10 CÁCH GIÚP TÌNH CẢM GIA ĐÌNH THÊM GẮN BÓ

 

Một gia đình hạnh phúc luôn là mong muốn của hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, tình cảm gia đình sẽ không mặn nồng nếu các thành viên không biết giữ lửa. Người ta thường nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, điều này đúng song chưa đủ bởi nếu chỉ có bàn tay người phụ nữ mà các thành viên khác không biết vun vén thì không thể trọn vẹn. Vì vậy, việc vun đắp hạnh phúc gia đình đòi hỏi sự chung tay hợp tác từ các thành viên. Sau đây là 10 bí quyết bỏ túi giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó, hạnh phúc, bạn hãy tham khảo nhé!
1. Dành nhiều thời gian trò chuyện cùng nhau
Việc dành nhiều thời gian để nói chuyện, tương tác giữa các thành viên trong gia đình có vẻ đơn giản nhưng với cuộc sống bận rộn như hiện nay đó là điều hiếm hoi với nhiều gia đình. Nói chuyện không chỉ giúp cha mẹ, con cái hiểu nhau hơn mà còn giúp giải quyết được nhiều vấn đề. Ví dụ khi một thành viên gặp chuyện rắc rối thì những lời khuyên, những chia sẻ của các thành viên khác sẽ làm ấm lòng hơn, đồng thời có cách giải quyết vấn đề thông minh hơn.
Trò chuyện là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình. Nếu trong nhà các bé được nói chuyện thường xuyên với ba mẹ thì các em sẽ thấy ấm áp, được yêu thương, được chăm sóc. Ngược lại những em ít nói chuyện với ba mẹ sẽ thấy lạc lõng, cô đơn và từ đó các em thấy cha mẹ không thực sự là người đủ tin tưởng để mình tâm sự.
Cả gia đình nên tận dụng những khoảng thời gian bên nhau để nói chuyện, đừng nghĩ rằng con còn nhỏ và chưa cần hiểu chuyện người lớn nên hạn chế chia sẻ những câu chuyện về công việc, cuộc sống của bạn. Hãy thoải mái chia sẻ với con về tất cả những chủ đề bạn muốn và quan tâm tới những câu chuyện của con!
2. Ăn tối chung
Thời gian cha mẹ và con cái bên nhau thường không nhiều, nhất là với những người bận rộn. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc mệt mỏi, bữa tối cả gia đình quây quần bên nhau để thưởng thức bữa tối thì thật tuyệt vời. Bạn sẽ thấy sự ấm áp của không khí gia đình khi cả nhà cùng nhau ăn tối. Thỉnh thoảng bạn có thể đổi gió bằng những bữa tối ở nhà hàng, quán sá với sự tham dự của mọi thành viên.
Thật tuyệt vời hơn nữa khi cả gia đình cùng vào bếp hay thỉnh thoảng người chồng sắp xếp thời gian vào bếp nấu cho vợ con những món ăn cả gia đình thích. Điều quan trọng là dành một khoảng thời gian ăn tối cùng nhau để không khí gia đình đầm ấm hơn. Đối với những người vợ, người mẹ việc thấy chồng con ngon miệng với bữa tối mà mình chuẩn bị là một niềm vui lớn. Vì vậy, đừng quên dành những lời khen để khuyến khích những người phụ nữ mình yêu thương khi họ vào bếp.
3. Cùng nhau làm việc nhà
Quan niệm của người phương Đông là thường phó mặc việc nhà cho vợ, tuy nhiên đây là điều không được khuyến khích. Việc nhà là việc chung và các thành viên trong gia đình cần có trách nhiệm. Khi cha mẹ, con cái cùng nhau làm việc nhà sẽ giúp san sẻ vất vả cho người phụ nữ, đồng thời còn giúp gia đình quây quần bên nhau. Hơn nữa con bạn cũng cần được dạy dỗ cách làm việc nhà để tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ có thể hướng dẫn con làm việc nhỏ, việc lớn tùy theo lứa tuổi của mình.
Khi làm việc nhà các thành viên có cơ hội bên nhau, cùng nhau chuyện trò, đó cũng là sự kết nối các thành viên với nhau. Khi người chồng, con cái cùng chung trách nhiệm chia sẻ việc nhà sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với gia đình và có mái nhà ấm áp để đi về.
4. Lên kế hoạch đi chơi khi có thể
Những chuyến đi ngắn ngày hay dài ngày đều rất có ý nghĩa đối với cả gia đình. Việc đi chơi không chỉ giúp mọi thành viên xả stress hiệu quả mà còn giúp cha mẹ và con cái thấy vui vẻ, gần gũi hơn. Những buổi đi chơi sẽ giúp bạn cảm nhận được sự ấm áp mà chỉ gia đình mới có được.
Bên cạnh đó, gia đình bạn cũng nên thường xuyên cùng nhau đi dạo phố, đi ăn uống… với đầy đủ mọi thành viên. Thực tế hiện nay nhiều gia đình không có đủ thời gian cho những bữa cơm chung huống hồ gì là chuyện đi chơi. Tuy nhiên, bạn cần xem lại điều này bởi nó ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống gia đình. Nếu khoảng thời gian cha mẹ và con cái bên nhau quá ít thì chắc chắn mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy thiếu thốn không khí của một gia đình đúng nghĩa. Các em còn nhỏ và rất cần được cha mẹ dành nhiều thời gian cho mình. Vì vậy, hãy dẫn con đi chơi khi có thể để bé học hỏi được nhiều điều hay và cảm nhận tình yêu thương, ấm áp cha mẹ dành cho mình.
