Bác Ái: Tháng bác ái huynh đệ

Tháng 7 hằng năm của truyền thống gia đình Đa Minh là tháng bác ái huynh đệ. Tất cả chúng ta đều là con của Chúa và là anh chị em với nhau trong Đức tin Công Giáo, đặc biệt đại gia đình Đa Minh luôn có sự cầu nguyện… mối hiệp thông, hiệp hành, gắn kết sâu sắc với từng thành viên của mỗi Liên Huynh, mỗi Huynh Đoàn, tinh thần bác ái của con cái Thánh Tổ Phụ Đa Minh luôn lan tỏa ở khắp mọi nơi, không phân biệt lương giáo, cụ thể như tại Nhà Thờ Mai Khôi, 43 Tú Xương Quận 3 Sài Gòn, do các Cha các Thầy Dòng Đa Minh quản Giáo xứ. Mấy năm trước lúc đang mùa đại dịch Covit, các Cha Đa Minh đã huy động được nhiều ân nhân để có nguồn lương thực khá đầy đủ, cung cấp đến các nơi bị phong tỏa cách ly, giúp cho những người dân nghèo không bị đói khổ…

Hiện tại cho đến năm nay 2023, Giáo xứ Mai Khôi, các Cha vẫn duy trì công tác bác ái rất tốt đẹp, cứ vào sáng thứ 7 hằng tuần là đội ngũ làm bác ái dưới sự phụ trách của Linh Mục Phanxicô X. Nguyễn Minh Nhật OP, đã tập trung tại đó, trước đấy họ chuẩn bị các phần quà, cơm bánh… từ ngày thứ sáu, để rồi sáng thứ bảy chuyển ra các bàn đặt gần cổng, rồi tới gần 11 giờ trưa khi các người lữ hành thuộc dân lao động nghèo, cỡ sáu trăm người đến xếp hàng để lần lượt nhận thực phẩm…, có ngày là cơm hộp ngon, có ngày khác thì gạo, mì, nhu yếu phẩm…

Những Huynh Đoàn Đa Minh trong  Giáo Phận Sài Gòn đã nhìn vào gương sáng thực thi bác ái của các Cha, các Thầy Dòng Đa Minh, nên anh chị em một cách trực tiếp hoặc gián tiếp cũng đã làm theo ở địa phương mình và những nơi khác khi được biết đến, cụ thể là đóng góp kinh tế và hằng tháng luân phiên nhau các Liên Huynh tổ chức đến thăm viếng, tặng quà cho nhà hưu dưỡng “Bác ái Vĩnh Lộc” trực thuộc của Dòng Đa Minh Giáo Phận Sài Gòn, mà các Soeur phụ trách chăm sóc các cụ già yếu, đau bệnh…

Người giáo dân Đa Minh luôn đề cao tinh thần sống bác ái theo gương Thánh Tổ Phụ Đa Minh, ngày xưa Khi Thánh Nhân chứng kiến những người đói khổ cùng cực, lúc mà Ngài chẳng còn lương thực và tiền để mua thức ăn cho họ, Cha Thánh đã hy sinh bán đi “Sách Thánh Kinh quý báu” để có tiền giúp họ vượt qua cơn bĩ cực. Thật vô cùng cảm động tấm lòng nhân ái của Cha Thánh Tổ Phụ Đa Minh rất kính yêu, Cha như chính hiện thân của Thiên Chúa tình yêu vậy.

https://hddmvn.net/thang-bac-ai-huynh-de/

Một lần sau khi hỏi thăm công việc mục vụ của cha tiền nhiệm giáo xứ tôi, hiện ngài đang chăm sóc tại một vùng ngoại biên cách giáo xứ cũ 700 cây số, thấy cha vất vả, tôi mong cha sớm được trở lại miền xuôi. Nghĩ vậy là đồng cảm, nhưng cha hỏi tôi vậy ai sẽ là người lên đây? Tôi im lặng không dám nói gì, nghe trong tim vọng lại câu hát ngày nào: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?” Ấy là cha chưa trách tôi như Chúa Giêsu quở trách thánh Phêrô thuở nào, khi ông bàn lùi con đường đi đến đau khổ.

