con đã biết yêu chưa?
Tình yêu màu gì chúng con?
Cha đố chúng con tình to như thế nào đấy?
Tình yêu có thơm không chúng con?
Đúng là tình yêu không có màu sắc, không có mùi vị, không có to hay nhỏ…nhưng có ai dám bảo là không có tình yêu không? Ai dám nói là không có tình yêu giơ tay lên cho cha xem nào.
Đúng là không ai dám bảo không có tình yêu.
Tình yêu là một cái gì đó rất thật, nhưng người ta không dùng giác quan để thấy được tình yêu. Người ta chỉ có thể thấy được tình yêu qua “Dấu chỉ” của nó.
Chúng con hãy tập làm quen với từ này. Từ dấu chỉ rất quan trọng. Cha cho chúng con một thí dụ: khi chúng con nhìn thấy trên trời có thật nhiều mây, chúng con bảo trời sắp có mưa. Vậy “Mây là dấu chỉ trời sắp có mưa”. Chúng con thấy một người mẹ nghèo thật nghèo đang ẵm một đứa con trên tay và đang chăm chút đú từng muỗm bột cho con, chúng con thấy đó là “Dấu chỉ” của tình….tình gì chúng con .. tình mẹ hay gọi cho nó văn chương hơn…gọi là tình mẫu tử.
Trong Tin Mừng Chúa có kể một dụ ngôn: dụ ngôn người Samaritanô nhân lành mà ai cũng biết. Dụ ngôn kể rằng: có một người kia đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Dọc đường ông bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh ông nhừ tử, rồi bỏ mặc người ấy dở sống dở chết mà đi
Tình cờ có một thầy cả đi qua, trông thấy người ấy nhưng ông tránh qua một bên mà đi.
Sau đó đến một ông thầy Levi.
Sau có một người Samaria cũng đi qua lối đó. Ông thấy, ông động lòng thương. Ông lấy dầu, lấy rượu xoa bóp vết thương cho người bị nạn rồi ông đặt người đó lên lưng lừa của mình chở vào quán trọ.
Hôm sau ông trao cho người chủ quán 2 quan tiền và nói: “Xin săn sóc người này, có tốn kém hơn bao nhiêu thì lúc về tôi sẽ trả thêm”
Trong 3 người đó, ai là người biết yêu thương kẻ bị cướp chúng con?
– Người Samaritanô.
– Rất trúng. Cha khen chúng con đã có con mắt yêu thương.
Phần cha, mỗi lần đọc lại câu chuyện này, cha cảm thấy mình phải xét mình lại.
Thầy cả là người chuyên giúp người ta giữ luật của Chúa, nhưng luật căn bản là bác ái yêu thương thì ông lại không giữ.
Thầy Lêvi thuộc hạng người có thế giá, chăm lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là luật yêu thương thì ông lại không thực hành.
Còn người Samarianô này là người dân ngoại thường bị những người Do thái khinh bỉ và cấm không nên tiếp xúc với họ, thì lại biết yêu người.
Ông không yêu bằng môi miệng nhưng ông yêu bằng hy sinh, bằng việc làm.
Ông đã mất nhiều thời giờ và tiền bạc cho người bị nạn chẳng có họ hàng quen biết gì vối ông. Đó là tình yêu thực sự.
2. Bây giờ chúng con hãy nghe Chúa dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Yêu như Chúa yêu là làm sao?
Cha thấy trước khi nói điều này Chúa đã làm ba việc;
Thứ nhất Chúa cởi áo quì xuống rửa chân cho các môn đệ.
Thứ đến Chúa lập Bí tích Thánh thể.
Cuối cùng Chúa chịu chết trên cây Thánh giá.
Với ba việc đó, Chúa muốn bảo yêu như Chúa là phải phục vụ, phục vụ quên mình.
Yêu như Chúa là phải biết cho đi, cho đi như Chúa ban chính mình qua bí tích Thánh thể.
Yêu như Chúa là phải sẵn sàng hy sinh, hy sinh như Chúa hy sinh trên thập giá.
Chúa bảo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Một hôm có người đến kể cho cho công chúa Eugenie về những việc đang làm cho người đó rất buồn. Công chúa sẵn sàng lắng tai nghe. Sau đó người ấy nói cho công chúa biết về những người dân nghèo khổ trong thành không được ai săn sóc gì cả. Khi họ đau, họ bị bỏ mặc cho đến chết và cái họ cần bây giớ là một nhà thương.
Công chúa Eugenie nghe thấy thế thì bỡ ngỡ lắm. Công chúa đi thẳng xuống thành phố và thấy đúng như vậy.