5. Cha mẹ biết lắng nghe ý kiến con cái
Việc lắng nghe ý kiến của con rất quan trọng vì sẽ khiến các em thấy mình được tôn trọng, được quan tâm. Khi bé nói ra bất cứ điều gì thì cha mẹ cũng nên lắng nghe ý kiến của con và thực sự nhiều khi ý kiến của các em rất hay, rất đáng được hoan nghênh.
Mỗi người đều có quan điểm riêng và bạn đừng nghĩ rằng con còn nhỏ nên chưa thể đóng góp ý kiến vào chuyện gia đình. Ngược lại, các bé cần được rèn luyện từ sớm việc đóng góp ý kiến của mình vào công việc chung. Như vậy cũng là cách rèn luyện tư duy cho các em sau này. Khi con có ý kiến, cha mẹ nên suy nghĩ và nếu là ý kiến phù hợp thì nên khuyến khích bé, nếu ý kiến đó chưa thực sự đúng thì hãy phân tích và giảng giải cho con hiểu. Khi được cha mẹ lắng nghe ý kiến, bản thân các em cũng cảm thấy mình quan trọng và được cha mẹ tin tưởng từ đó các em sẽ phát huy hơn nữa.
6. Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
Trong một gia đình, việc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng và đó là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc. Bạn không nên có sự phân biệt quyền hành trong gia đình bởi giữa chồng và vợ có vai trò riêng. Điều quan trọng là cố gắng làm tốt những vai trò này và hài hòa với nhau để tình cảm thêm mặn nồng, đặc biệt hơn nữa là sự thông cảm cho nhau để cùng vượt qua tất cả.
Giữa cha mẹ và con cái cũng vậy, hai thế hệ đóng vai trò khác nhau nên có trách nhiệm khác nhau. Cha mẹ cũng đừng đòi hỏi ở con quá nhiều mà quan trọng là hiểu và thông cảm cho con. Các em có quyền quyết định những việc riêng của mình, vì thế cha mẹ hãy là người tư vấn, hướng dẫn con nhưng quyền quyết định thì hãy để các em. Nếu các bé được làm theo nguyện vọng của mình các em sẽ thấy mình được cha mẹ tôn trọng và từ đó sẽ kính phục hơn.
7. Tạo sự đồng thuận giữa cha mẹ và con cái
Trong một gia đình không phải lúc nào cũng có được tiếng nói chung bởi mỗi người một tính cách khác nhau. Điều quan trọng là cần tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên. Ông bà ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” và đúng như thế, nếu tìm được sự đồng điệu thì mọi người sẽ thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Nhiều gia đình hiện nay người chồng đóng vai trò là người quyết định mọi việc nên không hỏi ý kiến vợ con. Tuy nhiên, đây là điều không được khuyến khích vì cho thấy sự độc đoán của người chồng. Một ý kiến thường không hay bằng nhiều ý kiến, vì vậy hãy cùng thảo luận, thống nhất mọi vấn đề trong gia đình rồi mới làm thì mang lại hiệu quả tốt hơn. Hơn nữa các thành viên cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Hãy để các thành viên đều có tiếng nói thì gia đình bạn sẽ có quyết định sáng suốt hơn.
8. Giúp đỡ, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống cùng nhau
Điều này nghe có vẻ rất dễ vì nhiều người nghĩ rằng, việc chia sẻ trách nhiệm nuôi con, tiền bạc là đã làm tốt trách nhiệm với gia đình, tuy nhiên, thực tế không như vậy, việc chia sẻ tiền bạn chỉ mới là một khía cạnh mà điều quan trọng nữa là sự chia sẻ về mặt tinh thần.
Bất cứ một việc lớn hay nhỏ cũng nên chia sẻ để các thành viên hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Việc không chia sẻ, giúp đỡ có lẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Người chồng, người vợ hay con cái đều có những vướng mắc riêng trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, điều quan trọng là hãy cùng bàn bạc với nhau để giúp đỡ nhau vượt qua. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm để gia đình bạn được gần gũi nhau hơn. Với các bé việc chia sẻ này lại càng quan trọng vì nó là bước đệm giúp bé vượt qua và đứng vững trong những lần vấp ngã.
9. Động viên, khuyến khích nhau làm những việc tốt
Những lời khen, lời động viên rất quan trọng vì nó giúp chúng ta có động lực vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, đừng tiết kiệm những lời khen dành cho nhau khi cha mẹ, con cái có những việc làm tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có những phần quà, phần thưởng để động viên các thành viên cùng cố gắng.
Với nhiều gia đình, lời khen có vẻ còn tiết kiệm còn lời chê thì phung phí nhưng bạn hãy nghĩ rằng mỗi cá nhân đều có lòng tự trọng và luôn muốn được khẳng định bản thân mình. Vậy tại sao không dành cho nhau những lời khen đúng mực và hạn chế những lời chê khi không cần thiết? Làm việc tốt không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình mà còn cho toàn xã hội, như vậy hành động tốt rất đáng được khuyến khích và hãy tạo động lực cho các thành viên trong gia đình cùng thực hiện.
10. Coi gia đình là số 1
Gia đình quan trọng với mỗi người và hãy xem gia đình là số 1, là nơi bình yên nhất mà mỗi người có được, khi đó bạn sẽ có hứng khởi để trở về tổ ấm. Hãy nghĩ rằng đằng sau mình là một gia đình hạnh phúc ngập tràn tiếng cười, sự ấm áp của những người thân yêu. Như vậy, dù có đi đâu thì bạn vẫn muốn trở về nhà để cảm nhận sự hạnh phúc bình yên này.
Một tổ ấm hạnh phúc sẽ là chỗ dựa vững chắc theo chúng ta suốt cuộc đời. Vì vậy, hãy chăm sóc gia đình để mọi thành viên trong nhà đều cảm nhận được gia đình là số 1 bạn nhé. Hãy xóa bỏ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái bằng những bí quyết trên đây nhé!