Học hỏi: Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Tháng 06/2023: Cầu nguyện để việc tra tấn bị loại bỏ

Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA

THÁNG 06/2023
CẦU NGUYỆN ĐỂ VIỆC TRA TẤN BỊ LOẠI BỎ

Hồng Thủy – Vatican News

Vatican News (30.05.2023) – Trong video ý cầu nguyện của tháng 6, được công bố ngày 30/5/2023, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện để cộng đồng quốc tế dấn thân cụ thể nhằm xoá bỏ việc tra tấn và bảo đảm hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ.

“Làm sao mà con người có thể quá tàn ác như thế?”. Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha đặt ra khi nói về vấn đề tra tấn, “một phần lịch sử của chúng ta.”

Ngài lên án không chỉ những hình thức tra tấn bạo lực, nhưng cả những hình thức “tinh vi hơn, chẳng hạn như hạ thấp ai đó, làm tê liệt các giác quan, hoặc giam giữ hàng loạt trong những điều kiện vô nhân đạo đến mức độ tước đi phẩm giá của người đó.”

Lời lên án của Đức Thánh Cha được đưa ra trong bối cảnh ngày 26/6 tới đây là Ngày Quốc tế của Liên Hiệp quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn; bởi vì vào ngày này năm 1987, Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác có hiệu lực. Công ước đã được 162 quốc gia phê chuẩn sau khi được thông qua vào năm 1984.

Tra tấn được thực hiện trong thời cổ xưa. Vào các thế kỷ 18 và 19, các nước phương Tây đã chính thức bãi bỏ việc sử dụng chính thức thông qua hệ thống tư pháp. Ngày nay, nó hoàn toàn bị cấm bởi luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục được thực hiện ở nhiều quốc gia. Kể từ năm 1981, Quỹ của Liên Hiệp Quốc Hỗ trợ Nạn nhân bị tra tấn đã hỗ trợ trung bình 50.000 nạn nhân bị tra tấn mỗi năm tại các quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, tra tấn có xu hướng xảy ra ở các khu vực xung đột.

Trong trường hợp Nga xâm lược Ucraina, đã có báo cáo về các hành động tra tấn do binh lính Nga thực hiện đối với quân lính và thường dân Ucraina. Ngoài ra, và một phần do sự ra đời của các công nghệ mới, việc sử dụng một số hình thức tra tấn phi thể lý, chẳng hạn như tra tấn tâm lý, đã gia tăng. Hơn nữa, vấn đề trầm trọng hơn là tình trạng thiếu trách nhiệm liên tục đối với các hành vi tra tấn và ngược đãi trên phạm vi toàn cầu, một phần do sự phủ nhận có hệ thống, sự cản trở và cố tình trốn tránh trách nhiệm của các cơ quan công quyền gây khó khăn cho việc thống kê và ước tính số nạn nhân.

Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế “dứt khoát cam kết bãi bỏ việc tra tấn, đảm bảo hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ”. Trong một bài diễn văn vào năm 2014, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng “những lạm dụng này chỉ có thể được ngăn chặn với cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế trong việc công nhận […] phẩm giá của con người trên mọi thứ khác.” (CSR_2133_2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

https://tgpsaigon.net/bai-viet/y-cau-nguyen-cua-duc-thanh-cha-thang-06-2023-cau-nguyen-de-viec-tra-tan-bi-loai-bo-68927

Học viên triết – Học viện Dòng Tên trong ngày tốt nghiệp 27.05.2023

 Cậu muốn hét lên cho cả thế giới biết được cậu yêu mẹ thế nào! Cậu cảm thấy thực sự hạnh phúc và may mắn vì được làm con của mẹ. Cả cuộc đời của mẹ không còn sống cho chính mình nữa nhưng mẹ luôn sống vì ước mơ của mình. Ước mơ của mẹ và cả cuộc đời của mẹ chính là các con. Mẹ đã hy sinh rất nhiều để các con của mẹ có một tương lai tươi sáng.

Cậu vui vì trong mọi hành trình của mình luôn có mẹ ủng hộ dù mẹ không nói ra. Cậu học được nơi mẹ sự mạnh mẽ để vượt qua mọi biến cố của cuộc sống. Mẹ là người cảm nhận rõ ràng nhất nỗi đau của sự đổ vỡ, và mẹ cũng tìm được nơi Chúa và nơi các con động lực để vượt qua những lúc như vậy.

Cuộc sống vốn thăng trầm với những biến cố chợt đến chợt đi. Thế nhưng, chúng để lại những dấu ấn không thể phai nhòa trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Cuộc sống thường quăng cho chúng ta những thứ mà đôi lúc chúng ta không mong muốn. Nhưng chúng đến là đến thế thôi, ai có thể ngăn chúng lại được. Việc chúng ta có thể làm là đón nhận và biến đổi cuộc đời mình theo cách mà chúng ta mong muốn mà thôi.

Tính ra cũng một năm kể từ ngày biến cố ấy xảy đến với cậu. Lúc cậu báo tin ấy cho mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Cậu cảm thấy thực sự có lỗi vì đã không bàn hỏi với mẹ trước. Thế nhưng, điều gì cũng có lý do của nó. Thực sự, cậu chọn lựa trong một tâm thế buộc phải chọn lựa để cậu cho mình thêm thời gian để nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra ý Chúa trong mọi điều xảy đến. Thoạt đầu, cậu cũng không dễ chấp nhận. Nhưng rồi có một thôi thúc mạnh mẽ tự bên trong đẩy cậu về phía trước. Luôn nhắc cậu cứ bình tĩnh và cho mình thời gian. Đừng vội vàng!

