Sống Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Hiển Dung 06.08.2023

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN. A

(Mt. 14:13-21)

KHO TÀNG

Vào nơi hoang địa khô khan,

Nhiều người theo Chúa, xin ban ơn lành.

Xót thương dân chúng đồng hành,

Chữa lành bệnh tật, nhân danh Chúa Trời.

Suốt ngày say đắm nghe lời,

Hoàng hôn dủ xuống, biết nơi nào về.

Xa nhà, bụng đói trăm bề,

Thương thay số phận, đừng chê trách gì.

Cảm thông ân lượng từ bi,

Thức ăn ban phát, những khi cần dùng.

Làm sao năm bánh chia chung,

Chỉ còn hai cá, ai dùng ai không.

Quây quần bên Chúa đám đông,

Trong tay bánh cá, mong trông phép lành.

Ngợi khen Thiên Chúa thánh danh,

Đọc lời chúc tụng, chân thành tri ân.

Tông đồ phân phát cho dân,

Hóa thành bánh cá, dư phần trao ban.

Năm ngàn nhân khẩu sẻ san,

Mười hai thúng vụn, dư tràn ân thiêng.

Trong khi những nhà giầu có ẩn náu sau bức tường cao. Những người nghèo vẫn đi ăn xin để nuôi sống. Theo thống kê, có gần một nửa số dân chúng trên thế giới không có đủ nước uống trong lành và an toàn. Có khoảng 450 triệu người đói khi lên giường ngủ. Nghe thế, đôi khi chúng ta chẳng quan tâm và nghĩ rằng chuyện đó khó tin và chẳng liên quan gì tới chúng ta.

Trong bài phúc âm hôm nay, nhiều người gặp được Chúa như tìm được một kho tàng. Mọi người tuôn về bên Chúa, người thì xin ơn chữa bệnh, người thì đến nhìn xem việc lạ lùng và kẻ thì đến lắng nghe Lời hằng sống. Họ mải mê bên Chúa quên ngày giờ và quên cả đói khát. Họ cảm thấy an vui bên Chúa. Họ không còn lo lắng của ăn, áo mặc. Có Chúa là có tất cả.

  Điều gì đã lôi cuốn họ đến với Chúa. Đó không phải là hội ca đàn nhạc, không diễn hành, không tiệc tùng lễ hội, không ca múa và không kịch nghệ. Chỉ có Chúa là vai chính ở nơi hoang vắng.  Chúa có sức thu hút mãnh liệt. Lời Chúa có sức mạnh vô song. Biến đổi tất cả.

Chúa tỏ lòng thương xót họ. Chúa quan tâm đến những nhu cầu cuộc sống của họ. Chúa nhìn thấu tâm hồn khao khát chân lý của họ. Và Chúa đã chữa lành tâm hồn và thể xác cùng với mọi bệnh hoạn tật nguyền.

Trong bài phúc âm hôm nay, diễn tả hành động bác ái của cậu bé đã góp phần ăn dưỡng nuôi nhiều người. Nếu mỗi người chúng ta biết chia xẻ một phần nhỏ của những cái chúng ta có, chúng ta cũng sẽ góp phần làm vơi nhẹ những khổ đau trong cuộc sống của những người xung quanh.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ cho 5 hay 10 đồng thì có là chi so với nhu cầu của hàng triệu người đang đói khát. Và thế là chúng ta đóng cửa lòng lại không muốn cho nữa. Cần lắm bạn ạ, chỉ ít tiền xu góp nhặt cũng đủ làm vơi bớt một nỗi sầu. Hãy đốt lên một ngọn nến, còn hơn ngồi đó để nguyền rủa bóng tối.

Chúa vẫn cứ tiếp tục ban ơn cho chúng ta. Chúa ban phát dư tràn. Chúa còn cho họ ăn no nê cả phần hồn lẫn phần xác. Chúa đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúng ta hãy đến với Chúa. Chúa sẽ không để chúng ta về tay không.

THỨ HAI, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 14, 13-21).

THẦN LƯƠNG

Tìm nơi vắng vẻ nguyện cầu,

Đoàn dân lũ lượt, giãi dầu gió sương.

Bơ vơ khao khát tình thương.

