Sống lời Chúa, Chúa Nhật 3 thường niên năm B 21.01.2024

Thông tin về Chúa Nhật Lời Chúa (Chúa Nhật III thường niên) – Ngày 21.01.2024

https://tonggiaophanhue.net/muc-vu/phung-tu/thong-tin-ve-chua-nhat-loi-chua-chua-nhat-iii-thuong-nien-ngay-21-01-2024/

TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Ban Kinh Thánh – Ban Phụng tự

THÔNG TIN VỀ

CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

(Chúa Nhật III Thường Niên)

Ngày 21 tháng 01 năm 2024

Trọng kính Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Bề trên các Dòng và Quý Phụ trách các Cộng đoàn của TGP Huế,

Với Tự sắc Aperuit Illis, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Chúa Nhật III Thường Niên hàng năm kể từ 2020 là Chúa Nhật Lời Chúa. Như vậy, Chúa Nhật 21/01/2024 này là Chúa Nhật tôn vinh Lời Chúa theo tinh thần của Tự sắc.

Chúng con mạn phép ghi chú một vài dòng rất ý nghĩa sau đây mà chúng con nghĩ là quan trọng trong Tự sắc của Đức Thánh Cha:

– “Trong những giáo hội địa phương khác nhau, nhiều sáng kiến làm cho người tín hữu tiếp xúc dễ dàng với Thánh Kinh.” (Aperuit Illis, số 2). “Cách đặc biệt, trong Chúa Nhật này, cần nhấn mạnh đến việc công bố Lời Chúa và thích ứng bài giảng để làm cho việc phục vụ Lời Chúa trở nên rõ ràng hơn.” (Aperuit Illis, số 3).

– Người phụ trách các Giáo xứ và các cộng đoàn “có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thể cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt theo cách đọc Lectio Divina.” (Aperuit Illis, số 3).

– Khi dừng lại để chiêm niệm và cầu nguyện trên bản văn thánh, chúng ta có khả năng nói chuyện bằng trái tim để chạm đến trái tim của những người đang lắng nghe, để diễn tả điều căn bản được lãnh nhận và trổ sinh hoa trái. (Aperuit Illis, số 5).

– “Ngày dành riêng cho Sách Thánh muốn không chỉ là “một năm một lần”, nhưng là một biến cố cho suốt cả năm, bởi vì chúng ta có nhu cầu cấp thiết để trở nên quen thuộc và thân mật với Kinh Thánh và với Đấng Phục Sinh, Đấng không ngừng bẻ Lời và Bánh trong cộng đoàn các tín hữu.” (Aperuit Illis, số 8).

Ngoài ra, ngày 19/01/2021, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã ra Thông tư về Chúa Nhật Lời Chúa trong đó, có một vài hướng dẫn cụ thể cần thiết như sau:

– “Trong ngày Chúa Nhật Lời Chúa, một trong những nghi thức đặc biệt có thể thực hiện là rước Sách Tin Mừng trong phần nhập lễ (x. QCSLRM, 120, 133), hoặc nếu không thể lập đoàn rước, nên đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. QCSLRM, 117).” (Tông thư, số 1)

– “Trong những ngày trước hoặc sau Chúa Nhật Lời Chúa, nên tổ chức các giờ gặp gỡ, học hỏi để giúp các tín hữu lưu tâm hơn về giá trị của Thánh Kinh trong các cử hành phụng vụ.” (Tông thư, số 9).

Kính chúc một Chúa Nhật Lời Chúa 2024 mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp !

Huế, ngày 16 tháng 01 năm 2024

     Lm. Giacôbê Nguyễn Xuân Lành             Lm. Gioakim Phạm Chiến

    Trưởng Ban Kinh Thánh TGP Huế      Trưởng Ban Phụng tự TGP Huế

Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Mc 1,14-20)

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Thường niên năm B

https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-chua-nhat-3-thuong-nien-nam-b-59325
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Thường niên năm B

Nghe giảng Chúa Nhật III Thường Niên năm B (2021, 2018, 2015, 2012)

A. Sứ mệnh chính yếu của Chúa Giêsu là loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thiết lập Nước ấy ngay ở trần gian.