Để rồi cậu chọn lựa một con đường không phải quá khó nhưng không hẳn là dễ đi. Cậu vẫn tiếp tục việc học còn dang dở của mình. Cậu tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê của mình và cũng giúp cậu trang trải những chi phí trong một năm sắp tới. Thực sự nếu cậu không đủ mạnh mẽ và tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa, chắc cậu đã chọn một hướng đi dễ dàng hơn đối với cái nhìn của cậu. Nhưng cái giá mà cậu nhận lại cho chọn lựa này thật là đáng quý. Nơi công việc tri thức giúp cậu mở ra với những thế giới quan và nhân sinh quan sâu sắc. Nơi công việc giáo dục giúp cậu mở ra trong tương quan liên vị với tha nhân. Và nơi công việc tay chân giúp cận trân quý những giọt mồ hôi cậu đổ ra.

Đến giờ khi nghĩ lại cậu cảm thấy thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì cậu đã can đảm bước trên con đường của mình. Hạnh phúc vì cậu đã kiên nhẫn với mình. Hạnh phúc vì cậu tìm thấy niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Và cậu luôn hạnh phúc vì cậu không một mình. Cậu có mẹ và gia đình luôn ủng hộ. Cậu có những người bạn luôn đồng hành với mình. Cậu có những người yêu thương cậu. Đặc biệt, cậu luôn cảm thấy Chúa kề bên, những lúc vui lẫn những lúc buồn.

Cuối cùng, xin cám ơn cuộc đời vì đã dạy cậu những bài học đắc giá. Và cũng xin cám ơn cuộc đời vì đã luôn bao dung để cậu thỏa sức làm những điều giúp cậu càng trở nên là cậu hơn. Cậu vẫn luôn háo hức chờ đợi những điều thú vị phía trước vì nhờ chúng mà chúng ta có thêm động lực và niềm hăng say trong cuộc sống vốn hữu hạn nhưng đầy những điều bất ngờ.

Cho nên, cậu vô cùng tự hào khi nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con đã tốt nghiệp rồi” trong ngày trọng đại này. Dù đã tốt nghiệp, nhưng con sẽ mãi là cậu học trò của trường học cuộc đời. Mỗi khi kết thúc một chặng đường, con luôn sẵn sàng bước tiếp chặng đường tiếp theo vì con biết mình không bao giờ có thể ngừng học hỏi. Con tin dù con có chọn lựa thế nào thì mẹ vẫn ủng hộ và đồng hành cùng con.

Philip

“Mẹ ơi! Con đã tốt nghiệp rồi!”

ĐỂ Ở BÊN CẠNH NGƯỜI MÌNH YÊU THƯƠNGQuý ông bà và anh chị em thân mến,

Người ta kể rằng: Có một cặp vợ chồng trẻ đang sống vô cùng hạnh phúc. Người vợ rất xinh đẹp và người chồng rất mực yêu thuơng vợ mình. Một thời gian sau, trong khi người chồng đi làm việc xa, người vợ tình cờ phát hiện ra mình đang bị một căn bệnh da kỳ lạ. Những đốm đỏ nổi lên từ vai rồi nhanh chóng lan ra khắp mặt mũi, toàn thân.

Cô đến gặp nhiều bác sĩ, nhưng họ cho biết căn bệnh này cực kỳ hiếm và cũng không có cách chữa trị. Khuôn mặt người vợ xinh đẹp trở nên xấu xí nhanh chóng. Cô vô cùng đau khổ, và cảm thấy không đủ can đảm đối diện với chồng khi anh trở về.

Rồi cô nhận được hung tin chồng mình gặp tai nạn khi trên đường trở về. Khi hồi tỉnh, anh đã không thể nhìn thấy gì, và cũng không thể nhìn thấy gương mặt và vóc dáng xinh đẹp ngày nào của người vợ đã thay đổi. Nhờ vậy mà người vợ không cảm thấy xấu hổ và tự ti về khuôn mặt xấu xí của mình khi ở bên chồng. Người chồng mù trở về nhà, và tình yêu nồng nàn của họ dành cho nhau vẫn không thay đổi.

Ít lâu sau, người vợ trượt chân ngã từ trên cầu thang xuống đất, cô đã không qua khỏi vì vết chấn thuơng ở đầu quá nặng. Người chồng đau khổ tột cùng trong ngày đưa tang vợ.

Khi tang lễ chấm dứt, một người hàng xóm hỏi anh dự định thế nào trong những ngày sắp tới. Người chồng mù cho biết anh sẽ đi xa khỏi thị trấn này, nơi luôn gợi anh nhớ lại người vợ yêu thương cùng những tháng ngày hạnh phúc. Người hàng xóm ái ngại hỏi:

– “Anh đi đâu khi không nhìn thấy gì, và biết làm gì khi không còn vợ bên cạnh như trước đây?”

Người chồng mù từ từ tháo cặp kính đen ra và chậm rãi trả lời:

– “Tôi đã giả vờ mù trong thời gian qua để vợ tôi không đau khổ và mặc cảm vì căn bệnh của cô ấy. Tôi chỉ muốn vợ mình luôn vui vẻ và chúng tôi được sống hạnh phúc bên nhau”.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Tình yêu chân thật được diễn tả qua những hi sinh rất cao cả mà những người yêu nhau dành cho nhau. Khi xuân sắc, khỏe mạnh và thịnh vượng, người ta không thấy khó khăn khi sống hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, khi gặp phải rủi ro, đau bệnh hay sa cơ thất thế, để giữ được hạnh phúc của mình và người mình yêu, rất nhiều khi người ta phải hy sinh rất nhiều và chấp nhận trả những cái giá rất đắc.

Trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, khi mở mắt tỉnh dậy sau tai nạn và nhìn thấy gương mặt xinh đẹp – niềm tự hào của vợ mình đang bị tàn phá, người chồng đã chọn giải pháp giả mù và chấp nhận sống như một người mù chỉ để vợ mình không đau khổ vì mặc cảm, và để được hồn nhiên ở bên cạnh người phụ nữ mà mình yêu thương. Còn người vợ, vì tình yêu dành cho chồng, cô cũng vui lòng đón nhận và chăm sóc người chồng mù của mình dù phải vất vả hơn khi phải chăm lo cho anh trong lúc chính thân xác cô cũng đang bị căn bệnh nan y hành hạ.

Tình yêu của con người dù có giới hạn, vẫn được diễn tả một cách nồng nàn như vậy, còn tình yêu vô hạn của Thiên Chúa thì sao? Vì yêu thương con người và để ở với con người, Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa đã từ bỏ vinh quang của một Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế (Phi 2, 6-7). Thật vậy, để đến cư ngụ dưới mái nhà tại trần gian, để sống với, sống cùng nhân loại và chung chia mọi niềm vui, nỗi buồn, đau khổ của kiếp người, Chúa Giêsu đã trả một cái giá quá đắc đó chính là sự cơ cực, lầm than và mạng sống của chính Người.

Từ ngày đó trở đi, con người bắt đầu họa lại hình bóng yêu thương đó của Chúa và cũng biết hy sinh cả thanh xuân, sự tự do và lợi ích của bản thân để được ở bên cạnh những người mà mình yêu thương. Chúng ta thấy được sự hy sinh đó nơi người cha, người mẹ của mình, tần tảo lao động cả một đời chỉ để con mình không phải thua kém bạn bè và có đầy đủ phương tiện để ăn học thành tài. Niềm hạnh phúc của họ là thấy nụ cười tươi tắn của con cái mình và được ở bên cạnh chăm sóc, yêu thương chúng.

Sự hy sinh đó cũng lấp lánh nơi hình bóng những người vợ âm thầm lo chu đáo mọi chuyện trong nhà và chăm sóc con cái để chồng mình thực hiện những hoài bão và thành danh trong xã hội. Họ lấy thành công và niềm vui của chồng, con là hạnh phúc của mình. Ước gì giữa những bận rộn, và phấn đấu để thực hiện ước mơ và hoài bão của mình, chúng ta cũng biết hy sinh thời giờ, sức khỏe và nhiều điều khác nữa để có thể ở bên cạnh những người mình yêu thương và làm cho họ được hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian này và chung chia mọi vui buồn, đau khổ của phận người để ở với chúng con. Xin cho chúng con cũng biết đánh đổi những lợi ích của bản thân để được cận kề và san sẻ mọi nỗi niềm trong cuộc sống với những người mà chúng con yêu thương. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ 

Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/

http://donggioanthienchua.net/de-o-ben-canh-nguoi-minh-yeu-thuong.html

ĐỪNG GIẬN QUÁ MẤT KHÔN

Ở một vương quốc nọ, có một nghệ nhân múa rối có một con rối là phương tiện mưu sinh. Con rối đó được làm bằng gỗ khá tinh xảo và trông rất giống người thật. Nó còn được nghệ nhân mặc cho quần áo đẹp nên trông rất sống động. Trong mỗi buổi biểu diễn, mọi người cứ ngỡ rằng nó biết múa, biết ca nhưng thật ra là lời ca của nghệ nhân và ông điều khiển mọi động tác của con rối nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hòa cùng với tiếng hát. Mọi người không ngừng trầm trồ và đã không tiếc gì tiền thưởng cho ông khi xem con rối biểu diễn.

Tiếng lành về nghệ nhân múa rối và con rối đó được đồn đến tai nhà vua của vương quốc đó. Nhà vua cho mời nghệ nhân vào cung biểu diễn. Trong ngày nghệ nhân trổ tài, vua và hoàng hậu cùng ngồi trên lầu cao nhìn xuống để thưởng thức. Cả hai người cũng rất hào hứng khi thấy chú rối có các điệu ca vũ còn hay hơn cả người thật. Nhưng không may, trong quá trình biểu diễn, người gỗ thường xuyên hướng về phía Hoàng hậu, khiến nhà vua tưởng rằng người gỗ đang để ý đến Hoàng hậu. Buổi biểu diễn vừa kết thúc thì cơn nóng giận và ghen tức của nhà vua nổi lên cao độ, nhà vua đứng dậy quát lớn:

– Tại sao con rối lại cứ ngắm nhìn Hoàng hậu, hãy chém đầu nó cho trẫm.

Tình thế quá bất ngờ, nghệ nhân múa rối hết sức sợ hãi. Ông khóc lóc, quỳ xuống xin đức vua tha cho con rối. Nhưng nhà vua đang trong cơn giận dữ nên nhất quyết yêu cầu đao phủ hành quyết con rối. Thấy không thể thay đổi được tình thế, nghệ nhân múa rối chỉ còn biết nài xin một ân huệ:

– Thưa bệ hạ, nếu ngài quyết ý giết nó thì xin bệ hạ cho phép thần được tự tay giết nó.

Nhà vua bằng lòng. Nghệ nhân múa rối bèn rút một cái chốt ở vai con rối, tức thì mọi bộ phận của con rối đều rời ra thành những mẩu gỗ nhỏ vô tri và rơi xuống đất.

