Bản tin Huynh Đoàn Đa Minh: Thư tháng 05.2023: Bó hoa muôn sắc

Thư tháng 05.2023: Bó hoa muôn sắc

Tình yêu chính là ý nghĩa hay phẩm tính căn bản của sự sống. Thời nào và ở bất cứ nơi đâu người ta cũng cần tới tình yêu và thế giới con người đã không ngừng nói về tình yêu bằng biết bao nhiêu cách thức, bằng biết bao nhiêu cách thức, qua biết bao nhiêu tình huống khác nhau… Đó là sự phong phú của tình yêu, sự phong phú “bên ngoài”, sự phong phú như là tổng số của nhiều thứ tình yêu.

Tuy nhiên, điều con người cũng thường ít để ý là tính phong phú như là chính phẩm tính căn bản của tình yêu chân chính, tính phong phú trong mỗi và nơi mọi tình yêu. Nói cách khác, người ta thường chỉ thấy “sự phong phú” của nhiều loại tình yêu mà ít nhận ta “tính phong phú” như là bản chất của tình yêu; người ta thấy có nhiều loại tình yêu, gồm cả những thứ yêu lệch lạc, biến tướng, mà ít thấy rằng một tình yêu nào chân chính thì phải được triển nở phong phú.

Quả thật, “sự phong phú” của nhiều loại tình yêu có thể cho tay thấy một “bức tranh” tổng hợp muôn mầu muôn sắc, nhưng “tính phong phú” của tình yêu lại mời gọi ta chiêm ngắm huyền nhiệm phong phú của sự sống. Sự sống ấy, của một sinh vật nào đó, tuy ở đây và lúc này, rất đơn sơ, nhỏ bé, nhưng lại hàm chứa cả một thiên nhiên tính phong phú. Như thế, tình yêu đích thực phải là sự sống đích thực. Đối với con người, tình yêu chính là ý nghĩa căn bản của sự sống, nên sự sống con người đích thực cũng phải là tình yêu.

Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Gia Đình, đã long trọng nhắc lại điều chính ngài đã nói trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” như sau :

“Điều tôi đã viết trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” (s.10) được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình : “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiêm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó”. (Tông huấn Gia Đình, số 18).

Một khi đặt nền tảng của mọi sinh hoạt của con người, cũng như mọi sinh hoạt trong Giáo hội, trên nền tảng sự sống và tình yêu, chúng ta hiểu ra tính phong phú như là điều không thể thiếu trong Tin Mừng Nước Trời :

“Vì Ta bảo các ngươi : nếu đức công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt Phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời “ (Mt 5, 20)[1].

Tính phong phú của từng cá nhân làm nên sự hoàn hảo của cái toàn thể. Hai điều đó không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Do đó, chúng ta biết Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nhằm tới cái toàn thể bằng cách phát triển cái cá biệt:

“Vì Kitô gíao nhắm tới cái toàn thể, vì nó có khởi điểm và cùng đích là cộng đoàn hiệp thông, vì nó không phải là ơn cứu độ cho từng cá thể riêng rẽ nhưng phục vụ cho Toàn Thể, một đòi hỏi mà mỗi các thể không thể và không được phép trốn tránh, chính vì như thế mà Kitô giáo dựa cách hết sức triệt để trên nguyên lý “Cá Thể”. (J. Ratzinger, trang 266-267)[2]

Như thế, sự sống đức Tin Kitô giáo vượt qua sự đối lập giữa cá nhân và tập thể, nhưng hướng tới một toàn thể bao hàm sự phát triển trọn vẹn của từng cá nhân. Tuy nhiên, sự hoà hợp này chỉ có thể được thực hiện nhờ đức Giêsu Kitô. Để thực hiện được một chương trình cứu độ lạ thường như thế, Thiên Chúa đã lựa chọn một cách thức mời gọi con người tuyên xưng niềm tin vào một “đức Giêsu là Đấng Kitô”.

“Chính ở điểm này mà chúng ta có thể thấy được tính tất yếu nội tại của niềm tin điên rồ; tuyên xưng Giêsu Kitô, một cá thể, một con người độc nhất là ơn cứu độ của thế giới. Cá Thể là ơn cứu độ của Toàn Thể, và Toàn Thể nhận được cứu độ từ một Cá Thể chân thực, và cũng chính vì thế mà con người đó không còn hiện hữu cho riêng mình” (J. Ratzinger)[3].

Trong đức Kitô, Giáo hội mới thực sự là một “bó hoa muôn sắc”; nơi đó, gồm có cả sự triển nở phong phú của mỗi bông hoa và sự hài hoà của cả một bó hoa. Điều này cũng thường bị bỏ quên trong một mớ các giáo huấn luân lý. Người ta thường trình bày luân lý Kitô giáo như một số các mệnh lệnh đòi buộc, như một sự cưỡng bức từ bên ngoài, như một thứ mất mát để đổi lấy “phần rỗi linh hồn”… Cách trình bày ấy không làm nên được sự hoàn hảo của cái toàn thể. Giáo hội hiệp hành chỉ thực sự là một “bó hoa muôn sắc” khi Giáo hội được Đức Giêsu thanh tẩy và thánh hoá “để trước mặt mọi người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn, hoặc bắt cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”. (Ep, 5,27)

[1] Theo bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn.