Chữa lành thân xác, thần lương nuôi hồn.

Giữa nơi hoang địa hoàng hôn,

Xin Thầy giải tán, vào thôn mua hàng.

Giê-su thương cảm dân làng,

Các con giúp họ, dọc dàng khó khăn.

Kiếm gì cho họ cùng ăn,

Đây là bánh cá, thức ăn thường dùng.

Chúa truyền dân chúng ngồi chung,

Tạ ơn Thiên Chúa, chia chung mọi người.

Nhân thêm bánh cá diệu vời,

Năm ngàn nhân khẩu, đầy vơi dư tràn.

Mười hai thúng vụn ơn ban,

Chúa cho dư giả, tràn lan phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 14, 22-36).

YÊN TÂM

Một mình cầu nguyện bên đồi,

Môn đồ rời bến, một hồi thật lâu.

Chúa còn ở lại phía sau,

Con thuyền giữa biển, biết đâu nương nhờ.

Chập chờn ngược gió xa bờ.

Chúa đi mặt biển, tơ mơ ngắm nhìn.

Ma kìa, sợ hãi rùng mình,

Yên tâm, đừng sợ, dáng hình Thầy đây.

Phê-rô nhận biết là Thầy,

Xin đi mặt nước, đến Thầy được không?

Chúa rằng bước đến bên hông,

Gió lùa thổi mạnh, thân ông chìm dần.

Lạy Thầy xin cứu thân trần,

Giơ tay cứu đỡ, con cần đức tin.

Lên thuyền biển lặng ngước nhìn,

Lạy Con Thiên Chúa, cầu xin phúc lành.

THỨ TƯ, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 15, 21-28).

KIÊN TÂM

Đàn bà ngoại giáo cầu xin,

Lạy Thầy thương xót, con tin nơi Ngài.

Theo sau cứ mãi van nài,

Con tôi quỉ ám, xin Ngài cứu cho.

Chẳng rằng chẳng nói lý do,

Chúa không đáp lại, tò mò dõi theo.

Môn đồ khó chịu kèo nhèo,

Xin Thầy thương xót, nhà nghèo khổ đau.

Chúa rằng sai đến trước sau,

Lo cho chiên lạc, hãy mau tụ về.

Nài xin kiên nhẫn mọi bề,

Không nên vứt bánh, bên lề bàn ăn.

Bà thưa mảnh vụn rớt lăn,

Chó con được hưởng, phần ăn dưới bàn.

Đức tin mạnh mẽ ơn ban,

Chúa cho bà ấy, muôn vàn hồng ân.

THỨ NĂM, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 16, 13-19).

ĐỨC KITÔ

Con Người giáng thế là ai?

Người ta suy đoán, thiên sai từ trời.

Ê-li-a đội lốt người,

Giê-rê-mi-a, xuống đời truyền rao.

Tiên tri nào đó trên cao,

Không ai biết rõ, vị nào Thầy đây.

Là ai? Các con nghĩ Thầy,

Phê-rô đại diện, trình bày đức tin.

Ki-tô Con Chúa đoái nhìn,

Si-mon có phúc, con tin vào Thầy.

Không do máu huyết giãi bày,

Nhiệm mầu mạc khải, Cha Thầy khấng ban,

Phê-rô là Đá trần gian,

Thầy xây Hội Thánh, gian nan trong đời.

Trao con chìa khóa Nước Trời,

Giam cầm tháo cởi, người đời tự do.

THỨ SÁU, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 16, 24-28).

THẬP GIÁ

Theo Thầy, từ bỏ mình đi,

Hãy mang thập giá, từ bi sống đời.

Ai mong cứu sống cuộc đời,

Kết cùng sẽ mất, Nước Trời ngày sau.

Ai đành mất mạng vì đau,

Sẽ ban sự sống, đời sau thanh nhàn.

Nếu ngươi lợi cả thế gian,

Mất đi sự sống, trần gian nghĩa gì?

Con Người cứu thế từ bi,

Ban ân thưởng phạt, phụ tùy sống ngay.

Trả công nhân đức đời này,

Ngày sau vinh hiển, no say phúc lành.