Thấy thế, vua kinh ngạc nói:

– Ồ, ta thật ngốc khi tức giận với một đống gỗ vụn thế này.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Cổ nhân nói rằng: “Giận quá mất khôn” quả thật không sai! Không có gì ngốc nghếch và buồn cười cho bằng một con người lại đi tức giận với một đống gỗ vụn. Ấy vậy mà đó lại là phản ứng của vị vua trong câu chuyện nói trên – người được trọng vọng bởi quyền lực và sự khôn ngoan để cai trị cả một đất nước. Cơn nóng giận bốc lên khiến lúc đó nhà vua không còn có thể suy xét về bản án vô lý của mình dành cho một con rối gỗ, và ông cũng không có đủ tỉnh táo để lắng nghe được tiếng van nài của một nghệ nhân khốn khổ sắp mất đi con rối – phương tiện quý giá duy nhất mà ông có để kiếm sống. Cơn nóng giận thật sự quá đáng sợ. Nó làm con người trở nên mù quáng và có hành vi, cách cư xử vô cùng tàn nhẫn.

Nóng giận là một trạng thái cảm xúc tiêu cực nhưng lại là một phần tất yếu trong những cung bậc cảm xúc của con người. Những ai càng gặp phải nhiều áp lực trong cuộc sống thì sự nóng giận càng dễ dàng bộc phát. Bao tổn thương trong tâm hồn do người khác gây ra mà phải chịu đựng ngày này qua tháng nọ; những bất công và xung đột nảy sinh trong các mối tương quan và cả những vất vả nhọc nhằn trĩu nặng trong tâm tư và thân xác… đều là những ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng, dễ dàng bùng lên thành những cơn nóng giận khiến người ta khó kiểm soát được những suy nghĩ và hành động của mình.

Nhìn lại chính mình, chúng ta thấy rất nhiều lúc mình cũng đã nổi nóng và giận dữ. Chúng ta nóng giận với người khác khi họ không làm theo ý mình hay khi họ gây ra chuyện phương hại đến lợi ích của mình. Và chúng ta cũng nóng giận với bản thân khi mình làm hoài việc gì đó mà không thành công… Sự nóng giận đó không giúp ta giải quyết được vấn đề cho tốt hơn mà trái lại khiến ta gây ra những quyết định và hành động hết sức tai hại, phải hối tiếc về sau.

Ý thức được tác hại của sự nóng giận, chúng ta cần cố gắng hết sức có thể để chế ngự cảm xúc này và thay thế nó bằng một cảm xúc tích cực hơn. Sách Châm ngôn dạy ta đừng bè bạn hay giao du với người hay nóng giận, vì sự nóng giận của họ sẽ lây lan qua cho ta (x. Cn 22, 24), và tác giả thánh vịnh 37 thì khuyên chúng ta hãy dừng cơn phẫn nộ và nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi (Tv 37,8). Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn giúp chúng ta biết sống hiền lành và nhẫn nại với chính mình và với tha nhân để nơi gương mặt dịu hiền và cách hành xử khoan dung, nhẹ nhàng của chúng ta, mọi người nhìn thấy được gương mặt khả ái của Chúa.

Lạy Chúa, làm sao mà mọi người có thể nhìn thấy dung mạo dịu hiền của Chúa nơi gương mặt cau có, đằng đằng sát khí của chúng con, khi chúng con nổi giận? Xin Chúa hãy ban sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa giúp chúng con làm chủ được những cơn giận của mình để tránh được những lời nói tiêu cực và hành vi bạo lực, hầu kiến tạo sự bình an cho chính mình và những người xung quanh. Amen.

Duy An   

Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/

http://donggioanthienchua.net/dung-gian-qua-mat-khon.html

Sống tử tế làm cho ta khỏe mạnh

Hãy tưởng tượng trên một con đường làng bẩn thỉu, đồng quê chung quanh khô hạn, chỉ vài cây nhỏ khẳng khiu, quặt quẹo trên vùng đất khô cằn. Một người đàn ông nằm trên vệ đường, anh ta bị thương nặng. Bọn cướp đánh đập anh tàn nhẫn và đã lấy sạch tiền của anh. Nếu không ai giúp đỡ, anh sẽ chết. Thực ra, có hai người đồng bào của anh đi ngang qua, nhưng họ cho rằng mình quá bận để ra tay giúp đỡ. Và kìa, có người thứ ba đang đi đến. Người này không cùng dân tộc với người bị nạn, thậm chí, anh ta đến từ một đất nước đang có chiến tranh với anh chàng bị cướp bóc này.

Thay vì bỏ đi luôn, người thứ ba này đã dừng lại. Người đàn ông này có lòng tử tế. Anh đã vực người bị nạn lên lưng lừa. Đưa anh ấy về nhà, băng bó các vết thương và chăm sóc sức khỏe cho anh. Người đàn ông này đã bất kể người bị nạn là dân của nước nào, ông thấy một người bị thương và ông ra tay cứu giúp.

Đó là một câu chuyện trong Kinh Thánh Công giáo, có tên gọi là ‘Người Samaritanô nhân lành’. Câu chuyện dạy người Kitô hữu phải sống tử tế, ngay cả với kẻ thù của mình. Hầu hết các tôn giáo đều có những câu chuyện tương tự, hầu hết các đạo giáo đều dạy chúng ta phải tử tế với nhau. Những điều này giống như điều răn, được đưa ra với nhiều lý do. Nhưng bạn có bao giờ biết đến một lý do khoa học, tại sao mà con người nên sống tử tế chưa? Người tử tế sẽ cảm thấy hạnh phúc. Và thậm chí, tuổi thọ của họ còn kéo dài nữa!

