Cuộc Sống: Em Tôi Đi Học

Nhìn những em bé được bố mẹ chở đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho năm học mới lòng tôi không khỏi nhớ đến các em.

Trở về buôn làng vào những ngày cuối hè, tôi lấy “con ngựa sắt” chạy vào thăm các em. Tây Nguyên mùa mưa, mưa bất kể sáng chiều, không kể ngày chẵn hay ngày lẽ, trời đang nắng bỗng nhiên mây đến lại đổ mưa. Mưa ào ào, mưa xối xả, cơn mưa kèm gió lạnh cứ rít lên trên đoạn đường cao su vắng. Đường đi trơn trượt, chiếc xe phải gồng mình lắm với nhiều lần chao đảo, xiêu vẹo mới đến nơi.

Thấp thoáng xa xa, mấy đứa nhỏ đang tắm mưa, những giọt mưa nhỏ dần rồi chỉ còn lác đát vài hạt còn sót lại. Thấy xe tôi đến, các em chạy ào ra, miệng nhanh nhảu:

-“Dì ơi, Dì ơi…”!

-Con chào Dì, con chào Dì!

Vẫn khuôn mặt đó, ánh mắt đó, dáng người quen thuộc của em, nhưng hôm nay sao thấy em buồn buồn. Em không hồ hởi chạy ra đón tôi như mọi khi, nhưng từ từ đứng sau chúng bạn len lén nhìn tôi. Vào một gia đình gần đó, tôi nói các em chạy về thay bộ đồ rồi ra ngồi chơi với Dì. Những đôi chân vừa chạy vừa bấu thật chặt nhúm bùn dưới đất để khỏi ngã, nhìn vừa thương vừa xót.

Khoảng ít phút sau các em tìm đến, ngồi chen chúc nhau nơi mé hiên khô còn sót lại sau trận mưa. Tôi hỏi thăm các em trong tháng hè vừa rồi: đi lễ có đông đủ không? Có nhớ đọc kinh hằng ngày khi không có thánh lễ không? Bữa nay đi làm gì? Có phụ với ba mẹ việc gì không? Ngừng một lúc nghe các em trả lời, tôi hỏi: “Ma và Mị đã chuẩn bị sách vở cho chúng con đi học chưa?”, các em cười rồi nhìn tôi… Tôi đã hiểu!

Nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt các em dường như diễn tả sự vô tư, đơn sơ của tuổi thơ trước những khó khăn của cuộc sống mà các em đang dần đối diện. Em đến ngồi gần bên tôi nói nhỏ: “Em con sẽ đi học đó Dì”! Đáng lý ra đây phải là niềm vui lớn cho em và gia đình nhỏ của bốn mẹ con em. Nhưng, là chị cả của hai đứa em, có lẽ phần nào em cũng thấm và hiểu được nỗi vất vả của mẹ và sự khó khăn của gia đình. Một mình em đến lớp với biết bao chi phí phải lo: áo quần, sách vở, học phí, cặp xách… học đến kỳ một nhưng vẫn chưa đóng xong phí đầu năm, sách môn có môn không, đa phần phải mượn của nhà trường hoặc học ké với bạn. Bấy nhiêu điều em đã từng trải qua những năm đến lớp phần nào đã dần nhận ra thêm một người đến trường cũng là một mối lo cho mẹ em là lao động chính của gia đình.

Phần lớn việc học của các em sẽ được trợ giúp thêm từ phía nhà trường dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều ân nhân đã giúp đỡ một phần với dụng cụ học tập, áo quần. Tuy nhiên, nơi cánh đồng mênh mông của núi rừng này, bao nhiêu là đủ để dành cho các em một điều kiện tốt nhất có thể? Nhu cầu thì nhiều, nhưng sự đáp ứng không thể hoàn toàn. Chính vì thế, nhìn thấy sự lo lắng và những nhu cầu đó nơi các em, tôi thấy mình không thể làm gì cho các em hơn, ngoài việc trò chuyện, cùng chia sẻ và lắng nghe; để rồi tôi sẽ thưa với Chúa những ưu tư và thao thức đó, ước mong Chúa sẽ dẫn lối và ban sự bình an cho các em và gia đình.

Nhìn những em bé được bố mẹ chở đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho năm học mới lòng tôi không khỏi nhớ đến các em. Có một câu nói tôi đã từng nghe mà không rõ tác giả là ai: “Con người hơn nhau là ở điều kiện”! Nó có thể đúng hoặc không thích hợp trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ có ý chí mà thiếu môi trường và điều kiện làm phương tiện hỗ trợ, thì chưa chắc chúng ta đã thành công. Điều kiện không chỉ là vật chất, nhưng còn ở nhiều lĩnh vực và phương diện khác trong cuộc sống.

Được sống gần với các em trong các buôn làng, được đụng chạm đến những cảnh đời rất thật ấy, tôi chợt nhớ đến câu hỏi đặt ra cho Đức Thánh Cha tại Đại hội giới trẻ thế giới 2023: “Tại sao Đức Maria vội vã lên đường lại được chọn làm chủ đề cho Đại hội năm nay?”. Ngài trả lời rằng: Bởi vì ngay khi biết mình sẽ trở thành mẹ của Thiên Chúa, Đức Maria đã không ở đó để chụp ảnh tự sướng (selfie) hoặc khoe mẽ. Trái lại, việc đầu tiên Mẹ làm là vội vã lên đường để phục vụ, để giúp đỡ. Cũng vậy, các con cần phải học hỏi từ Mẹ để bắt đầu cuộc hành trình giúp đỡ người khác”.[1] Tôi đang được mời gọi hãy lên đường, không phải trong tâm thức của một người đi du lịch: ngắm cảnh, khám phá, tìm tòi những điều thú vị, hay ghi lại các khoảnh khắc thật bắt mắt và lạ kỳ qua những bức hình. Nhưng, tôi được mời gọi hãy ra đi, tìm đến với những ai cần được phục vụ, để giúp đỡ và lắng nghe, quan tâm và chia sẻ, cảm thông và yêu thương họ. Đặc biệt, với những khoảng thời gian được trầm lắng bên Chúa mỗi ngày, tôi ước ao bản thân sẽ là trung gian chuyển cầu những ưu tư, thao thức và nhu cầu của họ lên Chúa, và chính Chúa sẽ hành động.

Maria Như Ý (Khấn tạm), FMI

Nguồn: conducmevonhiem.org