So đo cuộc sống tranh dành,

Hướng về cùng đích, thực hành tin yêu.

Tình yêu Thiên Chúa cao siêu,

Đổ tràn ân phúc, thiên triều thánh ân.

THỨ BẢY, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Mt 17, 14-19).

TRỪ TÀ

Một người quì gối van xin,

Chữa lành quỷ ám, con tin vào Ngài.

Kinh phong tác quái kéo dài,

Con trai chịu khổ, van nài Thầy thương.

Bệnh tình trầm trọng không lường,

Đẩy xô vào lửa, tìm đường hại thân.

Môn đồ không thể tới gần,

Đức tin yếu kém, rất cần ơn trên.

Hãy đem nó lại ngay bên,

Giê-su quát mắng, quỷ rên xuất liền.

Bấy giờ mộn đệ hỏi riêng,

Chúng con không thể, trừ viên quỷ này.

Quỷ ma ngạo ngược lắm thay,

Đức tin kiên vững, xua bày quỷ ra.

Chúa ban ân lượng hải hà,

Một lòng tin tưởng, mưa sa lộc trời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

http://conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16888

CHÚA HIỂN DUNG HAY BIẾN HÌNH ?

Tin Mừng Chúa nhật này trình thuật việc Đức Giê-su Hiển Dung trước mắt các môn đệ. Đây là sự tỏ bày thần tính vinh hiển của Đức Giê-su nhằm củng cố niềm tin của các môn đệ trước cuộc thương khó của Người.

Trong bài học hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự kiện “hiển dung” và ý nghĩa cuộc hiển dung của Đức Giê-su, nhưng trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu một vài khái niệm liên quan như “thần hiện” và “hiển linh”.

1. Thần hiện

Kinh Thánh nhiều lần kể lại việc Thiên Chúa tỏ bày sự hiện diện vinh quang của Người trước mắt con người, được gọi là những cuộc thần hiện của Thiên Chúa.

­ – gốc bởi từ Hy-lạp thê-os – θεός (thần, Thiên Chúa) và phai-no – φαίνω (xuất hiện) để chỉ sự xuất hiện của Thiên Chúa qua những dấu chỉ thể lý mà người ta có thể nhận biết bằng giác quan. Ví dụ như việc Thiên Chúa đến thăm ông Áp-ra-ham tại cây sồi Mam-rê qua hình hài của ba vị lữ khách (x. St 18, 1-3), hoặc hình ảnh bụi gai rực cháy và tiếng Thiên Chúa phán với ông Mô-sê trong sa mạc (x. Xh 3,2), hay việc ngôn sứ Ê-li-a đã gặp Chúa trong tiếng gió hiu hiu trên núi Khô-rếp (x. 1 V 19,13).

Thần hiện là việc Thiên Chúa tỏ mình cho con người thấy được và nghe được Người đang hiện diện cách thể lý chứ không phải trong thị kiến hay giấc chiêm bao. Thánh Tê-pha-nô “đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55).

Thần hiện thường để chỉ những cuộc tỏ hiện uy nghi và vinh hiển của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ví dụ cuộc thần hiện của Thiên Chúa trên núi Xi-nai khi ban bố Mười Điều Răn cho dân Ít-ra-en (x. Xh 19,16-25).

Biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong sông Gio-đan và cuộc hiển dung của Người trên núi cũng là những cuộc thần hiện của Thiên Chúa, trong đó người ta nghe thấy tiếng Chúa Cha phán : “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17 ; 17,5).

Kinh Thánh không dùng thuật ngữ “thần hiện” (Θεοφάνια) để chỉ việc Thiên Chúa tỏ hiện cho con người, mà dùng động từ ra-ah (רָאָה) trong tiếng Híp-ri hay hô-ra-o (ὁραω) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “thấy”, “nhìn thấy” ở dạng thụ động nhưng mang nghĩa chủ động là “để cho thấy”, “cho nhìn thấy”, nghĩa là “xuất hiện”, “tỏ hiện” (x. St 17,1 ; Xh 3,2.16 ; Tl 6,12 ; 1 V 3,5 ; Lc 24,34 ; Cv 13,31 ; 1 Cr 15,5 v.v.).