Vâng Chúa muốn loan báo một TIN MỪNG

Nhưng thế nào là một Tin mừng ? Tin mừng là một điều mới mẻ chưa được biết nay được loan báo cho biết. Điều mới mẻ này liên quan mật thiết đến bản thân chúng ta, đem lại một cơ may, một vận hội mới. Tin mừng luôn mở ra một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, có khi đánh dấu một khúc quặt trong đời.

Tin mừng lớn nhất từ xưa đến nay chưa từng có và từ nay về sau sẽ chẳng bao giờ có nữa là Tin mừng Thiên Chúa ban cho người trần qua Con của Ngài: Tin mừng Nước Thiên Chúa.

Tin mừng khác với lý thuyết. Một lý thuyết, dầu mới mẻ và quan trọng đến đâu, ví dụ thuyết của Einstein, cũng không tác động trực tiếp đến số phận của con người. Nó có thể soi sáng trí tuệ, mang tới sự hiểu biết mới, nhưng không có khả năng lay động tâm hồn, làm thay đổi cuộc sống. Giỏi lý thuyết không đương nhiên trở thành một con người đạo đức hơn.

Còn Tin Mừng thì khác. Tin mừng luôn thiết thân với bản thân và cuộc sống. Nó có sức mạnh làm xoay chiều số phận, đảo lộn cuộc đời, đưa vào một hướng mới, có khi buộc phải làm lại cuộc đời từ đầu. Augustino đã đoạn tuyệt với quãng đời buông thả khi nghe lời thúc giục: ‘Hãy cầm và dọc’. Người thanh niên ham vui ở Assisi đã từ bỏ tất cả để sống cuộc đời khổ hạnh nhờ lời Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng là như vậy.

Chúa Giêsu đến để loan Tin Mừng chứ không phải để dạy lý thuyết. Ngài không đến như một học giả, mang một hệ thống lý thuyết đến để làm cho mọi người nên thông thái. Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, mang đến toàn những tin rất đáng kinh ngạc. Ngài đến bảo chúng ta: Thiên Chúa muốn mở cho anh một con đường mới, đưa anh vào một thế giới mới, tỏ cho anh biết mọi bí ẩn về đời anh và như vậy làm cho đời anh thành tựu. Anh đã nghe ra chưa ? Có chịu không ? Và nếu chịu thì chúng ta cùng nhau bắt tay vào việc thực hiện ngay.

Chúng ta biết có nhiều cuộc đời đã bị chấn động và đã xoay chiều vì Tin mừng của Chúa Giêsu. Khi Ngài nói với thiếu phụ xứ Samaria: Nước giếng này uống rồi lại khát, còn nước tôi ban, ai uống sẽ không bao giờ khát nữa, vì là nước ban sự sống đời đời. Ngài không dạy chị ta một lý thuyết nhưng loan một Tin mừng. Nhờ Tin mừng này chị nhận ra Đấng Cứu thế và đã đổi đời. Cũng vậy lời tha tội nói với thiếu phụ ngoại tình: Ta cũng không kết án chị. Hãy ra về và đừng phạm tội nữa.. . là một Tin mừng. Tin mừng tha thứ còn được loan cho Mađalêna, cho Giakê, cho người trộm lành ..

Nhưng nội dung Tin Mừng là gì ? Thưa là Nước Thiên Chúa.

Nội dung tin mừng Chúa Giêsu loan truyền là Nước Thiên Chúa. Nội dung đó có thể tóm lược như sau:

Nước Thiên Chúa là mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và mỗi tâm hồn.

Là tình trạng viên mãn, tràn đầy hồng ân và tình thương của Thiên Chúa, đứng đầu là hồng ân cứu độ.

Là sự hiệp thông thâm sâu với Thiên Chúa. Vào Nước Thiên Chúa là tự nguyện thuộc về Thiên Chúa, hiệp thông sự sống với Ngài, và do đó được sống trong tình trạng viên mãn, được hưởng trọn vẹn tình thương và ân phúc của Ngài.