Chúng ta đang nói về khía cạnh khoa học của việc sống tử tế.

Phần lớn, người ta biết sống tử tế sẽ cảm thấy vui, giúp đỡ người khác sẽ khiến mình cảm thấy tích cực; và khi tặng cho ai một món quà, ta sẽ nếm trải hạnh phúc như mình là người được nhận. Nhưng hầu như trong lịch sử loài người, người ta không thể giải thích tại sao. Giacomo Rizzolatti, một khoa học gia người Ý, nghiên cứu về hoạt động của não bộ. Vào thập niên 1980, ông và những đồng nghiệp tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn về ứng xử tử tế. Rizzolatti dùng phương pháp nội soi cắt lớp, để khảo sát những bộ óc của khỉ. Khi một con khỉ hành động một điều gì đó, não bộ sẽ cho thấy hoạt động này.

Và rồi, Rizzolatti đã khám phá ra điều kỳ diệu. Đôi khi, những con khỉ quan sát lẫn nhau. Khi quan sát, bộ não của chúng cũng làm việc. Nhưng, chúng có cùng một phản ứng như những con khỉ mà chúng đang quan sát. Khi một con khỉ giơ tay ra, não bộ của con khỉ đang quan sát dường như cũng làm y như vậy. Nó không đưa tay ra, nhưng bộ não của nó có trải nghiệm y như nó đang giơ tay ra. Chỉ những phần đặc biệt của não thể hiện điều này. Rizzolatti gọi chúng là thần kinh gương. Không lâu sau, ông và đồng nghiệp của mình cũng có cùng kết quả trên cơ thể con người.

Thần kinh gương rất quan trọng trong khoa học về sự tử tế. Chúng là thành phần của não, chúng cho thấy người khác cảm nhận gì. Chúng cho phép chúng ta đồng cảm. V.S. Ramachandran, một khoa học gia về thần kinh học, đã nói trên tạp chí Greater Good, lý do tại sao thần kinh gương quan trọng trong sự đồng cảm.

“Những thần kinh gương này liên quan đến sự thấu cảm trong đau đớn. Để cảm nhận thực sự nỗi đau của bạn, tôi cần trải nghiệm nỗi đau đó trong chính bản thân mình. Đó là những gì các thần kinh gương đang thực hiện. Chúng giúp tôi cảm được nỗi đau của bạn. Tôi cảm nhận vài điều như là chính tôi bị tổn thương trực tiếp. Đó là căn bản của sự thấu cảm”.

Đồng cảm là bước đầu tiên của sự tử tế. Nó khiến chúng ta biết, khi nào người khác đau buồn hay tổn thương. Chúng ta biết, thần kinh gương giúp ta cảm nhận nỗi đau của người khác. Nhưng thần kinh gương cũng cho phép chúng ta cảm nhận, khi nào người khác hạnh phúc. Khi ta thấy người khác cười, ta thường nở nụ cười. Khi ta đối xử tử tế với người khác, chúng ta cũng cảm nhận được hạnh phúc của họ.

Như vậy, niềm hạnh phúc mà chúng ta nhận được khi sống tử tế, đồng thời cũng ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của chúng ta. Khi chúng ta hạnh phúc, não bộ của chúng ta sẽ thải ra một chất hóa học, gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Một vài chất dẫn truyền thần kinh làm cho ta sợ hãi hay giận dữ. Nhưng trong hoạt động tử tế, chất này lại thải ra những tác động tích cực. Nó khiến chúng ta cảm nhận tốt về mối quan hệ của mình và tự tin hơn. Đồng thời, nó tác động đến thân xác chúng ta. Oxytocin là một chất dẫn truyền thần kinh, được đào thải trong suốt hoạt động tử tế. Oxytocin ngăn ngừa căng thẳng. Nó cũng làm hạ áp lực máu. Marcie Hall là một bác sĩ nhi khoa ở Bệnh viện Đại học Ohio ở Hoa Kỳ, đã nhắc đến những ích lợi của chất dẫn truyền thần kinh này trong trang mạng Healthy@UH.

“Sự tử tế thực sự bảo vệ trái tim bạn. Nó cung cấp hệ thống chiến đấu cho bệnh tật trong cơ thể bạn, nó tạo ra năng lượng, nó làm giảm các cơn đau đớn, nhức mỏi. Nó có thể mang lại một cuộc sống lâu dài. Thực vậy, bạn cũng có thể cảm thấy hạnh phúc, trong tiến trình sống tử tế”.

Sự tử tế và đồng cảm cũng rất quan trọng đối với xã hội loài người. Chúng giữ các mối tương giao mạnh mẽ. Cảm nhận tích cực chúng ta nhận được từ sự tử tế, khiến chúng ta muốn giúp đỡ người khác. Và điều này thúc đẩy nhiều nhóm người khác nhau làm việc chung với nhau. Không có sự đồng cảm, cộng đồng nhân loại sẽ rất khác. Thậm chí, họ có thể không tồn tại!

Một lý thuyết nổi tiếng được diễn tả như “kẻ sống sót phù hợp nhất”. Ý niệm này dựa trên một học thuyết của Charles Darwin. Học thuyết này cho rằng, người mạnh nhất, khỏe nhất sẽ là người sống sót. Nhưng Helen Riess không đồng tình với ý kiến này. Riess là chủ nhiệm một chương trình, dạy người ta cách sử dụng và phát triển sự thấu cảm. Bà đã viết một bài về Khoa học của sự Thấu Cảm, trong đó bà giải thích vì sao con người có sự thấu cảm.