Lập tức về nhà, bà bán tất cả các nữ trang bà có để lấy tiền và xây ngay một nhà thương. Không bao lâu nhà thương đã được hoàn thành.
Một hôm bà vào thăm nhà thương. Bà vào thăm và thấy mọi người bị bệnh được chăm sóc rất tử tế. Khi tới một giường của một bệnh nhân đàn ông nghèo khó. Vừa nhìn thấy bà, người này bật khóc thành tiếng và nói:
– Công chúa bán tư trang để xây nhà thương này… tôi xin hết lòng biết ơn công chúa.
Nói xong ông khóc to hơn. Công chúa mỉm cười, quay lại nói với đoàn tùy tùng:
– Ta đã cho đi các đồ nữ trang và bây giờ ta lại tìm thấy. Nước mắt của người này đáng giá hơn tất cả những vàng ngọc châu báu của ta.
Yêu thương là như thế chúng con.
Cha kể cho chúng con câu chuyện thứ hai:
Vào thời các nhà tu hành còn sống trong rừng, trong sa mạc Ai Cập … có một nhóm các thầy ẩn tu sống với nhau… mỗi người một chỗ, ăn chay cầu nguyện.
Một hôm có một người đưa đến biếu thày Giuse một chùm nho rất ngon. Thầy Giuse đọc bài Tin Mừng thấy Chúa bảo phải thương yêu nhau… nên thầy đem chùm nho này biếu một thày ẩn tu khác ở không xa chỗ thầy bao nhiêu.
Sau thầy này thấy có một thày ẩn tu già hơn mình nên thầy đem biếu thầy ẩn tu già này chùm nho vùa nhận được.
Sau đó cứ như thế, chùm nho được chuyển từ thầy này đến thầy khác cho đến hết mọi thầy trong rừng… và cuối cùng chùm nho lại trở về với thày Giuse.
Đó cha kể cho chúng con 2 câu truyện để chúng con biết yêu trong việc làm là yêu như thế nào.
Cha nhắc lại cho chúng con một câu cha đọc trong một cuốn sách của một đức cha:
“Yêu là biết cho đi
Cho đi nhiều là dấu chỉ yêu nhiều
Cho đi ít là dấu chỉ yêu ít
Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu không bờ không bến”
Chúc chúng con biết sống yêu thương như Chúa.
Tin Mừng thánh Gioan 13,31-33a.34-35
31Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Dothái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”
31When he had left, Jesus said, “Now is the Son of Man glorified, and God is glorified in him. 32(If God is glorified in him,) God will also glorify him in himself, and he will glorify him at once.
33My children, I will be with you only a little while longer. You will look for me, and as I told the Jews, ‘Where I go you cannot come,’ so now I say it to you. 34I give you a new commandment: love one another. As I have loved you, so you also should love one another. 35This is how all will know that you are my disciples, if you have love for one another”.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu TM thánh Gioan 13,35
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Ai đã rời khỏi phòng tiệc ly? (Ga 13,31)
a. Ông Giuđa.
b. Ông Phêrô.
c. Ông Tôma.
d. Ông Gioan.
02. Đức Giêsu nói: “Giờ đây ai được tôn vinh?” (Ga 13,31)
a. Đấng Giavê.
b. Đấng Giải phóng.
c. Con Người.
d. Vua vũ trụ.
03. Trong lời nguyện này, Đức Giêsu ban cho các môn đệ điều gì? (Ga 13,34)
a. Sự sống đời đời.
b. Đất hứa làm gia nghiệp.
c. Điều răn mới.
d. Thánh Thần.
04. Điều răn mới là gì? (Ga 13,34)
a. Hãy cầu nguyện cho những người thù ghét anh em.
b. Yêu người như chính mình.
c. Anh em hãy yêu thương nhau.
d. Hãy ăn ở công chính.
05. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nào? (Ga 13,35)
a. Anh em hiệp nhất với nhau.
b. Anh em có lòng yêu thương nhau.
c. Anh em cùng tham dự lễ Bẻ Bánh.
