CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH 11/05/2025 Ngày Truyền Thống Gia Đình Ông Bà Cố

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO ĐỘC ĐÁO NHẤT VIỆT NAM

(Chúng ta cùng chiêm ngắm lại Gia đình vô cùng độc đáo này)
Gia đình có đến 4 Linh mục và 2 tu sỹ đã là độc đáo lắm rồi. Gia đình có 1 vị Giám mục và 2 Linh mục cũng rất là độc đáo.
Ấy vậy mà có 1 gia đình còn độc đáo hơn rất nhiều.
Đó là 1 gia đình được mệnh danh là Giáo hội Công giáo thu nhỏ, là Giáo phận thu nhỏ, gia đình 7 ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Vì gia đình đó có đầy đủ các thành phần trong Giáo hội Công giáo là: Giáo sỹ, Tu sỹ và giáo dân.
Vì gia đình đó có đầy đủ tất cả các phẩm trật trong Giáo hội là: Giám mục, Linh mục và Phó tế.
Vì gia đình đó sản sinh ra những người con ưu tú đảm nhận những chức vụ lãnh đạo cao trọng và quan trọng trong Giáo hội. Mọi người trong gia đình đó chỉ làm “Bề trên”, chứ không làm “Bề dưới”.
Đó là gia đình họ Nguyễn quê gốc giáo họ Phú Gia- Giáo xứ Thượng Thụy, Tổng Giáo phận Hà Nội, nhưng lại định cư tại Giáo xứ Bình Cang, thuộc Thành phố Nha Trang, Việt Nam.
Đó là gia đình Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục chính tòa Giáo phận Kontum. Ngài được mệnh danh là vị Giám mục hiền từ nhưng khôn ngoan.
Có 1 chi tiết hết sức lạ lùng là cuộc đời của Ngài toàn gắn liền với số 7:
•Sinh ra trong gia đình có 7 người con.
•Di cư vào Nam hồi tháng 7 năm 1954.
•Kết thúc chương trình học tập tại Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt năm 1977.
•Được thụ phong linh mục tại Nha Trang ngày 07/04/1990.
•Được bổ nhiệm Giám mục lúc 17h ngày 07 tháng 10 năm 2015.
• Là Giám mục chính tòa thứ 7 của Giáo phận Kontum.
• Kế vị Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh 77 tuổi.
Những số liệu trên giúp ta liên tưởng đến 7 ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Khẩu hiệu GIÁM MỤC của Ngài là “Tình thương trong Sự thật” (Caritas in Veritate).
Gia đình Ngài rất độc đáo và đặc biệt là vì:
•Có 1 Người làm Giám mục là chính bản thân Ngài- Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục đương kim Giáo phận Kontum.
•Có 2 Người anh Đức cha làm Linh mục:
Linh mục Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Chưởng ấn Tòa giám mục, giám đốc Trung tâm huấn giáo Sài Gòn, giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, đã qua đời.
Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Quý, bề trên Dòng Thánh Phanxico tại Nha Trang, trưởng ban liên tu sĩ và Caritas Nha Trang.
•Có 3 người chị em gái làm tu sỹ: 1 người chị gái Đức cha là bề trên dòng Thánh Phaolô Sài Gòn và hai người em gái Đức cha là bề trên dòng Thánh Phao-lô Thành Chartres tại tỉnh dòng Đà Nẵng.
•Chỉ có 1 người còn lại là Giáo dân và người này đã ở nhà để chăm sóc ông bà “đại” cố.
Rất nhiều Giáo họ, Giáo xứ, Gia tộc, Dòng họ khao khát, mơ ước thậm chí chỉ cần 1 Tu sỹ bình thường mà vẫn chưa có.
Thế mới thấy gia đình này “khủng” đến cỡ nào.
Bất cứ ai nhìn vào Gia đình đặc biệt này, cũng đều phải ngả mũ bái phục.
Gia đình độc đáo này được mệnh danh là Gia đình đại “Thánh”, đại phúc, đại Hồng ân.
Để có được kết quả mĩ mãn đó rất dễ nhưng cũng quá khó.
Quả thật, như lời Thánh Phê-rô đã nói: Thiên Chúa không thiên vị bất cứ ai, bất cứ gia đình nào, bất cứ dân tộc nào. Nhưng bất cứ ai kính sợ Người, rồi ăn ngay ở lành và thực hành sự công chính, thì đều được Người đón nhận và tuyển chọn !
Hồng Ân Chúa luôn tuôn trào như mưa như mưa. Bất cứ ai khiêm nhường và khôn ngoan mở thật rộng tâm hồn ra, là sẽ được đón nhận tràn trề và dồi dào Hồng Ân của Chúa.
Gia đình chính là Chủng viện đầu tiên, Tu viện đầu tiên và Đan viện đầu tiên của các Giám mục, Linh mục và Tu sỹ.
Và Cha mẹ chính là những Giáo sư, Tiến sỹ và Thầy dạy đầu tiên của những Chủng viện, Tu viện và Đan viện này.
Xin cho các gia đình quảng đại dâng con mình cho Chúa, để cho cánh đồng truyền giáo ngày càng nở hoa và đầy ắp những thợ gặt lành nghề như lòng Chúa mong ước.
Chúng ta cùng cúi đầu tạ ơn Chúa vì Hồng Ân đặc biệt cao cả Chúa đã ban dồi dào cho gia đình nhỏ bé này và cho Giáo hội chúng ta.
Chúng ta cùng nhau chia sẻ niềm vui quá lớn này cho nhiều người được biết và học hỏi, để cúi đầu Tạ ơn Chúa và luôn nhớ cầu cho nhau