Tân Ước còn dùng động từ phai-no (φαίνω) có nghĩa là “chiếu sáng”, cũng ở dạng thụ động mang nghĩa chủ động là “xuất hiện”, “hiện ra”. Còn có động từ pha-ne-rô-o (φανερόω) có nghĩa là “cho thấy”, “tỏ cho thấy”, cũng được dùng ở dạng thụ động với nghĩa là “tỏ mình ra” hay “biểu lộ”, ví dụ như những lần hiện ra của Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Mc 16,12.14 ; Ga 21,1.14).

2. Hiển linh

Hiển linh (epiphania) có gốc từ Hy-lạp ê-pi-pha-nêi-a (ἐπιφάνεια) có nghĩa là biểu lộxuất hiện, thường để diễn tả một mặc khải thần linh của Thiên Chúa, hay việc Thiên Chúa tỏ mình và can thiệp đầy quyền năng, ví dụ như “Những cuộc hiển linh của Thiên Chúa dành cho những dũng sĩ đã can trường chiến đấu cho Do-thái giáo” (2 Mcb 2,21) ; “Khi cánh quân thứ nhất của ông Giu-đa vừa xuất hiện, địch quân hốt hoảng, sợ hãi, vì Đấng thấu suốt mọi sự đã hiển linh trên chúng” (2 Mcb 12,22).

Tân Ước dùng thuật từ hiển linh (epiphania) để chỉ việc Đức Ki-tô xuất hiện lần thứ nhất trong cuộc nhập thể làm người : “Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã xuất hiện” (2 Tm 1,10).

Hiển linh cũng để nói đến việc Đức Ki-tô xuất hiện lần thứ hai trong cuộc quang lâm vinh hiển của Người : “Chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13).

“Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1 Tm 6,14).

Cách đặc biệt, Thiên Chúa hiển linh trong biến cố Giáng Sinh khi tỏ mình ra cho dân ngoại qua các đạo sĩ đến từ phương Đông (x. Mt 2,1-12). Tuy bản văn trình thuật sự kiện này không sử dụng thuật từ hiển linh (epiphania), nhưng ngày lễ kỷ niệm biến cố này lại được gọi là lễ Hiển Linh.

3. Hiển dung

Thuật từ la-tinh transfiguratio được dùng để diễn tả biến cố Hiển Dung của Đức Giê-su trên núi trước mắt ba môn đệ thân tín của Người là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Biến cố Hiển Dung được coi là sự khẳng định thần linh về căn tính của Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, khi Người tỏ bày dung mạo vinh quang của Người trước mắt các môn đệ.

“Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,1-2).

Tác giả Mát-thêu cũng như Mác-cô (x. Mc 9,2) đã dùng động từ Hy-lạp mê-ta-mor-phô-o (μεταμορφόω), có nghĩa là biến đổi hình dạng hay biến đổi dung mạo để diễn tả sự kiện Hiển Dung.

Dựa theo ý nghĩa của động từ mê-ta-mor-phô-o mà đã có cách gọi theo la-tinh là transfiguratio, có nghĩa là biến hình.

Tác giả Lu-ca không dùng kiểu nói “biến đổi hình dạng” như Mát-thêu và Mác-cô mà nói rằng : “dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29), cách diễn tả này gần với ý nghĩa của sự hiển dung.

Sự biến đổi thần thiêng này nơi Đức Giê-su đã làm cho “dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2), hay “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9,29), vì thế biến cố này là cuộc hiển dung của thần tính nơi Đức Giê-su.

Sách Xuất hành kể lại việc ông Mô-sê lên núi gặp Chúa để lãnh nhận Mười Điều Răn và cuộc gặp gỡ này đã làm cho dung mạo ông trở nên sáng chói :

“Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông. Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói ; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa” 0.

Đây không phải là sự hiển dung của ông Mô-sê, vì ông không tự mình biến đổi hình dạng nên chói sáng như Đức Giê-su hiển dung. Đó chỉ là sự chiếu toả vinh quang Thiên Chúa còn đọng lại trên gương mặt ông Mô-sê.

Nhận định về sự kiện này, thánh Phao-lô dạy rằng : “Nếu việc phục vụ Lề Luật mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao ? Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao ? So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì” (2 Cr 3,7-10).