“Hãy đến với vùng ngoại biên” là chủ đề của đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII. Đây cũng là đường hướng của Đức Thánh cha cho một Giáo hội hiệp hành. Ngày hôm nay người Kitô hữu được mời gọi hãy ra khỏi nơi mình đang sống, để vươn đến vùng ngoại biên xa xôi nghèo khó của bao người, đang cần đến sự giúp đỡ và chia sẻ của mình, theo nghĩa đen. Và chúng ta cũng được mời gọi hãy ra khỏi chính mình, để đến với bao mảnh đời bất hạnh ngay bên cạnh ta, để ta có thể an ủi động viên, chia sẻ, và cùng bước đi song hành với tất cả mọi người, theo nghĩa bóng. Như thế, chúng ta sẽ nêu gương Chúa Giêsu trong Tin Mừng, Đấng luôn rảo bước trên khắp vùng ngoại biên để đến với mọi người, loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa”.

Tôi thực sự là một người nghèo hèn thiếu sức, bình thường  chỉ nhận về đủ thứ trợ giúp từ người khác. Lần kia tôi gắng để giúp một bệnh nhân ung thư đang trong tiến trình xạ trị. Thấy vậy, con gái lớn của chị xúc động khóc nức nở. Chồng mới mất hơn năm, lúc này chị rất khó khăn để có thể tiếp tục chữa trị. Tôi chỉ có thể giúp chị “lót lá đỡ bỏng” một lần, rồi phần còn lại sẽ ra sao, còn cần nhiều người động lòng trắc ẩn nữa.

Giáo phận Hưng Hóa, miền thập tỉnh rộng lớn và đầy rẫy những “vùng ngoại biên” còn khốn khó gian nan, nằm rải rác trên các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai… Cha đặc trách giáo xứ Điện Biên cho tôi xem hình ảnh về những con đường gập ghềnh khó đi, mùa mưa bùn lầy lội ngập chân, lúc ấy chỉ còn mỗi cách đi bộ nhiều cây số. Tôi kêu vất vả cha liền hát vui: “Lạy Chúa, con đường này Chúa đã đi chưa? Con đường này Ngài đi thế nào?” Có khi cha phải đi cả trăm cây số đường rừng để đến dâng lễ cho một nhúm người. Những clip bữa ăn của các em nhỏ tại khu nhà nguyện, nhếch nhác đi bộ đến để tham dự thánh lễ Chúa nhật, rồi tiếp tục ở lại học giáo lý. Từ bé 2 tuổi trở lên tự ăn như chưa bao giờ được ăn, bên những phần cơm mẹ nấu xách theo từ sáng sớm. Cơm trắng chẳng thấy thức ăn gì, có những em bưng cơm đến bình nước lọc hứng nước lã chan cơm. Cha bảo nhìn chúng ăn mà ứa nước mắt. Thi thoảng có dịp cha về, tôi cũng góp phần tham gia chút chút tấm lòng gửi mấy đứa nhỏ, nhưng chỉ là muối bỏ bể, còn cần lắm thật nhiều những tấm lòng quảng đại sẻ chia. Cha quản xứ giáo xứ Điện Biên từng chia sẻ trong đại hội giới trẻ: “Có đêm tôi nằm nhìn lên trần nhà, nghĩ ngợi không biết lấy đâu ra mấy triệu để mai đóng học phí cho mấy em…” Có những hình ảnh cha khác ghé thăm bữa tối vài nhà, nhà nào cũng cơm canh vét sạch nồi niêu xoong chảo chẳng còn gì.