 

TIẾNG GỌI ” BÀ CỐ”

Con đi tu mẹ được gọi: ” BÀ CỐ “
Một cách gọi ngồ ngộ lắm con ơi!
Dù chẳng biết mẹ bao nhiêu tuổi đời?
Hễ ai gặp cũng lời chào: ” BÀ CỐ “
—–
Mỗi lần nghe, mẹ lại muốn thổ lộ
Những tâm tư viết ở cuốn sổ đời
Để con bước theo Chúa đến muôn nơi
Sau tiếng gọi là một đời thao thức
Tiếng ” BÀ CỐ ” âm vang trong lồng ngực
Từng giây phút thường trực trong mẹ thôi
Họ nào biết ngày đêm mẹ đứng ngồi.
Bao ngược xuôi rồi bao nhiêu nước mắt
Con đi tu, mẹ nở mày nở mặt
Bởi họ nói: ” bà thật có phúc nhen”
Nhưng…nào biết bao đêm dưới ánh đèn
Mẹ cằm cụi bon chen với cuộc sống
Họ với mẹ tất cả đều rất giống
Đã con người phải sống cảnh bôn ba
Mẹ chỉ sợ về sau mình lại già
Rồi một ngày không xa chẳng còn nữa
Nên mỗi giây lòng mẹ luôn chan chứa
Lời nguyện cầu thêm lửa cho đời con.
Vì mẹ biết con yếu đuối mỏng giòn
Và đời tu vẫn còn bao gian khó
Con của mẹ, không còn là đứa nhỏ
Nhưng trưởng thành và hiểu rõ xung quanh
Nhất là trong ngày nhận lãnh ơn lành
Với tiếng gọi trở thành người tu sĩ
Tiếng ” BÀ CỐ ” mãi in hoài tâm trí
Nhắc nhở mẹ liên lỉ lời nguyện xin
Dành cho con với tất cả tâm tình
Để con sống hết mình với Thiên Chúa.
———
Mẹ ước mong, con mãi là ánh lửa
Mang tình yêu thắp sáng giữa trần đời
Để danh Chúa được rạng khắp nơi nơi
Bằng tình yêu trọn đời người tu sĩ.