4. Ý nghĩa của biến cố Hiển Dung

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo gọi biến cố Hiển Dung là sự “nếm trước Nước Trời” (GLHTCG, 554-556) :

Từ ngày ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giê-su “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ …, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phê-rô khước từ lời loan báo đó, các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giê-su trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Dung mạo và y phục của Chúa Giê-su trở nên chói sáng, ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

Chúa Giê-su tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy, Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phê-rô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giê-ru-sa-lem. “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” :

Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai” : đó là sự phục sinh riêng của chúng ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Ki-tô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Ki-tô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

Cầu nguyện

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào ?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa ?

Một điều tôi kiếm tôi xin,

là luôn được ở trong đền Chúa tôi

mọi ngày trong suốt cuộc đời,

để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,

ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,

xin thương tình đáp lại.

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ :

hãy tìm kiếm Thánh Nhan.

Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài,

xin Ngài đừng ẩn mặt.

Tôi vững vàng tin tưởng

sẽ được thấy ân lộc Chúa ban

trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa,

mạnh bạo lên, can đảm lên nào !

Hãy cậy trông vào Chúa (Tv 27,1.4.7-9a.13-14).

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn

Chúa hiển dung hay biến hình?

CHÚA HIỂN DUNG

Trên ngọn núi Ta-bor
Dung mạo Người biến đổi
Trước mắt ba Tông đồ
Uy linh và sáng chói.

Trên ngọn núi Ta-bor
Từ trên cao nhìn xuống
Đường lên thành Sa-lem
Tử nạn và phục sinh.

Trên ngọn núi Ta-bor
Tiếng Chúa Cha phán bảo:
“Hãy vâng nghe lời Người,
Con Một, đẹp lòng Ta!”

Trên ngọn núi Ta-bor
Được thấy Chúa hiển dung
Vinh quang rực toả chiếu
Biến đổi con đơn hèn.

ĐÁP LỜI CHÚA GỌI MỜI

Chúa mời con bước vào ân tình
Dẫu bao phen đắm mình bụi nhơ
Chúa gọi con quay gót trở về
Nhà xót thương tràn trề ấm êm.

Chúa mời con hưởng niềm vui sướng
Mặc lấy tâm quy hướng về Ngài
Dù trước mắt tương lai bất định
Mãi một lòng trung trinh khôn ngơi.

Chúa mời con nghe Lời phán dạy:
Hoan lạc sống Mùa Chay thánh ân
Ăn chay lòng, canh tân đời sống
Cầu nguyện luôn, bước trong yêu thương.

Lm. Xuân Hy Vọng

Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-ngay-06-08-le-chua-hien-dung-48142
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung

Ngày 6 tháng 8
LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG

A. Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện về việc Chúa biến hình trên một ngọn núi cao. Đây là một câu chuyện rất đặc biệt cho nên đã được cả ba Tin Mừng nhất lãm: Mathêô, Marco và Luca đã thuật lại. Nếu đọc lại và so sánh thì chúng ta sẽ thấy cả ba tường thuật lại câu chuyện này theo một bối cảnh chung xuất phát từ truyền thống có trước. Đại cương thì sự việc diễn tiến như sau:

Phêrô tuyên xưng đức tin,

Chúa loan báo về cuộc tử nạn và Phục sinh của Người lần thứ nhất

Chúa đưa ra những điều kiện để được theo Chúa

Chúa biến hình.

Chúa loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh lần của Người lần thứ hai.

Chúa lên Jêrusalem để chịu tử nạn và sau đó Chúa phục sinh.

Câu chuyện biến hình của Chuá xẩy ra vào giữa những biến cố rất quan trọng vào cuối cuộc đời của Chúa. Như vậy nó phải mang một ý nghĩa nào đó. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

B. Chúng ta tự hỏi: Chúa Biến Hình để làm gì ?

Mục đích của việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con Thiên Chúa. Lần thứ nhất Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài bên sông Gio-đan. Và đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài trên núi cao. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn bị cho cảnh hy sinh trên núi Can-vê.

Sau khi chứng kiến Chúa biến hình thì các môn đệ đã có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị mất niềm tin mà thất vọng.