d. Anh em cùng cầu nguyện.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Đức Giêsu gọi anh em là những người con bé nhỏ của ai? (Ga 13,33)
02. Khi anh em có lòng yêu thương nhau, là lúc mọi người nhận biết anh em là gì của Thầy? (Ga 13,35)
03. Điều gì giúp mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy? (Ga 13,35)
04. Điều răn mới của Đức Giêsu là anh em hãy làm gì cho nhau? (Ga 13,34)
05. Ai sắp tôn vinh Người? (Ga 13,32)
06. Ai đã rời khỏi phòng tiệc ly? (Ga 13,31)
07. Đức Giêsu nói giờ đây Con Người được điều gì? (Ga 13,31)
08. Trong lời nguyện này, Đức Giêsu ban cho các môn đệ điều gì? (Ga 13,34)
09. Đức Giêsu nói: “Giờ đây ai được tôn vinh?” (Ga 13,31)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tin Mừng thánh Gioan 13,34b
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH C
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề: Anh em là môn đệ của Thầy
* Tin Mừng thánh Gioan 13,35
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
II. TRẮC NGHIỆM
01. a. Ông Giuđa (Ga 13,31)
02. c. Con Người (Ga 13,31)
03. c. Điều răn mới (Ga 13,34)
04. c. Anh em hãy yêu thương nhau (Ga 13,34)
05. b. Anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35)
III. Ô CHỮ
01. Thầy (Ga 13,33)
02. Môn đệ (Ga 13,35)
03. Yêu thương (Ga 13,35)
04. Yêu thương (Ga 13,34)
05. Thiên Chúa (Ga 13,32)
06. Giuđa (Ga 13,31)
07. Tôn vinh (Ga 13,31)
08. Điều răn mới (Ga 13,34)
09. Con Người (Ga 13,31)
Hàng dọc: Yêu Thương
vhtk Mê Cung CN5PsC

Mê Cung rất dễ. Bạn hãy đi từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc. Rất dễ bạn ạ.
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Phục Sinh năm C
“Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Lời Chúa: Ga 14,23-29
23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
Câu hỏi:
1. Đức Giêsu nói những lời này khi nào, trong khung cảnh nào? Đọc từ đầu Tin Mừng Gioan chương 13.
2. Đọc Ga 13, 31. Tại sao khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu lại nói: Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người?
3. Trong Cựu Ước, “vinh quang của Thiên Chúa” có nghĩa gì? Trong Tin Mừng thứ tư, vinh quang Thiên Chúa có được tỏ lộ nơi Đức Giêsu không? Đọc Ga 1, 14; 2, 11; 11, 4; 17, 5.22.24.
4. Đọc Ga 13, 32; 17, 1. Bạn có thấy Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu tôn vinh nhau không? Tôn vinh nhau nghĩa là gì?
5. Đọc Ga 13, 34. Tại sao đây lại là một điều răn mới? Mới ở điểm nào?
6. Đọc Ga 13, 35. Đức Giêsu có dạy các môn đệ yêu thương người ngoài không? Điều này có khác với Mc 12, 28-34 và Mt 5, 43-45 không?
7. Tin Mừng thứ tư có mở ra với thế giới những người chưa tin không? Đọc Ga 3, 16; 4; 10, 16; 17, 20; 20, 21.
GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Giêsu coi tình yêu mến nhau giữa những người Kitô hữu là dấu hiệu giúp nhận ra nhóm môn đệ của Ngài. Bạn có đồng ý không? Bạn có muốn bổ sung một dấu hiệu nào khác không? Hiện nay điều gì làm người ta không nhận ra khuôn mặt của người môn đệ Chúa?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trước lễ Vượt Qua cuối cùng của đời Ngài, trong bữa ăn cuối với các môn đệ, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các ông, để cho họ thấy mẫu mực của tình yêu phục vụ (Ga 13, 1-20). Ngài cũng báo về sự phản bội của một người trong Nhóm Mười Hai (Ga 13, 21). Sau khi nhận và ăn miếng bánh Thầy trao, Giuđa đã ra đi trong đêm tối để chuẩn bị kế hoạch bắt Đức Giêsu (x. Ga 13, 30; 18, 2-5). Khi bữa ăn kết thúc, Đức Giêsu đã nói những lời từ biệt các ông (Ga 13, 31 – 16, 33). Bài Tin Mừng hôm nay là những lời đầu tiên của Bài từ biệt ấy (Ga 13, 31-33a.34-35).
- Sau khi Giuđa rời khỏi phòng tiệc để đi nộp Thầy, Đức Giêsu biết GIỜ của mình đã đến rồi, giờ Ngài sắp ra khỏi thế gian này mà về với Cha (Ga 13, 1). Con đường về với Cha là con đường đi qua cái chết trên thập giá. Trong Tin Mừng thứ tư, bị giương cao trên thập giá không phải là một ô nhục như những người Do-thái thường nghĩ, cho bằng là lúc Đức Giêsu được Cha tôn vinh. Cái chết thập giá gắn liền với vinh quang phục sinh. Chính vì thế, khi biết cái chết trên thập giá đang đến gần, Đức Giêsu nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh.” Thiên Chúa Cha sẽ tôn vinh Con qua cái chết thập giá, và ngược lại, Thiên Chúa Cha được tôn vinh nơi Con (Ga 13, 31). Như vậy, nơi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Cha và Con tôn vinh nhau. Thập giá của nhục nhã và bất công lại là nơi vinh quang của Chúa Cha và Chúa Giêsu tỏ lộ. Đây là nơi tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa đối với nhân loại được diễn tả. Đây cũng là nơi Đức Giê su cho thấy mình là Đấng Hằng hữu (Ga 8, 28), là nơi Ngài trao ban nguồn mạch sự sống (Ga 19, 34).