Chúa Giêsu đến để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Nói đúng hơn, sự hiện diện của Ngài là chính Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Hồng ân tuyệt hảo, là nguồn mọi ân phúc của Thiên Chúa, là hiện thân tình thương của Ngài, là sự thực hiện mọi dự định và mọi lời hứa của Ngài. Chúa Giêsu đến chính là Nước Thiên Chúa đến. Tin vào Chúa Giêsu và đón nhận Ngài là vào Nước Thiên Chúa và được hưởng mọi hồng ân của Ngài.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'Ý LỰCTIN MỪNG CHỨA NHẬT 3 MỪA THƯỜNG NIÊN, NĂM B (Mc 1, 14-20) Con đang say mê chơi. Chợt nghe tiếng Chúa mời. Dừng chơi! Đi dâng lẽ. Khó, thật khó Chúa ơi! Dứt khoát không dây dưa. Như bốn môn đệ xưa. Lập tức đi theo Chúa. Chọn Chúa. Săn sàng chưa? Duong Long Cất Lình'

B. Phần chúng ta hôm nay thì sao ?

Chúa đã gọi chúng ta và Ngài còn tiếp tục gọi.

Chúa muốn chọn và gọi tôi, chọn và gọi anh chị em để chúng ta cùng với Ngài tiếp tục công việc Ngài còn để lại.

Phải làm cho mọi người được biết đến Tin Mừng.

Nhạc sĩ vĩ đại người Ý Giacomo Puccini đã viết rất nhiều vở kịch lừng danh. Năm 1922, lúc được 64 tuổi, thì ông mắc bệnh ung thư. Dầu vậy, ông vẫn quyết định phải hoàn thành vở nhạc kịch cuối cùng của đời mình. Đó chính là vở Turandot mà hiện nay được nhiều người đánh giá như là vở hay nhất của ông.

Ông hăng say miệt mài làm việc ngày đêm. Nhiều người ép ông nghỉ ngơi, vì theo họ nghĩ, ông không thể nào hoàn tất được vở kịch ấy.

Khi thấy căn bệnh ngày càng tồi tệ hơn, Puccini liền cho gọi các đệ tử của mình lại và nói với họ: “Nếu ta không hoàn tất được vở Turandot thì các con hãy cố gắng hoàn tất nó cho ta”

Thế rồi vào một ngày trong năm 1924 – một ngày định mệnh: Puccini được đem đến Brussels để giải phẫu và sau cuộc giải phẫu đó hai ngày thì ông qua đời.

Khi trở về Italy, các đệ tử của Puccini đã thu tập tất cả các bản thảo trong vở Turandot mà Puccini đã làm, rồi nghiên cứu kỹ lưỡng và sau đó họ tiếp tục làm cho đến lúc hoàn thành trọn vẹn vở nhạc kịch của Thầy.

Hai năm sau, năm 1926 người ta tổ chức một buổi lễ ra mắt vở nhạc kịch đó để cho mọi người thưởng thức. Người ta đã chọn nhà hát La Scala, một nhà hát lớn ở thành phố Milan để làm công việc này.

Vở nhạc kịch được Arturo Toscanini, người học trò ưu tú nhất của Puccini điều khiển. Tất cả mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp nhưng đến chỗ mà Puccini buộc phải ngừng bút thì Toscanini không thể làm chủ được những cảm xúc của mình nữa. Ông đã bất ngờ cho dừng bản nhạc kịch lại. Với hàng những dòng nước mắt ràn rụa chảy trên má, Toscanini nhẹ nhàng đặt cây gậy điều khiển xuống – rồi quay về phía khán thính giả và nói lớn: “Sư phụ của chúng tôi đã viết được đến đây rồi Người qua đời”

Toàn thể nhà hát nhạc kịch lúc đó đều im phăng phắc. Tất cả mọi người trong nhà hát đều đứng dậy, không một tiếng động, không một hơi thở mạnh… Nhiều người lúc đó đã không cầm được nước mắt. Họ đứng bất động như thế một hồi lâu.

Sau đó, Toscanini cúi xuống cầm chiếc gậy điều khiển lên – rồi từ từ quay về phía cử tọa mỉm cười qua dòng lệ vẫn còn lăn trên má -rồi ông thốt lên: “Nhưng các đệ tử của Thầy đã hoàn tất công việc của Người”.

Vở Turandot lại được tiếp tục và khi nó vừa dứt thì toàn thể khán thính giả lại một lần nữa đứng dậy vỗ tay như long trời lở đất. Những người có mặt ngày hôm đó không thể nào quên được những giờ phút đặc biệt cảm động ấy.

Câu truyện sáng tác vở nhạc kịch Turandot của Puccini cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta.