[2] X. J Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo, Hôm qua và Hôm nay, bản dịch của lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội -2009.

[3] Nt, trang 267

Huynh Đoàn Đa Minh GP. Bà Rịa : Thăm viếng huynh đệ Liên huynh Vũng Tàu

https://hddmvn.net/huynh-doan-da-minh-gp-ba-ria-tham-vieng-huynh-de-lien-huynh-vung-tau/

Sáng ngày 11/05/2023, sau những biến cố và trở ngại bởi dịch covid, Huynh Đoàn Đa Minh Giáo phận Bà Rịa đã có chuyến thăm viếng huynh đệ với Liên Huynh Vũng Tàu tại nhà thờ giáo xứ Trung Đồng, thuộc hạt Vũng Tàu.

Đoàn thăm viếng gồm có Cha Gioan Nguyễn Khắc Tuấn OP – Đặc trách Huynh đoàn Đa Minh Giáo Phận Bà Rịa. Cùng quý anh chị trong Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Giáo Phận.

Về phía Liên Huynh Vũng Tàu, cùng làm việc với Đoàn thăm viếng có Ban Phục Vụ Liên Huynh và Ban Phục Vụ các Huynh đoàn thuộc Liên Huynh Vũng Tàu.

Sau nghi thức thánh hoá, Anh Thomas Aquino Trần Quốc Thanh – Phụ Trách Học Tập Huynh đoàn Giáo Phận giới thiệu các anh chị trong Ban Phục Vụ Huynh đoàn Giáo Phận. Kế đến anh Gioan Nguyễn Đình Thành – Trưởng Ban Phục vụ Liên Huynh Vũng Tàu có đôi lời chào mừng đến Cha Đặc Trách và Quý Anh trong đoàn thăm viếng.

Trong phần báo cáo sơ bộ, Liên Huynh Vũng Tàu hiện có 10 huynh đoàn với tổng số 422 đoàn viên. Hiện tại có một số anh chị đoàn viên do tuổi tác đã cao, hoặc bệnh tật nên không thể tham gia sinh hoạt chung với Liên huynh nhưng vẫn sinh hoạt với huynh đoàn. Về phần các em giới trẻ, hiện nay Liên huynh có rất ít giới trẻ tham gia do các em lớn lên phải đi làm và đi học xa.

Sau phần báo cáo, cuộc thăm viếng được chia thành các nhóm làm việc và trao đổi. Đoàn thăm viếng ghi nhận những ý kiến về điều hành và sinh hoạt, kiểm tra sổ sách và hướng dẫn ban phục vụ thi hành sứ vụ sao cho đúng với chức phận của mỗi thành viên, cùng với những đề nghị đóng góp cho việc phát triển trong Huynh đoàn cũng như Liên Huynh.

Sau khi làm việc, Cha Đặc Trách có đôi lời gửi tới các anh chị em đoàn viên, mỗi người chúng ta còn được hiện diện và gặp gỡ nhau đây là một hồng ân rất lớn. Chúng ta nên biết tiếp thu, trao dồi và dùng khả năng của mình để thi hành sứ vụ, chúng ta gặp gỡ nhau là để chia sẻ, để cùng nhau chung tay mang tinh thần của một người con Cha Thánh Đa Minh đến với mọi người xung quanh.

Kế đến anh Vinh sơn Phạm Văn Toản – Trưởng Ban Phục Vụ Huynh đoàn Giáo Phận gửi lời cảm ơn đến Ban Phục Vụ Liên Huynh cũng như các Huynh đoàn thuộc Liên Huynh Vũng Tàu đã không quản ngại bớt chút thời gian quy tụ đông đủ về giáo xứ Trung Đồng để tham gia buổi gặp gỡ và thăm viếng trong tinh thần Đa Minh. Các anh chị là những cánh tay nối dài của Ban Phục Vụ Huynh đoàn Giáo Phận. Xin quý anh chị luôn cùng đồng hành và cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông – tham gia sứ vụ .

Cũng như để hoàn thiện trong công tác phục vụ, điều hành và ghi biên bản, Đại diện các Ban giải đáp những thắc mắc để các anh chị trong Ban Phục vụ Huynh đoàn hiểu và thực hành một cách tốt đẹp hơn, có trình tự hơn.

Kết thúc buổi thăm viếng, Đại diện BPV/LH Vũng tàu có đôi lời cám ơn đến Cha Đặc Trách, Quý anh chị trong BPV Huynh đoàn Giáo Phận đã đến gặp gỡ cũng như chia sẻ với Liên Huynh. Sự hiện của Cha cũng như Quý anh chị là những lời động viên, khích lệ cho Liên Huynh thêm hăng say trong sứ vụ mà Chúa và Dòng trao phó. Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành xuống trên Cha cũng như quý anh chị, để Cha cùng quý anh chị luôn đồng hành cùng Liên Huynh Vũng Tàu trong việc phát triển ơn gọi Đa Minh nơi mọi người.

BTTHĐGPBR

XEM THÊM HÌNH ẢNH