“Tại sao bộ óc của con người được thiết kế theo cách này? Nếu cuộc đời chỉ là kết quả cho những ai “thích hợp nhất thì tồn tại”, chúng ta chỉ có những con người chiến đấu. Chúng ta sẽ không quan tâm đến việc đón nhận những khó khăn, đau khổ. Khả năng nhìn người khác khổ sở cho phép chúng ta cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của họ. Những đau đớn bản thân chúng ta trải qua, thường tác động giúp chúng ta sống tử tế hơn. Sự tồn tại của con người tùy thuộc vào việc giúp đỡ lẫn nhau. Sống tử tế làm giảm mọi khó khăn, đau khổ của người khác và của chính mình”.

Tử tế không chỉ là những việc làm tốt đẹp bạn làm cho người khác. Tử tế là yếu tố giúp chúng ta trở nên con người. Không có nó, chúng ta sẽ không thể làm việc với nhau, sẽ không muốn làm việc cùng nhau. Henry James, một tác giả Anh-Mỹ nổi tiếng, ông viết nhiều sách khám phá những trải nghiệm của con người. Năm 1902, qua bài nói chuyện với một gia đình trẻ, ông nói những lời khôn ngoan sau đây:

“Có ba điều quan trọng trong một đời người. Trước hết là sống tử tế. Thứ đến là sống tử tế. Và cuối cùng là sống tử tế”.

Bạn có nghĩ sống tử tế là quan trọng không?

Nguồn: Why being kind can make you healthy?

https://spotlightenglish.com/society/why-being-kind-can-make-you-healthy/

Maria Trần Thị Kim Danh chuyển ngữ

https://tonggiaophanhue.net/muc-vu/gioi-tre/song-tu-te-lam-cho-ta-khoe-manh/

Sử dụng rượu bia chừng mực

ruoubia

Thời đại học, lớp chúng tôi có một anh bạn sinh viên người Nhật theo học. Lần kia, tôi có hỏi về điều gì đặc biệt mà bạn thấy ở Việt Nam. Mặc dù giọng lơ lớ, phát âm chưa rõ ràng lắm nhưng anh bạn không ngần ngại trả lời: “Ở Việt Nam, chỗ nào cũng có thể dựng hàng quán được, nhất là quán nhậu”. Và để dẫn chứng, anh bạn giơ tay ra, chỉ vào những quán cóc xung quanh sân vận động Triều Khúc (Thanh Trì – Hà Nội) lúc đó.

Đám sinh viên chúng tôi nhìn nhau rồi gật đầu lấy làm đắc ý. Lời nhận xét của anh bạn người Nhật có phần cảm quan nhưng xem ra cũng khá xác đáng. Người Việt mình nói chung thích ăn nhậu. Đồng nghĩa với đó, bia rượu xuất hiện gần như ở tất cả các buổi liên hoan, họp mặt cấp độ to nhỏ. Trong cách nói của người Việt, những công việc trọng đại đều có thể liên quan đến ăn uống: Ăn Tết, ăn rằm, ăn giỗ, ăn khao… Thậm chí đến cả chuyện: ăn gánh đóng góp, ăn chia, ăn gian, “ăn bẩn”… Không lạ gì khi người ta đưa ra những con số cho biết Việt Nam dẫn đầu “tăng trưởng bia rượu” ở ASEAN vì “vui buồn đều uống”.

Thực ra, rượu bia đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Việc sản xuất có mục đích thức uống có cồn là phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Việc phát hiện ra các bình bia có niên đại cuối thời đại đồ đá đã chỉ ra một thực tế rằng thức uống lên men có chủ đích đã tồn tại vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Bằng chứng sớm nhất của rượu ở Trung Quốc là các bình rượu từ Cổ hồ (Jiahu) có niên đại khoảng 7.000 năm trước Công nguyên[1]. Mới đây, một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ và Italy đã phát hiện tàn tích của một quán bia có niên đại gần 5.000 năm trong những gì còn sót lại của thành phố Lagash cổ đại, nằm ở phía Đông Bắc thành phố Nasiriyah (Iraq) ngày nay[2].

Không chỉ thế, nhiều người vẫn nói đến “thú uống rượu”, “văn hoá uống rượu”… Ông tiên thơ Lý Bạch đã từng thốt lên: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch. Duy hữu độc ẩm lưu kỳ danh” (Xưa nay các bậc thánh hiền đều vắng lặng tiếng tăm, chỉ có kẻ uống rượu là thanh danh vẫn để lại)[3]. Bản dịch thơ của Hoàng Tạo, Nam Trân là: “Thánh hiền tên tuổi bặt đi/ Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời!” Hơn nữa, nói đến say rượu, thì ai cũng phải nhắc đến Lưu Linh (đời nhà Tấn), một trong bảy thành viên của “Trúc Lâm thất hiền”. Mà Lưu Linh sở dĩ còn lưu danh lại cho ta biết là nhờ bài “Tửu đức tụng” (Đức uống rượu). Tuy nhiên, đạt được cảnh say như Lưu Linh tiên sinh thực là hiếm có.

Kinh Thánh cũng đề cập đến rượu: Rượu làm phấn khởi lòng người (x. Tl 9,13; Gv 9,7; Hc 31,27-28). “Rượu đem lại cho con người sức sống, nếu biết uống có chừng có mực” (Hc 31,27; x. Tv 104,15; x. 1Tm 5,23). Khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai, tại Cana miền Galilê, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu để tiệc cưới thêm trọn vẹn, nồng nàn (x. Ga 2,1-10). Nhưng Kinh Thánh cũng nói thêm: Say rượu làm cho con người mất khôn (x. Cn 20,1; 23,20-21.29-35; 31,4-5; Hc 31,25; Is 5,22). “Thật là nhức óc, đắng cay và xấu hổ, khi uống rượu mà cãi cọ và giận dữ” (Hc 31,29).

