6 thách thức của ngành giáo dục trong năm học mới
Thiếu giáo viên, khó dạy môn tích hợp, bạo lực học đường… là những thách thức trong năm học 2023-2024, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2023-2024 là năm học “bản lề” của quá trình đổi mới giáo dục ở phổ thông. 9 khối lớp sẽ được dạy theo chương trình mới, song song với thay sách giáo khoa. Còn ở đại học, học phí là câu chuyện khiến cả cơ sở đào tạo và người học đau đầu.
Thiếu giáo viên
Cả nước hiện có 1,23 triệu giáo viên, thiếu 118.200 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất – gần 52.000.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chính là số trẻ mầm non tăng mạnh, bậc tiểu học tăng tỷ lệ học hai buổi trên ngày, THPT tăng số lớp, chương trình 2018 có nhiều môn học mới. Tuy nhiên, năm học qua có hơn 10.000 giáo viên nghỉ hưu, gần 9.300 người bỏ việc.
Thiếu giáo viên nhưng ngành không có nguồn để tuyển. Năm học 2022-2023, các địa phương được giao bổ sung 27.850 người nhưng chỉ tuyển được hơn 17.000. Nhiều người nhìn nhận nghề giáo không còn hấp dẫn do áp lực cao nhưng thu nhập chưa tương xứng.
Trả lời VnExpress trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển giáo viên theo chuẩn cũ, tức chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng để dạy tiểu học, THCS, thay vì phải tốt nghiệp đại học như quy định của Luật giáo dục. Những giáo viên này sau đó phải nâng cao trình độ để đạt chuẩn.
“Đây được coi là giải pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học, Ngoại ngữ”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM còn đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp. Như tại Hà Nội, mỗi năm số học sinh tăng khoảng 50.000-60.000, tương ứng 30-40 trường học nhưng nội thành “không còn đất”, xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.
Tại TP HCM, học sinh ở mỗi độ tuổi tăng 10.000-15.000 mỗi năm, riêng lớp 6 năm nay tăng 42.000 khiến các trường THCS quá tải. Địa phương này dự tính đến năm 2025 cần bổ sung gần 8.900 phòng học.
Rối ren dạy tích hợp
Theo chương trình mới, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp. Môn này chỉ cần một giáo viên đảm nhận nhưng hiện các ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chưa có sinh viên tốt nghiệp.
Vì vậy, để dạy tích hợp, các trường thường bố trí giáo viên dạy các bài học theo thứ tự trong sách, hoặc gom tất cả bài học của từng môn, dạy xong môn này mới tới môn khác. Bản chất vẫn là giáo viên môn nào dạy môn đó.
Họ phải học 20-36 tín chỉ (thường trong khoảng 6 tháng) để lấy chứng chỉ dạy môn Khoa học Tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý. Nhiều người cho rằng việc này chưa đủ để họ tự tin đứng lớp. Hơn nữa, các bài học trong sách được ghép một cách cơ học. Vì vậy, dù đã trải qua hai năm, hiệu quả dạy tích hợp chưa đạt mục tiêu của chương trình.
Hồi giữa tháng 8, Bộ trưởng Sơn thừa nhận dạy tích hợp là là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là “điểm vướng, nghẽn, khó”. Ông cho biết “khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS”.
Tuy chưa có phương án cụ thể, nhiều người lo nếu quay về dạy đơn môn như cũ sẽ ảnh hướng tới tổng thể chương trình mới, còn nếu tiếp tục thì gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò.
Có cần một bộ sách giáo khoa của nhà nước?
Từ năm học 2020-2021, khi chương trình mới được áp dụng, việc thay sách được thực hiện song song với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản. Chủ trương này được nêu trong Nghị quyết 88 cuối năm 2014 của Quốc hội.
Đến nay, 6 nhà xuất bản, ba công ty cổ phần tham gia biên soạn, phát hành sách. Ba bộ sách được phê duyệt gồm “Cánh Diều”, “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Năm học này, 9 khối lớp học theo sách mới và tất cả khối lớp sẽ học theo sách mới từ năm sau.
Đầu tháng 8, Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa. Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định việc không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nguy cơ gây rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ cần chung tay trong việc đưa ra giải pháp giảm giá thành sách giáo khoa hay tránh lãng phí sách.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị xem xét kỹ vì quay lại dùng một bộ sách sẽ khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém. Với 12 triệu học sinh và 9 khối lớp học sách giáo khoa mới, ước tính xã hội đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trước cuối năm nay.
Hồi giữa tháng 3, Bộ lấy ý kiến về phương án có 6 môn thi, gồm bốn môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử) và hai môn lựa chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Tuy nhiên, hiện các Sở Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu lấy ý kiến giáo viên về hai phương án. Phương án 1, học sinh thi 4 môn bắt buộc và hai môn tự chọn như trên. Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn (trong 8 môn, gồm cả Lịch sử).
Một số giáo viên cho rằng phương án 1 hợp lý hơn bởi Lịch sử đã trở thành môn bắt buộc. Nếu không thi môn này, nguy cơ học sinh bỏ bê môn Sử. Tuy nhiên, nhiều giáo viên khác cho rằng chỉ nên thi ba môn bắt buộc nhằm giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế, cho rằng nếu đưa Sử là môn thi bắt buộc sẽ tạo sự mất cân bằng trong các môn thi tốt nghiệp và thiệt thòi cho những học sinh có định hướng theo khoa học tự nhiên.
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi, việc tuyển sinh đại học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do đó, giáo viên và học sinh đều mong ngóng phương án cuối cùng để có kế hoạch ôn tập sớm.
Đảm bảo an toàn trường học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối. Năm 2022, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành, có 384 vụ bạo lực học đường xảy ra. Bộ đánh giá con số thực tế lớn hơn rất nhiều với ít nhất gần 7.100 người có nguy cơ liên quan. Bộ đang rà soát để làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học để giảm tình trạng này.
Ngoài ra, Bộ Công an cho biết mặc dù học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật chỉ chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, con số này lại có xu hướng tăng với khoảng 30% mỗi năm.
Trong sáu nhóm vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục tập trung tháo gỡ, hai vấn đề đầu tiên là kiên quyết không để ma túy, tệ nạn xã hội vào nhà trường, xâm hại sức khỏe đạo đức, nhân cách người học và khắc phục tình trạng bạo lực, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.
Học phí đại học
Sau ba năm giữ nguyên, năm nay nhiều trường đưa ra mức học phí tăng mạnh, căn cứ vào nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, trần học phí với các trường chưa tự chủ là 1,35-2,76 triệu đồng một tháng, gấp hai lần mức cũ (0,98-1,43 triệu đồng). Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần (2,7-6,9 triệu đồng). Với chương trình đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí.
Tuy nhiên, việc này chưa nhận được sự đồng thuận. Sau các chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi một số điều của nghị định. Học phí đại học năm học tới có thể vẫn tăng nhưng lùi một năm so với lộ trình ban đầu, tức mức trần là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng.
Dù tăng hay không, học phí đại học vẫn là nỗi lo của nhiều gia đình sau hai năm đại dịch Covid-19. Trong khi đó, “nồi cơm” của nhiều trường lại phụ thuộc vào học phí, chiếm 50-90% tổng nguồn thu. Nếu không tăng, các trường khó đầu tư cho nhân lực, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng, cũng khó hỗ trợ cho người học.
Dương Tâm – Thanh Hằng
Nguồn: https://vnexpress.net/
http://donggioanthienchua.net/6-thach-thuc-cua-nganh-giao-duc-trong-nam-hoc-moi.html