Trước khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình thiết lập nước Thiên Chúa trên trần gian thì Ngài qua đời và sau khi sống lại Ngài đã về trời. Những trước khi về trời thì Ngài cũng đã yêu cầu các môn đệ của Ngài tiếp tục hoàn tất công trình ấy: “Các con hãy đi rao giảng”

Công việc của Puccini được các đệ tử hoàn tất trong vài năm. Còn công việc của Chúa Giêsu hiện vẫn còn phải tiếp tục.

Chúa còn cần đến nhiều thế hệ liên tiếp nhau mới có thể hoàn tất được công trình của Chúa.

Các môn đệ thuở xưa đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó một cách hết sức tốt đẹp. Là môn đệ của Chúa chúng ta cũng có bổn phận cộng tác vào việc xây dựng và mở mang nước Chúa bằng mọi sinh hoạt của chúng ta.

Lạy Chúa xin biến mỗi người chúng con thành nhân chứng của Ngài để qua mỗi chúng con nước Cha mau trị đến. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Kinh Thánh có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất trong mọi thời. Không chỉ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, mà đây còn là kho tàng của nhân loại. Những ai muốn thành công, cứ đọc cuốn sách này. Nếu bạn muốn hạnh phúc, cứ đọc sách này, nếu bạn muốn gặp Thiên Chúa, cứ mở sách ra và đọc, nếu bạn vui hoặc buồn, cứ lắng nghe Lời Chúa. Chắc không cần giải thích tại sao Kinh Thánh lại quan trọng cho mỗi người chúng ta!

Ở đây, tôi chia sẻ với các bạn 3 điểm liên quan đến câu Kinh Thánh trong Tin mừng Chúa nhật 3 thường niên hôm nay: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1,14-20). Vài năm về trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập và ấn định ngày này cử hành Chúa nhật Lời Chúa. Giáo hội nhắc nhở tất cả chúng ta, mục tử và tín hữu, về tầm quan trọng và giá trị của Thánh Kinh đối với đời sống Kitô hữu cũng như mối tương quan giữa Lời Chúa và Phụng vụ.

  1. Thứ nhất, Chúa gọi các môn đệ bằng lời

Chúa Giêsu không viết thư hoặc gửi tin nhắn đến các môn đệ. Chúa càng không gửi người đến để mời các ông đi theo Chúa. Ngược lại, đích thân Chúa Giêsu đi tìm các ông. Chúa muốn diện đối diện với từng người. Từ đó, Chúa Giêsu mở lời đề nghị các ông đi theo người. Đây là lời gọi hoặc ơn gọi trực tiếp. Tiếng gọi chỉ trở nên mạnh mẽ khi phát ra từ miệng của người mời. Tôi mời bạn đến dùng tiệc, cách thú vị nhất là tôi gặp gỡ, trò chuyện và nói trực tiếp với bạn. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài muốn rủ các ông tham gia một dự án Loan Báo Tin Mừng.

Suốt cuộc đời của các môn đệ, Chúa Giêsu thường xuyên dùng lời để dạy dỗ các ông. “Vậy Người mở trí cho họ hiểu về Kinh Thánh” (Lc 24,45). Những lời ấy được ghi tương đối đủ trong cuốn Thánh Kinh. Hôm nay Chúa cũng muốn dùng lời này để nhắn với từng người chúng ta. Khi ấn định ngày Lời Chúa này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày”[1]. Như vậy mục đích là để chúng ta nên chứng tá Nước Trời. Hoặc nói cách khác, chúng ta nên lưới người như lưới cá.

  1. Thành những kẻ lưới người

Chúa Giêsu nói rất rõ về dự án của mình cho các môn đệ: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nghĩa là các ông cũng biết: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Các ông cũng cần sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời Chúa là tin mừng cho các ông. Tại sao?

Ai trong chúng ta cũng hiểu được tầm quan trọng của hạnh phúc và bình an. Có những lời an ủi, động viên và hướng dẫn giúp chúng ta đạt được điều này. Kinh Thánh còn hơn thế nữa. Lời Chúa là lời hằng sống, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước đi. Chắc các bạn cũng có kinh nghiệm về Lời Chúa. Có những lúc đau khổ, chúng ta gặp Thiên Chúa. Chúa an ủi và nâng đỡ chúng ta bằng lời của Ngài trong Kinh Thánh. Từ nguồn an ủi này, chúng ta nhận được sức sống. Hoặc nói như Công Đồng Vaticano II: “Kinh Thánh dạy một cách chắc chắn, trung tín và không sai lầm chân lý mà Thiên Chúa muốn thấy đề cập đến trong các thư thánh vì phần rỗi của chúng ta.” (Dei Verbum số 11).