Không thể phủ nhận vai trò của rượu đối với sức khoẻ và giao tế nhưng có điều, cũng đến lúc phải xem lại. Rượu bia được dùng với lượng nhỏ có thể giúp ích cho sức khoẻ, giúp thư giãn và giao tiếp xã hội. Nhưng lạm dụng các loại rượu bia thì có thể làm hại tới sức khoẻ và đưa tới nghiện ngập dễ dàng, từ đó dẫn đến phá vỡ hạnh phúc của cá nhân và gia đình.

Nói rằng uống rượu cho vui thì cần gì phải uống đến nỗi phải nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Nói rằng uống rượu để thư giãn thì làm gì mà cứ uống triền miên lâu giờ và “gạ ép” nhau, so đo hơn thua từng ly. Lợi ích thì không thấy rõ mà hậu quả nhiều khi là tan cửa nát nhà, vướng vòng lao lý hay thậm chí là mất mạng. Chưa hết, hiện nay uống rượu bia không còn là đặc quyền của nam giới nữa. Nhiều phụ nữ cũng muốn tham gia nhiệt tình để thể hiện mình. Phụ nữ mà say thì… BẠN tự nghĩ đi! Tôi chỉ xin phân tích cùng BẠN mấy điểm nhỏ thôi.

1. Rượu vào lời ra
Nói một cách chữ nghĩa thì đó là tình trạng: “Tửu nhập ngôn xuất”. Có những người bình thường “cậy miệng cũng không nói”, “ăn canh hến cả ngày” nhưng khi có chút men trong người là huyên thuyên đủ chuyện. Đương nhiên theo đó, máu anh hùng sục sôi, mức độ dũng cảm và chỉ số cà khịa cũng thường đạt mức rất cao. Vì vậy, người Nga thường nói: “Say là cái điên tự nguyện”, hay là “Với người say rượu thì biển chỉ sâu tới đầu gối”. Còn người Ấn Độ thì nói: “Hãy đứng cách xa con voi bảy bước, cách xa con bò rừng mười bước và cách xa người say rượu ba mươi bước”.

Biết bao vụ ẩu đả xảy ra trong hoặc sau các cuộc nhậu bởi những nguyên nhân hết sức vụn vặt hoặc không đáng kể như: nhìn đểu, mời rượu nhưng không uống hết hay thậm chí là không được mời nhậu. Cùng với đó là lối lý luận: “rượu bất khả ép, nhưng ép bất khả từ, thì từ từ để tao uống…” Chẳng thế, A. Tsêkhốp mới nói: “Rượu nặng màu trắng nhưng lại làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự”.

Chắc hẳn BẠN đã từng nghe lời này từ miệng của những người thân khi nói về những người say rượu mà lại hay nói nhảm, làm càn: “Người ta vẫn gọi là ông ăn xin, ông ăn mày nhưng chẳng ai gọi là ông say rượu cả mà chỉ gọi là thằng say rượu”…

2. Rượu vào mát ga
Không phải ngẫu nhiên mà BẠN bắt gặp thường xuyên các khuyến cáo: “Đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe”, “Đằng sau tay lái là cả gia đình”; “Nói không với sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”… Điều này không chỉ là luật lệ của Ban An toàn Giao thông Quốc gia nhưng cần trở thành lời nhắc nhở nhau mỗi khi cầm tay lái. Mỗi ngày ở Việt Nam đã có quá nhiều người dắt xe ra đường nhưng chẳng bao giờ về nhà nữa. Rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc kéo theo những cái chết thương tâm mà nguyên nhân của nó có liên quan đến rượu bia. Bản thân tôi cũng không ít lần ngậm ngùi tiễn đưa người thân mà sự ra đi của họ có nguyên nhân đến từ “ma men”: “Chồng lái lụa, vợ goá bụa”, “Thể hiện là vào viện”, “Một giây liều mạng, chống nạng cả đời”…

Khốn nỗi, không mấy người uống say mà tự nhận là mình say cả. Miệng ú ớ, nói méo tiếng nhưng vẫn cố khẳng định: “Ăn thua gì! Tôi còn đi được…” Và hậu quả là nhiệt tình tham gia “Giải bát hương vàng mở rộng”, không thì cũng vô tình phá hoại cột điện nhà nước. Có những người say khướt nhưng vẫn đòi cầm tay lái, chở theo vợ con. Sau khi gây tai nạn, tỉnh dậy thì vợ và các con đã mãi mãi không còn trên cõi đời này nữa… Đáng thương hay đáng trách! Như thế đã đủ cảnh tỉnh! Không thể đổi cho ý Chúa muốn như thế được. Chẳng có Chúa nào “ác” dữ vậy. Chẳng có Chúa nào nỡ “dàn dựng” tai nạn đau thương như thế. Mình gây ra tai nạn chẳng lẽ lại cứ đi đổ lỗi cho Chúa!

Trước kia, tôi cũng phản đối Nghị định 100 vì xem ra quá “gắt”, quá khắt khe, nhất là những quy định liên quan đến nồng độ cồn. Nhưng càng nghĩ lại, và nhất là sau những tai nạn tang thương mà mình chứng kiến, tôi thấy sự cần thiết của nó. Bạn cứ xem chương trình 5 phút hôm nay trên kênh VTV1 vào buổi trưa thì BẠN sẽ thấy: “Giá mà anh ta lái xe cẩn thận thì nhiều gia đình đã không có chung một ngày giỗ”.