BÀ CỐ

(Bài hơi dài xíu, kiên nhẫn đọc đến cuối nhé).
Ở cái chợ cá này ai mà chẳng biết bà có thằng con trai đi tu. Mà hình như nó làm thầy rồi. Bữa trước thấy bà mặc áo dài thật đẹp đi lễ khấn nó thì phải? Ai mà chẳng gọi bà bằng giọng điệu kính nể: “Bà Cố!”. Lúc đầu bà cũng ngài ngại. “Cố gì, cứ gọi bà Hai được rồi. Bà Hai bán cá”. Lâu dần bà cũng quen. Gọi “Bà Cố” nghe cũng hay hay.
Kể từ sau ngày đi lễ khấn con về, bà vui hẳn. Bà hãnh diện nơi chốn đông người. Ngẩng cao đầu trong mỗi Thánh lễ. “Dù gì con ta cũng là tu sĩ tu sọt chứ bộ” – Bà nghĩ thầm vậy. Nhưng dù cho có một chút hãnh diện về thằng con trai, bà vẫn cứ lo sợ. Người đời nói đi tu khó lắm chứ đâu phải dễ. Làm bà cố lại càng khó. Bà sợ lòng người nham hiểm. Bữa trước kìa, mới đây thôi, nhà ông Năm xóm trên chứ đâu xa. Chỉ vì cái hàng rào nhà bên xây lấn qua sân, ông qua phân bua phải trái với hàng xóm. Chưa nói được câu nào đã bị chửi sang sảng vào mặt: “Tưởng làm ông cố mà tui nể hả. Ông thuộc về cái dạng quá cố thì có. Mang tiếng có con làm cha mà sống không biết điều.” Nghe đến đó, ông Năm lầm lũi về nhà, mặt buồn rười rượi. Người nhà nói ông bệnh liệt giường cả tuần.
***
Hằng ngày bà vẫn phải dậy từ hai ba giờ sáng đi lấy cá ở chợ đầu mối về bán. Công việc cũng mấy chục năm rồi. Từ cái hồi bà còn con gái. Lấy chồng, chồng chết, để lại cho bà hai đứa con, một trai, một gái. Đứa con gái lầm lỡ chữa hoang, trốn biệt tăm mấy năm rồi cũng về lại ở chung với bà, đem về thêm một thằng nhóc. Bà nói: “Kệ, người ta nói gì cũng được, về đây má nuôi hai mẹ con.” Mọi sự bà trông mong vào cậu con trai. Hy vọng nó sẽ làm chỗ dựa cho bà khi tuổi già xế bóng.
Bà kể hồi đó có mấy cha về làm Tuần Đại Phúc ở Nhà thờ, ghé thăm vì nhà bà thuộc những hộ nghèo. Không biết các cha nói gì mà thằng nhỏ bỏ bà cái rụp.
– Má, con đi tu nha! Con đi tu, mai mốt má được làm bà cố. Bà cố bán cá!
Bà gật đầu. Hai mẹ con cùng cười. Có cái gì đó vui lắm trong lòng bà không tả được.
***
Bẵng đi mấy năm, cậu con trai về.
– Má, tuần sau con khấn rồi, má với chị hai đi lễ của con.
Ngoài chợ biết chuyện, nhiều người đến chia vui, nói đùa: “Con chào Bà Cố ạ!” Bà đỏ mặt, không giấu được niềm hạnh phúc dâng tràn qua ánh mắt.
Từ sau ngày khấn của con bà thay đổi hẳn. Bà siêng đi lễ hơn. Vì sợ miệng đời nói bà cố gì mà chẳng đạo đức tý nào. Bà bán cá không dám lời nhiều. Vì sợ miệng đời nói bà cố gì mà bán cắt cổ. Bà không dám to tiếng với ai. Vì sợ miệng đời nói bà cố phải nhỏ nhẹ chứ… “Bà Cố” nghe thấy cũng thích nhưng mang được nó sao nặng nề quá. Cũng vì con, bà chấp nhận tất cả. Đứa con gái thấy mẹ mệt mỏi, bực mình nói: “Thằng út đi tu chứ má có đi tu đâu mà chịu khổ dữ vậy!” Bà nghĩ, con đi tu thì mình cũng tu theo con chứ còn gì. Đời bà giờ chỉ trông mong vào thằng con. Bà không cầu xin Chúa điều gì ngoài cầu xin cho con bà có ơn bền đỗ trong ơn gọi