Các môn đệ cũng thế. Họ thấm nhuần Lời Chúa đến nỗi về sau lời họ rao giảng luôn thu hút nhiều người. Ước gì chúng ta cũng để cho Lời Chúa thấm vào máu, vào thịt vào tâm trí của mình. Hoặc nói đúng hơn, chúng ta thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa. Được ở trong ngài, chúng ta không sợ, không lạc đường và không bị hư mất. Từ đó, chúng ta cũng giúp cho nhiều người biết hơn về Chúa, về Lời của Ngài.

  1. Đi theo Chúa

Các môn đệ đã chấp nhận lời mời của Đức Giêsu. Họ đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Trên con đường này, các môn đệ học được bao nhiêu điều tốt lành. Họ học để trở nên giống Chúa. Chúa cũng dùng lời để giúp họ đi theo gần Chúa hơn.

Làm sao đi theo Chúa đến cuối con đường, nếu không ở lại trong Lời Chúa. Nói cách khác, cầu nguyện chính là lương thực nuôi dưỡng đời sống của người môn đệ. Cầu nguyện nghĩa là gặp Thiên Chúa. Chúa cũng muốn gặp gỡ chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ này, bạn nói Chúa nghe, Chúa nói bạn nghe. Hẳn nhiên chúng ta có thể gặp Thiên Chúa ở mọi nơi, nhưng với kinh nghiệm của Giáo Hội, khi cầu nguyện với Kinh Thánh, chúng ta dễ gặp Thiên Chúa nhất. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói rất rõ những câu chuyện, thông điệp và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể.

Như thế, ngoài công việc, học hành và vui chơi, chúng ta còn có người đang chờ mỗi người, đó là Chúa Giêsu. Hãy thường xuyên gặp Chúa trong Kinh Thánh. Giáo hội dạy rằng: “Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giêsu, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai.”[2]

Để kết thúc, chúng ta nhìn nhận sự thật này: cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh là một thách đố rất lớn cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên Giáo hội cổ vũ chúng ta hãy tiếp cận nguồn mạch sự sống Lời Chúa. Nếu chưa quen đọc Kinh Thánh, chúng ta thử tập tành và thực hành. Ngày qua ngày, hy vọng mỗi người thêm yêu mến Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa đang nói với tôi và với bạn. “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành.” (Tl 30,14). Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] (x. ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 174

[2] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-sac-aperuit-illis-ngai-mo-tri-cho-ho-nham-thiet-lap-ngay-chua-nhat-loi-chua-41304

https://dongten.net/suy-tu-chua-nhat-ngay-cua-loi-chua/

CN 3 TN B 4

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Chúa nhật Lời Chúa)

THI CA SUY NIỆM TUẦN LỄ CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

 

(Mc, 1: 14-20)

TRỞ VỀ

Khởi đầu sứ vụ truyền rao,

Kêu mời sám hối, đi vào nội tâm.

Ăn năn cải đổi lỗi lầm,

Sửa sai cuộc sống, gieo mầm đức tin.

Mở lòng tín thác cầu xin,

Nước Trời rộng mở, ngước nhìn lên cao.

Phúc âm chân lý khai mào,

Tin yêu theo Chúa, gian lao không sờn.

Nhiều người cúi lạy van lơn,

Chúa thương chọn gọi, ban ơn cao vời.

Bốn người chài lưới vào đời,

Si-mon anh cả, rạng ngời hiến thân.

An-rê từ bỏ gian trần,

Gio-an cất bước, dự phần chứng nhân.

Gia-cô-bê sáng vọng ngân,

Trở thành môn đệ, canh tân cuộc đời

Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu bắt đầu ra rao giảng tại xứ Galilêa. Chúa đã mời gọi mọi người: Nước trời đã gần kề, anh em hãy sám hối và tin vào Phúc âm. Một kỷ nguyên mới đã khai mở. Chúa Giêsu đã bắt đầu thiết lập Đạo Giáo yêu thương. Ngài khởi đi từ chính nội tâm của con người. Ngài kêu gọi mọi người hãy tự sám hối. Đây là bước khởi đầu cho tất cả công cuộc cứu độ.