Dịp tháng hoa vừa rồi, cha phụ trách giáo xứ Mường La, thuộc tỉnh Sơn La dẫn các em H’mông nội trú, đi hơn 200 cây số về giáo xứ tôi dâng hoa, giao lưu hiệp hành. Các em thật xinh xắn dễ thương, múa dẻo, hát hay. Hôm nay các em mới được tham dự thánh lễ trong nhà thờ và rất đông người tham dự, vì bên đó không có nhà thờ, chỉ ít người trong nhà mượn của giáo dân. Cha cho biết các em này từ lớp 5, cái tuổi học sinh nếu là người Kinh còn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, nhưng các em đã phải tự lập vì đi học xa, như sinh viên lớn vậy. Các em đều xuất thân từ các gia đình vô cùng khó khăn về mọi phương diện. Cha cho tôi xem biết bao nhiêu hình ảnh về cuộc sống khổ cực nơi đây. Những đứa trẻ tuổi mầm non địu em vật vã, chơi trên nền đất. Các em nhỏ áo quần xộc lệch, nhếch nhác thi nhau hứng tay vào vòi nước công cộng, để rửa nhốm nhoám những khuôn mặt lấm lem trông thật tội nghiệp… Những chiếc xe honđa chỉ còn trơ lại bộ khung gắng trèo qua con đường nhầy nhụa sình lầy hoặc gập ghềnh sỏi đá… Những gian nhà bằng gỗ ván lụp xụp, hoang xơ, bên trong lũ trẻ ngơ ngác quanh bếp lửa tàn…

Thật cảm phục những Linh mục, tu sĩ đang “nhập cảnh”, phục vụ nơi vùng tây bắc xa xôi này. Chúa đã chúc lành cho những bước chân đi gieo Tin Mừng trên những vùng xa xôi hẻo lánh, Ngài làm trổ sinh nhiều hoa trái cho những “chỗ nước sâu” này. Bằng chứng là hằng năm có rất nhiều người trở lại đạo Công giáo, được lãnh bí tích Thánh Tẩy, có cả thầy cúng người dân tộc Thái.

Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40), xin Chúa ban cho các Linh mục, tu sĩ và các Kitô hữu nhiệt thành đến với anh chị em “vùng ngoại biên”. Để chúng con cùng hát lên từ trong đáy con tim: Này đây Chúa ơi con hiến dâng cho Ngài niềm tin tâm tư cùng trái tim nồng cháy. Từ đây hăng say theo bước chân của Ngài trung kiên làm chứng nhân Nước Trời, thắp lên hạnh phúc cho muôn người.” (Lm Nguyễn Duy).

Én Nhỏ

https://hddmvn.net/hay-den-voi-vung-ngoai-bien/

Phòng Tư vấn Sức khỏe – Caritas Hà Nội tổ chức khám bệnh và cấp thuốc từ thiện cho bà con dân tộc, không phân biệt tôn giáo tại Giáo xứ Mường Cắt, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chuyến thiện nguyện diễn ra vào thứ Bảy ngày 10/6/2023.

Mường Cắt là một trong những điểm truyền giáo thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, nằm sâu trong miền núi cao của tỉnh Hòa Bình, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu những khó khăn và ước vọng của người dân, Phòng Tư vấn Sức khỏe thuộc Caritas Hà Nội đã tổ chức thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân nơi đây.

Đồng hành trong chuyến thiện nguyện này có Cha Giám đốc Caritas, quý sơ, cùng các bác sĩ, dược sĩ và y tá đến từ các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn Hà Nội. Công ty thiết bị y tế Vietmed đã nhiệt tình hỗ trợ máy siêu âm, xe chụp X-quang lưu động và các thiết bị cùng đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp và tận tình. Bước chân của anh chị em thiện nguyện không mỏi mệt cho dầu phải trải qua một quãng đường dài, đồi núi quanh co. Chính “Tình yêu Đức Ki-tô đã thúc bách” và quy tụ những bước chân nhiệt thành ấy đi tới vùng ngoại biên, để mang tình yêu thương tới những người đang cần sự nâng đỡ.

Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con cơ hội được diễn tả tình yêu của Ngài qua những việc làm nhỏ bé. Xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng chúng con để mỗi bước chân chúng con đi luôn đong đầy tình Chúa và tình người.

Văn phòng Caritas
Tổng Giáo phận Hà Nội

Caritas Hà Nội tổ chức khám bệnh cho bà con dân tộc miền Hòa Bình