3. Rượu vào thêm “ca”
Tôi không muốn nói tới thêm ca rượu hay ca bia mà là thêm “ca hai”, “ca ba”. Đang trong cơn đê mê, phấn khích của men say, người ta sẽ thường nghĩ đến những “tập vui” tiếp theo. Có người phàn nàn với tôi: “Lúc nào cũng bảo là đi hát cho vui, hát để giải trí nhưng mà… có cái thứ hát karaôkê gì mà chỉ mỏi tay chứ không mỏi mồm!”

Nói đúng ra thì hát karaokê vẫn có mức độ lành mạnh và lợi ích giải trí nhất định. Tuy nhiên, khi có sự tham gia tích cực của rượu bia, những nguyên tắc luân lý dường như sẽ trở nên rất thoáng. Và sau một cái chậc lưỡi, độ liều đạt mức tối đa thì cái gì cũng có thể làm. Và đấy mới là điều nguy hiểm. Như lời bàn của tác giả Cổ học tinh hoa: “Còn những hạng người say mà nói nhảm, làm càn, phạm vào những điều thương luân, bại lý mà vin Lưu Linh thì lại là tội nhân của Lưu Linh, chứ không phải là đồ đệ của Lưu Linh”[4].

Lúc tỉnh táo còn khó thắng được các cơn cám dỗ, chứ nói gì khi đã say sưa, không làm chủ được lý trí. Những lúc đó, bản năng mới thường thắng thế. Khoảng cách giữa vui chơi và sa đà, giải trí và tội lỗi rất gần và mong manh. Trong lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Theo giáo huấn luân lý của Giáo hội về việc uống rượu bia, ta áp dụng quy tắc như sau:
+ Nếu việc uống rượu không gây hại cho sức khoẻ và việc sử dụng lý trí, thì ta có thể dùng rượu cách chừng mực, tuỳ theo thời điểm, nơi chốn và tập quán nơi mình sinh sống;
+ Ngược lại, nếu vì uống rượu mà ta bị mất sức khoẻ, mất tự chủ và khả năng sử dụng lý trí, có nguy cơ trở thành nghiện ngập, thì buộc phải tránh. Đó là chưa kể đến việc vì say sưa mà người ta có thể đánh đạp vợ con, gây gổ với người khác, hoặc chạy xe quá tốc độ gây tai nạn chết người[5].

Hôm Tết vừa rồi, tôi có ngồi ăn cơm với đứa em họ. Nó nhắc tôi: “Anh uống được bao nhiêu thì uống chứ không việc gì phải cả nể. Chả lẽ cứ phải uống rượu mới nể nhau hay sao? Chẳng ai bóp miệng mình ra mà đổ rượu bia vào bao giờ, tự mình uống hết đấy chứ. Trước đây em cứ nghĩ phải uống để xây dựng tình cảm bạn bè và quan hệ đối tác… nhưng khi nghĩ lại thì không hoàn toàn thế”.

Tôi trầm ngâm ngồi nghe. Nó mới nói tiếp: “Say hay không là do mình hết anh ạ. Tửu lượng không nói lên đẳng cấp đâu. Hơn thua gì chén rượu cốc bia. Anh đừng nghe người khác ‘gáy’ mà nổi máu anh hùng. Chẳng may mình bị tai nạn chết người thì những thằng vừa nhiệt tình ‘ép’ mình uống trước đó, cùng lắm đến thắp cho được nén nhang rồi ra ngoài ngồi cười với nhau. Chấm hết. Tóm lại, chỉ thiệt mình thôi”.

Ngẫm lại, tôi thấy cũng đúng thật. Người ta thường nói “cái gì quá cũng không tốt”. Tôi xin bổ sung thêm, nhất là “quá chén”. Vui thôi, xin đừng vui quá! Có lẽ ngoài việc tìm hiểu những “phương pháp để uống rượu không say” hay “biện pháp giải rượu nhanh nhất” thì tôi và BẠN cũng nên học hỏi “nghệ thuật từ chối uống rượu”. Hơn nữa, điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 còn nghiêm cấm các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia nữa đấy nhé. Coi chừng: “rượu bất khả ép, ép mất cả… tiền” đấy.

Hãy là người biết sử dụng rượu bia “chừng mực” để có thể luôn giữ “đúng mực”, BẠN nhé!

Trở lại với câu chuyện cùng anh bạn sinh viên người Nhật. Ngay sau khi phát hiện ra “chân lý” về sự đa dạng quán xá ở Việt Nam, chúng tôi quyết định rủ nhau “đi nhậu” để ăn mừng. Tất nhiên là có sự tham gia của anh bạn người Nhật đó…

T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ

[1] Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, mục: Lịch sử thức uống có cồn.
[2] THANH PHƯƠNG, Phát hiện dấu tích của một quán bia 5.000 năm tuổi tại Iraq, theo Thông tấn xã Việt Nam (15/02/2023): https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/phat-hien-dau-tich-cua-mot-quan-bia-5000-nam-tuoi-tai-iraq-6584923.html
[3] x. Bài thơ “Thương tiến tửu” của Lý Bạch tại: https://tangthuquan.com/ngan/tho-thuong-tien-tuu-ly-bach.html/
[4] ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC – TỬ AN TRẦN LÊ NHÂN, Cổ học tinh hoa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2020, tr. 287.
[5] ĐỨC GIÁM MỤC MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, Luân lý Kitô giáo qua Mười điều răn – Quyển 2, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 180.