 Chúa đến với từng trái tim của con người. Ngài thấu tỏ tâm can và những ý nghĩ thầm kín trong lòng người. Điều thiết yếu nhất là mỗi người hãy trở về với chính mình để nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta biết rằng giữa con người xuất hiện truớc công chúng và bộ mặt sống thật, còn khác xa nhau lắm. Hình thức bên ngoài đối xử với nhau xem ra có nhân nghĩa đạo đức, nhưng đời sống thật trong tâm có khoảng cách rất xa.

 Muốn theo Chúa, chúng ta được mời gọi làm một cuộc đổi đời. Đổi đời như các tông đồ đầu tiên. Từ những người đánh cá nghèo và thất học trở thành thợ chuyên môn đánh cá người. Phêrô đã có lần quỳ xuống xin Chúa rời xa, vì ông cảm thấy mình là người tội lỗi. Phaolô đang lùng bách hại đạo Chúa, bị ánh sáng đánh ngã ngựa, ông đã trở thành tông đồ nhiệt thành. Mỗi một thành viên trở về đều là một cuộc sám hối nội tâm. Lời mời gọi của Chúa trong ngày đầu ra rao giảng vẫn vang vọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cần sám hối và trở về. Trở về với Đấng yêu thương cứu độ chúng ta.

Kinh nghiệm cuộc sống, chúng ta thích lên lớp giảng dạy và khuyên bảo người khác phải ăn năn sám hối trở về, nhưng chính chúng ta lại không muốn hồi tâm. Thật vậy, nhìn vào cuộc sống và lỗi lầm của người khác thì hấp dẫn và dễ dàng hơn là nhìn vào chính mình. Hầu như ai cũng ngại nhìn lại chính mình và ngại sám hối.

Chúng ta hãnh diện mình là Kitô Hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu. Muốn làm môn đệ của Chúa, điều kiện trước tiên là chúng ta cần phải sám hối và canh tân đời sống. Xin Chúa thêm ơn phù trợ để mỗi người chúng ta can đảm trở về với chính mình và soi mình trong ánh sáng thật của Chúa Kitô.

THỨ HAI, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 9, 15. 24-28; Mc 3, 22-30).

TRỪ QUỶ

Cạnh tranh Luật Sĩ tà ngôn,

Phê bình chỉ trích, tiếng đồn vang xa.

Chúa dùng quyền phép xua tà,

Nhiều người chứng kiến, ngợi ca tuyệt vời.

Luật sư ngược ngạo đôi lời,

Quỷ Bel-giê-bút, ám đời ông kia.

Chúa truyền ra lệnh phải lìa,

Qủi ma xuất khỏi, rẽ chia tan đàn.

Uy quyền phép lạ phá tan,

Đuổi ma xua quỉ, ban tràn ân thiêng.

Giê-su nhân ái dịu hiền,

Thân tâm chữa trị, thiêng liêng phần hồn.

Chớ đừng phạm thượng lộng ngôn,

Thánh Thần Thiên Chúa, túi khôn vũ hoàn.

Cầu xin thứ lỗi bất toàn,

Sấp mình thờ phượng, khôn ngoan sống đời.

THỨ BA, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 10, 1-10; Mc 3, 31-35).

MẸ THẦY

Thân nhân thăm viếng gặp Thầy,

Bà con lối xóm, Mẹ thầy cũng qua.

Sai người nhắn gởi Chúa ra,

Đôi người kháo láo, các bà đợi trông.

Chúa nhìn vào giữa đám đông,

Thực hành thánh ý, hợp thông gia đình.

Anh em với mẹ kết tình,

Ai mà nghe Chúa, trổ sinh phúc lành.

Gia đình mở rộng thành danh,

Kết đoàn dân Chúa, thực hành ý Cha.

Tình thương chan chứa bao la,

Thành phần thân thể, Chúa là đầu tiên.

Dẫn đường hướng tới cõi thiên,

Ban muôn phúc lộc, người hiền kẻ ngay.