Thực ra, thoạt đầu khi bước theo Đức Giêsu cả ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như các môn đệ khác đã không biết cái giá họ phải trả khi theo Chúa như thế nào. Chính vì thế mà khi được chứng kiến dung nhan vinh quang của Đức Giêsu trên núi, họ đã sung sướng ngất ngây và muốn ở lại luôn trên đó. Nhưng chương trình của Đức Giêsu và của Thiên Chúa không như thế. Ngài đã dẫn họ xuống núi trở lại và ngăn cấm không cho họ nói với ai về những gì họ đã thấy cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại.”(Mt 17,9) Ngài đã trích dẫn lời chép về Ngài , “Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ.”(Mt 16,21) Nhưng họ vẫn không hiểu và hỏi nhau, “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì ?”

C. Qua việc tường thuật là biến có Chúa biến hình hôm nay Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta điều gì ? Câu trả lời không khó lắm: Giáo Hội muốn cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô.

Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở trí để đón nhận những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác. Chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài không phải chỉ bằng việc ca hát tôn vinh, xin ơn và tạ ơn. Nhưng còn bằng việc dốc tâm dấn bước sống theo gương của Ngài. Chúng ta đi theo Ngài lên núi để cảm nghiệm niềm hạnh phúc vinh quang để rồi lại cùng Ngài xuống núi trở về với những phận vụ hằng ngày, đi vào vườn cây dầu để đổ mồ hôi máu, hành trình trên khắp nẻo đường để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện. Sau cùng tiến thẳng lên Giêrusalem, nhận lấy bản án, vác thập giá, và tiến lên đồi Can-vê để chịu chết.

Con đường Đức Kitô đi đã thay đổi lịch sử nhân loại.

Con đường Đức Kitô đi đã mang lại ơn cứu độ cho loài người.

Con đường Đức Kitô đi đã làm thỏa lòng Thiên Chúa Cha.

Con đường Đức Kitô đi đã hấp dẫn nhiều tâm hồn.

Đó cũng là con đường mỗi người chúng ta được mời gọi bước theo.

Việc nghe Chúa, đi theo Chúa dứt khoát phải làm cho chúng ta biế đổi. Biến đổi như thế nào thì thánh Phaolô đã gợi ý: “Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”.

Xin đan cử một thí dụ để minh họa.

Một nhóm doanh nhân đi dự một buổi họp ở Chicago. Họ đã dặn vợ con ở nhà là sẽ trở về nhà để kịp bữa tối. Nhưng rồi cứ hết việc này lại giây sang việc kia khiến cho cuộc họp kéo dài hơn dự định. Sau khi kết thúc họ đã vội vàng chạy ra phi trường cho kịp chuyến bay. Khi họ hấp tấp chạy tới cổng phi trường thì không may một người trong họ đụng vào một chiếc bàn có để một rổ táo của một cô bé đang đứng bán. Tất cả đã không dừng lại, cứ cúi đầu chạy thẳng để kịp chuyến bay. Khi đến nơi họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một người trong nhóm đã ý thức được mình phải làm gì để cảm thông với cô bé bán táo kia. Anh đã giơ tay ra chào các bạn và quay trở lại. Anh thấy vui vì đã làm như thế. Anh nhận ra cô bé bán táo là một cô gái mù. Anh đã thu lượm các trái táo đổ lăn trên trên lối đi. Anh nhận ra có một số trái táo đã bị dập bể. Anh liền móc túi lấy bóp ra và nói với cô bé bán táo mù đó rằng, “Đây xin cô cầm lấy 10 dollars để đền bù cho thiệt hại chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng cô không buồn.”

Khi người thanh niên vừa quay bước đi thì cô bé mù đó sửng sốt hỏi: “Thưa ông! Ông có phải là Chúa Giêsu không ?”

Câu hỏi đó đã làm cho người doanh nhân suy nghĩ.

Bạn và tôi, chúng ta có phải là Giêsu không ? Chúng ta có đi con đường Giêsu đã đi không ? Chúng ta có hành xử như Giêsu đã hành xử không ?

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Nghe giảng Lễ Chúa Hiển Dung (06.08)