- Chúng ta thường đọc “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, ” hay đúng hơn, “Vinh quang Thiên Chúa trên các tầng trời.” Khi Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người, con người sẽ thấy Thiên Chúa trong uy nghi, quyền năng, thánh thiện, tỏa sáng chói lọi. Những điều ấy cho ta thấy phần nào vinh quang siêu việt của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa làm người. Ngài đã đồng hưởng vinh quang với Chúa Cha từ vĩnh cửu (Ga 17, 5.22.24). Khi thành người, Ngài đã cho con người thấy vinh quang của Ngài (Ga 1, 14). Tại dấu lạ ở tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài (Ga 2, 11). Đức Giêsu hoàn sinh Ladarô là để “cho vinh quang của Thiên Chúa” và để “Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11, 4).
- Tôn vinh một người là làm cho vinh quang của người đó được biểu lộ ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Con Thiên Chúa làm người không tìm vinh quang cho chính mình, nhưng luôn tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình đến trần gian (Ga 7, 18). Qua cái chết thập giá, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha và Chúa Cha tôn vinh Chúa Con. Giờ chết là giờ về với Cha, cũng là giờ được Cha tôn vinh (Ga 12, 23). Gioan 13, 32 cho thấy Cha tôn vinh Con, và Con tôn vinh Cha; đồng thời, Cha được tôn vinh trong Con, và Con được tôn vinh trong Cha. Trong Lời Nguyện dâng lên Cha của Chúa Giêsu ở chương 17, Ngài đã nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha, để Con tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).
- Vào giây phút cuối đời, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và xin họ hãy làm như Thầy (Ga 13, 14-15). Sau đó, Ngài lại ban cho họ một điều răn mới, đó là hãy yêu mến nhau. Rửa chân và yêu mến là hai thái độ đi với nhau khi sống với người khác. Trước khi lìa đời, người sắp ra đi thường để lại di chúc, hay những lời dặn dò tâm huyết. Đức Giêsu đã để lại chỉ một điều răn cho các môn đệ của Ngài. Không phải Mười điều răn như thời ông Môsê. Ngài gọi đây là điều răn mới. Cái mới nằm ở chỗ Ngài đòi các môn đệ phải yêu nhau NHƯ Ngài đã yêu họ (Ga 13, 34; x. 15, 12). Đức Giêsu sắp bước vào cuộc Khổ Nạn, Ngài sẽ yêu các môn đệ bằng tình yêu lớn nhất, tình yêu dám hiến mạng sống: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
- Đức Giêsu coi dấu hiệu để mọi người nhận ra nhóm các môn đệ của Ngài, đó là tình yêu (agapê) mà họ có đối với nhau (Ga 13, 35). Yêu mến nhau là nét đặc trưng bất biến của nhóm môn đệ Chúa Giêsu qua mọi thời đại, trước mặt mọi người. Có người nghĩ rằng như thế nhóm môn đệ của Chúa sẽ trở nên khép kín, cục bộ, vì chỉ biết yêu nhau thôi. Thật ra, ở đây, trong bầu khí chia tay các môn đệ trước khi lìa đời, Đức Giêsu chỉ muốn nhắn nhủ cho riêng họ thôi. Ngài không cấm họ yêu người ngoài nhóm, hay yêu những người không tin. Chính khi họ thật tình yêu nhau, họ mới có thể làm chứng cho người ngoài nhóm được, cho “mọi người nhận biết” (Ga 13, 35).
- Con Một Thiên Chúa được sai đến cho thế gian (kosmos), cho cả nhân loại (Ga 3, 16), và Ngài tiếp tục sai các môn đệ vào thế gian (Ga 20, 21). Trong Lời Nguyện trước khi lìa đời, Đức Giêsu đã nhớ đến những người sau này sẽ trở nên môn đệ (Ga 17, 20). Ngài đã đến gặp người phụ nữ Samaria (Ga 4). Ước mơ lớn của Ngài là đưa những chiên ngoài ràn về một mối (Ga 10, 16).

Trò chơi ô chữ – Chúa nhật V Phục sinh – Năm C