Gia đình Giáo Hội hôm nay,

Bao người tín hữu, cơ may dự phần.

THỨ TƯ, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 10, 11-18; Mc 4, 1-20).

GIEO GIỐNG

Dụ ngôn gieo giống Nước Trời,

Người gieo hạt giống, giữa nơi cánh đồng.

Vệ đường rơi hạt uổng công,

Chim trời tha mất, còn trông mong gì.

Hạt rơi đất sỏi đường đi,

Mặt trời thiêu cháy, có chi trông chờ.

Bụi gai rơi hạt bên bờ,

Um tùm chết ngạt, vật vờ héo khô.

Hạt gieo đất tốt bên hồ,

Phì nhiêu mầu mỡ, nước vô nẩy mầm.

Sinh hoa kết qủa âm thầm,

Trĩu cây nặng hạt, đầy mâm trái vàng.

Truyền rao Lời Chúa xóm làng,

Thành tâm đón nhận, sinh ngàn hạt châu.

Lòng thanh tâm sạch ruộng dâu,

Sinh xôi nẩy nở, muôn mầu tốt tươi.

THỨ NĂM, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 10, 19-25; Mc 4, 21-25).

ÁNH SÁNG

Thắp đèn trên giá bục cao,

Soi chung khắp chốn, dạt dào thấu xuyên,

Ánh đèn chiếu tỏa tinh tuyền,

Rạng soi muôn lối, lời khuyên mỗi ngày.

Chẳng gì dấu kín hôm nay,

Mai sau rạng sáng, làm lay lòng người.

Đong đầy đấu ấy vui cười,

Đong qua đong lại, gấp mười gấp trăm.

Lắng nghe lời Chúa chuyên chăm,

Phát sinh ân lộc, ngàn năm phúc lành.

Giầu sang phú quí công thành,

Gia tài đã có, Chúa dành thêm cho.

Rộng tay ban phát tự do,

Càng cho càng có, đừng lo thiếu gì.

Sống đời keo kiệt làm chi,

Đại tâm rộng lượng, từ bi với người.

THỨ SÁU, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 10, 32-39; Mc 4, 26-34).

HẠT GIỐNG

Nước Trời ví tựa hạt gieo,

Ngủ đêm hay thức, mầm neo đất mềm.

Nở chồi sinh lá nhiều thêm,

Sinh hoa kết qủa, cả đêm lẫn ngày.

Hạt mầm bé nhỏ hôm nay,

Ngày mai gieo xuống, ai hay biết gì.

Đâm bông kết hạt đúng thì,

Nhà nông chăm chỉ, cũng tùy nhân duyên.

Quan phòng Tạo Hóa căn nguyên,

Môi trường phát triển, lưu truyền giống theo.

Nước Trời hạt cải bé teo,

Môn đồ nhóm nhỏ, đói nghèo khó khăn.

Dẫu rằng bắt bớ cản ngăn,

Chứng nhân sự thật, rạng danh cõi đời.

Cánh đồng truyền giáo khắp nơi,

Mở mang đạo giáo, gọi mời dấn thân.

THỨ BẢY, TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

(Dt 11, 1-2.8-19; Mc 4, 35-40).

SÓNG BIỂN

Biển hồ sóng vỗ mênh mang,

Thuyền con rời chỗ, ghé sang bến này.

Đêm đen bão nổi cuốn quay,

Tông đồ gắng sức, loay hoay chống chèo.

Bập bềnh sóng nước ngập theo,

Thưa Thầy thức dậy, thả neo cứu người.

Chúa còn say ngủ nghỉ ngơi,

Mấy người ngư phủ, ngỏ lời xin thương.

Giê-su quyền phép tỏ tường,

Biển im gió lặng, mở đường tin yêu.

Quyền năng tuyệt đối cao siêu,

Vũ hoàn vâng lệnh, mọi điều phán ra.

Môn đồ kinh hãi kêu la,

Lạy Thầy cao trọng, ngợi ca danh Ngài.

Đức tin yếu kém van nài,

Xin Thầy củng cố, miệt mài vững tâm.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Thánh ca Phụng vụ lễ Chúa nhật III Thường niên B

Đáp ca – Tv 24:

Hiệp lễ – Hãy theo Ta:


Kết lễ – Nhân chứng Tin Mừng (2):

Lm. Thái Nguyên