***.
Đang bán hàng, bà nghe tiếng đứa con gái oang oang: “Thằng út nó về thăm má ở nhà kìa, má về đi. Để đó con bán cho.” Bà chạy về thật nhanh như vớ được phải vàng. Mà cũng lâu lắm nó mới về thăm bà chứ có phải thường xuyên đâu.
Bước vào nhà, bỏ cái nón lá xuống đất, vừa nhìn thấy con trai, linh tính của một người mẹ nhắc bảo có chuyện chẳng lành.
– Nhà Dòng cho con về rồi má – cậu con trai lên tiếng.
Chẳng kịp để bà phản ứng, cậu nói tiếp: “Má có tin con không?”
Bà gật đầu. Má tin.
***
Rồi cậu lại đi.
– Con đi đâu?
– Con đi để không phụ lòng tin của má.
***
Ở cái chợ này là thế. Việc tốt chẳng thấy nói tới nhưng hễ nhà nào có chuyện chẳng lành là lan còn nhanh hơn cả internét. Mà cái chuyện của nhà bà, chuyện thằng con trai của bà có phải chuyện nhỏ nhoi gì đâu. “Đi tu mà còn mê gái. Phải chi nó mê con nhỏ nào đẹp đẹp. Bữa tao thấy rồi, con nhỏ đó xấu quắc hà! Nghe đâu ổng làm cho con nhỏ có bầu. Giờ nhà Dòng đuổi rồi. Thiệt nhục hết sức.”
Bà chẳng còn vui vẻ bán cá như thường lệ kể từ ngày ấy. Bà cũng không thể yên tĩnh được giây phút nào khi ở nhà. Đâu đâu người ta cũng bàn ra bàn vào, nói tới nói lui, nói bóng nói gió. Mà cũng có khi nói thẳng vào mặt: “Bà Hai, thằng con bà tu được tui cắm đầu xuống đất!”
Mới ngày nào người ta còn gọi bà bằng cái danh hiệu rất cao cả “Bà Cố!”. Ấy vậy mà mọi việc đến quá nhanh. Bà dường như không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho thằng con của bà và cho cả bà.
Lầm lũi. Ít nói. Hiếm lắm người ta mới thấy bà cười với thằng cháu ngoại.
***
Mười lăm năm kể từ ngày đứa con trai về thăm bà, cũng là mười lăm năm bà chờ đợi. Mười lăm năm chưa phải là quá dài nhưng cũng đủ khiến cho tóc bà bạc trắng, lưng còng, mắt mờ và nhất là bà không thể đi bởi căn bệnh thấp khớp hành hạ. Mười lăm năm người ta vẫn nói tới nói lui như chuyện vừa hôm qua: “Thằng đó còn mặt mũi nào nữa mà về đây. Hại con người ta có bầu giờ phải chịu trách nhiệm chứ sao.”
Đứa con gái thay bà bán cá ngoài chợ. Bà ở nhà, ngồi xe lăn. Khi nào thằng cháu ngoại rảnh rang việc học thì đẩy bà đi vài vòng cho đổi không khí. Còn không thì suốt ngày bà chỉ quanh quẩn trong căn phòng kín như bưng, hôi hám. Lâu rồi người ta không gọi bà là “Bà Cố” nữa, mà gọi “ Bà Hai Xe Lăn”. Mà hình như bà cũng quên cái danh hiệu đó rồi thì phải.
***
Rồi cậu con trai về.
Nhìn thấy mẹ, cậu tựa đầu vào ngực mẹ mà khóc: “Má giận con lắm hả?” Bà cũng khóc theo con.
– Tháng sau con được làm linh mục rồi.
Cậu nhìn thẳng vào mắt mẹ mà nói. Bà ôm đầu con. Hai mắt ráo hoảnh.
***
Rồi cái ngày con bà bước lên Bàn Thánh cũng đến. Người ta đẩy bà trên xe lăn lên gian cung thánh để trao áo lễ cho Tân Linh Mục. Đâu đó ở phía sau thì thầm: “Nhìn bà cố tội quá!”
Mọi người quy tụ quanh bà, quanh Tân Linh Mục reo hò, chúc mừng. Mấy bà bán cá trong chợ cũng bao quanh: “Chúc mừng bà cố!”
Bà trả lời nhỏ nhẹ như khẽ, như gió thoảng: “Không dám, tôi chỉ là bà Hai bán cá, hoặc gọi tôi Bà Hai Xe Lăn cũng được, tôi quen rồi!”
(Tác giả: Mai Phúc)